Trang chủ Đời sống Phát huy vai trò của Phật giáo đối với an sinh xã hội ở Việt Nam hiện nay

Phát huy vai trò của Phật giáo đối với an sinh xã hội ở Việt Nam hiện nay

Công tác an sinh xã hội của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trước đây được hiểu là công tác từ thiện, xã hội là hết sức đa dạng. Có thể chia công tác này thành hai lĩnh vực: an sinh về vật chất; an sinh về tinh thần...

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Công tác an sinh xã hội của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trước đây được hiểu là công tác từ thiện, xã hội là hết sức đa dạng. Có thể chia công tác này thành hai lĩnh vực: an sinh về vật chất; an sinh về tinh thần…

NCS Nguyễn Hữu Nhượng
Khóa K28.2

1. Lý luận chung về Phật giáo và an sinh xã hội

Phật giáo là một tôn giáo bao gồm nhiều truyền thống, phương pháp tu tập dựa trên lời dạy của một nhân vật lịch sử là Tất-đạt-đa Cồ-đàm. Tất-đạt-đa Cồ-đàm thường được gọi là Phật-đà, Bụt-đà (sa., pi. buddha), Phật hay Bụt, có nghĩa là “người tỉnh thức”, “người giác ngộ”. Theo truyền thống Phật giáo, Phật đã sống và giảng đạo ở vùng đông Ấn Độ từ khoảng thế kỉ thứ 6 trước Công nguyên đến thế kỉ thứ 4 trước Công nguyên.

Giáo lý của Phật, theo người phật tử (người theo đạo Phật), nhằm vào việc giải thoát chúng sinh hữu tình thoát khỏi cái khổ sinh tử luân hồi, bằng việc không còn bị ô nhiễm Vô Minh hay dục ái. Vô minh và dục ái trược trừ do sự trực nhận được Tứ Diệu Đế và Thập Nhị Nhân Duyên. Mục đích tối thượng của Phật giáo là đạt được Niết bàn. Giáo pháp đó được gọi là Phật pháp [4].

*An sinh xã hội (ASXH) có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Coi trọng các vấn đề xã hội, thực hiện ASXH đòi hỏi phải có nhận thức đúng rằng, đầu tư các nguồn lực cho việc giải quyết các vấn đề xã hội và ASXH là đầu tư cho phát triển. Phát triển con người là mục tiêu đích thực của phát triển xã hội. Ðó là cơ sở lý luận cho việc giải quyết trong thực tiễn các vấn đề xã hội của đời sống con người. An sinh xã hội dựa trên nguyên tắc san sẻ trách nhiệm và thực hiện công bằng xã hội, được thực hiện bằng nhiều hình thức, phương thức và biện pháp khác nhau. Từ chỗ, nhận thức rằng, đầu tư các nguồn lực cho việc giải quyết các vấn đề xã hội và ASXH là đầu tư cho phát triển. Phát triển con người là mục tiêu đích thực của phát triển xã hội. Kinh tế rất quan trọng, nhưng xét ra nó không phải là cứu cánh, nó không có mục đích tự thân. Phát triển kinh tế phải hướng tới mục đích phục vụ con người. Giải quyết các vấn đề xã hội, nhất là các vấn đề xã hội bức xúc, thực hiện ASXH cũng đều nhằm phục vụ cuộc sống của người dân, từ cá nhân đến cộng đồng. Như thế, các chính sách kinh tế và chính sách xã hội đều có cùng mục đích và mục tiêu vì con người và xã hội của những người lao động.

Công tác an sinh xã hội của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trước đây được hiểu là công tác từ thiện, xã hội là hết sức đa dạng. Có thể chia công tác này thành hai lĩnh vực: an sinh về vật chất; an sinh về tinh thần: i) An sinh về vật chất là các hoạt động y tế, giáo dục, phòng chống tệ nạn xã hội, chăm sóc bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, hoạt động nuôi dưỡng người già, cô đơn không nơi nương tựa, nuôi dạy trẻ mồ côi, trẻ em khuyết tật, người nhiễm chất độc màu da cam, là những chuyến đi phát quà từ thiện, nồi cháo tình thương…ii) An sinh về tinh thần là việc thành lập các đạo tràng cho tín đồ tu học, tịnh tâm; khóa tu một ngày an lạc; lớp học mùa hè cho thiếu niên; là các buổi thuyết pháp hóa độ chúng sinh sống theo tinh thần từ bi, hỉ xả của Phật pháp.

Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 10/1/2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác tôn giáo trong tình hình mới đã nhấn mạnh đến việc phát huy nguồn lực của tôn giáo trong quá trình phát triển đất nước. Đối với PG, một tôn giáo lâu đời và quan trọng ở nước ta, không những là một tôn giáo có truyền thống đồng hành với dân tộc mà còn có những tiềm năng to lớn của một nguồn lực kinh tế – xã hội, trong đó sớm thể hiện vai trò tích cực trong công tác an sinh xã hội. Ở Việt Nam hiện nay, hệ thống chính sách ASXH gồm 4 nhóm chủ yếu: (1) Chính sách việc làm đảm bảo thu nhập tối thiểu và giảm nghèo; (2) Chính sách bảo hiểm; (3) Chính sách trợ giúp xã hội; (4) Chính sách dịch vụ xã hội cơ bản.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 11.2022 Phat Huy Gia Tri Dao Duc Phat Giao 1

HT.Thích Gia Quang trao quà cho các hộ gia đình khó khăn tại chùa Liên Phái, Hà Nội – Ảnh: Nhật Minh

2. Thực trạng vai trò của Phật giáo đối với an sinh xã hội ở Việt Nam hiện nay

Là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Phật giáo Việt Nam luôn phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, gắn bó đồng hành cùng dân tộc, sẻ chia trách nhiệm với xã hội và đất nước, tích cực hưởng ứng và tham gia các hoạt động ASXH, cứu khổ độ sinh, mang lại cho các Phật tử nói riêng và người dân trong cả nước nói chung cuộc sống hạnh phúc, an lạc, tạo nên nét đẹp văn hóa, nghĩa tình của dân tộc Việt Nam, phản ánh rõ nét chức năng xã hội của Phật giáo, qua đó, truyền bá thông điệp từ bi, nhân ái của đạo Phật vào đời sống xã hội.

Công tác từ thiện xã hội là những hoạt động Phật sự đạo đức mang tính tích cực và trong sáng, thể hiện tinh thần từ bi cứu khổ của đạo Phật, là một trong những công tác trọng tâm của Giáo hội. Vì thế, các công tác liên quan đến từ thiện xã hội đều được Giáo hội quan tâm sâu sắc, chỉ đạo thực hiện một số công tác trọng tâm như sau:

2.1. Hoạt động an sinh trong xóa đói giảm nghèo

Trong những năm gần đây, trên địa bàn cả nước đã xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu của Phật giáo tham gia trong nhiều lĩnh vực hoạt động, thu hút được nguồn lực hàng nghìn tỷ đồng để cùng Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chăm lo cuộc sống cho các tầng lớp nhân dân, nhất là những nhóm yếu thế gặp hoàn cảnh khó khăn cần sự trợ giúp xã hội ngày càng tốt. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã vận động ngày càng nhiều tăng, ni, phật tử, các nhà hảo tâm, người dân trong nước và kiều bào ở nước ngoài đóng góp, ủng hộ cả vật chất, tinh thần vào các phong trào xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, hướng về cội nguồn do Đảng, Nhà nước phát động với số kinh phí, vật chất tăng theo các năm. Trong nhiệm kỳ VIII (2017-2022) vừa qua đã diễn ra trong bối cảnh phần lớn thời gian nhiệm kỳ phải đối diện với những khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19. Mặc dù vậy, Giáo hội đã tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên hợp quốc lần thứ 3 được tổ chức tại Việt Nam năm 2019 tại chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam, với sự tham dự của hơn 5.000 đại biểu đến từ 112 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tổ chức thành công Đại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (7/11/1981 – 07/11/2021) theo hình thức trực tuyến với chủ đề: “40 năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Hội nhập và phát triển cùng đất nước” [1].

Cùng với đó, công tác từ thiện an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo luôn được các cấp giáo hội thực hiện thường xuyên, liên tục. Tổng giá trị từ thiện xã hội được các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam thực hiện trong 5 năm qua lên tới hơn 7.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, trong năm 2017-2022, Giáo hội đã đào tạo được 194 Tăng Ni tốt nghiệp Thạc sĩ Phật học; đã có 2.156 Tăng Ni sinh tốt nghiệp Cử nhân Phật học hệ chính quy; 842 Cử nhân Phật học hệ Đào tạo từ xa; hệ Cao đẳng Phật học đã có 689 Tăng Ni sinh tốt nghiệp; hệ Trung cấp Phật học đã có 1.246 Tăng Ni sinh tốt nghiệp tại 34 Trường Trung cấp Phật học trong cả nước [3].

2.2. Ban hành thông bạch vận động cứu trợ đồng bào bị thiên tai, Covid-19.

Trước thảm họa thiên tai, bão lũ, lũ ống, lũ quét, hạn hán xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường biển, thông qua Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Ban Từ thiện Xã hội Trung ương đã có thông báo, thông bạch, công văn vận động tài chính, phẩm vật cứu trợ, động viên tinh thần, ổn định đời sống cho đồng bào bị thiên tai đang gặp nhiều khó khăn, sớm khắc phục hậu quả và ổn định cuộc sống.

Khi đất nước trải qua các đợt bùng phát dịch Covid-19 khác nhau tại nhiều địa phương, Tăng Ni, Phật tử các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước đã rất tích cực làm nhiều việc Phật sự hướng về vùng tâm dịch, chia sẻ yêu thương, đóng góp nguồn lực cho các Quỹ phòng, chống dịch Covid-19, mua sắm vật tư, thiết bị y tế ủng hộ các bệnh viện, xung phong vào tuyến đầu chống dịch phục vụ tại các trung tâm cách ly, bệnh viện thu dung. Các chùa, cơ sở tự viện trong vùng tâm dịch mỗi ngày đã làm hàng ngàn xuất cơm từ thiện yêu thương gửi đến đồng bào khó khăn, những người yếu thế trong xã hội, cũng như quan tâm đến các y, bác sỹ, nhân viên y tế, lực lượng vũ trang, các tình nguyện viên nơi tuyến đầu chống dịch…; Các chùa, cơ sở tự viện các tỉnh, thành phố ở ngoài tâm dịch tiếp tục ủng hộ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, rau, củ, quả… hàng hóa thiết yếu tới các chùa trong vùng dịch để tổ chức các bữa cơm yêu thương phục vụ người dân trong lúc khó khăn vượt qua thời gian thực hiện giãn cách. Thể hiện lòng từ bi của Đạo Phật và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, Trung ương Giáo hội đã ban hành nhiều thông báo, thông bạch, vận động Tăng Ni, Phật tử các tự viện chung tay phòng chống dịch [1].

Đặc biệt, theo đề nghị của Bộ Ngoại giao Sri Lanka và Đại sứ quán Sri Lanka tại Hà Nội về việc kêu gọi quyên góp và hỗ trợ nhân đạo cho nhân dân Sri Lanka do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng có bởi tác động của các cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị và xã hội đang diễn ra. Đặc biệt là tình trạng thiếu hụt trầm trọng lương thực, vật tư y tế thiết yếu, cạn kiệt thuốc men… trong tinh thần từ bi của Đạo Phật và truyền thống tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam, nhất là tình hữu nghị của hai quốc gia và Phật giáo Việt Nam – Phật giáo Sri Lanka, trước tình hình khó khăn của nhân dân Sri Lanka, trong đó có Chư Tăng và Phật tử Sri Lanka, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi Chư tôn đức tăng, ni, phật tử các chùa, cơ sở tự viện Giáo hội Phật giáo Việt Nam quyên góp, ủng hộ giúp đỡ người dân Sri Lanka vượt qua thời điểm khó khăn này.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Phat huy vai tro Phat giao doi voi cong tac an sinh xa hoi 1

2.3. Hoạt động an sinh trong khám chữa bệnh

Kế thừa và phát huy truyền thống của Đại lương y Thiền sư Tuệ Tĩnh, thực hiện chủ trương của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hệ thống Tuệ Tĩnh đường được thành lập khắp cả nước nhằm “phục vụ chúng sinh là cúng dường chư Phật”. Tuệ Tĩnh đường khám chữa bệnh miễn phí cho đồng bào bằng phương pháp y học dân tộc và y học hiện đại.

Hiện nay, trong toàn Giáo hội có 165 Tuệ Tĩnh đường, 33 phòng khám Đông y châm cứu, bấm huyệt, vật lý trị liệu và 10 phòng khám Tây y, với 206 Lương y, 40 Bác sĩ đã khám và phát thuốc từ thiện cho hàng trăm ngàn lượt bệnh nhân, với kinh phí lên đến hàng chục tỷ đồng [1].

Hiện Phật giáo có hàng trăm nhà thuốc nam, phòng châm cứu đang hoạt động ở nhiều tỉnh thành trong cả nước như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thừa Thiên – Huế, Quảng Trị, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, v.v… Các cơ sở y tế này đã thực hiện khám bệnh và phát thuốc, châm cứu, bấm huyệt cho hàng chục nghìn lượt người bệnh. Nổi bật nhất là lớp học Y học cổ truyền của Thành hội Phật giáo TP.Hà Nội, các Tuệ Tĩnh đường chùa Pháp Hoa, tịnh xá ở TP.HCM, chùa Diệu Đế – Thừa Thiên Huế, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ, Cà Mau, Pháp Hoa – Đồng Nai, Bình Dương, Vĩnh Long, Long An, Tiền Giang, Ninh Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Nam, Đà Nẵng… Hoạt động y tế qua hệ thống các phòng thuốc nam phước thiện của Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam (TĐCSPGVN) là hoạt động quan trọng nhất và cũng là hoạt động từ thiện xã hội chủ yếu. Với tôn chỉ Phước huệ song tu, người Tịnh độ “tu phước” chủ yếu là dùng y đạo (nam dược) để chữa bệnh cho người, là kết quả của điều lành, những việc phước thiện, giúp đỡ người đời bớt khổ thêm vui. Như thế là thực hiện theo đúng chủ nghĩa từ bi của đức Phật, mục đích là đưa con người trở về gốc lành của bản tính, góp phần xương minh và phát triển nền y học cổ truyền Việt Nam. Phương tiện tu phước chủ yếu là các phòng thuốc nam phước thiện bên cạnh nơi thờ tự và tu học.

2.4. Hoạt động an sinh đối với người cao tuổi, không nơi nương tựa

Chăm lo cho người già, đặc biệt là những người già cô đơn không nơi nương tựa là một trong những hoạt động từ thiện xã hội quan trọng của các giáo hội. Đây là một vấn đề nhức nhối trong các xã hội hiện đại khi tuổi thọ trung bình ngày càng được nâng cao. Nhiều nước trên thế giới, hệ thống nhà dưỡng lão của nhà nước và tư nhân rất phát triển đáp ứng nhu cầu thời đại. Ở Việt Nam, hệ thống các nhà dưỡng lão gần như không phát huy được vai trò của mình để đáp ứng nhu cầu người già. Trước nhu cầu xã hội ngày một tăng cao, hệ thống nhà dưỡng lão của các tôn giáo đã kịp thời đáp ứng yêu cầu xã hội. Hệ thống này đã góp phần giảm bớt gánh nặng xã hội cho Nhà nước.

Về Phật giáo, hiện nay có 15 Trung tâm nuôi dưỡng 527 cụ già, neo đơn; 46 Trung tâm nuôi dạy 1.429 trẻ mồ côi, trẻ em chất độc màu da cam; 01 Trung tâm phục hồi chức năng [1].

Để có cuộc sống ổn định về vật chất, một số Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành đã tổ chức nhiều Trường, Lớp dạy nghề miễn phí cho con em gia đình Phật tử, gia đình lao động nghèo, người khuyết tật. Hiện có khoảng 10 Trường dạy nghề miễn phí gồm các nghề may, thêu, đan, điện gia dụng, tin học vi tính văn phòng, ngoại ngữ, mộc mỹ nghệ, sửa xe, hớt tóc v.v… như Thừa Thiên Huế có Trường dạy nghề ở chùa Long Thọ và Tây Linh, chùa Long Phước, Long Thành (Long An), Quảng Trị, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Trường dạy nghề điêu khắc gỗ chùa KomPong Chrây (còn gọi là chùa Hang, Trà Vinh); Mở 3 khóa dạy nghề massage cho học viên khiếm thị, 165 em tốt nghiệp, có chứng chỉ nghề, có việc làm ổn định cuộc sống. Một số chùa tuy không thành lập nhà dưỡng lão nhưng vẫn đón nhận, chăm sóc các cụ già có nhu cầu nương thân cửa Phật như chùa Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội [1].

2.5. Hoạt động an sinh trong giáo dục tình thương

Hiện nay, trong cả nước đã có hàng trăm cơ sở Phật giáo tham gia các hoạt động trợ giúp giáo dục đặc biệt, với hàng nghìn đối tượng được bảo trợ như: trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, trẻ khuyết tật, người già không nơi nương tựa.

Hiện các Trường lớp, nhà dưỡng lão, cơ sở nuôi trẻ mồ côi: Lớp học tình thương: 2.000 lớp học tình thương, với 5.678 em, 199 giáo viên; 64 cơ sở nuôi dạy trẻ mẫu giáo bán trú, trẻ mồ côi, khuyết tật đã có pháp nhân, được cơ quan chức năng cấp phép thành lập

Bên cạnh đó, đã có hàng trăm chùa ở nhiều địa phương đã trở thành các trường mầm non, trường nuôi dạy trẻ em lang thang, bất hạnh, góp phần giảm bớt gánh nặng cho xã hội, điển hình như: Chùa Long Hoa (quận 7), chùa Diệu Giác (quận 2), chùa Kỳ Quang 2 (quận Gò Vấp) ở thành phố Hồ Chí Minh; Chùa Quang Châu (Hòa Vang, Đà Nẵng); chùa Bảo Quang (thành phố Hải Phòng); chùa Quang Minh (thành phố Đà Nẵng), v.v…

Ngoài ra, nhằm góp phần tạo công ăn việc làm, cải thiện cuộc sống cho những người lang thang…. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức nhiều trường dạy nghề ở nhiều địa phương trong cả nước đào tạo các chuyên ngành: may mặc, điện gia dụng, tin học, sửa chữa xe v.v… miễn phí. Hàng năm đã đào tạo hàng ngàn học viên ra trường giới thiệu cho các trung tâm giới thiệu việc làm, như: 2 chùa Tây Linh do Ni sư Thích Nữ Như Minh trụ trì và chùa Long Thọ (Thừa Thiên – Huế) do Ni sư Thích Nữ Minh Tánh trụ trì, hàng năm tổ chức 2 khóa học đào tạo nghề thêu, đan, may v.v…

2.6. Hoạt động an sinh trong chăm sóc y tế, nuôi dưỡng người nhiễm HIV/AIDS

Với tinh thần nhập thế, Phật giáo tham gia giải quyết nhiều vấn đề xã hội, góp phần cùng toàn nhân loại ngăn chặn bệnh dịch thế kỷ HIV/AIDS và xoa dịu nỗi đau của những người không may bị nhiễm căn bệnh thế kỷ này. Trong hơn một thập niên trở lại đây, Phật giáo Việt Nam đã thành lập nhiều cơ sở nuôi người nhiễm HIV/AIDS cũng như thành lập các trung tâm tư vấn HIV/AIDS.

Cơ sở chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS tại một số Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành đã thành lập văn phòng tư vấn, cơ sở chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS như Tp.Hồ Chí Minh có Chùa Kỳ Quang quận Gò Vấp, chùa Diệu Giác quận 2; Tp.Hà Nội có chùa Pháp Vân, chùa Hiển Quang, chùa Thanh Am; Tp.Hải Phòng có chùa Bảo Quang; Tp.Đà Nẵng có chùa Quang Minh, quận Liên Chiểu; Thừa Thiên Huế tổ chức lớp dạy châm cứu, 02 lớp dưỡng sinh cho nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân HIV tại chùa Hải Đức; mở phòng tư vấn sức khoẻ, tổ chức nhiều khóa tập huấn cho Tăng Ni, Phật tử, tham gia những cuộc hội thảo, hội nghị, tham quan học tập phòng chống HIV/AIDS ở trong nước và nước ngoài…

2.7. Công tác cứu trợ.

Bằng tinh thần từ bi cứu khổ của đạo Phật và đạo lý Dân tộc Việt Nam “lá lành đùm lá rách, một miếng khi đói bằng một gói khi no”, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành và Tăng Ni, Phật tử cả nước đã nỗ lực vận động tài chính, phẩm vật, cứu trợ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt các tỉnh miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, đồng bào nghèo, đồng bào vùng dân tộc, vùng sâu vùng xa …; hỗ trợ hàng chục ngàn ca phẩu thuật đục thủy tinh thể, hàng chục ca mổ tim, hàng ngàn căn nhà tình nghĩa, tình thương, nhà đại đoàn kết; Lớp học tình thương, Trường Mẫu giáo, ủng hộ và nuôi dưỡng bà Mẹ Việt Nam anh hùng, tặng hàng ngàn thẻ bảo hiểm y tế, xây hàng trăm cây cầu bê tông, đổ hàng ngàn mét đường xi măng, hàng trăm chiếc xuồng, giếng nước sạch, tặng xe lăn, xe lắc, xe trợ đi, xe đạp, máy vi tính cho học sinh; hàng trăm ngàn tấn gạo, trợ cấp học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học, nuôi cô nhi, trẻ khuyết tật, khiếm thị, cụ già neo đơn, trợ cấp lương giáo viên các lớp học tình thương, các bếp ăn từ thiện, bửa cơm yêu thương v.v… được Tăng Ni, Phật tử các tự viện thực hiện đều khắp. Nổi bật nhất là các hoạt động từ thiện trong đại dịch Covid-19, đã được Tăng Ni, Phật tử thực hiện một cách tích cực.

Qua đó, trong nhiệm kỳ VIII (2017 – 2022) công tác từ thiện đạt kết quả tổng cộng công tác cứu trợ trong nhiệm kỳ VIII là 7.133.000.281.000đ (Bảy ngàn một trăm ba mươi ba tỷ hai trăm tám mươi mốt ngàn đồng). Trong đó, TP.Hồ Chí Minh là 3.500.000.000.000đ, Phân ban Ni giới Trung ương và Phân ban Ni giới các tỉnh thành là 1.170 tỷ đồng; Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương 420 tỷ đồng; Các Phân ban thuộc Ban TTXH Trung ương: Phân ban TTXH Khất sĩ 270 tỷ đồng, Phân ban Cứu trợ Nhân đạo 70 tỷ đồng, Phân ban Từ thiện Đối ngoại và Quan hệ Quốc tế 30 tỷ đồng, Phân ban Y tế 15 tỷ đồng, Phân ban Giáo dục 50 tỷ đồng [1].

2.8. Hoạt động an sinh trong lĩnh vực tinh thần

Nếu như hoạt động an sinh trên lĩnh vực vật chất có thể đong đếm được (dù chỉ có tính tương đối vì nhiều Phật tử làm từ thiện đã giấu tên tuổi cũng như đóng góp) thì hoạt động an sinh trên lĩnh vực tinh thần là rất khó thống kê bằng số liệu. Một đơn cử, hoạt động an sinh trên lĩnh vực tinh thần của một số ngôi chùa ở Hà Nội (cả Hà Nội phố và Hà Nội nông thôn), được thực hiện ở các đạo tràng do các chùa thành lập. Đạo tràng tập hợp các Phật tử đến sinh hoạt, nghe sư trụ trì thuyết pháp, giảng giáo lý nhà Phật hoặc những bài đạo đức Phật giáo như “Tu để chuyển nghiệp”, “Sống an lạc, chết thảnh thơi”, “Con đường tu ngắn”, “Thuyết nhân quả ba đời” v.v… Qua đó Phật tử hiểu được luật nhân quả, sống tốt hơn, biết tu nhân tích đức, làm nhiều việc thiện.

Phần lớn những người gia nhập đạo đều ăn chay, thông thường là vào ngày Rằm và mồng Một (cũng có thể là 6 ngày hoặc 8 ngày trong một tháng). Được sinh hoạt trong các đạo tràng, tu theo pháp môn mà mình theo, nghe sư trụ trì thuyết giảng về giáo lý Phật giáo, về cách sống của người con Phật, giữ gìn giới luật nhà Phật, ăn chay, thờ Phật, tụng kinh niệm Phật, các Phật tử cảm thấy trong lòng thoải mái, nhiều bức xúc của cuộc sống thường nhật bon chen nơi thị thành bị xua tan.

2.9. Các hoạt động an sinh khác

Bằng tinh thần từ bi cứu khổ của đạo Phật, hội Phật giáo và Tăng, Ni, Phật tử các tỉnh thành dưới sự chỉ đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã nỗ lực vận động tài chính, vật phẩm cứu trợ đồng bào bị thiên tai, xây dựng đường xá, bắc cầu; ủng hộ các chiến sĩ biên phòng, hải đảo; thăm hỏi và động viên hỗ trợ các thương binh, bệnh binh, bệnh nhân nghèo khó tại các bệnh viện, trại phong, trại tâm thần, nhà dưỡng lão; ủng hộ quỹ bảo thọ; trợ cấp học bổng cho các học sinh, sinh viên nghèo hiếu học.

Ngoài ra, Giáo hội Phật giáo Việt Nam còn đặc biệt quan tâm đến công tác đền ơn đáp nghĩa và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Giáo hội. 42 năm qua, Giáo hội đã quyên góp và phụng dưỡng suốt đời hàng nghìn Bà mẹ Việt Nam anh hùng, xây dựng hàng nghìn ngôi nhà tình nghĩa, tình thương; hàng nghìn tỷ đồng được quyên góp để góp phần chia sẻ và làm dịu bớt mất mát của những gia đình có người thân là thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng. Với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, biết ơn những người đã hy sinh vì dân tộc, vì đất nước, hàng năm, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức nhiều Đại trai đàn cầu siêu cho liệt sĩ ở nhiều nghĩa trang trong cả nước như: Côn Đảo, Phú Quốc, Trường Sơn, Quảng Trị, Điện Biên, v.v… Bên cạnh các hoạt động trên, Giáo hội Phật giáo Việt Nam còn vận động tín đồ, chức sắc và nhân dân tích cực hưởng ứng quyên góp, hỗ trợ các công tác phúc lợi xã hội khác, như: ủng hộ kinh phí xây dựng nhà Đại đoàn kết, ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, Quỹ “Vì người nghèo”, Quỹ khuyến học, xây nhà tình thương, nhà dưỡng lão. Tham gia các hoạt động nhân đạo, như: mổ mắt miễn phí cho các bệnh nhân nghèo bị đục thủy tinh thể, tham gia dự án “Ngân hàng bò” giúp đỡ đồng bào các tỉnh phía Bắc, tham gia chương trình “Tiếp sức mùa thi” giúp đỡ các thí sinh tham dự kỳ thi đại học, cao đẳng hàng năm và hiến máu nhân đạo, v.v…

Phát huy tinh thần “Phụng đạo, yêu nước”, thiết thân cùng xã hội, hiện hữu trong lòng dân tộc, trong những năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp cùng Tăng, Ni, Phật tử cả nước đã tích cực hưởng ứng và tham gia các phong trào ích nước lợi dân, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu, hoạt động từ thiện xã hội, góp phần xây dựng xã hội Việt Nam văn minh, tiến bộ, giàu mạnh. Với những đóng góp to lớn của Giáo hội vào công tác từ thiện, nhân đạo, đảm bảo an sinh xã hội 42 năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã vinh dự 2 lần được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, phần thưởng cao quý nhất của Đảng, Nhà nước ta cùng với nhiều danh hiệu cao quý khác.

Với tinh thần từ bi, yêu tự do, hòa bình, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tích cực vận động Tăng, Ni, Phật tử và nhân dân phát huy tinh thần “Phụng đạo yêu nước”, “Hộ quốc an dân”, tham gia các phong trào ích nước lợi dân, bảo đảm an sinh xã hội. Chặng đường hơn 42 năm hình thành, phát triển đã thể hiện vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, sáng rõ truyền thống yêu nước, yêu dân tộc.

Đại hội nhiệm kỳ 2022-2027, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ tập trung thảo luận và quyết tâm thống nhất ý chí và hành động để thực hiện thành công nhiều mục tiêu. Trong đó, Tăng Ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam không ngừng phát huy tinh thần yêu nước, tích cực xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Hưởng ứng, tham gia các phong trào thi đua ích nước, lợi dân, ích đạo, lợi đời, chung tay cùng đồng bào và Nhân dân cả nước phấn đấu cho mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đẩy mạnh sự nghiệp hoằng dương giáo pháp của đức Phật vào mọi mặt của đời sống xã hội. Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa Phật giáo Việt Nam đảm bảo có sự tiếp nối giữa truyền thống và hiện đại góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trong thời đại hội nhập quốc tế. Xây dựng nền tảng chuyển đổi số của Giáo hội Phật giáo Việt Nam phù hợp và tương thích với công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Phát huy tinh thần từ bi của đạo Phật, không ngừng đẩy mạnh công tác từ thiện xã hội. Kêu gọi tăng, ni, tín đồ phật tử tích cực tham gia, hưởng ứng phong trào xóa đói giảm nghèo, chăm lo công tác an sinh xã hội. Lan tỏa triết lý Phật giáo trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân.

NCS Nguyễn Hữu Nhượng – Khóa K28.2

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ban Thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Báo cáo tổng kết hoạt động Phật sự nhiệm kỳ VIII (2017-2022) của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
2. Cuốn sách: Giáo hội Phật giáo Việt Nam và hoạt động an sinh xã hội, Nxb Tôn giáo 2022. ( Bài viết: Vai trò Phật giáo trong hoạt động an sinh xã hội ở Việt Nam hiện nay. Tác giả GS. TS. Phạm Hồng Tung và TS. Bùi Văn Tuấn)
3.https://vneconomy.vn/phat-giao-viet-nam-tich-cuc-tham-gia-tu-thien-xa-hoi-xoa-doi-giam-ngheo.htm
4.https://sites.google.com/a/webdanang.com/chua-cat-tuong/home/phat-hoc/phat-hoc-co-ban/tong-quan-ve-phat-giao

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường