Vụ hỏa hoạn ở quán cà phê Hát cho nhau nghe tại Hà Nội khiến 11 người thương vong đang thu hút sự chú ý của dư luận trong nước. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can ông Cao Văn Hùng (51 tuổi) trú tại xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội về hành vi giết người.

Hành vi của Cao Văn Hùng thật đáng sợ, mất nhân tính nhưng điều rung rợn hơn là khi ngồi tại đồn công an ông ta vẫn ngạo nghễ kể lại chiến tích của mình.

Ảnh từ vụ cháy khiến 11 người tử vong ở Phạm Văn Đồng - Hà Nội. Ảnh sưu tầm
Ảnh từ vụ cháy khiến 11 người tử vong ở Phạm Văn Đồng - Hà Nội. Ảnh sưu tầm

Mồi lửa” đến từ xăng hay “mồi lửa” của lòng người?

Đêm 18/12/2024, chỉ là đi uống cà phê mà 11 người ở quán Hát cho nhau nghe 258 Phạm Văn Đồng, Hà Nội, đã không trở về nhà được nữa. 11 con người là 11 gia đình mất đi người cha, người mẹ, người con, người cháu, người trụ cột,… chỉ vì cơn bực tức của một người đàn ông ở cái tuổi xế chiều.

Tôi nghĩ mãi về hình ảnh “lửa”, đó là "mồi lửa" do bén xăng hay "mồi lửa" trong lòng người. Chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ với nhân viên của quán khi thanh toán, ông ta đã thiêu rụi cả quán bất chấp trong đó có bao nhiêu người vô tội, bất chấp hậu quả. Như những kẻ máu lạnh xả súng ở Mỹ, những kẻ sẵn sàng ra tay tàn độc, mất nhân tính.

Chúng làm tôi liên tưởng đến cả những mồi lửa trong chính mỗi chúng ta từ những cuộc va chạm trên đường dẫn đến xô xát, những xích mích từ cuộc sống hàng ngày. Những người luôn nghĩ rằng nắm đấm sẽ giải quyết được mọi vấn đề. Những người không kiểm soát được mồi lửa trong tâm mình, sẵn sàng châm lửa thiêu rụi mọi thứ xung quanh.

Trên mạng xã hội mỗi ngày, trong những comment, tấn công bằng cả lời nói, bạo lực ngôn từ trong xã hội cũng là mầm mống của những mồi lửa sân hận trong lòng.

Chúng ta luôn để tâm quá nhiều tới cảm xúc xấu, nó lấn át lý trí, khiến ta mất tỉnh táo, rồi tự bao biện rằng đó là sống thật với cảm xúc của chính mình. Bất chấp “mồi lửa” đó gây nên hậu quả, thương tổn ra sao. Có khi, chính những người quán cafe ở 258 Phạm Văn Đồng khi nảy sinh mâu thuẫn với Cao Văn Hùng cũng nghĩ vậy khi châm "mồi lửa" vào ông ấy. Để rồi "mồi lửa" bốc lên từ lòng sân hận, ác độc của Cao Văn Hùng đã không chỉ huỷ hoại 11 người vô tội mà còn khiến 11 gia đình đau đớn khôn cùng.

Vụ việc này gây chấn động dư luận, gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về sự xuống cấp của đạo đức con người trong xã hội hiện đại. Hành động tàn nhẫn, mất nhân tính của Cao Văn Hùng đi ngược hoàn toàn với tinh thần từ bi và giới không sát sinh trong giáo lý đạo Phật. Qua lăng kính Phật giáo, đây là minh chứng sâu sắc cho hậu quả của sân hận, thiếu kiểm soát bản thân, đồng thời khơi dậy suy ngẫm về giá trị của đạo đức, nhân văn trong mỗi con người.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ (sưu tầm)

Sân hận chính là ngọn lửa thiêu đốt nhân tính

Trong Ngũ giới của Phật giáo – nền tảng đạo đức căn bản dành cho người phật tử tại gia, không ngẫu nhiên mà giới không sát sinh đứng đầu và mang tính nhân văn sâu sắc.

Trong nhiều bản kinh Phật giáo, đức Phật dạy rằng: “Tất cả chúng sinh đều quý trọng mạng sống, đều sợ hãi sự chết. Vậy nên, không nên giết hại cũng như không khiến người khác giết hại.”

Giới không sát sinh không chỉ dừng lại ở việc tránh giết hại mạng sống mà còn bao hàm ý nghĩa cao đẹp: nuôi dưỡng tâm từ bi, trân quý sinh mệnh và tôn trọng sự sống của mình và của muôn loài. Hành vi giết hại, dù trực tiếp hay gián tiếp, đều tạo nên nghiệp ác dẫn đến khổ đau và hệ quả tiêu cực cho bản thân và xã hội.

Ảnh minh hoạ (sưu tầm)
Ảnh minh hoạ (sưu tầm)

Khi nhìn vào vụ việc Cao Văn Hùng đốt xăng khiến 11 người tử vong, chúng ta thấy rõ sự vi phạm nghiêm trọng vào giới không sát sinh. Hành động bộc phát từ sự sân hận, lòng thù hằn đã dẫn đến một tội ác không thể dung thứ, cướp đi sinh mạng của nhiều người vô tội, để lại nỗi đau khôn nguôi cho 11 gia đình các nạn nhân và  kinh hoàng đến toàn xã hội.

Trong giáo lý đạo Phật, "Tam độc" là ba thứ ác độc mang đau khổ đến cho con người, phá hoại mọi hạnh phúc an vui của con người là "Tham, Sân, Si", nguyên nhân sâu xa dẫn đến các hành động, hành vi tội ác. Trong đó, sân hận là trạng thái tâm lý tiêu cực, giống như ngọn lửa thiêu đốt hết thiện lương và lý trí của con người. Đức Phật từng dạy: “Sân hận không bao giờ dập tắt được sân hận. Chỉ có lòng từ bi mới hóa giải được mọi khổ đau.”

Nuôi dưỡng lòng từ bi, tránh tạo nghiệp ác

Qua vụ việc thương tâm này, chúng ta càng thấm thía hơn giá trị của đạo đức và tính nhân văn trong cuộc sống.

Những lời dạy của đức Phật, những giới luật mà Ngài đặt ra giúp con người học cách kiểm soát cảm xúc, cân bằng tinh thần khi đối diện với khó khăn, thử thách để giải quyết sự việc bằng trí tuệ và lòng từ bi. Sự sân hận chỉ làm tâm trí thêm mê mờ và dẫn đến hành động sai lầm.

Sự sống của mỗi con người là vô cùng quý giá, không ai có quyền tước đoạt mạng sống của người khác, phá hủy sinh mệnh là phá hủy niềm hạnh phúc và hy vọng của bao gia đình.

Tôn trọng sinh mệnh của người khác cũng chính là hướng thiện và chuyển hóa nghiệp lực. Mỗi người cần rèn luyện đạo đức, tránh gieo nhân xấu, vì nhân quả luôn công bằng. Hành động ác sẽ không tránh khỏi nghiệp báo đau khổ. Mỗi người cần nhìn lại bản thân, sống tỉnh thức và tu dưỡng đạo đức hàng ngày, bởi khi tâm được nuôi dưỡng bằng lòng từ bi, sự tha thứ và bao dung, bạo lực, cái ác, lòng tàn nhẫn sẽ không còn đất tồn tại.

Kết luận

Chỉ khi mỗi người ý thức được trách nhiệm của bản thân, kiểm soát được những độc tố như sân hận, tham lam, đồng thời lan tỏa lòng từ bi, nhân ái, chúng ta mới có thể xây dựng một xã hội hòa bình và hạnh phúc thực sự. Như lời đức Phật dạy: “Hận thù diệt hận thù, đời này không thể có. Từ bi diệt hận thù, là định luật ngàn thu.” (Kinh Pháp cú 5, phẩm Song Yếu)

Tác giả: Liên Tịnh

Tham khảo bài báo về vụ cháy

https://vnexpress.net/loi-khai-cua-nghi-pham-tuoi-xang-dot-quan-ca-phe-khien-11-nguoi-chet-4829571.html

https://vietnamnet.vn/tinh-tiet-bat-ngo-tu-loi-khai-cua-ke-dot-quan-hat-lam-11-nguoi-tu-vong-2354146.html