Trang chủ Đời sống Một số đóng góp của Phật giáo Việt Nam trong việc “phụng đạo, yêu nước, hộ quốc, an dân”

Một số đóng góp của Phật giáo Việt Nam trong việc “phụng đạo, yêu nước, hộ quốc, an dân”

Phật giáo Việt Nam là Phật giáo yêu nước. Cơ sở lý luận là ở chỗ, cái đẹp đẽ cao cả, cái quí hiếm không phải nằm ở đâu xa, không phải trú ngụ trong vương quốc mây mù trừu tượng, mà nằm ngay trong thế giới ô trọc bụi bặm này. Nói theo danh từ triết học thì cái tuyệt đối nằm trong cái tương đối, cái tương đối chứa đựng cái tuyệt đối.

Đăng bởi: Nguyễn Thúy Anh
ISSN: 2734-9195

Phật giáo Việt Nam là Phật giáo yêu nước. Cơ sở lý luận là ở chỗ, cái đẹp đẽ cao cả, cái quí hiếm không phải nằm ở đâu xa, không phải trú ngụ trong vương quốc mây mù trừu tượng, mà nằm ngay trong thế giới ô trọc bụi bặm này. Nói theo danh từ triết học thì cái tuyệt đối nằm trong cái tương đối, cái tương đối chứa đựng cái tuyệt đối.

Tác giả: GS. TS Nguyễn Hùng Hậu – Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số Tháng 3/2024

Tóm tắt: Bài viết chứng minh “Phụng đạo, yêu nước, hộ quốc, an dân” là truyền thống của Phật giáo Việt Nam (PGVN), đặc biệt là Phật giáo thời Lý-Trần. Tinh thần yêu nước, hộ quốc, an dân thể hiện ở việc đưa Phật giáo trở thành ngọn cờ tư tưởng nhằm tập hợp, đoàn kết toàn dân để bảo vệ, xây dựng đất nước.

Những người con Phật hiện nay, hãy phát huy truyền thống đó, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; dân tộc trường tồn, hùng mạnh bằng những hành động thiết thực cụ thể.

Từ khoá: Đóng góp; Phật giáo Việt Nam; Phụng đạo, Yêu nước, Hộ quốc, An dân

1. Đặt vấn đề

Phật giáo Việt Nam có truyền thống gắn đạo với đời, bởi vậy, phụng đạo gắn liền với hộ quốc, an dân. Mặt khác, hộ quốc, an dân cũng chính là yêu nước; yêu nước thì phải hộ quốc, an dân. Gốc của hộ quốc là phải an dân; an dân là công việc cực kỳ quan trọng của hộ quốc. Bởi vậy, phụng đạo, yêu nước, hộ quốc, an dân không tách rời nhau.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 3.2024 Phat giao Viet Nam phung dao yeu nuoc 1

Cổng tam quan chùa Trấn Quốc (Hà Nội) – Ảnh: Minh Khang

2. NỘI DUNG

2.1. Phụng đạo

Đạo Phật vào Việt Nam đã hơn 2000 năm, những người Phật tử Việt Nam luôn theo đạo, đã là phật tử thì luôn phụng đạo, phật tử ở các nước, họ cũng luôn phụng đạo. Vậy, nét đặc trưng tiêu biểu của phụng đạo trong Phật giáo Việt Nam là gì?

Rộng ra, hiện nay hầu hết các nhà nghiên cứu Phật giáo Việt Nam đều có suy nghĩ, điểm đặc trưng tiêu biểu nhất của Phật giáo Việt Nam, để phân biệt với Phật giáo các nước khác như Ấn Độ, Trung Quốc là gì?

Đóng góp của Phật giáo Việt Nam cho Phật giáo thế giới ở chỗ nào? Điểm nào trong Phật giáo Việt Nam mà nhờ đó có thể gọi Phật giáo là Phật giáo Việt Nam chứ không phải là Phật giáo ở Việt Nam hay Phật giáo có tính chất Việt Nam?

Trong những tác phẩm gọi là ‘‘lịch sử Phật giáo Việt Nam’‘ cũng chỉ thấy liệt kê phân tích các tư tưởng, chùa pháp của từng trường phái, từng giai đoạn lịch sử, từng nhà sư, chứ hầu như chưa đề cập đến những vấn đề nêu trên.

Gần đây, một vài học giả nghiên cứu đã đưa ra một số đặc điểm của Phật giáo Việt Nam. Chẳng hạn, Phật giáo Việt Nam vừa phong phú vừa đa dạng; thiền ở Việt Nam vào thế kỷ II-III đã là thiền Đại thừa; Phật giáo trong giai đoạn đầu đã hòa quyện với tín ngưỡng bản địa và tạo nên một dòng Phật giáo dân gian, tồn tại cho đến ngày nay; gia đình phật tử.

Phật giáo Hòa Hảo chỉ ở Việt Nam mới có; Phật giáo Việt Nam là sự kết hợp giữ thiền, tịnh, mật, Nho, Lão và tín ngưỡng bản địa trong đó thiền có vai trò nổi trội hơn cả.

Trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam có cả Bắc tông và Nam tông, Phật giáo nguyên thuỷ; thiền Trúc Lâm Yên Tử và một số dòng phái khác. Nhưng nhìn chung, đó là những cái bề nổi bên ngoài , vậy trong bề sâu tư tưởng, lý luận, Phật giáo Việt Nam có điểm gì khác biệt với Phật giáo các nước, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ?

Nhiều người cho rằng dân tộc Việt Nam là dân tộc thực dụng, chỉ biết tiếp thu, chế biến các hệ thống tư tưởng, tôn giáo cho phù hợp với mình, chứ không có sự sáng tạo.

Họ nêu ra nào là dân tộc ta không tạo nên được những hệ thống lý luận triết học, không có các nhà triết học và tôn giáo lớn, nào là người Việt Nam chỉ giỏi bắt chước, tín ngưỡng tâm linh của người Việt Nam nhẹ nhàng không sâu.

Điều đó là có, nhưng theo tôi, việc tiếp thu và chuyển hóa các học thuyết, tôn giáo cho phù hợp với thực tiễn của dân tộc và mang lại lợi ích thiết thực cho đất nước, đó là một sáng tạo lớn.

Các thiền sư Việt Nam trên cơ sở cái phông Phật giáo Ấn Trung, đã tạo nên một hệ thống lý luận mới, chẳng hạn như triết lý ”nhậm vận”, ” vô bố úy” của Vạn Hạnh, ”lục thì sám hối khoá nghi tự” của Trần Thái Tông.

Dựa trên cơ sở cho rằng con người tạo nghiệp (Karma) là bởi lục căn, nên Trần Thái Tông đã chia một ngày đêm làm sáu buổi, mỗi buổi sám hối một căn. Cứ lặp đi lặp lại như vậy, hết ngày này qua ngày khác, hết tháng này sang tháng khác, hết năm này qua năm khác, dần dần con người biến tâm mình thành hư (hư tâm hay tâm hư), tức thành Phật (Đấng Giác Ngộ) thấu suốt mọi lẽ huyền vi của trời đất, mọi bí ẩn của vũ trụ.

Không phải ngẫu nhiên ông viết cuốn Khóa hư lục. Khóa là luyện tập, bài khóa hay bài giảng. Hư là bản thể vũ trụ thể hiện trong mỗi con người. Lục là ghi chép, giáo trình.

Khóa hư lục là một giáo trình luyện tập nhằm biến tâm mình thành hư không. Đây vừa là điểm độc đáo vừa là sự đóng góp của Phật giáo Việt Nam. Nhưng điểm lý luận đáng chú ý nhất ở đây không phải ở chỗ đó, mà là con đường đi đến giác ngộ bằng hành động thực tiễn hàng ngày của Phật giáo Việt Nam.

Phụng đạo trong Phật giáo Việt Nam không chỉ tuân theo, dâng hiến, hết lòng vì đạo, mà còn sáng tạo; tức tuân theo, hết lòng một cách sáng tạo, dâng hiến một cách đầy trí tuệ.

2.2. Yêu nước

Phật giáo Việt Nam là Phật giáo yêu nước. Cơ sở lý luận là ở chỗ, cái đẹp đẽ cao cả, cái quí hiếm không phải nằm ở đâu xa, không phải trú ngụ trong vương quốc mây mù trừu tượng, mà nằm ngay trong thế giới ô trọc bụi bặm này. Nói theo danh từ triết học thì cái tuyệt đối nằm trong cái tương đối, cái tương đối chứa đựng cái tuyệt đối.

Chân Như, Niết Bàn, Bồ đề, Chân tâm, Phật không phải ở đâu xa mà ngay trước mắt (”xúc mục”), trong tâm mỗi người. Tư tưởng này không có gì mới so với Thiền tông Trung Quốc.

Niết bàn nằm trong thế giới trần tục, vậy con người trần tục muốn đạt đến cái nằm trong thế giới trần tục (Niết Bàn), tốt nhất nên bằng con đường trần tục như giã gạo, bổ củi, gánh nước, quét dọn. Điều mà Lục tổ Huệ Năng đã thực hành.

Xa hơn nữa, Phật giáo Việt Nam còn cho rằng biển rộng mênh mông, bao la bát ngát, nơi bao chứa tất cả các dòng sông dù trong hay đục.

Trong cuộc sống, ai hướng thiện, hướng tới cái tâm bao la bát ngát như biển cả thì người đó đi dần đến giải thoát. Tư tưởng này được Quốc sư Trúc Lâm làm rõ hơn khi khuyên vua đồng thời cũng là một vị Phật tử – Trần Thái Tông: ”dĩ thiên hạ chi dục vi dục, dĩ thiên hạ chi tâm vi tâm” (lấy muốn của thiên hạ làm muốn của mình, lấy tâm của thiên hạ làm tâm của mình).

Đó cũng là tư tưởng ”Dĩ chúng tâm vi kỷ tâm”. Theo tư tưởng này, con người hướng thiện bằng việc phục vụ nhân sinh, nhân quần xã hội, và trong quá trình đó, tâm con người mở rộng, khai mở dần dần bao chứa tâm nhiều người từ hẹp đến rộng, từ nông đến sâu, từ gia đình, xóm, làng, xã, huyện, tỉnh đến quốc gia và thiên hạ.

Càng trải rộng bao nhiêu thì càng đi dần đến giác ngộ bấy nhiêu. Như vậy, Phật giáo Việt Nam vạch ra một con đường mới trong phụng sự xã hội, khác với Phật giáo Ấn Trung. Đó là con đường đi đến giác ngộ bằng cứu dân độ thế, trên đường này tâm con người ngày càng khai mở bao trùm thiên hạ, muôn loài, vạn pháp, tức đạt đến tâm Phật.

Điều này được Tuệ Trung Thượng sỹ – ngôi sao sáng chói trên nền trời thiền học Việt Nam – nói khá rõ:” tâm của muôn loài tức Phật tâm” (Vạn pháp chi tâm tức Phật tâm).

Đi đến giác ngộ bằng cách như vậy, Phật giáo Việt Nam đã mang trong mình tinh thần yêu nước. Không thể nói yêu nước thương dân mà lại không lấy nguyện vọng, mong muốn của dân làm nguyện vọng, mong muốn của mình.

Ở đây, phải chăng đóng góp của Phật giáo Việt Nam là đã tìm ra một con đường mới vừa tương đối cụ thể, thiết thực, rõ ràng, vừa tương đối ngắn, dễ, đi đến giác ngộ? Lịch sử Phật giáo từ trước tới nay theo một khía cạnh nào đó có thể nói là lịch sử ngày càng rút ngắn con đường đến Niết Bàn. Nếu xét ở góc độ này thì đóng góp của Phật giáo Việt Nam cho Phật giáo thế giới quả là không nhỏ.

Đóng góp này, một mặt là do sáng tạo của Phật giáo Việt Nam; mặt khác, do cuộc sống qui định. Ở một đất nước luôn thường trực phải chống giặc ngoại xâm, nếu cứ ôm khư khư những giáo lý nhà Phật, đóng kín cửa chùa, mặc cho quân thù tàn sát đông bào thì thật chẳng hợp thời đúng lúc chút nào.

Đi sâu một chút ta thấy Phật là Thiện. Trong Thiện có nhiều mức độ, có thiện lớn, thiện nhỏ, thiện vĩ đại như đức Phật, từ bỏ ngai vàng đi tìm con đường cứu chúng sinh ra khỏi sông mê biển khổ. Thiện nhỏ như làm một điều tốt lành nho nhỏ, chẳng hạn, cho người khốn khó đồng tiền bát gạo.

Người Phật tử Việt Nam luôn nhìn ra và làm theo những cái thiện lớn, khi đứng giữa ngã ba đường cần phải lựa chọn, dù có phải vi phạm giới luật. Chấp vào những giới luật để làm những điều thiện nhỏ mà bỏ qua những cái thiện lớn thì chẳng khác nào như ”ngu trung”, ”ngu hiếu” trong Nho giáo vậy. Đó chính là tuỳ nghi, quyền biến.

Theo Lão Tử, cái đức cao nhất là bất đức, cho nên có đức, cái đức thấp nhất là không thất đức, cho nên vô đức. Đã giác ngộ thì mọi hành động, cử chỉ, suy nghĩ đều là Thiền. Và ở đây, phải chăng đánh giặc cứu nước cũng là Thiền?

Thời Lý – Trần là thời kỳ mà đạo Phật có thể nói là quốc giáo, nhưng cũng là thời kỳ vẻ vang oanh liệt nhất trong lịch sử. Thiện lớn, đức lớn, hợp thời, đúng lúc, tuỳ nghi lúc này là phải cứu dân tộc, quê hương, đất nước khỏi cái thảm hoạ của nạn ngoại xâm.

Vì cái thiện lớn, đức lớn đó mà các phật tử sẵn sàng cầm gươm lên ngựa, sẵn sàng vi phạm giới luật (cấm sát sinh), giết một người để cứu muôn người.

Trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng, ở đây phá giới là theo tinh thần phá chấp. Thiền tông Việt Nam có tinh thần thương người, cứu người, đặc biệt cứu con người là trên hết. Chả thế mà Phật giáo Việt Nam có câu:

Dù xây chín cấp phù đồ
Không bằng làm phúc cứu cho một người.
Cứu một người còn hơn cả xây chín cấp phù đồ”.

Bởi vậy, việc cứu cả một dân tộc, đất nước, cứu muôn dân trăm họ là công việc khẩn thiết cấp bách hơn cả, dù có phải vi phạm giới luật. Chính vì vậy mà trong cuộc kháng chiến chống Pháp, sư Thiện Chiếu đã viết đôi câu đối lên trước cửa chùa Linh Sơn, nơi ông làm giáo thụ: “Phật giáo thị nhập thế nhi phi yếm thế Từ bi nãi sát sinh dĩ độ chúng sinh” (Đạo Phật là nhập thế chứ không phải yếm thế Từ bi là sát sinh để cứu độ chúng sinh).

Quan niệm từ bi của Thiện Chiếu nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung là hoàn toàn khác so với Phật giáo Ấn Trung. Phải chăng đó cũng là điểm độc đáo, đặc sắc của Phật giáo Việt Nam, một cống hiến mới vào kho tàng Phật giáo thế giới?

2.3. Hộ quốc, an dân.

Hầu hết các nhà sư ở Việt Nam đều có tinh thần hộ quốc, an dân. Trong thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi, họ đều là những trí thức lớn, giỏi cả tiếng Phạn lẫn tiếng Hán như Ma Ha, thông suốt tam giáo như Vạn Hạnh, Viên Thông, thậm chí Sùng Phạm còn sang tận Thiên Trúc học 9 năm.

Chính vì là những nhà tri thức lớn đương thời nên trong buổi đầu khi nhà tiền Lê mới sáng lập, Pháp Thuận có công dựng bàn hoạch định sách lược. Khi thiên hạ thái bình sư không nhận chức tước của triều đình phong thưởng.

Vua Lê Đại Hành lại càng thêm kính trọng thường không gọi tên mà gọi là Đỗ Pháp sư, thường uỷ thác cho sư các công việc văn hàn. Năm 986 sư giả làm ông lái đò tiếp sứ Tống Lý Giác khiến sứ nước ngoài vô cùng thán phục. Vạn Hạnh còn đoán trước được sự thất bại của quân Tống năm 980.

Ông là người góp phần quan trọng đưa Lý Công Uẩn lên ngôi vua, sáng lập ra triều Lý. Khi mất, vua Lý Nhân Tông có bài truy tán:

Vạn Hạnh thông ba cõi (Vạn Hạn dung tam tế)
Lời sư nghiệm sấm thi (Chân phù cổ sấm thi)
Từ làng quê Cổ Pháp (Hương quan danh Cổ Pháp)
Chống gậy trấn kinh kỳ (Trụ tích trấn kinh kỳ)

Qua đây ta thấy Vạn Hạnh còn là trụ cột của quốc gia xã tắc. Thiền Nham giúp dân chống hạn được vua ban cho áo ngự. Quốc sư Viên Thông trình bày kế hưng vong trị loạn cho Lý Nhân Tông năm 1130, vua rất vừa ý, được vua phong chức Hữu nhai tăng thống, tuỳ ý ra vào cung cấm để dâng lời khuyên răn can gián chưa từng biếng trễ với chức vụ phò vua.

Khi có lễ triều yết, sư được đứng cùng thứ bậc với thái tử. Năm 1137, sư được dự hàng cố mệnh đại thần, được uỷ thác các việc triều chính.

Năm 1143 sư được phong Tả hữu nhai tăng thống nội cung phụng tri giáo môn công sự, truyền giảng Tam Tạng, văn chương, sau được phong Ứng chế hộ quốc quân sư, ban hàm Tử y đại sa môn.

Đó là chức vụ quan trọng, quả là bậc đại thần được trong triều ngoài quân tôn kính. Từ “Hộ quốc quân sư” xuất phát từ đây. Như vậy, các thiền sư phái Tì Ni Đa Lưu chi đều là những tay đại trí thức cự phách, thông hiểu tam giáo đặc biệt là Phật, Nho.

Họ có công phò vua giúp nước, hộ quốc an dân dưới nhiều hình thức khác nhau như cố vấn cho vua đứng ngang hàng các đại thần, thái tử.

Sư Vạn Hạnh còn là trụ cột của triều đình. Nhiều sư giúp dân chống hạn, chữa bệnh, bài trừ các hủ tục lạc hậu nhằm góp phần phát triển văn hoá, tuyên truyền điều thiện, giáo dục đạo đức lành mạnh. Nhiều sư, chẳng hạn như Tịnh Thiền, luôn nghĩ việc mưu lợi dân sinh.

Với những đóng góp đó, các thiền sư đã góp phần to lớn tạo nên khuôn mặt văn hoá của nước ta trong những buổi đầu dựng nước và giữ nước kéo dài cho đến thời Lý- Trần, thời kỳ phát triển vẻ vang nhất trong lịch sử dân tộc. Không phải ngẫu nhiên mà cho đến nay vẫn còn từ “ thầy chùa”.

“Thầy chùa” phản ánh một cách trung thực và chính xác trong buổi đầu dựng nước và giữ nước, nhà chùa chính là trường học, nơi học tập kiến thức, xây dựng nếp sống văn hoá, và chính các sư là những người thầy giáo của đại đa số quần chúng, được quần chúng tôn kính gọi là “thầy”.

Các thiền sư của phái Vô Ngôn Thông cũng là những bậc trí thức lớn nên đã có công lớn trong việc phò vua, giúp nước phát triển văn hoá. Sư Ngô Chân Lưu (933 – 1011, thế hệ thứ tư) được Đinh Tiên Hoàng ban hiệu Khuông Việt đại sư (971) (tức đại sư phò giúp nước Việt).

Khuông Việt cũng chính là hộ quốc. Dưới triều vua Lê đại Hành, sư đặc biệt được vua kính trọng, phàm các việc quân quốc triều đình, sư đều được tham dự. Lý Thái Tổ mời thiền sư Đa Bảo dự bàn định đoạt các việc chính sự triều đình. Vua còn phong cho sư được dự bàn chính sự, ngang hàng với các quan tam ti.

Với các thiền sư của thiền phái Thảo Đường, đặc biệt là thiền Trúc Lâm Yên Tử, họ luôn có tinh thần hộ quốc an dân. Cao hơn nữa, hộ quốc an dân còn thể hiện ở chỗ các vua thời Lý-Trần đã đưa Phật giáo trở thành ngọn cờ tư tưởng để tập hợp, đoàn kết toàn dân tộc chống giặc ngoại xâm cũng như xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng. Điều này thể hiện rõ ở việc hình thành thiền phái Thảo Đường, đặc biệt là thiền Trúc Lâm Yên Tử.

3. KẾT LUẬN

“Phụng đạo, yêu nước, hộ quốc, an dân” là truyền thống của Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là Phật giáo thời Lý-Trần. Ngay con đường đi đến giác ngộ ”dĩ chúng tâm vi kỷ tâm” của Phật giáo Việt Nam cũng rất gần với tư tưởng của Hồ Chí Minh: ”Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta ai cũng được học hành’‘.

Do vậy, những người phật tử hiện naycần phát huy truyền thống tốt đẹp đó bằng cách tham gia tích cực vào công cuộc đổi mới, phục hưng, trấn hưng đất nước, xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, giàu mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc bằng những hành động thiết thực cụ thể.

Tác giả: GS.TS Nguyễn Hùng Hậu – Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số Tháng 3/2024

***

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 3.2024 Phat giao Viet Nam phung dao yeu nuoc 2

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường