Tết nhất, phải để cho cây cối nó ăn ba ngày tết, đi Chùa lễ Phật là được rồi, bẻ cành bẻ nhánh làm gì, năm nào tới sáng mồng Một là cây cối chùa chiền xác xơ hết trơn hết trọi, coi hổng có được.

Tác giả: Võ Đào Phương Trâm

Gió tháng chạp kéo nhau về qua mảnh vườn đùm đề cây trái, miệt vườn ngày giáp tết hong khô trong gió xuân nồng nàn, se sắt chút lạnh, cái lạnh ngòn ngọt chứ không rét buốt, cái lạnh đậm mùi không khí đất trời trong trẻo tinh tươm, đan quyện từ lúa non mơn xanh, hoa đồng đang búp và cây trái bóng bẩy mọng tròn.

Mảnh vườn thanh long năm nay trái ra nhiều, tía với mấy người mần thuê đang tất bật canh đèn, kéo dây rào để ngăn kẻ trộm. Công đoạn chăm cây mùa tết ở nhà vườn, cực không thua gì chăm con nhỏ mới sinh, đêm không ngủ thẳng giấc mà nghe động tĩnh là phải thức dậy ra trông vườn, trông ruộng, tuy cực nhưng cũng có cái vui vì mấy khi mà người nhà quê lại có dịp thức khuya ngồi cùng nhau, đơm vài ba ly rượu gạo, hát vài câu vọng cổ, nhâm nhi vài miếng mồi từ trái cóc, trái me non, chấm với chén muối ớt đỏ quạch, cay xè cổ họng.

Căn nhà miệt vườn cuối năm phong phanh cửa liếp, nhộn nhịp hẳn lên bởi mứt bánh bắt đầu được quy tựu về làm, mấy người phụ nữ trong gia đình thì tập trung cả ngày bên vại nước, rửa rê, phân cắt trái cây. Lá cẩm, trái gấc, giàn bông đậu biếc, thanh long…được hái cả rổ để tạo màu, ở miệt vườn, mấy thứ này ngày tết đâu bao giờ thiếu, cốt là để làm ra những món ăn từ màu sắc tự nhiên, vừa ngon, vừa đẹp lại vừa an toàn cho sức khỏe.

Độ chừng rằm tháng chạp, gia đình nào cũng nao nức đón con cháu trở về, nhất là mấy đứa nhỏ đi học ở thị thành là bắt đầu bắt xe về tỉnh, vừa bước vô nhà đã tíu tít củn cỡn như thuở lên sáu, lên năm. Cả năm đám nhỏ đi học xa nhà, được về ngày tết thì vui quá đỗi chứ còn gì nữa.

Ngồi trong căn nhà mái ngói đã cất cách đây gần ba mươi năm, giữa bóng chiều u tịch của ngày giáp tết, má Năm tay vừa bào mớ cùi dừa trắng nõn, vừa tỉ tê bằng giọng rặt miền Tây.

- Năm nay thằng Lâm dìa thì hối nó cưới dợ (vợ), có dợ rồi thì mới có người giữ chân nó chứ để nó gần bốn mươi tuổi rồi mà còn bôn ba, biền biệt cả năm trời, năm nào dìa cũng cứ mình ênh (anh), vậy biết khi nào tui mới có cháu ẵm bồng.

Dì Tư, người đàn bà sống đơn thân, không có gia đình thì dịu giọng giải bày phụ cho thằng cháu.

- Nó lớn rồi, nó tự lo, dợ con là cái duyên cái nợ, hối thúc làm cái gì, nó thương ai thì nó lấy, mần không thì ở vậy cho nó khỏe.

- Trời, già rồi, phải có dợ có con, sau này có người mà thờ mà cúng, cứ lang bạt kỳ hồ thì biết khi nào mới chẳng dừng. Giờ còn trẻ thì tha hương du mục, tới già đau bệnh, cái lăn ra khổ à! - Má Năm tiếp lời, cũng bằng cái giọng nôn nao cho thằng Lâm lấy vợ.

- Ôi, mày cứ khéo lo, khổ hay không là do mình, ai nói có con là không khổ? Có người đẻ cả bầy con mà tới già cũng khổ thấy mồ, có đứa nào lo. Nó lo cho dợ, cho chồng, cho con của nó, cái thân già cũng đơn độc một mình, chưa kể có đứa nuôi tới lớn còn báo cha báo mẹ.

- Lo gì bà ơi, có con dù sao cũng đỡ, vui buồn có người hủ hỉ, đau ốm cũng có đứa bưng được chén cháo, bóp được cái vai. Như bà, mai mốt nằm đó coi khổ không nghen.

- Ui trời, sinh lão bịnh tử, có con hay không con gì tới chừng chết cũng chết. Lo cho con chứ ai mà mong nó lo lại cho mình mày ơi. Người ta nói “con là nợ, dợ là oan gia, cửa nhà là nghiệp chướng”. Có nhiều lo nhiều, chết có thảnh thơi đâu.

Coi bộ câu chuyện vợ con của thằng Lâm qua hai người đàn bà khó mà có hồi kết, bởi ai cũng có cái lý lẽ riêng, mà cứ mỗi lần ngồi tụm lại là y như rằng cái đề tài chuyện vợ con của thằng Lâm lại được hai bà đem ra bàn tán. Cậu Hai rít điếu thuốc, phà hơi ra mũi, khói mờ bay ra đặc quánh từng luồng, cậu cất giọng chậm rãi:

- Thằng Lâm tại ở quê nên thấy nó già, sợ nó ế chứ tuổi này ở thành phố nó cũng còn lo công ăn sự nghiệp. Có dợ có chồng cũng phải có duyên. Hối thúc quá mai mốt nó trốn nó khỏi dìa cho ngồi đó mà than mà trách.

Cậu Hai lớn nhất nhà, năm nay tuổi cũng gần bảy mươi nhưng phong thái vẫn còn linh hoạt, thể trạng khỏe mạnh và tinh thần minh mẫn của người nông dân sống thuần với thiên nhiên, lao động dẻo dai với đồng áng, ruộng vườn. Nhìn dáng đi nhanh nhẹn, cày cuốc lực điền, ít ai nghĩ cậu đã gần cái tuổi thất thập cổ lai hy, cái tuổi mà ở thị thành, người ta đã đau gân đau cốt, đi đứng khó khăn. Ngẫm ra mới thấy đời sống ở miệt vườn, dù hơi thiếu thốn hơn so với dân thành thị nhưng bù lại ông trời cho cái không khí thiên nhiên mát mẻ, sương gió trong ngần nên tinh thần, sức khỏe người dân quê cũng được phần lành mạnh.

Cách một bờ đê, ở phía bên kia sông có nhỏ My, cháu ngoại bà Tư Hải, năm nay cũng gần ba mươi tuổi, dáng vẻ xinh đẹp dễ thương. Ở ruộng vườn, làm nông nhưng mảnh mai trắng trẻo, đẹp gái nhất vùng, mỗi lần xóm Đình có hát cải lương, nhỏ My mà tới là y như rằng có hàng chục thanh niên trai tráng bu theo, đứa thì ngó lén, đứa thì tụm năm tụm ba bàn tán, đứa thì tới làm quen mà con nhỏ vẫn cứ vô tư, chẳng bỏ lòng với ai, cứ theo bà Tư mần nông, rồi bán buôn sạp trái cây ngoài chợ, sau con nhỏ về học may rồi mở được cái cửa tiệm ở nhà, cũng nhiều khách trong thôn tới may, phần vì con nhỏ đẹp đẽ dễ thương, phần vì tay nghề khéo léo, từ đó nhỏ My cứ theo cái nghề, quanh quẩn ở nhà may vá, thỉnh thoảng thấy nó lên Chùa với bà Tư đi mần công quả bởi ngoại nó vốn là người mộ đạo gần nửa đời người. Vài năm trước, nhỏ My với thằng Lâm cũng thỉnh thoảng gặp nhau, nói ba điều bốn chuyện rồi mạnh đứa nào lo cuộc đời đứa nấy, cũng có lần má Năm định bụng qua hỏi nhỏ My cho thằng Lâm nhưng rồi thấy con nhỏ vừa đẹp vừa hiền, nhiều mối mai giàu có làm quen mà nó còn không ưng, dễ gì nó ưng cái thằng rày đây mai đó, một năm về nhà được có mấy ngày. Vậy là thôi, má Năm không hỏi nữa.

Hăm tám Tết, cái sân gạch tàu được má Năm và nhỏ Lan - đứa con gái út quét sạch sẽ tinh tươm chuẩn bị tối nay cả nhà cùng nhau gói bánh, năm nào cũng vậy, nhà má Năm là chỗ để mấy anh em tụ tập quây quần, làm đồ tết cúng kiếng ông bà, cái nhà gia tiên là nơi má Năm canh giữ và thờ cúng, bởi vậy mà nơi này mỗi năm đều xôm tụ đủ mặt mọi người. Mấy người đàn ông thì đi chặt củi, gom rơm ngoài đồng, làm công việc nặng, đàn bà phụ nữ thì nấu nướng, lau dọn quanh nhà. Đờn cò, đờn ghi-ta được mấy cậu, mấy anh tập trung đem về, bộ cờ gỗ trắc cũng được đem ra để cánh đàn ông vừa ngồi chụm bánh, nhâm nhi chén trà vừa thư giãn cùng nhau. Trong khói bếp đêm xuân, cái không khí rôm rả tiếng nói cười, tiếng lách cách của những con cờ, tiếng đờn ngọt lịm hòa vào giọng ca nghiệp dư đậm mùi đồng nội làm cho những đêm giáp tết càng trở nên chan hòa ấm cúng.

Sáng hai chín tết, nhỏ Lan đang loay hoay gom mớ củi khô chất vô cái góc thì nó nghe tiếng hỏi quen thuộc cất lên:

- Làm gì vậy nhỏ?

Nó quay lại thì cặp mắt sáng rỡ, miệng cười như được mùa, nó bỏ luôn cây chổi xuống sân cái độp rồi nhảy cẫng lên như đứa con nít được quà

- Anh hai, anh hai dìa!

Trong lúc nhỏ Lan vẫn còn mừng vui cuống quýt thì thằng Lâm vỗ vỗ đầu nó rồi đưa mắt nhìn vào trong nhà

- Má có ở nhà không nhỏ?

- Có, có, má đang trong bếp, hai vô đi, má thấy hai dìa là má mừng lắm á!

- Ủa, sao nay nhà vắng vậy?

- Mấy dì mấy cậu ở ngoài vườn, có má với dì Tư trong nhà, đang làm mứt với củ kiệu

Vậy là thằng Lâm năm nay về quê sớm hơn mọi năm, có năm đến sáng ba mươi, mùng một nó mới về nhà. Năm nay hăm chín tết nó đã về nên út Lan ngạc nhiên cũng đúng. Mấy ngày tết về nhà, nó trút bỏ cái dáng vẻ thư sinh công sở để khoác cái áo thun, quần đùi ra vườn làm lại cái giàn mướp cho má Năm, đắp lại cái bờ ao bị sạt sau mấy mùa nước nổi. Năm nay, má Năm không hỏi nó về chuyện bồ bịch, cũng chẳng đốc thúc nó chuyện vợ con vì sợ lời “cảnh báo” của cậu Hai, hỏi quá thằng nhỏ chẳng dám về.

Tối hai chín tết, ngoài sân cậu Hai ngồi với tía và mấy đứa con trai, má đã làm sẵn mâm lai rai cho mấy người đàn ông tối nay thức nấu bánh. Cái chiếu bông được trải sẵn trên nền gạch tàu sạch sẽ, mâm đậu xanh thơm lừng còn nguyên hạt đang nghi ngút khói, mớ lá chuối xanh được cắt ra xếp đặt gọn gàng, dây lạt bó thành từng bó trắng phêu và mấy thau nếp màu xanh lá dứa, màu vàng trái gấc, màu tim tím của lá cẩm mà dì Tư và và má Năm cất công pha trộn. Nhìn thau nếp với thau đậu xanh là đã thấy bắt thèm.

Mấy đứa con trai bưng lên một thau thịt heo tẩm ướp gia vị để làm nhân bánh, thịt heo má mua có lớp mỡ mòng cho người ưa ăn thịt mỡ và cái nhân bánh đặc biệt mà thằng Lâm với con Lan thích là nhân bánh chuối, còn gọi là bánh tét chay, má cũng làm sẵn một thau chuối trái nào trái nấy no mẩy, mum múp, nấu lên là ra cái màu đỏ thẫm, vừa ngọt vừa bùi, ăn vô nghe beo béo cái vị  nước cốt dừa mà má pha trong nếp, tín đồ bánh tét nhân chuối thì mê nhất cái vị ngon ngọt, béo bùi thơm lựng này.

- Năm nay bưởi coi bộ ngon à. – Tía vừa gói bánh, vừa chép miệng ra chiều khoái chí khi vườn bưởi ra trái xum xuê, trái nào trái nấy nặng hơn cả ký, đồng đều mây mẩy.

- Con đặt tám mươi ký nghe dượng, giao cho mấy người bạn trên thành phố, bưởi vườn, người ta mê lắm, năm ngoái ăn, ai cũng khen ngon, năm nay đặt nữa.

- Năm nay gần tết mà ông trời đổ xuống trận mưa, bữa rầu quá xá. Sợ mai nó bung nở hết, làm phải nén lại thấy mồ, cũng may tới nay mới ra nụ búp.

- Má làm thêm cho con vài ký mứt dừa, mứt chùm ruột nghen, có người thấy má làm ngon, người ta đặt quá trời.

- Gói xong, em với anh làm vài ván cờ nghen anh Hai. – Tía thoăn thoắt tay bọc nuột lạt chắt nụi, đánh tiếng với cậu Hai.

- Ừa, làm gì khỏi!

- Nay hát Năm nghe bài “Quê hương tình mẹ” nghen Mẫn, bữa ngoài sân Đình nghe bài này hay quá xá. – Má Năm tay đơm đậu mà vẫn không quên nhắc thằng út Mẫn, con của cậu Hai hát bài vọng cổ.

- Lát con hát Năm nghe, bài này nghe là nổi óc ác à nghen!

Út Mẫn có tài ca vọng cổ, cái giọng thằng nhỏ mới tuổi hai mươi mà nghe già dặn như ở tuổi tứ tuần, người ta nói giọng nó từa tựa cố nghệ sĩ Thanh Sang, mỗi lần cất giọng là nghe trầm buồn, man mác, nó còn học được ngón đờn từ cậu Hai, nhờ vậy mà cả thôn này, mỗi lần có dịp giỗ quải, tết nhất hay đám ma đám cưới là người ta lại kêu nó qua làm vài bản góp phần.

Thau nếp, thau đậu cạn dần thì mâm bánh tét, bánh chưng cũng chất cao lên thấy rõ, nhờ mấy người đàn ông, thanh niên trai tráng gói bánh, buộc lạt mà đòn bánh nhìn chắc nịch, tròn lẳn, gọn gàng, dì Tư với má Năm thì ngồi sên mứt dừa, mứt chùm ruột, mứt sung, mùi tết quyện vào nhau từ chảo mứt vừa chín tới nghe ngọt nồng lên mũi. Tiếng nổ lách tách từ phía đống ung má Năm ung củi khô, xác lá, rồi bỏ vô đó mớ vỏ cam vỏ bưởi phơi khô, nghe âm ấm, thơm thơm, má nói đốt đống ung vậy cho đỡ muỗi mà không có độc.

Đêm dần xuống khi mọi người vẫn còn tụ tập ngoài sân trước trong tiếng nói cười rôm rả, bàn tán chuyện ruộng vườn, mùa màng cây trái lẫn mấy chuyện thời sự trên mạng xã hội, xua tan màn đêm đặc quánh lẫn cái lạnh nhè nhẹ miệt vườn. Trong gian bếp, nhỏ Lan đang xếp mớ dưa cải vô cái khạp thì thằng Lâm gọi nhỏ:

- Út, làm xong vô đây hai nói chút

Nhỏ Lan vội nhanh tay xếp mớ dưa cải gọn gàng rồi đẩy vô góc bếp, nó đi vô buồng, thấy hai Lâm đang ngồi sẵn, nó ngạc nhiên hỏi:

- Gì vậy hai?

- Lại đây ngồi, hai cho cái này!

Nhỏ Lan chưa biết hai Lâm cho quà gì nhưng nó đã toe toét miệng cười

- Có quà cho út hả?

- Ừ, lên đây ngồi.

Ảnh minh họa. Ảnh: St

Nhỏ Lan leo thót lên cái phản gỗ, ngồi xếp bằng ngay ngắn theo lời của hai Lâm, mắt nó vẫn còn long lanh tò mò thú vị, lúc này, hai Lâm mở cái vali, lấy trong đó một cái bọc màu đỏ rồi đưa cho nhỏ Lan.

- Nè, của út nè

Nhỏ Lan vừa mở cái bọc màu đỏ, vừa chép miệng thắc mắc “gì vậy ta?” rồi nó ồ lên một tiếng khi thấy hai cái áo thun thiệt đẹp mà hai Lâm đưa nó kèm thêm một cái hộp trang điểm đủ loại dành cho con gái

- Cám ơn hai nghen! Thích ghê luôn!

- Sửa soạn trang điểm đi chơi tết cho đẹp, để có đứa nó chịu hốt út.

Nói xong, hai Lâm bật cười thì út Lan phản công đáp trả:

- Hai lấy dợ trước đi, út còn mê chơi.

- Hai nói giỡn. Ở nhà chịu khó lo cho tía má nghen, vài năm nữa hai về phụ lo tía má.

- Hai ở trên đó lo công chuyện đi, ở đây có út phụ tía má được rồi.

Hai Lâm chẳng nói gì, nó lục tìm trong vali rồi cầm ra một tờ giấy đưa cho nhỏ Lan

- Hai làm trưởng nhóm thiện nguyện hả? – Út Lan ngạc nhiên hỏi khi nhìn vào tờ giấy

- Ừ!

- Là làm gì hả hai?

-  Là giúp người già và trẻ em lang thang cơ nhỡ không bị lạm dụng, mua bán, giúp họ được chăm sóc sức khỏe và hòa nhập xã hội.

- Hay quá hai!

- Ừ, làm rồi sẽ thấy nhiều mảnh đời đáng thương lắm út, họ cần mình, mình làm điểm tựa cho họ, giúp được bao nhiêu người thì đỡ cho bấy nhiêu người.

- Mai mốt út lên thành phố, hai cho út tham gia nha.

- Ừ, khi nào út lên thành phố thì hai cho út gia nhập nhưng phải lo học trước đã, nhưng chỉ tham gia ngắn hạn thôi, út còn phải ở nhà phụ cho tía má, út là con gái, không đi xa nhà như hai được.

- Dạ!

Hai anh em ngồi tâm tình trong căn buồng nhỏ sau một năm xa nhà, hai Lâm lại được về quê ăn tết với gia đình, phụ tía má những công việc ngày cuối năm, chở út Lan lên thị xã mua sắm đồ trang trí rồi coi người ta du xuân, đón tết. Những ngày cuối năm luôn là những ngày mà mỗi người con đi xa luôn mong được trở về, dù có thành công nơi đất khách cũng không sao quên được mảnh vườn bình yên với khói đốt đồng thơm mùi rơm rạ.

Hai Lâm vốn là đứa học giỏi, thông minh, sau khi lên Sài Gòn học đại học xong, nó tìm được một công việc làm ổn định trong văn phòng với mức lương khá tốt, rồi một lần nó bắt gặp điều là lạ từ một em bé ăn xin, nó theo dõi và phát hiện ra điều động trời từ những băng nhóm chuyên chăn dắt người già trẻ nhỏ, vậy là hai Lâm quyết tâm can thiệp, rồi gia nhập một tổ chức giúp đỡ người già và trẻ em có hoàn cảnh lang thang, cơ nhỡ. Với nhiệt huyết và cái tâm rộng mở, hai Lâm từ một thành viên đã trở thành trưởng nhóm rồi trở thành người quản lý trung tâm. Nó từ bỏ công việc văn phòng với mức lương mơ ước để đồng hành trong thế giới của người bần cùng, khốn khổ. Suốt hơn mười năm trời, hai Lâm đã kết nối và giúp đỡ cho rất nhiều người già và trẻ em có được nơi nương tựa, được chăm sóc sức khỏe lẫn tinh thần từ việc vận động, kêu gọi cộng đồng, cùng tham gia các dự án trong và ngoài nước để hướng đến việc bảo vệ cho người yếu thế. Công việc đến như một cái duyên, cái nợ, thời gian thì trôi đi và hai Lâm vẫn miệt mài với nhiệm vụ của mình đến nỗi bỏ quên cả hạnh phúc riêng tư.

Đêm ba mươi tết, trong ngôi nhà gỗ xưa cách một triền đê, bà Tư Hải vận bộ đồ bà ba tinh tươm mới mẻ, bà thắp nén hương trước bàn thờ Tổ tiên đã trang trí, chưng bày đủ nghi lễ để đón giao thừa. My ủi lại bộ pháp phục của hai bà cháu để sáng mùng một tết đi Chùa lễ Phật như một phong tục truyền thống của người mộ đạo.

- Mai đi Chùa, vô thắp hương lạy Phật chứ đừng có bày đặt bứt bông bứt hoa như người ta nghen!

Bà Tư Hải ngồi trên bộ tràng kỷ, miệng nhai trầu bõm bẽm, tay bà vừa sắp xếp cơi trầu, vừa căn dặn nhỏ My.

- Dạ, con nhớ mà ngoại.

- Tết nhất, phải để cho cây cối nó ăn ba ngày tết, đi Chùa lễ Phật được rồi, bẻ cành bẻ nhánh làm gì, năm nào tới sáng mồng một là cây cối Chùa chiền xác xơ hết trơn hết trọi, coi hổng có được.

- Dạ!

Ngoại im lặng vài giây, cho vài miếng cau non mới giã trong cái hũ đồng vào miệng rồi chậm rãi tiếp lời:

- May mắn, phúc lộc hay không là do mình ăn ở chứ có phải đi bẻ cái cây, cái nhánh rồi dìa mà thay đổi được hết đâu. Mình ăn tết, cũng phải để cho cây cối nó được ăn ba ngày tết. Ngoại dặn trước để bây nhớ mà đừng có bắt chước người ta nghen.

- Dạ, con nhớ rồi ngoại!

Bà Tư mấy chục năm qua là người mộ đạo nổi tiếng trong vùng, bà ăn chay trường, thường lên Chùa làm công quả, ruộng vườn thu hoạch được bao nhiêu, bà cũng dành để giúp đỡ, bố thí người nghèo, bà luôn tâm niệm “Con người dù có bao nhiêu gia sản thì chết cũng chẳng mang theo, ông Trời sinh ra người giàu không phải là để hưởng thụ mà là ban cho họ cái phước để giúp đỡ người nghèo, mà ai không làm được thì coi như ông Trời không ban phước nữa” , vậy nên dù tuổi đã ngoài tám mươi mà bà vẫn còn minh mẫn, hồng hào, vẫn còn đủ sức đi lên Chùa, lễ Phật, lo việc đồng áng trong ngoài. Mỗi năm, bà lại kéo về nhà cả tấn gạo, mì gói, dầu ăn để tặng cho người khó khăn thất bát. Vì cái tâm, cái đức sống nhân hậu của bà mà bà được người dân trong vùng cảm mến, thương yêu. Người ta nói nhờ bà ăn ở phúc đức nên con cháu thảo hiền, đẹp người đẹp nết.

My xếp mấy bộ đồ màu lam vào trong cái tủ nhỏ, cô bước ra ngoài phụ ngồi chụm bánh với người thân. Đêm ba mươi, nhà nào cũng râm ran tiếng nói, tiếng cười rộn rã, tiếng nổ lách tách từ những thanh củi bắn ra những tia lửa nhỏ như đám pháo bông li ti, họa lên giữa màn đêm, ẩn hiện nét thanh tú trên gương mặt của My như bức tranh huyễn hoặc.

***

Tiếng hát của út Mẫn đượm buồn qua từng cung bậc của Lục huyền cầm, nghe thâm trầm mộc mạc, má Năm ngồi bần thần theo mỗi câu ngân lên cống xuống xề trong bản “Quê hương tình mẹ”, ánh mắt cứ đổ về hướng xa xa như nhớ ngoại năm nào, cùng ngồi gói bánh. Tiếng nước sôi lóc róc từ nồi bánh tét to đùng bốc ra mùi thơm ngòn ngọt lẫn trong mùi vỏ cam, vỏ bưởi phơi khô. Tiếng đổ cờ từ phía bàn cờ của cậu Hai và tía nghe đậm mùi thế trận. Mỗi người một “giang sơn” thư giãn, góp sức đêm tối ba mươi, góc nào cũng làm cho người ta thấy hạnh phúc, bồi hồi, nhất là những người tha hương, xa xứ.

Lâm lấy chuỗi hạt trầm hương đặt gọn gàng vào cái hộp đỏ, một món quà mà Lâm sẽ gửi tặng cho My, cô bạn cạnh thôn ngày còn nhỏ cũng chơi thân nhưng đến lớn thì ít khi được gặp, Lâm nhớ My thường hay theo ngoại lên Chùa mà nhìn cô thì cũng như người Phật tử, nhỏ nhắn hiền lành trong bộ đồ lam. Sáng nay tình cờ Lâm gặp lại My khi đi chợ trên thị xã, sau một hồi trò chuyện hỏi thăm, vậy là họ hẹn nhau cùng đi Chùa vào ngày mùng một tết.

Lâm ngồi chụm bánh, để mọi người trong nhà nghỉ ngơi thư giãn với những thú vui tao nhã miệt vườn. Được mấy khi mà thức khuya nấu bánh với gia đình, được mấy khi mà nhìn thấy bóng dáng tía má nói cười, bận bịu trong ngày tết, được mấy khi mà ngồi nghe câu vọng cổ của ông anh. Giữa những canh cánh bộn bề, trách nhiệm với cộng đồng, thỉnh thoảng, Lâm vẫn tự hỏi mình còn được bao nhiêu lần về quê ăn tết cùng tía má khi tóc của tía má không còn đen, da dẻ đã nhăn nheo, tuổi đã xế tà.

Trời đêm sương lạnh, từng đợt gió ngoài đồng thổi vào nghe bàng bạc, lẫn vào mùi hoa mai bung nụ, mùi cây cỏ, đất trời càng làm cho hương xuân thêm thi vị. Xuân đã vào đến cửa, tinh tươm, lặng lẽ trong từng ngõ ngách tha nhân. Đâu đó xa xa giữa bốn bề tĩnh mịch, tiếng chuông Chùa trầm vang, chạm đến sâu thẳm lòng người…

Tác giả: Võ Đào Phương Trâm

* Dợ: nghĩa là vợ theo cách nói của miền Tây.