Trang chủ Chuyên đề Tạp chí “Viên Âm” và “Đuốc Tuệ” trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam

Tạp chí “Viên Âm” và “Đuốc Tuệ” trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tác giả: Thích Thiện Mãn
Thạc sĩ Phật học, Học viện PGVN tại Tp.HCM

Vào đầu thế kỷ XX, trước hiện trạng Tăng già thất học và tín đồ Phật giáo mê tín, Hội Phật học ở ba miền lần lượt được thành lập. Hội An Nam Phật học và Hội Phật giáo Bắc kỳ đã tiếp thu và phát triển công tác hoằng pháp bằng báo chí từ Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học với nhiều chuyển biến tích cực. Kể từ khi xuất bản, tạp chí Viên Âm và Đuốc Tuệ nhận được rất nhiều bài viết từ các cây bút tu sĩ và cư sĩ, cựu học và tân học với nhiều thể loại khác nhau, góp phần rất lớn đối với phong trào chấn hưng Phật giáo tại Việt Nam lúc bấy giờ.
Từ khoá: Viên Âm, Đuốc Tuệ, tạp chí Phật giáo, chấn hưng, hội Phật giáo

1. SỰ RA ĐỜI CỦA TẠP CHÍ VIÊN ÂM VÀ ĐUỐC TUỆ VÀO NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX

Đầu thế kỷ XX, tờ báo Phật giáo tên là Pháp Âm viết bằng chữ Hán và chữ quốc ngữ do Hòa thượng Khánh Hòa xuất bản vào ngày 13/08/1929, tạo bước ngoặc mới cho con đường chấn hưng Phật giáo Việt Nam bằng báo chí được phát triển.

Trong bài “Tự trần” đăng trên tạp chí Pháp Âm, Hòa thượng đã nhấn mạnh rằng: “Phật giáo suy đồi là bởi Tăng đồ thất học. Nay chỉ còn đôi ông bạn học rộng hiểu xa, nhưng lải rải ở nơi lục châu, chưa biết có ai đồng chí nhiệt thành mà đề xướng thật hành cái phương pháp ấy” [1, tr.18].

Trước tình hình xin phép lập hội Phật học gặp khó khăn, hai tạp chí Pháp Âm và Phật Hóa Tân Thanh Niên chỉ xuất bản duy nhất một số, Hòa thượng Khánh Hòa đã liên hệ ông Trần Nguyên Chấn lần lượt thành lập Ban bảo tồn Phật giáo Nam kỳ, Thư viện Pháp bảo phường và xuất bản tạp chí Từ Bi Âm bằng chữ quốc ngữ. Tạp chí này được Thống đốc Nam kỳ cho phép xuất bản vào ngày 30/4/1931, do ngài Khánh Hòa làm chủ nhiệm. Trụ sở tòa soạn Từ Bi Âm đặt tại chùa Linh Sơn, số 149, đường Douaumont, Sài Gòn (nay là đường Cô Giang, quận 1, TP. HCM). Số đầu tiên được xuất bản vào ngày 01/03/1932 [2, tr.785]. Tạp chí ra mắt độc giả mỗi tháng hai kỳ vào ngày mùng 01 và 15, khổ báo là 16 cm x 24 cm, với khoảng 50 trang. Đầu năm 1938 (số 145) đến tháng 6-7/1945 (số 234-235), tạp chí xuất bản mỗi tháng một kỳ, bài viết ngày càng ít, khổ báo thất thường. Trong suốt 14 năm xuất bản (1932-1945), các vị chủ nhiệm của Từ Bi Âm như Hòa thượng Khánh Hòa (từ số 01 đến 44), Hòa thượng Chánh Tâm (từ số 45 đến 133), Trần Nguyên Chấn (từ số 134 đến 235).

nguyet san vien am

Năm 1932, Hội An Nam Phật học tại miền Trung được Khâm sứ Pháp và triều đình Huế cấp phép thành lập, đặt hội quán tại chùa Trúc Lâm (Huế). Hội đã trình đơn xin xuất bản tạp chí Viên Âm, và được cấp giấy phép vào ngày 30/6/1933. Sáu tháng sau, Viên Âm chính thức ra mắt độc giả số đầu tiên với 63 trang. Trụ sở tòa soạn đặt tại số 13, đường Rue Champeau, Huế. Nội dung đăng tải trên Viên Âm tập trung “giảng giải đủ các lý thuyết đạo Phật ra chữ quốc ngữ và có khi phụ thêm một số bài Pháp văn” [3]. Giai đoạn đầu, số lượng bài viết rất nhiều nhờ sự vận động và tham gia của cư sĩ Tâm Minh. Đến giai đoạn 1943-1945, bài viết ít dần đi do tình hình đất nước chiến tranh, kinh tế khó khăn, đặc biệt là giá cả và chất lượng giấy in nên phải chuyển in tại nhà in Đuốc Tuệ (Hà Nội) cho đến số 78 thì tạm thời ngưng.

Tạp chí Viên Âm thay đổi các vị cư sĩ trí thức tân học đảm nhận chủ nhiệm trong từng giai đoạn như Lê Đình Thám (12/1933-6/1937 và 1944-1945), Nguyễn Khoa Tân (7/1937-5/1939), Nguyễn Đình Hòe (6/1940-01/1941), Ưng Bàng (5/1941 – 1943), Chơn An Lê Văn Định (1949-1953). trải qua hai giai đoạn: từ năm 1933-1945 với sự quản lý của Hội An Nam Phật học xuất bản 78 số (từ số 1 đến 78); từ 1949-1953 được Hội Việt Nam Phật học (do Hội An Nam Phật học đổi tên thành) quản lý tục bản 51 số (từ số 79 đến 129). Các số và kỳ xuất bản không cố định: có khi mỗi tháng ra một số (từ số 1 đến 11, từ số 26 đến 31, từ số 37 đến 46, từ số 48 đến 54, từ số 57 đến 59, từ số 79 đến 123, từ số 128 đến 129); đôi lúc một tháng ra hai số liên tiếp (số 60-61, 124-125, 126-127), hoặc hai tháng ra một số (từ số 12 đến 25, từ số 32 đến 35, và số 47), thậm chí hai tháng ra một bản với hai số (55-56). Tạp chí Viên Âm không phát hành từ tháng 6/1939 đến 5/1940 và từ tháng 02 đến 4/1941.

Ngày 06/11/1934, dựa trên bản quyết định số 4283 do Thống sứ Bắc kỳ duyệt ký, Hội Phật giáo Bắc kỳ chính thức thành lập. Lúc bấy giờ, tổ chức đối lập là Phật giáo cổ sơn môn Bắc kỳ được sự bảo hộ của Toàn quyền Đông Dương Pháp trong việc ký Nghị định số 649, ngày 31/01/1935 cho phép xuất bản tạp chí Tiếng chuông sớm. Tạp chí này tồn tại được một năm (15/6/1935 – 21/5/1936), xuất bản được 24 số. Ngược lại, Hội Phật giáo Bắc kỳ bước đầu phát hành Tập kỷ yếu Hội Phật giáo, số đầu tiên xuất bản vào tháng 05 năm 1935. Tập kỷ yếu này tồn tại trong vòng ba tháng (5/1935 – 8/1935) ra mắt độc giả được 4 số thì ông Nguyễn Năng Quốc đã viết đơn trình lên Thống sứ Bắc kỳ xin phép xuất bản tạp chí Phật học mang tên Đuốc Tuệ vào ngày 30/9/1935. Việc ra đời tạp chí Đuốc Tuệ cũng nằm trong dự định của Hội Phật giáo Bắc kỳ được đăng trên Tập kỷ yếu số 01: “Sau này tùy theo sự mở mang, cách xếp đặt và tình thế của hội, tập kỷ yếu này sẽ đổi làm tạp chí” [4, tr.5].

Tạp chí Đuốc Tuệ giai đoạn đầu (1935-1936) xuất bản định kỳ hàng tháng vào bốn ngày là mùng 01, 8, 15 và 23 âm lịch hàng tháng, do ông chánh hội trưởng Nguyễn Năng Quốc làm chủ nhiệm và quản lý là ông Cung Đình Bính. Từ năm 1937 đến tháng 08/1941, tạp chí chuyển từ tuần báo sang bán nguyệt san (mỗi tháng ra hai kỳ); ngoại trừ quý tư năm 1940 xuất bản hai kỳ số ghép là số 142-143 (vào ngày 15/10 – 01/11/1940) và số 144-145-146 (vào ngày 15/11-15/12/1940). Từ tháng 9 đến tháng 12/1941, mỗi tháng ra một số. Từ đầu năm 1942 đến tháng 8/1945, tạp chí xuất bản được 44 số, thường ra số đôi, tiêu biểu như hai số cuối cùng là 255-256 và 257-258.

Trụ sở đặt tại chùa Quán Sứ, số 73, phố Richaud, Hà Nội (về sau đổi thành là phố Quán Sứ vào năm 1945) [5, tr.55]. Số đầu tiên được phát hành vào ngày 10/12/1935. Nhà in Đuốc Tuệ hoạt động từ tháng 12/1935, đảm nhận việc in ấn tạp chí Đuốc Tuệ, mãi đến ngày 10/08/1936 mới chính thức làm lễ khai trương. Các mục trên Đuốc Tuệ qua nhiều kỳ rất phong phú như Phật học danh từ (từ số 02 đến 07), Phật học từ điển tập yếu (từ số 08 đến 50), Phật học vấn đáp (từ số 77 đến 93), văn uyển (từ số 57 đến 134), Phật học ngụ ngôn (số 99, số 100, số 107, số 239-240, số 241-242), luật thế gian (số 107),…

2. ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG CỦA TẠP CHÍ VIÊN ÂM VÀ ĐUỐC TUỆ

2.1. Phương tiện truyền thông của Hội An Nam Phật học và Hội Phật giáo Bắc kỳ

Hai tạp chí được cấp phép xuất bản vào những năm thập niên 30 của thế kỷ XX: tạp chí Viên Âm là cơ quan truyền thông của “Hội Phật học ở Huế được Nghị định quan toàn quyền ngày 30 juin 1933 cho phép xuất bản nguyệt san Viên Âm” [6] và xuất bản số đầu tiên vào ngày 30/12/1933. Tạp chí Đuốc Tuệ được Thống sứ Bắc kỳ duyệt ký và xuất bản vào ngày 10/12/1935. Hai tạp chí này được xuất bản trong giai đoạn chiến tranh chống Pháp; truyền bá nội dung các bài giảng và bài viết của nhiều tu sĩ, cư sĩ và giới trí thức về Phật học, các sự kiện hoạt động của hội Phật học, tin tức Phật giáo trong và ngoài nước. Hai tạp chí này là phương tiện hoằng pháp hữu hiệu của Hội An Nam Phật học và Hội Phật giáo Bắc kỳ trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam thời bấy giờ.

2.2. Đăng bài giảng tại các đạo tràng

Cả hai tạp chí đều có đăng các bài giảng pháp của một số vị tu sĩ và cư sĩ tại các đạo tràng như “Thiện ác nghiệp báo” của bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, “Phật” của Thích Đôn Hậu, “Đạo Phật có quan thiết với sự sống của đời người” của Phan Đình Hòe, “Ba món tư lương sang Tịnh độ” của Thích Phúc Chỉnh,…

2.3. Số trang tăng giảm thất thường

Số trang của Viên Âm trong giai đoạn đầu (1933-1945) giảm dần từ 64 trang (từ số 1 đến 36) xuống khoảng 30-40 trang (từ số 37 đến 77, ngoại trừ số 60-61 cho nhi đồng là 77 trang và số 66-67 là 51 trang). Sở dĩ điều này là do giai đoạn đầu, cây bút bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám với 11 bút danh đã viết rất nhiều bài trên tạp chí này; đến năm 1945, bác sĩ Tâm Minh ra miền Bắc tham gia kháng chiến và hoạt động Phật sự tại chùa Quán Sứ (Hà Nội).

Sau đó, Hội Việt Nam Phật học tiếp nối hoạt động của Hội An Nam Phật học, quyết định tục bản Viên Âm (1949-1953). Số trang ban đầu là 40 trang, do lúc đầu có ba cây bút tu sĩ gồm Thích Trí Quang, Thích Thiện Siêu, Thích Minh Châu; và ba cư sĩ nổi bật gồm Chơn An Lê Văn Định, Võ Đình Cường, Tống Anh Nghị viết rất nhiều bài giai đoạn đầu tục bản. Giai đoạn thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam (1951), số trang giảm xuống còn 20 trang; do số lượng các bài viết ít, các cây bút tu sĩ lẫn cư sĩ di chuyển ra miền Bắc và vào miền Nam tham gia hoạt động Phật giáo tại hai miền đó.

Đối với tạp chí Đuốc Tuệ, số trang cũng tăng giảm thất thường như 32 trang trong giai đoạn tuần báo (1935-1936), 48 trang trong ba năm tiếp theo (1937-1939) xuất bản mỗi tháng hai kỳ, dao động từ 24 đến 32 trang trong hai năm 1940-1941; và giảm còn khoảng 24 trang trong ba năm cuối (từ năm 1942 đến tháng 8/1945). Số trang ban đầu tăng do sự tham gia của nhiều cây bút tu sĩ và cư sĩ tân học và cựu học. Sau đó đến năm 1942, giá cả giấy cao và việc in ấn khó khăn, số lượng bài viết và trang giảm nhiều.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Dong gop cua nu gioi Phat giao trong tap chi Duoc Tue 1

3. ĐIỂM DỊ BIỆT CỦA TẠP CHÍ VIÊN ÂM VÀ ĐUỐC TUỆ

3.1. Đội ngũ tham gia

Trong giai đoạn đầu (1933-1945) có rất nhiều vị tu sĩ, cư sĩ, giới trí thức tham gia viết bài; trong đó cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám là cây bút chủ lực với nhiều hình thức nhất. Về giới tu sĩ phải kể đến Thích Mật Khế, Thích Đôn Hậu, Thích Mật Thể, Thích Nữ Diệu Không,… Về cư sĩ, ngoài Lê Đình Thám, còn có nhiều vị cựu học và tân học như Trí Độ, Võ Đình Cường, Nguyễn Khoa Toàn, Trương Thị Bích Thủy,… Về quan lại và trí thức có ông hiệp tá đại học sĩ Ưng tướng công (biệt hiệu Châu Khuê), Nguyễn Phúc Ưng Bình (hiệu Thúc Giạ Thị), Nguyễn Đình Hòe, Trần Nguyên Chấn,… Từ cuối năm 1940 đến hết năm 1944, số lượng bài viết rất ít với khoảng 30 trang; ngoại trừ số 55-56 (12/1942 – 01/1943) với 61 trang, số đặc biệt (số 60-61) nhân ngày Phật đản (1943) với 77 trang, số 66-67 (1943) với 51 trang. Nếu trước 1945, sự tham gia của các cây bút cư sĩ nhiều hơn tu sĩ thì đến giai đoạn tục bản Viên Âm ngược lại. Số lượng tu sĩ tham gia đăng bài giảng hoặc bài viết, dịch thuật, nhiều mẩu chuyện Phật giáo và triết lý đời sống, trong đó hai cây bút chủ lực là Thích Minh Châu và Thích Trí Quang. Bên cạnh đó, các vị cư sĩ và trí thức tham gia như Lê Văn Định, Võ Đình Cường, Tống Anh Nghị, Hùng Khanh, Tâm Trí, Lê Đình Trinh,…

Số lượng bài viết tham gia trên Đuốc Tuệ từ số 1 (tháng 12/1935) đến 130 (tháng 4/1940) rất nhiều, hướng đến chấn hưng Phật giáo và góp phần xây dựng đời sống xã hội. Theo nghiên cứu của Ninh Thị Sinh cho rằng: “Các tác giả cũng sử dụng nhiều thể loại để truyền tải nội dung giáo lý, về đạo đức Phật giáo như thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, du ký” [7, tr.311]. Giới tu sĩ tiêu biểu như Thích Trí Hải, Thích Thái Hòa, Thích Tố Liên,…; giới trí thức như ông Trần Trọng Kim, Dương Bá Trạc, Bùi Kỷ, Nguyễn Trọng Thuật, Trần Văn Giáp,…; và các quan lại cũng tham gia như ông Trần Văn Đại, Nguyễn Thượng Cần, Nguyễn Huy Xương, Nguyễn Thiện Chính,… Nhưng từ số 131 (tháng 05/1940) đến số cuối cùng 257-258 (tháng 8/1945) cũng giống giai đoạn tục bản Viên Âm là giới tu sĩ tham gia dịch bài, giảng kinh,… nhiều hơn cư sĩ; trong đó cây bút quan trọng nhất là cư sĩ Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha.

3.2. Thể loại văn học

Theo nhận định của Ninh Thị Sinh trong tác phẩm Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc kỳ: trường hợp Hội Phật giáo (1934-1945) cho rằng: “So với các tạp chí Phật học cùng thời như Từ Bi Âm, Viên Âm; Đuốc Tuệ có một điểm khác biệt độc đáo: sử dụng linh hoạt nhiều thể loại văn học để giới thiệu về đạo Phật và giải thích giáo lý đạo Phật một cách dễ hiểu đến độc giả bình dân”[8, tr.309]. Trước hết là thể loại tiểu thuyết, hai cây bút nổi bật của Đuốc Tuệ là Nguyễn Trọng Thuật và Nguyễn Thiện Chính. Thứ hai phải kể đến thể loại du ký với hơn 10 bài viết cả tu sĩ lẫn cư sĩ, tiêu biểu như “Mấy ngày đi Huế”, “Nhật ký đi Trung Quốc du học”,… Ngoải ra, nhiều bài viết về thơ và phú như bài thơ “kinh lễ sáu phương” với 254 câu, mỗi câu ba chữ; bài lục bát “Bài học thuộc lòng” của ông Trần Văn Đại với 20 khổ thơ dạy về tám điều trai giới, bốn trọng ân, luân hồi, nhân quả,…

Tạp chí Viên Âm trong giai đoạn đầu đã đăng khoảng 100 bài thơ và hơn 50 tích truyện; đặc biệt trong một năm đầu xuất bản đã đăng hơn 40 bài thơ và 24 bài truyện. Tiêu biểu như “Biển ái sóng dồi” của Châu Hải (Viên Âm số 1), “Viếng cảnh Tra Am cảm tác” của Như Nguyện (Viên Âm số 3), “Bài thi đưa thầy Tố Liên về Bắc” của B.P (Viên Âm số 27), “Bài thơ tán thán đức Địa Tạng” của Thích Nguyên Lương (Viên Âm số 74),… Sang giai đoạn tục bản Viên Âm, thơ và truyện cũng được đăng nhiều trong hai năm đầu xuất bản (1949-1950), tiêu biểu nhất là Thích Minh Châu (18 mẫu chuyện đạo), Thích Thuyền Minh (truyện về vua Lương Võ Đế, từ số 87 đến 94) và Tống Anh Nghị (5 bài thơ và 1 bài viết về truyện “Đón gió hương đàm” của Tống Anh Nghị).

3.3. Hình thức trang bìa

Tạp chí Đuốc Tuệ đã hai lần thay đổi hình thức trang bìa: lần thứ nhất (1937-1941), trang bìa được in màu, tăng kích cỡ tên hội (chữ quốc ngữ và tiếng Pháp) lớn hơn, xóa dòng chữ Hán tên báo “慧 ? 報” và thay hình ảnh Đức Phật ngồi thiền định (trên tòa hoa sen) vào chỗ biểu tượng vòng tròn hoa sen ở giữa trang bìa; đồng thời chuyển thông tin các vị lãnh đạo tòa soạn xuống bên dưới hình Đức Phật. Các mục còn lại như số báo (chữ quốc ngữ), thời điểm xuất bản (tiếng Pháp), tên hội “Phật giáo hội” (chữ quốc ngữ, viết to hơn một chút và in đậm), tên báo (Đuốc – Tuệ) vẫn to và đậm nhưng thu nhỏ hơn một chút, tuần báo và trụ sở tòa soạn, giá báo vẫn giữ bình thường. Lần thứ hai vào giai đoạn 1942-1945, tòa soạn chuyển số báo và thời điểm xuất bản xuống phía dưới hình Đức Phật, đồng thời thêm chữ “Việt Nam” vào tên hội ban đầu “Phật giáo hội” (bỏ tên chữ Pháp và thay bằng chữ Hán), tức là “Việt Nam Phật giáo hội” (越南佛敎會). Tạp chí Viên Âm đã 10 lần thay đổi mẫu bìa từ mẫu chữ (Hán ngữ, quốc ngữ,…), hình ảnh (khói hương xông, đức Phật Bổn sư, linh thú, biểu tượng Gia đình Phật tử,…), trang trí (khung viền hay không khung viền), kích cỡ (lớn, nhỏ), cách viết (đậm, nhạt, viết hoa, viết thường,…), thêm thông tin (địa chỉ toà soạn, nhà in, giá cả,…).

4. VAI TRÒ CỦA TẠP CHÍ VIÊN ÂM VÀ ĐUỐC TUỆ ĐỐI VỚI PHONG TRÀO CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỜI PHÁP THUỘC

4.1. Thông tin về các hoạt động của hội Phật học

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp vào những năm 1930, tạp chí Viên Âm và Đuốc Tuệ được xem như là cơ quan ngôn luận truyền thông của Hội An Nam Phật học (Trung kỳ) và Hội Phật giáo Bắc kỳ. Một số hoạt động của hai hội này như xin phép thành lập hội, tổ chức Đại hội đồng thường niên, mở cụm trường Phật học, hoạt động hoằng pháp của giới tu sĩ và cư sĩ, xuất bản tạp chí, tổ chức lễ hội Phật giáo (đại giới đàn, Phật đản, cầu siêu,…), từ thiện xã hội được đăng trên các số của Viên Âm và Đuốc Tuệ. Tiêu biểu như tại miền Trung vào năm 1932, Hội An Nam Phật học được Khâm sứ Pháp và vua Bảo Đại để thành lập hội, xuất Viên Âm số đầu tiên vào ngày 01/12/1932, bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám vận động thành lập Đoàn Thanh niên Phật tử vào năm 1940… Tại miền Bắc, trải qua giai đoạn khó khăn trong việc thành lập hội như Hội An Nam Phật học, Hội Phật giáo Bắc kỳ nhanh chóng tiếp nối hoạt động của Tập kỷ yếu Phật giáo bằng việc trình đơn xuất bản tạp chí Đuốc Tuệ, mở trường Phật học theo hướng đổi mới giống như Hội An Nam Phật học, thuyết pháp tại các đạo tràng được đăng tải trên tạp chí Đuốc Tuệ và đặt biệt là có nhà in Đuốc Tuệ.

4.2. Tuyên truyền giáo lý đạo Phật đến với mọi người

Trước cảnh tăng già thất học và tín đồ mê tín, nhiều vị tu sĩ và cư sĩ trí thức trong Hội An Nam Phật học và Hội Phật giáo Bắc kỳ đã thắp lên ngọn đuốc hoằng pháp nhằm truyền bá giáo lý nhà Phật và chư vị Tổ sư đến nam nữ Phật tử nói riêng và mọi người nói chung. Tiêu biểu như tại miền Trung có hoà thượng Thích Giác Tiên, hoà thượng Thích Mật Khế, hoà thượng Minh Châu, bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, cư sĩ Võ Đình Cường, Nguyễn Đình Hoè,… đã thuyết giảng Phật pháp tại kinh đô Huế và các tỉnh lân cận. Tại miền Bắc có sư Tâm Lai, sư Phan Trung Thứ, hoà thượng Trí Hải, cư sĩ Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha,… cũng thuyết giảng giáo lý tại chùa Quán Sứ (Hà Nội) và các tỉnh trong khu vực. Tòa soạn nhận được rất nhiều bài viết của tu sĩ, cư sĩ và giới trí thức gởi về. Chính sự nhờ sự cộng tác viết bài từ nhiều cây bút và đội ngũ biên soạn đối với chất lượng của các bài viết góp phần phát triển tạp chí Viên Âm và Đuốc Tuệ đến với các độc giả.

4.3. Góp phần phong phú nền văn học Phật giáo Việt Nam

Nhiều bài viết trên tạp chí Viên Âm và Đuốc Tuệ có đăng các bài thơ, các câu chuyện Phật giáo và bản dịch thuật các bản kinh như kinh Thủ Lăng Nghiêm, kinh Bồ tát giới tại gia,… Hai tạp chí đã dùng chữ Hán, tiếng Pháp, chữ Quốc Ngữ, tiếng Anh với các thể loại như khảo cứu, thơ, du ký, truyện ngắn,… truyền tải đến công chúng các giáo lý như tứ ân, từ bi, hỷ xả, tinh tấn, bình đẳng,… góp phần nâng cao nhận thức của đại chúng về Phật giáo cũng như tạo điều kiện để chánh pháp thấm vào tư tưởng của tín đồ, từ đó chuyển hóa thành đời sống tu học của họ. Sự đóng góp nhiệt tình của những cây bút tu sĩ và cư sĩ, cựu học cũng như tân học phong phú về các thể loại văn học thuận lợi cho việc xuất bản lúc bấy giờ.

4.4. Mở rộng mạng lưới kết nối tín đồ Phật tử, giao lưu văn hoá ba miền

Nhờ có các phương tiện truyền thông thời bấy giờ như tạp chí Viên Âm và Đuốc Tuệ mà Phật tử cả nước có điều kiện tương tác với nhau. Mạng lưới các tín đồ Phật giáo từ đó được mở rộng và hình thành nên nhiều loại hình cộng đồng Phật tử. Năm 1940, bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám thành lập Đoàn Thanh niên Phật học Đức Dục. Ông cùng với hội đã hướng dẫn và đào tạo các thanh thiếu niên trí thức tham gia vào các hoạt động của Hội An Nam Phật học như lễ Phật đản, lễ khánh thành, lễ đặt đá Phật học đường Báo Quốc, lễ Vu lan Báo hiếu, lễ tống chung chư tôn đức của hội, viết bài đăng Phật học Tùng thư,… Tổ chức này nhanh chóng phát triển lên thành Gia đình Phật tử (1951) và lan rộng khắp ba miền. Thanh thiếu niên, trí thức của cả nước đã gửi các bài viết về tạp chí Phật học để chia sẻ những kinh nghiệm sinh hoạt và tu học tại đạo tràng. Bấy giờ, phạm vi cây bút tác giả không những là miền Trung mà còn có cả miền Bắc và miền Nam tạo nên những giá trị đặc sắc và phong phú cả về hình thức lẫn nội dung.

4.5. Thể hiện tinh thần “hộ quốc an dân”

Thông qua các ấn phẩm được đăng trên tạp chí Viên Âm và Đuốc Tuệ như “Giúp dân Nghệ Tĩnh” trên Viên Âm số 11 (1934); “Giáo dục gia đình” trên Viên Âm số 50 (1942); “Luân lý tứ ân của đạo Phật” trên Đuốc Tuệ số 20-22; “Phật giáo với nhân gian” trên Đuốc Tuệ số 190-191; “Giáo lý đạo Phật có ảnh hưởng đến phong tục chốn hương thôn” trên Đuốc Tuệ số 207-208;… đã lan truyền mạnh mẽ tinh thần từ, bi, hỷ, xả, vô ngã, vị tha, bố thí, nhẫn nhục,… thông qua một số hoạt động tiêu biểu được thể hiện trong tạp chí Đuốc Tuệ có đưa tin về các hoạt động từ thiện của Hội Phật giáo Bắc kỳ cũng như danh sách các hội viên tham gia cứu trợ, hội đã cùng các nhân viên của Đông Pháp Thời Báo đem các vật phẩm như bánh, gạo, sữa, áo, chăn, chiếu đến vùng lũ Bắc Giang. Tại miền Trung, tạp chí Viên Âm cũng đăng tải hoạt động từ thiện của Hội An Nam Phật học như giúp đỡ người dân tỉnh Bình Định và Phú Yên bị bão lụt vào năm 1933; phát quà cho những gia đình nghèo khổ tại chùa Quan Công (Huế) nhân lễ Phật đản năm 1934 và 1935; phát sữa, gạo cho trung tâm cô nhi viện Filles de la chearité de Saint Vincent de Paul của Tỉnh hội Khánh Hòa vào năm 1937 và 1938;…

Theo Lê Tâm Đắc nhận định rằng: “Ngay sự xuất hiện của những trường dạy học bằng chữ quốc ngữ, những nhà xuất bản và tòa soạn ở các đô thị lớn trong mấy thập kỷ đầu thế kỷ XX đã góp phần mở mang nhận thức cho người dân, không thể bám lấy nếp suy nghĩ xưa cũ” [9, tr.79]. Chính điều đó đã hướng con người xây dựng đạo đức cho chính mình, hạnh phúc gia đình, phát triển xã hội bền vững và thịnh vượng. Tinh thần “hộ quốc an dân” của đạo Phật từ xưa đến nay vẫn luôn đồng hành cùng dân tộc trong dòng chảy lịch sử Phật giáo Việt Nam nói riêng và lịch sử Việt Nam nói chung.

5. KẾT LUẬN

Hoạt động hoằng pháp của tạp chí Viên Âm ở miền Trung và tạp chí Đuốc Tuệ ở miền Bắc đã cất lên tiếng nói góp phần chấn hưng Phật giáo Việt Nam vào nửa đầu thế kỷ XX. Hai tạp chí đã phát triển theo hướng hiện đại hóa: với sự tham gia của nhiều cây bút cư sĩ, tu sĩ cùng giới quan lại; đa dạng về hình thức, thể loại và ngôn ngữ; nhiều tin tức về các sự kiện Phật giáo trong và ngoài nước; đính chính một số lỗi kỳ trước;… là kênh truyền thông hoằng pháp của hội Phật học trong việc chấn chỉnh lại đời sống tu học của giới tu sĩ, đồng thời phá trừ mê tín và khuyến khích dấn thân hộ pháp của giới cư sĩ. Chính điều đó đã tác động trực tiếp và tích cực đến đời sống xã hội thời bấy giờ, tạo dựng lại hình ảnh đạo Phật “hộ quốc an dân” sáng ngời trong lòng dân tộc Việt Nam trong thời chiến cũng như thời bình, và cũng là nền tảng cho các tạp chí Phật giáo khác sau này tiếp biến và phát triển.

Tác giả: Thích Thiện Mãn
Thạc sĩ Phật học, Học viện PGVN tại Tp.HCM

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
[1] Thích Khánh Hòa (1929), “Tự trần”, Pháp Âm, số 1, (Sài Gòn).
[2] Nguyễn Lang (2008), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 3, Nxb. Văn học, Hà Nội.
[3] Trang bìa, Viên Âm, số 1, (Huế), 01/12/1933.
[4] Phật học hội (1935), “Lời nói đầu”, Tập kỷ yếu Hội Phật giáo, số 1, (Hà Nội).
[5] Nguyễn Đại Đồng (2008), Lược khảo báo chí Phật giáo Việt Nam (1929-2008), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
[6] Trang bìa, Viên Âm, số 1, (Huế), 01/12/1933.
[7] Ninh Thị Sinh (2020), Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc kỳ: trường hợp hội Phật giáo (1934-1945), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.
[8] Ninh Thị Sinh (2020), Sđd.
[9] Nguyễn Đức Sự, Lê Tâm Đắc (2010), Mấy vấn đề về Phật giáo trong lịch sử Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường