Trang chủ Đời sống Tài sản của một người tu sĩ

Tài sản của một người tu sĩ

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Thích Nữ Thắng Tâm
NCS Khoa Triết – Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG-Tp.HCM
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 1/2023

Nhớ lại chặng đường đã đi qua với bao đau thương của tấm thân mang nhiều nghiệp chướng, mãi trôi lăn trong dòng đời vô thường biến đổi với bao hơn thua danh lợi, lắm lúc con người phải chà đạp lên nhau để mà sống.
Trước dòng đời vô thường chóng vánh, hố sinh tử khó ra, biết bao con người quyết bỏ lại sau lưng thú vui, danh lợi buộc ràng của trần thế để xuất gia học đạo tìm về bến bờ giải thoát.
Từ khoá: tài sản, người xuất gia, tu sĩ, Phật giáo.

1. Khái niệm về người xuất gia

Theo Từ điển Phật học Huệ Quang định nghĩa: “Xuất gia (S.Pravajya; C. 出家, Ba-phệ-nễ-da)là lìa bỏ sinh hoạt gia đình, chuyên tâm tu theo tịnh hạnh của Sa môn; cũng chỉ cho người xuất gia tu đạo, đồng nghĩa với Sa môn, Tỳ kheo. Vì xuất gia là xa lìa cõi thế tục nên còn gọi là Xuất trần. Xuất gia phải cạo bỏ râu tóc, không trang sức, đồng thời mặc y hoại sắc, nên xuất gia còn gọi là Lạc sức, Thế phát, Lạc phát nhiễm y, Thế phát nhiễm y, Thế nhiễm, Lạc nhiễm”[1].

Tiếng Pāli của hai chữ “xuất gia” là Nekkhamma, có nghĩa là khước từ những điều mơ ước của thế gian để chọn lấy sự sống thanh bần. Nekkhamma có nghĩa là vượt qua khỏi các pháp che lấp Niết Bàn bằng cách thực nghiệm con đường Giới, Định, Tuệ. Tại Ấn Độ, thời kỳ Vệ-đà đã có người xa rời cuộc sống thế gian, từ bỏ người thân trong gia đình để xuất gia cầu giải thoát. Sau đó, tín đồ Bà la môn giáo thực hành theo và đã chia thành 4 giai đoạn như sau:

1. Phạm hạnh kỳ: Theo vị thầy Bà la môn để học tập kinh điển Vệ Đà trong vòng khoảng 12 năm.

2. Gia trú kỳ: Người này lập gia đình và làm các nghề trong xã hội để mưu sinh, không vi phạm các giới điều của một tín đồ Bà la môn, tiến hành nghi thức thờ cúng tại gia đình và bố thí.

3. Lâm thế kỳ: Người này vào rừng ẩn tu, sống đời khổ hạnh.

4. Độn thế kỳ: Vị đó đi du phương khắp nơi bằng việc khất thực và hướng đến sự giải thoát của linh hồn.

Thuật ngữ “xuất gia” đã sớm có tại Ấn Độ với nhiều tôn giáo, trong đó có Bà la môn giáo. Thuật ngữ trong luật Tín ngưỡng, tôn giáo gọi là “nhà tu hành”. Trong chương I (Những quy định chung) của bộ luật này, định nghĩa như sau: “Nhà tu hành là tín đồ xuất gia, thường xuyên thực hiện nếp sống riêng theo giáo lý, giáo luật và quy định của tổ chức tôn giáo”[2].

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 1.2023 Tai San Cua Nguoi Tu Si 1

Đối với Phật giáo, một hành giả phát tâm vào chốn thiền môn tu học thì việc cạo sạch râu tóc chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, chủ yếu là “tu cải hành vi, xả ác thủ thiện, ly tục tùng đạo dã” (nghĩa là: sửa đổi hành vi, bỏ ác làm lành, lìa tục theo đạo) [3] tức là dứt trừ phiền não, cấu nhiễm nơi tâm. Chính vì thế, hành giả phát tâm cần phải lưu ý một số điều như:

1. Phát tâm Bồ đề kiên cố từ khi tập sự cho đến xuất gia.

2. Được sự chấp thuận của cha mẹ hoặc người giám hộ đối với lứa tuổi vị thành niên. Đối với những hành giả đã lập gia đình thì cần phải có sự đồng ý của người vợ hoặc chồng.

3. Hành giả không vi phạm pháp luật (buôn bán ma tuý, trộm cướp, hiếp dâm,…).

4. Vị đó không bị bệnh truyền nhiễm, tâm thần,…

5. Sau khi thế phát, vị sư phụ sẽ hướng dẫn người đệ tử hoàn thành các thủ tục xuất gia để được Ban Tăng sự tỉnh cấp giấy chứng nhận xuất gia[4].

Xuất gia có ba nghĩa:

1. Xuất thế tục gia: Hành giả ra khỏi ngôi nhà thế tục nơi trần thế, phát tâm cạo bỏ râu tóc, theo Thầy tu học Phật pháp.

2. Xuất phiền não gia: Hành giả nỗ lực tháng ngày tu tập dứt trừ những phiền não như tham, sân, si, mạn, nghi,… khép mình trong nếp sống thanh tịnh và hoà hợp của tăng đoàn.

3. Xuất tam giới gia: Hành giả ra khỏi ngôi nhà Tam giới (Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới). Đồng thời, trong Pháp uẩn túc luận có nêu bốn hạng người xuất gia:

1. Thân xuất gia, tâm tại gia (thân vào chùa học đạo nhưng tâm còn lưu luyến chuyện thế tục).

2. Thân tại gia, tâm xuất gia (trường hợp như người lớn tuổi hảo tâm xuất gia, nhưng không đủ sức khoẻ sống ở thiền môn nên xin phép bổn sư về tư gia tu học và gia đình chăm lo sức khoẻ; trường hợp như các vị cư sĩ hộ pháp thời chấn hưng Phật giáo như Tâm Minh Lê Đình Thám, Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha, Chánh Trí Mai Thọ Truyền,… tuy sống tại gia nhưng hoạt động mạnh trong hội Phật học, giảng dạy tại các Phật học đường, thuyết giảng nhiều đạo tràng, xuất bản tạp chí Phật giáo,…).

3. Thân tâm xuất gia (vị này niềm tin bất động đối với Tam bảo và Thánh giới, tinh tấn tu tập dứt trừ phiền não, chứng quả Bồ đề. Tiêu biểu như Sơ Tổ Phật hoàng Trần Nhân Tông, HT.Trí Tịnh, HT.Phổ Tuệ,…)

4. Thân tâm không xuất gia (vị này hình thức xuất gia nhưng chẳng khác gì người thế tục, tham dục đầy dẫy,… mà trong Sa di luật giải của HT.Hành Trụ có ghi là “húc cư sĩ” tức là cư sĩ trọc đầu).

Đệ tử Phật ngoài hai chúng tại gia là Ưu bà tắc (cận sự nam) và Ưu bà di (cận sự nữ) thì năm chúng còn lại gồm Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Thức xoa ma na, Sa di, Sa di ni thuộc chúng xuất gia, nên gọi là Xuất gia ngũ chúng. Đôi khi có một số bản kinh luận dùng thuật ngữ “Tứ chúng” tức chỉ cho hai chúng xuất gia gồm Tỳ kheo và Tỳ kheo ni; và hai chúng tại gia gồm Ưu bà tắc và Ưu bà di.

Trong Phật giáo, sau khi thái tử Tất Đạt Đa xuất gia tầm đạo đã chứng thành quả Phật, hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Việc xuất gia của Ngài có nói rõ trong quyển hạ của kinh Tu Hành Bản Khởi; quyển thượng của kinh Thái Tử Thuỵ Ứng Bản Khởi. Đức Phật đã khuyến tấn hàng đệ tử xuất gia tu tập trong kinh Sa môn quả thuộc kinh Trường Bộ như sau: “Cạo bỏ râu tóc, khoác áo cà sa, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia tu đạo. Sau khi xuất gia như vậy, người ấy sống chế ngự thân, chế ngự lời nói, chế ngự ý nghĩ, bằng lòng với nhu cầu tối thiểu về ăn uống, y áo, hoan hỷ sống trong an tịnh” [5].

2. Tài sản của một vị tu sĩ Phật giáo

a. Về phương diện vật chất

Trên lộ trình giác ngộ giải thoát, một người xuất gia luôn tâm niệm rằng:

“Nhất bát thiên gia phạn
Cô thân vạn lý du
Kỳ vi sinh tử sự
Giáo hóa độ xuân thu”.

Nghĩa là:

Một bát cơm ngàn nhà
Thân đi muôn dặm xa
Muốn thoát đường sinh tử
Xin độ tháng ngày qua.

Theo thi kệ của Bố Đại Hoà thượng như sau:

“Một bát cơm ngàn nhà,
Thân chơi muôn dặm xa,
Mắt xanh xem trần thế,
Mây trắng hỏi đường qua”[6].

Tài sản của một vị xuất gia được phân thành hai loại: tài sản tập thể (vật của mười phương Tăng) và tài sản cá nhân (vật của hiện tiền Tăng). Theo Tứ phần luật, tài sản tập thể được phân thành vật thường trụ thường trụ (đất đai, ruộng vườn,… là những vật thường trụ của trú xứ không được phân chia, mua bán) và vật thập phương thường trụ (thức ăn,… là những vật mà Tăng chúng được quyền phân chia ra thọ dụng).

Tài sản cá nhân người xuất gia được phân thành vật hiện tiền (vật hiện tiền được phật tử dâng cúng cho Tăng hiện tiền, Tăng hiện tiền được phép sở hữu) và vật thập phương hiện tiền (vật của vị Tỳ kheo sau khi tịch; nếu Tăng chưa yết ma thì thuộc thập phương Tăng. Nếu yết ma thì thuộc hiện tiền Tăng, được phép phân chia Tăng hiện tiền).

Vật dụng cần thiết mà một vị xuất gia không thể thiếu gồm có ba y, bình bát, toạ cụ và đãy lọc nước. Ngoài ra, một số vật dụng khác như kim chỉ, dao cạo, đồ cắt móng tay, gậy (hoặc tích trượng), khăn tắm,… Những vật dụng này sở hữu riêng của vị xuất gia khi còn sống; nhưng khi vị đó viên tịch, nếu là Tỳ kheo (hoặc Tỳ kheo ni) thì tài sản đó thuộc về tập thể Tăng (Ni); còn Sa di (Sa di ni) tịch thì tài sản thuộc về vị Bổn sư. Trong giới luật Phật giáo cũng có bốn cách chia tài vật như Tăng sai người chia vật, chia trực tiếp, đối thú chia, tâm niệm chia.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 1.2023 Tai San Cua Nguoi Tu Si 2

b. Về phương diện tu tập

Trong kinh Trường A-hàm, kinh Tăng Nhất (số 11), Đức Phật dạy rằng: “Thế nào là bảy pháp có nhiều thành quả? Đó là bảy thứ tài sản, tức tín tài, giới tài, tàm tài, quý tài, văn tài, thí tài, và tuệ tài. Đó là bảy thứ tài sản”[7]. Đây là bảy tài sản quý báu của bậc Thánh nên được gọi là Thất Thánh tài hay Thất Bồ đề phần. Thất Thánh tài là một trong bảy chi phần của 37 phẩm trợ đạo (Đạo đế) thuộc Tứ đế.

Thứ nhất nói về tín tài, tức là tài sản về niềm tin. Trong kinh Tăng Chi Bộ, chương Bốn pháp, bài kinh Nguồn sinh phước với cư sĩ (2), đức Phật dạy các đệ tử xuất gia phải thành tựu bốn nguồn sinh phước, hạnh phúc an lạc với lòng tịnh tín bất động đối với đức Phật, chính pháp, chúng Tăng, giới luật. Về phương diện niềm tin đối với đức Phật, vì Ngài là “bậc Ứng Cúng, Chính Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn”. Thứ hai là niềm tin đối với chính pháp, vì “pháp được Thế Tôn khéo nói, thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu”. Thứ ba là niềm tin đối với chúng Tăng, vì “Thiện hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn. Trực hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn. Ưng lý hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn. Chính hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn. Tức là bốn đôi tám vị. Chúng đệ tử này của Thế Tôn đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được đảnh lễ, đáng được chắp tay, là ruộng phước vô thượng ở đời”. Thứ tư là niềm tin với những giới được bậc Thánh ái kính, vì những điều giới luật này “không bị phá hoại, không bị bể vụn, không bị điểm chấm, không bị uế nhiễm, đưa đến giải thoát, được người trí tán thán, không bị chấp thủ, đưa đến Thiền định”[8].

Giới luật là điều răn cấm của đức Phật đối với hàng đệ tử, tăng ni cũng như cư sĩ tại gia, nhằm bảo vệ sự thanh tịnh của tăng thân và ích lợi của thế tục.

Trên bình diện giải thoát, đức Phật dạy năm điều lợi ích cho những ai trì giới, sống đúng theo giới luật:

1. Tài sản rất nhiều vì sống không phóng dật.

2. Tiếng tốt đồn xa.

3. Đi vào các hội chúng không sợ hãi.

4. Chết với tâm hồn không rối loạn.

5. Thân hoại mạng chung sẽ sinh vào thiện giới.

Một vị xuất gia tu tập biết hổ thẹn (tàm quý) việc làm sai quấy của mình, chuyển hóa từ bất thiện thành thiện, từ tâm phàm phu trở thành thánh nhân. Trong kinh Di Giáo có dạy rằng: “Tàm quý là y phục tối thắng trong tất cả sự trang nghiêm là thiện pháp để trang nghiêm thân tâm, là móc sắt ngăn chặn những điều phi pháp, tăng trưởng các pháp lành để đến quả vị giải thoát Niết Bàn”. Vị xuất gia phải thường xuyên nghe và an trú trong các diệu pháp, thực hành bố thí (tài thí, pháp thí, vô uý thí), hướng đến tuệ giải thoát trong tương lai.

Bảy tài sản này được xem là bảy diệu pháp mà đức Phật đã dạy cho Ma Ha Nam rằng: “Ở đây, này Mahanama, vị Thánh đệ tử có lòng tin, có lòng tin ở sự giác ngộ của Như Lai: Ngài là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chính Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Vị này có lòng tàm, tự xấu hổ vì thân ác hạnh, khẩu ác hạnh, ý ác hạnh, tự xấu hổ vì thành tựu ác, bất thiện pháp. Vị này có lòng quý, tự sợ hãi vì thân ác hạnh, khẩu ác hạnh, ý ác hạnh, tự sợ hãi vì thành tựu ác, bất thiện pháp. Vị này là vị đa văn, nhớ nghĩ những điều đã nghe, tích tụ những điều đã nghe. Những pháp nào, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, nói lên phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh, những pháp như vậy, vị ấy nghe nhiều, thọ trì, đọc tụng bằng lời, được ý suy tư, được chính kiến thể nhập. Vị ấy sống tinh cần tinh tấn, trừ bỏ các pháp bất thiện, thành tựu các thiện pháp, nỗ lực, kiên trì, không từ bỏ gánh nặng đối với các thiện pháp. Vị ấy có niệm, thành tựu niệm tuệ tối thắng, nhớ lại, nhớ lại nhiều lần những gì đã làm từ lâu, đã nói từ lâu. Vị ấy có trí tuệ, thành tựu trí tuệ về sinh diệt, thành tựu Thánh thể nhập đưa đến chơn chính đoạn tận khổ đau” [9]. Ngài khuyến tấn Tôn giả A Nan thuyết giảng cho các vị Tỳ kheo niên thiếu về bảy tài sản này để họ được an ổn, sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu phạm hạnh”.

3. Kết luận

Trong cuộc sống trần thế, người xuất gia tu học chốn thiền môn thọ dùng những tài sản cần thiết cho bản thân trong sinh hoạt; nhưng luôn thiểu dục tri túc và hướng tâm tu tập các thiện pháp, thành tựu bảy tài sản quý báu của một bậc Thánh đệ tử về mặt tinh thần. Chính vì thế, Tổ Quy Sơn Linh Hựu từng cảnh tỉnh hàng xuất gia trong bài Quy Sơn cảnh sách rằng người xuất gia phải dấn thân chí nguyện bước trên con đường cao rộng, tâm và hình tướng phải khác người thế tục, tiếp nối mạng mạch Phật pháp, báo đáp bốn ân và hoá độ ba cõi.

Thích Nữ Thắng Tâm
NCS Khoa Triết – Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG-Tp.HCM
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 1/2023

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
[1] Thích Minh Cảnh (chủ biên, 2016), Từ điển Phật học Huệ Quang, tập VII, Nxb. Tổng hợp TP.HCM, tr.6182. [2] Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (2018), Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.8.
[3] Tỉnh Am (1964), Khuyến phát Bồ đề tâm văn, Hương Cảng, tr.01. [4] Ban Tăng sự Trung ương (2018), Nội quy Ban Tăng sự Trung ương khoá VIII (2017-2022), Giác Ngộ online, đăng ngày 29/10/2018.
Nguồn: https://giacngo.vn/noi-quy-ban-tang-su-tu-khoa-viii-2017-2022-post45165.html
[5] Thích Minh Châu (dịch, 2018), Kinh Trường Bộ, kinh Sa môn quả, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.68.
[6] Tham khảo trong bài viết “Nguồn gốc bình bát trong Phật giáo” của Thích Thiện Phước. Nguồn: https://chuahoiphuoc.net/ nguon-goc-binh-bat-trong-phat-giao.
[7] Kinh Trường A-hàm (1991), quyển 1, Viện Nghiên cứu Phật học ấn hành, tr.454.
[8] Thích Minh Châu (dịch, 2018), Kinh Tăng Chi Bộ, tập 1, chương Bốn pháp, phẩm Nguồn sanh phước, kinh Nguồn sanh phước của cư sĩ (2), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.398-399.
[9] Thích Minh Châu (dịch, 2017), Kinh Trung Bộ, tập 1, kinh Hữu học, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.437-438.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường