Thích Giác Thành Chùa Hói – Linh Ứng, xã Gia Khánh, huyện Gia Lộc, Hải Dương
Chùa Liên Phái vốn là Liên Tông, thời Thiệu Trị trở đi mới gọi là Liên Phái hay Liên Tôn một danh lam thắng tích chốn Thiền môn, đóa sen hương ngát giữa lòng Thủ đô. Văn bia tại Chùa cho biết: 蓮 派 而 極 世 界 花 藏 莊 嚴 、 誠 所 謂 名 藍 相 勝 者 焉 Chùa Liên Phái là nơi thế giới hoa tạng cực lạc trang nghiêm, xứng đáng gọi là một danh lam thắng cảnh vậy. Điều này hầu như ai cũng biết đến. Tuy nhiên, lịch sử hình thành và người sáng lập ngôi chùa hết sức đặc biệt thì ít người có đủ thông tin.
Bản tự con may mắn có được túc duyên đảnh lễ Cứu Sinh tháp tại chùa Hàm Long và trước chân tượng Ngài cùng 2 tấm biển (Cao Thiền Viên Giác) dựng trước nhang án. Xúc động trước tấm lòng từ bi và tinh thần trác việt bậc Thượng sĩ. Lại một may mắn nữa là được tiếp cận một số tư liệu xưa về Tổ và chùa Liên Phái. Nhân hội thảo khoa học kỷ niệm ngày Tổ thị tịch, chúng con xin được trình bày một vài vấn đề liên quan đến Thánh Tổ và ngôi chùa Ngài sáng lập:
- Ngự chế thiền điển thống yếu kế đăng lục (Kế đăng lục), sách này vốn do Sa môn Như Sơn ở chùa Hồng Phúc soạn khắc vào năm Giáp Dần thời Lê, sau được Hòa thượng Phúc Điền soạn tiếp và cho khắc. Tiếp đó Tổ sư chùa Yên Ninh phó cho Tổ sư chùa Thiên Minh khắc. Tổ sư chùa Thiên Minh (Tịch Phổ Thích Thân Thân Luật sư) khắc chưa được bao thì tịch, lại phó cho môn đồ. Từ mùa Đông năm Bính Ngọ đến mùa Đông năm Đinh Mùi niên hiệu Duy Tân nguyên niên 1907, đệ tử Trưởng tọa Tổ chùa Thiên Minh- trụ trì chùa Nguyệt Quang tự Phổ Thận thì khắc xong.
- Cung lục Cứu Sinh Trịnh Thánh tổ sự tích 恭錄救生鄭聖祖事蹟”, kí hiệu A. 2103, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
- Thiền môn tu trì kinh chú luật nghi (TMTTKCLN) in năm Thiệu Trị thứ 4 (1844), do Bồ Sơn Đại Giác Thiền tự Đao điệp Phúc Điền Hòa thượng biên tập.
- Đại Nam thiền uyển kế đăng lược lục (Kế đăng lược lục) kí hiệu Vhv.9.
- Văn bia “Gia phổ bi ký” hiện còn tại chùa Liên Phái.
- Văn bia Cung lục cứu sinh Trịnh Thánh Tổ sự tích, bia tại chùa Hàm Long.
1. Hành trạng Tổ khai sơn trong sách Kế đăng lục
Truyền đăng tổ đời thứ bảy mươi lăm, Viện Ly Trần - chùa Liên Tông Hà Nội, Như Trừng Lân Giác Thượng sĩ là thủy tổ khai sơn đời thứ nhất. Ngài nguyên quán tỉnh Thanh Hóa, người núi Vĩnh Sóc, họ Trịnh, tên là Thập, là con của Tấn Quang Vương, mẹ họ Vũ, bà mang thai đủ tháng thì sinh ra ngài, nhằm giờ Dậu ngày 5 tháng 5 năm Bính Tý năm Chính Hòa thứ mười bảy (1696). Trên trán ngài có sừng hình chữ nhật. Vua Hi Tông nghe thấy việc ấy, mới đem vị công chúa thứ tư của mình gả cho. Tuy ngài ở trong sự vinh hoa của phủ tía, mà lòng lại gửi ở cảnh giới giác ngộ. Khi ấy tư dinh ngài có cung thất riêng ở phường Bạch Mai, huyện Thọ Xương. Một khu ao vườn sáu mẫu, vườn sau có một gò đất, cao trừng bảy tám thước. Một hôm ngài lệnh cho quân gia đào gò đất ấy xuống dưới đáy thật sâu, tạo thành một cái như bể [1] để thả cá vàng. Bỗng nhiên thấy một ngó sen lớn, quân gia trình sự việc ấy lên ngài, ngài cho rằng đó là điềm báo xuất gia. Nhân điềm lành ngó sen ấy, mà ngài chuyển nhà thành chùa, đặt tên là Liên Tông, viện là Ly Trần, biệt lập với thôn phường, từ đây ngài dốc chí tham thiền. Một hôm Sư dâng sớ xin được bỏ tục xuất gia, và được ưng chỉ. Ngay ngày hôm ấy ngài thẳng đến chùa Long Động ở núi Yên Tử - Đông Triều, đảnh lễ hòa thượng Chính Giác- Chân Nguyên. Lúc này tổ Chính Giác đã 80 tuổi, Tổ bảo ngài:
Duyên lớn xưa gặp gỡ, sao đến muộn vậy ?
Duyên thầy được gặp lúc đến sẽ đi.
Tổ Chính Giác bảo: Trùng hưng Phật Tổ trông cậy ở mình ngươi.
Từ ngày đây, Sư ngày đêm nghiên cứu Tam tạng, mọi chỗ đều thông suốt.
Một hôm, Sư đầy đủ uy nghi lên xin Tổ Chánh Giác thụ giới cụ túc.
Không lâu sau năm ngài 37 tuổi, ngài bảo chúng:
- Giờ qui tây của ta sắp đến. Ta đắc pháp nơi Hòa thượng Chân Nguyên.
Lại bảo:
Thân khổ tứ đại đâu thể giữ lâu.
Bèn ngoảnh mặt về phía Tây mà an tọa.
Phó chúc cho Hòa thượng Tính Tuyền rằng:
Vốn từ không gốc
Từ không mà đến
Lại từ không mà đi
Ta vốn không đến đi
Tử sinh làm gì lụy.
Nói xong, Sư ngồi an nhiên mặt hướng về phía Tây niệm Phật rồi thị tịch. Năm ấy nhằm niên hiệu Long Đức thứ hai (1733). Đồ chúng xây tháp tô tượng thờ ngài ở ba nơi.
Bình nhật Sư khai hóa chùa Hộ Quốc ở phường An Xá tại bản huyện. Sau lại chọn được núi Dạm (Lãm Sơn) ở Quế Dương tỉnh Bắc Ninh xây dựng ngôi đại già lam chùa tên là Hàm Long. Xuống dòng chi tả Bảo Sơn đệ tử Tính Dược trụ trì chùa Liên Tông, Chi hữu Tịnh Minh Tính Nghiễn trụ trì chùa Hàm Long. Truyền xuống đời thứ 3 là Vũ Hoa tổ sư, truyền xuống đời thứ 4 là Chính Trí Tịch Dự Tổ sư, truyền đến đời thứ 5 là Chính Tâm đại sư, truyền đến đời thứ 6 là Chân Không Phổ Toán Đại sư, truyền đến đời thứ 7 là Tì khiêu Thông Vinh Đại sư, Đại sư Vinh quê quán người Nhân Kiệt, Hải Dương, đồng chân xuất gia, lúc đầu đến cầu Hòa thượng chùa Hàm Long xin xuống tóc, khi lớn cầu thụ giới cụ túc với Hòa thượng Phúc Điền, Đại sư Vinh sửa sang tu bổ các tòa Phạn vũ, môn đồ mỗi người khai hóa đạo mạch một phương. Ngài để lại bài kệ dặn dò rằng:
Tâm không cảnh lặng: vượt cõi Thánh, phàm,
Lòng sinh ý nhiễm: vạn mối rối ren.
Các pháp của trời, người hết thảy trong đó,
Ta người một thể, vốn cùng một tâm.
2. Hành trạng Tổ khai sơn qua văn bia Gia phổ chùa Liên Phái
Văn bia này chúng tôi chỉ trích đoạn liên quan đến Tổ khai sơn.
“河 東 蓮 派 古 號 蓮 宗 寺 , 創 立 自 黎 朝 裕 宗 年 間 , 開 山 第 一 救 生 上 士 姓 鄭 名 拾 , 係 鄭 晋 光 王 子, 下 二 傳 姓 泉 和 尚, 下 三 傳 寶 山 姓 爚 和 尚 , 下 四 傳 慈 風 海 烱 祖 師 , 下 五 傳 真 寂 , 下 六 傳 密 因 福 田 和 尚 , 下 二 傳 頭 陀 監 院, 寔 為 柒 代, 下 八 代 我 尊 師 碧 潭 初 祖 太 平 舒 池 德 協 社 人 裴 姓 也 : 家 世 詩 書 , 簪 纓 閥 閱 , 取 青 拾 芥 之 懷 , 覺 世 無 常 而 撫 , 流 派 浮 雲 世 事 注 意 色 空. 冠 歲 出 家 , 投 于 春 育 禪 師, 祝 髮 参 禪 恰 歲, 于 靈 光 戒 珠 濟 美 師 係 靈 光 法 派 與 通 全 長 座 伯 仲 為 靈 光 第 四 世 人 也 , 師 受 命 蓮 派 從 此 而 匡 徒 領 眾 會 下 僧 尼 無 數 .且 又: 剪 荊 棘 而 大 道 平 , 披 雲 霧 而 昏 衢泂、 輝 煌 梵 宇、 燦 爛 蓮 臺、 祖 道 重 興 , 禪 燈 再 炤. 名 公 題 墨 、 鬰 為 勝 觀 寔 為 蓮 宗 中 興 之.
Chùa Liên Phái ở Hà Đông, xưa có hiệu là chùa Liên Tông, sáng lập từ đời vua Lê Dụ Tông, vị khai sơn đệ nhất là Cứu Sinh Thượng Sĩ họ Trịnh tên Thập, vốn là con của Trịnh Tấn Quang Vương, truyền xuống đời thứ hai là Tính Tuyền Hòa thượng, truyền xuống đời thứ ba là Bảo Sơn Tính Dược Hoà thượng, truyền xuống đời thứ tư là Từ Phong Hải Quýnh Tổ sư, truyền xuống đời thứ năm là Chân Tịch, truyền xuống đời thứ sáu là Mật Nhân Phúc Điền Hoà thượng, truyền xuống đời sau là Đầu Đà Giám Viện thực ra là đời thứ bảy. Xuống đến đời thứ tám tức thầy tôi là sơ tổ Bích Đàm, ngài họ Bùi, xã Đức Hiệp, huyện Thư Trì, tỉnh Thái Bình, Gia thế thi thư, vốn là nhà trâm anh quyền quý, giữ lòng thanh bạch, được dạy bảo. Thế sự vốn vô thường, tựa như mây nổi, để tâm nghiên cứu sắc –không, Đến tuổi thành đinh thì xuất gia với Tổ sư Xuân Dục, tham thiền vấn gốc, đến khi đủ tuổi thụ giới với Tổ Linh Quang (chùa Bà Đá), người kết bạn đồng kiến đồng hạnh với Trưởng tọa Thông Toàn, người là đời thứ tư tổ đình Linh Quang. Từ khi người nhận lời khuông đồ lãnh chúng chùa Liên Phái, tăng ni vân tập trở về đông đúc. Lại phạt cỏ gai mở đường phẳng lớn, vén mây mù mà sáng tỏ đường mê. Sửa sang chùa cảnh, tô sáng bệ sen, tổ đạo được trùng hưng, đèn thiền lại tỏa sáng, tên tuổi ngài sáng mãi, thực ra ngài là bậc trung hưng chốn tổ Liên Tông rực rỡ trở lại […].
3. Hành trạng Tổ khai sơn qua văn bia Cung lục cứu sinh Trịnh Thánh Tổ sự tích chùa Hàm Long
Bài văn bia này đã được tác giả Nguyễn Quang Khải in trong sách Chùa Hàm Long. Tuy nhiên, bài văn bia có nhiều chỗ tác giả đã dịch thiếu. Phần văn tế cũng chưa có trong bản dịch. Vì vậy, chúng tôi xin cung cấp thêm bản chữ Hán và dịch lại để làm tư liệu tham khảo cho hội thảo.
Nguyên văn chữ Hán
恭錄救生鄭聖祖事蹟
鄭和尚諱如如,釋澂澂,號麟角,永福槊山人,姓鄭名拾,黎朝參宰進光王第十一子.初父夜夢青衣老人與一童子歡喜受之.母武氏遂有娠,滿月而生.當正和十七年丙子五月初五日酉時,額有日角,貌偉不群.年七歲,父捐塵,蒙仁聖王保養,及長,容顏壯偉,器度豁如,講讀孝經,尤精詩易.熙宗皇帝聞之,妻以第四公主.和尚雖身居榮寵,而心厭俗情,常太息曰:一家(飽煖)千家怨,半世功名百世衍,浮生幾何, 想軒冕如牢籠, 等金珠瓦礫,回視世間,真同夢事.由是而蔬食布衣,決志長往,辰有香和尚聞其風雅見重,送好生錄一卷,和尚閱之,纔覺振起,主上亦為之開悟.家雖膏梁,而廚無殺物,池悉種蓮,值有祭祀,則賃屠兒代宰,和尚未出家,辰於安舍坊創護國寺,又鑄明空立像一尊, 恭迎于普賴山祝聖寺奉事.
丙午年定啟出家,登安子山龍洞寺,頂禮竹林慧燈正覺和尚真源和尚,哀求濟度,二和尚與語以為頓悟心經,深器之,遂卜於五月十一日,庚子辰授記,命名如如,盡將八字打開,兼受蓮花一朶,纔霑法乳,便覺甘深,已而拜別回京,跪啟削髮之原根.
主上未有納意,和尚固謝,折帶掛冠,披緇落髮.主上大怒雷霆叱叱,和尚一念歡喜,國宰夫人曰:此為法修身,不意上干聖怒,我亦為之怖恐,和尚曰:訥孫平生志在忘身.故視生死四大如脫弊履耳.已而主上差官接回本营,和尚又啟辞軍社民錄,主上納啟,頒每仝年冬夏錢叁百餘緡,米七百鉢,以為供需,和尚感謝,自念無功,亦霑徼倖,乃請建寺於本營,辰有蓮花一穗化生,應佛心宗之兆,因額曰蓮宗寺,又目為離塵院.初出家演十戒,表安息惡行慈悲之念,次演在家五戒,明仁義禮智信之常,探教者莫不望洋. 戊申夏安居祖向西發救生十願,瀝血書寫誦持,期以化度功圓,真為救生菩薩,辰人聞名莫不尊敬,弟子從之日眾. 辰又雲遊佛跡山萬福寺,得祖師袈裟法跡,
因結盧寺傍脈山之下,蓋以坐福德向延年,合謙卦, 目曰: 撝謙庵,并有題詠一篇,其略云:吾何愛, 愛惟謙, 深奧處,真箇庵,真箇味,真箇地山謙, 和尚一以金剛為心,故留不壞之體也.龍德元年,壬子二月望,和尚自佛跡回端坐西向,頻傾右脇而化,門人啟於主上,迎回京師,刻像跌坐三尊,太妃出幣頒賜慈母及門人,建塔以寧舍利于蓮宗龍頷二寺, (詳在別錄),是年五月日,主上敕封為高禪圓覺和尚.今本寺有石塔, 救生咒, 稔著靈應。聖祖寶誕二月十五日祭文。敬田處所並禮節開列寂祭文。
維皇朝號…………[2]歲次…………二月建………朔……越十五日……武江縣山南總山陽社太保村鄭耆職色,村長仝上下等。
鄭救生王菩薩,諱拾,字麟角,號如如,釋澂澂,高禪圓覺和尚大慧禪師,敕封救生聖祖翊保中興尊神.
位前曰: 誕生日必告禮也.恭惟:聖祖系傳玉譜,秀出金枝,蓮花應兆,龍頷修持,善行十願,果滿六暮,歷朝敕命,世界歸依,救生德廣度兒,恩施靈咒赫赫,石塔巍巍,佛前證卍,民後追思,敬田有置,錄跡有碑,民不忘也.則祀之.
敬既聖父參宰上相公,追封晉光王,諡明度府君.聖母侍內宮嬪尚文,封贈尚和武氏,號妙炳,尊靈同鑒格.
一: 敬田處所:秋田在馬達處一所,一高十尺,依處四所相連柒高,核積處貳所,參高拾尺,共壹畝貳高.夏田一所在核[]處捌高, 依處一所弍高共壹畝, 共秋夏田貳畝貳高。田由寺主耕作遞年先寶誕三日寺主充辨銀數貳拾五元交鄉老整辨禮物至诞日民旗鼓衣[]奉迎禮品向祖堂設祭畢表寺主仝民[][][][][][3].
寫文員及祭員存仝民均分受福. 這禮追思祖德最為隆重, 民後遵例奉行, 不得以年之豐凶增減, 若後何人用情牽事且廢, 具有三寶證明, 鬼神炤鋻. 茲盟誓詞.
保大三年歲次戊辰二月初六日
Tạm dịch[4]:
Cung kính ghi chép sự tích của Thánh Tổ cứu sinh họ Trịnh
Trịnh Hòa thượng tên húy là Như Như, Thích Trừng Trừng, hiệu là Lân Giác, người Sóc Sơn Vĩnh Phúc, họ Trịnh tên Thập, là con thứ 11 của Tham tể Tiến Quang Vương triều Lê[5]. Buổi đầu cha ngài nằm mơ có cụ già áo xanh và một đồng tử vui mừng trao cho ngài, mẹ là bà họ Vũ liền có thai, đến khi đủ tháng mà sinh ra ngài. Lúc đó là vào giờ Dậu ngày 5 tháng 5 năm Bính Tí niên hiệu Chính Hòa thứ 17 (1696), trên trán ngài có cái sừng, tướng mạo ngài kì vĩ không phải hạng bình thường. Năm ngài lên 7 tuổi, cha bỏ cõi đời, ngài được Nhân Thánh vương (Trịnh Cương) nuôi nấng, đến khi trưởng thành, ngài dung nhan khỏe khoắn là bậc kì vĩ, đủ tài phong độ mà rộng lượng, đọc giảng Hiếu kinh, am tường kinh Thi, kinh Dịch. Hy Tông hoàng đế nghe được chuyện đó, đem công chúa thứ tư gả cho ngài. Ngài tuy sống trong sự vinh hoa sủng ái mà lòng lại chán tình cảm thế tục, thường than thở rằng: Một nhà ấm no ngàn nhà ai oán, công danh nửa đời trăm đời tội lỗi, hà cớ gì ở cõi phù sinh, nghĩ đến quan cao chức trọng tù túng như sống trong lồng muông thú, kim tiền châu báu cũng chỉ như ngói đá, ngoảnh nhìn thế gian thật như việc trong giấc mộng. Vì vậy mà Ngài chỉ ăn rau cỏ mặc áo vải thô, quyết chí lánh đời ẩn cư, lúc này có vị Hòa thượng tên Hương nghe tiếng ngài là người phong nhã nên rất xem trọng nên đã tặng cho ngài một quyển “Hiếu sinh lục”, Ngài đọc cuốn sách đó, mới thấy phấn chấn và tỉnh ngộ, chúa thượng vì thế mà cũng được khai ngộ. Nhà ngài tuy có cao lương mà dưới bếp không giết muông thú, ao đã trồng hết sen, gặp ngày có tế lễ thì thuê người giết thịt thay [người nhà]. Lúc ngài chưa xuất gia, còn ở phường Yên Xá đã xây chùa Hộ Quốc, lại đúc tượng Minh Không, kính cẩn rước về chùa Chúc Thánh núi Phả Lại để phụng thờ.
Năm Bính Ngọ ngài định liệu xin xuất gia, lên núi Yên Tử chùa Long Động đảnh lễ Hòa thượng Chánh Giác Chân Nguyên pháp danh Tuệ Đăng của phái Trúc Lâm tha thiết thỉnh cầu để được tế độ, hai vị Hòa thượng (Tổ Chân Nguyên và Thượng) cùng trò chuyện với nhau [Hòa thượng Chân Nguyên] cho rằng ngài đã đốn ngộ và lòng đã hiểu về bảo khí, bèn chọn ngày 11 tháng 5, giờ Canh Tí ngài được truyền tâm ấn, đặt tên là Như Như, khi tám chữ đã thông suốt (ưng vô sở trụ nhi sinh kì tâm – Không dựa vào đâu dễ thấy tâm Phật), lại được nhận một đóa hoa sen, mới thấm nhuần Phật pháp, nhân đó mà hiểu được sâu sắc, ngài bái biệt Hòa thượng trở về kinh, quỳ tâu rõ nguyên căn mà xuống tóc.
Chúa thượng không đồng ý, Hòa thượng nhất quyết từ chối, bẻ đai thắt lưng, treo mũ, khoác áo thâm mà xuống tóc. Chúa thượng cả giận la hét như sấm dậy, [mặc dù vậy] ngài (không giận) một lòng cũng hoan hỷ, phu nhân tể tướng (bà nội của Trịnh Thập) nói: đây là phép tu thân, không ngờ thánh thượng tức giận, cũng vì vậy mà ngay cả ta cũng sợ hãi, ngài nói: đứa cháu ngu si này lúc sống chí để ở ngoài thân. Cho nên xem việc sống chết như bốn việc lớn, như cởi bỏ được đôi dày rách vậy. Mà chúa thượng sai quan đón về bản doanh, ngài lại xin rời khỏi quân ngũ bàn giao lại trích lục sổ sách cho chùa thượng, chúa thượng mới đồng ý, ban cho mỗi năm mùa đông, mùa hè hơn 300 sâu tiền, hơn 700 bát gạo để cúng làm nhu yếu phẩm, ngài cảm ơn và tự nghĩ mình không có công lao, coi đó làm điều may mắn, bèn xin xây chùa ở trong dinh của mình, lúc [đào xuống] có một bông hoa sen đã hóa sinh ứng với việc điềm lành trong lòng Phật, vì vậy mà trên biển ngạch đề “Liên Tông tự - chùa Liên Tông”, lại gọi là Ly Trần viện. Lúc ngài mới xuất gia ngài thực hành thập giới, thường tâm niệm làm những điều từ bi, không làm điều ác, lại quyết tâm thực hành về ngũ giới cho những người tại gia để làm sáng tỏ những điều nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Việc tìm hiểu cũng không thấy mơ hồ.
Mùa Hạ an cư năm Mậu Thân (1728), ngài hướng về phía Tây phát tâm viết kinh “Thập nguyện cứu sinh” liền lấy máu viết ra để tụng trì. Đến khi xét thấy đã đến kỳ hóa độ, công quả đã viên mãn, thật là vị Bồ tát cứu sinh. Lúc này mọi người nghe tên ngài không ai không tôn kính, đệ tử theo ngài ngày càng đông, ngài lại vân du chùa Vạn Phúc trên núi Phật Tích, ngài được pháp tích Cà Sa của Tổ sư, vì vậy mà kết cỏ làm am dưới chân mạch núi cạnh chùa. Dựng am tọa phúc đức hướng diên niên, hợp với quẻ Khiêm[6] nên gọi là: Huy Khiêm am, và cũng có đề vịnh một thiên thơ rằng, sơ lược rằng: ta yêu cái gì, yêu mỗi sự khiêm nhường, nơi sâu sắc, thật là âm, thật là mùi, thật là núi đất khiêm, Hòa thượng lấy thập nguyện bền chắc như kim cương của Bồ tát. Cho nên lưu giữ được thể mà không bị hư hoại.
Ngày 15 tháng 2 năm Nhâm Tý niên hiệu Long Đức nguyên niên (1732), ngài từ núi Phật Tích trở về am Đoan Khiêm mặt hướng về phía Tây, nghiêng về bên phải sườn mà hóa. Người trong môn phái tâu lên chúa thượng. Chúa thượng cho rước di hài về Kinh sư, khắc tượng ngài theo hình thức tam tôn. Thái phi ban phát tiền cho từ mẫu của Hòa thượng và người trong môn phái dựng tháp để đặt xá lỵ ở hai chùa Liên Tôn và chùa Hàm Long (đã ghi chép rõ ở chỗ khác). Cũng vào ngày tháng 5 năm đó, chúa thượng ban sắc phong cho Hòa thượng là “Cao Thiền Viên Giác Hòa thượng”. Ngày nay bản tự có tháp đá, chú cứu sinh niệm cầu thì rất linh ứng.
Bài văn tế Thánh tổ ngày mất ngày 15 tháng 2. Các ruộng kính điền các nơi và lễ tiết kê khai ở trong bài văn tế.
Duy Hoàng triều hiệu là: ………….tuế thứ……nhị nguyệt kiến….sóc…việt thập ngũ nhật . Toàn thể trên dưới thôn trưởng, chức sắc trong họ Trịnh thôn Thái Bảo, xã Sơn Dương, tổng Sơn Nam, huyện Võ Giàng.
Trịnh Cứu Sinh vương Bồ Tát, tên húy là Thập, tự là Lân Giác, hiệu là Như Như, Thích Trừng Trừng, Cao Thiền Viên Giác Hòa thượng Đại tuệ Thiền sư, được ban sắc phong là Cứu Sinh Thánh tổ Dực bảo trung hưng tôn thần.
Trước bàn thờ rằng: ngày đản sinh ắt là có lễ cáo. Kính nghĩ: Thánh Tổ truyền ngọc phả, xuất thân dòng dõi cành vàng, ứng với điềm tốt hoa sen, Hàm Long giữ giới, khéo làm 10 nguyện, phúc quả tròn đầy, trải qua các triều đại đều ban sắc mệnh, quy y thế giới, Cứu sinh đức rộng, ban ơn linh chú rõ rệt, tháp đá sừng sững, trước là Phật chứng, sau được dân nhớ ơn, đặt ruộng kính lễ, ghi lại sự tích vào bia đá, để dân không quên mà phụng thờ ngài.
Kính dâng Thánh phụ Tham tể Thượng tướng công, truy phong Tấn Quang Vương, thụy là Minh Độ phủ quân. Thánh mẫu là Thị Nội cung tần, còn sắc văn phong tặng Hòa thượng Vũ Thị hiệu là Diệu Bỉnh, linh hồn cùng soi xét cảm cách.
- Ruộng cúng tam bảo: 1 thửa ruộng thu điền ở xứ Mả Đạt, 1 sào mười thước, 4 thửa liền nhau 7 sào, 2 thửa ở xứ Cây Tích 3 sào 10 thước, tổng cộng 1 mẫu 2 sào. Hạ điền 1 thửa 8 sào ở xứ Cây [], xứ ấy có 1 thửa 2 sào, tổng cộng 1 mẫu, cộng cả thu điền và hạ điền là 2 mẫu 2 sào, ruộng do chùa canh tác, hàng năm trước ngày đản sinh 3 hôm, chùa phải chuẩn bị đủ 15 nguyên giao cho các cụ trong làng để sắm sửa lễ vật , đến ngày đản sinh, dân chúng cờ trống rước lễ vật đến nhà thờ tổ để làm lễ, lễ xong kính biếu chùa và toàn dân [][][], những người viết văn và những người tế lễ cùng dân chúng chia đều thụ phúc . Lễ này nhằm nhớ tới đức của tổ rất chi là long trọng, sau này người dân tuân theo lệ đó mà phụng thờ tổ chức lễ, không kể năm được mùa hay mất mùa mà tăng giảm, nếu như người nào vướng mắc việc gì mà bỏ, đều có Tam bảo chứng minh, quỷ thần soi xét. Nay lập lời minh thệ.
Ngày 6 tháng 2 năm Mậu Thìn niên hiệu Bảo Đại thứ 3 (1927)
4. Hành trạng Tổ khai sơn qua một số văn bản khác
Cứu Sinh Thánh tổ tên là Trịnh Thập con của Tấn Quang Vương, sinh ngày mùng 5 tháng 5 năm Bính Tý nhằm niên hiệu Chính Hòa thứ mười bảy (1696, tịch năm 1733).
- Sách Thiền môn tu trì kinh chú luật nghi cho biết: 第十五世鱗角上士傳法偈, 法性本空, 言辞相 ?, 能所雙忘, 如如證佛. Thượng sĩ Lân Giác đời thứ 15 truyền pháp kệ: pháp tính vốn không, bặt không ngôn từ, năng sở đều qua, Như Như đắc Phật.
- Theo Kế đăng lược lục tờ 14A Chùa Long Động núi Yên Tử khai sơn thủy tổ là Tuệ Hải Tịch Lãng tổ sư, truyền đến đời thứ 2 là Tuệ Minh tổ sư, truyền đến đời thứ 3 là Tuệ Quang tổ sư, truyền đời thứ 4 là Chân Trú tổ sư, truyền đời thứ 5 là Chân Nguyên tổ sư, truyền đời thứ 6 là Lân Giác Thượng sĩ, truyền đến đời thứ 7 là Tăng Chính Tính Đường tổ sư, truyền đến đời thứ 8 là Tuệ Nhãn Hải Khâm đại sư […]
- Cũng theo sách Kế đăng lược lục tờ số 13B và mục Phật tổ kế đăng lục trong sách Thiền môn tu trì kinh chú luật nghi đều chép việc Hòa thượng Chân Nguyên truyền pháp kệ cho Thượng sĩ Lân Giác: […] 時龍洞會中, 宗風大振. 鱗角上士, 投機頂禮求進具戒事清未久祖告疾. 祖謂鱗角上士曰: 吾得法於明良和尚, 今當付汝傳法偈與蓮花一朶云: 顯赫分明十二時. 此之自性任施為, 六根運用真常見, 萬法縱橫正徧知. 言安座面西念佛而往. 時祖八十二歲. 大眾建塔像香燈奉事在本寺黎永祐間.
Lúc gặp ở trong chùa Long Động, tông phong rất phát triển, Thượng sĩ Lân Giác đến đảnh lễ để được nhận làm lễ cụ giới, việc xong chưa lâu thì Tổ Chân Nguyên mắc bệnh. Tổ bảo với Thượng sĩ Lân Giác rằng: Ta đắc pháp ở Hòa thượng Minh Lương, nay phó ngươi pháp kệ và một bông sen, Kệ rằng:
Rõ ràng sáng rõ mười hai thì Tự tính vô công khắp hiện bày Sáu căn vận dụng chân thường thấy Vạn pháp tung hoành chính biến tri.
Nói xong an tọa mặt hướng về Tây niệm Phật rồi vãng. Lúc này tổ 82 tuổi[7], chúng Tăng xây tháp tượng hương đèn phụng thờ ở trong bản tự, lúc này là thời Vĩnh Hựu đời Lê.
- Sách Thiền môn tu trì kinh chú luật nghi cho biết “Thượng sĩ Như Như Lân Giác là tổ đời thứ 4 của phái Lâm Tế. Như Như Lân Giác được Chân Nguyên Chính Giác hòa thượng tổ đời thứ 3 truyền cho”.
5. Việc truyền đăng của phái Liên Tông
Việc truyền đăng của phái Liên Tông được ghi chép qua văn bia gia phả tại chùa Liên Phái và sách (TMTTKCLN) và (Kế đăng lược lục), (Kế đăng lục). Qua ghi chép của Bồ Sơn Đại Giác Thiền tự Phúc Điền Hòa thượng về việc kế đăng các đời của chùa chưa có sự thống nhất về thứ tự các đời. Tuy nhiên, có thể khẳng định Tổ khai sơn chùa Liên Phái là Như Trừng Lân Giác Thượng sĩ. Chùa Liên Tông viện Ly Trần thuộc tỉnh Hà Nội, tổ khai sơn là Như Như Lân Giác thượng sĩ truyền pháp phái Lâm Tế là đời thứ nhất. Trải qua các giai đoạn khác nhau việc truyền đăng của dòng Liên Tông bắt đầu từ Thượng sĩ Lân Giác[8]. Từ chùa Liên Phái đến chùa Hàm Long và chùa Hộ Quốc. Trải qua thời gian việc truyền đăng và xây dựng thêm các chi thuộc phái Liên Tông ngày càng rực rỡ.
- Phái Lâm tế do Hòa thượng Chuyết Công truyền pháp phái của Lâm Tế làm đời thứ nhất, truyền xuống đời thứ 2 là Kim Cương Minh Lương Tổ sư ở chùa Phùa Lãng Bắc Ninh, truyền xuống đời thứ 3 là Chân Nguyên Hòa thượng chùa Lân Động tỉnh Hải Dương, truyền xuống đến đời thứ 4 là Như Như Lân Giác Thượng sĩ chùa Liên Tông, Hà Nội, truyền đến đời thứ 5 là Lưỡng quốc Hòa thượng Tính Tuyền Đỗ Đa Tổ sư, truyền đến đời thứ 6 là Hải Thư Tổ sư chùa Tam Huyền Sùng Phúc, truyền đời thứ 7 là Ân tứ Đao điệp Tịch Tính Hòa thượng, truyền đời thứ 8 là Trí Điển Thiền sư chùa Bằng Liệt.
- Trong phần Bản quốc lịch đại tổ sư truyền đăng nhị phái 本國歷代祖師傳燈二派đã ghi lại chi tiết tên tuổi các thiền sư kế đăng các đời theo chi phái. Từ Thượng sĩ Thủy tổ Như Như Lân Giác.
Truyền đời thứ 2 là Bảo Sơn Tính Dược Hòa thượng
Truyền đời thứ 3 là Từ Phong Hải Quýnh Tổ sư
Truyền đời thứ 4 là Kim Sơn Tịch Truyền Thiền sư
Truyền đời thứ 5 là Tường Quang Chiếu Khoan Thiền sư
Truyền đời thứ 6 là Phổ Hiểu Thiền sư
Truyền đời thứ 7 là Thiền sư Từ Tính Giám tự chùa Phú Nhi thuộc tỉnh Sơn Tây
Truyền đời thứ 8 là Hữu giám tự chùa Phú Nhi pháp danh là Chỉ Nam Thiền sư
Truyền đời thứ 9: (trong sách chưa chép)
Như vậy, theo ghi chép của Thiền môn tu trì kinh chú luật nghi Viện Ly Trần chùa Liên Tông truyền đến đời thứ 8.
- Bản Đại Nam thiền uyển kế đăng lược lục kí hiệu Vhv.9, mục chùa Liên Tông Hà Nội
Tổ khai sơn đời thứ nhất là Cứu Sinh Thượng sĩ
Đời thứ 2 là Tính Tuyền Hòa thượng
Đời thứ 3 là Bảo Sơn Tính Dược
Đời thứ 4 là Từ Phong Hải Quýnh Tổ sư
Đời thứ 5 là Chân Như Tịch Thị Đại sư, ngài người Hoa Trang, Sài Sơn, Sơn Tây, họ Nguyễn.
Đối với chùa Hàm Long cũng được Kế đăng lược lục chép:
北寧覽陽山[9]含龍寺開山始祖鱗角上士,下二傳凈明性嵃祖師, 下三傳雨花祖師,下四傳正智寂譽大師, 下五傳正心大師, 下六傳真空忠直普筭大師, 下七傳比丘法名通榮貫海陽省唐安仁傑人, 青年出世投含龍寺頂禮真空普筭, 願為佛種子, 六年荷坦[10]常住功務, 長成求福田和尚, 求進具戒, 住持含龍寺, 舊有諸祖寶塔, 五十頂, 通修各座梵宇, 門徒七人, 各居一方, 開化道脈.[tờ 23b]
Thủy tổ khai sơn chùa Hàm Long ở Lãm Sơn huyện Quế Dương tỉnh Bắc Ninh là Lân Giác Thượng sĩ, truyền xuống đời thứ 2 là Tịnh Minh Tính Nghiễn Tổ sư, truyền xuống đời thứ 3 là Vũ Hoa Tổ sư, truyền xuống đời thứ 4 là Chính Trí Tịch Dự Đại sư, truyền xuống đời thứ 5 là Chính Tâm Đại sư, truyền xuống đời thứ 6 là Chân Không Trung Trực Phổ Toán Đại sư, truyền xuống đời thứ 7 là Tỉ khiêu pháp danh là Thông Vinh quê ở làng Nhân Kiệt, huyện Đường An tỉnh Hải Dương (nay thuộc tỉnh Hưng Yên), Xuất gia ở tuổi thanh niên làm đệ tử Phật với Tổ Chân Không Phổ Toán chùa Hàm Long sáu năm gánh vác công việc Tam Bảo, khi trưởng thành cầu thụ giới cụ túc với Hòa thượng Phúc Điền (tức là giới tử của Hòa thượng Phúc Điền) rồi kế đăng Thầy trụ trì chùa Hàm Long, còn có sửa sang tu bổ 50 tháp của chư tổ và các tòa nhà của chùa, môn đồ có 7 người, môn đồ mỗi người khai hóa đạo mạch một phương.
Theo sách Kế đăng lược lục cho biết: Tổ khai sơn chùa Đại Bi là Tế Sinh Từ Hòa Tính Quát Hòa thượng, ngài quê Phú Lai huyện Thanh Miện, Hải Dương, 22 tuổi xuất gia và đến đảnh lễ với Thượng sĩ ở chùa Liên Tông mong được xuất thế. Như vậy là tổ khai sơn chùa Đại Bi cũng được Thượng sĩ truyền pháp giới cho.
Kế đăng lược lục khi chép về phần truyền đăng của phái Yên Tử cũng đã cho biết:
Chân Nguyên Chính Giác Hòa thượng tổ đời thứ 3 chùa Long Động núi Yên Tử, truyền xuống đời thứ 4 là Như Trừng Thượng sĩ chùa Liên Tông, truyền xuống đời thứ 5 là Tam Huyền Môn Trạc Công Tính Tuyền Hòa thượng, truyền xuống đời thứ 6 là Từ Phong Hải Quýnh Tổ sư, truyền xuống đời thứ 7 là Kim Sơn Tịch Truyền Đại sư, truyền xuống đời thứ 8 là Tường Quang Chiếu Khoan Đại sư, truyền xuống đời thứ 9 là Hùng Vương Sơn Phổ Tính Đại sư.
Sự phát triển của phái Liên Tông còn truyền đăng cho Ni sư. Theo sách Thiền môn tu trì kinh chú luật nghi cho biết chi thứ của Tổ sư Từ Phong phái Liên Tông ở chùa Phúc Thung xã Nam Xá, Hà Nội là Đại Tì khâu ni pháp danh là Diệu Nhẫn. Từ chi thứ ở chùa Phúc Xuân đã phát triển thêm được ra rất nhiều nơi ở chùa Sài Sơn Động Tiên ở Sơn Tây, Tây Hồ Địa Linh Tự.
Ngoài ra theo ghi chép trong Thiền môn tu trì kinh chú luật nghi từ tờ 101-102 là ghi chép truyền đăng của các chi và một số chùa truyền đăng thuộc phái Liên Tông[11]
Chùa Hộ Quốc ở Hà Nội
Chùa Đồng Văn ở Hà Nội (nay thuộc Hà Nam)
Chùa Tiêu Sơn Thiên Tâm ở Bắc Ninh
Chùa Đại Vũ Sơn Đống Cao
Chùa Hoa Lâm ở Khê Hồi (Hà Nội)
Chùa Long Đọi Sơn (nay thuộc Hà Nam)
Chùa Thọ Nghi
Chùa Phù Ninh ở Bắc Ninh
Chùa Đại Giác ở Bồ Sơn tỉnh Bắc Ninh
Chùa Liên Trì Hải Hội ở phố Tràng Tiền Hà Nội
Chùa Cổ Bi
Chùa Thịnh Quang Sở
Chùa La Phù
Chùa Phật Tích
Chùa Hương Nghĩa…
Như vậy, có thể nhận thấy tông môn Liên Phái phát triển rất mạnh mẽ cả Tăng phái lẫn Ni bộ.
6. Một số tác phẩm của chùa Liên Phái và Thượng sĩ Lân Giác
Từng nổi danh là chốn tổ khắc ván in kinh có tiếng trong lịch sử, lịch đại trụ trì, và tông môn đã có những đóng góp cụ thể cho việc ấn tống và san kinh như:
Lời tựa Dược Sư kinh xếp có 2 dị bản có đóng dấu triện đề Lân Giác sa môn và Thích Như Như ấn: Căn cứ vào chữ Vĩnh trong niên hiệu Vĩnh Hựu, ở hai văn bản có khác nhau về tự dạng. Điều này giả thuyết có thể có 2 bộ ván khắc.
(ảnh: 2 văn bản kinh xếp Dược sư do tổ viết lời tựa)
1. Pháp hoa kinh xếp (Hà Nội tỉnh Thọ Xương huyện Bạch Mai phường Liên Phái tự tang bản dĩ hiểu hậu ấn)
(ảnh: bộ kinh xếp Pháp Hoa tàng bản tại chùa Liên Phái)
2. Hành trì tập yếu chư nghi, mục Thập giới quốc âm, bản in tại chùa Yên Ninh Hải Dương năm Tự Đức thứ 36 (1883) do Sa môn Phổ Tiến Thanh Lịch trụ trì chùa Trăm Gian Hải Dương soạn, trong sách có in Thập giới quốc âm do Lân Giác sa di Như Như phiên dịch.
3. Thủy lục chư khoa tàng bản tại chùa Hồng Phúc (Hòe Nhai), tổ đình phái Tào Động khắc lại năm Đồng Khánh thứ 2 và bản khắc tại chùa Phù Lãng núi Côn Cương tổ đình phái Lâm Tế khắc năm Thành Thái thứ 6 (1905). Trong đó tổng hợp 36 khoa, Khoa đầu Nghênh sư duyệt định khoa do Trúc Lâm Tuệ Đăng Hòa thượng Chân Nguyên diệu soạn. Khoa cuối cùng trong sách Thủy lục chư khoa là Mãn tán tạ quá nghi do Lân Giác Tang môn Như Như soạn[12].
Ngoài những kinh sách do chùa Liên Phái tàng bản và tổ chức in kinh tại chùa, thì còn có những đóng góp gián tiếp bằng tịnh tài của các cá nhân thuộc tông môn Liên Phái, đơn cử như Sa môn Thanh Bích cúng để in bộ Tạp tiếu công văn yếu tập.
Qua một số tư liệu chúng ta thấy: Như Trừng Lân Giác Thượng sĩ là con Vương cháu Chúa nhà Trịnh, Phò mã Hoàng thất vua Lê là người siêu việt, vì thế mà khi Tổ Chân Nguyên 80 tuổi đệ tử tự pháp của ngài cũng nhiều nhưng Tổ Chân Nguyên lại quyết định truyền pháp kệ cho Như Trừng Lân Giác Thượng sĩ và phó chúc ngài là kế đăng đời thứ 6 của chùa Long Động núi Yên Tử và là đời thứ 15 của phái Lâm Tế. Trong sách Phật tổ Chân Tông Lục in vào Lê Triều Vĩnh Thịnh thứ 6 (1710), pháp tử pháp tôn tự pháp của ngài Chân Nguyên đã có các đệ tử nối pháp, trong khi Thượng sĩ chưa xuất gia. Hòa thượng Chân Nguyên mang y bát của Thiền phái Trúc Lâm lại đắc pháp với Hòa thượng Minh Lương (Tôn Nghiêm Mãn Giác Hòa thượng) – đệ tử của Chuyết Công Hòa thượng (phái Lâm Tế) cho nên Tổ Như Trừng là người kế thừa tông phái Trúc Lâm Lâm Tế.
(ảnh: sách Phật tổ chân tông lục)
Mặc dù từ lúc xuất gia đến khi thị tịch trong khoảng 7 năm, nhưng Tổ Trừng Lân Giác Thượng sĩ cũng đã để lại một vài tác phẩm hiện còn lưu hành ở đời như Thập nguyện cứu sinh; Thập giới quốc âm (phiên dịch ra chữ Nôm) kinh Dược sư (viết lời tựa), khoa cúng tổ Chân Nguyên, Tì ni nhật dụng lục (khảo chứng); Chư kinh nhật tụng (hiệu chính), Từ bi thủy sám khai pháp (hiệu đính), Bát nhã Ba La Mật tâm kinh chú giải hội biên (hội biên).
Có thể nói tổ Như Trừng Lân Giác có công lao to lớn trong việc khai sơn chùa Liên Tông viện Ly Trần nói riêng và Phật giáo nước nhà nói chung.
Thích Giác Thành Chùa Hói – Linh Ứng, xã Gia Khánh, huyện Gia Lộc, Hải Dương ***[1] Nguyên văn là hạc hải: nghĩa là biển khô, biển cạn. [2] Chỗ ….là để trống để điền niên hiệu, năm, tháng. [3] Văn bia mờ không rõ chữ [4] Bài viết dung lượng hơi dài nên chúng tôi xin không phiên âm Hán Việt [5] Theo sách Khâm Định Việt sử thông giám cương mục cho biết con trai Trịnh Bính là Trịnh Cương khi lên ngôi liền tiến phong cho ông nội là Vĩnh tước Lương mục vương và cha là Bính tước Tấn Quang Vương. [6] Quẻ Khiêm là quẻ thứ 15 trong kinh dịch. Trên là đất, dưới là núi. Núi cao, đất thấp, núi chịu ở dưới đất là cái tượng nhún nhường. Khiêm hạ. Vì vậy mà được hanh thông. Quẻ này chỉ có mỗi một hào dương, dùng nó làm chủ quẻ. Thoán truyện bàn thêm: Khiêm là đạo của trời, đất và người . Trời có đức khiêm vì ở trên đi xuống chỗ thấp mà sáng tỏ; đất có đức khiêm vì chịu ở dưới mà đi lên. Đạo trời, cái gì đầy thì làm cho khuyết đi, cái gì thấp kém (khiêm) thì bù đắp cho (Thiên đạo khuy doanh nhi ích khiêm). Đạo đất, đạo quỉ thần cũng vậy. Còn đạo người thì ghét kẻ đầy, tức sự kiêu căng thỏa mãn, mà thích kẻ khiêm tốn (Nhân đạo ố doanh nhi hiếu khiêm). Hễ khiêm thì ở địa vị cao mà đạo càng sáng, ở địa vị thấp mà chẳng ai vượt mình được. Đại tượng truyện. Khuyên người quân tử nên bớt chốn nhiều, bù chốn ít, để cho sự vật được cân xứng, quân bình. [7] Một số văn bản khác chép là năm 80 tuổi thì Hòa thượng Chân Nguyên tịch [8] Theo tác giả Trần Việt Ngữ trong bài viết Chùa Liên Phái đăng trên tạp chí Phật Học, … chỉ trong thời gian ngắn thiền phái Liên Tông đã phát triển rộng rãi ở miền Bắc nước ta tới 12 chi. [9] Chỗ này sách viết thiếu chữ Quế và sai trật tự, phải là Bắc Ninh Quế Dương Lãm Sơn [10] Văn bản chỗ này khắc nhầm担 thành chữ 坦 [11] Vì dung lượng bài viết có hạn, do đó Tên các trụ trì được truyền đăng thuộc các chi khác nhau của phái LiênTông xin xem trong phụ lục ảnh đính kèm [12] Như vậy có thể nhận thấy nhiều khoa cúng cũng do các Sư tự biên soạn và lưu hành rộng rãi trong các chùa
Bình luận (0)