Tác giả: Thích Hữu Đạt Chùa Bửu Sơn, số 24 Xóm Vôi, Phường 14, Quận 5, Tp.HCM
1.1. Khái niệm Nghiệp trong Bà-la-môn giáo
1.1.1. Vệ-đà (S. Veda, H. 吠陀)
Vệ-đà (S. Veda, H. 吠陀) là bộ kinh điển quan trọng và cơ bản nhất của Bà La Môn giáo (S. Brahmanism, H. 婆罗门教) và Ấn Độ giáo (S. Hinduism, H. 印度教). “Veda” có nghĩa là những “tri thức” hay “khải thị” (H. 啟示) tức những lời mách bảo, chỉ dẫn sáng suốt.[1] Trong kinh phần lớn là những bản tụng nhằm ca ngợi các vị thần, như thần lửa, thần núi, thần sông... và sự mầu nhiệm của sự sống trong vũ trụ.
Phần kinh điển Vệ-đà (S. Veda, H. 吠陀) bao gồm 4 bộ: Lê-câu-vệ-đà (S. ṛgveda, A. Rig Veda, H. 梨俱吠陀), Dạ-nhu-vệ-đà (S. Yajurveda, A. Yajur Veda, H. 夜柔吠陀), Sa-ma-vệ-đà (S. Sāmaveda, A. Sama Veda, H. 娑摩吠陀) và A-thát-bà-vệ-đà (S. Atharvavedaḥ, A. Atharva Veda, H. 阿闥婆吠陀), trong đó được ca tụng và biết đến nhiều nhất đó là Lê-câu-vệ-đà (S. ṛgveda, A. Rig Veda, H. 梨俱吠陀). Giới nghiên cứu cho rằng Lê-câu-vệ-đà (S. ṛgveda, A. Rig Veda, H. 梨俱吠陀), Dạ-nhu-vệ-đà (S. Yajurveda, A. Yajur Veda, H. 夜柔吠陀), Sa-ma-vệ-đà (S. Sāmaveda, A. Sama Veda, H. 娑摩吠陀) là những phiên bản gốc, còn A-thát-bà-vệ-đà (S. Atharvavedaḥ, A. Atharva Veda, H. 阿闥婆吠陀) được thêm vào thời gian sau này. Mỗi tác phẩm Vệ Đà được chia thành ba phần: Samhitas (S. Saṃhitā), Brahmanas (S. Brāhmaṇam) và Aranyakas (S. Āraṇyaka). Áo-nghĩa thư (S. Upaniṣad, H. 奧義書) vốn chứa đựng nhiều lĩnh vực triết lý, được hình thành ở phần cuối của Vệ-đà (S. Veda, H. 吠陀), tức Aranyakas (S. Āraṇyaka).[2] Trong số bốn tác phẩm Vệ-đà (S. Veda, H. 吠陀), thì Lê-câu-vệ-đà (S. ṛgveda, A. Rig Veda, H. 梨俱吠陀) được ca tụng và biết đến nhiều nhất vì có thẩm quyền và giá trị văn học hơn cả.
Lê-câu-vệ-đà (S. ṛgveda, A. Rig Veda, H. 梨俱吠陀) đó là “kiến thức của sự dâng nguyện” hay như thường được định nghĩa trong từ điển đó là “Vệ-đà của sự nguyện cầu”,[3] gồm gần 10 quyển, với 1028 bài thánh ca, hay bài hát ca tụng, xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ XV đến thế kỷ thứ X trước Công nguyên, cũng thuộc vào thời kỳ của đế chế Paurava.[4] Với mục đích nhằm hạn chế việc cúng tế quá rườm rà bằng việc soạn ra những bản thánh ca có vần điệu để hát kèm với âm nhạc để ca ngợi các vị thần.
Mặc dù, trong các truyền thống tôn giáo Ấn Độ cổ như: Ấn-độ giáo, Phật giáo, Kỳ-na giáo (S. Jainadharma, H. 耆那教) có những nền tảng tư tưởng chung nhưng vẫn còn nhiều lý giải về tư tưởng nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) gặp phải mâu thuẫn và khác nhau, kể cả trong các hệ tư tưởng truyền thống của Vệ-đà (S. Veda, H. 吠陀) như: Chính Lý Phái (S. Nyāya, H. 正理派), Thắng Luận (S. Vaisheshika, H. 勝論), Số Luận (S. Samkhya, H. 數論), Du-già (S. Yoga, H. 瑜伽), Di-man-tha (S. Mīmāṃsā, H. 彌曼差) và Phệ-đàn-đa (S. Vedānta, H. 吠檀多).
Minh chứng đó là sự xuất hiện của thuật ngữ nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) với mức độ thường xuyên trong các bộ luận giải về tư tưởng triết học và tôn giáo Ấn Độ. Thế nhưng, các nhà nghiên cứu ngôn ngữ vẫn cho rằng phải rất khó khăn để tìm thấy sự tương đồng về mặt nội hàm ý nghĩa trong truyền thống tôn giáo Vệ-đà (S. Veda, H. 吠陀) cổ đại với sự tin tưởng về nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) báo, như được hiểu trong thời kỳ Phật giáo và Kỳ-na giáo (S. Jainadharma, H. 耆那教) xuất hiện, mặc dù từ “Karman” cũng được tìm thấy xuất hiện nhiều lần trong các Vệ-đà (S. Veda, H. 吠陀).[5]
Điểm cơ bản đầu tiên trong thuyết nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) cùa Bà La Môn giáo (S. Brahmanism, H. 婆罗门教) được nói đến trong phần “Rta” thuộc Lê-câu-vệ-đà (S. ṛgveda, A. Rig Veda, H. 梨俱吠陀). Về mặt nghĩa đen, “Rta” đó là quy luật trong quá trình của vũ trụ và vạn vật. Từ này cũng được sử dụng để biểu thị như một trật tự trong thế giới đạo đức và lẽ phải,[6] nghĩa là mọi hành động tốt hay xấu của một cá thể đều do chính cái “Rta” này chi phối. Vì thế mà trong tư tưởng Ấn Độ, người ta tin tưởng rằng đây là quy luật về nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) và quy luật này nó lan tỏa khắp vũ trụ. Với mong muốn mang lại một kết quả tương lai tốt đẹp, con người đều phải tuân thủ theo các quy chuẩn đạo đức, quy luật xã hội cũng như nghi thức tế thần..., mọi hành động trong lễ tế thần phải tuân thủ các quy luật của “Rta”.
Xuất phát từ truyền thống tín ngưỡng chỉ thuần túy về việc tế lễ, hành vi tế tự không chỉ cốt làm hài lòng thần linh để được ban thưởng; mà nó còn mang cả ý nghĩa vũ trụ luận. Cho nên, thuật ngữ nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) xuất hiện trong Lê-câu-vệ-đà (S. ṛgveda, A. Rig Veda, H. 梨俱吠陀) được xem như là hành vi của tế tự, những phẩm vật dùng để hiến tế phải được bố trí theo quy tắc nhất định, đồng thời lời tán tụng phải chính xác; với mong muốn tạo ra một nguồn năng lực và nguồn năng lực ấy khiến các thần linh xuất hiện. Trong truyền thống tôn giáo Vệ-đà (S. Veda, H. 吠陀), sự sáng tạo vũ trụ phải được tìm thấy trong ý nghĩa hành vi tế tự, tin tưởng rằng tính thiêng liêng của hành vi tế tự luôn tồn tại vĩnh cữu như các Thánh ngữ Vệ-đà (S. Veda, H. 吠陀), không có sự bắt đầu và cũng không bao giờ kết thúc. Cho nên, “quy luật Karman chính là quy luật vũ trụ”.[7]
Theo những gì được đề cập trong Lê-câu-vệ-đà (S. ṛgveda, A. Rig Veda, H. 梨俱吠陀), tế thần được tin là một hình thức của nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業), cái đem lại những kết quả như trông đợi nếu hành động được thực hiện một cách thích hợp. Khi hành lễ tế thần, người ta phải tuân thủ từng bước một cách tuyệt đối. Thậm chí những sai khác trong từng chi tiết nhỏ nhặt lúc hành lễ cũng đủ làm hỏng tất cả khóa lễ tế thần. Nhưng nếu lễ tế thần được thực hiện một cách thích hợp, kết quả tốt đẹp và được trông đợi chắc chắn sẽ xảy ra. Không ai hay bất cứ điều gì có thể ngăn cản được. Hay nói cách khác, người ta tin chắc rằng tế thần được thực hiện theo giáo lý Vệ-đà (S. Veda, H. 吠陀) tạo ra nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) tốt đẹp và nghiệp này sẽ đem lại kết quả như ý.
Như vậy, thuật ngữ “nghiệp” (S. Karma, P. Kamma, H. 業) được dùng trong các kinh điển Vệ-đà (S. Veda, H. 吠陀) bao gồm ở cả hai phương diện: nhân sinh quan và vũ trụ luận. Về nhân sinh quan, nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) được hiểu như sự chi phối đến hành vi tốt hay xấu đối với người làm; còn về ý nghĩa vũ trụ luận, đó là quy luật điều hành vũ trụ.
1.1.2. Phạm thư (S. Brāhmaṇa, H. 梵書)
Phạm thư (S. Brāhmaṇa, H. 梵書) đó là một tài liệu văn hiến tôn giáo của Ấn Độ cổ đại. Tên của nó bắt nguồn từ gốc “Bṛh”, nghĩa là phát triển và sự thay đổi lớn. Được xem cùng nguồn gốc với từ Bà-la-môn (S. Brāhmaṇa, H. 婆羅門) và Phạm-thiên (S. Brahmā, H. 梵天).[8]
Theo truyền thống, Phạm thư (S. Brāhmaṇa, H. 梵書) là bộ sách giải thích thánh điển của Bà-la-môn giáo (S. Brāhmaṇa, H. 婆羅門教), được coi là một phần của thánh điển Vệ-đà (S. Veda, H. 吠陀). Theo “Phật Quang Đại Từ Điển”, Phạm thư (S. Brāhmaṇa, H. 梵書) được giải thích thành 2 phần nghĩa rộng và nghĩa hẹp khác nhau. Đối với phần nghĩa rộng Phạm thư (S. Brāhmaṇa, H. 梵書) bao gồm các qui định về cách thực hành nghi thức cúng tế, hoặc giải thích ý nghĩa của các bài ca tán, các lời tế, thuyết minh nguồn gốc và nghĩa sâu xa của sự cúng tế. Nội dung của Phạm thư (nghĩa rộng) (S. Brāhmaṇa, H. 梵書) lại được chia làm 3 phần: Phạm thư (nghĩa hẹp) (S. Brāhmaṇa, H. 梵書); Sâm lâm thư (S. Àraịyaka, H. 森林书) và Áo nghĩa thư (S. Upaniṣad, H. 奧義書). Trong đó, Phạm thư (nghĩa hẹp) (S. Brāhmaṇa, H. 梵書) cũng lại chia làm 2 phần là: “Nghi quỹ” và “Thích nghĩa”. “Nghi quỹ” bao gồm những qui định theo trình tự của sự cúng tế và cách sử dụng các bài ca tán; còn “Thích nghĩa” thì giải thích ý nghĩa các bài ca tán, nguồn gốc và ý nghĩa của sự cúng tế cũng như nguồn gốc của các lời tế... . Sâm lâm thư (S. Àraịyaka, H. 森林书) và Áo nghĩa thư (S. Upaniṣad, H. 奧義書) thì chủ yếu cùng khảo xét về ý nghĩa của việc cúng tế và đời sống con người, cho nên rất chú trọng phương diện lí luận. Còn Phạm thư (S. Brāhmaṇa, H. 梵書) được viết theo hình thức văn xuôi, trong sách sử dụng rất nhiều thần thoại và truyền thuyết. Về niên đại thành lập Phạm thư (S. Brāhmaṇa, H. 梵書) thì ước chừng vào khoảng 1.000 đến 600 năm trước Tây lịch, tức là khoảng thời gian mà trung tâm văn hóa của người Aryans từ lưu vực sông Ấn độ dời về phía đông đến đồng bằng sông Hằng. Đây là sản phẩm của thời kì mà hệ thống nghi thức cúng tế phức tạp của Vệ-đà (S. Veda, H. 吠陀) được chỉnh lí hoàn bị. Phạm thư (S. Brāhmaṇa, H. 梵書) có thể là sách về thần học, nhưng đồng thời cũng là tư liệu quí giá để tìm hiểu các vấn đề của xã hội Ấn độ đương thời. Phạm thư (S. Brāhmaṇa, H. 梵書) hiện chỉ còn lưu giữ được 14 bộ: thuộc về Lê-câu-vệ-đà (S. ṛgveda, A. Rig Veda, H. 梨俱吠陀) có 2 bộ; thuộc về Sa-ma-vệ-đà (S. Sāmaveda, A. Sama Veda, H. 娑摩吠陀) có 9 bộ; thuộc về Dạ-nhu-vệ-đà (S. Yajurveda, A. Yajur Veda, H. 夜柔吠陀) phân thành Bạch-dạ-nhu-vệ-đà (S. Shukla Yajurveda, H. 白夜柔吠陀) và Hắc-dạ-nhu-vệ-đà (S. Krishna Yajurveda, H. 黑夜柔吠陀), trong đó Hắc-dạ-nhu-vệ-đà (S. Krishna Yajurveda, H. 黑夜柔吠陀) lại phân thành 4 bộ nhỏ; còn A-thát-bà-vệ-đà (S. Atharvavedaḥ, A. Atharva Veda, H. 阿闥婆吠陀) thì có 1 bộ.[9]
Phạm thư (S. Brāhmaṇa, H. 梵書) phần lớn là nói về thần thoại, kể về các câu chuyện, bàn luận những lễ nghi tỉ mỉ, mở rộng đến cả nguồn gốc vũ trụ, vì vậy nội dung của nó rất phức tạp. Vốn là một dạng văn học đặc biệt khác lạ, được viết băng văn xuôi, giải thích các ý nghĩa linh thiêng trong các nghi lễ khác nhau nhằm phát triển các lý giải mang tính thần luận. Những tác phẩm này, đầy những quyết đoán về các giáo điều, những biểu tượng kỳ lạ và suy đoán về một sự tưởng tượng không giới hạn trong lĩnh vực hiến tế rất chi li. Nếu ở thời kỳ Rig Veda (S. ṛgveda, H. 梨俱吠陀) thể hiện được sự đầm ấm, hồn nhiên và rạo rực tình người, thì đến thời kỳ Phạm thư (S. Brāhmaṇa, H. 梵書) lại trở nên lạnh lẽo, khô khan và bị gò bó bởi các nghi lễ, hình thức phức tạp và phiền toái.
Các nghi lễ tế thần trong Bà-la-môn giáo (S. Brāhmaṇa, H. 婆羅門教) dần trở thành một loại trách nhiệm quan trọng và duy nhất. Nó được gọi là nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) hay hành động (Karma hoặc Kriyā) và là quy luật vĩnh hằng, không thay đổi. Những buổi lễ huyền bí, dù tốt đẹp hay xấu ác, đạo đức hay phi đạo đức, đều đã được sắp đặt để phát sinh những kết quả của nó. Người ta nói đến tốt đẹp hay xấu ác với ý nghĩa rằng, họ làm lễ tế thần đúng hay sai theo các bước đã quy định sẵn. Sau khi chết, người ta sẽ được hỏa táng, trở về với tổ tiên, và sống ở trên mặt trời. Còn khi trở lại mặt đất, họ sẽ có thân thể, đoàn tụ với gia đình. Điều này được hiểu rằng có hai thế giới: thế giới này và thế giới bên kia (ngụ ý thế giới tổ tiên mà họ trở về sau khi chết).[10] Có thể thấy, tại thời kỳ này, các nghi lễ trở nên quan trọng và cần thiết. Vì thế nội dung của Phạm thư (S. Brāhmaṇa, H. 梵書) rất đề cao đời sống đạo đức con người : không tà dâm, không nói dối,... . Con người có bổn phận với thần linh, tổ tiên, thánh hiền, với loài vật.
Như vậy, nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) trong “Phạm thư” (S. Brāhmaṇa, H. 梵書) được xem như là một hình thức tế tự, một quy luật tất yếu, kết quả tốt đẹp hay xấu ác tùy thuộc vào việc làm lễ tế thần đúng hay sai theo các bước đã quy định sẵn và không ai hay bất cứ điều gì có thể ngăn cản được. Nhưngvấn đề nghiệp có liên quan đến tái sinh và luân hồi ở thời kỳ này vẫn chưa được lí giải rõ ràng, phải đến giai đoạn phát triển về sau của Bà-la-môn giáo (S. Brāhmaṇa, H. 婆羅門教) được gọi là giai đoạn Áo nghĩa thư (S. Upaniṣad, H. 奧義書).
1.1.3. Áo-nghĩa thư (S. Upaniṣad, H. 奧義書)
Áo-nghĩa thư (S. Upaniṣad, H. 奧義書), Phạn ngữ là Upaniṣad, có nghĩa là “ngồi xuống gần” (sitting down near), ám chỉ người học đạo ngồi gần bậc đạo sư trong khi tiếp nhận kiến thức tâm linh.[11] Là một loại văn bản được xem là thuộc hệ Thiên khải (S. Śruti, H. 天啟), nghĩa là được “bề trên khai mở cho thấy” trong Ấn Độ giáo. Chúng kết thúc hoặc hoàn tất các loại thánh kinh được xếp vào Vệ-đà (S. Veda, H. 吠陀) của Ấn Độ giáo. Vì lý do này nên chúng cũng được gọi là Vệ-đàn-đa (S. Vedānta, H. 吠檀多), nghĩa là nó thuộc về phần A-thát-bà-vệ-đà (S. Atharvavedaḥ, A. Atharva Veda, H. 阿闥婆吠陀), hay phần kết thúc của kinh điển Vệ-đà (S. Veda, H. 吠陀). Đây là một loại thánh điển rất quan trọng của Ấn Độ giáo với nội dung giải thích, diễn giảng các bộ Vệ-đà (S. Veda, H. 吠陀) mang tính chất bí ẩn. Và được ghi chép từ khoảng thời gian từ những thế kỉ cuối TCN đến những thế kỉ đầu CN.[12] Theo các tài liệu nghiên cứu tác phẩm xuất hiện trong thời kỳ đầu của Áo-nghĩa thư (S. Upaniṣad, H. 奧義書) là Đại-sâm-lâm Áo-nghĩa thư (S. Bṛhadāraṇyaka Upaniṣads, H. 大森林奧義書), được sáng tác vào khoảng trước thế kỷ thứ VI TCN.[13]
Mục đích của Áo-nghĩa thư (S. Upaniṣad, H. 奧義書) là chỉ dạy những giáo lý bí mật chưa từng được biết tới. Do ảnh hưởng của trào lưu tư tưởng thời đại, tư tưởng tế tự vốn là cao nhất đã không thể thỏa mãn được yêu cầu của các nhà trí thức đương thời, vì thế là Áo-nghĩa thư (S. Upaniṣad, H. 奧義書) xuất hiện với nhiệm vụ đem sự thuyết minh cho việc tế tự như Phạm thư (S. Brāhmaṇa, H. 梵書) đã làm, và đưa sự khảo sát triết học bây giờ mới được đưa lên vị trí hàng đầu. Nếu như trong thời kỳ Phạm thư (S. Brāhmaṇa, H. 梵書), việc tế tự được gọi là nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) thì trong gia đoạn của Áo-nghĩa thư (S. Upaniṣad, H. 奧義書) nói rằng nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) là thứ quyết định sự tái sinh tốt hay xấu của một người, nghiệp chắc chắn không giới hạn ở hành động của sự tế tự.[14]
Trong giai đoạn phát triển về sau của Áo-nghĩa thư (S. Upaniṣad, H. 奧義書), học thuyết về nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) có liên hệ đến tái sinh. Đại-sâm-lâm Áo-nghĩa thư (S. Bṛhadāraṇyaka Upaniṣads, H. 大森林奧義書) nói rằng sau khi chết, người ta có hai con đường để đi theo nghiệp mà họ đã thực hiện trong đời hiện tại: (1) con đường về với thượng đế (devayāna) và (2) đường về với tổ tiên (pitriyāna). Đại-sâm-lâm Áo-nghĩa thư (S. Bṛhadāraṇyaka Upaniṣads, H. 大森林奧義書) VI.2.15 nói rằng: “Những ai biết tế thần và những ai trú trong núi rừng hoang vắng, tin tưởng, và vang vái thần linh, họ sẽ đi xuyên qua ngọn lửa, từ ngọn lửa đi vào ngày, từ ngày đi vào mặt trăng tròn, ở tại mặt trăng tròn sáu tháng khi mặt trời xoay về hướng bắc; trong sáu tháng ở mặt trăng, người ta sẽ đi vào thế giới của thượng đế, từ thế giới của thượng đế đi vào mặt trời, từ mặt trời đi vào vùng sấm sét; sấm sét sẽ đưa họ về với thế giới Phạm Thiên (Brahman). Những người có địa vị cao sẽ ở lại thế giới Phạm Thiên thời gian lâu nhất. Họ sẽ không trở lại nữa.” Đại-sâm-lâm Áo-nghĩa thư (S. Bṛhadāraṇyaka Upaniṣads, H. 大森林奧義書) VI.2.16 mô tả cũng tương tự như vậy: “Hay nói cách khác, những ai đến được thế giới thiên đường bằng cách tế thần linh, bằng cách ban thưởng, bằng cách tu khổ hạnh hành xác, họ sẽ đi vào làn khói, từ làn khói đi vào đêm, từ đêm đi vào mặt trăng khuyết, ở lại mặt trăng khuyết sáu tháng khi mặt trời xoay về hướng nam; trong sáu tháng ở mặt trăng, người ta sẽ đi về thế giới tổ tiên; và từ thế giới tổ tiên, người ta sẽ đi vào mặt trăng. Đến mặt trăng, người ta sẽ thành thức ăn. Tại đấy, họ sẽ trở thành thượng đế, khi họ nói với vua Soma, mặt trăng: “Thăng! Giáng!” Khi kết thúc vòng này, họ sẽ đi vào bầu trời, từ bầu trời đi vào gió, từ gió đi vào mưa, từ mưa đi về trái đất. Đến trái đất, họ lại trở thành thức ăn. Một lần nữa, họ lại nương vào lửa của con người và tái sinh bằng lửa của người phụ nữ. Rồi lên thế giới thiên đường một vòng nữa, họ lại luân chuyển trong cái vòng tương tự”. “Tuy nhiên, những ai không biết hai con đường này sẽ trở thành côn trùng, sâu bọ, và rắn rít.”[15]
Như vậy, nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) trong Áo-nghĩa thư (S. Upaniṣad, H. 奧義書) dường như không có liên hệ gì đến hành vi đạo đức, luân lý, sự chủ ý bởi vì không có sự khác biệt giữa cá nhân và vũ trụ, giữa tiểu ngã và đại ngã (microcosm và macrocosm). Xét về cấp độ vũ trụ, Ngã (S. Ātman, H. 我) là thường hằng, bất biến, vì thế không thể thành bất cứ điều gì khác. Dựa trên khái niệm về Ngã (S. Ātman, H. 我), có thể hiểu cho dù tôi làm ác trong đời này, tôi vẫn sẽ không bị tác động bởi hành động ác, bởi vì “cái tôi” là vĩnh hằng, không thay đổi. Hay nói cách khác, theo học thuyết về nghiệp của Áo-nghĩa thư (S. Upaniṣad, H. 奧義書), Ngã (S. Ātman, H. 我) là người tạo nghiệp và cũng chính là người thụ hưởng kết quả của nghiệp. Nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) trở thành một hoạt động và tri nhận cái Ngã (S. Ātman, H. 我) vĩnh hằng trong con người.[16] Chúng ta có thể thấy rằng nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) trong Lê-câu-vệ-đà (S. ṛgveda, A. Rig Veda, H. 梨俱吠陀) và Áo-nghĩa thư (S. Upaniṣad, H. 奧義書) như là một loại tiền định bởi vì người tạo nghiệp không phải chịu bất cứ một trách nhiệm đạo đức nào cho hành vi của mình, bởi vì sở hữu một cái Ngã (S. Ātman, H. 我) thường hằng bất biến.
1.2. Khái niệm Nghiệp trong Kỳ-na giáo
1.2.1. Lịch sử
Kỳ-na giáo (S. Jaṇnism, H. 耆那教) là một trong những tôn giáo lâu đời của Ấn Độ, xuất hiện vào thế kỷ thứ bảy trước Công nguyên ở miền Đông Ấn Độ, do Bhagāwan Mahāvīra (559 TCN - 527 TCN) làm giáo chủ.[17] Người ta tin rằng nó tồn tại trước thời kỳ Vệ-đà (S. Veda, H. 吠陀)[18]. Trong thời gian ban đầu nhiều học giả còn cho rằng Kỳ-na giáo (S. Jaṇnism, H. 耆那教) là giáo phái “chi nhánh” của Phật giáo, vì nó có khá nhiều điểm tương đồng trong giáo lí đạo Phật và điểm mấu chốt hơn hết là cả hai vị giáo chủ Bhagāwan Mahāvīra và Đức Phật cùng thời với nhau.[19]
Kỳ-na giáo (S. Jaṇnism, H. 耆那教) là tôn giáo thiểu số ở Ấn Độ với 4,2 triệu tín đồ (chiếm 0,4% dân số Ấn Độ), và có một số nhóm nhỏ di cư đến Bỉ, Canada, Hồng Kông, Nhật Bản, Singapore, và Hoa Kỳ. Tín đồ Kỳ-na giáo (S. Jaṇnism, H. 耆那教) có trình độ biết chữ cao nhất trong bất kỳ cộng đồng tôn giáo nào khác ở Ấn Độ (94,1%), và các thư viện bản thảo của họ là cổ nhất ở đất nước này.[20]
1.2.2. Giáo lí
Triết lý và phương thức thực hành của Kỳ-na giáo (S. Jaṇnism, H. 耆那教) phần lớn dựa vào sự nỗ lực tu tập của bản thân để đi đến giác ngộ. Ba trụ cột tư tưởng chính của Kỳ-na giáo (S. Jaṇnism, H. 耆那教) là bất bạo động (Non-violence), không tuyệt đối (Non-absolutism) và khổ hạnh (Asceticism). Các vị đạo sư của Kỳ-na giáo (S. Jaṇnism, H. 耆那教) khẳng định sau khi đi vào bản thân trong trạng thái vắng lặng của ý thức linh hồn, có thể thực hiện được trọn vẹn những tư tưởng chính trên. [21] Có thể thấy những nguyên tắc này đã phần nào ảnh hưởng đến văn hóa của Kỳ-na giáo (S. Jaṇnism, H. 耆那教) theo nhiều cách, chẳng hạn như dẫn đến lối sống chủ yếu là ăn chay.
Bên cạnh đó, Kỳ-na giáo (S. Jaṇnism, H. 耆那教) còn có ý tưởng về chín nguyên tắc cơ bản mà toàn bộ triết lý Kỳ-na giáo (S. Jaṇnism, H. 耆那教) dựa vào, những nguyên tắc cơ bản này được kết nối chặt chẽ với quan niệm của Kỳ-na giáo (S. Jaṇnism, H. 耆那教) về nghiệp. Chín nguyên tắc cơ bản của Kỳ-na giáo (S. Jaṇnism, H. 耆那教) bao gồm:[22]
1. Jīva: Linh hồn hay ý thức. ( Soul or living being) 2. Ajīva: Vật chất phi ý thức. (Non-living substances) 3. Āsrava: Nguyên nhân của dòng nghiệp lực. (Cause of the influx of karma) 4. Bandha: Sự trói buộc của nghiệp. (Bondage of karma) 5. Puṇya: Đức hạnh. (Virtue) 6. Pāpa: Tội lỗi. (Sin) 7. Saṁvara: Ngưng dòng nghiệp lực. (Stoppage of the influx of karma) 8. Nirjarā: Hết một phần nghiệp tích luỹ. (Partial exhaustion of the accumulated karma) 9. Mokṣha: Giải thoát hoàn toàn khỏi nghiệp chướng. (Total liberation from karma)
Người Kỳ-na giáo (S. Jaṇnism, H. 耆那教) cho rằng vạn vật trong vũ trụ đều được cấu tạo bởi linh hồn (Jīva) và phi linh hồn (Ajīva), linh hồn bao gồm hai loại: hoạt động và bất động. Phi linh hồn cũng bao gồm hai loại, một là vật chất cố định, bao gồm các nguyên tử và phức hợp nguyên tử tạo thành; hai là vật chất vô định hình, bao gồm thời gian, không gian, pháp và phi pháp tạo thành.
Kỳ-na giáo (S. Jaṇnism, H. 耆那教) là một trong những tôn giáo sớm nhất ở Ấn Độ đưa ra lý thuyết nguyên tử, cho rằng nguyên tử là không thể phân chia, không có khởi đầu và không có kết thúc, là vô hạn và vĩnh cửu, đồng thời chúng có tính chất mùi vị, hương thơm, màu sắc và hai loại xúc giác (dày và mỏng, lạnh và nóng). Hợp chất của các nguyên tử có thể có nhiều dạng, từ sự kết hợp của hai đến vô số nguyên tử, với số lượng và thứ tự vô hạn. Ngoài các thuộc tính xúc giác, vị, mùi và màu sắc, các phức hợp nguyên tử còn có các thuộc tính vật lý: âm thanh, lực hút, lực đẩy, kích thước, hình dạng, khả năng phân chia, độ mờ đục, ánh sáng bức xạ và nhiệt. Người ta tin rằng cảm giác của con người khác nhau là do các dạng kết hợp nguyên tử khác nhau. Những nguyên tử này di chuyển do có trọng lượng và kết hợp với các nguyên tử có tính chất khác nhau để tạo ra những cảm giác khác nhau.[23]
1.2.3. Học thuyết nghiệp trong Kỳ-na giáo (S. Jaṇnism, H. 耆那教)
Khi tìm hiểu về học thuyết nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) của Kỳ-na giáo (S. Jaṇnism, H. 耆那教) dường như có nhiều sự khác biệt so với học thuyết nghiệp của Bà La Môn giáo (S. Brahmanism, H. 婆罗门教). Nếu như trong các văn bản của Bà La Môn giáo (S. Brahmanism, H. 婆罗门教) cho rằng nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) là một loại hành động có tính nghi lễ hay nghi thức, bằng cách đưa ra một quan điểm đạo đức về nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業). Kỳ-na giáo (S. Jaṇnism, H. 耆那教) cũng tin rằng nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) là một quy luật bất biến, không thể thay đổi, nhưng lại cho rằng nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) tự thân nó vốn dĩ đã có trách nhiệm đạo đức. Bên cạnh đó, Kỳ-na giáo (S. Jaṇnism, H. 耆那教) cũng khẳng định nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) tự nó là một dạng vật chất, một loại bụi hay một loại tiểu nguyên tử hơn là những thành phần tâm lý của con người. Những hạt bụi này hiện hữu khắp nơi trong vũ trụ; bụi bị hút vào cái linh hồn (Jīva) bởi những hoạt động của linh hồn. Ngoài ra, “Kỳ-na giáo (S. Jaṇnism, H. 耆那教) cũng xem bản chất của linh hồn có thể thay đổi được”.[24] Họ cho rằng nếu không thay đổi được thì việc tìm cầu giải thoát sẽ vô nghĩa.
Nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) là dạng một loại bụi lơ lửng giữa hư không chúng chỉ bám vào linh hồn do những hoạt động cố ý của mỗi con người từ thân, khẩu và ý. Chỉ khi bụi nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) bám vào một cái linh hồn bị thôi thúc bởi hành động, lời nói hay ý nghĩ xấu ác như những phiền não, sân và tham, thì nó mới đưa đến kết quả xấu ác; nhưng bụi nghiệp sẽ không có ảnh hưởng lên một linh hồn đã giải thoát như một đấng toàn năng.[25] Người Kỳ-na giáo (S. Jaṇnism, H. 耆那教) tin rằng, với tất cả những linh hồn khác, mỗi một hành động cố ý chắc chắn sẽ phát sinh phiền não, kết quả của nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) phụ thuộc vào mức độ cố ý. Chẳng hạn, đố kỵ hay ganh tỵ với thành công của người khác sẽ tạo ra một loại nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) khiến người ta thiếu sự tôn trọng và nghèo túng về sau.
Như vậy, nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) trong Kỳ-na giáo (S. Jaṇnism, H. 耆那教) đã mang ý nghĩa đạo đức, luân lý cũng như được hiểu là có kết nối với linh hồn (Jīva). Có thể thấy, nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) theo quan điểm của Kỳ-na giáo (S. Jaṇnism, H. 耆那教) là những loại bụi cực tiểu hay dạng nguyên tử có khả năng hấp dẫn linh hồn, khi hành động, suy nghĩ hay nói năng sẽ thu hút những nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) bụi cực tiểu này. Lại nữa, đặc tính của những linh hồn tiêu cực dung chứa những phiền não như thù hận, sân nhuế, và những phiền não này khiến linh hồn dễ bám víu vào. Một người không có những phiền não, nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) sẽ không bám được. Do đó, tín đồ Kỳ-na giáo (S. Jaṇnism, H. 耆那教) tin rằng không thể tạo thiện nghiệp và thiện nghiệp vẫn có thể mang lại kết quả xấu. Cho nên, thậm chí những hành động thiện cũng cần phải tránh. Đức Phật không đồng ý với quan điểm này. Theo những gì được miêu tả trong kinh Trung Bộ: “Ta chủ trương ba loại nghiệp để tác thành ác nghiệp, để diễn tiến ác nghiệp, tức là thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp”.[26] Ngài còn nói, ý nghiệp xấu mới là yếu tố quan trọng quyết định những hành động xấu ác nhất. Kỳ-na giáo (S. Jaṇnism, H. 耆那教) đưa ra hai cách để thoát được nghiệp: thứ nhất là không thu hút nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) bằng cách ngưng hành động và thứ hai là loại trừ những nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) phát triển trên linh hồn bằng cách sống tuân theo những giới luật của Kỳ-na giáo (S. Jaṇnism, H. 耆那教). Đối với việc không thu hút nghiệp, Kỳ Na giáo thực hành khổ hạnh bằng cách đứng thẳng và không bao giờ ngồi, bởi họ xem những việc này là sự biểu đạt lòng mong cầu, rằng “không tạo nghiệp mới và loại trừ nghiệp mới qua việc hành xác”.[27] Không tạo nghiệp mới hàm ý trạng thái bất động như đứng thẳng, không bao giờ ngồi hoặc nằm vậy.
Tác giả: Thích Hữu Đạt Chùa Bửu Sơn, số 24 Xóm Vôi, Phường 14, Quận 5, Tp.HCM
***[1] https://zh.wikipedia.org/zh-hant/%E5%90%A0%E9%99%80 (Ngày truy cập: 25/01/2023). [2] Gavin Flood (1996), An Introduction to Hinduism, Cambridge University Press, ISBN 978-0-521-43878-0, pp. 36. (Nguyên văn: One of the primary vedic distinctions for its own literature is between mantra, verses used in liturgy which make up the collection of texts called Saṃhitā, Brāhmaṇam and Āraṇyaka, tests of ritual exegesis.... The Upaniṣads develop the concerns of the Āraṇyaka, explaining the true nature and meaning of ritual.) [3] https://nghiencuulichsu.com/2013/05/04/nguon-goc-kinh-veda/ (Ngày truy cập: 25/01/2023). [4] A.L Basham, The Wonder That Was India, Rupa. Co, New Delhi, 1994, tr.32. (Dẫn lại chú thích: Thích Viên Trí, Ấn Độ Phật giáo sử luận, NXB. Phương Đông, TP.HCM, 2014, tr. 21). [5] Krishan, Y. (1988), The Vedic origins of the doctrine of karma, South Asian Studies, 4(1), pp 51-55; (Nguyên văn: The word Karman occurs about forty time in the Rg. Veda and means work or deed, and escipally ritual or sacrificial atc.) Tạm dịch: Đếm được 40 lần từ Karma được dùng trong Rg-Veda, phần lớn chỉ nghĩa hành động, được hiểu là hành vi tế tự. [6] Das Gupta, Surendranath (1957), A History of Indian Philosophy, vol. I. The University Press, Cambridge, 1922, tr. 22. (Nguyên văn: Rta (literally the course of things). This word was also used, as Macdonell observes, to denote the ... order' in the moral world as truth.) [7] Sđd, tr. 21. (Nguyên văn: Sacrifice; the First Rudiments of the Law of the Karma). [8] https://zh.wikipedia.org/zh-hant/%E6%A2%B5%E4%B9%A6#cite_note-1 (Ngày truy cập: 28/01/2023). [9] Thích Quảng Độ, Phật Quang Đại Từ Điển, Tập, NXB Phương Đông, TP.HCM, 2014, tr. 12168 -12171. [10] Sđd, tr. 22 (Nguyên văn: Sacrifice was regarded as almost the only kind of duty, and it was also called Karma or Kriyā (action) and the unalterable law was, that these mystical ceremonies for good or for bad, moral or immoral (for there were many kinds of sacrifice which were performed for injuring one’s enmeies or gaining worldly prosperity or supremacy at the cost of others) were destined to produce their effects.). [11] Jones, Constance (2007). Encyclopedia of Hinduism. New York: Infobase Publishing. p. 472. (Nguyên văn: Referring to the student sitting down near the teacher while receiving spiritual knowledge.(Gurumukh)). [12] https://vi.wikipedia.org/wiki/%C3%81o_ngh%C4%A9a_th%C6%B0 (Ngày truy cập: 31/01/2023). [13] S. Radhakrishman (1970), Beginnings of Indian Philosophy. Cambridge: Harvard University Press. p.p.123. (Nguyên văn: The first significant references appear in an early Upaniṣad, the Bṛhadāraṇyaka Upaniṣad, probably composed sometime before the sixth century B.C.E). [14] Valerie J. Roebuck (2000), The Upaniṣads. Delhi: Penguin Books. p.p. 85. (Nguyên văn: The Upaniṣad says that karma is what determines one’s good or evil rebirth, karma surely designating action including but not limited to sacrifice). [15] http://www.hoalinhthoai.com/news/detail/news-3669/Nghien-cuu-so-sanh-hoc-thuyet-ve-nghiep-trong-Ba-la-mon-giaoKy-Na-giao-va-Phat-giao.html (Ngày truy cập: 01/02/2023). [16] Kalupahana (1976). Buddhist Philosophy: A Historical Analysis. Honolulu: The University Press of Hawaii, tr. 76. [17] https://vi.wikipedia.org/wiki/K%E1%BB%B3_Na_gi%C3%A1o (Ngày: 03/02/2023). [18] Dẫn lại Luận án Tiến sĩ: Nguyen Van Sau (2014), The Theory of Karma and Rebirth in Buddhist and Jaina Traditions, The Centre of Advanced Study in Sanskrit, Savitribai Phule Pune University, India, tr. 216. (Nguyên văn: It is believed that it existed before Vedās although.) [19] Jyoti Prasad Iain (1988), Jaṇnism the oldest living religion.Varanasi: published by P.V research Institue I.ṬṬ Road Varanasi-5,2nd Edition, p.p.5 (Nguyên văn: Bhagāwan Mahāvīra and Gautam Buddha were contemporary.). [20] https://vi.wikipedia.org/wiki/K%E1%BB%B3_Na_gi%C3%A1o (Ngày truy cập: 03/02/2023). [21] https://en.wikipedia.org/wiki/Jainism (Ngày truy cập: 03/02/2023). [22] Sđd, tr. 218. [23] https://baike.baidu.com/item/%E8%80%86%E9%82%A3%E6%95%99/2950209?fr=aladdin#reference-[2]-163377-wrap (Ngày truy cập: 03/02/2023) (Nguyên văn: 耆那教是印度最早提出原子論學說的派別之一,認為原子是不可分的,無始無終,是無限的、永恆的,具有味、香、色和兩種觸(粗與細,冷與熱)的屬性。原子的復合體可以有多種形式,以兩個相結合到無限多個原子相結合,數量和次序都是無限的。原子復合體除具有觸、味、香、色的屬性外,還有其物理性質:聲音、吸引、排斥、大小、形狀、可分性、不透明、輻射光和熱等。認為人們的感覺所以不同,完全由于原子結合的形式不同。). [24] Jaini, Padmanabh S (2001). The Jaina Path of Purification. Delhi: Motilal Banarsidass Publishers Privae Limited, tr. 102. [25] Sđd, tr. 191. [26] Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ 1, 56. Kinh Ưu-Ba-Ly, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, tr. 456. [27] Bronkhorst, J (1993). The Two Traditions of Meditation in Ancient India. Delhi: Motilal Banarsidass, tr. 3.
TÀI LIỆU THAM KHẢO Hirakawa Akira (2020), Lịch sử Phật Giáo Ấn Độ, Thích Nguyên Hiệp dịch, NXB. Văn hóa- Văn nghệ, TP. HCM. Lê Mạnh Thát (2005), Triết học Thế Thân, NXB. Tổng Hợp Tp. Hồ Chí Minh, TP. HCM. Thích Chơn Thiện (2009), Phật Học Khái Luận, NXB. Phương Đông, TP. HCM. Thích Viên Trí (2014), Ấn Độ Phật giáo sử luận, NXB. Phương Đông, TP. HCM. Lữ Trừng (2011), Ấn Độ Phật học nguyên lưu giảng lược, Thích Phước Sơn dịch, NXB. Phương Đông, TP. HCM. Das Gupta, Surendranath (1957). A History of Indian Philosophy, vol. I. The University Press, Cambridge. Radhakrishman (1970). Beginnings of Indian Philosophy. Cambridge: Harvard University Press. Kalupahana (1976). Buddhist Philosophy: A Historical Analysis. Honolulu: The University Press of Hawaii. Chaudhury (1983). Analytical Study of the Abhidharma kośa . Calcutta: Firma KLM Private Limited. Krishan, Y. (1988). The Vedic origins of the doctrine of karma. South Asian Studies. Jyoti Prasad Iain (1988). Jaṇnism the oldest living religion.Varanasi: published by P.V research Institue I.ṬṬ Road Varanasi-5,2nd Edition. Tsong-kha-pa Blo-bzang-grags-pa; Tsoṅ-kha-pa (1991). The Central Philosophy of Tibet: A Study and Translation of Jey Tsong Khapa's Essence of True Eloquence. Princeton University Press. Bronkhorst, J (1993). The Two Traditions of Meditation in Ancient India. Delhi: Motilal Banarsidass. A.L Basham (1994), The Wonder That Was India, Rupa. Co, New Delhi. Gavin Flood (1996). An Introduction to Hinduism. London: Cambridge University Press. Anacker (1998). Seven Works of Vasubandhu, the Buddhist Psychological Doctor. Motilal Banarsidass. Harvey, Peter (2000). An Introduction to Buddhist Ethics. New York: Cambridge University Press. Valerie J. Roebuck (2000). The Upaniṣads. Delhi: Penguin Books. Skilling, Peter (2000). Vasubandhu and the Vyākhyāyukti Literature. Journal of the International Association of Buddhist Studies. Muni Shiv Kumar (2000). “The doctrine of Liberation in Indian Religion”. Delhi: Munshiram Manoharlal Publishers. Jaini, Padmanabh S (2001). The Jaina Path of Purification. Delhi: Motilal Banarsidass Publishers Privae Limited. Tola, Fernando; Dragonetti, Carmen (2004). Being as Consciousness: Yogācāra Philosophy of Buddhism. Motilal Banarsidass Publ. Jones, Constance (2007). Encyclopedia of Hinduism. New York: Infobase Publishing. Nguyen Van Sau (2014). The Theory of Karma and Rebirth in Buddhist and Jaina Traditions. The Centre of Advanced Study in Sanskrit, Savitribai Phule Pune University. India. Gold, Jonathan C. (2015). “Vasubandhu”. In Zalta, Edward N. (ed.). The Stanford Encyclopedia of Philosophy. Dẫn theo: https://plato.stanford.edu/entries/vasubandhu/ (Ngày truy cập: 04/01/2023).
Bình luận (0)