Tóm tắt: Phật giáo chính thức được thành lập dưới cái tên Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày 7 tháng 11 năm 1981 tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, cũng tại đây đã hình thành Phân viện nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội và xuất bản số đầu tiên của Tạp chí nghiên cứu Phật học năm 1990 tại chùa Quán Sứ. Như vậy, đã trải qua 30 năm hình thành và phát triển đã có những vai trò, thành tựu, đóng góp nhất định cho Phật giáo nói riêng và tôn giáo nước ta nói chung.

Ở buổi đầu các khía cạnh lịch sử, dịch thuật kinh điển và nội dung cốt yếu của giáo pháp được khái quát, tổng hợp và những nội dung liên quan để nghiên cứu Phật giáo. Hiện nay một lần nữa đưa lý thuyết Phật giáo và phương pháp tu để khảo sát, nghiên cứu để ứng dựng và thực hành trong cuộc sống và tu tập. Nên trong suốt quá trình 30 năm qua Tạp chí đã nhận và đăng tải các công trình của nhiều nhà nghiên cứu nổi tiếng.

Từ khóa: tạp chí; nghiên cứu phật học; phật học; vai trò; định hướng; 30 năm qua.

I. NHẬN XÉT CHUNG VỀ LỊCH SỬ NGHIÊN CỨU

Nhìn lại lịch sử nghiên cứu trong 30 năm qua của các nhà nghiên cứu đã được công bố trên Tạp chí nghiên cứu Phật học. Dù ít nhiều, chưa thể khái quát được hết những cái hay, những cống hiến của họ, nhưng một phần nào đó gọi là “ôn cũ tri tân”, xin gửi lời cảm ơn đến những người đó đã dành cả đời khoa học của mình để tạo ra các nghiên cứu để đời, cho tôn giáo nói chung và nhất là Phật giáo.

1. Về mặt lịch sử

Trong vô vàn công trình nghiên cứu về lịch sử Phật giáo Việt Nam và thế giới, các công trình nghiên cứu được xem xét ở các góc độ xã hội học, lịch sử học, tôn giáo học ví dụ như tác phẩm “Nguồn gốc ra đời của Đạo Phật: từ góc nhìn xã hội học”[1] là một điển hình. Về lịch sử Phật giáo Việt Nam, phổ biến và trải rộng nhất vẫn là các nghiên cứu về Phật giáo thời Lý - Trần, đặc biệt là Trần Nhân Tông và một số nội dung liên quan khác.

Lịch sử là cái không thể thay đổi theo một phương thức nào đó, mỗi tôn giáo trải qua những thăng trầm của nó, Phật giáo Việt Nam cũng trải qua thịnh suy để có ngày nay. Những sai sót về nghiên cứu lịch sử Phật giáo có thể xuất phát từ: hiểu sai lịch sử - nguồn gốc Phật giáo, cố tình làm sai lệch, xuyên tạc; chưa có tìm hiểu kĩ, tài liệu dẫn sai; không tìm thấy tài liệu cũ do lịch sử xóa bỏ, và một số lỗi khách quan và chủ quan khác. Nên về mặt lịch sử Phật giáo Việt Nam của các tác giả luôn mang tính khách quan, tôn trọng sự thật lịch sử hình thành và phát triển qua các thời kỳ khác nhau của Việt Nam.Đã đóng góp một lượng lớn về học thuật cho thế hệ mai sau tìm hiểu về Phật giáo, nhất là thế hệ trẻ hiện nay.

Tóm lại, nghiên cứu lịch sử Phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ được viết trên nhiều chủ đề lịch sử khác nhau, nhưng lại là giống nhau.Sự giống nhau về mục đích ôn lại lịch sử huy hoàng của dân tộc và Phật giáo Việt Nam đã trải qua.Những công trình đầy tính khoa học này đã được đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Phật học qua các số, năm khác nhau, đã đóng góp cho lịch sử nghiên cứu Phật học.

2. Về mặt triết học Phật giáo, đời sống xã hội

Vốn dĩ triết học Phật giáo đã tự mang sẵn trong minh bản thể và nhận thức luận triết học, với mục đích hướng đến cái thiện, giải thoát tri kiến, nên đã có những kinh, luận, bài thuyết pháp, … Phật giáo hướng giúp con người trở nên tốt hơn. Bởi vậy, trên lĩnh vực triết học Phật giáo là một khía cạnh rất quan trọng trong việc học tập, nghiên cứu. Nên nhiều công trình nghiên cứu Phật học ra đời, đã được xuất bản và ấn hành trên Tạp chí Nghiên cứu Phật học.

Triết học Phật giáo với đầy đủ bản thể luận và nhận thức luận như mọi triết học khác, với “Vài nét về nhận thức luận triết học Phật giáo”[2] đã trình bày rõ ràng “Phật giáo cho rằng, con người có sáu năng lực nhận biết về đối tượng, gọi là Lục căn: nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý” một ví dụ điển hình về triết học Phật giáo.

Triết học nói chung và triết học Phật giáo nói riêng đưa ta đến nhận thức của con người về các vấn đề khác nhau của sự vật, hiện tượng và cuộc sống. Trong đó, triết học Phật giáo vừa mang tính chung vừa mang tính riêng của trường phái. Nên triết học Phật giáo không chỉ là khoa học, mà còn là tâm linh, đời sống – triết lý con người. Mỗi tác giả nghiên cứu các khía cạnh khác nhau của triết học Phật giáo nên sẽ khác nhau, tạo nên đóng góp riêng của mỗi người nghiên cứu.

Không chỉ là sự đóng góp riêng của tác giả, mà có thêm đâng tải của Tạp chí nghiên cứu Phật học đã góp một phần đưa những nghiên cứu đến tay người đọc một cách gần hơn, là một kho tư liệu quý giá về chủ đề triết học, triết lý Phật giáo.

3. Phương diện tìm hiểu giáo lý - giáo pháp

Đây là một khía cạnh tìm hiểu sâu về giáo lý, giáo pháp của kinh điển Phật giáo mà Ngài Thích Ca đã để lại hơn 2500 năm nay, một thời đại mới - khi mà tâm tính, đạo đức con người đã trở nên bại hoại, với những chấp kiến đầy tội lỗi nhưng vẫn có thể giáo hóa được. Tuy mỗi học giả nghiên cứu giáo lý theo nhiều phương diện tiếp cận vấn đề khác nhau, có thể là dựa vào kinh điển, kinh nghiệm cá nhân hoặc tính chất thời đại, … Nhưng, đều nhằm mục đích chung là làm sáng tỏ lại những phương cách tìm hiểu, tiếp cận Phật giáo.

Trong “Kinh Phật và học kinh Phật”[3], tác giả đưa ra “Kinh điển Phật giáo là rất đồ sộ, bao la, vì vậy mà khi tìm hiểu chúng ta sẽ có nhiều cách để tiếp cận Phật giáo. Và một số công trình quan trọng khác cũng đã nêu lên những cách tiếp cận khác nhau.

4. Trên phương diện nghệ thuật - kiến trúc Phật giáo,

Gồm rất nhiều công trình tìm hiểu về lịch sử biến đổi của kiến trúc Phật giáo Việt Nam, thế giới, khái quát những nét đẹp riêng của một số chùa, chiền, am, tự và các yếu tố Phật giáo. Qua đó chúng ta có thể thấy được, những sự phong phú về các loại hình nghệ thuật - kiến trúc cũng thể hiện sự phân biệt Phật giáo với các tôn giáo khác. Sự biến đổi của thời đại cũng tạo nên sự thích ứng cho phù hợp của kiến trúc mới, tuy vẫn giữ được nét truyền thống, như trong “Trào lưu mới trong kiến trúc Phật giáo Việt Nam”[4] đã lột tả được quá trình biến đổi của kiến trúc Phật giáo Việt Nam theo biến đổi của lịch sử - xã hội.Và nghệ thuật Phật giáo đẹp nhất chính là nghệ thuật “điều tâm” của người tu hành.

5. Phương diện ngoại giao - hợp tác tôn giáo

Hợp tác quốc tế về Phật giáo, chúng ta có sự kiện Vesak, trong nước là các sự kiện ôn lại, tưởng nhớ đến các vị tăng, ni, …của lịch sử đã có những đóng góp riêng; các sự kiện nhìn lại sự thành lập các phân viện, tổ chức Phật giáo, những thảo luận về định hướng Phật giáo ở các vùng, khu vực riêng ở trong nước. Như gần đây là lễ kỷ niệm của Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội và Tạp chí Nghiên cứu Phật học với chủ đề “30 năm Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội và Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Thành tựu và định hướng”[5] sẽ được tổ chức để nhằm ôn lại lịch sử hình thành, nghiên cứu, cũng như tri ân các tác giả, tăng, ni, hòa thượng,… đã có những đóng góp cho sự phát triển trong 30 năm qua.

Đối với Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội và cơ quan ngôn luận Tạp chí Nghiên cứu Phật học thì sự hợp tác quốc tế đã có từ rất lâu, trong “Phật giáo Việt Nam từ năm 1945 - 1954”[6] nhập Phật giáo Việt Nam với quốc tế, điển hình là “ngày 13/5/1951 (8/4 âm lịch) Văn phòng Trung tâm Đại phương Hội Phật giáo Thế giới đặt tại chùa Quán Sứ khai trương và lễ thượng kỳ Phật giáo lần đầu tiên cử hành được cử hành tại Việt Nam”. Và trên mặt học thuật thì Tạp chí Nghiên cứu Phật học được sự tài trợ của quốc tế “Tạp chí Nghiên cứu Phật học, một Tạp chí Chuyên ngành được Thư viện Quốc hội Mỹ bảo trợ cấp bản quyền Nghiên cứu”[7]. Việc hợp tác nghiên cứu là rất thiết trong bối cảnh hội nhập toàn cầu trên tất cả các lĩnh vực quốc tế hiện nay, trong đó có cả tôn giáo - Phật giáo Việt Nam.

6. Phương diện tu học - ứng dụng

Đây là công việc đi từ giáo pháp đến thực hành, với những phương pháp sẵn có của mình để tu hành, trong “Con đường thành Phật”[8], tác giả nêu lên “ai cũng có thể thành Phật nếu tu tập cho đầy đủ phước đức, trí tuệ” đã khẳng định.

Phật dạy: pháp là để thực hành. đề tu học, nhiều bài viết đã chỉ ra cái chính nhất của phương pháp tu hành Phật giáo - cách mà chính Ngài Thích Ca đã thành Phật là dùng thiền định, có “Đức Gampopa và những khai thị khi hành thiền”[9] là một ví dụ về phương pháp. Việc tìm hiểu, nghiên cứu ứng dụng để xâm nhập vào thực tiễn như để giải quyết vấn đề bệnh tật, tâm - sinh lý, tâm linh, … trong thời hiện đại. Đó là “Thử dùng thuyết luân hồi để giải thích Hiện tượng đồng tính luyến ái”[10], là một trong các minh chứng cụ thể.

Ta còn thấy được cái hay của sự ứng dụng đề bệnh tật con người là “Bệnh dưới lăng kính Phật giáo”[11] đã đáp ứng được nhu cầu xã hội khi tìm hiểu bề bệnh tật, trong khi mà đại dịch thế giới đang diễn ra, và “Chính ngữ: Giải pháp phòng, chống bạo hành bằng lời nói”[12] bởi “chính ngữ” một phương tiện Phật giáo để “phát triển những giá trị đạo đức của một con người cũng chính là để chấm dứt bạo hành bằng lời nói”.

II. VAI TRÒ, ĐỊNH HƯỚNG

Phân viện Nghiên cứu Phật học và Tạp chí Nghiên cứu Phật học không những là một trong các trung tâm nghiên cứu về Phật giáo tại Việt Nam về học thuật trong việc dịch, in ấn, xuất bản ấn phẩm nghiên cứu Phật giáo, mà còn có vai trò như là một kênh thông tin - truyền thông, có chức năng hoằng pháp, truyền bá tư tưởng Phật giáo đến tất cả công chúng. Đây là một chức năng - vai trò truyền thông của Phân viện cũng như Tạp chí Nghiên cứu Phật học.

Trong bối cảnh công nghiệp thời 4.0[13] như hiện nay thì việc trở thành một trung tâm truyền thông lớn trên internet là một lợi thế, và hiển nhiên. Nhưng lại là một bất cập rất lớn khi mà lượng thông tin có của công nghệ này quá lớn, nên dễ gây ra tình trạng: thông tin bị phân hóa; xuyên tạc so với sự thật; các công trình khoa học có thể bị đánh cắp hoặc trùng lặp; việc cắt xén - lồng ghép tư tưởng này với tư tưởng khác để tạo thành một hệ tư tưởng riêng;… Nên, chúng tôi cũng ngỏ ý một số ý nho nhỏ để đóng góp trong việc định hướng của Tạp chí Nghiên cứu Phật học trong một vài nội dung sau đây:

Thứ nhất, lựa chọn cho việc in ấn - xuất bản để công bố trên Tạp chí gồm bản in giấy và bản trực tuyến Internet nên có sự kiểm tra, sàng lọc cẩn thận, kỹ càng trong việc các công trình nghiên cứu hiện nay xem có bị sai với sự thật hay không?; Có phải công trình này là sự suy diễn và có sự xuyên tạc kinh điển Phật giáo hay không?. Bởi, nhận thấy xuất hiện nhiều tư tưởng, trường phái Phật giáo đã có những ấn phẩm, sách, những công bố đã kết luận một cách sai lầm những gì mà Đạo Phật nói chung đã có, và riêng những gì Phật Thích Ca đã dạy. Nên, chúng tôi đưa ra ý nhỏ này mong muốn Tạp chí nên kiểm tra kỹ càng nhất để tránh những tư tưởng, pháp môn có sự xuyên tạc kinh điển để tạo cho mình một trường phái lý thuyết riêng. Một công trình có sự sai lệch có thể dẫn người đọc hoặc một Phật tử nào đó đi sai con đường và dẫn tới bế tắc trong sự lựa chọn việc đọc, học và thực hành tu tập Phật pháp. Bất kỳ một sự nghiên cứu mới nào về Phật học nhất là kinh điển - tất nhiên chúng tôi không cho rằng, kinh điển nào cũng là đúng hoàn toàn. Dựa trên nền tảng gốc đó, chúng ta sẽ dễ xem xét hơn trong bối cảnh hiện nay có sự lồng ghép về tôn giáo nhất làm cho một số tư tưởng, phương pháp Phật giáo bị mất đi, các nhà nghiên cứu không thể nào kiểm chứng được tính đúng sai, họ vẫn có thể bị hiểu nhầm, cả việc tham khảo ý kiến của một số người tu học nhưng bị tư tưởng trường phái mang tính lý thuyết sai khác làm lệch tính chính xác, tính khoa học của vấn đề nghiên cứu.

Thứ hai, về mặt nghiên cứu, theo chúng tôi, mảng nào cũng là cần thiết và quan trọng. Ví dụ mảng giáo lý - lịch sử - triết học là không thể bị loại bỏ hay là hạ xuống thấp hơn mảng khác. Tuy nhiên, theo thực trạng phân hóa hiện nay về giáo lý - giáo pháp, thời kỳ mà Phật giáo vừa có bước tiến mới khi có các trung tâm nghiên cứu Phật học chuyên nghiệp cùng các cơ quan ngôn luận của mình là các tạp chí, kênh truyền thông khác. Hiện thực con người bị thoái hóa về đạo đức và gây nhiều tội lỗi nhưng tâm tính vẫn có thể uốn nắn và truyền dạy được, nên chúng tôi cũng ngỏ ý muốn Tạp chí Nghiên cứu Phật học phát triển thêm và hơn nữa phần Phật học, Phật pháp ứng dụng để đi vào thực tiễn xã hội hiện nay hơn, là sự cấp thiết của hiện tại đang có nhu cầu rất lớn. Như về tình hình bệnh tật, sức khỏe, tâm - sinh lý, phương pháp tu hánh, tâm linh đúng đắn, và một số sự ứng dụng trên các mặt khác của người Việt Nam. Chất lượng cuộc sống đã được nâng cao thì con người dường như càng trở về tâm linh nhiều hơn, có lẽ đó là một phần rất thiếu của con người hiện nay. Tóm lại, phần ứng dụng của Phật học (nằm trong mục Trao đổi - Nghiên cứu; Phật pháp và Đời sống) là một xu hướng phát triển sẽ rất tích cực ở trong tương lai, một sự ứng dụng tìm hiểu đúng Phật pháp có thể làm cho một người tránh được “tình trạng mê tín dị đoan”[14], vừa có tác dụng giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn Phật giáo, là một con đường ngắn nhất để học và tìm hiểu.

Trên đây là một số nhận xét, đánh giá chung của chúng tôi về lịch sử nghiên cứu của các tác giả đã được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Phật học trong 30 năm qua. Cùng một số những đề xuất nho nhỏ để chúng ta cùng thảo luận về phương hướng phát triển ở tương lai nghiên cứu của Phân viện và Tạp chí Nghiên cứu Phật học./.

Ths. Hoàng Văn Thuận HỘI THẢO KHOA HỌC: “30 năm Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội & Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Thành tựu và Định hướng”

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Linh Chi (1997), Kinh Phật và học kinh Phật, Tạp chí nghiên cứu Phật học, tr 26 - 27. 2. La Sơn Phúc Cường (2020), Đức Gampopa và những khai thịkhi hành thiền, Tạp chí nghiên cứu Phật học, số 1, tr. 51 - 56. 3. Nguyễn Đại Đồng (2014), Phật giáo Việt Nam giai đoạn 1945 - 1954, Tạp chí nghiên cứu Phật học, số 4, tr. 22 - 27. 4. Đinh Hồng Hải (2005), Trào lưu mới trong kiến trúc Phật giáo Việt Nam, Tạp chí nghiên cứu Phật học, số 2, tr. 64 - 66. 5. Phạm Ngoc Hiển (2005), Thử dùng thuyết luân hồi để giải thích Hiện tượng đồng tính luyến ái, Tạp chí nghiên cứu Phật học, số 7, tr. 57 - 58. 6. Lê Thị Ngọc Phượng (2020), Chính ngữ: Giải pháp phòng, chống bại hành bằng lời nói, Tạp chí nghiên cứu Phật học, số 5, tr. 55 - 58. 7. Trần Huy Tạo (2016), Vài nét về nhận thức luận trong triết học Phật giáo, Tạp chí nghiên cứu Phật giáo, số 7, tr 25 - 29. 8. Lê Hữu Tuấn (2002), Con đường thành Phật, Tạp chí nghiên cứu Phật học, số 5 + 6, tr. 5 -7. 9. Thích Không Tú (2020), Bệnh dưới lăng kính Phật giáo, Tạp chí nghiên cứu Phật học, số 5, tr. 35 - 37. 10. Đức Thiện (2002), Nguồn gốc ra đời của Đạo Phật: Từ góc nhìn xã hội học, Tạp chí nghiên cứu Phật học số 3, tr.9 - 11. 11. Thư mời Hội thảo khoa học của Phân viện Nghiên cứu Phật học và Tạp chí Nghiên cứu Phật học năm 2020. 12. Website: https://vi.wikipedia.org. 13. Website: https://tapchinghiencuuphathoc.com. 14. Website: https://laodong.vn/thoi-su/van-hoa-tam-linh-me-tin-di-doan-va-nhung-tac-dong-2-chieu-den-xa-hoi-736334.ldo. 15.Website:https://thuvienhoasen.org/a34405/thu-thinh-moi-viet-bai-nghien-cuu-tren-tap-chi-nghien-cuu-phat-hoc. 16. Website: https://repository.vnu.edu.vn.

CHÚ THÍCH [1] Đức Thiện (2002), Nguồn gốc ra đời của Đạo Phật: Từ góc nhìn xã hội học, Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 3, tr.9 - 11. [2]Trần Huy Tạo (2016), Vài nét về nhận thức luận trong triết học Phật giáo, Tạp chí nghiên cứu Phật giáo, số 7, tr 25 - 29. [3] Linh Chi (1997), Kinh Phật và học kinh Phật, Tạp chí nghiên cứu Phật học, tr 26 - 27. [4] Đinh Hồng Hải (2005), Trào lưu mới trong kiến trúc Phật giáo Việt Nam, Tạp chí nghiên cứu Phật học, số 2, tr. 64 - 66. [5] Trích trong thư mời Tham gia hội thảo của Tạp chí nghiên cứu Phật học năm 2020. [6] Nguyễn Đại Đồng (2014), Phật giáo Việt Nam giai đoạn 1945 - 1954, Tạp chí nghiên cứu Phật học, số 4, tr. 22 - 27. [7]https://thuvienhoasen.org/a34405/thu-thinh-moi-viet-bai-nghien-cuu-tren-tap-chi-nghien-cuu-phat-hoc. [8] Lê Hữu Tuấn (2002), Con đường thành Phật, Tạp chí nghiên cứu Phật học, số 5 + 6, tr. 5 -7. [9] La Sơn Phúc Cường (2020), Đức Gampopa và những khai thị khi hành thiền, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 1, tr. 51 - 56. [10] Phạm Ngoc Hiển (2005), Thử dùng thuyết luân hồi để giải thích Hiện tượng đồng tính luyến ái, Tạp chí nghiên cứu Phật học, số 7, tr. 57 - 58. [11] Thích Không Tú (2020), Bệnh dưới lăng kính Phật giáo, Tạp chí nghiên cứu Phật học, sô 5, tr. 35 - 37. [12] Lê Thị Ngọc Phượng (2020), Chính ngữ: Giải pháp phòng, chống bại hành bằng lời nói, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 5, tr. 55 - 58. [13]https://vi.wikipedia.org/. [14]https://laodong.vn/thoi-su/van-hoa-tam-linh-me-tin-di-doan-va-nhung-tac-dong-2-chieu-den-xa-hoi-736334.ldo.