Trang chủ Nguyên thủy Chơn Như Tạo duyên giáo hóa chúng sanh (Phần 5 )

Tạo duyên giáo hóa chúng sanh (Phần 5 )

Xưa đức Thế Tôn không có nuôi một vị tỳ kheo nào hết. Các vị muốn tu theo đạo Phật phải tự đi xin mà ăn. Chúng tôi bây giờ cũng vậy, là người xin ăn ở trọ. Chúng tôi đâu dám làm phiền những vị cư sĩ này, vì kinh tế gia đình của họ có mức độ.

Đăng bởi: Phí Thanh Hoa
ISSN: 2734-9195

Xả bỏ Danh lợi

TCNCPH Phatgiaonguyenthuy TaoduyengiaohoachungsinhP5 1 Kính thưa quí vị tu sĩ tăng, ni và phật tử, bây giờ chúng ta nên trở lại vấn đề. Sau khi được nghe chúng tôi kể lại sự tu hành và chỉ định ông Thầy của quí vị, quí vị phải cẩn thận nghiên cứu kỹ, pháp môn nào tu được, pháp môn nào không tu được, pháp môn nào của chính đức Phật, còn pháp môn nào không phải của đức Phật, và ai là ông Thầy của quí vị.

Do sự cẩn thận suy xét, chúng tôi tin chắc rằng quí vị sẽ hướng về chúng tôi. Nhưng kính thưa quí vị, chúng tôi là những tu sĩ Phật giáo, chúng tôi đâu có chùa, đâu có chỗ ăn, chỗ ở cho quí vị, chúng tôi là những người ăn xin, ở trọ của người khác.

Khi nghe chúng tôi nói đến đây, quí vị rất lấy làm ngạc nhiên có phải vậy không? Tuy quí vị chưa dám nói ra, nhưng tự nghi vấn trong lòng rằng: Tu viện Chơn Như trước mắt đây mà Thầy nói rằng Thầy không có chùa, thì bảo sao chúng tôi tin được?

Xin thưa với quí vị phật tử, từ những khu đất rộng rãi này đến những ngôi nhà chư tăng, ni ở, cùng trai đường, nhà bếp, điện thờ Phật, Thiền đường, Tổ đường, phòng vệ sinh, phòng tắm, hồ nước và tất cả tài sản trong chùa đều của các cư sĩ như: Cô Út Diệu Quang ở đây, vợ chồng Chơn Tâm, Tâm Như, Tâm Giác, Như Trì, Như Lý, vợ chồng Minh Tâm, cô Diệu Tâm, Diệu Mỹ, ông Mười, Diệu Hương, vợ chồng Thiện Hiển, Ngộ Ngọc và Cháu Tùng v.v…​

Còn những cái ăn cái mặc hàng ngày cũng đều do các cư sĩ này và nhiều cư sĩ khác nữa. Từng thùng gạo, từng ổ bánh mì, từng chai nước tương, từng hạt muối, đường, sữa, trái cây, xà bông, bột ngọt, vải xồ, y áo và thuốc thang trị bệnh. Cho nên, chúng tôi đâu có gì để nuôi quí vị.

Xưa đức Thế Tôn không có nuôi một vị tỳ kheo nào hết. Các vị muốn tu theo đạo Phật phải tự đi xin mà ăn. Chúng tôi bây giờ cũng vậy, là người xin ăn ở trọ. Chúng tôi đâu dám làm phiền những vị cư sĩ này, vì kinh tế gia đình của họ có mức độ.

Kính thưa quí vị, chúng tôi là những tu sĩ Phật giáo không bao giờ dám mở miệng xin tiền cất chùa, hoặc xin tiền để làm những việc gì khác cho cá nhân mình. Vì đức Phật và giới luật không có dạy chúng tôi làm điều đó. Nếu quí vị phật tử có nghĩ đến chúng tôi là những kẻ tu hành chơn chánh, thì cúng dường cho chúng tôi được no lòng và y áo được lành lặn. Còn không cúng dường thì chúng tôi chịu đói lòng và rách nát.

Dù sống trong cảnh trạng như vậy, chúng tôi cũng chẳng hề mở miệng than thở, xin xỏ cùng ai. Còn ngược lại, quí vị cúng dường mà không có tâm thành thì chúng tôi thà chịu đói, chứ không thọ dụng. Cúng dường những vật dụng không đúng chánh pháp thì chúng tôi cũng chẳng dùng.

Chúng tôi là những tu sĩ Phật giáo nghiêm khắc mình trong giới luật, không thể dùng những lời hoa mỹ đẹp đẽ, giả dối đạo đức để lừa gạt người, làm danh, làm lợi cho mình. Chúng tôi là những tu sĩ Phật giáo không dám dùng những điều mê tín, dị đoan, bùa linh, chú thuật giỏi, nói chuyện quá khứ, vị lai như coi bói, xem tướng, coi sao, giải hạn để gạt người bằng cách vô lương tâm. Gây tạo sự mê tín cho muôn người là điều bất chánh, phi đạo đức.

Chúng tôi là những tu sĩ Phật giáo, không thể tổ chức hành hương đi chỗ này, chỗ kia, hoặc đi mười chùa, hai mươi chùa, để khéo léo móc túi tiền của phật tử ham vui thích đi.

Kính thưa quí vị tu sĩ tăng, ni và cư sĩ phật tử, vì thế chúng tôi không có chùa, không có cơm để ban cho quí vị ăn, không có áo để cho quí vị mặc. Chúng tôi là những người giải thoát hoàn toàn, không có gì cả, ngoài cái bát để ăn cơm hàng ngày và vài bộ y áo để mặc kín thân. Nếu quí vị muốn tu theo chúng tôi, thì chỉ khi nào có những vị cư sĩ tự phát tâm cúng dường, chứ quí vị không được kêu gọi họ. Khi nào quí vị có chỗ ăn, chỗ ở, thì quí vị thỉnh mời chúng tôi về đó.

Chúng tôi sẽ cho người hướng dẫn quí vị tu hành. Khi quí vị tu xong thì cũng là lúc chúng tôi sẽ liền rời khỏi nơi đó và ẩn mình trong hang đá, gốc cây. Chúng tôi là những người đã sống buông xả hết, vì thế chúng tôi được tự tại giải thoát, không còn vướng bận chuyện trần ai. Khi đủ duyên, chúng tôi hướng dẫn quí vị, thiếu duyên, chúng tôi ẩn mình trong núi hoặc nơi thanh vắng ít người, quí vị khó lòng mà tìm. Sau ngày ra thất, quí vị có về Chơn Như nhưng quí vị cũng khó mà gặp lại chúng tôi.

Kính thưa quí vị tu sĩ tăng, ni và phật tử, nếu quí vị muốn học kinh nguyên thủy thì quí vị đến Hoà thượng Thích Minh Châu ở thiền viện Vạn Hạnh thành phố H.C.M, nếu quí vị muốn tu thiền Đông Độ thì quí vị hãy đến Hoà thượng Thích Thanh Từ ở thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt.

Nếu quí vị muốn tu theo Tịnh Độ thì quí vị hãy đến Hoà thượng Thích Trí Tịnh ở chùa Vạn Đức Thủ Đức, nếu quí vị muốn tu theo Mật Tông thì quí vị hãy đến Hòa thượng Thích Tịch Chiếu ở Bình Dương, nếu quí vị muốn tu theo thiền Đốn Ngộ thì quí vị hãy đến Hòa thượng Bửu Thắng ở Gò Công, nếu quí vị muốn tu theo thiền Công Án thì quí vị hãy đến Hòa thượng Duy Luật ở chùa Từ Ân, Chợ Lớn thành phố H.C.M. Tất cả những vị này sẽ chỉ dạy cho quí vị đúng với sở nguyện của mình.

Kính thưa quí vị tu sĩ tăng, ni và cư sĩ phật tử, tại sao Tu viện Chơn Như không đề Thiền viện Chơn Như? Chúng tôi ở đây tu theo ba pháp môn Giới, Định, Tuệ nên không thể nào đề Thiền viện được, vì thế chúng tôi dùng chữ Tu viện mới đúng nghĩa của ba pháp môn này. Ngày xưa, đức Phật không tự xưng mình là Thiền sư, mà chỉ xưng mình là bậc Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn.

Kính thưa quí vị tu sĩ tăng, ni và nam nữ cư sĩ phật tử, một sự vô ý hay hữu ý mà người ta chạy theo xu hướng Thiền Tông rầm rộ, rồi tự đặt tên chùa là Thiền viện này, Thiền viện nọ, để thu hút lòng hiếu tu thiền của người phật tử. Chúng tôi tu theo đạo Phật, không bị chạy theo mọi xu hướng của thời đại và mọi phong trào của quần chúng.

Chúng tôi luôn luôn tự xét mình làm cái gì đúng và làm cái gì sai, để không lầm lỗi, để không bị ảnh hưởng mọi phong tục tập quán của con người. Vì vậy tên Tu Viện Chơn Như vẫn đứng vững vàng, không bị ảnh hưởng của Thầy, Tổ. Chùa xây cất bằng tầm vông liếp đan, nhưng mãi mãi muôn đời người ta sẽ ghi nhớ, không quên.

Chúng tôi không phải Phật, Bồ tát, A la hán

Kính thưa quí vị tu sĩ tăng, ni và cư sĩ phật tử, hôm nay, khi được nghe chúng tôi kể lại sự tu hành, xin quí vị đừng nghĩ rằng chúng tôi là Phật, là Bồ Tát, là A La Hán. Chúng tôi tu hành chẳng có chứng đắc gì cả. Chỉ hằng ngày tu tập làm chủ thân tâm của mình. Lâu ngày chúng tôi làm chủ được nó nên không thể nào gọi là Phật, là Bồ Tát, là A La Hán. Vì chúng tôi thấy mình cũng bằng xương, bằng thịt như chính quí vị vậy, cũng cười, cũng nói vui vẻ như quí vị.

Vì thế, chúng tôi chẳng phải Phật, Bồ Tát, A La Hán. Chúng tôi chỉ là con người như bao nhiêu người khác, nhưng nhờ tu tập làm chủ thân tâm, chúng tôi trở thành con người biết cách làm chủ mình, nên tâm không buông lung, phóng dật, thân không hành động thô ác, miệng không nói lời hung dữ, gian dối, xảo trá, ý không khởi niệm xằng bậy.

Chúng tôi cũng chẳng phải là Thánh đức, Hiền nhân, Siêu nhân. Chúng tôi là con người bình thường như bao con người khác. Nhưng có điều, chúng tôi biết chắc rằng chúng tôi không bao giờ làm khổ mình, khổ người, và cũng biết chắc rằng chúng tôi chẳng có thần thông phép tắc gì cả. Chúng tôi không thể kêu mây, hóa lửa, làm gió, và cũng chẳng biết chuyện quá khứ, vị lai của ai.

Chúng tôi chỉ biết đủ, và không cầu mong gì hết. Cho nên, quí vị đừng đảnh lễ chúng tôi. Chúng tôi không phải là Thầy của quí vị, và cũng không phải vị tổ sư nào cả, chúng tôi cũng không phải Bồ Tát, A La Hán nữa. Chúng tôi cũng bình đẳng và bình thường như quí vị. Chúng tôi là bạn lành của quí vị, khi quí vị muốn.

Chúng tôi xin nhắc lại một lần nữa, lưu ý quí vị, chúng tôi là bạn lành của quí vị. Vậy, từ nay về sau, quí vị đừng đảnh lễ chúng tôi. Nếu quí vị đảnh lễ chúng tôi là quí vị đã làm cách xa chúng tôi với quí vị. Quí vị đã biến chúng tôi thành ông Thần, ông Thánh, ông Vua để quí vị lạy, chứ không phải quí vị theo chúng tôi để tu hành.

Đạo Phật là một tôn giáo không có giai cấp, thế mà quí vị biến chúng tôi thành giai cấp bề trên, để cho quí vị không bao giờ dám mở miệng khuyên răn, khi chúng tôi làm những điều sai với đạo Phật. Nhiều khi quí vị còn a dua theo chúng tôi, để bây giờ quí vị chứng kiến sự tệ hại của Phật giáo đến tận cùng.

Kính thưa quí vị, chúng tôi xin quí vị mỗi lần gặp nhau đều chấp tay lên xá nhau, là đủ lắm rồi. Vì đôi bàn tay của quí vị chấp lại tượng trưng cho búp sen. Sen là một loài thảo mộc, mọc dưới nước bùn nhơ hôi thối, thế mà hoa sen vươn lên không hôi thối mùi bùn, mà còn toả hương thơm ngát.

Cũng giống như chúng ta vậy, sống trong cõi đời đầy ô trược, mà luôn luôn lúc nào cũng giữ thân tâm trong sạch như hoa sen kia vậy. Chúng ta chấp tay lại là tượng trưng cho hoa sen, đó là nói lên được lòng trong sạch, thanh khiết của chúng ta kính cẩn, chân thành chào nhau, thì trên đời này không có gì quí bằng.

Kính thưa quí vị tu sĩ tăng, ni và cư sĩ phật tử, các bậc tôn túc, thầy, tổ của chúng ta đã bị ảnh hưởng bởi vua chúa phong kiến quá nặng, nên cuộc sống của các Ngài đều tỏa mùi phong kiến, khiến cho nhân phẩm bình đẳng của con người mất đi (dân lạy quan, quan lạy vua), và tình cảm của chúng ta bị xa cách vì giai cấp quân thần.

Thưa quí vị, những gì chúng ta làm là chúng ta phải có ý thức đầy đủ, đừng để phong tục tập quán của con người đồng hóa Phật giáo, mà người ta coi rẻ và khinh thường đạo Phật.

–o0o–

Tổng hợp các pháp theo kiến giải

TCNCPH Phatgiaonguyenthuy TaoduyengiaohoachungsinhP5 2

Kính thưa quí vị tu sĩ tăng, ni và cư sĩ phật tử, bây giờ chúng ta dừng câu chuyện tại đây, để trả lời bức thư của một người phật tử, gửi đến hỏi chúng tôi cách thức tu hành của vị này có đúng hay không. Chúng tôi xin trả lời và xin mời người chủ của bức thơ chú ý nghe.

Trong thư, phật tử đã nêu năm pháp môn của kinh sách phát triển, gồm có:

1 – Quán tâm theo kiểu Đại thừa

2 – Mật Tông thần chú

3 – Tịnh Độ

4 – Giới Luật

5 – Hơi thở

Phật tử đã tổng hợp 5 pháp môn này làm thành một pháp môn để tu hành. Tuy trước mắt phật tử có một lợi nhỏ, nhưng tu lâu về sau không nhập được các chánh định của Phật, phần nhiều nhập vào định tưởng. Cách thức mà phật tử đã trình trong thơ, chúng tôi nghiệm xét thấy:

1 – Quán tâm chẳng ra quán tâm

2 – Mật Tông chẳng ra Mật Tông

3 – Tịnh Độ chẳng ra Tịnh Độ

4 – Giới Luật chẳng ra Giới Luật

5 – Hơi thở chẳng ra hơi thở

Trong thư, phật tử còn cho chúng tôi biết kết quả ưu điểm của sự tu tập này:

1- Lúc nào con cũng thấy tâm con vui an lạc. Tối nằm xuống là ngủ liền, không trằn trọc, không chiêm bao mộng mị, không cảm thấy nhớ nhung gia đình, lòng dạ rỗng rang vô tư lự như trẻ con.

2- Trạng thái thiền định của con cũng tốt, không bao giờ bị tán loạn, hôn trầm. Con định tâm cũng dễ, đôi khi hơi thở và câu niệm Phật của con chỉ còn mong manh, nhu nhuyễn như một sợi chỉ. Con chìm đắm trong một trạng thái tĩnh lặng rất dễ chịu, nhưng con vẫn tỉnh chứ không mê. Lúc đó, con hoàn toàn không cần một chút dụng công nào. Con chỉ để cho hơi thở ra vào một cách tự nhiên và nó tự nhẹ dần, chứ con không tác ý.

Kính thưa quí vị tu sĩ tăng, ni và cư sĩ phật tử, Chúng tôi xin trả lời gọn và dễ hiểu để không mất thì giờ. Theo lối tu tập của vị phật tử này, không có kinh nghiệm chuyên môn mà chỉ chạy theo an lạc do xúc tưởng hỷ lạc sinh ra. Lối tu này là của Phật giáo cổ truyền trong các chùa Tịnh Độ, thuộc Phật giáo cổ Sơn Môn, Lục Hòa Tăng, theo nghi thức tụng niệm của họ.

Xin thưa cùng quí vị, người phật tử này đang đi tìm dục lạc mới, hay đi tìm thế giới siêu hình thần thông phép lạ, trong các pháp môn thuộc hệ thống kinh sách phát triển, hơn là tìm tu giải thoát. Đó là một pháp môn tổng hợp Thiền, Tịnh, Mật của quốc sư Ngọc Lâm trong thời vua Nhà Thanh Trung Hoa.

Chúng tôi xin nhắc lại một lần nữa: “Người phật tử này đang đi tìm dục lạc mới, hay đi tìm thế giới siêu hình thần thông phép lạ, trong các pháp môn tổng hợp”. Tu như vậy không phải là người đi tìm sự giải thoát của đạo Phật. Đây cũng là một thứ bệnh tu hành của thời đại, cầu mong tìm hỷ lạc dễ chịu để trốn khổ trong cuộc sống, hay đi tìm một thứ cao siêu vượt bực khác của con người.

Kính thưa quí vị tu sĩ tăng, ni và cư sĩ phật tử, trong những ngày nhập thất, chúng tôi đã được biết có một số tăng, ni và phật tử đều thuộc giới có học thức, thế mà lại tu theo pháp môn của ngoại đạo. Những pháp môn này mạo danh là của đạo Phật.

Họ thường sống ẩn dật trong núi non, luyện tập bùa chú, thiền định xuất hồn, thiền định luyện tinh khí thần, thiền định luân xa, thiền định hiển linh vô vi tạo những điều linh hiển kỳ lạ, biến thế giới tâm tưởng thành thế giới siêu hình đầy dẫy linh hồn người chết, ma quái, quỉ, Thần, Thánh, Tiên, Phật, Trời…​

Đối với phật tử, những tu sĩ này thường phô trương tiên đoán chuyện quá khứ, vị lai của mọi người, thường làm thầy thuốc nam, thuốc bắc, hoặc bùa chú, hoặc truyền điển linh luân xa để trị bệnh, khiến cho mọi người mê tín lại càng thêm mê tín hơn.

Họ nói chuyện toàn là khoe khoang sự xuất hồn đi chu du trong các cõi Tiên, cõi Phật, và làm những điều thần thông quái lạ khiến cho mọi người say mê, thích thú và phục lăn họ, xem họ như Phật sống, như Thần, Thánh, Tiên đang sống tại thế gian vậy. Đó là những hành động dối gạt, bịp người, làm những điều sai trái phạm vào giới luật của Phật.

Xưa, đức Phật thường cấm các đệ tử không được thể hiện thần thông, không được làm những điều kỳ lạ, vì đức Phật cho những thần thông biến hóa và biết chuyện quá khứ và vị lai là những trò huyễn hóa lừa đảo người. Những tu sĩ này đã biến Phật giáo thành một tôn giáo mê tín dị đoan, và như vậy là xa lìa mục đích tu hành chân chánh của đạo Phật, khiến cho hàng phật tử lòng dạ hoang mang, chẳng biết Phật pháp như thế nào đúng và như thế nào sai. Giống như người đứng trước ngã ba đường, chẳng biết đi ngõ nào.

Hình ảnh Tế Công Phật sống, tức là Tế Điên hòa thượng và Phật sống Cựu Kim Sơn, đó là những hình ảnh tu sĩ ma quái, mượn danh nghĩa Phật giáo luyện thần thông trị bệnh, làm những điều mê tín, dị đoan, “cứu thế độ dân”. Đó là những hành động mê hoặc chúng sanh; đó là những hành động phá hoại giới luật, đức hạnh giải thoát và những oai nghi tế hạnh của đạo Phật. Xưa, đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, các Thầy hãy giữ gìn Giới Luật của ta nghiêm túc thì hàng phật tử sẽ kính mộ các Thầy, thường quì xuống trải tóc dài trên đường cho quí Thầy đi”.

Đối với những hạng tu sĩ ma quái như Tế Điên Tăng và Phật sống Cựu Kim Sơn, hiện giờ có người vẫn còn tin đó là Phật sống và còn phổ biến kinh sách ca ngợi những hạng người này. Họ đâu biết rằng sự sống chết đau khổ của cuộc đời con người là do nhân quả, không thể có một Tế Điên Phật sống nào mà cứu họ được. Cho dù có một ngàn Tế Công cũng chẳng cứu họ được.

Kính thưa quí vị tu sĩ tăng, ni và cư sĩ phật tử, đạo Phật là đạo làm chủ thân tâm, chứ không phải là đạo đi tìm sự an lạc tiêu cực trong cuộc sống, hoặc đi tìm thần thông phép lạ. Hầu hết quí phật tử đến chùa tu tập theo đạo Phật là đi tìm dục lạc mới trong tôn giáo, hoặc đi tìm sự an ủi tinh thần trong kinh điển, vì cuộc sống ở thế gian quá khổ sở, quá cay nghiệt, quá phiền toái, hoặc đi tìm thế giới siêu hình để thoả mãn lòng mơ tưởng của mình.

Chính vì thế, vô tình quí phật tử đã dùng tiền bạc sai quí thầy phục vụ tinh thần trong đời sống của quí vị. Quí vị cúng dường bố thí trai tăng là luôn luôn đòi hỏi quí thầy phải thuyết pháp, giảng kinh, hoặc cúng bái cầu siêu, cầu an, coi bói, xem tướng v.v…​ chứ không bao giờ quí vị đến cúng dường cho chư tăng bằng một tấm lòng cầu mong quí thầy giữ gìn giới luật thanh tịnh, để Tam Bảo được trường tồn. Quí vị đến chùa là đến với sự trao đổi, chứ không phải đến với tâm giữ gìn Phật pháp.

Còn riêng quí thầy, chư tăng, ni, cũng vì vật chất, tiền bạc, tình cảm, cuộc sống, cho nên đã để Phật giáo bị đồng hóa theo phong tục tập quán của con người. Từ đó, quí thầy, quí cô đã sản xuất ra những loại kinh sách cúng bái, tụng niệm như ca hát giọng cao, giọng thấp cúng vong, tiễn linh theo tiếng trống, tiếng kèn, tiếng mõ, nhạc dập dìu du dương ảo não, ru lòng người đam mê say thích. Tăng, ni tụng niệm giống như đào, kép hát tuồng, khiến cho tín đồ thích thú, và còn bày vẽ ra nhiều điều mê tín lừa đảo tín đồ nữa.

Gần hết các tu sĩ này đều phạm giới, phá giới luật của Phật. Rồi cũng từ đó, quí thầy biên soạn sản xuất ra những loại kinh sách để an ủi người phật tử khi đau ốm bệnh tật, khi sân hận thù oán, khi phiền não tái tê, khi ganh tỵ hơn thua và khi tử biệt phân ly.

Những kinh sách này không phải để tu hành làm chủ thân tâm, giải thoát sanh tử, nó chỉ là nguồn an ủi tinh thần làm dịu bớt cơn buồn khổ. Nhờ đó, mà quý thầy, quí cô mới tiêu thụ được món nợ trai tăng cúng dường của quí phật tử. Hay nói cách khác là trao đổi.

Phải nói, vì vật chất, tiền bạc, tình cảm và cuộc sống của quý thầy, quý cô mà đã biến quý thầy, quý cô trở thành những người phục dịch cho quí phật tử, từ cái ăn cho đến cái đi chơi, và mọi sự của quí phật tử mà quý thầy và quý cô đều phải lo hết. Do đó, quí thầy quý cô phải thức thâu đêm dịch kinh, viết sách cho quí phật tử đọc, quý thầy, quý cô cũng nặn đầu, bóp trán suy nghĩ tìm mọi cách tạo ra cây cảnh đẹp đẽ để cho phật tử du ngoạn thưởng thức. Như vậy, còn thì giờ đâu mà quý thầy, quý cô tu hành.

Tu hành không phải là một việc dễ làm, phải thường hằng tập sửa những sự sai lầm nơi mình, phải thường hằng gìn giữ giới luật nghiêm túc. Cho nên, không thể một sớm một chiều mà thành tựu được. Vì thế, quý Thầy đã trở thành những công nhân viên chức của quý phật tử mà không hề hay biết.

Kinh sách Phật được bày bán la liệt không có vẻ tôn nghiêm ngoài hè phố, ngoài lề đường, và cũng vì thế mà người tu theo Phật giáo thời nay rất là hời hợt. Những giới luật của Phật giáo con người thời đại ngày nay đã quên hết, chỉ còn biết làm danh, làm lợi trên những đống kinh sách này. Đem hết cuộc đời và công sức của mình, bỏ hết thì giờ quí báu, thay vì để tu tập giải thoát khỏi cảnh đời ô trược này thì quí thầy, quí cô lại chôn mình trong bùn lầy danh lợi hôi tanh, làm mất giá trị Pháp Bảo của Phật.

Quí thầy, quí cô nghiêm khắc mình trong giới luật, thực hiện thiền định sâu mầu là quí thầy, quí cô đã phổ biến Pháp Bảo quí báu nhất của Phật đến tận hang cùng, ngõ hẻm của con người, chứ không phải việc in kinh, viết kinh sách bày bán khắp chợ là phổ biến Pháp Bảo. Đó là quí thầy, quí cô đã ném Pháp Bảo xuống bùn nhơ hôi thối.

–o0o–

(Còn tiếp)

Tác giả: Trưởng Lão Thich Thông Lạc  Trích sách: Tạo duyên giáo hóa chúng sanh- Nhà xuất bản Tôn giáo

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường