Tác giả: HT.TS Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch HĐTS - GHPGVN, Viện trưởng Phân viện NCPHVN tại Hà Nội
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 01/2025 - Xuân Ất Tỵ
Tóm tắt: Với phương châm “tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên”, các tông phái Phật giáo khi vào Việt Nam đã phát triển phù hợp với từng giai đoạn lịch sử. Thiền sư Thủy Nguyệt, Tổ khai sáng phái Thiền Tào Động, đã có những đóng góp quan trọng. Bài viết nghiên cứu tư tưởng phái Thiền Tào Động và đề xuất giải pháp phát huy giá trị của tư tưởng này ở miền Bắc Việt Nam hiện nay.
Từ khóa: Phật giáo Việt Nam, Tông Tào Động, Thiền phái Tào Động, Pháp mạch truyền thừa, phái Thiền Tào Động
Mở đầu
Thế kỷ XVII, Thiền phái Tào Động được truyền vào Việt Nam, tuy nhiên, việc truyền này giữa hai miền Bắc – Nam Việt Nam là có sự khác nhau. Ở miền Bắc Việt Nam do Thiền sư Thủy Nguyệt hiệu Thông Giác là người Việt đã tu hành ở Việt Nam, sau đó đi tu học tại Trung Hoa rồi được truyền thừa (“Dĩ tâm truyền tâm”) ở đó nên khi về Việt Nam Ngài tiếp tục truyền cho đệ tử của mình đó là Ngài Tông Diễn hiệu Chân Dung. Và Ngài Thủy Nguyệt cũng đã từng được vua Lê sắc phong: “Đại thánh Đông Sơn Tuệ Nhẫn Tử Giác Quốc Sư”. Thực tế đã chứng minh, từ khi cắm rễ, phát triển, Thiền phái Tào Động đã không chỉ đóng vai trò trong đời sống tín ngưỡng ở Việt Nam mà đã cùng Phật giáo Việt Nam góp phần tạo nên dòng chảy văn hóa Việt Nam đa dạng, độc đáo, phong cách, đặc sắc. Hơn nữa, Thiền phái Tào Động cũng đã để lại những giá trị tư tưởng ở Việt Nam vô cùng quý giá.
1. Sơ lược về Thiền phái Tào Động ở miền Bắc Việt Nam
Thiền phái Tào Động được truyền vào Đại Việt từ thế kỷ XVII, phát triển mạnh ở Đàng Ngoài.
Thủy Nguyệt, pháp danh Thông Giác Đạo Nam, là người tu hành đạt đến bậc Bồ tát nhục thân. Ông sinh năm 1637 ở xã Thanh Triều, huyện Ngự Thiên, phủ Tiên Hưng, đạo Sơn Nam (nay là tỉnh Thái Bình). Năm 20 tuổi, ông xuất gia tại chùa Xã Hổ, huyện Thụy Anh. Sau 6 năm, ông vẫn chưa tìm được chân lý giải thoát nên xin phép sư phụ đi khắp nơi trong nước tham thiền học đạo.
Năm 28 tuổi, Thủy Nguyệt và hai đệ tử hành hương sang phương Bắc tìm sư học đạo. Đến Cao Bằng, một đệ tử bị bệnh nặng và qua đời, chỉ còn lại Thủy Nguyệt và một đệ tử tiếp tục hành trình. Họ đến núi Phượng Hoàng và gặp Hòa thượng Trí Giáo Nhất Cú, Tổ đời thứ 35 của Thiền tông Tào Động ở Trung Hoa. Sau nhiều thử thách và khổ luyện, Thủy Nguyệt được truyền giới Cụ túc, trao Tâm pháp, và pháp hiệu Thông Giác Đạo Nam Thiền sư, sau đó được gửi về An Nam để truyền tông phái Tào Động.
Sau 5 năm tu học tại Hồ Châu, năm 1667, Thủy Nguyệt cùng hai đệ tử trở về chùa Vọng Lão ở núi An Sơn, huyện Đông Triều, tỉnh Hải Dương. Ở Hải Dương, ông gặp cao tăng Tuệ Nhãn, tên tục là Mai Tư Phụng, tu tại chùa làng Dưỡng Mông, Kim Thành, Hải Dương. Tuệ Nhãn được gọi là Tổ Muống có rất đông đệ tử theo học tại Đông Sơn.
Thiền sư Thủy Nguyệt cũng từng tới hành đạo ở chùa Tư Phúc, núi Côn Sơn và chùa Nhẫm Dương ở Hạ Long. Ông mất năm 1704, thọ sáu mươi tám tuổi.
Thiền sư Thủy Nguyệt truyền đăng lại cho Tông Diễn với bài kệ nổi tiếng: “Dòng Tào Ðộng chủ trương Ngũ Vị Quân Thần, nhà ngươi đúng là người phải thừa kế môn phái này”.
Không có pháp nào sinh
Không có pháp nào diệt
Sen nở trên lưỡi người
Chuyện tương truyền ta biết.
Về Ðông Sơn, Tông Diễn ra sức hoằng hóa tông Tào Ðộng, học giả bốn phương nghe tiếng tìm tới tham học rất đông. Năm 1709 ông mất, phái Tào Ðộng do Thiền sư Thủy Nguyệt và đệ tử kế truyền Tông Diễn truyền bá ở Ðàng Ngoài, rất được thịnh hành vào cuối thế kỷ thứ XVII và trong thế kỷ XVIII.
Hiện nay, tài liệu về danh tăng Phật giáo còn hạn chế nên việc nghiên cứu về chùa Nhẫm Dương và Tổ thứ Nhất Thủy Nguyệt của Thiền phái Tào Động đòi hỏi nhiều công phu và phương pháp khoa học. Theo cố Đại lão Hòa thượng Thích Trí Hải (1906 - 1979) một bậc cao tăng của Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX, vào năm Giáp Thân, niên hiệu Chính Hòa thứ 20 đời Lê Hy Tông (1704), Thủy Nguyệt khi 68 tuổi đã gọi đệ tử đến và dặn: "Nay ta lên núi Nhẫm, nếu 7 ngày không thấy về, hãy tìm chỗ nào có mùi thơm thì ta ở đó." Đệ tử đợi 7 ngày không thấy Hòa thượng trở về, tìm theo mùi thơm lên núi và phát hiện Ngài trong tư thế thiền định trên tảng đá, cơ thể vẫn ấm, mềm mại và tỏa ra hương thơm ngào ngạt. Ngày đó là 6 tháng 3 năm Giáp Thân (1704).
Cố Đại lão Hòa thượng Kim Cương Tử cho rằng Hòa thượng Thủy Nguyệt là Tổ đời thứ 36 của Bắc Tông Tào Động và là đệ nhất Tổ của Nam tông Tào Động?
Ngài không chỉ khai nguyên chốn tổ Nhẫm Dương mà còn trụ trì chùa Hạ Long (Hải Dương), hoằng dương Phật pháp và độ tăng ở các nơi như Côn Sơn, Quỳnh Lâm, Yên Tử, Đông Sơn. Hòa thượng Thủy Nguyệt còn là tổ khai sáng chùa Hòe Nhai (Hồng Phúc tự) ở phố Hàng Than, quận Ba Đình, Hà Nội.
2. Tư tưởng của Thiền phái Tào Động ở miền Bắc Việt Nam
Những tư tưởng của tông phái Tào Động được truyền bá rộng rãi và thịnh hành ở miền Bắc Việt Nam, đặc biệt là vào thế kỷ XVII. Đến nay, những tư tưởng này vẫn tiếp tục được duy trì trong cộng đồng tăng ni, phật tử của thiền phái. Tiêu biểu là các chùa như Hòe Nhai, Trấn Quốc, Hàm Long,... thuộc phái Tào Động. Những tư tưởng này được lưu truyền và gìn giữ qua nhiều hình thức, trong đó có việc lưu truyền qua các bài kệ.
Các đệ tử được coi là pháp tử, pháp tôn thuộc dòng thiền Tào Động đều thuộc lòng các bài kệ phổ biến của các thiền sư của thiền phái như:
“Đáng có muôn duyên có
Hễ không tất cả không
Có không đều chẳng lập
Trời sáng vốn đang trưa”
Những bài kệ thể hiện tư tưởng của các thiền sư - những người đã kế thừa và phát triển thiền phái tiếp tục duy trì và bồi đắp, phát triển qua các thế hệ cho đến ngày nay.
Những câu chuyện về các thiền sư thường dựa trên những sự kiện có thật trong cuộc đời họ, nhưng được lồng ghép thêm nhiều yếu tố ly kỳ nhằm tăng tính dấu ấn và làm nổi bật ý nghĩa muốn truyền tải. Trong cuốn “Thiền uyển kế đăng lục” của Sa môn Như Sơn, có ghi chép về hành trạng tu hành và công đức hoằng dương Phật pháp của các thiền sư thuộc Thiền phái Tào Động, gồm Hòa thượng Nhất Cú Trí Giáo, Hòa thượng Thủy Nguyệt Thông Giác, và Hòa thượng Tông Diễn Chân Dung. Đây là loại hình đặc trưng, tiếp nối kiểu truyện thiền sư đã xuất hiện trong “Thiền uyển tập anh” từ thế kỷ XIV.
Những câu chuyện này giúp chúng ta hiểu hơn về hành trạng và những điểm nhấn quan trọng trong cuộc đời các thiền sư, làm toát lên khí chất và tư tưởng của họ.
Trong câu chuyện quy tịch của Thiền sư Thủy Nguyệt có những chi tiết mang tính chất “ly kỳ hóa” là mô típ thường thấy trong văn học Phật giáo từng xuất hiện trong Thiền uyển tập anh. Câu chuyện kể rằng: Một ngày, Sư dặn các đệ tử rằng: Nay ta lên núi Nhẫm Dương nếu bảy ngày không trở về, các ngươi tìm thấy chỗ nào có mùi thơm thì ta ở đấy. Tứ chúng bùi ngùi không dám theo. Bảy ngày sau theo lời dặn lên núi, vào trong hang thì thấy Sư ngồi kiết già trên tảng đá trong hang, thân thể mềm mại, có mùi thơm như hương trầm bạch đàn. Tứ chúng thỉnh nhục thân sư về hỏa táng, chia linh cốt thờ hai nơi, một ở Hạ Long, một ở hang núi Nhẫm.
Hay như câu chuyện về việc Thiền sư Thủy Nguyệt phó chúc cho đệ tử Tông Diễn qua bài kệ thể hiện rất rõ tư tưởng của thiền sư cũng được ghi chép lại:
“Sau này Thủy Nguyệt khai đường chỉ bày đại chúng, xa gần kéo nhau đến đông đúc, mưa hoa tự phát. Sau phó chúc cho đệ tử là Tông Diễn, nghe ta nói kệ:
Núi dệt gấm nước vẽ hình
Ngọc Tuyền dòng chảy tuôn sữa trắng
Trên bờ hoa vàng oanh ca hót
Nước biếc trong sóng đầy cá gọi
Trăng sáng lồng lộng ông chai say sưa
Trời hồng rực rỡ, kén tắm giữa trưa
Sư phó pháp xong, sau đó nhập Niết bàn, đại chúng xây tháp ở bổn sơn (núi Hùng Lĩnh) phụng thờ mãi” (1).
Thiền sư Tông Diễn được lưu truyền nhiều câu chuyện về lòng từ bi. Khi 12 tuổi, một lần sư được mẹ giao giã cua, nhưng thương cảm mà đem thả hết. Bị mẹ mắng, đuổi đánh, sư sợ quá bỏ nhà ra đi. Sau này, Tông Diễn trở thành Tổ đệ nhị thiền sư của Thiền phái Tào Động.
Thiền sư Tông Diễn cũng có công khuyên giải vua Lê Hy Tông khi nhà vua thực thi các chính sách bài trừ Phật giáo gay gắt. Thiền sư giúp nhà vua nhận ra rằng: “Đạo Phật là viên ngọc quý, chẳng lẽ trong nước chúng ta không dùng. Tăng, ni hay khuyên bảo người làm thiện, tại sao lại vứt bỏ đi? Người đem Phật pháp khai hóa dân chúng cũng là phương pháp tốt giúp cho triều đình trị dân”.
Sau đó, triều đình thường xuyên mời sư đến thuyết pháp, nhờ đó nhà vua thấm nhuần giáo lý Phật giáo, thành tâm sám hối, và cho tạc tượng hình vua quỳ mọp để tượng Phật trên lưng nhằm tỏ lòng sám hối. Bức tượng này trở thành bức tượng có một không hai, hiện vẫn còn lưu giữ tại chùa Hồng Phúc.
Tư tưởng của thiền phái còn được thể hiện qua các câu đối vẫn đang lưu giữ tại các ngôi chùa mang dấu ấn của thiền phái. Hiện tại chùa Hòe Nhai còn ghi dấu câu đối ngợi ca cảnh chùa và Thiền phái Tào Động:
“Danh trọng nho làm long hổ bàng trung tiêu tính tự
Đạo thảm Thích hải Phượng Hoàng sơn hạ tiếp nguyên lưu”
Hay:
“Phù quốc bảo thiền nhất mệnh Cẩn đẳng vinh Đế quyển
Liên Đăng tục diệm thiên thu y bát thiệu tông phong”
Tổ Tông Diễn giúp nước bảo vệ thiền môn làm cho đất nước được hưng thịnh Tông phong phái Tào Động được truyền trì và thắp sáng mãi mãi. Ở chùa hiện còn lưu câu đối về Tổ sư Thủy Nguyệt khai sáng chùa Hồng Phúc (Hòe Nhai):
“Nhị Hà tịnh Thủy Nam Thiên Nguyệt
Tào Động Thiền phong Cổ Tự Hương”
Bài minh hiện còn lưu giữ tại tháp Ấn Quang, chùa Hòe Nhai tưởng niệm ghi nhớ công đức của Hoà thượng Thích Quảng Đức tự thiêu phản đối Mỹ năm 1963:
“Hộ trì Chính pháp tự thiêu mình
Phản đối tà ma phá đạo lành
Vô ủy nêu gương cho phật tử
Đại hùng vang tiếng khắp hoàn dinh”
Với tinh thần “nhập thế” sâu sắc của Phật giáo Việt Nam đã được xây dựng từ lâu đời và trở thành truyền thống, tư tưởng của thiền phái còn thể hiện gắn liền với những biến động của đời sống hiện thực xã hội. Như trong giai đoạn thế kỉ XVII, đời vua Lê Hy Tông, thời gian Thiền phái Tào Động đã phát triển rộng khắp ở miền Bắc, cũng là lúc nhiều chính sách bài Phật giáo được thực thi. Sa môn Khoan Dực đã làm hai bài thơ Khuyến tu theo thể Đường luật.
Bài thơ Khuyến tu là sự cảm khái về trần thế, xót thương trước đạo pháp suy vi:
“Tổ đạo lăng trì lũy noãn nguy
Khuyến chư nạp tử vật bôn trì
Tứ duyên phong khiếm tùy duyên phận
Tam học tàng du tập học thì”
(Tổ đạo nguy nan như trứng để đầu đẳng
Khuyên các tăng ni chớ có chạy vạy
Tứ duyên nhiều ít tùy theo duyên phận
Tam học nổi chìm do lúc rèn tập.)
Ông đưa ra lời khuyên với các tăng sĩ đương thời tiếp tục tu rèn, làm sáng ánh sáng của phật pháp:
“Quang hồi tổ diệm thông tam giới
Bất phụ vân am lão cổ chùy”
(Hãy làm sáng lên ngọn lửa sư tổ soi cả tam giới
Chẳng phụ tiếng chày gióng chuông trên am mây)
Thiền sư Khoan Dực dòng Thiền phái Tào Động nhắc nhở mọi người tu tập chuyên cần, để hoàn thành bổn phận của những người chèo lái con thuyền phật pháp, cứu giúp chúng sinh.
“Tử ân phải nhớ, chớ giờ khuây
Lòng thiền sáng suốt ba xe lớn
Mùi đạo thơm cho bốn bể hay” (2)
Tinh thần đó, đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị, đây được coi như những lời nhắc nhở của các bậc tổ sư của Thiền phái Tào Động. Một mặt là tiếp tục được lưu giữ trong các văn bản lưu trữ của nội bộ thiền phái; hai là thông qua các câu chuyện truyền miệng, lời dạy, lời giáo huấn của các thiền sư trong thiền phái với các đệ tử của mình; mặt khác là được đề cập đến, ghi chép lại trong các văn bản, các công trình nghiên cứu.
Nhắc đến sự nối tiếp mạch nguồn tư tưởng đó của Hòa thượng Thích Đức Nhuận - đời 48 tông Tào Động, Viện chủ Tổ đình Quảng Bá (1968), Hồng Phúc (Hòe Nhai) (1980, Viện chủ Tổ đình Đồng Đắc (Kim Liên), Hòa thượng Thích Thiện Nhơn - Chủ tịch HĐTS T.Ư GHPGVN nhận xét:
“Về pháp môn tu tập theo Thiền Tào Động, Hòa thượng y cứ bộ kinh Lăng Nghiêm Chính Mạch. Về pháp quán tự tính nghe của đức Quán Thế Âm, thành tựu Đạo quả, kết tinh pháp tu bằng bài kệ như sau:
Một niềm xoay lại đối tính nghe
Muôn sự buông xuôi chỉ lắng nghe
Nghe lắng cho sâu không nghe cảnh
Cảnh rời, văn tính chính Tính nghe
Hiện nay, các Pháp tử Pháp tôn của Hòa thượng hiện trụ các chùa, chốn Tổ Tào Động khắp nơi tại phía Bắc thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ở Hà Nội, hiện có các chùa như: Chùa Quảng Bá (Hoằng Ân), chùa Trấn Quốc (quận Tây Hồ), chùa Diên Hựu (quận Ba Đình), chùa Thiên Phúc (Mễ Trì), chùa Yên Phú (huyện Thanh Trì), chùa Đại Bi, chùa Quan Âm (huyện Đông Anh). Ở Ninh Bình, có chùa Đồng Đắc (Kim Sơn), chùa Non Nước (Phúc Chỉnh), chùa Bích Động. Ở Bắc Giang có chùa Hàm Long...” (3)
Thiền phái Tào Động vào miền Nam Việt Nam qua sự du nhập và truyền bá bởi một thiền sư Trung Quốc nên mang đậm đặc các yếu tố của Thiền phái Tào Động Trung Quốc, hay còn được coi là một “phó bản” của Thiền phái Tào Động Trung Quốc. Khác với Thiền phái Tào Động ở miền Nam, Thiền phái Tào Động ở miền Bắc Việt Nam được đưa về do Thiền sư Thủy Nguyệt - một người Việt Nam sang Trung Quốc học đạo, từ thực tế những nghiên cứu và các chứng tích lịch sử cho thấy, Thiền sư Thủy Nguyệt trước khi sang Trung Quốc du học đã khá “thấm nhuần” tư tưởng của Phật giáo Việt Nam.
Thiền sư Thủy Nguyệt chịu ảnh hưởng và nắm được tinh thần cơ bản của thiền Tông ở Việt Nam, cụ thể là Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Thiền sư Thủy Nguyệt khi học đạo về, khi đã trở thành người nối nghiệp của Thiền phái Tào Động và đưa về Việt Nam, ngài cũng đến những nơi được coi là “xứ sở” của Thiền phái Trúc Lâm để giảng đạo như Côn Sơn - nơi tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm khai hóa, Yên Tử, Quỳnh Lâm, thậm chí chùa Nhẫm Dương - nơi thiền sư dừng chân và sau này trở thành chốn tổ của thiền phái cũng là ngôi chùa được xây dựng từ thời Trần, mang đậm dấu ấn, phong cách của Phật giáo thời Trần.
Sự giao thoa này thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau. Về kinh sách: Ngoài những kinh sách cơ bản của Phật giáo Đại thừa như đã phân tích ở trên, tại các ngôi chùa đã, đang thuộc về Thiền phái Tào Động còn sử dụng hệ thống kinh sách là những bộ kinh cơ bản, phổ biến của Tịnh Độ như: Đại Phật A Di Đà kinh, Vô Lượng Thọ kinh, Quán Vô Lượng Thọ kinh, Phật thuyết A Di Đà kinh,...
Tịnh Độ tông là một trong những pháp môn chính của Phật giáo Đại thừa và được xem như pháp môn phổ biến của vùng Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Về tư tưởng, pháp môn này nhấn mạnh đến niềm tin, thiền và trì tụng danh hiệu Phật A Di Đà để được tái sinh vào cõi Tịnh độ hay là cõi Tây phương Cực Lạc. Điểm chính yếu của pháp môn Tịnh độ là lòng tín vào đức Phật A Di Đà, một vị Phật vô lượng quang, vô lượng thọ. Đức Phật có lời nguyện sẽ đưa người nào nhớ niệm trì tụng danh hiệu của Ngài vào cõi Tây phương Cực Lạc. Đức Phật A Di Đà được biết đến với các đặc điểm:
“Nay căn cứ vào ý nghĩa của A Di Đà Phật là Thọ mạng vô lượng (sống lâu vô lượng), Quang minh vô lượng (Ánh sáng vô lượng) và Công đức vô lượng làm chủ đề chính để giải thích đức Phật. Tên của Ngài là A Di Đà (Amita) có nghĩa là không
có hạn lượng, cho nên được dịch là Vô lượng, bao hàm các nghĩa là Quang minh vô lượng và Thọ mạng vô lượng...”. (4)
Hầu hết trong các chùa thuộc Thiền phái Tào Động mà tác giả có dịp tìm hiểu đều nhận thấy các chùa thường tụng kinh A Di Đà vào buổi chiều tối và đặc biệt là đều được sử dụng tụng trong các lễ cầu siêu tại các chùa với mong muốn cầu cho những người đã chết về được với thế giới Tây phương Cực Lạc. Thế giới được hiểu như trong kinh Vô Lượng Thọ miêu tả: “Cõi nước của đức Phật kia, thanh tịnh an lạc, vi diệu khoái lạc, có thể nói ngang với đạo Niết bàn vô vi” hay kinh A Di Đà cũng chép: “Chúng sinh trong nước đó, không có các loại khổ, chỉ thụ hưởng những niềm vui, cho nên gọi là Cực Lạc”. Hay như các phật tử khi đến chùa gặp các vị sư trong chùa hoặc để chào hỏi nhau đều sử dụng danh xưng: “Nam Mô A Di Đà Phật!”.
Phật giáo Việt Nam nói chung và Thiền Tào Động ở miền Bắc Việt Nam nói riêng không phải là bản sao của Phật giáo hay Thiền Tào Động Trung Quốc, mà khi vào Việt Nam là sự kế thừa có chọn lọc, có sáng tạo cho phù hợp với văn hóa, truyền thống và tư tưởng của người dân Việt Nam. Chính vì thế mà đã có sự dung hòa giữa Thiền Tào Động với tư tưởng của Tịnh Độ tông, Mật tông và các tín ngưỡng bản địa của người Việt một cách mật thiết, trở thành một phần của Phật giáo Việt Nam, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.
Chính từ sự ảnh hưởng tư tưởng này dẫn đến những thể hiện rõ nét trong việc thực hành tôn giáo của Thiền phái Tào Động ở miền Bắc Việt Nam.
3. Sự đóng góp của Thiền phái Tào Động ở miền Bắc Việt Nam đối với đạo pháp
Thiền phái Tào Động du truyền vào đất Việt chưa bao lâu, sự nghiệp giáo hóa của Sơ tổ là Thiền sư Thông Giác - Thủy Nguyệt đang có kết quả tốt đẹp, thì Phật giáo Đàng Ngoài gặp phải pháp nạn, suy thoái nghiêm trọng. Lúc này, Thiền sư Chân Dung - Tông Diễn, là đệ tử đắc pháp với Sơ tổ Thông Giác đang ẩn cư trên núi, hàng ngày chỉ tập trung vào thiền định. Thời gian sau, trong một lần xuống núi khất thực, Thiền sư Chân Dung - Tông Diễn mới biết tin này. Ngài rất đau lòng, tự than giữa núi rừng: Tại sao nhà vua đối với đạo Phật lại có ác tâm như vậy. Nếu ở núi rừng, dù thuyết pháp đá phải gật đầu, giảng kinh được hoa trời rơi cúng dường, cũng chẳng có lợi ích gì cho chúng sinh, nếu không hoằng dương được chính pháp, thì làm sao đền đáp được công ơn Phật Tổ! Chỉ riêng tốt cho mình thì làm sao độ được hàm linh trong bể khổ, thật uổng công vào cửa Phật, luống trôi qua một đời. Nói rồi, Ngài sửa soạn y bát, thân hành xuống núi, thưa với Thiền sư Thông Giác - Thủy Nguyệt, xin phép vào kinh, hóa độ nhà vua. Quán thấy nhân duyên độ được nhà vua của đệ tử, Sơ tổ cho phép xuất hành vào kinh đô Thăng Long.
Sau khi về kinh, tổ Tông Diễn liền theo lời dặn của Thiền sư Thông Giác - Thủy Nguyệt, trú ở chùa Hòe Nhai, viết một bức sớ, diễn giải thâm sâu vai trò của Phật giáo đối với thịnh suy dân tộc, trình bày mạch lạc, khúc chiết nội hàm giáo điển, mục đích, lý tưởng xuất gia, nhờ người chuyển tới vua Lê Hy Tông. Nhờ lời văn tha thiết, lý đạo thẳng ngay, vua đọc xong, thức tỉnh tâm can, vạn phần bội phục, phát nguyện sửa chữa lỗi lầm của mình. Vua Lê Hy Tông cho phục hưng lại Phật giáo Đàng Ngoài, thường xuyên thỉnh cầu thiền sư vào kinh thuyết pháp cho hoàng gia và quan lại nghe. Ít lâu sau, vua còn cho thợ trong cung tạc một bức tượng vua đang quỳ gối thờ đức Phật trên lưng để cảnh tỉnh chính mình, đồng thời sắc phong Thiền sư Chân Dung - Tông Diễn làm Đại Tuệ Quốc sư. Nhờ trí tuệ và đạo hạnh của Thiền sư Chân Dung - Tông Diễn mà Phật giáo Đàng Ngoài tránh được một pháp nạn có thể dẫn đến diệt vong.
Việt Nam sau Hậu Lê đến nhà Nguyễn, rồi gần 100 năm bị thực dân Pháp đô hộ, Phật giáo có lúc thịnh lúc suy, lúc lại hòa vào nhân dân. Dù vậy, ngọn đèn chính pháp của Thiền phái Tào Động chưa bao giờ tắt, vẫn có hàng hàng, lớp lớp kế thừa. Sau năm 1975, khi đất nước thống nhất, nhu cầu thống nhất Phật giáo Việt Nam thành ngôi nhà chung trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Các vị cao Tăng hai miền Nam Bắc đã tổ chức nhiều hội nghị hiệp thương, thống nhất các hệ phái Phật giáo trong cả nước. Đến tháng 11/1981, tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ I diễn ra tại chùa Quán Sứ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập. Đại hội đã nhất trí suy cử Hòa thượng Thích Đức Nhuận - đời 48 tông Tào Động tại miền Bắc, lên ngôi vị Pháp chủ Hội đồng chứng minh.
51 đời truyền thừa nối phái của Thiền phái Tào Động tại miền Bắc với bao vị tài đức đã đóng góp sức mình vào công cuộc duy trì, bảo vệ Phật giáo Việt Nam, kể từ khi Thiền sư Thông Giác - Thủy Nguyệt khơi nguồn chân lý cho đến Đệ nhị tổ, Thiền sư Chân Dung - Tông Diễn, Hành Nhất - Từ Sơn, “Thiền sư Mật Ứng Thiền gia Pháp chủ Tăng già Bắc Việt” (5), “Hòa thượng Thích Đức Nhuận, Đệ nhất Pháp chủ GHPGVN" (6). Ngày nay, các vị hoà thượng, thượng toạ, đại đức, tăng, ni của Thiền phái Tào Động vẫn đang cống hiến rất lớn cho GHPGVN.
Về giáo dục Phật giáo: Sau khi thành tựu đạo nghiệp trở về Đại Việt, Thiền sư Thông Giác - Thủy Nguyệt đã mở đạo tràng ở chùa Hòe Nhai để hướng dẫn phật tử, tín đồ nơi kinh thành Thăng Long tu học. Về đến chùa Nhẫm Dương, Ngài lại khai pháp hóa độ tăng, ni, phật tử gần xa. Nhị tổ Chân Dung - Tông Diễn tiếp tục truyền thừa, đến đời thứ ba là “Thiền sư Hành Nhất - Từ Sơn, Đạo Chúc - Tính Chu, Mật Đa - Hải Điện… Đức Nhuận - Thanh Thiệu…” cũng kế tục xứng đáng sự nghiệp giáo dục của Sơ tổ. Mạng mạch giáo dục Phật giáo tiếp tục nối truyền, đến năm 1958, Thiền phái Tào Động vẫn duy trì các trường Hạ tại các tổ đình, sơn môn, pháp phái. Tháng 3/1958, Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam thành lập, không mở trường Phật học tập trung như trước, mà tổ chức hai lớp tu học Phật pháp tại chùa Quảng Bá – một tổ đình Thiền phái Tào Động ở Hà Nội. Số liệu các khóa không được thống kê đầy đủ, nhưng khóa học 1969 - 1970 có 120 tăng, ni theo học - con số ấn tượng vào thời kỳ đó, có vị thuộc hàng giáo phẩm nhiều năm nghiên cứu Phật giáo, như: “Các Thượng tọa Giám Sinh, Thích Ninh Quang, Kim Cương Tử… và những vị mới bước vào nghiên cứu đạo Phật. Có các ni sinh như: Thích Đàm Ánh, Đàm Mai ở Hà Nội, Đàm Tùy ở Ninh Bình… Các vị giảng viên của hai lớp là Cư sĩ Tâm Minh (Lê Đình Thám), các Hòa thượng Thích Trí Độ, Thích Thanh Chân, Trần Quảng Dung… Hiệu trưởng là Hòa thượng Thích Đức Nhuận, Hiệu phó là Hòa thượng Thích Tâm An” (7).
Ngoài ra, Hòa thượng Đức Nhuận, một vị cao Tăng của Thiền phái Tào Động đã đưa vấn đề giáo dục ra thảo luận trong kỳ đại hội đầu tiên vào năm 1981: “Hòa thượng Thích Đức Nhuận đã đề đạt nguyện vọng thiết lập giáo dục Phật giáo lên Chính phủ để thành lập 3 trường Đại học Phật học được thiết lập trên cả 3 miền: Bắc, Trung, Nam. Ngoài ra, các tỉnh trong toàn quốc, mỗi tỉnh cũng đều được phép thành lập một Phật học viện, tùy theo khả năng nhu cầu mỗi tỉnh, nếu có thể làm được” (8). Đó là những đóng góp rất lớn của Thiền phái Tào Động ở miền Bắc cho nền giáo dục Phật giáo.
Trùng hưng Tam bảo: Các chốn tổ đình từ thời nhà Lý - Trần để lại, đã bị xuống cấp, không thể trùng hưng nếu không có vị thiền sư của Thiền phái Tào Động qua trụ trì như: “Chùa Hòe Nhai, chùa Trấn Quốc, chùa Quảng Bá, chùa Nhẫm Dương chùa Côn Sơn, chùa Linh Quang, chùa Quỳnh Lâm,…”. Các chùa ở miền Bắc Việt Nam hầu hết có ảnh hưởng của nghi lễ, tư tưởng hoằng pháp và phương pháp hành trì, phong cách xây dựng, quy củ thiền môn… từ Thiền phái Tào Động. Tầm ảnh hưởng của các Thiền sư Thanh Hanh, Mật Ứng, Đức Nhuận… đối với tăng, ni miền Bắc rất lớn lao: Thiền sư Thanh Hanh, thiền gia Pháp chủ, tăng, ni Bắc Việt”, Ngài từng được giới học giả nghiên cứu lịch sử Phật giáo cận đại, đánh giá là: “Người có công gây dựng đoàn kết Phật giáo ở Bắc kỳ. Thập niên 1950 có Thiền sư Mật Ứng, thiền gia Pháp chủ, Tăng già Bắc Việt. Vào năm 1981, Hòa thượng Thích Đức Nhuận đã nhân danh người đứng đầu Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề xuất Chính phủ cho phép nhận người vào tu, để có sự truyền thừa duy trì mối đạo, Phật giáo được phép nuôi chúng điệu để có người thừa kế. Đây được xem là cống hiến to lớn nhất của Thiền phái Tào Động đối với trùng hưng Phật giáo trong giai đoạn quan trọng này. Những đóng góp quan trọng của Thiền phái Tào Động đối với Phật giáo Việt Nam không chỉ giới hạn các mặt trên, mà còn nhiều mặt như: “Nhân lực, văn hóa, đạo đức, phương pháp tu trì,…” của nhiều thế hệ tăng, ni, phật tử trong hơn 300 năm qua.
4. Kế thừa và phát huy giá trị tư tưởng của Thiền phái Tào Động ở miền Bắc Việt Nam
Trong hơn 300 năm tồn tại và phát triển, thiền phái này đã có những đóng góp giá trị về tư tưởng, văn hóa, giáo dục, nghệ thuật, văn học.
Hiện nay, Thiền phái Tào Động ở miền Bắc Việt Nam vẫn giữ gìn một hệ thống phong phú gồm các ngôi chùa với lối kiến trúc độc đáo, đánh dấu lịch sử Phật giáo và văn hóa Việt Nam. Các ngôi chùa như Hòe Nhai, Trấn Quốc, Hàm Long,... vẫn lưu giữ nhiều bảo vật có giá trị, bao gồm hệ thống văn bia và các khoa cúng. Ví dụ như bia Khánh Đức Nham Tự tại chùa Hàm Long, Đông Triều, Quảng Ninh, khắc năm 1616; và các bia tín thí tại chùa Hòe Nhai, Hà Nội.
Các ngôi chùa thuộc Thiền phái Tào Động còn lưu giữ hệ thống tượng và tháp đa dạng, phong phú, mang đặc trưng của chùa miền Bắc và dấu ấn Thiền tông Việt Nam. Đặc biệt, có những pho tượng độc đáo như tượng Phật ngồi trên lưng vua ở chùa Hòe Nhai và tháp Xanh ở chùa Nhẫm Dương, nơi tôn thờ Xá lợi của Thiền sư Thủy Nguyệt.
Hệ tư tưởng tôn giáo của Thiền phái Tào Động mang đậm bản sắc văn hóa Phật giáo Việt Nam, chứa nhiều yếu tố biện chứng còn giá trị đến ngày nay. Hệ thống các lễ hội, nghi lễ tôn giáo đặc sắc, và lối tu tập thiền Mặc Chiếu có khả năng ứng dụng cao trong đời sống xã hội. Hệ thống truyền thừa sơn môn mang tính chất gia đình truyền thống của người Việt cũng là một nét đặc trưng.
Thiền phái Tào Động từng phát triển rực rỡ trong khoảng hai thế kỷ, nhưng nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đã bị mai một do sự khắc nghiệt của thời gian và chiến tranh. Nhiều ngôi chùa đã xuống cấp trầm trọng, các lễ hội xưa cũng không còn. Do đó, cần có biện pháp phục hồi, khơi dậy ký ức về một thiền phái đã từng đóng góp nhiều cho lịch sử Phật giáo và văn hóa Việt Nam.
Để phát huy giá trị văn hóa của Thiền phái Tào Động, cần thúc đẩy sự phát triển toàn diện, kết hợp với bảo tồn và phục hồi những giá trị đã bị mai một. Một hướng đi có thể là phát triển các chùa thuộc Thiền phái Tào Động gắn với du lịch, như chùa Nhẫm Dương, Hòe Nhai. Nếu được định hướng đúng đắn, việc kết hợp này sẽ khai thác được giá trị di sản và tạo tiềm lực kinh tế để "sống dậy" di sản.
Sự xuất hiện của Thiền phái Tào Động trong bối cảnh nở rộ các Thiền phái Phật giáo đã cho thấy vị thế riêng của phái này. Dù khi truyền thừa vào Việt Nam, Thiền phái Tào Động phải đối mặt với những biến chuyển xã hội không thuận lợi, đặc biệt là chính sách chống Phật giáo của vua Lê Hy Tông, nhưng phái này vẫn để lại dấu ấn đáng chú ý và phát triển mạnh mẽ. Điều này là nhờ vào tư tưởng của Thiền phái Tào Động có nhiều điểm phù hợp với đại chúng ở Việt Nam, đóng góp vào hệ tư tưởng nhập thế của Phật giáo dân tộc.
Tác giả: HT.TS Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch HĐTS - GHPGVN, Viện trưởng Phân viện NCPHVN tại Hà Nội
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 01/2025 - Xuân Ất Tỵ
***
CHÚ THÍCH:
(1) Sa môn Như Sơn (2015), Thiền uyển kế đăng tục (Thích Thiện Phước dịch, Song Hảo Lý Việt Dũng hiệu đính), Nxb Hồng Đức,
Hà Nội, tr.295
(2) Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Triết học (1986), Mấy vấn đề về Phật giáo và lịch sử tư tưởng Việt Nam, Nxb Hà Nội,
Hà Nội, tr.152, 153
(3) Thích Thọ Lạc, Chu Văn Tuấn (Đồng chủ biên) (2020), Thiền phái Tào Động ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, tr.581
(4) Mochizuki Shinko (2011), Khái luận Tịnh độ giáo, Nxb Tôn giáo, tr. 133
(5) Nguyễn Lang (2009), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 3, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr.696.
(6) Thích Thiện Siêu (2003), Hư tâm học đạo 34, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.324.
(7) Ban Giáo dục Tăng Ni TW (2012), Hội thảo khoa học “Giáo dục Phật giáo – Định hướng & Phát triển”, “Bài Kệ của Trưởng lão Mãn Giác về Triết học Duy vật Thích Ca Mâu Ni”, Lưu hành nội bộ, tr.428.
(8) Thích Thiện Siêu (2003), Hư tâm học đạo 34, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.324.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Sa môn Như Sơn (2015), Thiền uyển kế đăng tục (Thích Thiện Phước dịch, Song Hảo Lý Việt Dũng hiệu đính), Nxb Hồng Đức, Hà Nội.
2. Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Triết học (1986), Mấy vấn đề về Phật giáo và lịch sử tư tưởng Việt Nam, Nxb Hà Nội, Hà Nội.
3. Thích Thọ Lạc, Chu Văn Tuấn (Đồng chủ biên) (2020), Thiền phái Tào Động ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội.
4. Mochizuki Shinko (2011), Khái luận Tịnh độ giáo, Nxb Tôn giáo, tr. 133
5. Nguyễn Lang (2009), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 3, Nxb. Văn học, Hà Nội.
6. Thích Thiện Siêu (2003), Hư tâm học đạo 34, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
7. Ban Giáo dục Tăng Ni TW (2012), Hội thảo khoa học “Giáo dục Phật giáo – Định hướng & Phát triển, “Bài Kệ của Trưởng lão Mãn Giác về Triết học Duy vật Thích Ca Mâu Ni”, Lưu hành nội bộ.
8. Thích Nhất Hạnh – Thiền phái Tào Động tới Việt Nam, link: http://langmai.org/tang-kinh-cac/vien-sach/giang-kinh/viet-nam- phat-giao-su-luan/chuong-23-thien-phai-tao-dong-toi-viet-nam
9. Hòa thượng Thủy Nguyệt – Đệ nhất Tổ sư Thiền phái Tào Động Việt Nam, link:http://m.kyluc.com.vn/Hoa-thuong-Thuy- Nguyet-De-nhat-To-su-thien-phai-Tao-Dong-Viet-Nam_kyluc_D1983.htm
10. Trang web thienphatgiao.org, link: http://thienphatgiao.org/2013/10/thien-phai-tao-dong-o-dang-trong/
Bình luận (0)