Tác giả: Thích nữ Thuần Giới

Thiền sư Minh Giác (1747 – 1830) nối pháp đời 36 dòng Lâm Tế Chúc Thánh và là trụ trì đời thứ 3 tổ đình Phước Lâm (Hội An). “Thế danh của ngài là Võ Đức Nghiêm, sinh ngày 13 tháng giêng năm Đinh Mão (1747), tại thôn Ngọc Trì, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi (nay là huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi). Năm Kỷ Mão (1759) khi ngài 12 phát nguyện xuất gia với tổ Thiệt Dinh – Ân Triêm được ban pháp danh Pháp Kiêm, tự Luật Oai.”[1]. Năm 1770, sau 10 năm tu học, Ngài trở về quê thì gặp nạn giặc mọi Đá Vách nổi dậy chống lại triều đình Chúa Nguyễn và quấy phá, cướp bóc tại quê nhà Quảng Ngãi.

Long vị tổ Minh Giác tại chùa Phước Lâm

Chúa Nguyễn Phúc Thuần ban lệnh nhà nào có 3 con trai thì phải 1 người đi lính, lệnh này gọi là ‘Tam đinh thủ nhất’. Đứng trước tình hình đó cũng như xót xa trước cảnh tang thương của con người, với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, ngài đã cởi áo cà sa, gia nhập quân đội triều đình để dẹp giặc, lập nhiều công lớn và được phong làm Chỉ huy.

Cùng thời điểm đó, nhà Tây Sơn nổi lên đánh bại Chúa Nguyễn và chống lại Chúa Trịnh, đất nước bấy giờ lâm vào cảnh nội chiến tàn khốc, dân chúng lầm than, các triều đại vua chúa cũng thay đổi… Chính cảnh vô thường, nhiễu nhương của thế sự bấy giờ là tiếng chuông thức tỉnh một thiền sư trong con người Chỉ huy Võ Đức Nghiêm quay về nương tựa Phật Đà.

Khi quân giặc dần được dẹp tan, ngài từ quan trở lại Quảng Nam, như hiểu được những thành tựu có được trước đây đã phải đánh đổi biết bao mạng người nơi sa trường, vì vậy, lần trở lại này ngài dõng mãnh phát nguyện quét chợ Hội An 20 năm cũng như tha thiết sám hối những tội lỗi đã tạo trong quá khứ[2].

Có thể thấy, chợ là một nơi tạp nhạp, ồn ào, thị phi, ở đó có rất nhiều loại người quy tụ thế mà suốt 20 năm quét chợ, ngài vẫn giữ được ý chí thiền định, không bị lay chuyển bởi bất kỳ tạp nhiễm nào. Hằng ngày ngài đến chợ không chỉ đơn thuần là quét chợ mà đó còn là một phương pháp tu hành, ngài thiền định trong tứ oai nghi, tam nghiêp cũng đã thanh tịnh. Từ đó, đạo hạnh của ngài ngày càng thâm sâu, ngài được người đời ca tụng và nhắc đến với tên gọi rất giản dị ‘Tổ Bình Man Tảo Thị’, hiện nay, tại chùa Phước Lâm còn tấm bia kể về tiểu sử và câu đối ca ngợi công đức của ngài: “Bình Man, tảo thị, lưỡng độ gian lao, xuất gia kỳ phát nguyện vưu kỳ, bát dật sinh niên thành chính giác. Tạo tự, chú chung, thị thung công đức, cách cựu hảo đảnh tân cố hảo, thiên thu giác thế vĩnh truyền đăng”[3].

(Dẹp giặc, quét chợ mấy độ gian lao, xuất gia lạ, phát nguyện càng rất lạ, tám mươi vãng sinh thành chính giác.

Làm chùa, đúc chuông, biết bao công đức, sữa cũ đẹp, làm mới lại thêm đẹp, ngàn năm sáng mãi ngọn đèn thiền)[4].

Thích Hạnh Niệm dịch

Đến năm 1798, sau khi hạnh nguyện đã viên mãn, ngài được sơn môn thỉnh về trụ trì chùa Chiên Đàn (Hội An) và suy tôn lên Hòa thượng với là Minh Giác. Ngài là Hòa Thượng chứng minh trong lễ đúc Đại hồng chung tại chùa Vạn Đức (1818), Phước Lâm (1822) và Hải Tạng (1830) hiện nay chuông vẫn còn.

Công hạnh của ngài được sử sách lưu danh, ghi dấu, trong tờ biểu tôn xưng có đoạn: “Phật là giác giả, Hòa thượng có tính thông tuệ, tự cho con đường tình duyên danh lợi đã 20 năm nay như đem dao cắt đứt hẳn, coi giống cát sông bọt nổi. Lại đem mình ở nơi thị tỉnh chịu đựng bụi trần nhọc lòng khổ chí để giữ tâm niệm nhập đạo mà thành tựu tấm thân chứng đạo. Đã hay tự mình khai giác hết thảy những người có tình như chiêm bao thức giấc vậy. Trong điển Phật có nói: Tự mình biết, bảo cho người khác biêt, đó là có ý nghĩa đầy đủ tiếng khen về biết rõ cả”[5].

Có thể ngài ý thức được việc muốn thanh tịnh tâm thì trước tiên phải dấn thân vào nơi ô trược mới có thể thành tựu viên mãn, như hoa sen sinh ra từ bùn để rồi vươn lên khỏi bùn tanh, tỏa hương cho đời, đồng thời cũng là phương tiện để độ sinh. Nếu không hòa nhập vào cuộc sống của con người thì sao độ được họ, tuy nhiên, đó không phải là con đường độ sinh duy nhất, mỗi người sẽ chọn cho mình một con đường riêng nhưng đích đến đều hướng đến sự an lạc, thanh tịnh thân tâm, giác ngộ giải thoát.

Ngoài ra, qua lời phó chúc của ngài cho đệ tử là Toàn Định – Bảo Tạng cho thấy ngài là người cương trực, giữ gìn giới luật: “Lời ta thẳng như thước dây, nặng như vàng đá, nếu có kẻ ương ngạnh vi phạm, hoặc trong chúng có kẻ bất tuân cứ theo pháp mà trừng trị để về sau đại chúng được an hòa”[6]. Qua đó thấy được lòng kiên định, phân minh của ngài đối với sự tồn vong của tăng đoàn, với mong muốn lấy giới luật làm đầu, nương giới luật để răn dạy đồ chúng.

Bảo tháp tổ Minh Giác tại chùa Phước Lâm

Đến ngày 10 tháng 11 năm 1830, ngài thị tịch, trụ thế 84 tuổi, mộ tháp được đồ chúng kiến lập bên trái chùa Phước Lâm.

Cuộc đời của ngài là bài học lớn cho thế hệ tăng sĩ đời sau noi theo trong tinh thần “cởi áo cà sa khoác chiến bào”, chỉ khi nào đất nước thái bình thì việc tu hành mới có thể yên ổn, không thể ngồi gõ mỏ tụng kinh khi ngoài kia dân chúng đang loạn lạc, lầm than. Bên cạnh đó hình ảnh quét chợ cũng cho thấy mật hạnh của ngài, quét chợ mà tâm thanh tịnh, thuần khiết cũng chính là tu, giải thoát viên mãn từ thân lẫn tâm.

Chúng ta dễ dàng thấy được công hạnh của ngài không đi ngoài lời dạy của đức Phật: “Hãy đi, này các Tỷ kheo, hãy đi cùng khắp vì hạnh phúc cho đại chúng, vì an lạc cho đại chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc vì lợi ích, vì an lạc cho loài thiên và loài người”[7]. Trên tinh thần tự độ độ tha, dù là một tu sĩ nhưng gặp thời loạn lạc ngài sẵn sàng hy sinh, cống hiến, dùng tính mạng để đánh đổi tháng ngày bình yên của tha nhân. Đồng thời, ngài cũng đã thực hiện đúng lời dạy của đức Phật, chẳng cần phải đi đến nơi nào xa xôi, ngài đi khắp các nẻo đường lớn nhỏ, đẹp xấu trong chợ với hình ảnh là thiền sư quét chợ, ngoài việc quét sạch những rác bẩn hôi dơ của rác thải ngài cũng dọn sạch những cấu bẩn trong tâm của ngài. Nhờ đó, ngài cũng dễ dàng tiếp cận, giáo hóa dân chúng đưa Phật giáo đến gần hơn với con người, hướng họ đến cuộc sống an lạc, hạnh phúc.

“Đối kẻ sống thanh tịnh

Ngày nào cũng ngày tốt

Với kẻ sống thanh tịnh

Ngày nào cũng ngày lành

Các tịnh nghiệp thanh tịnh

Luôn thành tựu (thiện) hành”[8].

Từ cuộc đời và sự nghiệp của thền sư Minh Giác là tấm gương sáng để hàng hậu học noi theo, tuy ngài không để lại sách vở hay lời dạy ngàn đời vang danh lỗi lạc nhưng chính cách sống của ngài là bài học sáng giá khó ai có thể làm được. Nhìn chung, dù ở thời đại nào, tu sĩ với trách nhiệm thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh, trước hết cầu nỗ lực tu tập, chuyên trì giới hạnh, sau đó bồi dưỡng trí tuệ, kiến thức đạo và đời để có đủ hành trang trên bước đường giáo hóa. Cần hạn chế những thị phi, tạp nhiễm của thế gian, nếu không thể hoàn thiện về mặt nội dung thì ít ra cũng phải giữ gìn về mặt hình thức, phong thái của một tu sĩ cần có. Bởi lẽ, một Tỳ kheo mặc dù chưa chứng thánh quả nhưng hình thức đồng với đức Phật nên lúc nào cũng cần phải trang nghiêm, đĩnh đạc, xứng danh mô phạm của trời người.

Đằng sau một nhà sư quét chợ là bài học về sự tu hành nghiêm mật, thái độ ung dung, tự tại trước sự ô trược của cuộc đời, bình thản giữa sự sinh tử và ý thức trách nhiệm về bổn phận của người con Phật cần phải làm gì trong sự tồn vong của phật pháp, nỗi khổ đau của dân chúng. Nếu chúng ta không đủ năng lực, tài đức như các bậc tiền nhân có thể để lại tiếng tốt ngàn đời thì ít ra trong hình thức đầu tròn áo vuông, chúng ta không làm gì gây ảnh hưởng xấu đến danh tiếng của Phật giáo, để không hổ thẹn với các bậc có công giữ gìn, lưu truyền phật pháp cho đến ngày nay.

Tác giả: Thích nữ Thuần Giới

***

THƯ MỤC THAM KHẢO

1. Thích Minh Châu dịch, Trường bộ, kinh Đại bổn, NXB Tôn giáo, 2013. 2. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung bộ I, NXB Tôn giáo, 2018. 3. Nguyễn Hiền Đức, Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, NXB Tp.HCM, 1995. 4. Nguyễn Quyết Thắng, Quảng Nam đất nước và nhân vật, NXB Văn hóa thông tin, 2001. 5. Thích Như Tịnh, Lịch sử truyền thừa thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, NXB Phương Đông, 2009, TP.HCM.

Chú thích [1] Thích Như Tịnh, Lịch sử truyền thừa thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, NXB Phương Đông, 2009, TP.HCM, tr 157 [2] Sđd, tr 157. [3] Nguyễn Hiền Đức, Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, NXB Tp.HCM, 1995, tr 11-13. [4] Thích Như Tịnh, Lịch sử truyền thừa thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, NXB Phương Đông, 2009, TP.HCM, tr 158. [5] Nguyễn Quyết Thắng, Quảng Nam đất nước và nhân vật, NXB Văn hóa thông tin, 2001, tr 169. [6] Chúc từ của tổ Minh Giác cho đệ tử Toàn Định – Vi Quang – Bảo Tạng. Chúc từ này hiện vẫn còn lưu giữ tại tổ đình Thắng Quang, Bình Định. [7] Thích Minh Châu dịch, Trường bộ, kinh Đại bổn, NXB Tôn giáo, 2013, tr 259. [8] Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung bộ I, NXB Tôn giáo, 2018, tr 65.