Trang chủ Văn hóa Tết văn minh qua lăng kính triết lý Phật giáo

Tết văn minh qua lăng kính triết lý Phật giáo

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tác giả: Thạc sĩ ngành Văn hóa học Phan Thái Bình
Khoa Việt Nam học, ĐHKHXH&NV, ĐHQG Tp.HCM

Tóm tắt: Đề tài không đi sâu tìm hiểu về nguồn gốc hay bức tranh tổng quát về Tết cổ truyền của người Việt ở từng vùng miền. Đề tài cũng không nghiên cứu Phật giáo như một tôn giáo với lịch sử hình thành, hệ thống giáo lý hay phương pháp tu tập. Chúng tôi vận dụng một số quan niệm về thế giới quan, xã hội quan và đạo đức quan của văn hóa Phật giáo trong việc phân tích tính giá trị hay phi giá trị ở một số phong tục phổ biến trong ngày Tết của người Việt. Mục đích của nghiên cứu này nhằm hướng đến việc đón Tết cổ truyền vừa mang đậm giá trị truyền thống vừa phù hợp với lối sống văn minh hiện đại.

Từ khóa: phong tục Tết, kiêng cữ ngày Tết; Tết văn minh.

A CIVILIZED NEW YEAR FROM THE PERSPECTIVE OF BUDDHIST PHILOSOPHY

Abstract

This topic does not delve into the origin or overall situation of the traditional Vietnamese New Year in each region. This topic also does not study Buddhism as a religion with a history, doctrinal system, or practical method. We use some concepts of Buddhist culture’s world view, social view, and ethical view to analyze the value or non-value of some popular customs during the Vietnamese New Year. The purpose of this research is to target a traditional New Year that is both immersed in traditional values and suitable for modern civilized lifestyles.

Key words: Lunar New Year Customs, New Year taboos, Civilized New Year.

1. Đặt vấn đề

Nếu phong tục, tập quán được hiểu là những thói quen lâu đời của một cộng đồng, một dân tộc, được lặp đi lặp lại nhiều lần thì không phải tập tục nào cũng được nâng lên tầm văn hóa. Trên thực tế có những tập tục thiên về mê tín, thiếu cơ sở khoa học, không có giá trị văn hóa và tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên. Quyển Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính có đoạn: “Mỗi nước có một phong tục riêng. Phong tục ấy kỳ thủy hoặc bởi tự một vài người mà rồi bắt chước nhau thành ra thói quen. (…) mà trong những tục ấy cũng có tục hay, cũng có tục dở. Duy chỉ bởi tai mắt người đã quen, lòng người đã tin dùng, thì dẫu có người biết là dở mà cũng không sao đổi ngay đi được”[1]. Các phong tục trong ngày Tết của người Việt cũng vậy. Việc nhìn lại những giá trị cần phát huy và những hạn chế cần khắc phục của phong tục Tết là việc làm cần thiết trong việc hướng đến một cái Tết vừa giàu truyền thống vừa phù hợp với xã hội văn minh, hiện đại.

Để tiếp cận và nghiên cứu các vấn đề đặt ra, chúng tôi chủ yếu vận dụng lý thuyết Giao lưu và tiếp biến văn hóa. Giao lưu văn hóa là khái niệm chỉ sự tiếp xúc trực tiếp và lâu dài giữa hai nền văn hóa và kết quả của cuộc tiếp xúc này là sự thay đổi hoặc biến đổi của một hoặc cả hai nền văn hóa. Giao lưu văn hóa tạo nên sự dung hợp và tích hợp văn hóa ở các cộng đồng. Ở đó có sự kết hợp giữa các yếu tố “nội sinh”“ngoại sinh” tạo nên sự phát triển văn hóa đa dạng. Việc vận dụng lý thuyết này trong nghiên cứu vấn đề sẽ thấy rõ hơn quá trình tiếp nhận văn hóa từ bên ngoài và những tác động, biến đổi của nó tới văn hóa Việt Nam.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Tet van minh qua lang kinh triet hoc Phat giao 1

“Tết” trong các từ Tết Nguyên Đán, Tết Đoan Ngọ, Tết Trung Thu là cách đọc trại âm của từ “tiết” trong thời tiết, khí hậu. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sử dụng khái niệm “Tết” để chỉ Tết Nguyên Đán. Tết Nguyên Đán là tết quan trọng nhất của người Việt, là thời điểm khởi đầu một năm mới. Nó mang đến sức mạnh tinh thần, sự trông chờ và sự hy vọng về một tương lai tốt đẹp. Tết là dịp để mọi người thể hiện sự quan tâm, củng cố các mối quan hệ, hàn gắn những rạn nứt, tái thiết lập quan hệ của mình với ông bà, tổ tiên. Đây là ngày đoàn viên của gia đình nên dù đi đâu, mọi người đều muốn quay về nơi có bố mẹ và bàn thờ tổ tiên để đón Tết. Tết về cơ bản là một hình thái của văn hóa dân gian. Bức tranh tổng thể về phong tục Tết có thể bắt đầu từ việc chuẩn bị Tết bao gồm: tiễn ông Táo về trời, dựng nêu, mua sắm, gói bánh chưng, viết câu đối, treo tranh Tết. Các khâu chuẩn bị tất niên gồm: tắm tất niên, trả nợ cuối năm, thăm mộ gia tiên, cúng gia tiên, cúng thổ công. Vào Tết thường có các phong tục: lễ giao thừa, đốt pháo, xông nhà, mừng tuổi, đi Tết, hạ nêu[2].

Quyển Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính có đoạn: “An Nam ta kể từ có nước đến giờ thì đã ngoại bốn ngàn năm. Song về đời Hồng Bàng thì còn là một nước tối cổ, tục khi đó hẳn cũng như Mường Mán bây giờ. Kế đến hồi Tàu sang cai trị, thì những văn minh của Tàu mới dần dần truyền bá sang nước ta. Bấy giờ ta mới có học hành, có giáo hóa, thì phong tục ta cũng mở mang thêm ra ít nhiều. Từ đời Ngô Quyền gây nền độc lập, rồi kế đến Đinh, Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, cho chí Nguyễn triều ta, nước ta đã thành ra nước tự chủ; mà trong cách chính trị, cách giáo dục, điều gì cũng là noi theo của Tàu, cho nên phong tục ta bây giờ, phần nhiều do ở Tàu mà ra cả”[3]. Nguồn gốc của Tết là một chủ đề vẫn còn nhiều tranh cãi. Trên thực tế, Tết đã tồn tại hàng ngàn năm ở Việt Nam. Nó đã trở thành một căn cước văn hóa không thể thiếu được của người Việt Nam ở trong và ngoài nước. Nó đã, đang và sẽ biểu thị chính yếu cho văn hóa Việt Nam. Trong quá trình hội nhập và tương tác với các nền văn hóa khác, nó không ngừng được giao lưu và tiếp biến. Những biến đổi có thể góp phần bổ sung những giá trị mới, nhưng cũng có thể chứa đựng những điểm hạn chế, chưa phù hợp với xã hội văn minh, hiện đại.

Vậy tại sao chọn triết lý Phật giáo để chiếu soi các phong tục Tết? Khi được hỏi về bản chất của các tôn giáo thời hiện đại, Albert Einsten có nhận xét: “Nếu phải có một tôn giáo có thể đáp ứng được nhu cầu của khoa học và tâm linh thì phải nói đó là đạo Phật”. Về mặt từ nguyên, “đạo Phật” có nghĩa là con đường của trí tuệ. Ở đâu có trí tuệ thì ở đó không có mê tín, cũng như ở đâu có ánh sáng thì ở đó không còn bóng tối. Việc dùng ánh sáng để chiếu soi những giá trị và những tồn tại trong phong tục Tết của người Việt là điều cần thiết trong xã hội văn minh, hiện đại.

2. Các tục phổ biến ngày Tết

2.1. Đưa ông Táo về trời

Lễ cúng đưa ông Táo về trời là tục khởi đầu trong chuỗi các phong tục Tết của người Việt. Tục này xuất phát từ văn hóa Trung Hoa, được người Việt tiếp nhận và biến đổi. Trong văn hóa Trung Hoa, cái lò bếp có ba đỉnh để đặt nồi tượng trưng cho Thổ công, Thổ địa và Thổ kỳ. Khi tiếp nhận thì người Việt biến nó thành một câu chuyện tình yêu hai ông một bà, tượng trưng cho Thần đất, Thần nhà và Thần bếp núc[4].

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Tet van minh qua lang kinh triet hoc Phat giao 2

Lễ vật cúng ông Táo có khác nhau giữa các vùng miền. Những lễ vật chính thường gồm áo, mũ, hài, hương đèn, hoa tươi, bánh kẹo, giấy vàng mã. Lễ vật càng chuẩn bị tươm tất càng thể hiện lòng thành của gia chủ với mong muốn ông Táo sẽ trình báo những điều tốt đẹp. Các các lễ vật như áo, mũ, giấy vàng mã sau khi cúng sẽ được đốt cùng với việc thả cá chép xuống sông với mong ước cá sẽ hóa rồng, lên thiên đình trình báo Ngọc Hoàng, thượng đế. Dưới góc độ khoa học thì cá chép không có khả năng rời khỏi quả địa cầu do lực hút của trái đất. Dưới góc độ Phật học, tin rằng thông qua sự hỗ trợ của con cá chép mà có thể trình báo cho Ngọc Hoàng là niềm tin không có cơ sở. Theo thuyết Nhân duyên thì thượng đế là không có thật. Mọi thứ có mặt, tồn tại, phát triển và hoại diệt để hình thành nên cái mới là do sự tương tác đa chiều của mọi sự vật hiện tượng. Vật chất cũng không phải là nguyên nhân của vũ trụ. Vật chất không thể tạo ra tinh thần, dù bộ não là cơ sở vật chất tinh vi nhất của cơ thể, cơ sở quan trọng nhất theo đó tinh thần được phát sinh[5]. Vũ trụ này cũng không bắt nguồn từ tâm. Tâm không thể tạo ra vật chất, cũng giống như vật chất không thể tạo ra tinh thần, mặc dù vật chất và tinh thần có mối liên hệ biện chứng và tương tác hai chiều. Người ta có thể vận dụng các nguyên lý vật chất để tạo ra các sản phẩm mới từ tư duy của tinh thần[6]. Vật chất góp một phần quan trọng để tinh thần được phát huy, nhưng không thể nói vật chất là nguyên nhân đầu tiên hay tinh thần là nguyên nhân đầu tiên của vũ trụ. Tương tự, thượng đế cũng không phải là nguyên nhân đầu tiên. Thượng đế không phải là cha đẻ của mọi sự vật hiện tượng, mà mọi sự vật hiện tượng có mặt, tồn tại, phát triển và hoại diệt là do sự tương tác đa chiều[7].

Chỉ nên khai thác ý nghĩa biểu tượng của tục này chứ không nên đặt nặng về hình thức hay lễ vật cúng, đốt, thả. Về ý nghĩa biểu tượng, hình ảnh cá hóa rồng tượng trưng cho sự thăng hoa, vượt khó để thành công. Ngọc Hoàng tượng trưng cho sự công tâm, công bằng và nhân quyền. Ông Táo tượng trưng cho việc trình báo những việc làm sai trái để mọi người nhìn lại cách hành xử của mình. Theo văn hóa Phật giáo, thay vì tin rằng có một Ngọc Hoàng đóng vai trò như một thẩm phán để phán quyết việc đúng sai của mọi người, mỗi người phải làm thẩm phán cho chính những hành xử của mình trên nền tảng chính niệm. Chính niệm là làm chủ được dòng cảm xúc trong từng động tác đi, đứng, nằm, ngồi và trong mọi hoạt động thường nhật. Nhờ đó tránh được những rủi ro trong lao động, sản xuất, giao thông, đi lại và những rủi ro khác trong cuộc sống. Mỗi người đóng vai là ông Táo, Ngọc Hoàng để lắng nghe sự chia sẻ, phản ánh của các thành viên trong gia đình trên tinh thần cầu thị. Với ý nghĩa biểu tượng, hãy xem ông Táo là người quản lý tất cả các hành xử xảy ra trong căn nhà như một “camera” an ninh. Nhờ đó mọi người ý thức rằng từ việc nhỏ đến việc lớn, từ việc xấu đến việc tốt của mình đều được giám sát của luật pháp, luật nhân quả đạo đức. Nhờ vậy, mọi người hành xử với nhau có văn hóa, hợp đạo đức và văn minh.

2.2. Rước ông bà

Trong ý nghĩ của người Việt, tổ tiên và ông bà đã chết vẫn là thành viên của gia đình. Những dịp vui hay buồn của gia đình, người Việt đều nhớ đến ông bà, tổ tiên. “Và Tết, vui xuân, người Việt cũng muốn gia tiên về hưởng Tết. Bởi vậy, ở nhiều nơi, sau khi sắm sửa Tết xong, người ta có tục đi viếng mộ, đắp lại mộ, thắp hương khấn mời hương hồn người quá cố về hưởng Tết. (…) Chiều ba mươi Tết, mọi việc sửa soạn đã xong xuôi, sau khi đi viếng mộ gia tiên về, người ta sửa lễ cúng gia tiên, và sau đó đèn nhang, nhất là nhang phải giữ thắp suốt mấy ngày Tết cho tới khi hóa vàng”[8].

Tục này thể hiện văn hóa ứng xử của những thế hệ đi sau đối với những người khai sinh ra mình. Tục này giúp các thế hệ con cháu có văn hóa ứng xử đạo đức, uống nước nhớ nguồn, nhớ ơn và đền ơn. Học thuyết Tứ trọng ân trong văn hóa Phật giáo cũng đề cao văn hóa nhớ ơn và đền ơn. Tứ trọng ân là bốn ơn lớn đối với mỗi con người bao gồm ơn ông bà, cha mẹ (nhờ ông bà cha mẹ đã khai sinh ra mình với tư cách là một con người), ơn thầy cô giáo (nhờ thầy cô giáo đã truyền trao tri thức), ơn tổ quốc (nhờ có tổ quốc mà được sinh sống trong hòa bình), ơn đồng loại (nhờ đồng loại mà không cần làm hết mọi việc). Ơn ông bà tổ tiên đã gián tiếp phủ nhận việc thượng đế tạo ra con người và vạn vật. Con cái được cha mẹ sinh ra, cha mẹ được ông bà sinh ra. Quan niệm này khác với học thuyết tiến hóa của Darwin (học thuyết tiến hóa cho rằng con người trải qua hàng triệu năm tiến hóa và có nguồn gốc từ loài khỉ vượn) vì cho rằng tổ tiên của con người là con người và ơn ông bà tổ tiên là ơn quan trọng nhất.

Theo văn hóa Phật giáo, luân hồi xảy ra ở cả hai phương diện vật chất và tinh thần. Định luật bảo toàn năng lượng cho thấy sự luân hồi của vật chất trong mọi sự vật hiện tượng. Về phương diện tâm thức cũng có một sự bảo toàn tương tự. Sau khi chết tâm thức của con người xuất ra khỏi thân và ngay lập tức sẽ tái sinh ở những cảnh giới khác nhau. Quy luật đó diễn ra một cách tự nhiên. Kho tàng tâm của con người là không giới hạn. Sau khi chết, tất cả các kiến thức, lối sống, kinh nghiệm, phong tục tập quán theo họ ở kiếp sau. Hiện tượng thần đồng là một trong những minh chứng cho vấn đề này[9]. Cái chết không phải là dấu chấm cuối cùng của cuộc đời, mà chỉ là chấm nhỏ trên đường cong vô tận không có điểm bắt đầu và không có điểm kết thúc[10].

Theo triết lý Phật giáo thì ông bà sau khi chết đều được tái sinh nhưng việc rước ông bà về trong ngày Tết được xem là một biểu tượng để chứng biết sự trưởng thành của con cháu, chứng kiến những thay đổi theo chiều hướng tích cực của gia đình. Cũng như việc cúng giỗ, dù ông bà đã tái sinh, con cháu vẫn làm lễ tưởng niệm, ôn lại tiểu sử của ông bà để nhắc nhớ và duy trì truyền thống của gia tộc. Cần làm những việc thiện nguyện cụ thể vào những ngày như thế để người còn sống lẫn người đã chết đều được lợi lạc. Những việc thiện được xem là tài khoản vô hình đi với con người trong các kiếp sống. Hiểu được định luật bảo toàn năng lượng của vật chất và định luật bảo toàn của đạo đức, con người sẽ có trách nhiệm với các hành vi đạo đức của mình. Việc quan tâm cho ông bà, ba mẹ đã mất cũng vậy. Rước ông bà vào ngày ba mươi cháng chạp và đưa ông bà vào ngày mùng ba tháng giêng trên nền tảng của lòng biết ơn và đền ơn. Việc cúng rước ông bà giúp duy trì được đạo lý uống nước nhớ nguồn, lòng hiếu thảo. Tục rước ông bà nói riêng và thờ cúng ông bà nói chung mang giá trị nhân văn sâu sắc. Tuy nhiên, việc thiên nặng về hình thức dễ dẫn đến niềm tin mê tín, chẳng hạn như việc đốt giấy vàng mã[11] cho ông bà quá cố là góp phần gây tổn thất kinh tế, hủy hoại môi trường và không phù hợp với lối sống văn minh, hiện đại.

2.3. Mừng tuổi và lì xì

Sáng mùng một Tết, mọi người dậy sớm và mặc những bộ quần áo đẹp nhất mà họ có. Công việc đầu tiên của gia chủ là thắp nhang cho ông bà tổ tiên. Ông bà, cha mẹ còn sống ngồi ở vị trí trang trọng và nghe con cháu chúc Tết, mừng tuổi chủ yếu với nội dung sống lâu trăm tuổi. Ông bà cũng chúc lại con cháu bằng những lời chúc tốt đẹp cùng với một ít tiền được gói trong phong bì đỏ, còn gọi là lì xì[12].

Về khái niệm “lì xì”[13] là đọc trại âm của từ “lợi thị” trong tiếng Hoa (thuận lợi và thành công trong mua bán). Những người đầu tiên dùng từ này để chúc tụng lẫn nhau là những doanh nhân. Việc chúc tụng còn đi kèm với hồng bao tượng trưng cho vận hội may mắn, thành công trong đầu tư và quan tâm lẫn nhau. Đối với văn hóa gia đình thì đó là cơ hội quan tâm, chăm sóc, hỗ trợ nhau để thăng tiến hơn về phương diện lập nghiệp và trở nên hạnh phúc hơn nhờ sự nối kết tình thân của các thành viên trong gia đình.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Tet van minh qua lang kinh triet hoc Phat giao 3

Tục này liên hệ đến văn hóa ứng xử giữa các thành viên trong gia đình và những người thân quen. Con cháu chúc tụng ông bà, cha mẹ và những người lớn tuổi hơn mình, cầu mong mong cho họ sức khỏe, công việc làm ăn được thành công. Hồi đáp lại thì người lớn sẽ tặng hồng bao lì xì và chúc tụng cho con em mình được thành tựu trong việc học hành và thành công trong cuộc sống. Việc chúc tụng này như một nguồn năng lượng thúc đẩy về mặt tinh thần rất quan trọng trong ngày đầu năm. Văn hóa ứng xử này giúp mọi người vượt lên trên sự vô cảm và sâu xa hơn nữa, theo văn hóa Phật giáo là lòng từ bi. Đó là việc nhổ lên được các khổ đau trên nền tảng bất hạnh để mở ra các cơ hội an vui, hạnh phúc. Đó là biết hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích tập thể. Đó là biết yêu thương, giúp đỡ mọi người không phân biệt lạ hay thân. Vì vậy, nên phát huy ý nghĩa biểu tượng cao đẹp của tục lì xì và mừng tuổi.

Tuy nhiên, hạn chế của tục này là tiền mừng tuổi không còn mang ý nghĩa lời chúc tốt đẹp đầu năm mà ẩn chứa nhiều toan tính. Cấp dưới mừng tuổi, chúc tết cấp trên với hồng bao, quà tặng giá trị lớn với mong muốn được thăng quan, tiến chức và gây dựng các mối quan hệ. Trẻ con bị nhiễm thói thực dụng, so bì giá trị của số tiền lì xì. Lì xì như một hình thức trả nợ vì họ đã lì xì cho trẻ con nhà mình. Do đó, tục mừng tuổi và lì xì sẽ có ý nghĩa cao quý nếu không đem vụ lợi, toan tính vào trong những phong bao lì xì.

2.4. Tục xông đất

“Là một nghi thức cầu may của người Việt: chọn một người nào đó để anh ta bước vào nhà mình ngay sau giao thừa. Tuổi của người ấy phải tương sinh hoặc hợp với con giáp mà năm mới được định danh (tính theo nguyên lý âm dương ngủ hành)”[14].

Về phương diện tâm lý, cần ghi nhận tục xông đất như niềm mơ chính đáng của mỗi người về việc mong muốn được may mắn và hạnh phúc. Người ta tin rằng trong ngày đầu năm, người nào đó được xem là giàu sang, thành công, hạnh phúc tới xông đất cho nhà mình thì cả năm đó sẽ được vận may. Theo quan niệm của người Trung Hoa mà người Việt bị ảnh hưởng đó là có mười thiên can và mười hai địa chi. Các thiên can và địa chi thuộc vị trí số lẻ là dương, số chẵn là âm. Tuổi của người chủ nhà và người xông đất nếu kết hợp lại là âm và dương được xem là may mắn, cộng sinh, sinh sôi nảy nở.

Về phương diện khoa học thì điều vừa nêu thiếu cơ sở thực tiễn. Theo kinh tế học Phật giáo, để có được những thành công trong sự nghiệp cần có kiến thức về nhiều lĩnh vực như kinh tế thị trường, phương pháp lập nghiệp, phương pháp giải quyết khủng hoảng. Ngoài ra, cần tuân thủ luật pháp, đề cao lương tâm đạo đức thì thành công mang tính bền vững. Nếu chỉ dựa vào hiện tượng mời người giàu có đến xông đất sẽ giúp cho gia đình đó giàu có thì không còn gia đình nào khó khăn, không còn quốc gia nào nghèo đói, lạc hậu.

Sẽ thiếu sót nếu chỉ cầu nguyện suông mà không hướng đến những nỗ lực chân chính để biến ước mơ trở thành hiện thực. Để thành công và hạnh phúc, theo văn hóa Phật giáo cần một lộ trình gồm tám yếu tố. (1) Tầm nhìn xa, hiểu biết rộng: nếu không có những hiểu biết chuẩn xác thì không thấy rõ bản chất của những rắc rối đã, đang hoặc sẽ có. Tầm nhìn xa là thấy được tính tương tác đa chiều của mọi sự vật hiện tượng và hạn chế được những niềm tin mê tín. (2) Tư duy giải quyết vấn đề: tư duy đúng và có phương pháp giúp khắc phục được các sai sót, những niềm tin mang tính may rủi. (3) Truyền thông đạo đức: lời nói phục vụ cho sự hòa hợp, đoàn kết; không hù dọa, chửi bới, nguyền rủa; chỉ nói điều lợi lạc, lợi ích và giá trị. (4) Đạo đức đối với thân: không giết người, bảo vệ sự sống; không trộm cắp, chia sẻ sở hữu. (5) Đạo đức trong nghề nghiệp: chỉ làm những nghề nghiệp được luật pháp cho phép. (6) Siêng năng chân chính: không bỏ cuộc nửa chừng, kiên trì, bền bỉ trong các nỗ lực chân chính. (7) Chính niệm: làm chủ được dòng cảm xúc trong từng động tác để tránh được những rủi ro trong cuộc sống. (8) Chính định: giúp chế tác được trạng thái an lạc và sáng suốt giải quyết các vấn nạn mà mình đang gặp phải[15].

Tục xông đất dù lý giải dưới góc độ thuyết âm dương, tương sinh tương khắc cũng không thể giải quyết được vấn đề giàu nghèo của cá nhân, gia đình và xã hội. Giàu và nghèo thuộc về nhân quả của kinh tế. Theo kinh tế học Phật giáo, cần phải có chính tư duy bao gồm kiến thức đúng, phương pháp đúng, nỗ lực đúng và kiên trì đúng để đạt được thành công. Việc mời khách đến nhà hoặc tiếp khách đến nhà trong dịp Tết là hoạt động giao tế thể hiện sự quan tâm, quý trọng lẫn nhau. Người có quý mến nhau mới đi thăm viếng và chúc tụng nhau những điều tốt lành. Việc mong rằng người khách mang lại vận may cho gia đình là niềm tin mê tín. Trường hợp người khách không mong muốn đến chúc Tết thì cũng không nguyền rủa hay đổ lỗi cho họ mang lại điều xui xẻo. Niềm tin này không có chứng cứ và tạo ra nhiều tổn thất trong các mối quan hệ. Để đạt được mọi việc như ý và để ứng xử văn minh trong ngày Tết và trong cuộc sống, cần phát triển chính tư duy (tư duy tích cực, tư duy giải pháp, tư duy nhân quả và tư duy giải quyết vấn đề trên nền tảng của như ý tác ý – đánh giá sự vật hiện tượng như chúng đang là), phát triển chính tri kiến (hiểu rõ sự vận hành của thế giới trên nền tảng của nhân quả và duyên khởi), phát triển trí tuệ (để không trở thành nạn nhân của mê tín và cũng không biến người thân và các mối quan hệ của mình bị ảnh hưởng tiêu cực).

3. Các kiêng cữ phổ biến ngày Tết

Theo quan niệm dân gian, vào ngày đầu năm nếu để xảy ra một điều gì đó không hay thì sẽ gặp sự không may trong suốt năm đó. Vì thế “người ta tránh đi tất cả cái gì có thể là một điềm gở đem lại sự không may mắn quanh năm, nghĩa là tránh bị giông”[16]. Và để tránh giông một cách có ý thức, dân gian đã có những điều kiêng trong những ngày tết, nhất là ngày mùng một: kiêng quét nhà (tránh mất của); kiêng chửi mắng, đánh đập con cái (mong hòa thuận, êm ấm trong gia đình); kiêng cho vay (tránh tàn tài, thua lỗ); kiêng cho lửa (tránh “mất đỏ”, tức xui xẻo); kiêng làm đổ vỡ các đồ ấm, chén, bát, đĩa (tránh sự đổ vỡ trong năm); kiêng nói những câu có từ “chết chóc” (tránh chết chóc, bệnh tật); kiêng rầu rĩ, khóc lóc (tránh sự buồn rầu)[17].

3.1. Kiêng quét nhà

Dân gian Việt Nam quan niệm rằng quét nhà vào ngày đầu năm sẽ trở nên nghèo túng và khánh kiệt. Nếu quét nhà thì quét từ cửa trước ra cửa sau và giữ rác lại ở một góc nhà cho đến qua Tết mới đem đi đổ. Nếu không làm như thế thì cả năm đó tiền bạc, tài sản sẽ bị hất ra bên ngoài.

Về nguồn gốc, tục này phát xuất từ Trung Hoa[18]. Rác là nơi thần tài trú ẩn, cho nên đổ rác đi thì tài sản sẽ trở nên khánh kiệt. Trên thực tế, việc quét dọn và trang hoàng nhà cửa đã được thực hiện trong tuần lễ trước Tết. Còn trong những ngày quan trọng của Tết, phần lớn mọi người đi chúc tụng, thăm viếng ông bà và làm những việc quan trọng khác nên không dành nhiều thời gian quét dọn nhà cửa.

Theo kinh tế học Phật giáo, giàu và nghèo lệ thuộc vào yếu tố nhân và duyên. Nhân chính yếu là nắm vững nhân quả của kinh tế mà trong giai đoạn hiện nay là kinh tế thị trường dựa vào cung và cầu. Ngoài ra, kiến thức đầu tư, kiến thức giao tế, kiến thức quảng cáo, kiến thức giữ khách, kiến thức làm khách hàng hài lòng cũng trở thành các duyên tích cực để thành công trong đầu tư kinh tế. Để thành công, cần có trí tuệ, kiến thức chuyên môn và đặc biệt là thông minh cảm xúc để nhạy bén trong đầu tư. Thất bại của người này lại tạo điều kiện thành công cho người khác và ngược lại. Để có tài sản lâu dài, cần phải làm phúc, chia sẻ sở hữu cho những người kém may mắn hơn dù họ đã nỗ lực hết mình nhưng vẫn không thể vượt qua khó khăn.

Việc quét dọn và giữ nhà cửa luôn sạch sẽ dù ngày thường hay ngày Tết là việc làm cần thiết và phù hợp với quan niệm nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm của người Việt. Niềm tin vào việc quét rác vào ngày Tết sẽ dẫn đến tổn thất về tài sản là niềm tin thiếu tính khoa học và chân lý. Quan niệm có kiêng có lành, thà làm thừa còn hơn làm thiếu đã làm cho những niềm tin này có cơ hội tồn tại dai dẵng dưới dạng vô thức. Nó giống như tảng băng ngầm của tiềm thức mà khi va chạm với tảng băng đó, người ta có thể đổ lỗi hoặc quy trách nhiệm. Vì vậy, để Tết thật sự văn minh, hiện đại thì những niềm tin này cần được giải phóng.

3.2. Kiêng làm vỡ đồ đạc

Dân gian tin rằng đồ đạc bị vỡ trong những ngày đầu năm tượng trưng cho sự đổ vỡ các mối quan hệ, thất bại trong nghề nghiệp và tán gia bại sản. Quan niệm này phát xuất từ nhận thức “đầu xuôi đuôi lọt”. Đầu năm thuận lợi thì cả năm thành công và ngược lại. Mối quan hệ giữa đổ vỡ đồ đạc và đổ vỡ trong quan hệ làm ăn chỉ có quan hệ hình thức. Điều này không không có tính khoa học và không có quan hệ nhân quả. Chỉ nên xem việc tránh làm vỡ đồ đạc như là một lời cảnh báo và nên áp dụng cho tất cả những ngày còn lại trong năm. Vì làm vỡ đồ đạc sẽ phải mất tiền để tái mua vật dụng mà nguyên nhân chính là do sự bất cẩn. Vì vậy, tinh thần cẩn trọng cần được đề cao. Trường hợp người thân bất cẩn làm vỡ các đồ đạc thì cũng không đổ lỗi cho những điều không như ý trong năm là do phát xuất từ nguyên nhân này. Lối suy luận này dẫn đến thái độ quy chụp mang tính hàm oan.

Quy luật vô ngã, vô thường[19] xảy ra đối với mọi sự vật và hiện tượng. Các vật dụng trong nhà cũng không phải ngoại lệ. Dân gian Việt Nam có quan niệm “của đi thay người”. Quan niệm này có giá trị an ủi cho người bị tổn thất tài sản, giúp họ tránh được tình trạng chìm sâu trong nỗi đau mất mát tài sản. Các vật dụng mất đi là để thay thế cho mạng sống của họ và nhờ vậy mà mạng sống được bảo toàn. Vì là một nhận thức trấn an, cho nên nó không thể thay thế được sự thật tổn thất trong đời sống. Mất mát hay làm vỡ đồ đạc là do bất cẩn. Bất cẩn do bản thân mình, do người khác hay do cả hai. Theo văn hóa Phật giáo, cần chính niệm tỉnh thức để tránh được các rủi ro. Chính niệm là làm chủ được tâm trong mọi động tác, mọi hoạt động đang diễn ra. Các tai nạn trong giao thông, trong lao động và trong các lĩnh vực khác phần lớn do mất chính niệm.

Vì vậy, thay vì lo sợ tính kéo theo của việc làm đổ vỡ đồ đạc trong ngày đầu năm, cần có thái độ ứng xử nhẹ nhàng, bình tĩnh. Những tổn thất xảy ra với đồ đạc do vô thường thì cũng không tiếc nuối, trách móc hay nặng lời với những người liên quan. Chỉ nhắc nhở để tính cẩn trọng được đặt lên hàng đầu trong từng hành động hay việc làm. Việc ứng xử như thế trong ngày Tết và trong tất cả các ngày còn lại trong năm thích hợp với lối sống văn minh, hiện đại.

3.3. Kiêng tiếng khóc của trẻ con

Dân gian Việt Nam cho rằng gia đình để tiếng khóc trẻ con xảy ra trong ngày Tết được xem là điềm gở vì tiếng khóc biểu hiện của sự khổ đau. Do vậy tiếng khóc trong ngày đầu năm sẽ liên lụy đến khổ đau trong suốt một năm.

Về phương diện tâm lý học, tiếng khóc và giọt nước mắt không nhất thiết phản ánh những khổ đau về mặt cảm xúc. Khi hạnh phúc dâng trào, con người cũng khóc. Như vậy, những giọt nước mắt phản ánh hai thái cực đối lập là đau khổ hay hạnh phúc chứ không đơn thuần liên hệ đến khổ đau. Về phương diện y học, trẻ con khóc đêm là một bệnh lý cần tìm hiểu nguyên nhân và điều trị thích hợp. Do trẻ nhỏ chưa thể truyền thông bằng lời nên tiếng khóc thể hiện sự đau nhức trong cơ thể. Cần bổ sung đủ dưỡng chất và điều trị đúng phương pháp cho trẻ nhỏ.

Tiếng khóc của trẻ vì vậy không báo hiệu bất cứ điềm xấu, buồn phiền hay đau khổ liên hệ đến gia đình trong suốt một năm. Chỉ nên ghi nhận và phát huy ý nghĩa biểu tượng của tục kiêng cữ này. Đó là người lớn không nên quát mắng hay bao lực với trẻ trong những ngày đầu năm. Đây là truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp giữa cha mẹ và con cái cần được đề cao. Theo văn hóa Phật giáo, cần giữ chính niệm trong lời nói (chính ngữ). Chính niệm hay truyền thông đạo đức là lời nói phải phục vụ cho sự hòa hợp, đoàn kết và mang lại sự thoải mái cho người nghe. Không hù dọa, chửi bới, nguyền rủa[20]. Tương tự, những hành vi khác như chửi tục, cãi vã, đánh đập trong ngày Tết đều không phù hợp. Điều này thể hiện văn hóa ứng xử tốt đẹp cần được đề cao và không chỉ áp dụng trong những ngày đầu năm mà cần nhân rộng cho tất cả các ngày còn lại trong năm.

3.4. Kiêng đến bệnh viện.

Quan niệm dân gian cho rằng những ngày đầu năm quyết định vận mệnh cho tất cả những ngày còn lại trong năm. Niềm tin này đã làm cho người bị bệnh trong ngày Tết không dám đến bệnh viện. Không đi khám bệnh, không vì thế mà bệnh không xuất hiện. Không đi trị bệnh, không vì thế mà bệnh tự hết. Bệnh vẫn âm thầm tấn công và chi phối sức khỏe con người. Càng chậm trễ trong việc đi khám chữa bệnh càng chấp nhận rủi ro về sức khỏe.

Theo văn hóa Phật giáo, quy luật sinh, già, bệnh, chết xảy ra ở tất cả mọi người. Nó khác nhau ở chỗ người hiểu rõ quy luật này không lo lắng, sợ hãi. Họ có bản lĩnh đối diện với bệnh tật và có trách nhiệm trong việc điều trị bệnh. Người thực tập vô ngã quán chiếu rằng nỗi khổ đau đó không phải là tôi, không phải là tự ngã của tôi, không phải là bản thân tôi. Những cơn đau trong cơ thể do phản ứng sinh học không tác động đến những thay đổi về cảm xúc. Đối với người không hiểu rõ quy luật này, khi bị bệnh bị vướng kẹt trong cảm xúc khổ đau và quan trọng hóa bệnh tình của mình. Càng bi quan, tuyệt vọng, bệnh tình càng tăng nặng.

Niềm tin không đi bệnh viện vào ngày đầu năm được cho là thiếu trách nhiệm với bản thân vì nguy hiểm đến tính mạng. Niềm tin này mang tính thiển cận, thiếu cơ sở khoa học và nhân quả. Cho nên trong cuộc sống văn minh, hiện đại ngày nay thì dù ngày thường hay ngày Tết, có bệnh phải đến bệnh viện để được hỗ trợ điều trị.

3.5. Kiêng mai táng

Theo quan niệm dân gian, gia đình có người chết thì làm lễ tống táng trước ngày ba mươi Tết, tuyệt đối không diễn ra vào ngày mùng một Tết. Nếu lễ tang diễn ra vào ngày mùng một, mùng hai thì thân bằng quyến thuộc của người quá cố sẽ không đội khăn tang vì sợ mang cái trở ngại, bất hạnh trong suốt một năm.

Theo văn hóa Phật giáo, có năm điều không xác định được. Đó là ngày giờ sinh, ngày giờ qua đời, tuổi thọ, địa điểm qua đời và cảnh giới tái sinh. Đây là dữ liệu khẳng định rằng mỗi người đều có thể thay đổi được vận mệnh của bản thân. Theo quy luật tự nhiên, cái chết diễn ra khi nhân duyên sự sống đã hết. Nếu nhân duyên sự sống chưa hết thì kết thúc sớm vẫn không được. Vì thế, việc quan niệm ông bà, cha mẹ qua đời vào ngày tết được xem là những ngày xấu cho con cháu là quan niệm không có cơ sở khoa học và không phù hợp chân lý. Quan niệm này có thể làm cho con cháu bị ám ảnh và có khuynh hướng đổ lỗi cho cái chết của ông bà quá cố đã mang lại những trở ngại, khó khăn cho mình. Việc kiêng cữ mai táng có thể chấp nhận được nếu được giải thích dưới góc độ thuận hay nghịch hoặc phù hợp hay không phù hợp với điều kiện thời gian của gia đình và những người tham dự.

Tương tự, quan niệm những người đang thọ tang không nên đi xông đất và chúc Tết cho bất kỳ ai vì có thể mang đến nỗi sầu muộn cho gia đình đó cũng không có cơ sở khoa học. Ngày Tết hay ngày thường, nếu có người đến thăm viếng, chúc tụng gia đình thì đó là nhân duyên lành. Trong năm, nếu có trở ngại thì không đổ thừa, đổ lỗi cho họ. Không vì mê tín mà tạo nỗi hàm oan cho người quá cố và những người thân quen. Việc đổ lỗi cho người quá cố[21] là hành vi ứng xử không phù hợp trong lối sống văn minh, hiện đại.

3.6. Kiêng khai trương, xuất hành ngày xấu

Mùng năm, mười bốn, hai mươi ba. Đi chơi cũng lỗ huống là đi buôn. Quan niệm này phát xuất từ Trung Quốc. Họ cho rằng trong lịch sử của Trung Quốc có ba bà hoàng nổi tiếng ác độc[22]. Ngày mùng năm, mười bốn, hai mươi ba là ngày các bà hoàng này chính thức vào nội cung và là tác nhân làm cho các triều đại sụp đổ. Từ đó người ta cường điệu hóa nó trở thành những ngày xấu của toàn nhân loại[23]. Ngoài ra, còn có quan niệm cho rằng các bà ấy là những người ác độc nên dân chúng căm ghét. Những ngày bà ấy đi ra ngoài thì an ninh được siết chặt. Cho nên người dân ra đường vào những ngày này bị cản trở giao thông, công việc bị gián đoạn.

Nếu câu chuyện trên có thật thì những sự kiện đó chỉ xảy ra ở những thời điểm và địa điểm liên quan đến triều đại của các vua chúa ấy chứ không thể ảnh hưởng đến những địa điểm khác và thời điểm khác. Cho nên niềm tin vào việc xuất hành hay khai trương vào những ngày này mang lại thất bại, rủi ro là thiếu cơ sở khoa học và thiếu giá trị chân lý.

Theo văn hóa Phật giáo, không có ngày giờ hay năm tháng tốt xấu, chỉ có khái niệm ngày thuận hay ngày nghịch (thuận duyên và nghịch duyên). Thuận duyên thì dẫn đến kết quả tốt, còn nghịch duyên dẫn đến trở ngại và kết quả không như mong đợi. Khi tiến hành làm một việc và mong có kết quả tốt thì ngoài việc gieo trồng chính nhân, phải chú ý đến thuận duyên và nghịch duyên. Nếu bỏ qua bước quan trọng này thì dù có gieo nhân tốt vẫn không có kết quả[24]. Thay vì lo sợ năm tháng, ngày giờ xấu thì tìm các thuận duyên để biến ước mơ trở thành hiện thực. Năm tháng, ngày giờ không thể tác động đến việc tốt xấu của cuộc sống con người như dân gian quan niệm. Trên thực tế, những người sinh cùng giờ, cùng tháng, cùng năm nhưng họ có tương lai, nghề nghiệp, lối sống hoàn toàn khác nhau. Vì vậy, không cần thiết quan trọng ngày giờ tốt xấu để khởi hành, khởi công, động thổ, ký hợp đồng hay cưới hỏi. Với những hiểu biết về luật pháp, kinh tế thị trường, kinh tế chia sẻ thì sự đầu tư có diễn ra vào ngày mà dân gian cho là xấu thì cũng thành công.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Tet van minh qua lang kinh triet hoc Phat giao 4

Kết luận

Tết được xem là căn cước văn hóa của người Việt Nam. Việc bảo tồn và phát huy những giá trị Tết là điều cần thiết. Chẳng hạn như giá trị biểu tượng của tục đưa ông Táo về trời với ý nghĩa ông Táo là người theo dõi mọi việc xảy ra trong ngôi nhà, giống như mọi hành xử đều được giám sát của luật pháp, nhân quả và đạo đức. Giá trị biểu tượng của tục thờ cúng và rước ông bà là giúp các thế hệ con cháu có văn hóa ứng xử đạo đức, uống nước nhớ nguồn, nhớ ơn và đền ơn. Tục mừng tuổi và lì xì là văn hóa ứng xử thể hiện sự quan tâm lẫn nhau, giúp mọi người vượt lên sự vô cảm. Tục xông đất về phương diện tâm lý như niềm mơ ước chính đáng của mỗi người về năm mới may mắn, hạnh phúc.

Bên cạnh đó, cần hạn chế những niềm tin thiếu cơ sở khoa học, mê tín và không phù hợp với lối sống văn minh hiện đại. Chẳng hạn như tin rằng ông trời là có thật và thông qua sự hỗ trợ của cá chép có thể trình báo cho thượng đế là niềm tin không có cơ sở. Việc đốt lễ vật làm ô nhiễm môi trường, việc thả cá, phóng sinh làm mất cân bằng môi trường sinh thái; Tục rước ông bà nói riêng và thờ cúng ông bà nói chung mang giá trị nhân văn sâu sắc. Tuy nhiên, niềm tin ông bà tổ tiên vẫn tồn tại dưới lòng đất và vẫn về đoàn tụ với con cháu trong dịp Tết hay lễ giỗ là niềm tin thiếu cơ sở. Việc thiên nặng về hình thức cúng kiếng như việc đốt giấy vàng mã cho ông bà quá cố dễ dẫn đến niềm tin mê tín, tổn thất tài sản, hủy hoại môi trường; Lì xì, mừng tuổi không còn là lời chúc tốt đẹp đầu năm mà ẩn chứa nhiều toan tính như muốn được thăng quan, tiến chức. Trẻ con bị nhiễm thói thực dụng chỉ quan tâm giá trị của đồng tiền. Lì xì như một hình thức trả nợ; Tục xông đất với kỳ vọng người khách mang lại vận may cho gia đình là niềm tin mê tín. Việc nguyền rủa hay đổ lỗi cho những vị khách không mời mà đến vì cho rằng họ mang lại điều xui xẻo cho gia đình là hành vi ứng xử kém văn minh và tạo ra nhiều tổn thất trong các mối quan hệ.

Các kiêng cữ nói chung và kiêng cữ trong ngày Tết nói riêng về bản chất có cấu trúc quy nạp được thực hiện dựa vào kết quả ngẫu nhiên xay ra ở những thời điểm và địa điểm khác nhau. Người ta ngộ nhận rằng do các hiện tượng xuất hiện trước đó đã kéo theo các hệ quả xấu về sau. Từ đó người ta liệt chúng vào danh sách những điều kiêng cữ và cho rằng nếu không làm theo thì sẽ gặp điều không như ý. Dân gian Việt Nam còn đúc kết thành kinh nghiệm sống có kiêng có lành. Trên thực tế, những kiêng cữ thường không có tính khoa học và không phù hợp với quy luật nhân quả. Lo sợ là nguồn thực phẩm giúp cho mê tín có cơ hội đeo bám dai dẳng. Về bản chất, ước muốn và cầu nguyện thuộc về ý chí chủ quan đối với những điều mình muốn hoặc không muốn nó xảy ra. Trong khi mọi sự vật và hiện tượng diễn ra theo quy luật riêng của nó bao gồm nhân, duyên và quả chứ không phải sự tình cờ.

Cho nên thay vì lo sợ những điều đen đủi xảy đến với mình và người thân mà phải kiêng cữ nhiều thứ thì hãy sống theo đúng quy luật của tự nhiên, luật pháp, đạo đức và nhân quả. Những kiêng cữ như kiêng quét nhà, kiêng làm vỡ đồ đạc, kiêng tiếng khóc trẻ con, kiêng đến bệnh viện, kiêng mai táng, kiêng xuất hành ngày xấu như đã trình bày hay kiêng cho lửa, kiêng mở tủ, kiêng cho mượn tiền, kiêng mặc đồ trắng đen… phần lớn đều thiếu có cơ sở khoa học và giá trị chân lý. Trải qua thế hệ này đến thế hệ khác, người ta tiếp tục truyền thừa và phổ biến các kiêng cữ này. Kết quả là con người trở nên lệ thuộc và đồng hành với những sợ hãi. Việc đặt nặng niềm tin vào những kiêng cữ như trên sẽ dẫn đến tình trạng mê tín, thái độ sống và hành vi ứng xử không phù hợp với xã hội văn minh, hiện đại.

Tác giả: Thạc sĩ ngành Văn hóa học Phan Thái Bình
Khoa Việt Nam học, ĐHKHXH&NV, ĐHQG Tp.HCM

***

CHÚ THÍCH:

[1] Phan Kế Bính (2019), Việt Nam phong tục (tái bản), Nxb. Văn học, tr.4.
[2] Viện văn hóa (1999), Tết năm mới ở Việt Nam, Nxb. Văn hoá Thông tin, tr.11-82.
[3] Phan Kế Bính (2019), Việt Nam phong tục (tái bản), Nxb. Văn học, tr.4.
[4] “Sự tích Táo Quân: ngày xưa có hai vợ chồng, vì quá nghèo, phải xa nhau. Sau người vợ lấy được người chồng khác giàu có. Một hôm người vợ thấy một người đàn ông đến nhà mình ăn xin, chị ta nhận ra đó là người chồng cũ của mình, hai người ôm nhau khóc, kể lể. Đúng lúc ấy người chồng mới về, người vợ giấu anh chồng cũ vào đống rơm. Người chồng mới lại nướng con thú mới săn được ở chính đống rơm ấy. Người chồng mới vì danh dự người vợ cũ, không chạy khỏi đống lửa và chịu bị thiêu chết. Người vợ thương tâm quá liền nhảy vào đống lửa chết cùng. Người chồng mới thương xót vợ cũng nhảy vào đống lửa chết luôn. Tro tàn, ba người vẫn còn trong tư thế chụm đầu vào nhau. Ngọc Hoàng biết chuyện, phong cả ba người làm thần Bếp” (Viện văn hóa (1999), Tết năm mới ở Việt Nam, Nxb. Văn hoá Thông tin, tr.18).
[5] Chẳng hạn như bóng đèn và nguồn điện, nhờ có tăng phô, cái bóng, con chuột, đèn được phát quang khi công tắc được bật lên. Như vậy nếu nói cái nguồn phát quang điện năng đó là con đẻ của vật chất bóng đèn hay là tăng phô là một sai lầm. Nguồn điện năng có sẵn, khi hội đủ các điều kiện, chúng được sử dụng dưới nhiều hình thức điện khác nhau như ánh sáng, các loại máy móc (Thích Nhật Từ, Căn bản triết lý đạo Phật, Trang Youtube Đạo Phật ngày nay, nguồn: https://www.youtube.com/watch?v=AFn4PVQG7BU).
[6] Nhìn thấy cá bơi dưới nước hay chim bay trên trời, các khoa học gia đã tạo ra tàu ngầm, máy bay.
[7] Thích Nhật Từ, Căn bản triết lý đạo Phật, Trang Youtube Đạo Phật ngày nay, nguồn: https://www.youtube.com/watch?v=AFn4PVQG7BU.
[8] Toan Ánh (1992), Tìm hiểu phong tục Việt Nam, Nxb. Thanh niên, tr.26.
[9] Hiện tượng thần đồng không phải do gen di truyền, do thượng đế ban tặng hay sự ngẫu nhiên, mà là sự kế thừa nhân quả nguồn tri thức chuyên môn đó ở kiếp gần nhất mà đứa bé thần đồng đó đã từng là một chuyên gia. Ví dụ những thần đồng vật lý ở tuổi thứ bảy thì tám năm trước đã từng là một khoa học gia lỗi lạc về vật lý. Những thiên tài giỏi hơn người bình thường là do ở kiếp trước đó họ gieo trồng kiến thức nghề nghiệp đó nhiều hơn người bình thường. Cho nên mới có sự thiên sai vạn biệt, người thì thông minh cực đỉnh, người thì chậm tiếp thu. Người thì nhạy cảm về văn học nghệ thuật, người thì giỏi về khoa học tự nhiên (Thích Nhật Từ, Căn bản triết lý đạo Phật, nguồn: https://www.youtube.com/watch?v=AFn4PVQG7BU).
[10] Người theo chủ nghĩa vô thần cho rằng chết là hết. Có thể họ sống rất tốt với lý tưởng của nền triết học họ theo, nhưng khi có những cám dỗ, họ rất dễ bị sa ngã. Vì nghĩ chết là hết nên kết cục ai cũng như ai, kẻ ác người thiện đều giống như nhau thì làm thiện để làm gì. Đó là một ngộ nhận lớn. Kẻ qua mặt luật pháp là do biết luồn lách, bao che, nhưng cuối đời vẫn bị luật pháp nghiêm trị. Kẻ gian ác thường có kết cục bi thảm. Đây là điều phải tin là sự thật để chúng ta sống chuẩn mực với đạo đức. Cho dù hoàn cảnh có khó khăn, trở ngại, chúng ta vẫn giữ lập trường này để sống tốt cho mình và cho người.
[11] Tập tục đốt vàng mã xuất phát từ Trung Hoa. Họ quan niệm sinh ký tử quy (sống ở tạm trên dương gian vài chục năm và khi chết trở về với âm phủ đời đời kiếp kiếp). Từ nhận thức đó họ nghĩ ra hình thức hỗ trợ cho người chết dưới âm phủ. Về bản chất, quan niệm này có liên hệ đến văn hóa Ai Cập. Các vua chúa Ai Cập sau khi chết được ướp xác và chôn cất trong các kim tự tháp cùng với châu báu, cung tần mỹ nữ cũng được chôn sống theo. Thay vì chôn vàng thật, người thật, người Trung Hoa đã nghĩ ra hình thức giấy vàng mã để thay thế. Còn theo triết lý Phật giáo, sau khi chết, thân thể trở về với chất rắn, chất lỏng, chất vận động và chất nhiệt (đất, nước, gió, lửa). Tâm thức tiếp tục được bảo toàn năng lượng trong bào thai. Tâm thức của con người sẽ không bị vướng kẹt dưới lòng đất hay dưới âm phủ như dân gian quan niệm. Cho nên việc đốt giấy vàng mã cho ông bà, tổ tiên là không cần thiết, gây tổn thất kinh tế và hủy hoại môi trường. Cần quy đổi số tiền mua đồ vàng mã thành các phần quà thiết thực để tặng biếu cho các thành phần bất hạnh trong xã hội là việc làm giàu tính nhân văn (Thích Nhật Từ, Kiếp luân hồi, thờ cúng ông bà tổ tiên, nguồn: https://www.youtube.com/watch?v=w2BM5idzn88).
[12] Viện văn hóa (1999), Tết năm mới ở Việt Nam, Nxb. Văn hoá Thông tin, tr.65-66.
[13]Về nguồn gốc, tục này xuất phát từ Trung Hoa với điển tích khi các yêu quái xuất hiện vào đêm giao thừa mang lại bệnh tật cho trẻ em nên các vị tiên mới hóa hóa thân thành tám đồng tiền vàng chói sáng. Yêu quái sợ ánh sáng tỏa ra từ vàng kim mà không dám tới gần. Sau tết những đồng tiền vàng đó được cất trong một cái túi vải màu đỏ để dùng cho năm sau. Từ câu chuyện thần thoại đó người ta chuyển tiền vàng sang tiền giấy để chúc tụng nhau trong ngày tết với ý nghĩa cầu mong sự may mắn và hài hòa.
[14] Viện văn hóa (1999), Tết năm mới ở Việt Nam, Nxb. Văn hoá Thông tin, tr.62.
[15] Thích Nhật Từ, Căn bản triết lý đạo Phật, Trang Youtube Đạo Phật ngày nay, nguồn: https://www.youtube.com/watch?v=AFn4PVQG7BU.
[16] Toan Ánh (1992), Tìm hiểu phong tục Việt Nam, Nxb. Thanh niên, tr.37.
[17] Viện văn hóa (1999), Tết năm mới ở Việt Nam, Nxb. Văn hoá Thông tin, tr.70.
[18] Có một thương buôn tên là Âu Minh được thủy thần tặng cho một người hầu tên là Như Nguyệt. Từ khi nhận nuôi người hầu này trong nhà, gia đình Âu Minh trở nên phát đạt và được được lý giải rằng người hầu chính là nguyên nhân của giàu có. Một hôm Như Nguyệt phạm lỗi và Âu Minh lỡ tay đánh nên Như Nguyệt sợ quá tìm chỗ để trốn và trốn trong đống rác ở khuôn viên vườn. Từ đó về sau ông mất Như Nguyệt và gia đình trở nên nghèo khó. Từ đó, người ta cho rằng sở dĩ Âu Minh trở nên nghèo khó là do đuổi thần tài là Như Nguyệt ra khỏi nhà mình. Từ sự kiện rác ở trong sân vườn lại được nối kết thành rác ở trong nhà.
[19] Vô ngã là phi thực thể. Vô thường là sự biến thiên của ba chiều thời gian quá khứ hiện tại và tương lai. Không có vật thể nào từ lớn nhất như các hành tinh cho đến cái nhỏ nhất như nguyên tử mà không được tạo ra bởi các điều kiện yếu tố. Về phương diện nhận thức cho thấy mọi sự vật hiện tượng đều không có thực thể trong chính nó mà do nhiều yếu tố cấu thành. Không có yếu tố nào tồn tại trước hoặc sau. Không có yếu tố nào là quan trọng hay ít quan trọng. Về phương diện trị liệu tâm lý, vô ngã sẽ giảm thiểu được các nỗi đau do mất mát người thân, tổn thất tài sản hay các khó khăn, trở ngại. Một phương diện quan trọng khác của học thuyết vô ngã là vô ngã sở hữu. Tài sản, danh dự, con cái đều là những sở hữu hợp pháp. Nhưng khi những tổn thất xuất hiện, cần quán không có ngã sở hữu, để không bị liên lụy bởi nỗi khổ đau nhưng vẫn có trách nhiệm bảo vệ và chăm sóc người thân của mình. Quán vô thường giúp con người có bản lĩnh, thái độ dứt khoát và có trình tự thực tập khi những thay đổi xảy đến.
[20] Thích Nhật Từ, Phong tục ăn Tết của người Việt, Thích Nhật Từ Official, nguồn: https://www.youtube.com/watch?v=6RBsC3xihoc
[21] Theo triết lý Phật giáo, sau khi chết, tất cả người chết đều phải đi tái sinh. Giả sử họ có chậm đi tái sinh và tồn tại dưới dạng tâm thức thì họ cũng không thể gây trở ngại cho người sống được. Khi còn sống với đầy đủ tay chân và nhiều phương tiện trợ giúp khác, muốn làm hại ai còn khó thực hiện vì còn có luật pháp, phước báu của người kia. Cho nên khi tồn tại dưới dạng năng lượng của tâm thức thì việc làm hại người khác là hoàn toàn không thể diễn ra được.
[22] Muội Kỷ đã làm cho vua Kiệt đời Hạ phải khép lại đế chế cai trị của mình. Đắc Kỷ đã làm cho Trụ vương đời Thương mất nước. Bao Tự đã làm cho Chu U vương đời Tây Chu sụp đổ hoàn toàn.
[23] Bên cạnh các ngày này, dân gian còn cho rằng ngày sinh và ngày tử của ba bà hoàng này cũng có ý nghĩa tương tự. Như vậy tổng cộng có chín ngày được quan niệm là ngày xấu cần tránh (3 , 5, 7, 13, 14, 18, 23, 27) (Thích Nhật Từ, Phong tục ăn Tết của người Việt, nguồn: https://www.youtube.com/watch?v=6RBsC3xihoc).
[24] Chẳng hạn như ruộng lúa nơi có đường cao tốc chạy qua, lúa hoàn toàn bị lép do cánh đồng lúa không thích hợp với ánh sáng đèn điện chiếu vào ban đêm. Mặc dù người nông dân gieo trồng lúa đúng cách và nỗ lực chăm sóc, bón phân nhưng lúa vẫn không đạt năng suất cao do nghịch duyên là ánh đèn chiếu sáng vào ban đêm (Thích Nhật Từ, Căn bản triết lý đạo Phật, nguồn: https://www.youtube.com/watch?v=AFn4PVQG7BU).

Tài liệu tham khảo

1. Toan Ánh (1992), Tìm hiểu phong tục Việt Nam, Nxb. Thanh niên
2. Phan Kế Bính (2019), Việt Nam phong tục (tái bản), Nxb. Văn học
3. Viện văn hóa (1999), Tết năm mới ở Việt Nam, Nxb. Văn hoá Thông tin
4. Lê Trung Vũ (chủ biên) (2012), Tết cổ truyền người Việt, Nxb. Văn hóa dân tộc
5. Thích Nhật Từ (2010), Phật giáo và thời đại, Nxb. Phương Đông
6. Thích Nhật Từ (2012), Con đường chuyển hóa ứng dụng Bát chánh đạo trong cuộc sống, Nxb. Hồng Đức
7. Thích Nhật Từ (2017), Đạo Phật pháp môn và đạo Phật nguyên chất, Nxb. Hồng Đức
8. Thích Nhật Từ (2012), Căn bản triết lý đạo Phật, Trang Youtube Đạo Phật ngày nay: https://www.youtube.com/watch?v=AFn4PVQG7BU
9. Thích Nhật Từ (2016), Kiếp luân hồi, thờ cúng ông bà tổ tiên, Thích Nhật Từ Official: https://www.youtube.com/watch?v=w2BM5idzn88
10. Thích Nhật Từ (2020), Phong tục ăn Tết của người Việt, Thích Nhật Từ Official: https://www.youtube.com/watch?v=6RBsC3xihoc

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường