Tóm tắt: Báo chí Phật giáo ra đời trong phong trào chấn hưng Phật giáo những thập niên 20 của thế kỷ XX. Trải qua quá trình phát triển với nhiều loại hình báo khác nhau, báo chí Phật giáo nói chung, Tạp chí Nghiên cứu Phật học nói riêng đã có nhiều đóng góp trên nhiều lĩnh vực cho nền báo chí Việt Nam. Trải qua hơn 30 năm, từ Nội san đến Tạp chí ở bản in rồi đến bản điện tử, Tạp chí Nghiên cứu Phật học đã có nhiều đóng góp với nội dung vô cùng phong phú ở nhiều chuyên đề, nhiều góc độ như lịch sử Phật giáo, triết học, giáo lý, văn hóa, danh thắng... Trong lĩnh vực trao đổi và nghiên cứu, Tạp chí Nghiên cứu Phật học đã có nhiều đóng góp như đóng góp trong việc bàn thêm về lịch sử ra đời của di tích hay hệ phái Phật giáo, về mốiquan hệ giữa tín ngưỡng dân gian với đạo Phật,hay đóng góp trong việc làm rõ những suy nghĩ “xa, khác” theo tinh thần của Phật giáo,…Bài viết trình bày những đóng góp trên của Tạp chí Nghiên cứu Phật học từ các bài viết đã được đăng tải trên Tạp chí.
Từ khóa: Phật học, Phật giáo
MỞ ĐẦU
Báo chí là một hiện tượng xã hội trong tiến trình phát triển của lịch sử văn hóa nhân loại. Do nhu cầu thông tin, nhận thức, giao lưu tri thức mà báo chí ra đời với nhiều loại hình khác nhau. Cùng với sự phát triển của xã hội và các nhu cầu ngày càng cao của con người, dưới góc độ văn hóa mà báo chí cũng ngày một phát triển để đáp ứng những nhu cầu của con người. Ngược lại, con người và xã hội đã tác động đến sự ra đời và phát triển của báo chí làm nên những khác biệt của các loại hình báo chí (báo viết, báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử…), với những nội dung vô cùng đa dạng và phong phú ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Lịch sử ghi nhận sự ra đời của báo chí Phật giáo Việt Nam từ những thập niên đầu của thế kỷ XX khi phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam xuất hiện. Báo chí Phật giáo là một trong những phương tiện quan trọng làm lan tỏa tư tưởng chấn hưng Phật giáo, và đã gắn liền với diễn trình chấn hưng Phật giáo tại Việt Nam. Bên cạnh đó, báo chí Phật giáo Việt Nam còn thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng trong việc hoằng pháp, phát huy và bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam nói chung, văn hóa Phật giáo nói riêng.
Kể từ khi ra đời, báo chí Phật giáo đã có quá trình phát triển cả về loại hình (từ báo in đến báo hình, báo điện tử), đến hình thức và nội dung. Từ sự ra đời của tờ báo Phật giáo đầu tiên - tờ Pháp Âm[1], đến Tạp chí Từ Bi Âm, Viên Âm, Tuần báo Đuốc Tuệ, Duy tâm Phật học, Bồ Đề, Nguyệt san Phương Tiện, Tạp chí Bồ Đề Tân Thanh, Bác Nhã Âm, Tạp chí Giác Ngộ, Tạp chí Từ Quang..., rồi đến Tạp chí Nghiên cứu Phật học. Sự đóng góp của báo/tạp chí Phật giáo có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, trong việc hoằng pháp, bảo tồn các giá trị di sản văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa Phật giáo nói riêng. Trong “biển” nội dung mà báo/tạp chí Phật giáo đề cập, chúng tôi chỉ đề cập đến một vài đóng góp trong các đóng góp của Tạp chí Nghiên cứu Phật học nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí. Nội dung bài viết cũng chỉ sơ lược những đóng góp trong mục “Trao đổi - Nghiên cứu”, một trong nhiều chuyên mục của Tạp chí Nghiên cứu Phật học mà thôi. Do quy định về khuôn khổ với bài hội thảo nhân dịp kỷ niệm này, chắc chắn, nội dung chúng tôi đề cập trong bài viết không thể đề cập hết đến khối lượng bài viết rất lớn mà Tạp chí đã phát hành, cũng như các nội dung vô cùng phong phú, đa dạng mà các tác giả - các cộng tác viên nhiệt thành của Tạp chí đã đóng góp. Rất mong được các tác giả, các cộng tác viên chia sẻ, hoan hỉ vì sự thiếu sót của tác giả bài viết này.
I. NỘI DUNG
1. Lược sử ra đời và phát triển của Tạp chí Nghiên cứu Phật họcNăm 1990, trước nhu cầu ngày càng lớn của Tăng, Ni, Phật tử cũng như các nhà nghiên cứu trong và ngoài Giáo hội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã cho xuất bản Nội san Nghiên cứu Phật học. Nội san ra đời là diễn đàn của Tăng, Ni, Phật tử, giới nghiên cứu trong và ngoài Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhằm đăng tải các công trình nghiên cứu Phật học, trao đổi học thuật và nghiên cứu về Phật giáo. Đến năm 1997, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) cho phép Nội san chuyển thành Tạp chí Nghiên cứu Phật học.
Trong quá trình phát triển qua 30 năm, Tạp chí Nghiên cứu Phật học đã có nhiều cải tiến cả về nội dung và hình thức. Tạp chí luôn chú trọng việc đẩy mạnh tăng cường hợp tác và trao đổi nghiên cứu về Phật học và các vấn đề liên quan mà giới nghiên cứu, các học giả quan tâm đến Phật giáo ở các Viện Nghiên cứu, các Học viện, trung tâm nghiên cứu Phật giáo trong và ngoài nước quan tâm. Tạp chí Nghiên cứu Phật học cũng luôn chú trọng mở rộng mạng lưới cộng tác viên, thu hút các cây viết chuyên sâu ở các cơ quan báo chí, xuất bản, các tổ chức, các nhà khoa học trong và ngoài nước viết về lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng Phật học trên cơ sở tôn chỉ, mục đích và theo quy định của pháp luật. Do đó, Tạp chí Nghiên cứu Phật học đã ngày càng phát triển mạnh mẽ cả về hình thức và nội dung. Ngày 22/09/2020, Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Mã số chuẩn quốc tế ISSN cho 2 xuất bản phẩm: Tạp chí Nghiên cứu Phật học và Tạp chí Nghiên cứu Phật học điện tử, theo Quyết định số 28/TTKHCN-ISSN.Tạp chí Nghiên cứu Phật học hiện tại phát hành 2 tháng/1 số, in giấy couche, 4 màu, kích thước 20×28 cm, số trang từ 68-80 trang. Tạp chí đăng tải các bài nghiên cứu khoa học về Phật học, giúp các tăng, ni, học giả nghiên cứu, trao đổi và phổ biến tri thức về Phật giáo, cũng như đóng góp cho nhiều lĩnh vực Phật học khác.
II. Một số nội dung trong đóng góp của Tạp chí Nghiên cứu Phật học dưới góc độ nghiên cứu
2.1. Góp phần bàn thêm về lịch sử ra đời của di tích hay hệ phái Phật giáo
Trong vấn đề này, Tạp chí Nghiên cứu Phật học đã đăng tải nhiều bài viết bàn luận/trao đổi về nguyên nhân, lịch sử ra đời của các hệ phái tôn giáo. Trong đó, có các bài “Cội nguồn chùa Hương Tích ở Hà Tĩnh” của tác giả Ths. Thích Giác Minh Hữu (Tạp chí Phật học số 7/2020) nêu các tư liệu về nguồn gốc của “hai danh thắng cùng chung một danh tự”, đó là “chùa Hương Tích” ở huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) và một ở huyện Mỹ Đức (Hà Nội). Qua các tài liệu trích dẫn, tác giả đã làm rõ cả hai chùa Hương Tích được gọi tên theo cách dân dã mang phong cách văn hóa Việt Nam là “chùa Thơm”, và minh chứng đâu là chùa “gốc”, đâu là “bản sao”.
Trong bài “Vài suy nghĩ về nguyên nhân hình thành Phật giáo Đại Thừa”[2], sau khi trình bày về bối cảnh xã hội trước thời Phật giáo Đại thừa; những bất cập về giới luật; tư tưởng Bồ tát đạo và vai trò người cư sĩ trong Phật giáo Đại thừa; sự ra đời của triết học “Tính không”, tác giả Thích Nữ Huệ Hằng đưa ra nhận xét “Phật giáo Đại thừa hình thành là hệ quả của một quá trình dài chịu sự tác động của nhiều yếu tố nội tại lẫn ngoại tại. Ngoài những tác nhân từ phía xã hội, bản thân Phật giáo cũng đã tự vận động, hoàn thiện để tồn tại và phát triển qua các thời kỳ. Bắt đầu từ sự thay đổi môi trường sống, kéo theo những tập quán khác cũng bị xáo động ở giai đoạn đầu. Song qua đó, Phật giáo đã chứng tỏ được khả năng thích ứng rất cao, có thể nhanh chóng hội nhập mà vẫn giữ được những nét đặc thù, riêng biệt của chính mình. Ở Phật giáo Đại thừa, người ta vẫn tìm thấy những nét căn bản của giáo lý Phật giáo Nguyên thủy, nhưng cũng có cả sự tinh tế hiện đại của xã hội đương thời. Đó chính là điểm sáng của tinh thần “tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên” trong đạo Phật. Bên cạnh đó, tư tưởng Phật giáo Đại thừa còn đạt đến đỉnh cao của nền văn học Phật giáo. Dù ra đời muộn hơn các triết thuyết khác, nhưng nó đã tạo được vị thế vững chắc cho chính mình. Và người góp phần không nhỏ cho sự thành công này chính là Bồ tát Long Thọ”.
Về sự ra đời và những đóng góp của Hội Phật giáo cứu quốc ở 3 miền Bắc, Trung, Nam, tác giả Nguyễn Đại Đồng[3] cho thấy “Hội Phật giáo cứu quốc ra đời đã khẳng định sự ủng hộ của Phật giáo đối với Mặt trận Việt Minh. Từ đây, dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh, thông qua Hội Phật giáo cứu quốc, tăng, ni, phật tử có thêm cơ duyên đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc”. Từ “Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, các Hội Phật giáo cứu quốc Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ và Hội Phật giáo cứu quốc các tỉnh lần lượt được thành lập đứng trong Mặt trận Việt Minh”. “Hoạt động của các Hội Phật giáo cứu quốc đều cùng hướng tới một mục tiêu chung là độc lập, tự do, bảo vệ thành quả của cách mạng dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh”.
2.2. Đóng góp trong việc trình bày mối quan hệ giữa tín ngưỡng dân gian với đạo Phật
Đóng góp trong mảng này có thể kể đến bài viết “Phật giáo và hương ước làng Việt vùng đồng bằng sông Hồng” của Ts. Nguyễn Thị Quế Hương. Qua đóphần nào thấy được sinh hoạt tôn giáo của đạo Phật qua qui định của các hương ước làng Việt.
Khi tìm hiểu về tín ngưỡng dân gian, tác giả Lương Thị Thu[4]cho rằng: “Chùa Việt Nam là nơi diễn ra nhiều lễ hội dân gian và là nơi bảo lưu văn hóa truyền thống. Những công trình kiến trúc nổi tiếng trong mấy thế kỷ đầu kỷ nguyên độc lập tự chủ, tiêu biểu cho nền nghệ thuật thời đại và trở thành những danh thắng, hầu hết đều là những chùa, tháp.Ở đó, có sự thẩm thấu giữa Phật giáo với tín ngưỡng dân gian.Truyền thuyết về Man Nương, về Chử Đồng Tử, về Tiên Dung,về Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không… trong Lĩnh Nam Chích Quái, truyền thuyết về thần Phù Đổng ở Việt Điện U Linh đã trở thành văn hóa dân gian”.Những ngôi chùa Phật giáo Bắc tông vẫn lưu giữ những phong tục có nguồn gốc từ Phật giáo nói chung và những tục trong dân gian nói riêng. Hầu hết, trong các chùa đều có: về nghi thức như nghi cầu an, nghi cầu siêu, nghi sám hối, nghi cúng ngọ, nghi an vị, nghi chẩn tế, nghi khai đàn tràng, nghi khai kinh, nghi công phu, nghi Tịnh độ; về tập tục như tục bố thí, tục phóng sinh, tục ăn chay, trường hương, trường kỳ, bố tát và về lễ hội như lễ Phật đản, lễ Vu lan, lễ Giỗ tổ, lễ Vía Phật, lễ Vía Bồ tát. Và tín ngưỡng dân gian trong chùa có: Tam nguyên... Trong các khóa lễ đều nổi bật lên một sắc thái Nam bộ là khoa nghi “ứng phú”, là môn nghi lễ Phật giáo phục vụ lễ hội, một hình thức sinh hoạt của Phật giáo dân gian buổi đầu ở Nam bộ. Thành phố Hồ Chí Minh, có các chùa còn in đậm sự có mặt của tín ngưỡng dân gian về bộ môn này như chùa Giác Viên, chùa Phụng Sơn, chùa Từ Phước (Quận 11), chùa Từ Thoàn (Quận 8), chùa Định Thành (Quận 10) và chùa Viên Giác (Quận Tân Bình) là ngôi chùa từ khi khai sơn cho đến nay, các đời trụ trì đã có ảnh hưởng lớn đến nghi thức trong văn hóa Phật giáo miền Nam Việt Nam”.
2.3. Đóng góp trong việc làm rõ những suy nghĩ “xa, khác” theo tinh thần của Phật giáo
Trong bài nghiên cứu trao đổi này[5], tác giả Nguyễn Đức Sinh đã phân tích nội dung cuốn sách “Việt Nam phong tục” của Phan Kế Bính (1875-1921)[6]“có nội dung về phong tục tín ngưỡng dân gian, trong đó có đề cập tới đạo Phật nhưng được viết theo kiểu lối “dân gian nói thế” không có tư duy chiều sâu (học thuật)”, “...việc kiến giải về Phật học hay nói đúng hơn là nói về Phật giáo với nhiều sai lạc, khiến người có niềm tin, đức tin và có tư duy chiều sâu với Phật giáo cảm thấy bất ổn nếu không muốn nói đó là một sự “xúc phạm””. Theo tác giả thì Phan Kế Bính đã “viết về Phật giáo hoàn toàn không có nguồn trích dẫn mà chỉ bằng mô tả, giải thích theo kiểu “tương truyền”, “tục truyền”, “bảo rằng”, “kể rằng”… Đây không phải là cách làm việc của một tác phẩm nghiên cứu, biên khảo đúng nghĩa và đúng đắn, nhất là khi tìm hiểu các học thuyết, các tôn giáo lớn”.Tác giả cũng cho rằng, hạn chế của Phan Kế Bính là “đối tượng nghiên cứu quá bao quát.Phật giáo gồm cả Bắc tông và Nam tông với nhiều bộ phái… chắc chắn là vào thời ấy, Phan Kế Bính không có đủ tư liệu và hiểu biết để tổng hợp và lý giải”. Để minh chứng nhận định này, Nguyễn Đức Sinh cũng phản bác nhận định của Phan Kế Bính khi cho rằng “Phật giáo do ở đạo Bà La Môn mà ra” (tr.168) là “hoàn toàn sai”. Nguyễn Đức Sinh cho rằng Phan Kế Bính “không hiểu gì về Tứ Đế của Phật giáo” khi viết “sinh, lão, bệnh, tử là bốn cái kiếp khốn nạn” (tr.168)”. Tác giả bài trao đổi này cũng đề cập đến những quan điểm của Phan Kế Bính khi nói về “bữa ăn cuối cùng của đức Phật”, về kinh điển Phật giáo, về duy thức luận, việc hiểu sai khái niệm “vô vi” của Phật giáo… Theo Nguyễn Đức Sinh thì “khái niệm vô vi của Phật giáo thì có khác hơn. Vô vi là dịch từ chữ (a samskrta) của tiếng Phạn có nghĩa là không tạo tác, chỉ cho pháp lành thường trụ không có nhân duyên tạo tác, không có sinh diệt bất hoại, khác với pháp hữu vi là pháp do nhân duyên tạo tác, có sinh diệt bất hoại; nên pháp vô vi chính là một tên khác của Niết bàn”.
Cư sĩ Nguyễn Đức Sinh đã nêu những ý kiến của mình về những vấn đề mà Phan Kế Bính đề cập trong sách Việt Nam phong tục, vàc ho rằng Phan Kế Bính đã có những “cách diễn đạt sai lầm về Phật giáo”, bởi do “những hạn chế nhất định của cá nhân cũng như góc nhìn và bối cảnh của thời đại”. Và, mong muốn rằng, “những lần tái bản sau, quyển sách sẽ được biên tập và khắc phục những sai lầm của tác giả Phan Kế Bính về Phật giáo”.
III. Nhận xét - kết luận
Với nhiều đóng góp trên rất nhiều lĩnh vực khác nhau theo tôn chỉ và mụcđích củaTạp chí, Tạp chí Nghiên cứu Phật họcđã vàđang khẳngđịnh đường hướng quảng bá, giáo dục, trao đổi nghiên cứu Phật học… trên tinh thần “Đạo pháp, dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Sự phát triển củaTạp chí Nghiên cứu Phật học là một phần khẳng định sự phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong diễn trình lịch sử Phật giáoở Việt Nam với nhữngđóng góp về mọi mặt trong diễn trình lịch sử Việt Nam./.
Lê Đức Hạnh Viện Nghiên cứu Kinh thành Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. HỘI THẢO KHOA HỌC: “30 năm Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội & Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Thành tựu và Định hướng”
-------------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Nguyễn Đại Đồng, Đôi điều về Hội Phật giáo cứu quốc. Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 7/2020. 2. Thích Nữ Huệ Hằng, Vài suy nghĩ về nguyên nhân hình thành Phật giáo Đại Thừa. Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 7/2020. 3. Nguyễn Thị Quế Hương, Phật giáo và hương ước làng Việt vùng đồng bằng sông Hồng. Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 1/2020. 4. Thích Giác Minh Hữu, Cội nguồn chùa Hương Tích ở Hà Tĩnh. Tạp chí Phật học số 7/2020. 5. Nguyễn Đức Sinh, “Việt Nam phong tục” và những cách hiểu sai lệch về Phật giáo của Phan Kế Bính.Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 9/2020. 6.Tạp chí Nghiên cứu Phật học. Tapchinghiencuuphathoc.com 7. Lương Thị Thu, Tín ngưỡng dân gian trong lễ hội Phật giáo tại một ngôi chùa mở miền Nam. Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số tháng 11/2019.
CHÚ THÍCH [1]Pháp Âm là tờ báo Phật giáo đầu tiên được xuất bản ngày 31/8/1929, do Hòa thượng Lê Khánh Hòa (1877 - 1947), trụ trì chùa Tiên Linh (Mõ Cày-Bến Tre) là chủ nhiệm. [2]Thích Nữ Huệ Hằng, Vài suy nghĩ về nguyên nhân hình thành Phật giáo Đại Thừa. Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 7/2020 [3]Nguyễn Đại Đồng, Đôi điều về Hội Phật giáo cứu quốc. Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 7/2020. [4]Lương Thị Thu, Tín ngưỡng dân gian trong lễ hội Phật giáo tại một ngôi chùa ở miền Nam. Tạp chí Nghiên cứu Phật học, sốtháng 11/2019. [5]Nguyễn Đức Sinh, “Việt Nam phong tục” và những cách hiểu sai lệch về Phật giáo của Phan Kế Bính”.Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 9/2020. [6]Tác phẩm này được Phan Kế Bính viết năm 1915, những năm gần đây, Nhà xuất bản Văn học, Nxb Văn hóa Thông tin, Nxb Hồng Đức, Nxb Kim Đồng tiếp tục tái bản. Nguyễn Đức Sinh sử dụng bản in của Nhà xuất bản Tp.HCM năm1999, phần viết về Phật giáo từ trang 168 đến trang173.
Bình luận (0)