Dù là người xuất gia hay người thế tục thì hàng hậu học phải luôn biết thể hiện tinh thần tri ân, báo ân đến những bậc khả kính, những người đã thầm lặng chèo lái con thuyền đưa ta đến với bến bờ nhân đức và tài trí.
Những ngày cuối thu đang dần dần khép lại, những cơn mưa bất chợt cũng ít xuất hiện hơn, thay vào đó là những làn gió heo may giao mùa hòa quyện với mùi hoa sữa thoang thoảng phảng phất khắp sân chùa, báo hiệu tháng 11 đã đến. Tháng gần cuối năm với cái se lạnh đầu mùa, tiết trời ấy như khơi dậy ở lòng người chút nhớ, chút thương, khiến người ta xích lại gần nhau hơn bởi sợi dây gắn kết mang tên “tình thầy trò”.
Thật vậy, tháng 11- tháng của lòng biết ơn, tháng làm cầu nối đưa lời tri ân chân thành đến những người lái đò thầm lặng, những người Thầy khả kính, những bậc Ân sư chí trọng. Từ xưa, dân tộc ta đã có truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, nét đẹp ấy đã được bao thế hệ con người Việt Nam kế thừa và phát triển. Truyền thống ấy là giá trị đạo đức quý báu trong việc thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.
Dù trong bất cứ xã hội hay thời đại nào, dù là người xuất gia hay người thế tục thì hàng hậu học phải luôn biết thể hiện tinh thần tri ân, báo ân đến những bậc khả kính, những người đã thầm lặng chèo lái con thuyền đưa ta đến với bến bờ nhân đức và tài trí.
Trước hết là ân cha mẹ, họ không những là người đưa ta đến với cuộc đời này mà còn là người thầy đầu tiên truyền dạy cho ta những chuẩn mực đạo đức căn bản của đạo làm người. Họ là người rẽ làn sóng đầu cho con đò cuộc đời chúng ta di chuyển và cũng là người sẵn sàng chờ đón lúc chúng ta cần một bến đỗ sau mỗi lần té chân vấp ngã.
Thứ đến là ân Sư trưởng, trong Khuyến phát Bồ-đề tâm văn, Đại sư Thật Hiền có dạy: “Cha mẹ tuy sinh dưỡng thân ta nhưng nếu không có Sư trưởng thế gian thì ta không biết lễ nghĩa, không có Sư trưởng xuất thế thì ta không hiểu Phật pháp. Lễ nghĩa không biết thì khác gì cầm thú. Phật pháp không hiểu thì cũng như phàm tục”.
Thật vậy, cha mẹ tuy cho ta hình hài và rẽ làn sóng đầu tiên để ta đi vào đời, nhưng thầy cô giáo lại là người đã mở cánh cửa tri thức cho ta. Ngay từ ngày đầu tiên đặt chân lên ghế nhà trường chúng ta đã được thầy cô dạy về: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Trước hết phải học các lễ nghĩa, rèn luyện đạo đức, tu dưỡng nhân cách, sau đó mới học đến những kiến thức văn hóa, nâng cao vốn hiểu biết để trở thành người tử tế, sống có ích cho xã hội. Thầy cô không chỉ dừng lại ở việc truyền đạt kiến thức từ sách vở mà còn tiếp tục ở việc truyền cảm hứng, đam mê và lòng yêu nghề. Thầy cô không chỉ là người giảng dạy mà còn là người thầy, người bạn, người đồng hành trên con đường trưởng thành của chúng ta.
Đó là công ơn của Sư trưởng thế gian, còn Sư trưởng xuất thế là ai? Chính là Thầy tổ ta, là người đã đưa ta đến với ngôi nhà chính pháp, đã dạy ta từng điều nhỏ nhặt, từ cách đi đứng nằm ngồi, cho đến cách ăn uống ngủ nghỉ. Người đã thay thế cha mẹ nuôi dưỡng, chăm lo, trau dồi giới pháp cho ta. Một lần nữa ta lại được sinh ra, nhưng không phải bằng hình hài từ bào thai chín tháng mười ngày, mà bằng pháp thân huệ mạng từ Sư trưởng truyền trao.
Vậy nên, “Ân giáo dưỡng một đời nên huệ mạng, nghĩa ân sư muốn kiếp khó đáp đền”. Xét ở phạm vi rộng hơn, Sư trưởng còn là những bậc Tôn túc, Giáo thọ sư, những người mang trong mình tràn đầy lòng nhiệt huyết đã truyền trao kiến thức về Phật pháp, về oai nghi đức hạnh bằng chính thân giáo và khẩu giáo của quý Ngài. Hầu mong chúng ta phát triển tài đức, trở thành rường cột cho đạo pháp.
Có thể nói, sự lớn lên cho đến trưởng thành của chúng ta không bao giờ rời xa sự dõi theo cùng nỗi niềm hy vọng từ cha mẹ, thầy cô, và các bậc Tôn trưởng. Dù chúng ta có đi đâu, bay bổng ở phương trời nào thì quý Ngài vẫn luôn quan tâm đến ta, mong muốn ta trở thành những người có ích cho đạo có lợi cho đời. Trước những ân đức to lớn như vậy, chúng ta nên làm gì để có thể báo đáp đây?
“Tri ân, báo ân” đấy là truyền thống tốt đẹp mà hàng hậu học chúng ta cần nên duy trì và tiếp nối. Chính đức Phật, khi Ngài giác ngộ trở thành bậc thầy của tam giới nhưng Ngài vẫn nghĩ đến những người thầy đã dẫn dắt Ngài lúc mới xuất gia tìm đạo. Và trong kinh Thiện Sanh, đức Phật cũng đã dạy về năm bổn phận mà người học trò cần phải làm: “Một là hầu thầy, hai là cung kính thầy, ba là cầu học không chán, bốn là kính thuận những điều thầy dạy, năm là nhớ làm những điều đã học.”
Vậy chúng ta, là người học Phật không thể không nhớ đến những ân đức của Thầy tổ, mẹ cha. Cho nên, ngoài thực hiện năm bổn phận mà đức Phật đã dạy, chúng ta cần nên nỗ lực tinh tấn tu tập trở thành những bậc mô phạm để không phụ lại ân đức đã thọ nhận. Ghi nhớ và làm tròn bổn phận của mình hầu mong báo đáp những công ơn cao cả đó.
"Công cha nghĩa mẹ ơn thầy
Lời xưa đã dạy giờ đây vẫn còn
Ghi lòng tạc dạ sắc son
Khắc ghi chữ hiếu làm tròn chữ ân."
Thế là tháng 10 đã khép lại, xin chào tháng 11 với những cơn mưa phùn phất phơ trong gió lạnh, xin hãy gửi giùm ta chút nhớ thương, chút kính ơn đong đầy nơi sâu thẳm đến những bậc Ân sư mà ta đã gặp trong cuộc đời.
Con xin tỏ lòng tri ân sâu sắc tận trái tim đầy lòng thành kính đến quý Ngài, nguyện cầu quý Ngài pháp thể khinh an, tuệ đăng thường chiếu, mãi mãi là nguồn năng lượng vô biên cho hàng hậu học chúng con nương tựa.
Không phải chỉ có ngày 20/11 con mới nhớ đến công lao của quý Ngài. Đối với con, ngày nào cũng là ngày 20/11. Con nguyện luôn sống với lòng biết ơn trong từng khoảnh khắc để tự nhắc nhở chính mình không ngừng nỗ lực phát triển hoàn thiện bản thân về cả giới đức và tài trí. Chỉ có như vậy con mới xứng đáng là đệ tử của đức Thế Tôn - bậc Thầy khắp trời người, Cha lành chung bốn loài. Chỉ có như vậy con mới xứng đáng là con của Cha mẹ, xứng đáng là học trò của Sư phụ và các bậc Tôn trưởng.
Nếu như ngày nay kỹ thuật in ấn thường dùng bản kẽm, thì thời xưa sử dụng ván in chế tác từ gỗ thị. Loại gỗ này có đặc điểm không cong vênh, có độ mềm dẻo dai để khắc chữ nhỏ không bị vỡ, không thấm nước nên khi in ra nét chữ căng đều, không bị nhòe…
Việc tìm thấy những di vật, dấu tích của dòng họ Tô Đình tại ngôi chùa cổ La Vân đã góp phần làm sáng tỏ một số khía cạnh về vai trò đóng góp, ảnh hưởng của dòng họ Tô Đình trong đời sống làng Trinh Hưởng xưa.
Hình ảnh rồng trong thời Lý không chỉ phong phú về hình dáng và truyền thuyết, mà còn thể hiện sự kết nối chặt chẽ với những giá trị tâm linh và văn hóa.
Huế đã xây dựng một số lượng đền, chùa đáng kể. Điều này lý giải vì sao người Huế từ khi sinh ra đã gắn bó sắc sâu với câu kinh tiếng kệ, tiếng chuông chùa và hình ảnh áo nâu sòng, coi các ngôi chùa như “một thực thể” gắn liền với đời sống tinh thần từng người dân miền đất cố đô...
Bình luận (0)