Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Phương thức truyền bá Chính pháp của Phật giáo thời Trần

Phương thức truyền bá Chính pháp của Phật giáo thời Trần

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tác giả: Thích Nữ Hiển Liên
Học viên Ths Khóa V – Học viện PGVN tại Tp.HCM

A. DẪN NHẬP

Đối với nhân loại, tầm ảnh hưởng của Phật giáo đã thực sự không gì có thể phủ nhận.[1]  Ở Việt Nam cũng thế, “Hơn hai ngàn năm tồn tại và phát triển, Phật giáo Việt Nam luôn gắn bó đồng hành cùng dân tộc, đã ảnh hưởng sâu đậm trong mạch sống của dân tộc ở nhiều phương diện…”[2] Có thể nói, Phật giáo Việt Nam chứng kiến từng bước chuyển mình của dân tộc, việc mà không phải tôn giáo nào cũng làm được.

Phật giáo Việt Nam đã phát triển vô cùng mạnh mẽ vào thời đại Lý – Trần – thời đại thống nhất đất nước. Hào khí Đông A hòa quyện với giáo lý nhà Phật đề cao sự hòa bình, giá trị tự do, tình thần nhập thế sâu sắc,.. tạo nên một bức tranh sống động về một Đại Việt hùng cường. Đỉnh cao của Phật giáo Việt Nam thời ấy là sự ra đời của Phật giáo Nhất tông, với phong trào truyền bá chính pháp bằng tiếng Việt – tiếng nói dân tộc Việt.

Đến với đề tài “Trình bày phương thức truyền bá chính pháp bằng tiếng Việt của Phật giáo đại việt thời Trần” là cách để ôn lại những trang sử hào hùng dân tộc, hiểu được cách thức mà cha ông ta đã truyền bá chính  pháp trên đất Việt theo cách của người Việt. Đây cũng là một cách để gìn giữ những tinh hoa văn hóa của cha ông.

B. NỘI DUNG

CHƯƠNG I: TỪ BỐI CẢNH ĐẾN SỰ CẤP THIẾT CỦA TRUYỀN BÁ CHÍNH PHÁP BẰNG TIẾNG VIỆT Ở PHẬT GIÁO ĐẠI VIỆT

“Người tìm hiểu Phật giáo chân chính không những chỉ nghiên cứu các kinh điển Phật giáo, mà tất cả cái gì có liên quan đến văn hóa đương thời, như tư tưởng tôn giáo chẳng hạn, cũng đều phải tham khảo”[3]. Thế nên, để làm rõ vấn đề cần phải cần làm rõ giá trị của ngôn ngữ đặt trong bối cảnh đương thời.

1. Ý nghĩa của ngôn ngữ và chủ trương Việt hóa

Ngôn ngữ và văn hóa là hai phạm trù đan xen với nhau. Theo Lênin, ngôn ngữ là điều đầu tiên tạo nên văn hóa [4]. Nhà ngôn ngữ học Edward Sapir nhận định rằng thói quen ngôn ngữ của các nhóm người cụ thể đã xây dựng thế giới thực[5]. Theo giáo sư Michael Silverstein[6], áp lực giao tiếp của văn hóa đại diện cho các khía cạnh của thực tế cũng như kết nối các bối cảnh khác nhau. Cũng từ đó, ta hiểu được để truyền bá văn hóa thì ngôn ngữ là bước đầu tiên cũng là nên móng quan trọng nhất mà chúng ta không thể bỏ qua.

Đức Thế Tôn kiên quyết bỏ đi giáo điều của kinh Veda cũng như khẳng định: “mọi tiếng nói, kể cả tiếng Sanskrit chỉ có một giá trị quy ước, và mọi dân tộc đều nên dùng ngôn ngữ, văn tự của mình để tiếp cận giáo lý của Ngài.”[7]. Thế Tôn đã từng phê bình hai Tỳ kheo tên Yamelu và Tekula và dạy rằng: “Này các Tỳ kheo, không nên hoán chuyển lời dạy của chư Phật sang dạng có niêm luật… Này các Tỳ kheo, ta cho phép học tập lời dạy của đức Phật bằng tiếng địa phương của họ.”[8] Theo Thế Tôn, cung phụng tôn thờ ngôn ngữ, những giá trị quy ước là rất nguy hiểm bởi sự biến chất giá trị giáo lý và sản sinh mâu thuẫn.

Việt Nam là nước có chủ quyền và nền văn hóa độc lập. Việc dung nhập một văn hóa vào nền văn hóa thuần Việt là điều không phải dễ. Tuy nhiên, nét khác biệt ấy nằm ở phương thức biểu đạt chứ không phải là bản chất giá trị, bởi, chân lý của Phật Đà là lẽ chân thật lợi ích với toàn nhân loại. Thế nên, lựa chọn ngôn ngữ là điều vô cùng quan trọng và nhà Trần đã vô cùng sáng suốt khi chọn lựa tiếng Việt là phương thức truyền bá.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Phuong Thuc Truyen Ba Chinh Phap Phat Giáo Thoi Tran 1

2. Bối cảnh xã hội đương thời

“Lịch sử của dân tộc Việt Nam là lịch sử dựng nước và giữ nước”[9]. Trải dài trên mỗi trang sử bi tráng của ta là tinh thần yêu nước nồng nàn, sẵn sàng hy sinh tất cả vì nền độc lập của dân tộc. Sau khi vương triều nhà Lý mở ra một Đại Việt phục hưng mang hơi thở của phát triển thịnh vượng, nhà Trần đã tạo nên hào khí mới – hào khí Đông A chói ngời, muôn đời bất diệt.

Các sử gia cho rằng: “Triều Trần là một trong những cường quốc của Đông Nam Á, lừng danh với ba trận đại thắng quân xâm lược Mông Nguyên.”[10] Nhà Trần không chỉ mạnh về quân sự trong việc đối đầu với ngoại xâm mà còn phát triển đất nước về mọi mặt. Nhờ thế triều đại này đã khơi dậy được tinh thần dân tộc, biết phát huy hơn nữa sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, bởi “vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức”[11]. Đại Việt trở nên hùng cường không chỉ trong bảo vệ đất nước mà còn xây dựng nên một nền văn hóa thời đại.

“Ngôn ngữ là công cụ của tư duy, của giao tiếp, ngôn ngữ đồng thời là công cụ để truyền tải cả một nền văn hóa, một tinh thần dân tộc”[12]. Song hành với sự phát triển trong công cuộc dựng xây đất nước là sự lớn mạnh của ngôn ngữ Việt. Thế nên, nhu cầu phát triển tiếng Việt đồng hành cùng thời đại là vô cùng cấp thiết. Đây không còn là vấn đề của chữ viết hay tiếng nói, mà đây là câu chuyện của cả dân tộc Việt nơi mà mọi lĩnh vực đều cần thiết. Đặc biệt, khi nghiên cứu về bối cảnh tôn giáo thời Trần, ta lại thấy rõ được tính cấp thiết của tiếng Việt đối với dân Việt và với Phật giáo Việt Nam.

3. Bối cảnh Phật giáo đương thời

Nhà nghiên cứu sử học Trần Văn Giàu đã nhận định “bình minh lịch sử Phật giáo Việt Nam gắn liền lịch sử dân tộc”[13]. Cụ thể, trên tất cả các phương diện một cách đoàn kết và thống nhất, “Phật giáo nghiễm nhiên trở thành một bộ phận, lực lượng gắn bó khăng khít không thể tách rời với dân tộc Đại Việt”[14].

Phật giáo du nhập vào nước ta bằng con đường hòa bình nên đã có sự gắn bó và hòa nhập với dân tộc.[15] Rõ ràng, Thiền phái Trúc Lâm đã đồng hành cùng dân tộc, mở ra trang sử huy hoàng cho cả thời đại. Thiền phái không chỉ tạo ra bản sắc Thiền tông Đại Việt mà còn tác động mạnh mẽ vào đời sống chính trị văn hóa xã hội nước nhà. Sự thành công của nhà Trần là do các ông vua lãnh đạo đất nước biết vận dụng tư tưởng Cư trần lạc đạo để huy động sức mạnh đoàn kết.

“Tinh thần của Thiền học Trúc Lâm là thiền học dân tộc”[16], nghĩa là một mặt không ngừng phát triển tận cùng khả năng giác ngộ giải thoát để vươn lên đỉnh cao của con người: giác ngộ giải thoát hoàn toàn; mặt khác, không ngừng tích cực, xây dựng an lành cho chúng sinh.

Tuy nhiên, “Do điều kiện khách quan của lịch sử, một thời gian khá dài, văn tự chữ Hán đã ảnh hưởng trên lĩnh vực văn hóa, văn học nước nhà.”[17] Thế nên, để Thiền phái Trúc Lâm có thể ra đời, phát triển mà không chịu ảnh hưởng từ thiền tông Trung hoa điều đầu tiên và cũng vô cùng quan trọng chính là dùng chính tiếng nói của người Việt để truyền bá chính pháp.

Dù là xuất phát từ bối cảnh xã hội thời Trần hay xuất phát từ bối cảnh sinh hoạt Phật giáo thì “truyền bá đạo Phật ở Việt Nam, giữa những người Việt với nhau thì sử dụng tiếng Việt là hợp đạo lý và đúng theo lời dạy của đức Phật”[18]. Với vấn đề này, TT.Thích Phước Đạt đã nhấn mạnh quan điểm rằng đề cao chữ Hán hơn chữ Việt trong dịch Kinh, truyền bá đạo Phật là vô cùng vô lý.[19]

Tiểu kết

Từ bức tranh sống động của xã hội và tình hình Phật giáo đương thời, ta thấy rõ được sự cần thiết của Phật giáo thống nhất và sự quyết định của một loại ngôn ngữ thuần Việt trong quá trình truyền bá chính pháp để Phật giáo Việt Nam có thể đạt được nền móng vững chắc trong lòng mỗi người dân xứ Việt. Toàn cảnh về quá trình truyền bá chính pháp ở Việt Nam cũng thuận theo nhu cầu của xã hội, để lại những điểm nhấn ấn tượng trên mỗi trang sử huy hoàng của Phật giáo thời Trần.

CHƯƠNG II. TOÀN CẢNH TRUYỀN BÁ CHÍNH PHÁP BẰNG TIẾNG VIỆT CỦA PHẬT GIÁO ĐẠI VIỆT THỜI TRẦN

Quá trình truyền bá chính pháp bằng tiếng Việt song song với quá trình chấn hưng Phật giáo, đưa Phật giáo phát triển cùng đất nước Đại Việt. Bức tranh toàn cảnh về quá trình truyền bá chính pháp bằng tiếng Việt ở Đại Việt thời Trần mở đầu bằng tư tưởng cốt lõi của các nhà truyền giáo thời Trần, ghi dấu bằng những hoạt động vô cùng phong phú, sôi nổi và thiết thực.

1. Các tư tưởng chính trong truyền bá chính pháp bằng tiếng Việt của:

Trần Thái Tông

Trần Thái Tông là “Bó đuốc Thiền tông” sáng ngời đặt nền móng cho lịch sử Phật giáo nước nhà. Với danh xưng “gương mặt văn hóa đẹp và lạ đến khác thường trong lịch sử Việt Nam”[20], Ngài phát biểu: “Phương tiện dụ quần mê, đường tắt tỏ sinh tử, là đại giáo của đức Phật ta”[21]. Song hành với đặt nền móng cho Thiền phái Trúc Lâm, Trần Thái Thông còn đặt nền móng cho sự tồn tại đặc biệt của tiếng Việt trong hoằng pháp.[22] Với quan điểm “Phật tại tâm” và tinh thần Khóa Hư đã thể hiện rõ nền móng vững chắc của Phật giáo thuần Việt[23].

Tuệ Trung Thượng Sĩ

“Thượng sĩ Hưng Ninh Vương Trần Tung nhờ hào quang đồng trần, cùng vật chưa từng xúc phạm nên có thể thiệu long giống pháp, dỗ dắt kẻ sơ cơ”[24]. Nếu Tuệ Trung thượng sĩ là tướng quân đánh trận thì “hòa quang đồng trần” là vũ khí lợi hại nhất của ông giúp Phật giáo đương thời hưng thịnh. Điều này là nét bút tô đậm cho giá trị của tiếng Việt trong quá trình truyền pháp của thiền phái Nhất tông.

Trần Thánh Tông

Quan điểm tiến bộ “thân ta tức là thân Phật, không có hai tướng”[25] đã giải quyết rất nhiều vấn đề của nhân sinh, tạo ra nhiều yếu tố tích cực, tạo chất liệu mạnh mẽ hướng đến sự phát triển của thiền tông Việt Nam. Ngài quan niệm “Sống như mặc áo, Chết tựa trút ra/ Xưa nay chẳng qua, một con đường ấy”[26] Cả hai quan điểm này đều mang đậm chất Phật giáo nhập thế. Điều này giải thích cho lý do Trần Thánh Tông xem trọng yếu tố tiếng Việt trong quá trình truyền pháp.

Trần Nhân Tông

“Giới sử gia đánh giá rất cao về thân thế cuộc đời sự nghiệp Trần Nhân Tông đối với đất nước và đạo pháp”[27], với lời ngợi ca: “Vua nhân từ hòa nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp trùng hưng sáng ngời thuở trước, thực là bậc vua hiền của nhà Trần.”[28]  Với Phật giáo, “Ngài tham học với Thượng Sĩ Tuệ Trung, đạt sâu tới chỗ thiền tủy và thờ Thương Sĩ làm thầy”[29].

“Với sự nghiệp trước thuật, trước tác, Trần Nhân Tông được tôn xưng là nhà văn hóa lớn của dân tộc”[30]. Có thể xem ông là người đầu tiên dùng chữ Nôm để sáng tạo các tác phẩm: Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca, Cư Trần lạc đạo phú. Trong cả sự nghiệp chính trị đến quá trình hoằng pháp, Trần Nhân Tông vô cùng xem trọng việc dùng tiếng Việt – tiếng mẹ đẻ, tiếng nói văn hóa Việt.

2. Phương thức truyền bá chính pháp bằng tiếng Việt ở Đại Việt

Trước tác kinh điển bằng chữ Việt

Nói đến quá trình trước tác thời Trần là nhắc đến kho tàng đồ sộ mà các tác giả tiêu biểu là Trần Thái Tông, Tuệ Trung, Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang.[31] Nếu Trần Thái Tông là người đặt nền móng, gợi nhắc ra giá tiếng Việt, thì Trần Thánh Tông có bước tiến về cải biên hình thức theo hướng thuần Việt: dùng thể thất ngôn bát cú nhưng dùng nhịp của song thất lục bát Việt Nam.[32]

Đến Trần Nhân Tông, gia tài đồ sộ của người là minh chứng quan trọng cho sự phát tiến bộ vượt bật. Toàn bộ thơ văn của Trần Nhân Tông được chia làm 6 bộ phận mà hai tác phẩm bằng chữ Nôm là Cư trần lạc đạo phú và Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca là điểm nhấn.[33] Toàn bộ tác phẩm của Sơ Tổ xoay quanh phản ánh sinh hoạt Thiền phái Trúc Lâm và ý thức tự chủ của dân tộc Đại Việt.[34]

Dịch kinh điển từ chữ Hán sang chữ Việt

Truyền thống dịch thuật kinh điển Phật giáo ở Việt Nam tồn tại từ rất sớm tác động mạnh mẽ đến văn hóa dân tộc. Đến thời Trần, cùng với sự tự hào dân tộc ngày càng lớn mạnh, tiếng Việt ngày càng được trọng dụng thì việc dịch thuật cũng trở nên sôi nổi. Thiền Tông Khóa Hư Lục được dịch ra Nôm bởi sư Tuệ Tĩnh vào cuối thế kỉ XIV. Đây là áng văn xuôi bằng tiếng Việt đầu tiên và còn lại của thời Trần, cùng với phú Nôm của Trần Nhân Tông ghi dấu ấn đậm thuần Việt.[35]

Đồng hành cùng với quá trình dịch thuật ấy là sự lớn mạnh của chữ Nôm. Nói không khoa trương rằng chữ Nôm là một sản phẩm của nền dịch thuật kinh điển Phật giáo, đây là sản phẩm của người truyền giáo. Từ đây nét chữ đầu tiên của người Việt ghi dấu ấn mạnh mẽ trên phương diện văn hóa và tự chủ.

Thiền tự, vốn là nơi tu hành của các thiền sư. Nhưng chức năng của các thiền tự trong xã hội Đại Việt lại khá đa dạng, mà một trong số đó là nhiệm vụ dịch thuật và in ấn kinh sách. Chức năng này đã thúc đẩy quá trình dịch thuật và từ đó sự truyền bá chính pháp bằng tiếng Việt trở nên thuận lợi.[36]

Thuyết giảng bằng Tiếng Việt

Đã nói đến truyền bá chính pháp, không thể không nhắc đến hình thức thuyết giảng vốn là một nét đặc trưng của Phật giáo. Trần Nhân Tông đã có nhiều bài giảng ấn tượng, tiêu biểu là: Bài giảng tại chùa Sùng Nghiêm vào năm Giáp Thìn (1034) căn cứ vào bản Thánh đăng ngữ lục năm 1750 và bài giảng tại viện Kỳ Lân vào năm Bính Ngọ (1306) căn cứ vào bản Tam Tổ thực lục in năm 1905.[37] Pháp Loa cũng có rất nhiều thành tựu trong quá trình thuyết pháp. “Khuyến xuất gia tấn ngôn” là bản chép lại những lời thuyết giảng tâm huyết của Ngài.[38]

3. Sự hưởng ứng của tăng, ni tín đồ và thành tựu

Sự hưởng ứng của tăng, ni tín đồ

Các phong trào Phật giáo thời Trần bằng tiếng Việt sẽ chẳng đạt được thành tựu nếu không có sự ủng hộ của tín đồ. Sự hưởng ứng khi ấy của tín đồ vô cùng sôi nổi. Mỗi khi hạ an cư, tăng, ni cả nước quy tụ về Yên Tử, nhiều dãy nhà tạm mọc lên mới đủ chỗ ở. Ca dao tục ngữ từ đây mà hình thành: “Dù ai quyết chí tu hành/ Có về Yên Tử mới đành lòng tu”[39]. Phong cách sáng tác các tác phẩm tiếng Việt từ đây cũng đạt được nhiều thành tựu to lớn. Nền văn học ấy biểu hiện rõ nét các giá trị truyền tải của Phật giáo Nhất tông thông qua tiếng Việt.

Thành tựu

Thành tựu đáng kể là sự xuất hiện của chữ Nôm. Nhà ngôn ngữ học Nguyễn Tài Cẩn đã viết: “Sự xuất hiện chữ Nôm đáng được coi như là một cái mốc lớn trên con đường tiến lên của lịch sử”[40]. Từ quá trình dịch thuật, các từ Hán Việt được dung nhập một cách khéo léo vào hệ thống tiếng Việt. Theo Phật học Hán Việt, thuật ngữ Phật giáo đã lên đến 20 000 từ[41]. Từ đây, tiếng Việt tách ra khỏi Việt Mường, hướng tiếng Việt theo hướng hiện nay.[42]

Tác phẩm của Thiền phái thực sự trở thành đối tượng để chúng ta tiếp cận nền học thuật đỉnh cao Phật giáo thời Lý – Trần, sự tiếp nối hòa nhập vào dòng văn học chủ lưu yêu nước và nhân văn của văn học Trung đại Việt Nam.[43] Hơn thế, “… văn học Thiền phái Trúc Lâm đời Trần không còn có khoảng cách … mà trực tiếp đi vào đời sống cảm thụ văn học nghệ thuật của toàn bộ dân tộc.”[44]

Tiểu kết

Từ nền móng vững chắc của Phật giáo Nhất tông bởi các nhà tư tưởng lớn thời Trần, quá trình truyền bá chính pháp bằng tiếng Việt diễn ra mạnh mẽ và sống động như thế. Những thành tựu của quá trình này đưa đến không chỉ có tác dụng thúc đẩy mạnh mẽ đối với Phật giáo thời Trần mà còn có tác dụng xây dựng văn hóa, lòng tự tôn dân tộc, phát triển những giá trị cao đẹp của người Việt.

CHƯƠNG III. TINH THẦN CỦA PHƯƠNG THỨC TRUYỀN BÁ CHÍNH PHÁP BẰNG TIẾNG VIỆT Ở PHẬT GIÁO ĐẠI VIỆT THỜI TRẦN

“…mỗi thung lũng có mỗi ngôn ngữ riêng, vì thế mỗi vị thầy có mỗi giáo thuyết riêng.”[45] Ngạn ngữ Tây Tạng này đã phản ánh đúng về tầm quan trọng của sự thích nghi giáo lý truyền thống với từng khu vực một cách thỏa đáng. Phật giáo thời Trần với sự truyền bá chính pháp bằng tiếng Việt chính là sự thăng hoa đó.

1. Tinh thần Việt hóa tư tưởng và cảm hứng

Đạo Phật cho rằng, mọi bàn luận xung quanh từ ngữ, mà tách rời nội dung đích thực của từ ngữ đó đều là vô ích.[46] Thế nên, quá trình truyền bá chính pháp bằng tiếng Việt ở Phật giáo Đại Việt thời Trần bắt đầu từ Việt hóa tư tưởng và Việt hóa cảm hứng. Điều đó phản ánh tinh thần thích nghi của Phật giáo.

Việt hóa trong tư tưởng

Truyền bá giáo pháp ở Việt Nam sẽ không thể thuận lợi nếu tư tưởng không được thích nghi với nếp sống người Việt. Nhà Trần đã làm rất tốt trong việc đưa giáo lý của Thế Tôn trình bày dưới tư tưởng của người Việt Nam[47]. Giá trị của giáo lý hòa nhập với bản sắc Việt tạo nên những tư tưởng mang màu sắc của một nền Phật giáo thuần Việt đặc sắc. Không thể là tiếng Việt trọn vẹn nếu tiếng Việt không mang hồn của người Việt. Chỉ khi truyền tải của tinh thần Việt mới có thể gọi là “tiếng Việt” chân chính. Chính tư tưởng Việt hóa trọn vẹn ấy, “lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình”[48] đã giúp sự hoằng pháp diễn ra thuận lợi.

Cảm hứng Việt

“Suy đến cùng cảm hứng là một dạng năng lượng của trí tuệ con người,…”[49] và “… cảm hứng chứng ngộ tâm linh là thuộc tính tất yếu của những con người ngập tràn niềm tin trong cuộc hành trì tìm cầu, chứng đạt Chân lý.”[50] Thế nên, dù là truyền bá bất cứ tôn giáo, cảm thức truyền giáo luôn là một điều kiện quan trọng.

Thiền phái Trúc Lâm lấy cảm hứng Việt làm điểm tựa truyền giáo. Các cảm hứng từ đất Việt lần lượt xuất hiện trong các hoạt động truyền giáo, trở thành một trong những nguyên nhân tạo nên sự thành công trong truyền giáo[51]. “Từ hình ảnh ánh trăng soi chiếu dòng sông, con thuyền lướt sóng, cho hết hạt châu ma ni lấp lánh hay gương soi huyền diệu…”[52] đâu cũng là cảm hứng Việt tạo nên dòng mạch cảm hứng khiến ta thấy được giá trị dân tộc soi chiếu dưới ánh sáng đạo Pháp.[53]

2. Tinh thần Việt hóa trong nghệ thuật ngôn ngữ

Chữ Hán – Chữ Nôm

“Về ngôn ngữ, văn tự sử dụng trong giáo dục khoa cử, các vua thời Lý Trần đã sử dụng chữ Hán thực chất là một ngoại ngữ”[54] và “dù học tập văn từ của Trung Hoa, mà vẫn nói năng, ca vịnh không rời với tiếng nói của mình”[55] chính là những bằng chứng cụ thể cho thái độ trân trọng tiếng Việt của nhà Trần.

“Hiện tượng song ngữ sẽ kéo theo hiện tượng mạnh lên của ngôn ngữ dân tộc nhưng, ở Việt Nam, không mất dần vai trò của ngôn ngữ vay mượn.”[56] Tuy ta có vay mượn chữ Hán thì chữ Hán vẫn được người Việt tiếp nhận, tiếp biến theo cách hiểu, cấu trúc của người Việt, bằng chứng là sự ra đời của chữ Hán – Việt[57].

Truyền bá chính pháp thời đầu nhà Trần cũng dưới sức ảnh hưởng mạnh mẽ ấy cũng dùng Hán – Việt là chủ yếu. Đến thời Trần Nhân Tông, tiếng Việt với văn tự chữ Nôm đã trở thành ngôn ngữ hành chính, ngôn ngữ giao tiếp, văn hóa.[58] Có thể nói đây là những tác phẩm văn học chữ Nôm định hình nền văn học tiếng Việt, cũng là những tác phẩm Phật giáo với tinh thần nhập thế sâu sắc.

Ngôn ngữ kinh điển, ngôn ngữ thiền học và ngôn ngữ nhân dân

Đối với tôn giáo, “yếu tố ngôn ngữ sẽ giải mã các thông điệp mà các bản kinh đề cập, nhất là xác định tầm vóc tư tưởng triết lý, phạm vi của lịch sử của một tác phẩm văn học Phật giáo”[59]. Ngôn ngữ trong kinh điển mang giá trị biểu đạt nhằm hiển bày đạo lý tu hành[60]. Thế nên, các hình thức ngôn ngữ được trình bày trong kinh điển, không có ngôn ngữ nào thoát ly tính chất thiền định.

Ngôn ngữ của Thiền phái vừa mang nội dung thiền học rõ nét, vừa là ngôn ngữ của nhân dân, đáp ứng yêu cầu để trở thành phương tiện giúp nhân dân tiếp cận đạo Phật. Trực cảm giữa người Việt và tiếng Việt giúp nhân dân ta ngày ấy và bây giờ luôn tiếp nhận thông điệp các tác phẩm một cách dễ dàng. Tính hàm xúc, cô đọng, gợi mở của nghệ thuật sử dụng tiếng Việt của Thiền phái tạo nên giá trị văn học mang bản sắc riêng biệt của Thiền phái Trúc Lâm.

Việt hóa các thể loại

“Phật giáo vốn được xem là một tôn giáo có hệ thống Tam tạng kinh điển vĩ đại nhất so với tất cả các tôn giáo trên thế giới”[61]. Những thể loại thường được sử dụng trong Phật giáo tiêu biểu: Trùng tụng, thọ ký, nhân duyên, luân thuyết,… “… sang thời Trần nền tảng văn học Phật giáo còn xuất hiện thêm phú, ca, tụng cổ, niêm tụng kệ, luận thuyết tôn giáo, các thể loại truyện, thơ trữ tình,…”[62]

Về mặt văn chương, điều ấy không chỉ tạo nên nét đa dạng độc đáo, đóng góp lớn cho nền văn học. Về mặt truyền pháp, điều đó đúng với tinh thần nhập thế của Thế Tôn, với tính cách gợi nhiều hơn mở, ý ở ngoài lời để phù hợp nhất với người Việt, để người học đạo tự mình bước vào thế giới chứng ngộ.

Các thủ pháp nghệ thuật thuần Việt

Thủ pháp nghệ thuật chính là chất liệu tạo nên sự khác biệt, điểm nhấn giữa các tác phẩm. Sự truyền pháp thời Trần ghi dấu bằng các tác phẩm thiền học với giá trị nghệ thuật mang màu sắc Đại Việt đậm nét. [63] Ngoài việt sử dụng điển cố từ văn sử cổ, các thủ pháp nghệ thuật từ ẩn dụ, thí dụ, biểu tượng – ước lệ, nghịch ngữ cũng được ứng dụng khéo léo, nhằm tạo sức gợi mở, để Phật giáo có thể dễ dàng hòa nhập. Chính các thủ pháp này đã góp phần mời gọi các hành giả bước vào thế giới chứng ngộ với sự thuyết phục và tính hấp dẫn cao.

3. Tinh thần trung đạo tránh xa cực đoan

Không đề cao cũng không xem thường ngôn ngữ

Đối với pháp phương tiện, Thế Tôn đã diễn bày hai thái cực để người học đạo tránh xa.[64] Trong các pháp phương tiện, ngôn ngữ đóng một vai trò quan trọng. Quá xem trọng hay khinh thường ngôn ngữ đều là chướng ngại của đạo. Thiền phái Trúc Lâm với sự lãnh đạo của nhà Trần, không chỉ làm rất tốt trong công tác chấn hưng Phật giáo. Không những không xem thường ngôn ngữ, mà còn có một cái nhìn rất sâu sắc rằng: ngôn ngữ là tiếng nói của văn hóa, phục hưng văn hóa là phục hưng dân tộc[65]. Vô cùng xem trọng nhưng tuyệt nhiên không thấy dấu hiệu của việc tôn sùng quá đáng ngôn ngữ mà chỉ xem như là công cụ đưa Phật giáo đến với người dân, lại hoàn thành vô cùng tốt quá trình giáo dục trong nhân dân.[66]

Học hỏi nhưng không phụ thuộc với tiếng ngước ngoài

Thế Tôn vô cùng khuyến khích việc truyền bá chính pháp bằng thứ ngôn ngữ địa phương mà người dân có thể hiểu được. Bám chặt vào một ngôn ngữ được xem là “ngôn ngữ Phật” để truyền giáo là điều mà Thế Tôn vô cùng phê phán. Trong trạng huống chữ Hán thông dụng như thế, Phật giáo Nhất tông vẫn uyển chuyển, xem chữ Hán như ngoại ngữ, còn đồng hóa chữ Hán cho phù hợp với dân Việt mà đỉnh cao là sự ra đời của Hán – Việt, kế đến là chữ Nôm. Sự dung nhập uyển chuyển ấy, chính là tinh thần trung đạo tuyệt vời mà Thế Tôn truyền trao. Đây cũng là nguyên nhân khiến Phật giáo thời Trần hòa nhập đến thế.

Tiểu kết

Với những tinh thần như thế, không chỉ giá trị giáo lý của Thế Tôn được thừa kế vẹn nguyên mà những nhu cầu bức thiết của thời Trần đều được chú trọng và đáp ứng. Đây là một sự thăng hoa, là một bước tiến quan trọng trong quá trình truyền giáo, đúng với tinh thần nhập thế của đạo Phật, của Phật giáo Nhất tông.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Giao Duc Dao Duc Qua Tu Vo Luong Tam 1

CHƯƠNG VI. TIẾNG VIỆT VÀ CHÍNH PHÁP TRONG XÃ HỘI NGÀY NAY

Trên con đường hoạt động, Phật giáo gặp không ít khó khăn, nhưng với lập trường vững vàng, chư tăng, ni, phật tử cả nước đã lèo lái thuyền Phật giáo qua sóng gió, hội nhập và phát triển. Phật giáo Việt Nam chưa từng dừng lại quá trình uyển chuyển, phương tiện trong dùng tiếng Việt – tiếng nói của người dân tộc Việt.

1. Sự truyền bá chính pháp bằng tiếng Việt ngày nay

Phật giáo Việt Nam thống nhất với lời khẳng định đầy ý thức của Thiền sư Thích Trí Thủ – Chủ tịch Hội đồng Tri sự Trung ương Giáo hội Phật giáo nhiệm kỳ I, rằng: “Những gì tôi làm lợi ích cho Đạo pháp tức là cho Dân tộc; những gì tôi làm lợi ích cho Dân tộc tức là cho Đạo pháp”[67]. Câu nói ấy đại diện cho tinh thần nhập thế sâu sắc, cùng tiến cùng lùi với dân tộc của Phật giáo Việt Nam.

Dịch thuật kinh điển

Kinh điển Việt Nam ngày nay được dịch từ các nguồn uy tín mà trước nhất là Pali, Sanskrit và Hán. Ngôn ngữ kinh điển ngày càng dễ hiểu, gần gủi, giúp cho hành giả dễ dàng tiếp cận.[68] Đại tạng kinh ngày nay bao gồm tất cả các bản dịch Tiếng Việt của Tam Tạng Kinh Điển Phật giáo, ngày càng thuần Việt. Từ đây, giáo lý Phật Đà trở thành yếu tố không thể thiếu trong văn hóa của Việt Nam.

Các tác phẩm Phật giáo

Các tác phẩm mang màu sắc Phật giáo xuất hiện vô cùng nhiều và trở thành điểm tựa tâm hồn của người dân Việt Nam bất kể có theo tôn giáo hay không. Các tác phẩm ấy mang cốt lõi là giáo lý Phật đà, nhằm trình bày về các vấn đề của đời sống, với giọng văn gần gủi, đã trở thành nét đặc sắc trong nền văn học Việt Nam.

Những nhà tư tưởng Phật học tiêu biểu như: Thiền sư Thích Thanh Từ với công trình khôi phục tư tưởng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, Hòa thượng Thích Nhất Hạnh và công trình hiện đại hóa Phật giáo và xúc tiến nền Phật giáo dấn thân, Thiền sư Thích Duy Lực và công trình làm sống lại phương pháp thực hành Tổ sư Thiền, Hòa thượng Thích Trí Tịnh và công trình phiên dịch Hán tạng.[69] Quả thật “cái tinh túy của tư tưởng Phật giáo, của văn hóa Phật giáo Việt Nam đã được dân tộc hóa và dân gian hóa thì mãi trường tồn và đồng hành cùng dân tộc”[70].

Thuyết pháp

Cùng với sự lớn mạnh khoa học công nghệ, thuyết pháp trở nên thuận lợi và nghe pháp lại trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Các bài thuyết giảng trực tiếp thông qua mạng xã hội đã tiếp cận đến rộng rãi quần chúng. Các giảng sư rất linh hoạt uyển chuyển lựa chọn những thế mạnh phù hợp với những nhóm xã tạo nên sức lan tỏa lớn. Hình ảnh và giá trị Phật giáo được biểu hiện ngày một rõ nét hơn. Chính những hoạt động nhập thế tích cực vô cùng sâu sắc ấy đã giúp cho quá trình truyền pháp bằng tiếng Việt có nhiều điểm sáng.[71]

2. Vấn đề không trong sáng của tiếng Việt trong hoằng pháp hiện nay

TT.Thích Phước Đạt đã khẳng định: “Rõ ràng, chủ trương truyền bá đạo Phật này, bắt đầu từ vua Trần Nhân Tông cách đây hơn 800 năm, đến nay vẫn không tiến triển được”[72]. Điều nay phản ánh chân thực hiện trạng đưa đến nhiều vấn đề nan giải của Phật giáo Việt Nam hiện nay.

Đầu tiên, nhiều kinh Phật vẫn được tụng bằng chữ Hán, một nghi thức tụng thuần Việt vẫn chưa phổ biến. Việc lạm dụng chữ Hán làm kinh điển trở nên khó hiểu, trở ngại việc tu học. Tuy rằng những điều này đã nằm trong đường hướng của Giáo hội, nhưng vẫn chưa thật sự có một biện pháp hiệu quả để cải thiện.

Việc kinh điển chữ Hán vẫn chưa được triệt để khắc phục lại xuất hiện thêm trào lưu mới, trào lưu trở về ngôn ngữ gốc của Phật. Kèm theo phong trào ấy là sự thần thánh hóa ngôn ngữ Pali, Sanskrit. Có vài luận điểm cho rằng tụng đọc bằng thứ tiếng ấy Phật mới có thể hiểu, vì đó là tiếng của Phật. Điều này chính là những suy nghĩ mê tín dị đoan, hoàn toàn đi ngược lại với lời dạy của Thế Tôn[73].

Ngoài ra, các vấn đề như xem nhẹ sự quan trọng của ngôn ngữ kinh điển, tùy ý sửa đổi thêm bớt hoặc thêm các thuật ngữ của giới trẻ một cách tùy tiện,… trong quá trình thuyết giảng đều là các yếu tố khiến sự trong sáng của tiếng Việt trong Phật giáo Việt Nam bị giảm mấy đi khá nhiều.

3. Vai trò chủ chốt của tăng, ni

Nhiệm vụ đưa người thế gian đến với Phật giáo, đúng lúc, đúng thời, phù hợp với căn cơ của từng người vô cùng quan trọng của người con Phật. Cần nhận rõ hơn trong những yếu tố nội lực tạo tiền đề cho nhiều cơ hội mới và những thách thức mới thì yếu tố con người là quan trọng nhất. Việc gấp rút nâng cao nhận thức, tầm nhìn, đào tạo năng lực cho một thế hệ tu sĩ trẻ, đủ sức gánh vác nhiệm vụ mà thời đại đặt ra cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam là việc làm có tính cấp thiết.

Song song với việc chuẩn bị tốt giáo trình giảng dạy, cũng cần nắm bắt được những cốt lõi, những đặc điểm của Phật giáo Việt Nam, để trên con đường các tu sĩ trẻ được đào tạo từ nhiều nguồn khác nhau, từ nhiều nước khác nhau, vẫn luôn tâm niệm rằng chính là để phục vụ cho đạo Phật Việt Nam, cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam và con người Việt Nam. Ý thức điều này, người được đào tạo sẽ vững tin đi trên con đường mà phương châm Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đề ra.

Đọc kinh Giáo giới Phú Lâu Na[74], chúng ta có thể hình dung ra xứ  mạng giáo hóa chúng sinh, bất kể nghiệp dĩ của họ còn nặng nề là một xứ mạng thiêng liêng mà hàng xuất gia cần phải gánh vác. Người xuất gia nên phát nguyện mạnh mẽ trong việc giáo hóa người cư sĩ như Tỳ kheo Abhibhu khi ở cõi trời Phạm Thiên: “Hãy đứng dậy / Lên đường / Hãy dẫn thân Phật giáo[75].

Tóm lại, trước sự vận hành mới của cuộc sống, đứng trước những vận hội mới và những thách thức mới đặt ra cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam, những người tu sĩ cần dấn thân, trang bị tinh thần nhập thế, vì cuộc sống an lạc cho người dân và vì một đất nước Việt Nam hùng cường, thái bình, vì một đạo Phật Việt Nam có bề dầy lịch sử hơn 2.000 năm mà tiến bước. Ý thức và hành động như vậy chính là đã góp phần hữu hiệu vào quá trình đưa Việt Nam hội nhập khu vực và thế giới, trong xu thế toàn cầu hóa.

Tiểu kết

Đối chiếu Phật giáo hiện nay với Phật giáo thời Trần chính là sự mở ra cho một bước tiến mới của đạo Phật mà ở đó tầm quan trọng của mỗi tăng, ni là không thể thiếu. Học hỏi sâu sắc những bài học từ quá khứ, có cái nhìn rõ ràng chính xác cho hiện tại và mở ra những phương hướng hợp lý cho tương lại sẽ là những bước bắt buộc mà để Phật giáo thật sự lan tỏa một chúng ta đều phải có ý thức.

VÀI ĐIỀU SUY TƯ

Từ phương thức truyền bá chính pháp bằng tiếng Việt ở Đại Việt thời Trần, ta nhận tầm quan trọng của ngôn ngữ đối với người hoằng pháp. Mang trên mang trên mình sứ mệnh truyền bá những tinh hoa của nền giáo lý Phật Đà, một vị giảng sư luôn tâm nguyện được cống hiến thật hiệu quả cho nền Đạo, phải đạt đến sự thiện xảo nhất định trong kỹ năng vận dụng ngôn ngữ trong hoằng pháp [76].

Gọi là Ngôn ngữ triết học tức chỉ tính đặc thù riêng một lĩnh vực, nó phản ánh tính chuyên biệt và chuyên sâu. Riêng thuật ngữ Phật Pháp lại càng uyên áo, sâu sắc hàm dung vô vàn các tầng nghĩa dễ đưa đến sự ngộ nhận trong hành trì. Ngôn ngữ quần chúng thì đa dạng muôn màu muôn vẻ, người giảng sư vì thế cũng phải linh động trong phong cách diễn đạt mang đậm tính đại chúng. Tính nghệ thuật khi vận dụng ngôn ngữ là một trong các kỹ năng giúp thính chúng dễ dàng tiếp nhận và lĩnh hội thông tin một giảng sư muốn truyền đạt.

Để gây ấn tượng mạnh, để đánh động thế giới tâm thức thính chúng, gợi mở giúp họ định hướng về sự chuyển hóa và ý thức tự chuyển hóa, những yêu cầu đặt ra cho một vị giảng sư quả không có giới hạn. Tu dưỡng, học tập, kế thừa và không ngừng sáng tạo mãi mãi là một chuỗi dài hành trình hoằng Pháp lợi sinh, trau dồi nội điển để có mặt bằng kiến thức thuật ngữ Phật học, học hỏi lời ăn tiếng nói quần chúng để có sự hoạt dụng trong ngôn ngữ đời thường và để tâm nâng cao kỹ năng sử dụng cách diễn đạt chỉnh chu sắc bén và lung linh uyển chuyển của ngôn ngữ nghệ thuật là hướng đi tất yếu của những vị giảng sư thời hiện đại.[77]

C. KẾT LUẬN

Với tất cả tâm huyết của vua quan thời Trần và người dân, tăng ni, tín đồ, Phật giáo đã phát triển thành “cây đại thụ” trong nền văn hóa Việt, hoàn toàn tiếp biến và hội nhập, làm nên một Phật giáo với những nét đặc trưng của dân tộc Việt. Rõ ràng, dưới sự lớn mạnh của quá trình truyền bá chính pháp bằng tiếng Việt không chỉ các giá trị Phật giáo được phát dương, mà tinh thần dân tộc, các giá trị truyền thống vốn là nét đặc sắc của dân tộc Việt cũng được nêu cao mạnh mẽ. Đây là niềm tự hào cũng là bài học lớn của mỗi người con Phật.

Dù là học gì, hành gì thì đây đều là một con đường dài với nhiều gian nan, thử thách, đầy rẫy những khó khăn, đặc biệt là với tu sĩ Phật giáo – người gánh trên vai trách nhiệm cứu độ tự thân, cứu độ chúng sinh. Học làm sao để thấy rõ tự ngã, tu làm sao để giải thoát được bản thân và hoằng làm sao để thế giới thấm nhuần giáo lý Phật Đà là một loại học vấn, một loại trí tuệ mà mỗi chúng ta cần phải nỗ lực tinh tấn mới có thể đạt được.

Tác giả: Thích Nữ Hiển Liên
Học viên Ths Khóa V – Học viện PGVN tại Tp.HCM

***

CHÚ THÍCH:
[1] Vu Lăng Ba, Đức Phật Thích Ca trong Phật giáo Nguyên thủy, VNCPHVN, tr. 28.
[2] PGS.NGƯT. Mai Cao Chương, PGS.TS. Nguyễn Công Lý, Lời giới thiệu của Giá trị văn học trong tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm, Nxb. Hồng Đức, 2020, tr.5.
[3] Thích Quảng Độ (dịch), Nguyên thủy Phật giáo tư tưởng luận, Nxb. VĐHVH, 1969, tr. 15.
[4] Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Marx-Lenin, Lê-nin toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc giá, tr. 52.
[5] Cao Xuân Hạo (dịch), Những phương pháp của ngôn ngữ học cấu trúc, Nxb. Khoa học xã hội, tr. 154.
[6] Là người dạy tâm lý học, ngôn ngữ học và nhân học tại Đại học Chicago.
[7] TT. Thích Phước Đạt, Phật hoàng Trần Nhân Tông chủ trương truyền bá Phật giáo bằng tiếng Việt, ngày truy cập: 26/08/2022, đường link: http://truclamyentu.com.vn/phat-hoang-tran-nhan-tong-chu-truong-truyen-ba-phat-giao-bang-tieng-viet-4218.aspx
[8] Tỳ Khưu  Indacanda, Đại Phẩm Tập 1, Các Bản Dịch Của Tỳ Khưu Indacanda, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2014, Tr. 431.
[9] TT. Thích Phước Đạt, Giá trị văn học trong tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm, Nxb. Hồng Đức, 2020, tr. 39.
[10] Nguyễn Khắc Thuần, Nước Đại Việt thời Lý – Trần, Nxb. Thanh Niên, TP.HCM, 2002, tr. 130.
[11] Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng, Các triều đại Việt Nam, Nxb. Thanh niên, TP.HCM, 1995, tr. 94.
[12] Mai Hương, Ngôn ngữ là hồn cốt của dân tộc, Ngày đăng: 22/11/2021, ngày truy cập: 26/08/2022, đường link:  https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/ngon-ngu-la-hon-cot-cua-dan-toc-976263.ldo
[13] TT. Thích Phước Đạt, Giá trị văn học trong tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm, Nxb. Hồng Đức, 2020, tr. 43.
[14] TT. Thích Phước Đạt, Giá trị văn học trong tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm, Nxb. Hồng Đức, 2020, tr. 43.
[15] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1, Nxb. Lá Bối, Sài Gòn, 1974, tr. 218.
[16] Mạn Đà La, Tìm hiểu về Trần Nhân Tông: vị sáng Tổ sáng lập dòng Thiền Trúc Lâm, bản in roneo, 1987, tr. 6.
[17] TT. Thích Phước Đạt, Phật hoàng Trần Nhân Tông chủ trương truyền bá Phật giáo bằng tiếng Việt, ngày truy cập: 26/08/2022, đường link: http://truclamyentu.com.vn/phat-hoang-tran-nhan-tong-chu-truong-truyen-ba-phat-giao-bang-tieng-viet-4218.aspx
[18] Tâm Diệu, Sự truyền bá Phật pháp, ngày đăng tải: 13/10/2014, ngày truy cập: 26/08/2022, đường link: https://thuvienhoasen.org/a21655/su-truyen-ba-phat-phap
[19] TT. Thích Phước Đạt, Phật hoàng Trần Nhân Tông chủ trương truyền bá Phật giáo bằng tiếng Việt, ngày truy cập: 26/08/2022, đường link: http://truclamyentu.com.vn/phat-hoang-tran-nhan-tong-chu-truong-truyen-ba-phat-giao-bang-tieng-viet-4218.aspx
[20] Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng, Các triều đại Việt Nam, Nxb. Thanh niên, TP.HCM, 1995, tr. 100.
[21] Thích Thanh Kiểm (dịch), Khóa hư lục, Thành hội PG. TP. HCM, 1997, tr. 52.
[22] TT. Thích Phước Đạt, Giá trị văn học trong tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm, Nxb. Hồng Đức, 2020, tr. 51.
[23] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1, Nxb. Lá Bối, Sài Gòn, 1974, tr. 228.
[24] TT. Thích Phước Đạt, Giá trị văn học trong tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm, Nxb. Hồng Đức, 2020, tr. 54.
[25] TT. Thích Phước Đạt, Giá trị văn học trong tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm, Nxb. Hồng Đức, 2020, tr. 99
[26] Viện văn học, Thơ Văn Lý – Trần, tập 2, quyển thượng, Nxb. KHXH, Hà Nội, 1989, tr. 265.
[27] TT. Thích Phước Đạt, Giá trị văn học trong tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm, Nxb. Hồng Đức, 2020, tr. 79.
[28] Ngô Sỹ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, Viện sử học dịch, tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998, tr. 44.
[29] Thích Thanh Từ, Thánh đăng lục giảng giải, Nxb. TPHCM, 1999, tr. 103.
[30] TT. Thích Phước Đạt, Giá trị văn học trong tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm, Nxb. Hồng Đức, 2020, tr. 99.
[31] TT. Thích Phước Đạt, Giá trị văn học trong tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm, Nxb. Hồng Đức, 2020, tr. 95-103.
[32] TT. Thích Phước Đạt, Giá trị văn học trong tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm, Nxb. Hồng Đức, 2020, tr. 98.
[33] Thích Thanh Tuệ, Văn học Phật giáo Việt Nam một hướng nhìn, Nxb. KHXH, 2019, tr. 151.
[34] TT. Thích Phước Đạt, Giá trị văn học trong tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm, Nxb. Hồng Đức, 2020, tr. 101.
[35] Đức Kế,  Dịch thuật kinh Phật với văn hiến Việt Nam, ngày đăng: 25/11/2010, ngày truy cập: 26/08/2022, đường link: https://giacngo.vn/dich-thuat-kinh-phat-voi-van-hien-viet-nam-post11233.html
[36] Đức Kế,  Dịch thuật kinh Phật với văn hiến Việt Nam, ngày đăng: 25/11/2010, ngày truy cập: 26/08/2022, đường link: https://giacngo.vn/dich-thuat-kinh-phat-voi-van-hien-viet-nam-post11233.html
[37] TT. Thích Phước Đạt, Giá trị văn học trong tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm, Nxb. Hồng Đức, 2020, tr. 101.
[38] TT. Thích Phước Đạt, Giá trị văn học trong tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm, Nxb. Hồng Đức, 2020, tr.102.
[39] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1, Nxb. Lá Bối, Sài Gòn, 1974, tr. 332.
[40] Nhiều tác giả, Tìm hiểu xã hội Việt Nam thời Lý – Trần, Nxb KHXH, Hà Nội, 1981, tr. 515 – 516.
[41] GHPGVN, Từ điển Phật Học Hán Việt, VNCPHVN ấn hành, 1998.
[42] Đức Kế,  Dịch thuật kinh Phật với văn hiến Việt Nam, ngày đăng: 25/11/2010, ngày truy cập: 26/08/2022, đường link: https://giacngo.vn/dich-thuat-kinh-phat-voi-van-hien-viet-nam-post11233.html
[43] TT. Thích Phước Đạt, Giá trị văn học trong tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm, Nxb. Hồng Đức, 2020, tr. 294.
[44] TT. Thích Phước Đạt, Giá trị văn học trong tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm, Nxb. Hồng Đức, 2020, tr. 295.
[45] Thích Thiện Chánh (dịch), Nền tảng Phật giáo Đại thừa, Nxb. Thuận Hóa, tr.9.
[46] TT. Thích Phước Đạt, Phật hoàng Trần Nhân Tông chủ trương truyền bá Phật giáo bằng tiếng Việt, ngày truy cập: 26/08/2022, đường link: http://truclamyentu.com.vn/phat-hoang-tran-nhan-tong-chu-truong-truyen-ba-phat-giao-bang-tieng-viet-4218.aspx
[47] TT. Thích Phước Đạt, Giá trị văn học trong tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm, Nxb. Hồng Đức, 2020, tr. 48.
[48] Viện văn học, Thơ Văn Lý – Trần, tập 2, quyển thượng, Nxb. KHXH, Hà Nội, 1989, tr. 27 – 29.
[49] Võ Gia Trị, Văn chương và nghệ sĩ, Nxb. Văn học, 2001, tr. 131.
[50] TT. Thích Phước Đạt, Giá trị văn học trong tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm, Nxb. Hồng Đức, 2020, tr. 147.
[51] TT. Thích Phước Đạt, Giá trị văn học trong tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm, Nxb. Hồng Đức, 2020, tr. 147 – 196.
[52] TT. Thích Phước Đạt, Giá trị văn học trong tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm, Nxb. Hồng Đức, 2020, tr. 151
[53] Thích Thanh Tuệ, Văn học Phật giáo Việt Nam một hướng nhìn, Nxb. KHXH, 2019, tr. 152.
[54] Viện sử học, Tìm hiểu xã hội Việt Nam thời Lý Trần, NXB Khoa học xã hội, 1981, tr.180.
[55] Câu nói của Phạm Đình Toái.
[56] Hoàng Thị Tuyết Mai, Phương thức ứng xử với ngôn ngữ và văn hóa thời Lý – Trần, tài liệu lưu hành nội bộ của Đại học Thái Nguyên, tr. 6.
[57] Vũ Thế Khôi, Về thời điểm bắt đầu, nhân tố thúc đẩy truyền bá chữ Hán và giáo lưu văn hóa Trung Viêt, Tạp chí Hán Nôn, Số 2, Hà Nội, 2006, tr. 61.
[58] Lê Mạnh Thát (dịch), Trần Nhân Tông toàn tập, Nxb. TPHCM, 2000, tr. 155 – 156.
[59] TT. Thích Phước Đạt, Giá trị văn học trong tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm, Nxb. Hồng Đức, 2020, tr. 241.
[60] HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trung Bộ 1, 10. Kinh Niệm Xứ, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, Tr. 85.
[61] Thích Phước Đạt, Giá trị văn học trong tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm, Nxb. Hồng Đức, 2020, tr. 200.
[62] Nguyễn Công Lý, Văn học Phật giáo Lý – Trần: diện mạo và đặc điểm, Nxb. ĐHQG TP.HCM, tr. 117.
[63] TT. Thích Phước Đạt, Giá trị văn học trong tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm, Nxb. Hồng Đức, 2020, tr. 252 – 289.
[64] Thích Tâm Minh, Trung đạo – nhận thức và thực hành, Nxb. Hồng Đức, 2016, tr.96.
[65] Khánh Linh, Tầm quan trọng của ngôn ngữ mẹ đẻ trong quá trình phát triển, ngày đăng: 22/02/2016, ngày truy cập: 26/08/2022, đường link: https://dangcongsan.vn/the-gioi/nhung-van-de-toan-cau/tam-quan-trong-cua-ngon-ngu-me-de-trong-qua-trinh-phat-trien-374035.html#:~:text=(%C4%90CSVN)%20%2D%20Ng%C3%B4n%20ng%E1%BB%AF%20ch%C3%ADnh,thoa%2C%20trao%20%C4%91%E1%BB%95i%20v%E1%BB%9Bi%20nhau.
[66] Thiên Hạnh, Ngôn ngữ trong hoằng pháp, ngày đăng: 20/01/2020, ngày truy cập: 26/08/2022, đường link: https://phatgiao.org.vn/ngon-ngu-trong-hoang-phap-d39171.html
[67] TS. Thích Phước Đạt, TS. Thích Hạnh Tuệ, TS. Thích Nữ Thanh Quế, Đại cương tư tưởng Phật giáo Việt Nam, Nxb. KHXH, 2021, tr. 429.
[68] Đức Kế,  Dịch thuật kinh Phật với văn hiến Việt Nam, ngày đăng: 25/11/2010, ngày truy cập: 26/08/2022, đường link: https://giacngo.vn/dich-thuat-kinh-phat-voi-van-hien-viet-nam-post11233.html
[69] TS. Thích Phước Đạt, TS. Thích Hạnh Tuệ, TS. Thích Nữ Thanh Quế, Đại cương tư tưởng Phật giáo Việt Nam, Nxb. KHXH, 2021, tr. 427 – 458.
[70] TS. Thích Phước Đạt, TS. Thích Hạnh Tuệ, TS. Thích Nữ Thanh Quế, Đại cương tư tưởng Phật giáo Việt Nam, Nxb. KHXH, 2021, tr. 464.
[71] HT. Thích Tấn Đạt, Công tác hoằng pháp thời cách mạng công nghiệp 4.0, Nxb. Tôn giáo, tr. 117.
[72] TT. Thích Phước Đạt, Phật hoàng Trần Nhân Tông chủ trương truyền bá Phật giáo bằng tiếng Việt, ngày truy cập: 26/08/2022, đường link: http://truclamyentu.com.vn/phat-hoang-tran-nhan-tong-chu-truong-truyen-ba-phat-giao-bang-tieng-viet-4218.aspx
[73] Tuệ Sỹ (dịch), Kinh Trường A – Hàm, Tập 1, 2, Kinh Du Hành, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2007, Tr. 61.
[74] ĐTKVN, Kinh Trung Bộ, tập 3, Kinh Giáo giới Phú Lâu Na, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr. 603-606.
[75] ĐTKVN, Kinh Tương Ưng, tập 1, chương 6, Tương Ưng Phạm Thiên, phẩm thứ 2, Arunavati, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr. 344.
[76] Thiên Hạnh, Ngôn ngữ trong hoằng pháp, ngày đăng: 20/01/2020, ngày truy cập: 26/08/2022, đường link:
https://phatgiao.org.vn/ngon-ngu-trong-hoang-phap-d39171.html
[77] Thích Quán Như, Thích Nữ Ý Thiên, (dịch), Ba điều căn bản của việc học Phật, Nxb. Hồng Đức, 2016, tr. 15.

THƯ MỤC THAM KHẢO
SÁCH
1. Vu Lăng Ba, Đức Phật Thích Ca trong Phật giáo Nguyên thủy, VNCPHVN.
2. Thích Thiện Chánh (dịch), Nền tảng Phật giáo Đại thừa, Nxb. Thuận Hóa.
3. HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trung Bộ 1, 10. Kinh Niệm Xứ, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2012.
4. PGS.NGƯT. Mai Cao Chương, PGS.TS. Nguyễn Công Lý, Lời giới thiệu của Giá trị văn học trong tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm, Nxb. Hồng Đức, 2020.
5. Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng, Các triều đại Việt Nam, Nxb. Thanh niên, TP.HCM, 1995.
6. HT. Thích Tấn Đạt, Công tác hoằng pháp thời cách mạng công nghiệp 4.0, Nxb. Tôn giáo.
7. TS. Thích Phước Đạt, TS. Thích Hạnh Tuệ, TS. Thích Nữ Thanh Quế, Đại cương tư tưởng Phật giáo Việt Nam, Nxb. KHXH, 2021.
8. TT. Thích Phước Đạt, Giá trị văn học trong tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm, Nxb. Hồng Đức, 2020.
9. Thích Quảng Độ (dịch), Nguyên thủy Phật giáo tư tưởng luận, Nxb. VĐHVH, 1969.
10. ĐTKVN, Kinh Trung Bộ, tập 3, Kinh Giáo giới Phú Lâu Na, VNCPHVN ấn hành, 1996.
11. ĐTKVN, Kinh Tương Ưng, tập 1, chương 6, Tương Ưng Phạm Thiên, phẩm thứ 2, Arunavati, VNCPHVN ấn hành, 1993.
12. GHPGVN, Từ điển Phật Học Hán Việt, VNCPHVN ấn hành, 1998.
13. Cao Xuân Hạo (dịch), Những phương pháp của ngôn ngữ học cấu trúc, Nxb. Khoa học xã hội.
14. Tỳ Khưu Indacanda, Đại Phẩm Tập 1, Các Bản Dịch Của Tỳ Khưu Indacanda, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2014.
15. Vũ Thế Khôi, Về thời điểm bắt đầu, nhân tố thúc đẩy truyền bá chữ Hán và giáo lưu văn hóa Trung Viêt, Tạp chí Hán Nôm, Số 2, Hà Nội, 2006.
16. Thích Thanh Kiểm (dịch), Khóa hư lục, Thành hội PG. TP. HCM, 1997.
17. Mạn Đà La, Tìm hiểu về Trần Nhân Tông: vị sáng Tổ sáng lập dòng Thiền Trúc Lâm, bản in roneo, 1987.
18. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1, Nxb. Lá Bối, Sài Gòn, 1974.
19. Ngô Sỹ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, Viện sử học dịch, tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998.
20. Nguyễn Công Lý, Văn học Phật giáo Lý – Trần: diện mạo và đặc điểm, Nxb. ĐHQG TP.HCM.
21. Mahavagga, chương trọng yếu, thứ nhất, tụng phẩm thứ tư, Câu chuyện về trưởng lão Assaji, đoạn 64.
22. Hoàng Thị Tuyết Mai, Phương thức ứng xử với ngôn ngữ và văn hóa thời Lý – Trần, tài liệu lưu hành nội bộ của Đại học Thái Nguyên.
23. Thích Tâm Minh, Trung đạo – nhận thức và thực hành, Nxb. Hồng Đức, 2016.
24. Nguyễn Quang Ngọc (chủ biên), Tiến trình lịch sử Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
25. Nhiều tác giả, Tìm hiểu xã hội Việt Nam thời Lý – Trần, Nxb KHXH, Hà Nội, 1981.
26. Thích Quán Như, Thích Nữ Ý Thiên, (dịch), Ba điều căn bản của việc học Phật, Nxb. Hồng Đức, 2016.
27. Tuệ Sỹ (dịch), Kinh Trường A – Hàm, Tập 1, 2, Kinh Du Hành, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2007.
28. Lê Mạnh Thát (dịch), Trần Nhân Tông toàn tập, Nxb. TPHCM, 2000.
29. Nguyễn Khắc Thuần, Nước Đại Việt thời Lý – Trần, Nxb. Thanh Niên, TP.HCM, 2002.
30. Võ Gia Trị, Văn chương và nghệ sĩ, Nxb. Văn học, 2001.
31. Thích Thanh Từ, Thánh đăng lục giảng giải, Nxb. TPHCM, 1999.
32. Thích Thanh Tuệ, Văn học Phật giáo Việt Nam một hướng nhìn, Nxb. KHXH, 2019.
33. Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Marx-Lenin, Lê-nin toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc giá.
34. Viện sử học, Tìm hiểu xã hội Việt Nam thời Lý Trần, NXB Khoa học xã hội, 1981.
35. Viện văn học, Thơ Văn Lý – Trần, tập 2, quyển thượng, Nxb. KHXH, Hà Nội, 1989.

TRANG WED
1. HT. Thích Minh Châu, Ðạo đức Phật giáo và hạnh phúc con người, ngày đăng: 12/09/2013, ngày truy cập: 26/08/2022, đường link: http://www.phatgiaohue.vn/news.aspx?TieuDeID=35&KenhID=72&ChuDeID=0&TinTucID=1589
2. TT. Thích Phước Đạt, Phật hoàng Trần Nhân Tông chủ trương truyền bá Phật giáo bằng tiếng Việt, ngày truy cập: 26/08/2022, đường link: http://truclamyentu.com.vn/phat-hoang-tran-nhan-tong-chu-truong-truyen-ba-phat-giao-bang-tieng-viet-4218.aspx
3. Tâm Diệu, Sự truyền bá Phật pháp, ngày đăng tải: 13/10/2014, ngày truy cập: 26/08/2022, đường link:
https://thuvienhoasen.org/a21655/su-truyen-ba-phat-phap
4. Thiên Hạnh, Ngôn ngữ trong hoằng pháp, ngày đăng: 20/01/2020, ngày truy cập: 26/08/2022, đường link:
https://phatgiao.org.vn/ngon-ngu-trong-hoang-phap-d39171.html
5. Mai Hương, Ngôn ngữ là hồn cốt của dân tộc, Ngày đăng: 22/11/2021, ngày truy cập: 26/08/2022, đường link:
https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/ngon-ngu-la-hon-cot-cua-dan-toc-976263.ldo
6. Đức Kế, Dịch thuật kinh Phật với văn hiến Việt Nam, ngày đăng: 25/11/2010, ngày truy cập: 26/08/2022, đường link:
https://giacngo.vn/dich-thuat-kinh-phat-voi-van-hien-viet-nam-post11233.html
7. Khánh Linh, Tầm quan trọng của ngôn ngữ mẹ đẻ trong quá trình phát triển, ngày đăng: 22/02/2016, ngày truy cập: 26/08/2022, đường link:
https://dangcongsan.vn/the-gioi/nhung-van-de-toan-cau/tam-quan-trong-cua-ngon-ngu-me-de-trong-qua-trinh-phat-trien-

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường