Tác giả: TT.TS.Thích Lệ Quang

Trưởng ban Ban Giáo dục Phật giáo Q.Tân Bình, Tp.HCM

Tóm tắt: Thiền sư Thảo Đường là một trong những Thiền sư hết sức đặc biệt, ông đến nước Đại Việt trong thân phận là một người “tù binh” bị vua Lý Thánh Tông bắt giữ trong cuộc chiến đánh Chiêm Thành. Tuy nhiên, với đạo hạnh và tài năng của mình, Thiền sư Thảo Đường đã khiến cho vua Lý Thánh Tông cảm phục và phong làm Quốc sư. Ông được sự ủng hộ của vua Lý Thánh Tông về mọi mặt, đã thành lập nên Thiền phái Thảo Đường và truyền thừa qua sáu thế hệ với khuynh hướng thiên trọng trí thức và văn chương, đáp ứng nhu cầu tinh thần của phần lớn giới trí thức, quý tộc, vua chúa, quan quyền; đồng thời nó còn mang tư tưởng của một ý thức hệ dân tộc Đại Việt, thể hiện tính độc lập, tự chủ của thời đại nhà Lý lúc bấy giờ. Bài viết tập trung trình bày: Đôi nét về Thiền sư Thảo Đường; Thiền phái Thảo Đường với tư tưởng xây dựng ý thức hệ dân tộc.

Từ khóa: Thiền sư Thảo Đường, Lý Thánh Tông, tư tưởng Thiền phái Thảo Đường, ý thức hệ dân tộc.

Trong tiến trình lịch sử dân tộc, vương triều nhà Lý được xem là một trong những triều đại phong kiến phát triển huy hoàng, rực rỡ nhất trong các triều đại phong kiến ở nước ta; nó không những phát triển vững mạnh về mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị, văn hoá nước nhà; mà còn mở ra một chương mới của nền độc lập, tự chủ, toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Đại Việt trong suốt chiều dài lịch sử 200 năm tồn tại và phát triển (1009 – 1225).

Trong đó, có những sự kiện nổi bật mang tính lịch sử, khẳng định giá trị văn hoá lâu đời của một dân tộc, phản ánh tính chất con người Việt Nam anh hùng, bất khuất, dũng cảm, vượt lên mọi hoàn cảnh khó khăn của cuộc sống, đấu tranh gìn giữ nền độc lập dân tộc; một trong những sự kiện quan trọng đó là dời kinh đô từ thành Hoa Lư sang kinh đô Đại La - kinh phủ (tức thành Thăng Long – Hà Nội) của vua Lý Thái Tổ.

Nó khẳng định giá trị thiêng liêng, sự hùng mạnh, thịnh vượng, độc lập, chủ quyền của một dân tộc so với một dân tộc khác. Lời chiếu viết: “…ở giữa khu vực trời đất, có thế rồng cuồn hổ ngồi, ở giữa Nam-Bắc-Đông-Tây, tiện hình thế núi sông sau trước, đất rộng mà bằng phẳng, chỗ cao mà sáng sủa, dân cư không khổ về ngập lụt, muôn vật rất thịnh mà phồn vinh, xem khắp nước Việt, chỗ ấy là nơi hơn cả. Thực là chỗ hội họp của bốn phương, là nơi thượng đô của kinh sư muôn đời…”[1].

Với tư cách là trung tâm quyền lực, di vật đa dạng, phong phú, sinh động, thành Thăng Long ngày nay đã trở thành là di sản giá trị văn hoá trong suốt chiều dài 13 thế kỷ và được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và văn hoá Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hoá của thế giới vào ngày 1/8/2010. Tuy nhiên, không dừng lại ở sự phát triển đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, xã hội thời Lý còn xây dựng nên một nền ý thức hệ dân tộc, với việc thành lập nhiều Thiền phái như Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Thiền phái Vô Ngôn Thông, sản sinh ra những Thiền sư Việt Nam đức hạnh, tài năng, một lòng phục vụ quần chúng nhân dân và nêu cao tinh thần đoàn kết dân tộc, sẵn sàng góp phần công sức bảo vệ xã tắc.

Có thể nói, thời Lý là thời đại phát triển của Phật giáo với sự xuất hiện của nhiều Thiền sư, Thiền phái…Đặc biệt, thời đại nhà Lý còn thành lập nên một dòng Thiền phái mới do Thiền sư Thảo Đường sáng lập. Thiền sư Thảo Đường thuộc dòng Thiền phái Vân môn -Tuyết Đậu, là một trong những Thiền sư hết sức đặc biệt, ông đến nước Đại Việt trong thân phận là một người “tù binh” bị vua Lý Thánh Tông bắt giữ trong cuộc chiến đánh Chiêm Thành.

Tuy nhiên, với đạo hạnh và tài năng của mình, Thiền sư Thảo Đường đã khiến cho vua Lý Thánh Tông thán phục và phong làm Quốc sư. Dưới sự cố vấn và ủng hộ về mọi mặt của vua Lý Thánh Tông, ông đã thành lập nên Thiền phái Thảo Đường với một sắc thái mới lạ; đồng thời tư tưởng của Thiền phái mang yếu tố của một ý thức hệ dân tộc Đại Việt lúc bấy giờ, thể hiện tính độc lập, tự chủ của thời đại nhà Lý.

Đôi nét về Thiền sư Thảo Đường (997-1047)

Trong lịch sử phát triển thiền học Trung Quốc, Thiền phái Vân Môn là một trong Ngũ gia thất tông – Thiền tông Trung Quốc, có uy tín, sức ảnh hưởng to lớn đối với thiền học nói riêng, Phật giáo Trung Quốc lúc bấy giờ nói chung. Thiền phái Vân Môn do Thiền sư Vân Môn – Văn Yển (864 -949) là Tổ sáng lập. Sau khi, Thiền sư Vân Môn - Văn Yển đạt được yếu chỉ nơi Thiền sư Mục Châu - Đạo Túng; đồng thời  triệt ngộ “bản lai diện mục” từ sự khai thị của Thiền sư Tuyết Phong - Nghĩa Tồn và nối pháp Tuyết Phong. Ông đến Vân Môn Sơn Quang Thái Thiền viện ở Thiều Châu, tỉnh Quảng Đông để thực hiện sứ mệnh hoằng hoá độ sinh. Trong thời gian này, Thiền sư Vân Môn tiếp tăng độ chúng, thu nhận đệ tử rất đông và thành lập nên phái thiền riêng biệt gọi là Vân Môn tông, truyền bá khắp nơi, phát triển hưng thịnh vào thời Bắc Tống (960 –1127) ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, Thiền phái Vân Môn không chỉ phát triển mạnh ở thời Tống, mà còn nối tiếp thành công truyền thống của Thiền phái hưng thịnh vào thời nhà Lý của Việt Nam; điển hình đó là Thiền sư Thảo Đường, hiện là Tuân Phát Hỉ Túc, đệ tử kế thừa của Thiền sư Tuyết Đậu – Trọng Hiển (980 -1052) thuộc trường phái thiền Vân Môn, ông đã truyền bá dòng thiền của phái Vân Môn từ Trung Hoa vào Việt Nam. Mặc dù vậy, Thiền sư Thảo Đường khi đến Việt Nam lại có một thân phận hết sức đặc biệt, so với các vị Thiền sư khác từ Ấn Độ, Trung Hoa khi đến Việt Nam thực hiện sứ mệnh truyền bá Chính pháp, đó là sự kiện ông bị bắt làm “tù binh” khi vua Lý Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành.

Theo An Nam chí lược, Thiền sư Thảo Đường: “Theo thầy sang ở Chiêm Thành. Lý Thánh Vương đánh Chiêm Thành bắt được, cho làm đầy tớ sư lục. Ngày nọ sư lục viết văn sớ để trên bàn, đi ra ngoài, Thảo Đường lén sửa chữa lại, sư lục lấy làm lạ, tâu vua nghe, vua phong Thảo Đường làm Quốc sư” [2].

Năm 1069, sau khi được phong làm Quốc sư, Thiền sư Thảo Đường trụ trì tại chùa Khai Quốc ở kinh thành Thăng Long. Quả thật, trong số các tù binh lại xuất hiện một con người hết sức đặc biệt, là thiền sư mà chẳng ai biết đó là một thiền sư tài năng, đức độ; rõ ràng là “thạch trung ẩn ngọc” (ngọc trong ẩn trong đá) mà ít ai để ý đến. Điều ngạc nhiên hơn là, ông tự ý sửa đổi văn sớ viết về ngữ lục thiền học của một vị tăng lục có chức sắc, có địa vị trong xã hội, trong khi Thiền sư Thảo Đường lúc bấy giờ là một người đầy tớ, một “tù binh” bị bắt, không biết có bảo đảm được tính mạng của mình hay không?

Vấn đề được đặt ra là, nếu ông không có tài năng, đức độ, học thức Phật học uyên thâm và bản lĩnh của một con người đã đạt sở ngộ thì liệu rằng, ông có dám tự mình thay đổi văn sớ của tăng lục hay không? Hơn nữa, ông đã chứng minh tài năng và đức độ, kiến giải về thiền học, giáo lý Phật học hết sức uyên bác, thuyết phục được vua Lý Thánh Tông, được vua thán phục nhận ông làm thầy và phong làm Quốc sư là một điều không phải bất kỳ vị sư, vị tăng nào có địa vị, được kính trọng đương thời cũng có thể làm được điều đó. Chúng ta biết rằng, triều đại nhà Lý là triều đại hưng thịnh của Phật giáo, từ vua chúa, quan thần cho đến dân chúng đều ủng hộ Phật giáo, nhà vua ủng hộ cho xây chùa chiền rất nhiều.

Đại Việt sử ký ghi rằng: “Mùa đông, tháng 10 dựng chùa Diên Hựu…có nhà sư Thiền Tuệ khuyên vua làm chùa dựng cột đá ở giữa ao làm toà sen của Phật Quan Âm ở trên cột, giống như đã trông thấy trong mộng, cho các nhà sư lượn chung quanh tụng kinh cầu cho vua sống lâu…”[3]; đồng thời lúc bấy giờ có rất nhiều sư tăng tài đức, tham gia chính sự trong triều đình, có rất nhiều tăng lữ tài năng là “ứng cử viên” sáng giá cho sự lựa chọn chức Quốc sư, làm thầy của nhà vua.

Tuy nhiên, để được chọn làm thầy của vua, được phong chức Quốc sư, được người dân cả nước tôn kính là một điều danh dự to lớn đối với một con người tu sĩ Phật giáo, thì tất yếu phải hội đủ các điều kiện cần và đủ, tiêu chuẩn về tài năng, đức độ, bản lĩnh, sở học, sở ngộ Phật pháp của một vị Thiền sư mới được sắc phong làm thầy của vua. Trong khi đó, Thiền sư Thảo Đường lúc bấy giờ không phải là một tăng sĩ người bản địa, không có danh phận, thân thế, nguồn gốc rõ ràng so với các vị tăng sĩ tài năng trong nước, nhưng được chọn làm thầy của vua Lý Thánh Tông, được triều thần kính trọng.

Điều đó, phản ánh về bản lĩnh, độ tin cậy, tư tưởng của ông về đường lối tu hành, về sở học Phật pháp, có chứng ngộ của vị Thiền sư; đồng thời thiền học của ông ắt hẳn có điểm hết sức đặc sắc so với các thiền phái khác trước đó, đặc biệt là tư tưởng mới lạ, sắc thái riêng biệt và tầm nhìn chiến lược về một ý thức hệ dân tộc, mà sau này dưới sự ủng hộ và cố vấn của vua Lý Thánh Tông đã thành lập nên Thiền phái mới lấy tên là Thiền phái Thảo Đường.

Điểm đặc biệt trong Thiền phái Thảo Đường, chúng ta nhận thấy có ba vị vua của cùng một triều đại là người kế thừa truyền thống phái thiền Thảo Đường, đó là: vua Lý Thánh Tông, Lý Anh Tông, Lý Cao Tông; đồng thời có nhiều vị quan chức như quan Tham chính Ngô Ích, quan Thái phó Đỗ Vũ, quan Quản giáp Nguyễn Thức… là đệ tử nối dòng pháp, hết lòng ủng hộ, tạo điều kiện cho sự phát triển vững mạnh trong giới trí thức, quý tộc, quan quyền và dân chúng. Đó cũng là một trong những thế mạnh giúp cho Thiền sư Thảo Đường hoàn thành nhiệm vụ của mình trong sứ mệnh hoằng pháp độ sinh và phát huy dòng thiền của phái Vân Môn vươn xa hơn khỏi vùng đất sản sinh ra nó; là điểm tựa vững chắc cho sự bén rễ vào lòng đất Việt mới lạ, bằng chính sức mạnh đạo đức, tài năng, bản lĩnh của ông trên lộ trình giáo hoá.

Trong suốt thời gian tu tập ở chùa Khai Quốc, Thiền sư Thảo Đường chuyên thuyết giảng về Tuyết Đậu Ngữ Lục, một khuynh hướng thiền học chuyên về văn học, thi ca nhằm hướng tới hoằng dương thiền học cho giới trí thức, dung hợp tư tưởng Nho gia và đưa họ đến gần với Phật giáo, trở thành Phật tử. Mặc dù vậy, khuynh hướng thiên trọng trí thức được đề cao hơn là tính quảng đại quần chúng trong tư tưởng của ông.

Theo tác phẩm Thiền Uyển Tập Anh, Thiền sư Thảo Đường không bịnh ngồi kiết già mà viên tịch, trụ thế 51 tuổi. Sau khi ông viên tịch, Thiền phái của ông truyền thừa được sáu thế hệ gồm có 19 người. Trong đó có nhiều vị nổi tiếng như Lý Thánh Tông, Thiền sư Không Lộ, Thiền sư Bát Nhã…Mặc dù, không còn tìm thấy các tác phẩm của ông còn lưu lại hiện nay, nhưng các nhà Phật học tin rằng Thiền sư Thảo Đường vẫn trung thành với đường lối, quan điểm thiền học của thầy mình, có khuynh hướng kết hợp giữa Phật giáo và Nho giáo, thiên trọng về giới trí thức, văn chương bác học, nhưng ít mang tính quần chúng nên không thể cắm rễ được trong lòng quần chúng, tín đồ Phật tử bình dân. Đó cũng là một trong những nguyên nhân hạn chế, bất cập, khiến Thiền phái Thảo Đường chỉ tồn tại ngắn ngủi qua sáu thế hệ kế thừa.

Tượng Thiền sư Thảo Đường. ảnh: st
Tượng Thiền sư Thảo Đường. ảnh: st

Thiền phái Thảo Đường với tư tưởng xây dựng ý thức hệ dân tộc

Theo dòng chảy lịch sử phát triển của Phật giáo nói chung, Thiền phái Thảo Đường nói riêng, tính tất yếu của một tôn giáo luôn luôn muốn phát triển, vươn xa khỏi vùng “đất mẹ” là nơi sản sinh ra tự thân nó, để hoà nhập với cộng đồng, quốc gia, dân tộc, nhằm thực hiện sứ mệnh hoằng pháp lợi sinh và phát huy sức mạnh của chính nó trong vai trò là một tôn giáo. Vì vậy, sự phát triển của Thiền phái Thảo Đường cũng như sự phát triển của các Thiền phái khác như Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Thiền phái Vô Ngôn Thông ở nước ta mang tính ngẫu nhiên, phù hợp với quy luật vận động và sự phát triển của xã hội lúc bấy giờ.

Tuy nhiên, xét về mặt lịch sử thời đại nhà Lý, Thiền phái Thảo Đường ngoài nhiệm vụ thực hiện sứ mệnh thiêng liêng hoằng pháp lợi sinh, phát triển thiền học vươn tầm cao mới, thì nó còn ẩn chứa nguồn gốc sâu xa của yếu tố chính trị - xã hội. Do đó, đường lối phát triển của Thiền phái Thảo Đường có thể phản ánh ở hai vấn đề về chính trị - xã hội và đời sống tinh thần của tín đồ Phật giáo lúc bấy giờ.

Vấn đề thứ nhất, Sau khi vua Lý Thái Tổ lên ngôi hoàng đế năm 1009, ông ra sức xây dựng thể chế, củng cố triều đình, phát triển đất nước từng bước vững mạnh về mọi mặt từ kinh tế, chính trị, văn hoá, quân sự…khẳng định một triều đại, một dân tộc có nền độc lập, tự chủ, toàn vẹn lãnh thổ, Nam – Bắc phân chia rõ ràng, không còn lệ thuộc vào phương Bắc. Đời sống kinh tế phát triển đáp ứng nhu cầu sinh sống của người dân trong xã hội Đại Việt lúc bấy giờ.

Tuy nhiên, sau hơn ngàn năm lệ thuộc về mặt chính trị và sự du nhập tôn giáo như Nho giáo, Đạo giáo, Ấn Độ giáo, Phật giáo vào Việt Nam…Nhà Lý, ngoài việc khẳng định nền độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, tự chủ về kinh tế, chính trị -xã hội, văn hoá…của đất nước; triều đại nhà Lý còn đòi hỏi cần phải xây dựng một hệ tư tưởng độc lập làm nền tảng tinh thần cho nhà nước Đại Việt. Trước nhà Lý đã tồn tại hai Thiền phái là Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Thiền phái Vô Ngôn Thông.

Thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi vào Việt Nam năm 580, mang tư tưởng Phật giáo Ần Độ và thiền học Trung Hoa; Thiền sư Vô Ngôn Thông vào Việt Nam năm 820, chịu ảnh hưởng của thiền học Trung Hoa sâu sắc. Đứng trước nhu cầu đòi hỏi của lịch sử xã hội và đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của người dân Đại Việt, cần có một Thiền phái mới thể hiện bản sắc của người dân Đại Việt là điều tất yếu mà vua Lý Thánh Tông (1023 – 1072) cần suy nghĩ và chọn lựa hết sức nghiêm túc.

Chính vì vậy, vua Lý Thánh Tông đã mời sư Thảo Đường trụ trì chùa Khai Quốc ở kinh thành Thăng Long, đồng thời nhận sư làm thầy và phong chức làm Quốc sư của mình. Đặc biệt là bật “đèn xanh”, đứng sau hậu thuẫn, ủng hộ, tài trợ mọi nguồn lực để Thiền sư Thảo Đường lập nên Thiền phái mới là Thiền phái Thảo Đường. Vấn đề đặt ra là vì sao, Thiền sư Thảo Đường được Lý Thánh Tông chọn làm Quốc sư? Và kế thừa tiếp theo của thế hệ thứ hai của Thiền phái Thảo Đường lại là vua Lý Thánh Tông? Mặt khác, trong một dòng Thiền phái có tuổi đời tồn tại ngắn ngủi, nhưng có đến ba vị hoàng đế là truyền nhân của phái Thảo Đường? Tất cả đều có nguyên nhân sâu xa của nó, mà Lý Thánh Tông là một trong những nhân vật quan trọng có tầm ảnh hưởng và quyết định mọi vấn đề của thời cuộc, nhằm xây dựng nên một hệ tư tưởng chủ đạo làm nền tảng cho đời sống tinh thần của nhà nước Đại Việt.

Vấn đề thứ hai, về mặt tư tưởng, Thiền sư Thảo Đường là một Thiền sư có tài năng, đức độ, có sở đắc; ông thuộc trường phái Vân Môn – một Thiền phái có tầm ảnh hưởng sâu sắc đối với thiền học Trung Hoa. Ông là đệ tử kế thừa của Thiền sư Tuyết Đậu – Trọng Hiển (980 – 1052), một Thiền sư nổi tiếng thời Tống với tài năng văn học và sáng tác 100 tắc công án thiền. Về sau, được Thiền sư Viên Ngộ và các cộng sự ghi chép thành tác phẩm có giá trị trong giới thiền học đặt tên sách là “Bích Nham lục”.

Theo tài liệu Nghiên cứu về Thiền Uyển Tập Anh của tác giả Lê Mạnh Thát, ghi rằng: “Thiền sư Thảo Đường, chùa Khai quốc, kinh thành Thăng Long, truyền tôn phái của Tuyết Đậu Minh Giác” [4]. Do đó, đường lối tu tập của Thiền sư Thảo Đường có phần ảnh hưởng từ nền tảng thiền học của thầy mình và các bậc trưởng bối tiền nhân trong tông môn, pháp phái. Mỗi Thiền phái khi hình thành đều có những sở trường hay thủ thuật riêng biệt để hướng dẫn người đệ tử đạt được sự khai ngộ về thiền.

Chẳng hạn như tông Lâm Tế của Thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền có khí chất mãnh liệt, chủ trương “hét” là phương pháp đánh thức người hành thiền triệt ngộ một cách rốt ráo; khác với lối thiền Lâm Tế hay “hét”, tông Tào Động của Thiền sư Động Sơn Lương Giới thì dung hoà hơn, hành trì nghiêm ngặt, dùng sự đối đáp thiền cơ qua lại giữa thầy và trò một cách liên tục, không gián đoạn để giúp trò khai ngộ.

Trong khi đó, tông Quy Ngưỡng của Thiền sư Quy Sơn Linh Hựu dùng phương pháp “Phương viên mặc khế” (lặng lẽ khế hợp tất cả), cách dạy người học phần nhiều dùng đối đáp để đưa đến chỗ triệt ngộ; đặc biệt là dùng phương pháp giáo hoá “đánh thức” người đệ tử tu thiền bằng những biểu tượng được vẽ trong 97 vòng tròn (viên tướng), một hệ thống giáo hoá được lục tổ Huệ Năng sử dụng truyền dạy cho các đệ tử. Tông Pháp Nhãn của Thiền sư Huyền Sa Sư Bị thì “rõ ràng trong sáng” dùng từ ngữ trong giáo môn để loại trừ mê tình trong tâm thức, phong cách giáo hoá thì theo xu hướng “Tiên lợi tế”, nghĩa là tùy thuận căn cơ của người học mà chân thành, khẩn thiết dìu dắt giúp họ được khai ngộ mau chóng.

Còn tông Vân Môn của Thiền sư Vân Môn Văn Yển thì dùng những câu nói khó hiểu để chặn đứng các dòng suy nghĩ, mê tâm. Theo nhận xét của Thiền sư Cao Phong Nguyên Diệu đời Nguyên cho rằng đặc điểm của tông này là “cao sang cổ kính”, phong cách tiếp dẫn người học của tông này sắc bén thẳng tắp, ngữ cú đơn giản và phương tiện giáo hóa dứt khoát.

Tuy nhiên, Thiền sư Vân Môn còn là một cao thủ trong lối sử dụng kỹ thuật một chữ gọi là “nhất quan tự” để chặt đứt tất cả vọng thức. Trong giai thoại nhà thiền, có lần vị tăng đến hỏi Vân Môn: Thế nào là gươn báu? Vân Môn đáp: “Tổ”; vị tăng hỏi tiếp: Trong ba thân Phật, thân nào là pháp? Vân Môn đáp: “Yếu”. Do vậy, phong cách khai ngộ của các Thiền sư hết sức đa dạng, phong phú, linh hoạt với mục tiêu hướng dẫn người học trò nắm bắt được cơ hội tốt nhất để tiến sâu vào tâm thức chính mình. Mỗi Thiền phái đều có thủ thuật, kinh nghiệm, sở trường riêng biệt, thể hiện bản lĩnh của người đứng đầu sáng lập ra Thiền phái.

Trên tinh thần đó, Thiền phái Thảo Đường đã chịu ảnh hưởng và tiếp cận từ nền tảng thiền học trí thức và thi ca của phái Tuyết Đậu, thường xuyên giảng về “Tuyết Đậu ngữ lục” cho đệ tử ở chùa Khai Quốc. Thiền sư Tuyết Đậu nổi tiếng với công trình “một trăm tắc công án”, dùng âm vận tụng ra chỗ sâu kín của thiền, làm tư lương cho những người tham học trong các tòng lâm, gọi là Tuyết Đậu Tụng Cổ.

Vua Lý Thánh Tông, người theo Thiền phái Thảo Đường. Ảnh: st
Vua Lý Thánh Tông - người theo Thiền phái Thảo Đường. Ảnh: st

Sau này, khoảng niên hiệu Chánh Hòa (1111-1114) đời Tống Huy Tông, Thiền sư Viên Ngộ ở viện Linh Tuyền, Giáp Sơn, Lễ Châu, đã cùng với các cộng sự trước tác thành tác phẩm Bích Nham lục dựa trên cơ sở của “một trăm tắc công án” mà bình chú, thể hiện chỗ uyên nguyên, chia chẻ thâm lý, phát huy huyền vi, chỉ thẳng cùng tột chỗ sâu kín của thiền. Điển hình như tắc công án về giai thoại của vua Lương Võ Đế hỏi Tổ Đạt-ma: “Thế nào là Thánh đế đệ nhất nghĩa?

Đạt-Ma đáp: Rỗng thênh không Thánh. Vua hỏi: Đối trẫm là ai? Đạt-Ma đáp: Chẳng biết. Vua không khế hội. Đạt-Ma bèn sang sông đến Ngụy. Sau vua đem việc này hỏi Hòa thượng Chí Công, Chí Công tâu: Bệ hạ lại biết người này chăng? Vua nói: Chẳng biết. Chí Công tâu: Đây là Quán Âm Đại sĩ truyền tâm ấn Phật. Vua hối hận sai sứ đi thỉnh trở lại. Chí Công tâu: Chẳng những bệ hạ sai sứ đi thỉnh chẳng được, dù người trong cả nước đi thỉnh y cũng chẳng trở lại.

Khuynh hướng Thiền phái Thảo Đường còn chủ trương dung hoà giữa Nho và Phật, phổ biến Phật giáo trong giới trí thức bác học. Bên cạnh đó, người có tầm quan trọng đặt nền móng và phát triển của Thiền phái Thảo Đường là vua Lý Thánh Tông; ông là người có thái độ thân dân, có lòng nhân từ, cỡi mở, chịu ảnh hưởng lý tưởng của Nho giáo “dân chi phụ mẫu” (làm cha mẹ dân).

Cho nên, ông đã xây dựng Phật giáo có tính chất tổng hợp, đó là sự kết hợp giữa Thiền, Tịnh, Nho, Lão. Khuynh hướng mang tính đặc trưng tri thức bác học, thể hiện nét đặc thù của thiền học Thảo Đường, mang đến cơ hội và đáp ứng được nhu cầu cần thiết tu tập cho nhiều thành phần trong xã hội lựa chọn, không nhất thiết phải theo một phương pháp nhất định. Nó phù hợp với thời kỳ này, khi phần lớn giới trí thức Nho sĩ, Đạo sĩ còn thịnh hành, cho nên chủ trương của vua Lý Thánh Tông muốn “quy nạp” các thành phần trong xã hội hướng về Phật giáo bằng cách sử dụng phương pháp kết hợp “đa phương tiện” trong tu tập.

Chẳng hạn như Thiền sư Không Lộ (? -1119) dùng pháp thuật (Mật giáo) chữa lành bịnh cho vua Lý Thần Tông; Thiền sư Giác Hải thi triển thuật “ứng chân thần túc” được Lý Nhân Tông ca ngợi. Các Thiền sư Không Lộ, Thiền sư Tịnh Lực (1112- 1175) …dạy đệ tử phương pháp niệm Phật để diệt trừ các ác nghiệp. Mặt khác, đó cũng là sự kết tinh, chắc lọc từ các nền tảng văn hoá Trung Hoa, văn hoá Ấn Độ, văn hoá Chiêm Thành và văn hoá Đại Việt, mà vua Lý Thánh Tông muốn thể hiện nó trong Thiền phái mang tính chất tổng hợp, nhằm đáp ứng nhu cầu cần thiết của đời sống xã hội và đời sống tinh thần của tín đồ Phật giáo lúc bấy giờ.

Tóm lại, Thiền sư Thảo Đường với thân phận đặc biệt là một “tù binh”, không những đã tạo nên một nguồn sinh lực mới, mà còn làm nên lịch sử của một Thiền phái mới mang tính lịch sử dân tộc Đại Việt. Nó khẳng định năng lực, trí tuệ, đức độ, bản lĩnh của ông trong quá trình hướng đến mục tiêu phát triển thiền học vươn tầm bay xa và đạt được những thành tựu như kỳ vọng, góp phần tạo nên giá trị, đặc điểm riêng biệt của Thiền phái Vân Môn nói chung, Thiền phái Thảo Đường ở Việt Nam nói riêng.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận được vai trò “kiến trúc sư” của vua Lý Thánh Tông về một tầm nhìn chiến lược, nhằm xây dựng một hệ tư tưởng và nền văn hoá độc lập là chỗ dựa tinh thần cho dân tộc Đại Việt, đáp ứng nhu cầu của lịch sử xã hội Đại Việt thế kỷ XI. Do đó, thống nhất về mặt chính trị xã hội, xây dựng đất nước Đại Việt độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, toàn vẹn lãnh thổ; thì đòi hỏi tất yếu phải thống nhất xây dựng được một hệ tư tưởng làm chỗ dựa cho đời sống tinh thần của dân tộc.

Cho nên với vai trò là người lãnh đạo tối cao, ông đã cùng với Thiền sư Thảo Đường xây dựng nên một dòng thiền mang hệ tư tưởng tổng hợp, kết hợp tính chất bác học với tính chất dân gian, góp phần quan trọng trong sự phát triển hài hoà của Phật giáo thời đại nhà Lý. Mặc dù vậy, Thiền phái Thảo Đường tồn tại ngắn ngủi, trải qua sáu thế hệ thì chấm dứt. Nó cũng đặt ra câu hỏi cho chúng ta về tính khả thi chiến lược lâu dài trong khuynh hướng phát triển của Thiền phái.

Phải chăng, tính chất thiên trọng trí thức, văn chương của nó, mà ít quan tâm đến yếu tố “dân vi quý”, cho nên đã không cấm rễ được trong lòng quần chúng, tín đồ Phật tử bình dân? Phải chăng đó là một trong những lý do khiến cho Thiền phái Thảo Đường mất dần ảnh hưởng về sau, bởi sự ra đời của các trường phái khác trong Phật giáo? Từ đó đặt ra cho chúng ta về sự phát triển của Phật giáo trong thời đại ngày nay, một bài học quý báu của sự phát triển hài hoà, cân bằng giữa thành phần trí thức và giới bình dân. Công tác hoằng pháp phải mang tính cộng đồng, quảng đại đối với tín đồ Phật tử bình dân; tránh xa sự phân biệt, thiên trọng, phục vụ cho giới “thượng lưu”, “quý tộc” thời hiện đại, mà bỏ quên thành phần bình dân, giới Phật tử bình dân. Điều đó, vô tình làm cho họ dễ bị tổn thương, sang chấn tâm lý, đi ngược lại với mục tiêu của Phật giáo.

Tác giả: TT.TS.Thích Lệ Quang

Trưởng ban Ban Giáo dục Phật giáo Q.Tân Bình, Tp.HCM

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lê Mạnh Thát, Nghiên cứu về Thiền Uyển Tập Anh, NXB. Tp. Hồ Chí Minh, 1999.

2. Lê Tắc, An Nam chí lược, NXB. Lao Động, 2009.

3. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, 3 tập, NXB. Văn học, Hà Nội, 2000.

4. PGS, TS. Doãn Chính (chủ biên), Lịch sử tư tưởng Triết học Việt Nam, NXB. Chính trị quốc gia, HN, 2013.

5. Thích Minh Cảnh (chủ biên), Từ điển Phật học Huệ Quang, NXB. Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2005.

6. Thích Thanh Từ (dịch), Bích Nham lục, https://thuvienhoasen.org. 

7. Viện Sử học, Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, NXB. Văn hoá thông tin, 2004.

8. Viện Văn học, Thơ văn Lý – Trần, tập 2, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1988.

Chú thích:

[1]. Việt Sử học (2004), Đại Việt sử ký toàn thư, NXB. Văn hoá thông tin, tr. 259.

[2]. Lê Tắc (2009), An Nam chí lược, NXB. Lao Động, tr. 258.

[3]. Viện Sử học (2004), Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, NXB. Văn hoá thông tin, tr. 312.

[4]. Lê Mạnh Thát (1999), Nghiên cứu về Thiền Uyển Tập Anh, NXB. TP. HCM, tr.305.