Tới giữa thế kỷ XX, Thiền phái Trúc Lâm mất dần dấu tích. Thiền sư Thích Thanh Từ nhận ra điểm thiếu sót ấy, nên hết lòng chủ trương khôi phục Thiền phái Trúc Lâm.
Tác giả: Thích Tuệ Nhật (Lê Minh Tuấn) Nghiên cứu sinh Khoá I, Học viện PGVN tại Tp.HCM
Thiền phái Trúc Lâm được thành lập vào cuối thế kỷ XIII, đầu thế kỷ XIV với những vị Tổ sư tiêu biểu như: Trần Nhân Tông (1258-1308), Pháp Loa (1284-1330), Huyền Quang (1254-1334). Thiền phái đã thống nhất được ba dòng thiền trước đó là Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường. Đây có thể xem là sự kiện thống nhất Phật giáo đầu tiên ở nước ta, kể từ khi du nhập.
Trong nghiên cứu này, chúng tôi sẽ bàn về sự hình thành và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm qua các thời kỳ lịch sử.
1. Sự ra đời và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm đời Trần
Thiền phái Trúc Lâm ra đời vào đầu thời Trần, là sự dung hợp sáng tạo từ ba Thiền phái: Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường. Những vị Thiền sư đặt nền móng cho Thiền phái này là Trần Thái Tông (1218-1277), Tuệ Trung Thượng Sĩ (1230-1291) và Trần Thánh Tông (1240-1290) để rồi Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang kế thừa và phát triển thêm, trở thành ba vị Tổ sư đầu tiên của Thiền phái Trúc Lâm.
Theo Thích Phước Đạt, “những nhân vật như Trần Thái Tông, Tuệ Trung, Trần Thánh Tông là những gương mặt Thiền gia đắc pháp chứng ngộ bước đầu đặt nền móng tư tưởng cho Thiền phái ra đời để sau đó Trần Nhân Tông khai sáng rồi truyền thừa cho Pháp Loa phát triển, kế tục là Huyền Quang. Cả ba vị này đã đóng góp rất lớn trong việc tạo dựng và phát triển Thiền phái này và đã có dấu ấn lớn trong lòng dân tộc đối với việc xây dựng và phát triển đất nước Đại Việt, được người đời tôn vinh là Trúc Lâm Tam Tổ”[1].
Trong Việt Nam Phật giáo sử luận, Nguyễn Lang nhận xét: “Vào đầu thế kỷ thứ mười ba, ba thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường dần dần nhập lại thành một. Do ảnh hưởng lớn lao của Trần Thái Tông và Tuệ Trung Thượng Sĩ, sự sát nhập của ba thiền phái trên đây vào nhau đã đưa tới sự phát triển lớn của Thiền phái Yên Tử thành Thiền phái Trúc Lâm; tức là thiền phái duy nhất đời Trần”[2].
Kế thừa nguồn tư tưởng của những bậc tiền bối đi trước, Trần Nhân Tông đã có công dung nạp ba dòng Thiền đời Lý ở nước ta. Nguồn gốc sâu xa của sự dung hợp này bắt nguồn từ Thiền sư Thường Chiếu (? - 1203). Ngài là vị Thiền sư đời thứ 12 của Thiền phái Vô Ngôn Thông, nhưng lại trụ trì ngôi chùa Lục Tổ của Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi và học đạo với Thiền sư Quảng Nghiêm (1122-1190) một vị từng nghiên cứu và tâm đắc tác phẩm Tuyết Đậu ngữ lục của Thiền phái Thảo Đường. Bởi thế, “Thiền sư Thường Chiếu có thể được gọi là người khởi đầu cho sự tổng hợp giữa ba Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường và cũng là gạch nối giữa Phật giáo đời Lý và Phật giáo đời Trần. Địa vị của ông rất quan trọng”[3].
Nếu Thường Chiếu là người đầu tiên đặt nền móng tư tưởng cho sự dung hợp ba thiền phái đời Lý, thì đệ tử của Ngài là Hiện Quang (? - 1221) chính thức trở thành vị Tổ sư đầu tiên lên núi Yên Tử tu hành: “Hiện Quang thiền sư được xem như là người đích thực sáng lập truyền thống Yên Tử. Truyền thống này sau lấy tên là Trúc Lâm. Trần Nhân Tông thuộc thế hệ thứ sáu phái Yên Tử, lấy hiệu là Trúc Lâm đầu đà”[4]. Như vậy, xét về mặt sơn môn Yên Tử thì Trần Nhân Tông nối pháp Huệ Tuệ - Tổ sư thứ năm của pháp phái Yên Tử do Hiện Quang sáng lập, còn xét về mặt tư tưởng, tổ chức Giáo hội, thì Trần Nhân Tông đã kế thừa rất nhiều từ Tuệ Trung Thượng Sĩ, Trần Thái Tông để lập ra Thiền phái Trúc Lâm.
Trần Thái Tông được xem là “Bó đuốc Thiền tông”, tinh thông cả Tam giáo, thường cùng các Thiền sư lỗi lạc như Đại Đăng, Ứng Thuận, Thiên Phong,… bàn luận đạo lý Phật pháp và thiền học. Sự nghiệp chính trị, văn hóa, giáo dục, tôn giáo của Trần Thái Tông khá nổi bật. Với cương vị là vua của một nước (từ năm 1225 đến 1258), sau đó là thái thượng hoàng, bên cạnh việc bảo vệ chủ quyền đất nước, thống nhất giang sơn, Ông luôn muốn thống nhất các nguồn tư tưởng trong nước để độc lập tôn giáo. Đối với Phật giáo, Ông chủ trương cần kết hợp ba Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường.
Tiếp nối chí nguyện của cha mình, Trần Thánh Tông tạo ra một gạch nối quan trọng cho con mình là Trần Nhân Tông được học hỏi tinh hoa của người đi trước, cả về việc trị nước, kinh bang tế thế, lẫn phát triển văn hóa, thông hiểu Tam giáo và lý mầu của đạo Phật. Lê Mạnh Thát cho rằng: “Vua Trần Thánh Tông cùng với Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Tung đang chuẩn bị tiền đề lý luận cho sự ra đời của một nền Phật giáo mới với dòng thiền Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông khai sáng, để đáp ứng cho những yêu cầu mới của lịch sử đất nước và Phật giáo”[5]. Rõ ràng, ảnh hưởng của Trần Thánh Tông và Tuệ Trung Thượng Sĩ đối với Trần Nhân Tông là điều không thể phủ nhận.
Tuệ Trung Thượng Sĩ tuy không phải là người xuất gia, nhưng Ông là một Thiền sư Cư sĩ nổi tiếng đời Trần, từng học đạo với Thiền sư Tiêu Dao - vị Tổ thứ tư của sơn môn Yên Tử ở tinh xá Phước Đường. Tuệ Trung đã ngộ yếu chỉ thiền học, là người khai thị yếu chỉ tu tập cho Trần Nhân Tông. Điều này được chính Nhân Tông ghi lại trong Thượng Sĩ hành trạng như sau: “Một ngày kia, ta hỏi người về cái gốc của tôn chỉ Thiền, Thượng Sĩ ứng khẩu đáp: ‘Hãy quay về nhìn lại cái gốc của mình chứ không tìm đâu khác được’. Ta bỗng bừng tỉnh con đường phải đi, bèn xốc áo thời người làm Thầy”[6]. Và Nhân Tông ca ngợi: “Ôi! Thượng Sĩ là người thần thái nghiêm trang, cử chỉ đĩnh đạc. Khi người đàm luận về cái lẽ cao siêu huyền diệu thì như gió mát trăng thanh. Đương thời các bậc đạo cao đức trọng đâu đâu cũng đều tôn trọng, cho Thượng Sĩ là người ‘tin sâu biết rõ’, ngược xuôi thật khó mà lường được”[7].
Như vậy, Tuệ Trung là người có công lớn, khai ngộ cho Trần Nhân Tông, để sau này khi hoàn thành nhiệm vụ trị quốc, chống ngoại xâm, Nhân Tông đã lên núi Yên Tử tu hành, thành lập ra Thiền phái Trúc Lâm. “Trần Nhân Tông là người có công làm cho Thiền phái Trúc Lâm đi vào đời sống sinh hoạt Phật giáo Thiền từ mô hình hoạt động, cơ cấu tổ chức cho đến nội dung tu tập và phương thức hành trì. Ông trở thành Sơ Tổ của Thiền phái, sau đó Pháp Loa được Trần Nhân Tông truyền y bát làm Tổ thứ hai. Và Tổ thứ ba được truyền thừa chính là Huyền Quang”[8].
Sách Đại Việt sử ký toàn thư nhận xét về Trần Nhân Tông: “Vua nhân từ hoà nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp trùng hưng sáng ngời thuở trước, thục là bậc vua hiền của nhà Trần”[9]. Điều đó cho thấy những đóng góp của Trần Nhân Tông đối với quốc gia Đại Việt là vô cùng to lớn. Ngài cũng để lại nhiều tác phẩm văn học giá trị mà ngày nay hiện còn như: Cư trần lạc đạo phú, Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca và một số bài thơ văn giá trị khác. Riêng về mặt lãnh đạo, tổ chức Phật giáo, Ngài đã thống nhất được ba dòng thiền trước đó để khai sáng ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử mang đậm bản sắc văn hoá nước nhà.
Người kế đăng Sơ Tổ Trúc Lâm là Pháp Loa. Có duyên hạnh ngộ và xuất gia với Sơ Tổ vào năm 1304, Pháp Loa được Ngài “đem chùa Siêu Loại của Sơn môn Yên Tử giao cho Sư, bảo phải kế thế trụ trì, làm Tổ thứ hai Thiền phái Trúc Lâm”[10]. Ít lâu sau, Trần Nhân Tông viên tịch, Pháp Loa chính thức đứng ra lãnh đạo Giáo hội, tiếp Tăng độ chúng, hướng dẫn Phật tử tu hành.
Xét về công nghiệp Pháp Loa, chúng ta có thể thấy, Ngài là người uyên thâm giáo lý, có tài tổ chức và thuyết giảng Phật pháp. Ngài từng biên soạn, giảng giải nhiều bộ Kinh luận như: Kim Cang, Pháp Hoa, Lăng Già, Bát Nhã, Niết Bàn, Viên Giác, Đại Tuệ ngữ lục, Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục, Tuyết Đậu ngữ lục. Năm 1313, Ngài về Chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang), đặt trụ sở Giáo hội Trung ương ở đó, làm nhiều Phật sự lớn, “kêu gọi Tăng chúng và cư sĩ chích máu in Đại Tạng kinh hơn 5.000 quyển, để tại viện Quỳnh Lâm”[11]. Tính đến năm 1300, “Sư đã tạo hơn 1.300 tượng Phật lớn nhỏ, hai bộ tượng sơn mài, hơn trăm tượng bằng đất, dựng hai cảnh chùa lớn và năm ngôi tháp, lập hơn 200 Tăng xá, độ hơn 15.000 Tăng Ni, in một bộ Đại Tạng Kinh. Những đệ tử đắc pháp hơn 3.000 người”[12].
Sau khi Pháp Loa viên tịch vào năm 1330, Huyền Quang trở thành Tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm. Đạo hạnh và tài năng của Huyền Quang được Trần Nhân Tông tán thán, ban tặng cho pháp tòa trầm hương để giảng kinh và khen ngợi: “Phàm sách đã qua tay Huyền Quang biên soạn thì không thể thêm hay bớt một chữ nào nữa”[13].
Cuộc đời Huyền Quang giản dị, thanh cao, làm bạn cùng thiên nhiên đất trời. Những năm cuối đời, Ngài thường thích sống ẩn dật chốn núi rừng Côn Sơn và Yên Tử. Là bậc tu hành chân chính, dù thơ văn phóng khoáng, nhưng bản thân Huyền Quang đã vượt thoát sinh tử, không hề vương lụy trần tục, càng bị oan qua chuyện Điểm Bích, người ta càng thấy cốt cách và đạo lực thâm hậu của Ngài[14].
Tuy nhiên, khi lên nhận vai trò làm “Đệ Tam Tổ” thì Huyền Quang đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”. Ngài từng bày tỏ trách nhiệm lãnh đạo Thiền phái là một đại sự, trong khi ở tuổi 77, muốn trở về ẩn tu nơi lâm tuyền:
“Đức bạc thẹn mình nối Tổ đăng
Học theo Hàn Thập dứt đa đoan
Hãy đi với bạn về non vắng
Rừng núi bao quanh mấy vạn từng”[15]
Giai đoạn này, Thiền phái Trúc Lâm mặc dù vẫn còn hệ thống tổ chức khá chặt chẽ, nhưng vì thiếu người trực tiếp lãnh đạo các hoạt động Phật sự, nên dần đi vào mai một theo sự suy thoái của triều đại nhà Trần nửa cuối thế kỷ XIV.
2. Thiền phái Trúc Lâm từ thời Hậu Lê đến nay: Những bước thăng trầm và sự phục hưng
Tác giả Việt Nam Phật giáo sử luận đề cập đến Thiền phái Trúc Lâm giai đoạn sau Tam Tổ Huyền Quang nhận xét: “Phật giáo Trúc Lâm, sau Huyền Quang, không còn hưng thịnh nữa ... Tại sao không có ai nói tới Đệ tứ Tổ Trúc Lâm trong khi truyền thống Trúc Lâm vẫn còn tiếp tục từ An Tâm xuống Phù Vân, từ Phù Vân xuống Vô Trước và cứ thế truyền mãi tới về sau?”[16] Ở thời Hậu Lê (1428-1789), chúng ta không được biết nhiều về cuộc đời và sự nghiệp của các vị Tổ sư sau Huyền Quang, nhưng căn cứ vào Đại Nam thiền uyển truyền đăng tập lục, quyển 2, do Hòa thượng An Thiền - Phúc Điền (1748-1863) đính bản, cho thấy tên tuổi 23 vị Tổ sư thuộc sơn môn Yên Tử tính từ Hiện Quang đến Vô Phiền như sau[17]:
1. Hiện Quang Tổ sư
2. Viên Chứng Quốc sư
3. Đại Đăng Quốc sư
4. Tiêu Dao Tổ sư
5. Huệ Tuệ Tổ sư
6. Nhân Tông Tổ sư
7. Pháp Loa Tổ sư
8. Huyền Quang Tổ sư
9. An Tâm Quốc sư
10. Phù Vân (hiệu Tĩnh Lự) Quốc sư
11. Vô Trước Quốc sư
12. Quốc Nhất Quốc sư
13. Viên Minh Tổ sư
14. Đạo Huệ Tổ sư
15. Viên Ngộ Tổ sư
16. Tổng Trì Tổ sư
17. Khuê Thám Quốc sư
18. Sơn Đẳng Quốc sư
19. Hương Sơn Đại sư
20. Trí Dung Đại sư
21. Tuệ Quang Tổ sư
22. Chân Trú Tổ sư
23. Vô Phiền Đại sư.
Qua đó, chúng ta có thể khẳng định, sau khi nhà Trần mất ngôi, đến thời kỳ thuộc Minh, Lê Sơ, nhà Mạc, Trịnh - Nguyễn phân tranh,… Thiền phái Trúc Lâm tuy không còn hưng thịnh như nửa đầu thời Trần, mất dần vị thế nơi triều đình, nhưng vẫn có sự truyền thừa trong dân gian. Để rồi đến thế kỷ thứ XVII, hai vị Thiền sư Minh Châu - Hương Hải (1628-1715) và Chân Nguyên - Tuệ Đăng (1647-1726), là những đại diện tiêu biểu của thiền phái Lâm Tế đã phục hưng Thiền phái Trúc Lâm thời Hậu Lê, mặc dù cả hai vị này không được đề cập trong danh sách 23 vị Tổ sư nêu trên.
Theo Lý Kim Hoa, “Hương Hải Minh Châu vẫn là một Thiền sư, hay hơn nữa là một Tổ sư đã cùng với Chân Nguyên là hai người đi đầu trong công cuộc phục hưng phái thiền Trúc Lâm, một sản phẩm tư tưởng và đạo học của Việt Nam đã bị mai một”[18].
Thiền sư Hương Hải còn được biết đến với tên gọi Tổ Cầu, xuất gia tu học ở Đàng Trong, khi ra Bắc hành đạo tại Thăng Long, Ngài được Chúa Trịnh trọng dụng. Năm 1700, Ngài tới phủ Hưng Yên mở đạo tràng ở chùa Nguyệt Đường, phục hưng Thiền phái Trúc Lâm. Đệ tử xuất gia, đắc pháp với Ngài lên tới hơn 70 người, đều tinh thông kinh luật, đạo hạnh đáng kính.
Cùng với Minh Châu - Hương Hải, Thiền sư Chân Nguyên là người có công lớn nhất trong việc trùng hưng Thiền phái Trúc Lâm, được xem là “Con người của thế kỷ thứ XVII” trên phương diện Phật giáo. “Sự nghiệp của Chân Nguyên lưu lại cho hậu thế vô cùng to lớn. Ngài có công phục hưng lại Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử”[19]. Từ thuở nhỏ, Ngài đã thông minh hiếu học, hạ bút là thành văn. Năm 16 tuổi, nhân đọc Tam Tổ thực lục đến đoạn nói về cuộc đời Thiền sư Huyền Quang, Ngài tỉnh ngộ, phát nguyện dốc chí tu hành, xuất gia với Thiền sư Tuệ Nguyệt - Chân Trú, sau ngộ đạo với Thiền sư Minh Lương - Mãn Giác (? - 1675).
Chân Nguyên được “truyền thừa y bát Trúc Lâm, làm trụ trì chùa Long Động và chùa Quỳnh Lâm, là hai ngôi chùa lớn của phái Trúc Lâm”[20]. Ngài từng dựng đài cửu phẩm liên hoa tại chùa Quỳnh Lâm vào năm 1684, được vua Lê Hy Tông (1663-1716) ban hiệu Vô Thượng Công năm 1692, cúng dường áo cà sa và nhiều pháp khí quý. Năm 1722, Ngài được vua Lê Dụ Tông (1679-1731) phong làm Tăng Thống, ban hiệu là Chánh Giác Hòa thượng. Ngài và các đệ tử có công trùng san các tác phẩm Phật giáo Lý - Trần như: Thánh đăng lục, Thiền tông bản hạnh, Thiền uyển tập anh ngữ lục, Kế đăng lục, Thượng Sĩ ngữ lục, Khóa hư lục, Tam Tổ thực lục, Đại Nam thiền uyển truyền đăng tập lục.
Thiền sư Chân Nguyên có nhiều đệ tử nối pháp, trong đó người kế nghiệp xiển dương Thiền phái Trúc Lâm là Nguyệt Quang - Như Hiện (? - 1765). Theo Nguyễn Lang, Như Hiện được trao y bát Trúc Lâm, kế thế Tổ vị: “Trước khi Chân Nguyên mất, Ông được trao y bát Trúc Lâm, kế thế các chùa Long Động, Quỳnh Lâm và Nguyệt Quang”[21]. Năm 1730, Như Hiện được sự trợ duyên của chúa Trịnh Giang, đã cùng bá tánh cho trùng tu chùa Quỳnh Lâm và Sùng Nghiêm. Bảy năm sau đó, Ngài lại tiến hành đúc một pho tượng Phật rất lớn, an trí tại chùa Quỳnh Lâm.
Như Hiện là người sống giản dị, thanh cao, sức hóa độ sâu rộng. Ngài có hơn 60 đệ tử tài giỏi, trong đó nhiều người là trụ trì các tự viện lớn, làm rường cột của Phật giáo Đàng Ngoài thời bấy giờ. Người nối pháp Trúc Lâm được Như Hiện truyền y bát là Thiền sư Tánh Tĩnh (1692-1773). Sách Thiền sư Việt Nam chép: “Thiền sư Tánh Tĩnh là vị đệ tử được Sư [Như Hiện] truyền y bát Trúc Lâm và kế thế chăm sóc các chùa Quỳnh Lâm, Long Động và Nguyệt Quang”[22].
Tánh Tĩnh từng làm Đường đầu Hòa thượng cho tám, chín đàn truyền giới, đệ tử có hơn 20 vị đại đức trụ trì[23]. Tuy nhiên, sau Tánh Tĩnh một thời gian dài, chúng ta ít thấy đề cập đến các vị cao Tăng thời Hậu Lê và Tây Sơn phát huy thiền học Trúc Lâm. Mà thời kỳ này, tên tuổi một vị cư sĩ xiển dương tư tưởng Trúc Lâm là Ngô Thì Nhậm (1746-1803) được biết đến qua tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh trong giới Thiền học. “Ông đã cùng với bạn bè và đồng chí mở thiền viện ở nhà riêng của mình tại phường Bích Câu thành Thăng Long (Hà Nội ngày nay), cùng nhau bàn luận những điều của Phật giáo thiền tông và đặc biệt là của phái thiền Trúc Lâm Việt Nam”[24].
Tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh gồm 24 chương, là sự tổng hợp các nguồn tư tưởng Tam giáo khá độc đáo trên cơ sở xiển dương Thiền học Trúc Lâm. Người ta gọi Ngô Thì Nhậm là Hải Lượng Thiền sư, thậm chí còn tôn làm Trúc Lâm đệ tứ Tổ. Tuy nhiên, nhiều nhà Phật học đương thời và sau này, không thừa nhận vị trí Đệ tứ Tổ của Ông[25].
Đến đầu triều đại nhà Nguyễn (1802-1945), nối tiếp truyền thống Trúc Lâm, còn có Thiền sư Thành Đàm - Minh Chánh (1786-1848). Theo Nguyễn Đại Đồng, “Hòa thượng Thanh Đàm, hiệu Minh Chính, chùa Bích Động ở làng Đam Khê, phủ Yên Khánh, (nay thuộc huyện Hoa Lư) tỉnh Ninh Bình. Ngài là đệ tử của Hòa thượng Đạo Nguyên, lúc bấy giờ đang trụ trì Thiền viện Nguyệt Quang, một Tổ đình của môn phái Chân Nguyên, gốc từ Trúc Lâm Yên Tử”[26]. Như vậy, Thanh Đàm - Minh Chánh là người kế thế trụ trì ngôi Tổ đình quan trọng của Thiền phái Trúc Lâm. Đồng thời, Ngài còn dịch và chú giải Bát Nhã tâm kinh qua tác phẩm Bát Nhã trực giải, viết tác phẩm Pháp Hoa đề cương, ngày nay hai tác phẩm này vẫn còn.
Cuối thời Nguyễn, nước ta bị Pháp đô hộ, Phật giáo dần suy vi, Thiền phái Trúc Lâm không được thịnh hành như trước, nhưng vẫn có các bậc cao Tăng trụ trì các ngôi Tổ đình và góp công in khắc các tác phẩm của Thiền phái, tiêu biểu là Thiền gia Pháp chủ Thích Thanh Hanh (1840-1936)[27]. Ngài giáo hóa tại Ninh Bình và các tỉnh miền Bắc, đến năm 1900, “Ngài trở về Tổ đình Vĩnh Nghiêm và được sơn môn suy cử vào ngôi kế đăng. Từ đó Tăng chúng và tín đồ thường gọi Ngài là Tổ Vĩnh Nghiêm”[28]. Với đạo lực thậm thâm, sức học sâu rộng, Ngài luôn tâm niệm đào tạo Tăng tài, phổ biến chánh pháp, kiến tạo chùa Vĩnh Nghiêm làm nơi tu học cho nhiều tầng lớp Tăng Ni, san khắc Yên Tử nhật trình (gồm các sách như: Thiền tông bản hạnh, Đắc thú lâm tuyền thành dạo ca, Thiền tịch phú, Cư trần lạc đạo phú, Thiếu thất phú, Giáo tử phú). Ngài được suy tôn làm Thiền gia Pháp chủ của Hội Phật giáo Bắc Kỳ.
Tới giữa thế kỷ XX, Thiền phái Trúc Lâm mất dần dấu tích. Thiền sư Thích Thanh Từ nhận ra điểm thiếu sót ấy, nên hết lòng chủ trương khôi phục Thiền phái Trúc Lâm. Trong bối cảnh đất nước chiến tranh, Phật giáo gặp nhiều khó khăn, nhưng Ngài vẫn ra sức phục hưng thiền học nói chung, xiển dương Thiền phái Trúc Lâm nói riêng, làm sống dậy tinh thần chư Tổ Trúc Lâm thời Trần.
Trên tinh thần kế thừa, phát huy đặc trưng Thiền học đời Trần, kết hợp việc học tập giáo điển với chuyên tu Thiền định, đồng thời phát huy truyền thống văn hóa Việt Nam trong thời đại mới, Thiền sư Thích Thanh Từ đã khai lập, trùng tu Thiền viện Chơn Không, Thường Chiếu, Viên Chiếu, Trúc Lâm, Yên Tử, Tây Thiên, Bạch Mã, Trí Đức, Chánh Giác, Phương Nam,... và hơn 100 ngôi Thiền viện, Thiền tự ở trong và ngoài nước. Hơn 200 đạo tràng tu học thuộc Thiền phái Trúc Lâm hiện hữu khắp nơi, giúp Tăng Ni, Phật tử năm châu tu học đạt được niềm an lạc, hướng dần đến giác ngộ, giải thoát. Thiền phái Trúc Lâm ngày nay đã có những bước phát triển đáng kể trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam của tổ quốc và mở rộng ra các nước Âu - Mỹ.
***
Thiền phái Trúc Lâm là dòng Thiền mang đậm bản sắc văn hoá nước Việt, do Tam Tổ Trúc Lâm sáng lập từ thời nhà Trần. Những tư tưởng lớn của Thiền phái như: cư trần lạc đạo, phản quan tự kỷ, Phật tại tâm, phát huy văn hóa Việt, hộ quốc an dân, được áp dụng rộng rãi trong giới xuất gia lẫn tại gia. Với tinh thần tùy duyên, nhập thế, chư vị Thiền sư, Tăng Ni, Phật tử thuộc Thiền phái Trúc Lâm đã có nhiều đóng góp lớn lao cho sự phát triển của Phật giáo và xã hội nước ta thời Trần, mà tiêu biểu là hào khí Đông A với ba lần các vị vua quan, tướng lĩnh nhà Trần lãnh đạo quân dân Đại Việt chiến thắng giặc Nguyên Mông xâm lược.
Tuy nhiên, sau thời kỳ quang huy của Tam Tổ Trúc Lâm, cùng với sự suy thoái của hệ thống chính trị nhà Trần giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIV, Thiền phái Trúc Lâm dần trở nên mai một, thiếu các bậc Thiền sư xuất cách để truyền thừa. Đến đầu thế kỷ XV, nước ta lại bị nhà Minh đô hộ, tàn phá nhiều di sản văn hóa, chùa tháp, kinh sách, tượng Phật, nên Phật giáo nói chung, Thiền phái Trúc Lâm nói riêng, đã có dấu hiệu suy thoái trước đó, lại càng trở nên điêu tàn hơn. Tình trạng này cũng không thật sự được cải thiện nhiều, ngay cả khi nước ta giành lại được độc lập chủ quyền dưới thời Lê Sơ trọng Nho, xem nhẹ Phật giáo.
Giữa thời Hậu Lê, vào thế kỷ XVII - XVIII có hai vị Thiền sư vốn xuất thân từ dòng thiền Lâm Tế, đã hết lòng phục hưng Thiền phái Trúc Lâm, đó là Minh Châu - Hương Hải và Chân Nguyên - Tuệ Đăng. Dẫu vậy, dòng truyền thừa của hai vị này cũng chỉ được sử sách ghi chép lại một vài thế hệ. Đến triều Nguyễn, nhất là giai đoạn từ nửa cuối thế kỷ XIX, Thiền phái Trúc Lâm lại phải gánh chịu số phận chung trong hoàn cảnh đất nước bị Pháp đô hộ. Phật giáo không có điều kiện phát triển, đa phần Tăng Ni ở chùa chỉ duy trì, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, cúng bái, rất ít vị trở thành mô phạm cho đời, không phát huy được nề nếp thiền môn và sứ mệnh hoằng pháp, lợi sinh.
Nhìn lại tiến trình phát triển của Thiền tông Việt Nam và Thiền phái Trúc Lâm, chúng ta thấy, đến thời kỳ chấn hưng Phật giáo nửa đầu thế kỷ XX, hầu như đã bị mai một đi rất nhiều. Cho nên, nhu cầu bức bách của Phật giáo đồ thời bấy giờ là chung tay xây lại ngôi nhà chính pháp, trong đó có việc phục hưng Thiền học. Cùng với sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh, xiển dương Thiền học Nguyên thuỷ của chư Tôn đức ở Nam Bộ trong thập niên 1960, Thiền sư Thích Thanh Từ với lòng hâm mộ tu thiền, đã phát nguyện phục hưng Thiền tông Việt Nam. Cho nên, ở các thập niên tiếp theo, Ngài không ngừng mở các khóa tu thiền, truyền bá thiền học, làm sống dậy tinh thần Phật giáo Lý - Trần, phục hưng Thiền phái Trúc Lâm, đem lại nguồn an lạc và ánh sáng giác ngộ cho hàng triệu Tăng Ni, Phật tử khắp năm châu.
Tác giả: Thích Tuệ Nhật (Lê Minh Tuấn) Nghiên cứu sinh Khoá I, Học viện PGVN tại Tp.HCM
*** TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Thích Đồng Bổn chủ biên (1995), Tiểu sử danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX, tập I. Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành, Tp. Hồ Chí Minh. 2. Thích Phước Đạt (2013), Giá trị văn học trong tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm. NXB Hồng Đức, Hà Nội. 3. Như Hùng (1987), “Thiền sư Chân Nguyên - Con người của thế kỷ thứ 17”, Thiền sư và tư tưởng giác ngộ. Cơ sở Chân Nguyên xuất bản. Xem: http://thuvienhoasen.org/p33a17060/8-thien-su-chan-nguyen-con-nguoi-cua-the-ky-thu-17 4. Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1-2-3. NXB Văn học, Hà Nội. 5. Ngô Sĩ Liên và các Sử thần triều Lê, Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, Hoàng Văn Lâu dịch (2004). NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội. 6. Thích Phước Sơn dịch và chú (1995), Tam Tổ thực lục. Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, Tp. Hồ Chí Minh. 7. Bồ Đề Tân Thanh - Nguyễn Đại Đồng (2012), Phật giáo Việt Nam (từ khởi nguyên đến 1981). NXB Văn học, Hà Nội. 8. Lê Mạnh Thát (2002), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 3. NXB Thành Phố Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh. 9. Thích Thanh Từ (2004), Thiền sư Việt Nam. NXB Tôn giáo, Hà Nội. 10. Viện Văn học (1989), Thơ văn Lý - Trần, tập 2. NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội. CHÚ THÍCH:
[1] Thích Phước Đạt (2013), Giá trị văn học trong tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm. NXB Hồng Đức, Hà Nội, trang 92-93.
[2] Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1-2-3. NXB Văn học, Hà Nội, trang 205.
[3] Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1-2-3. Sđd, trang 206.
[4] Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1-2-3. Sđd, trang 214.
[5] Lê Mạnh Thát (2002), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 3. NXB Thành Phố Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, trang 810.
[6] Viện Văn học (1989), Thơ văn Lý - Trần, tập 2. NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, trang 546.
[7] Viện Văn học (1989), Thơ văn Lý - Trần, tập 2. Sđd, trang 547.
[8] Thích Phước Đạt, Giá trị văn học trong tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm. Sđd, trang 60-61.
[9] Ngô Sĩ Liên và các Sử thần triều Lê, Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, Hoàng Văn Lâu dịch (2004). NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, trang 47.
[10] Thích Phước Sơn dịch và chú (1995), Tam Tổ thực lục. Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, Tp. Hồ Chí Minh, trang 40.
[11] Thích Phước Sơn dịch và chú, Tam Tổ thực lục. Sđd, trang 47.
[12] Thích Phước Sơn dịch và chú (1995), Tam Tổ thực lục. Sđd, trang 54.
[13] Thích Phước Sơn dịch và chú (1995), Tam Tổ thực lục. Sđd, trang 81.
[14] Mạc Đĩnh Chi (1272-1346) khuyên vua Trần Minh Tông (1300-1357) cho cung nhân Điểm Bích đến chùa Vân Yên để thử đạo lực Huyền Quang xem đã thực sự thoát tục hay không? Huyền Quang thực sự là người tu hành, nên mặc dầu bị Điểm Bích bịa chuyện kể cho Anh Tông nghe, nhưng bằng đạo lực của mình, Ngài đã chứng minh sự thanh khiết của bậc tu hành. Xem: Thích Phước Sơn dịch và chú (1995), Tam Tổ thực lục. Sđd, trang 83-89.
[15] Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1-2-3. Sđd, trang 343.
[16] Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1-2-3. Sđd, trang 352.
[17] Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1-2-3. Sđd, trang 373-374.
[18] Lý Kim Hoa, “Sự phục hưng của Phật giáo Trúc Lâm ở Đàng Ngoài” trong Nguyễn Tài Thư chủ biên (1988), Lịch sử Phật giáo Việt Nam. NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, trang 312.
[19] Như Hùng (1987), “Thiền sư Chân Nguyên - Con người của thế kỷ thứ 17”, Thiền sư và tư tưởng giác ngộ. Cơ sở Chân Nguyên xuất bản. Xem: http://thuvienhoasen.org/p33a17060/8-thien-su-chan-nguyen-con-nguoi-cua-the-ky-thu-17
[20] Thích Thanh Từ (2004), Thiền sư Việt Nam. NXB Tôn giáo, Hà Nội, trang 465.
[21] Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1-2-3. Sđd, trang 549.
[22] Thích Thanh Từ (2004), Thiền sư Việt Nam. Sđd, trang 474.
[23] Thích Thanh Từ (2004), Thiền sư Việt Nam. Sđd, trang 478.
[24] Hà Thúc Minh, “Xu hướng kết hợp Nho và Phật: Ngô Thì Nhậm với Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh” trong Nguyễn Tài Thư chủ biên (1988), Lịch sử Phật giáo Việt Nam. Sđd, trang 334.
[25] Hà Thúc Minh cho rằng, nếu nói Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh “là một tác phẩm tự xưng mang tính chất Phật giáo, tự xưng nối tiếp tông phái Trúc Lâm Yên Tử thì thực chưa đạt được. Ngô Thì Nhậm tự nhận và môn đệ của Ông tôn xưng Ông là ‘Trúc Lâm đệ tứ Tổ’, nhưng tư tưởng và hành trạng của Ông không hề giống Trúc Lâm Tam Tổ”. Xem: Nguyễn Tài Thư chủ biên (1988), Lịch sử Phật giáo Việt Nam. Sđd, trang 338.
[26] Bồ Đề Tân Thanh - Nguyễn Đại Đồng (2012), Phật giáo Việt Nam (từ khởi nguyên đến 1981). NXB Văn học, Hà Nội, trang 202.
[27] Thiền sư Thích Thanh Hanh còn được gọi là Tổ Vĩnh Nghiêm. Xem cuộc đời và sự nghiệp của Ngài trong tác phẩm: Thích Đồng Bổn chủ biên (1995), Tiểu sử danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX, tập I. Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành, Tp. Hồ Chí Minh, trang 97-104.
[28] Thích Đồng Bổn chủ biên (1995), Tiểu sử danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX, tập I. Sđd, trang 100-101.
Bình luận (0)