Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Hai mục tiêu của Giáo dục Phật giáo Việt Nam

Hai mục tiêu của Giáo dục Phật giáo Việt Nam

Giáo dục Phật giáo Việt Nam được hình thành và phát triển cùng với sự phát triển về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội Việt Nam; nó không chỉ là sự phản ánh đặc điểm, điều kiện lịch sử, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội mà còn là kết tinh của sự kế thừa nền giáo dục Phật giáo trước đó.

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Giáo dục Phật giáo Việt Nam được hình thành và phát triển cùng với sự phát triển về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội Việt Nam; nó không chỉ là sự phản ánh đặc điểm, điều kiện lịch sử, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội mà còn là kết tinh của sự kế thừa nền giáo dục Phật giáo trước đó.

TT.TS Thích Lệ Quang
Trưởng Ban Giáo dục Phật giáo quận Tân Bình, TP.HCM

TÓM TẮT: Trong lịch sử phát triển của đạo Phật nói chung, lịch sử phát triển của Phật giáo Việt Nam nói riêng đã khẳng định Phật giáo muốn tồn tại lâu dài, bền vững, thì Phật giáo không chỉ phát triển về các lĩnh vực như cơ sở vật chất, chùa chiền, chư tăng, ni, tín đồ Phật giáo, văn hóa… mà còn phải hết sức quan tâm đến phát triển giáo dục. Bởi lẽ, giáo dục là nhân tố hàng đầu góp phần nâng cao trình độ, tri thức và hoàn thiện nhân cách, phẩm chất đạo đức của con người.

Đặc biệt, giáo dục Phật giáo không chỉ đào tạo ra những con người có kiến thức sâu rộng, trình độ học Phật uyên thâm, mà giáo dục Phật giáo còn định hướng con người tu tập tự thân để đạt đến giác ngộ, giải thoát.

Bài viết tập trung trình bày: Giáo dục Phật giáo Việt Nam hướng đến mục tiêu phát triển kiến thức cho tăng, ni; đồng thời giáo dục Phật giáo Việt Nam hướng đến mục tiêu giác ngộ, giải thoát. Nhằm góp phần làm sâu sắc hơn vai trò của giáo dục Phật giáo Việt Nam trong thời đại ngày nay.

Từ khoá: Giáo dục Phật giáo, một con đường, hai mục tiêu, Phật giáo Việt Nam.

Giáo dục là nền tảng cốt lõi của sự phát triển nhân loại, là mục tiêu hướng đến sự phát triển chung của xã hội con người. Ở mỗi thời đại, mỗi giai đoạn lịch sử – xã hội khác nhau, giáo dục là vấn đề chiến lược, được các quốc gia đặc biệt quan tâm, nó thể hiện sự phát triển, tiến bộ của mỗi quốc gia. Chính vì vậy, Hồ Chí Minh đã viết: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại” [1].

Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển của xã hội, nó quyết định đến sự thành bại của một quốc gia, dân tộc. Do đó, Hồ Chí Minh cho rằng: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” [2].

Trên tinh thần tiếp thu kế thừa truyền thống giáo dục của dân tộc, thấm nhuần tư tưởng giáo dục của Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt chú trọng đến vai trò của giáo dục và đào tạo trong việc đào tạo con người, nhầm tạo ra nguồn nhân lực, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững của đất nước: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, một nhân tố quyết định để thực hiện thành công sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân; đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội” [3].

Nhận thức sâu sắc vai trò của giáo dục đối với lợi ích của dân tộc, cũng như lợi ích của việc đào tạo thế hệ nhân tài cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong tương lai, các vị lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có nhiều kế hoạch, chiến lược lâu dài, nhằm phát triển, đào tạo nguồn nhân lực vì lợi ích của Giáo hội, cũng nhưng góp phần phục vụ lợi ích cho toàn xã hội.

Do vậy, Giáo dục Phật giáo Việt Nam không những đào tạo, giáo dục những thế hệ tăng, ni có đầy đủ những tri thức phổ quát, bao trùm, phục vụ cho lợi ích của xã hội, mà còn hướng đến đào tạo, những con người có đủ phẩm chất đạo đức, nhân cách sống, lối sống chuẩn mực, hướng đến mục tiêu cuối cùng của một con người hoàn chỉnh theo Phật giáo.

Có thể nói, con đường giáo dục Phật giáo Việt Nam hướng đến hai mục tiêu chiến lược quan trọng: mục tiêu đào tạo tri thức sâu rộng và đào tạo con người đạt được kết quả giác ngộ như kỳ vọng đặt ra.

1. Giáo dục hướng đến mục tiêu phát triển tri thức cho tăng, ni

Giáo dục là một hiện tượng xã hội, phản ánh quá trình trao đổi kinh nghiệm, tri thức giữa con người với con người thông qua những ngôn ngữ và hệ thống các ký tự khác, với mục đích tác động đến con người từ tinh thần cho đến thể chất, làm thay đổi con người theo những yêu cầu về phẩm chất cũng như năng lực. Vì vậy, giáo dục là sự kế thừa, phát triển, duy trì sự tồn tại của xã hội loài người.

Trong Đại từ điển tiếng Việt định nghĩa rằng, giáo dục chính là: “Tác động có hệ thống đến sự phát triển tinh thần, thể chất của con người, để họ dần dần có được những phẩm chất và năng lực như yêu cầu đề ra…”[4]. Do vậy, nền giáo dục nào cũng chịu sự chi phối của mục đích giáo dục. Giáo dục Phật giáo Việt Nam cũng không ngoại lệ, không phải là một hiện tượng ngẫu nhiên mà nó xuất phát từ những đặc điểm, yêu cầu lịch sử – xã hội trong từng giai đoạn lịch sử của dân tộc.

Do đó, mục đích giáo dục của Phật giáo Việt Nam nhằm đáp ứng các yêu cầu mới của thời đại, đó là giáo dục tri thức về thế học và Phật học, đào tạo đội ngũ nhân tài phục vụ cho Giáo hội, giáo dục con người có lối sống lành mạnh, phẩm chất đạo đức, có nhân sinh quan đúng đắn, hướng đến mục tiêu cuối cùng của quá trình tu tập giác ngộ, giải thoát; đồng thời thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc, ổn định trật tự xã hội, phát huy lòng yêu nước, bảo vệ nền độc lập chủ quyền dân tộc.

Song song đó, tư tưởng giáo dục Phật giáo Việt Nam còn là sự tiếp thu kế thừa truyền thống văn hoá của dân tộc và tinh hoa văn hoá của Phật giáo trải qua hàng ngàn năm tồn tại và phát triển. Thời kỳ Lý – Trần là một minh chứng cho đỉnh cao của quá trình phát triển giáo dục Phật giáo cùng với hệ thống giáo dục của xã hội lúc bấy giờ.

Năm 1227, vua Trần Thái Tông (1225- 1258) đã tổ chức khoa thi tam giáo tuyển trọn nhân tài, trong các kỳ thi hương, thi hội ở Quốc Tử Giám, các thí sinh ngoài việc thông hiểu Nho giáo và Lão giáo, còn phải thông hiểu Phật giáo một cách sâu sắc thì mới có cơ hội trúng tuyển, được tuyển chọn ra làm quan triều đình. Giáo dục thời kỳ Lý – Trần không những quan tâm đến tri thức về mặt tự nhiên, xã hội, con người, mà nó còn giáo dục về đạo đức, lối sống, tinh thần dân tộc.

Do đó, vai trò của giáo dục và đào tạo trong Phật giáo rất to lớn, là nhân tố quyết định đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Giáo hội tương lai và cũng là nguồn nhân lực, nhân tài của đất nước.

Bởi lẽ, giáo dục và đào tạo Phật giáo Việt Nam ngày nay đã có những chuyển biến, hòa nhập cùng với sự vận động và phát triển của xã hội, hội nhập cùng với xu hướng phát triển mang tính toàn cầu hoá hiện nay; nó không còn là sự phát triển đơn phương về Phật học, mà Phật giáo có cách tiếp cận đa chiều, hội nhập với nền tư tưởng, triết lý chung của văn hoá thế giới.

Vì vậy, mục tiêu của các nhà lãnh đạo Giáo hội là hướng đến giáo dục, đào tạo, phát triển con người về tri thức xã hội, tri thức Phật học, nhằm đáp ứng nhu cầu đổi mới phong cách lãnh đạo trong tương lai của Phật giáo theo xu hướng tất yếu của sự vận động và phát triển xã hội.

Đào tạo nhân tài, chính là nguyên khí của dân tộc Việt Nam nói chung, Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói riêng, như Thân Nhân Trung (1419 – 1499), một danh nhân lịch sử, một nhà văn hoá xuất sắc của dân tộc Việt Nam thế kỷ XV đã viết: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh. Nguyên khí suy thì nước yếu mà xuống thấp” [5].

Cũng vậy, Giáo hội muốn lớn mạnh, Phật giáo nước nhà muốn phát triển, đòi hỏi phải có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực tài đức để tiếp nối vai trò và sứ mệnh giáo dục con người của Phật giáo, đó chính là nhiệm vụ của Giáo hội. Phát triển giáo dục và đào tạo chính là đặt nền móng cho sự phát triển của văn hoá Phật giáo, là cơ sở cho sự phát triển văn hoá Phật giáo Việt Nam trong tương lai.

Trong những năm của nửa đầu thế kỷ XX, giáo dục Phật giáo có nhiều sự chuyển biến, làm thay đổi mạnh mẽ tinh thần học Phật khắp ba miền Nam, Trung, Bắc, nhằm tạo ra nguồn nhân lực trí thức, Tăng tài phục vụ cho Đạo pháp và Dân tộc. Nhiều trường học xuất hiện ở Nam Kỳ như Thích học đường, Phật học thư xã, thành lập Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học ở Sài Gòn,1931. Ở Trung Kỳ, tại Huế thành lập Hội An Nam Phật học, 1933.

Cùng với sự ra đời của các trường, hội, lớp Phật học, là sự xuất hiện của các tờ báo, tạp chí hết sức phát triển sâu rộng khắp ba miền như: Hoà thượng Khánh Hoà cho ra đời tập san Phật học: Pháp Âm bằng Quốc ngữ đầu tiên của Phật giáo, tờ Phật hoá tân thanh của nhà sư Thiện Chiếu, tờ Duy tâm Phật học của Hoà thượng Huệ Quang, ra đời năm 1935; tạp chí Tiến hoá do sư Thiện Chiếu làm cố vấn, xuất bản 1936;

Và hàng loạt các tạp chí khác như: tạp chí Bát Nhã âm; tạp chí Pháp âm Phật học; tạp chí Phật pháp chỉ Niết Bàn; tạp chí Viên âm do bác sĩ Lê Đình Thám chủ trương xuất bản 1933; tờ Tam bảo chí xuất bản 1937 tại Bình Định.

Ở miền Bắc thì xuất hiện nhiều tạp chí nổi tiếng như: tờ Tiếng chuông sớm năm 1935, do Hòa thượng Thanh Thao chủ xướng; tờ Đuốc Tuệ do cư sĩ Nguyễn Năng Quốc Làm chủ nhiệm; tạp chí Quan Âm do cư sĩ Lương Văn Tuân làm chủ bút… nhằm góp phần tuyên truyền, giáo dục nâng cao kiến thức Phật học sâu rộng trong quần chúng.

nguyet san vien am

Tạp chí Viên âm do bác sĩ Lê Đình Thám chủ trương xuất bản 1933.

Đặc biệt, sau khi đất nước hoàn toàn độc lập, một trang sử mới đã mở ra cho Phật giáo Việt Nam, đó là sự kiện Đại hội Phật giáo vào tháng 11 năm 1981 tại chùa Quán Sứ – Hà Nội, thống nhất các tông phái, hệ phái Phật giáo trong một tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Đánh dấu một bước ngoặt lịch sử hình thành và phát triển của Phật giáo Việt Nam trong thời đại mới với nhiều thành tựu hết sức quan trọng, trong đó có thể nói giáo dục Phật giáo đã được các cấp Giáo hội quan tâm cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo Tăng tài, kế thừa và phát triển của Giáo hội ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Giáo hội đã thành lập nhiều cơ sở giáo dục đào tạo tăng, ni như là lớp sơ cấp Phật học, trường Cao – Trung cấp Phật học; ở các thành phố lớn thì có các Học viện Phật giáo Việt Nam đào tạo bậc Cử nhân, Thạc sĩ Phật học, lớp đào tạo Trung – Cao cấp giảng sư.

Bên cạnh đó, Giáo hội còn chủ trương khích lệ cho các tăng, ni du học, làm nghiên cứu sinh ở các nước Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc…Hệ thống giáo dục Phật giáo Việt Nam tương đối hoàn chỉnh và gặt hái nhiều kết quả tốt đẹp như mong đợi trong sứ mệnh, mục tiêu của giáo dục Phật giáo.

Tuy nhiên, vấn đề của câu chuyện về giáo dục Phật giáo hiện nay. Thứ nhất, là công tác quản trị giáo dục cần xem xét, đổi mới hơn nữa trong việc hoạch định, lãnh đạo và đồng bộ, thống nhất của các trường, lớp về sứ mạng, tính chất, định hướng, tên gọi trong hệ thống giáo dục Phật giáo hiện nay. Cấu trúc hệ thống giáo dục Phật giáo chưa mang tính chuyên biệt và ở nhiều nơi trường, lớp còn trực thuộc quản lý của Ban Trị sự Phật giáo quận, huyện hoặc tỉnh, thành phố.

Các trường, lớp, phần lớn thuộc thẩm quyền quản lý của Ban Trị sự, nhưng về chuyên môn vẫn thuộc quản lý của Ban Giáo dục Tăng, Ni Trung ương. Cơ chế quản lý giáo dục từ Sơ cấp, Trung cấp, Cao đẳng… còn nhiều bất cập. Mặt khác, quy định về độ tuổi làm việc của hiệu trưởng một trường học Trung cấp, Cao đẳng, Đại học là bao nhiêu tuổi thì nghỉ làm việc?

Có nhiều trường một vị làm hiệu trưởng rất lâu, không có thời gian để nghỉ ngơi; nhiều nơi chủ nhiệm một lớp sơ cấp hoặc hiệu trưởng một trường Trung cấp, Cao đẳng kiêm nhiều chức danh trong Ban Trị sự cấp quận, huyện hoặc tỉnh, thành phố. Vì vậy, tính chuyên môn về giáo dục còn nhiều hạn chế; cùng với đó, là các bậc tôn túc khi làm việc trong khoảng thời gian dài không được nghỉ ngơi sẽ tác động đến tư duy, nhận thức về giáo dục và ảnh hưởng đến sức khoẻ của các ngài.

Thứ hai, giáo trình, giáo án giảng dạy của các trường Phật học còn chưa hoàn thiện, thống nhất. Chẳng hạn sách giáo khoa, giáo trình của các lớp Sơ cấp chưa hoàn thiện, nhiều môn học trùng lập với chương trình của Trung cấp Phật học. Có tỉnh, thành phố thì lớp sơ cấp dạy riêng, có nơi thì sơ – trung cấp nhập chung; nhiều nơi quận, huyện mở hai, ba khoá gối đầu liên tục, nhiều địa phương thì không có lớp Sơ cấp, Trung cấp nào tồn tại hoặc vừa mở ra, sau đó vài năm giải thể.

Thứ ba, là chính sách tuyển chọn nhân tài phục vụ cho Giáo hội ở các cấp địa phương chưa quan tâm, đề cao vai trò của giáo dục đúng mức, còn xem nhẹ những người trí thức, có trình độ cao trong khâu cơ cấu nhân sự. Vì vậy, giáo dục đôi lúc chưa phải là điểm nhấn trong cơ cấu nhân sự ở nhiều nơi. Thay vào đó, rào cản của các “yếu tố khác”, “các mối quan hệ” và đôi lúc cũng có yếu tố của “lợi ích nhóm” là điều cần nghĩ đến.

Thiết nghĩ, giáo dục, đào tạo nhân tài để phục vụ Giáo hội là một hướng đi đúng đắn của các bậc tôn túc lãnh đạo Giáo hội, thì tất yếu những người trí thức phải được đề cao và tôn trọng đúng giá trị của nó; nếu giáo dục không đóng vai trò là nhân tố cần thiết cho việc cơ cấu nhân sự trong Giáo hội tương lai, thì thiết nghĩ “nguy cơ suy thoái tiềm tàng” sẽ xảy ra là điều không thể tránh khỏi trong tương lai của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Mặc dù vậy, về bản chất của giáo dục Phật giáo Việt Nam là giáo dục, đào tạo con người có phẩm chất đạo đức tốt, có nhân cách đúng đắn, định hướng giúp con người vươn lên đỉnh cao của nền tảng chí thiện, sống vị tha, phá bỏ chấp ngã hay nói khác hơn giáo dục Phật giáo hướng con người nỗ lực tinh tấn tu tập, tự chuyển hoá tâm mình để đạt đến sự, giác ngộ, giải thoát, sống an lạc, giúp ích cho xã hội, bên cạnh sự giáo dục nâng cao, phát triển tri thức cho con người.

2. Giáo dục Phật giáo hướng đến mục tiêu giác ngộ

Bên cạnh mục tiêu giáo dục nhằm nâng cao tri thức cho tăng, ni, giáo dục Phật giáo Việt Nam còn hướng con người đến một mục tiêu cao cả hơn, đó là hoàn thiện con người về phẩm chất đạo đức, lối sống, nhân cách sống, đặc biệt là hướng đến sự giác ngộ, giải thoát theo tinh thần của Phật giáo. Đây được xem là nền tảng cốt lõi của Phật giáo nói chung, Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói riêng.

Do đó, Trần Thái Tông đã viết: “Phương tiện dẫn dụ đám người mê muội, con đường tắt sáng lẽ tử sinh, ấy là đại giáo của đức Phật. Đặt mực thước cho hậu thế; làm khuôn mẫu cho tương lai, ấy là trách nhiệm của tiên thánh” [6].

Thật vậy, giáo dục của Phật giáo mang tính đặc thù của một tôn giáo với những phương pháp giáo dục con người hết sức đặc biệt được thể hiện qua bốn lối tiếp cận con người trong quá trình thực hiện sứ mệnh độ sinh, đó là: Khế lý, khế cơ, khế xứ, khế thời.

Trong đó, lấy đối tượng con người làm trung tâm của giáo dục, định hướng con người đi trên lộ trình giác ngộ, phấn đấu, rèn luyện tư cách của con người từ phàm trần chưa hoàn thiện, chưa chuẩn mực về lối sống, phẩm chất đạo đức trở thành một người hoàn hảo, sống có đạo đức, có lòng Từ bi, kiểm soát cái tôi thành người vô ngã, vị tha, sống giúp ích cho đời sống nhân sinh.

Cho nên Trần Thái Tông đã vạch ra ranh giới giữa Phật giáo và Nho giáo hết sức cụ thể, rõ ràng, nó phản ánh nét đặc thù của Phật giáo về một lối tiếp cận mang tính nền tảng của Phật giáo đó là giác ngộ, giải thoát. Mặc dù, trải qua hàng ngàn năm, thay đổi nhiều phương thức hoá độ, thì mục tiêu hướng con người đến sự giác ngộ chân lý, giải quyết vấn đề sinh tử là bản chất “cốt lõi của Phật giáo”.

Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề của sinh tử, thì Phật giáo lấy đối tượng con người làm trung tâm và tìm kiếm sự giác ngộ chính nơi tâm con người trong không gian sống hiện thực, không tìm kiếm ở những chân trời phi thực tiễn. Chính nơi thế gian trầm luân, khổ ải, là nơi con người tìm kiếm chân lý cho chính mình, như thiền sư Minh Lương ở thế kỷ 17, trước khi viên tịch đã phó pháp cho thiền sư Chân Nguyên rằng: “Ngọc xinh ẩn trong đá, hoa sen nảy tự bùn, nên biết tìm giác ngộ, nơi sinh tử trầm luân” [7].

Do đó, giáo dục con người tu tập đạt đến trình độ giác ngộ tự tâm, nó là “dòng chủ lưu” của giáo lý đức Phật, là mục đích tối hậu của Phật giáo. Đức Phật đã từng dạy các hàng đệ tử rằng, ta chỉ nói đến “khổ và con đường dẫn đến sự tận diệt của khổ”, không có con đường nào khác hơn là sự từ bỏ tham, sân, si để đạt đến trạng thái của Niết bàn.

Song, con đường giác ngộ không phải là sự tìm kiếm ở nơi thế giới xa xôi, một cõi khác ngoài kiếp sống trần gian, mà giáo dục Phật giáo giúp cho mỗi cá nhân con người nhận thức rõ cuộc sống thực tại chính là nơi sinh ra phiền não đau khổ và cũng chính từ đây mọi vấn đề của sinh tử được giải quyết một cách triệt để nhờ vào giải pháp tịnh hoá tâm hồn, sự gạn lọc tâm thức, sự trở về của một hành trình tu tập, rèn luyện và sự vượt qua “bẫy mồi” của người thợ săn, để “thoát khỏi như ý lực của ác ma” và “đoạn tuyệt mắt của ác ma” trong cuộc sống thực tại.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Giao duc Phat giao Viet Nam 1

Hình ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: St

Chính vì vậy, hoạt động tu tập của Giáo hội Phật giáo trong những năm qua hết sức phát triển, sôi nổi, tạo động lực cho tăng, ni, tín đồ nghiên cứu, tìm hiểu về Phật giáo ngày càng đông. Nhiều công tác xiển dương Phật giáo, giáo dục thanh thiếu niên, các khoá tu học ở các tỉnh, thành phố được tổ chức ngày càng nhiều.

Chỉ tính riêng khu vực thành phố Hồ Chí Minh – năm 2023, ở trung tâm thành phố đã có 8 giảng đường, 12 đạo tràng Bát quan trai và 5 lớp giáo lý tu học với 264 buổi thuyết giảng ở các đạo tràng và giảng online. Ngoài ra, hiện nay còn xuất hiện rất nhiều trung tâm giáo dục, hoằng pháp, giảng dạy về thiền, khoá tu thiền Vipassana, khoá tu Tịnh độ, đạo tràng Pháp Hoa và sự du nhập, truyền bá mật tông vào Việt Nam của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa, Nhiếp Chính Vương Kyabje Thuksey Rinpoche và Tăng đoàn Truyền Thừa Drukpa sang thăm Việt Nam vào năm 2014 với các hoạt động xiển dương mật tông như lễ quán đỉnh Kim cang thừa, Đại Pháp hội Quán đỉnh cộng đồng Mạn Đà La Tam Bộ Phật Vô Lượng Thọ – Tôn Thắng Phật Mẫu – Bạch Độ Mẫu Tara…, đặc biệt ngày nay một số các tỉnh, thành phố có xu hướng tổ chức các khoá tu tăng cường 10 ngày vào mùa Đông cho tăng, ni tu tập, bên cạnh khoá tu an cư kiết hạ chính thống của truyền thống Phật giáo. Có thể nói, giáo dục Phật giáo ngày càng được đa dạng hoá về mọi phương thức hoạt động trong sứ mệnh độ sinh.

Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra hiện nay là có quá nhiều lý thuyết, học thuyết về mục tiêu của sự giác ngộ, nhưng điểm đến cuối cùng của nó lại là một “vũ trụ bao la” với việc tìm kiếm một “hành tinh sống” thật sự cho con người thì lại rất khan hiếm. Thực tế hiện nay, mục tiêu giáo dục của Phật giáo đã thiếu đội ngũ chuyên gia về “lĩnh vực nội tâm” hay nói khác hơn đó là những người có “sở ngộ về tâm”.

Do đó, điểm mấu chốt của vấn đề là làm sao đào tạo được những đội ngũ tăng, ni có năng lực về tu tập và trình độ chuyên môn về lĩnh vực chuyên ngành để hướng dẫn cho phật tử tu tập hiện nay. Tính chuyên biệt về đường lối tu tập của các pháp môn chưa cao, phần lớn còn mang tính hình thức, pha trộn nhiều yếu tố hỗn hợp trong lối tu tập. Chẳng hạn nhiều nơi chuyên biệt về thiền học cũng dần dần bị “biến hoá” để phù hợp với xu hướng xã hội hoá, mà lẽ ra, nó phải được giữ nguyên cốt cách, bản sắc đặc thù của nhà thiền. Mặt khác, một vấn đề hết sức quan trọng, khó khăn và nhạy cảm nhất hiện nay, đó là sự “kiểm định chất lượng nội tâm” và ai là người có thể kiểm định kết quả cuối cùng của một hành giả tu tập?

Do vậy, một nhà Phật học uyên bác cũng chưa phải là một chuyên gia đầu ngành về “lĩnh vực nội tâm” và đó cũng chính là vấn đề mà giáo dục Phật giáo ngày nay cần giải quyết trong việc đào tạo, rèn luyện mẫu người có tính chuyên môn cao, chuyên sâu về các lĩnh vực tu tập của Phật giáo.

Ở thời kỳ Lý – Trần chúng ta thấy xuất hiện rất nhiều bậc chân sư như thiền sư Vạn Hạnh, Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng sĩ, Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang…nhưng so với thời đại ngày nay, có đủ điều kiện tu tập, mọi cơ sở vật chất không thiếu thốn và có cả một hệ thống giáo dục, kinh sách tương đối hoàn chỉnh nhất, nhưng vẫn khan hiếm “bậc chân sư” truyền đạt kinh nghiệm tu tập cho các hành giả.

Đó là một câu hỏi lớn cho sứ mệnh, mục tiêu đào tạo giáo dục của Phật giáo ngày nay trong việc đề cao hơn nữa con đường “giáo dục nội tâm”. Phải chăng chúng ta quá chú trọng về hình thức, phô diễn “sức mạnh về hình thức”, là những nguyên nhân dẫn đến sự khan hiếm chất lượng của tu tập hay còn nguyên nhân nào khác vẫn đến sự khan hiếm công tác đào tạo “bậc chân sư”?

Do đó, chúng ta cần tạo ra nguồn lực mới và lưu trữ nguồn lực cho tương lai, trước khi những nguồn lực cũ cạn kiệt và không còn tồn tại. Đối với đạo Phật mục tiêu giáo dục, định hướng đến giác ngộ, giải thoát là mục đích tối cao, không có giá trị học thuật nào cao hơn giá trị của một người đã giác ngộ, giải thoát.

Tóm lại, là hình thái ý thức xã hội, giáo dục Phật giáo Việt Nam không phải là hiện tượng có tính ngẫu nhiên, mà nó chính là sản phẩm của lịch sử – xã hội, là sự phản ánh khách quan thực tiễn xã hội mà nó được sinh ra. Giáo dục Phật giáo Việt Nam được hình thành và phát triển cùng với sự phát triển về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội Việt Nam; nó không chỉ là sự phản ánh đặc điểm, điều kiện lịch sử, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội mà còn là kết tinh của sự kế thừa nền giáo dục Phật giáo trước đó.

Nó là cơ sở và nền tảng cho sự hình thành và phát triển của giáo dục Phật giáo Việt Nam hiện nay. Đồng thời, chính điều này cũng đã đặt ra cho giáo dục Phật giáo Việt Nam hiện nay những yêu cầu cấp bách về những mục tiêu giáo dục và nội dung giáo dục phù hợp với thực tiễn. Phương châm phát triển giáo dục phải gắn liền với chiến lược đào tạo và sử dụng nhân tài trong công tác của Giáo hội.

Mặc dù vẫn còn nhiều hạn chế trong mục tiêu giáo dục của Phật giáo; song con đường giáo dục của Phật giáo Việt Nam đã gặt hái được những thành tựu như mong đợi, đó là đào tạo thế hệ tăng, ni có trình độ kiến thức uyên thâm về Phật học, thế học để mở rộng tầm nhìn, hội nhập chung với văn hoá của thế giới; đồng thời giáo dục các thế hệ tăng, ni hội đủ những phẩm chất đạo đức, có lối sống tốt, có nhân sinh quan đúng đắn, là hướng đến lộ trình tu tập giải thoát, giác ngộ, là mục tiêu cuối cùng nhưng kỳ vọng của Giáo hội đặt ra.

Đặc biệt, giáo dục Phật giáo Việt Nam còn hướng đến giáo dục con người về những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc như: lòng yêu nước, ý chí độc lập, tự cường dân tộc; tinh thần đoàn kết, cố kết cộng đồng; đạo lý làm người gắn liền với lòng nhân ái, khoan dung, nhân nghĩa, mang tính nhân văn sâu sắc và tính dân tộc cao cả của Phật giáo Việt Nam trong thời đại mới.

TT.TS.Thích Lệ Quang
Trưởng Ban Giáo dục Phật giáo Quận Tân Bình, TP.HCM

***

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Giao duc Phat giao Viet Nam 2

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường