Bố thí là một trong những phương pháp thực hành của người học và tu theo Phật. Đức Phật cũng từng nhiều kiếp thực hành bố thí. Thuật ngữ bố thí thường xuất hiện trong các bản kinh, và đi cùng với bố thí có những diễn bày khác nhau. Trong kinh tạng A-hàm, một số bài kinh chỉ điểm qua thuật ngữ bố thí, ở một số bài kinh khác lại đưa ra những dẫn dụ về bố thí cặn kẽ và chi tiết. Ở một vài bài kinh, bố thí được xem như là một trong những pháp đưa đến Niết Bàn.

Tác giả: Thích nữ Thánh Tân (1) Học viên cao học Khóa V - Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tóm tắt: Bố thí là một trong những phương pháp thực hành của người học và tu theo Phật. Đức Phật cũng từng nhiều kiếp thực hành bố thí. Thuật ngữ bố thí thường xuất hiện trong các bản kinh, và đi cùng với bố thí có những diễn bày khác nhau. Trong kinh tạng A-hàm, một số bài kinh chỉ điểm qua thuật ngữ bố thí, ở một số bài kinh khác lại đưa ra những dẫn dụ về bố thí cặn kẽ và chi tiết. Ở một vài bài kinh, bố thí được xem như là một trong những pháp đưa đến Niết Bàn.

Trong phạm vi bài viết này, ngang qua sự tìm hiểu về thuật ngữ bố thí trong 30 bài kinh Trường A-hàm, trong đó có 10 bài kinh có nhắc đến thuật ngữ hoặc khái lược về một khía cạnh của bố thí, bố thí được biết đến như là phương tiện thiện xảo, phương pháp tu tập. Cúng tế được xem như một pháp bố thí. Pháp bình đẳng bố thí cũng được điểm qua trong kinh. Sự diễn bày một cách khái lược về bố thí sẽ được làm rõ, rộng và sâu hơn ở các bản kinh khác trong Trung A-hàm, Tạp A-hàm.

Từ khóa: A-hàm, bố thí, cúng dường, phước, tế tự.

Dẫn nhập

Trong quá trình đọc lại các bài kinh trong kinh tạng A-hàm, sự thâm uyên sâu sắc trong từng lời dạy của đức Phật được hiển hiện rõ nét. Những lời dạy của Đức Phật không chỉ tập trung vào các pháp tu đưa đến sự giác ngộ, giải thoát mà còn là những bài pháp ứng dụng vào cách ứng xử trong đời sống thường nhật. Trong đó, bố thí được xem như là cửa ngõ dẫn dắt người vào đạo, là một trong những phương pháp thu phục lòng người, nhiếp phục đại chúng, đồng thời cũng là một phương pháp tu tập giúp thăng tiến trên lộ trình tâm linh.

Người thực hành bố thí đúng đắn sẽ mang đến kết quả tốt đẹp ngay đời sống hiện tại và mai sau. Ngang qua việc tìm hiểu về bố thí, bài viết này tập trung khảo sát sự xuất hiện của thuật ngữ bố thí và một số quan điểm về bố thí có trong kinh tạng A-hàm. Ở không gian bài viết này xin được tìm hiểu về bố thí trong kinh Trường A-hàm. Việc khảo sát này nhằm tổng hợp lời dạy của đức Phật về ý nghĩa của bố thí trong đời sống hằng ngày và đối với sự tu tập thông qua các bản kinh có liên quan.

Sự xuất hiện thuật ngữ Bố thí và quan điểm về Bố thí trong kinh Trường A-hàm

Sự xuất hiện thuật ngữ Bố thí trong kinh Trường A-hàm

Thuật ngữ Bố thí (布施; S, P: dāna) theo Phật Quang Đại từ điển: Phạm, Pàli: dāna. Dịch âm: Đàn na, Đà na, Đàn. Cũng gọi Thí. Hoặc là dịch từ tiếng Phạm dakwiịà, dịch âm: Đạt sấn, Đại sấn, Sấn. Dịch ý là tài thí, thí tụng, sấn thí. Nghĩa là vì lòng từ bi đem phúc lợi ban cho người[2].

Về từ nguyên, Phạn ngữ ghi là dāna (दान), có căn ngữ dā (दा), nghĩa là cho, biếu, tặng[3]… Tùy theo hình thức, nội dung, quy mô của hoạt động bố thí mà có những thuật ngữ tương tự để mô tả như: bố thí lớn (mahādāna)[4]; hiến tế (yajñā)[5]; ngũ niên đại thí (pañcavarshikamahā)[6]

Ngoài ra, trong kinh văn còn đề cập đến bố thí với ý nghĩa cúng dường (yañña) cho các Sa-môn, Tỳ-kheo, những vị có tu tập phạm hạnh. Giảng giải về bố thí, có các bộ luận đề cập tới như: Luận Đại Trượng Phu, A-tỳ-đạt-ma Câu-xá, Nhập Bồ-tát hạnh… Trong phạm vi bài viết chỉ khảo sát sự xuất hiện của bố thí ngang qua lời dạy của đức Phật trong kinh Trường A-hàm nên chỉ khái lược thuật ngữ như vậy.

Trường A-hàm có tổng số 30 bài kinh. Trong đó, có 10 bài kinh đề cập đến một vài khía cạnh của bố thí hoặc chỉ thoáng qua thuật ngữ mà không giải thích gì thêm, tuy vậy cũng có thể hiểu được vị trí, vai trò của bố thí trong những lời dạy về pháp hành của đức Phật.

Các bài kinh có đề cập đến bố thí bao gồm: 02. Kinh Du Hành, 06. Kinh Chuyển Luân Thánh Vương Tu Hành, 07. Kinh Tệ Túc, 09. Kinh Chúng Tập, 10. Kinh Thập Thượng, 11. Kinh Tăng Nhất, 12. Kinh Tam Tụ, 16. Kinh Thiện Sanh, 23. Kinh Cứu-lâu-đàn-đầu và 30. Kinh Thế Ký. Mặc dù trong các bài kinh này, đức Phật không giải thích quá cặn kẽ về phương pháp thực hành bố thí hay phân loại bố thí, nhưng qua đó có thể thấy bố thí đóng vai trò quan trọng trong đời sống thường nhật.

Cúng dường cũng được xem như là một hình thức bố thí và tế tự cũng như vậy. Bố thí qua các bài kinh này mặc dù không đầy đủ nhưng cũng khắc họa được từng phần chân dung bức tranh về bố thí, để từ đó đi sâu vào các bản kinh khác cùng thuộc hệ thống kinh tạng A-hàm người học Phật sẽ hiểu rõ hơn.

Quan điểm về Bố thí trong kinh Trường A-hàm

Kinh Chúng Tập là bài kinh số 9 trong bộ Trường A-hàm, đề cập đến bố thí như là phương pháp đưa đến sự gần gũi giữa người với người. “Bốn pháp nhiếp chúng: một là thí xả tài vật, bố thí pháp; hai là nói lời an ủi khuyên nhủ; ba là nghiệp thiện lành; bốn là gần gũi sẻ chia với chúng sinh.”[7] Đồng quan điểm này, kinh Thiện Sanh dẫn dụ bố thí như chiếc xe chuyên chở tất cả nặng nề, pháp này được người trí lựa chọn và nếu thực hành sẽ được lợi ích lớn[8].

Tứ nhiếp pháp: bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự được biết đến như là phương tiện giúp quá trình tu tập và hoằng pháp được thuận lợi hơn. Bởi lẽ, đây là bốn phương pháp thân cận, giúp đỡ thực tiễn; đưa người đến gần với đạo. Trong quá trình tu học, bốn phương pháp này sẽ đồng hành xuyên suốt, làm thuận duyên cho việc ứng xử, tiếp đãi giữa người với người, và cũng là phương pháp tự trưởng dưỡng chính bản thân.

Khi đề cập đến vấn đề tu tập, kinh Thập Thượng lại nêu: Sáu pháp nào cần phải tu tập? Đó là sáu pháp niệm: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm giới, niệm thí và niệm thiên.[9] Sáu pháp này cũng đưa đến Niết Bàn[10]. Ở đây, “thí” xuất hiện như một phương pháp tu tập, và cũng có thể đưa đến Niết Bàn. Cũng trong kinh Thập Thượng này, đức Phật đề cập đến bảy pháp nào đưa đến nhiều thành tựu, đó là bảy pháp tài: tín tài, giới tài, tàm tài, quý tài, văn tài, thí tài và tuệ tài[11].

Trong khi đó kinh Tăng Nhất đồng quan điểm nêu lên bảy thứ tài sản đưa đến nhiều thành tựu: tín tâm, trì giới, tự thẹn, xấu hổ, nghe nhiều, bố thí và trí tuệ[12]. Bảy pháp được xem là thất thánh tài giúp người học Phật tự trang nghiêm thân mình, khi đầy đủ trọn vẹn bảy pháp này sẽ đưa đến sự thăng tiến trên lộ trình nhận thức và tu học.

Lại đề cập đến thế nào là mười pháp đưa đến nhiều thành tựu, trong đó có pháp thứ tư là ưa cầu pháp lành, bố thí chẳng tiếc; năm là, những người Phạm hạnh có cần điều gì liền đến trợ giúp, không nề hà mệt nhọc, thường làm những điều khó làm, đồng thời cũng dạy người khác cùng làm[13]. Như vậy, cùng với các pháp khác, bố thí trở thành một trong những pháp đưa đến cứu cánh Niết Bàn, đạt được nhiều thành tựu lớn trong đời sống.

Tế tự cũng là một cách thực hành bố thí. Trong kinh Cứu-lâu-đàn-đầu đã đề cập đến việc tế tự sao cho đúng pháp, có công đức: Mười sự việc tế tự đúng pháp: “Khi vua lập đàn tế lễ, những người sát sinh và những người không sát sinh đều tụ tập đến, hãy bình đẳng bố thí cho họ. Nếu có những người sát sinh đến, hãy bố thí cho họ để tự họ biết lấy. Những người không sát sinh đến cũng bố thí cho họ, vì đó là mục đích của bố thí.

Hãy phát tâm bố thí như vậy. Nếu có những kẻ trộm cướp, tà dâm, nói hai chiều, nói lời độc ác, nói dối, nói lời thêu dệt, tham lam, ganh ghét, tà kiến cùng tụ tập đến, hãy bố thí cho họ và họ sẽ tự biết lấy. Những người không trộm cướp,… cho đến những người có chính kiến cùng tu tập đến thì cũng bố thí cho họ, vì đó là mục đích của bố thí. Hãy phát tâm bố thí như vậy."

Đức Phật bảo Bà-la-môn: "khi cử hành đại tế tự, vị vua đó không còn giết bò, dê và các chúng sinh khác nữa mà chỉ dùng bơ, sữa, dầu mè, mật, đường bánh và đường phèn để cúng tế”.[14] Đức Phật không cổ súy việc sát hại sinh vật trong các đàn tế, để đàn tế được thực hiện trang nghiêm, thanh tịnh thì thực phẩm dâng lên cúng tế nên bằng những vật thực không mang sự sát sinh.

Qua đây thấy được lời dạy của Đức Phật về pháp bình đẳng bố thí, không vì hành nghiệp xấu ác của người đến nhận sự tế tự mà không bố thí. Cũng chính sự không khởi tâm phân biệt giữa những người nhận vật thí, bố thí trở thành phương tiện cảm hóa người sai lầm quay về đường chính, tâm của người thực hành bố thí cũng từ đó rộng mở hơn.

Đề cập vấn đề này, kinh Tệ Túc lại nêu quan điểm: mở hội đại thí mà không giết hại chúng sinh, không đánh đập tôi tớ, đem lòng hoan hỷ, bố thí cho hạng người thanh tịnh thì sẽ thu được nhiều phước lớn, giống như gieo hạt giống đúng mùa vụ trên đám ruộng tốt thì tất nhiên sẽ thu hoạch được thành quả tốt[15].

Vậy liệu có phải chăng quan điểm về bố thí ở đây có điểm mâu thuẫn? Người viết thiết nghĩ là không mâu thuẫn, bởi lẽ việc bố thí bình đẳng là ở tâm người bố thí, nếu có người đến xin thì hãy cho “và họ sẽ tự biết lấy” như là cách để họ bỏ tà quy chính. Còn việc hạt giống lành gieo trên đất tốt cũng như việc dụng tâm bố thí, kết quả của bố thí cho từng đối tượng khác nhau là không đồng nhau, nhưng cũng không vì lý do đó mà chỉ lựa chọn hạng người thanh tịnh bố thí mà không bố thí cho người không thanh tịnh.

Cũng trong bản kinh Cứu-lâu-đàn-đầu, Đức Phật hướng đến cốt lõi của đời sống thoát khổ sau khi giảng dạy về tế tự rằng: So với ba cách tế tự và mười sáu cách tế tự đúng pháp, nếu thường cúng dường chúng tăng không để gián đoạn thì công đức lớn hơn nhiều, pháp nào tối thắng hơn cúng dường chúng tăng là xây dựng phòng ốc, nhà cửa, lầu gác cho chiêu-đề-tăng (chư Tăng bốn phương).

Phước ấy là tối thắng, nhưng nếu  khởi tâm hoan hỷ, phát thệ rằng: “con quy y Phật, quy y pháp, quy y tăng”, phước quy y Tam bảo là tối thắng.Sau khi quy y lại đem tâm hoan hỷ, tiếp nhận, thực hành năm giới và phát nguyện suốt đời không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu thì phước này tối thắng hơn nữa.

Nếu lại đem tâm từ nghĩ tưởng đến tất cả chúng sinh, dù chỉ bằng khoảnh khắc như vắt sữa bò thì công đức lớn hơn bội phần; nếu đức Như Lai, bậc Chí Chân, Đẳng Chính Giác xuất hiện ở đời, mà có người khởi lòng tin vững chắc muốn xuất gia tu hành ở trong giáo pháp của Phật thì các đức hạnh đều đầy đủ, cho đến Ba minh cũng đầy đủ, xóa tan si ám, đầy đủ trí tuệ.

Vì họ không buông lung, thích ở nơi vắng vẻ nên phước này là tối thắng.[16] Ở đây, đức Phật đã đề cập đến điểm quan trọng đối với một người phát tâm tế lễ. Phát tâm tế lễ là bước đầu vào đạo, sau khi tế lễ và có tâm thí xả, người thực hành tế lễ nếu quy y Phật-Pháp-Tăng, thọ trì năm giới, khởi từ tâm đối với chúng sinh, xuất gia, thực hành chính pháp thì phước đó mới là lớn nhất. Bởi vì, nếu xuất gia ở trong ngôi nhà Phật pháp thì chắc chắn sẽ có đủ thuận duyên đạt được thăng tiến tâm linh, làm lợi lạc cho nhiều người hơn nữa.

Quan điểm về việc cúng dường cho Sa-môn, chúng Tăng, kinh Tệ Túc lại có đoạn nói về Tệ-túc trong khi khởi tâm cúng dường lại không lưu tâm cúng đồ dùng vật tốt, Phạm chí Ma-đầu nói rằng:

“Vì hôm nay, ngài sắm sửa các thức ăn thô kệch, dở tệ như thế này để cúng dường cho chúng Tăng, nếu thử đem đến cho ngài thì ngài còn không màng chạm tay đến huống nữa là ăn. Hiện tại ngài sửa soạn thức ăn không tốt đẹp để cúng dường thì làm sao đời sau ngài nhận được quả báu thanh tịnh?

Ngài cúng dường y phục cho chúng Tăng mà cúng toàn vải gai, nếu thử đem nó cho ngài thì ngài còn không màng lấy chân chạm đến, huống nữa là dùng để mặc. Hiện tại, ngài sửa soạn những vật dụng không tốt đẹp để cúng dường thì làm sao đời sau nhận được quả báu thanh tịnh?”[17]

Qua đoạn kinh này có thể thấy, việc bố thí cũng cần dụng tâm, mình dùng vật như thế nào thì cũng nên bố thí cho người những vật tốt như mình dùng, không nên có suy nghĩ mình dùng vật tốt còn đem cho người vật xấu. Bởi lẽ, phước cúng dường sẽ tương xứng với những gì mình cho đi, việc cúng dường chư Tăng cũng như vậy.

Trong kinh Du Hành lại nhấn mạnh tầm quan trọng của bố thí đối với phước báu cõi người: vua Đại Thiện Kiến suy nghĩ: ta vốn tích công đức gì, tu căn lành gì mà nay được quả báu tốt đẹp, cao cả như thế? Rồi vua ngẫm nghĩ: “nhờ ba nhân duyên mà được phước báu này. Ba nhân duyên đó là bố thí, trì giới và thiền định. Do ba nhân duyên này mà nay được phước báu to lớn”[18].

Đối với các phước báu mà vua Đại Thiện Kiến có được trong đời sống đó, vua cũng khẳng định là do duyên vào bố thí, trì giới và thiền định. Về quan điểm bố thí sinh thiên, kinh Thế Ký lại ghi: người sát sinh đọa vào đường ác; người không sát sinh sinh vào nẻo thiện. Kẻ trộm cướp, tà dâm, nói hai chiều, nói thô ác, nói dối, nói thêu dệt, tham lam, ganh ghét và tà kiến đều đọa vào đường ác.

Người không trộm cướp, không tà dâm, không nói hai chiều, không nói lời thô ác, không nói dối, không nói thêu dệt, không tham lam, không ganh ghét, không tà kiến thì khi thân hoại mạng chung sẽ sinh cõi Uất-đan-việt, thọ mạng một ngàn tuổi, không tăng không giảm. Thế nên thọ mạng của họ đều như nhau. Lại nữa, nếu ai keo kiệt tham lam, không chịu bố thí thì sau khi mạng chung đọa vào đường ác.

Nếu người có tâm rộng lớn không keo kiệt, thường đem tài vật ban phát cho người thì được sinh về cõi lành. Nếu ai cúng dường cho Sa-môn, Bà-la-môn và bố thí cho những người bần cùng ăn xin, bệnh tật khốn khổ những vật dụng như áo quần, xe cộ, vòng hoa, hương  xoa, giường chiếu, phòng ốc, lại xây chùa tháp, đốt đèn cúng dường thì sau khi mạng chung được sinh về cõi Uất-đan-việt, thọ mạng một ngàn tuổi, không tăng không giảm.[19]

Cõi Uất-đan-việt được miêu tả như cảnh giới lý tưởng của con người. Con người và cảnh vật xung quanh đều là cảnh thuận khiến người trong cõi đó thấy dễ chịu, thoải mái, và cõi này được xem là đứng đầu trong ba cõi. Bố thí ở đây được hiểu như là sự khởi đầu cho các pháp lành khác, người biết bố thí và thường xuyên thực hành bố thí thì tâm từ rộng mở, dẫn đến các pháp lành khác được duyên theo, từ đó đưa đến kết quả sau khi mạng chung sinh vào cõi Uất-đan-việt.

Phẩm Đao Lợi của kinh này cũng nêu: nếu hiếu thảo với cha mẹ, tôn thờ sư trưởng, siêng tu tập trai giới, bố thí cho người nghèo khó thì chúng trời sẽ tăng thêm, chúng A-tu-la giảm xuống[20]. Kinh Chuyển Luân Thánh Vương lại nêu lên quan điểm: không bỏn xẻn,  thực hành bố thí thì sẽ dẫn đến kết quả tăng thêm tuổi thọ[21]. Như vậy, với những đoạn kinh vừa trích, có thể thấy thực hành bố thí là pháp tối yếu để đưa đến phước báu cõi người và cõi trời, đời này và đời sau.

 

Nhận định

Trường A-hàm gồm có 30 bài kinh, mỗi bài kinh đều chứa đựng những lời dạy của đức Phật về các pháp học và pháp hành. Thông qua sự khảo sát về thuật ngữ bố thí và quan điểm về bố thí trong Trường A-hàm kinh, người viết có một vài nhận định như sau:

Thứ nhất, thuật ngữ được xuất hiện nhiều nhất trong các kinh đã liệt kê khi gắn liền với bố thí thường là: niệm Phật, Pháp, Tăng, giới, thí, thiên; hoặc là bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự, hoặc là tín, giới, tàm, quý, thí, văn, tuệ. Điều này nhằm nói lên hệ tư tưởng trong kinh Trường A-hàm, văn hệ thuần túy và gần với những lời dạy từ kim khẩu của Đức Phật.

Cô đọng đối với sự giải thích về bố thí cũng là rộng đường cho các bản kinh trong Trung A-hàm như kinh Thuyết Bổn số 66, Phước Điền số 127, Tu-đạt-đa số 155, Anh Vũ số 170, Cù-đàm-di số 180, trình bày từng khía cạnh khác nhau của bố thí một cách sâu sắc, chân thực và gần gũi.

Thứ hai, đức Phật đã đề cập đến việc cúng tế như thế nào là đúng pháp, không nên sát sinh trong các đàn tế lễ mà chỉ nên sử dụng các vật thực thanh tịnh. Đối với việc bố thí, không nên có tâm phân biệt khi bố thí, dù người nhận thí có các nghiệp xấu ác, nhưng khi bố thí, người cho cần có tâm bình đẳng. Như vậy, cúng tế được xem như một hình thức bố thí và hơn nữa là đại thí đối với người sống và người đã quá vãng.

Thứ ba, bố thí cầu sinh vào cõi trời và chắc chắn sau khi thân hoại mạng chung được tái sinh cõi lành, hưởng quả vui như cảnh giới của các chư thiên là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Các ví dụ trong bài kinh thể hiện phong tục, tập quán nơi xuất xứ bài kinh nhưng đúng với quy luật vận hành của nhân – duyên – quả. Ngoài ra, truyền thống cúng dường cho Sa-môn, các bậc tu phạm hạnh được khuyến khích trong kinh mà ở một số bài kinh khác trong kinh tạng A-hàm hiển bày rõ ràng hơn, xác lập những luận điểm rõ hơn về bố thí, cúng dường.

Kết luận

Qua sự khảo sát về sự xuất hiện thuật ngữ bố thí và các vấn đề liên quan đến kinh Trường A-hàm. Tác giả nhận thấy vẫn còn nhiều khoảng trống về sự diễn bày nội dung, hình thức và phân loại của bố thí. Điều này sẽ được làm bổ sung và làm sáng tỏ trong các bản kinh A-hàm khác có đề cập đến bố thí.

Đối với những vấn đề xoay quanh bố thí được đề cập ở Trường A-hàm kinh đã cho người đọc cái nhìn sơ khởi về bố thí, khẳng định được kết quả tốt đẹp mà bố thí mang đến người nhận cũng như người cho đi.

Bố thí không chỉ giải quyết vấn đề của xã hội như cứu đói cho người thiếu ăn, cứu mặc cho người thiếu ấm, mà bố thí hay cúng dường còn là phương tiện trưởng dưỡng những vị tu hành, trưởng dưỡng Thánh thai để từ đó, nhân sự nhận thức ăn đủ dùng, nuôi mạng sống mà người nhận như Sa-môn có thể yên tâm tu hành, đạt được sự thăng tiến trên lộ trình tu học.

Cũng thông qua sự khảo sát thuật ngữ bố thí này, có thể thấy, bàng bạc trong các kinh văn, đức Phật khẳng định vai trò của bố thí đối với một người bình thường lẫn những người xuất gia tu học. Bố thí không chỉ là trách nhiệm của cư sĩ mà người xuất thế gian cũng cần thực hành, là cách để nuôi dưỡng lòng từ, trưởng dưỡng đạo tâm, thành tựu trên lộ trình học tu.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

長阿含經,佛陀耶舍共竺佛念譯,T01, no. 1。

Kinh Trường A-hàm (長阿含經) (2022), TTTĐPGVN – tập 17, Tam tạng Phật giáo Bộ phái - 01, Việt dịch: Viện Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm – Trung tâm dịch thuật Trí Tịnh, NXB. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Tp. HCM.

Thích Quảng Độ (2014), Phật Quang Đại từ điển (佛光大辭典), NXB. Phương Đông, Tp.HCM.

Monier-Williams (2014), A Sanskrit English Dictionary. Springfield, VA: Nataraj Books

*****

CHÚ THÍCH

[1] Học viên Cao học Khóa V – Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM

[2] Thích Quảng Độ, Phật Quang Đại Từ Điển, Nxb: Phương Đông, 2000, tr.698.

[3] M.Monier-Williams, A Sanskrit English Dictionary. Springfield, VA: Nataraj Books, 2014, p.473.

[4] M.Monier-Williams, A Sanskrit English Dictionary. Springfield, VA: Nataraj Books, 2014, p.796.

[5] M.Monier-Williams, A Sanskrit English Dictionary. Springfield, VA: Nataraj Books, 2014, p.839.

[6] M.Monier-Williams, A Sanskrit English Dictionary. Springfield, VA: Nataraj Books, 2014, p. 577.

[7] Kinh Trường A-hàm (長阿含經) (2022), TTTĐPGVN – tập 17, Tam tạng Phật giáo Bộ phái - 01, Việt dịch: Viện Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm – Trung tâm dịch thuật Trí Tịnh, NXB. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Tp. HCM, tr.656.

[8] 《長阿含經》卷11:惠施及輭言,  利人多所益, 同利等彼己,  所有與人共。 此四多負荷,  任重如車輪; 世間無此四,  則無有孝養。 此法在世間,  智者所[8]撰擇; 行則獲大果,  名稱遠流布。(CBETA 2023.Q4, T01, no. 1, p. 72b4-9); [kinh Thiện Sanh số 16],

Trung tâm phiên dịch Trí Tịnh dịch: Bố thí và ái ngữ; Lợi hành, ích cho người; Đồng sự, đều lợi nhau; Mình có, người cũng có; Bốn việc này như xe; Chở tất cả nặng nề; Đời không bốn việc trên; Thời không có hiếu dưỡng; Pháp này ở thế gian; Được người trí lựa chọn; Làm thì được quả lớn; Danh tiếng được đồn xa;… sđd, tr.741

[9] Sđd, tr.671, tương đồng với kinh Tăng Nhất “Thế nào là sáu pháp cần phải tu tập? Đó là sáu niệm, tức niệm Phật , niệm Pháp, niệm Tăng, niệm giới, niệm thí và niệm thiên”.

[10]   《長阿含經》卷10:云何六法向涅槃?謂六思念:念佛、念法、念僧、念戒、念施、念天 (CBETA 2023.Q4, T01, no. 1, p. 59c20-21); [kinh Tam Tụ], Sđd, tr.694: Thế nào là sáu pháp đưa đến Niết Bàn? Đó là sáu pháp nhớ nghĩ: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm giới, niệm thí và niệm thiên.

[11] Sđd, tr.672.

[12]《長阿含經》卷9:「云何七[*]成法?謂七財:信財、戒財、慙財、愧財、聞財、施財、慧財」(CBETA 2023.Q4, T01, no. 1, p. 58a27-28); Bản dịch của Trung tâm phiên dịch Trí Tịnh, Sđd, tr.688.

[13] Sđd, tr.681.

[14] Sđd, tr.838-839.

[15] 《長阿含經》卷7:迦葉語言:若汝宰殺眾生,撾打僮僕,而為會者,此非淨福。又如磽确薄地,多生荊棘,於中種植,必無所獲。汝若宰殺眾生,撾打僮僕,而為大會,施邪見眾,此非淨福。若汝大施,不害眾生,不以杖楚加於僮僕,歡喜設會,施清淨眾,則獲大福。猶如良田,隨時種植,必獲果實 (CBETA 2023.Q4, T01, no. 1, p. 46c14-21); Bản dịch của Trung tâm phiên dịch Trí Tịnh, Sđd. tr.637.

[16] Sđd, tr.841-842.

[17] Sđd, tr.638.

[18] Sđd, tr.557.

[19] Sđd, tr.916.

[20] 《長阿含經》卷20〈8 忉利天品〉:世間乃有孝順父母,敬事師長,勤修齋戒,布施貧乏者,增益諸天眾,減損阿須倫眾 (CBETA 2023.Q4, T01, no. 1, p. 135a9-11); Sđd, tr.965.

[21] [kinh Chuyển Luân Thánh Vương Tu Hành], Sđd, tr.618-619.