Phật giáo Cà Mau có sự kế thừa và đặc điểm riêng biệt về giáo lý, lễ nghi trong Phật giáo phù hợp với tâm thức của người Việt nói chung và người dân Cà Mau nói riêng. Dù là mảnh đất mới phải đương đầu với nhiều khó khăn nhưng với những gì đã tồn tại và du nhập vẫn có thể hài hoà với nhau.
Tác giả: Thích nữ Huệ Hiếu (Dương An Tiên) Học viên khoá IV lớp Thạc sĩ Phật học tại HVPGVN cơ sở 1
Từ khi du nhập vào Việt Nam cho đến nay, Phật giáo không ngừng phát triển và ảnh hưởng rộng khắp trên các vùng miền trong cả nước. Vì, giáo lý, lễ nghi trong Phật giáo phù hợp với tâm thức của người Việt nói chung và người dân Cà Mau nói riêng. Chính vì thế, Phật giáo đã theo chân các dòng người di cư đến những vùng đất xa xôi, hẻo lánh, đến cả vùng đất mới Cà Mau. Cùng với tín ngưỡng dân gian truyền thống, Phật giáo đã thu hút, ảnh hưởng đến những người dân nơi đây tạo cho họ niềm tin, sức mạnh để phấn đấu, chống chọi với bao khó khăn, gian khổ trong cuộc sống.
Dù là mảnh đất mới phải đương đầu với nhiều khó khăn nhưng với những gì đã tồn tại và du nhập vẫn có thể hài hòa với nhau. PGS.TS Trần Thuận đã nhận định rằng “cuộc sống cộng cư của các tộc người bản địa, di cư góp phần tạo nên phức hệ văn hoá vừa lan toả với tinh thần Việt hoá, vừa tiếp biến và dung hoà các sắc thái văn hoá để tạo nên những nét đặc sắc riêng có của xứ đàng trong”[1]. Mảnh đất miền Nam mà chúng ta đang hiện diện là khơi nguồn từ vương quốc cổ Phù Nam. Vương quốc được ảnh hưởng bởi nền văn hoá Ấn Độ. Sau đó được dung hoà và kết hợp với tôn giáo bản địa trở thành tôn giáo mang đậm chất Khmer - Ấn. Để hôm nay, nhà Nguyễn hoàn thành hoài bảo mở rộng một phương, trấn giữ cả nước.
Nơi này đã trở thành một trung tâm điểm của đa dạng sắc tộc, cũng như sự dung hòa bình dị của tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng. Vùng đất phương Nam trù phú, màu mỡ nhưng chứa đựng muôn sự thách thức khó khăn. Đạt được nhiều phong thái đặc biệt của các tôn giáo và được xem là nơi hội tụ của nhiều giáo phái, hệ phái như Nam tông Khmer, Nam tông Việt, Bắc tông, Khất sĩ, Hoa tông.
Như chúng ta đã biết, Phật giáo đã phát triển cực thịnh ở các thời kỳ nhà Lý, nhà Trần. Mãi đến Nguyễn Hoàng chấn thủ các tỉnh Thuận Hoá, Quảng Nam thì Phật giáo bắt đầu được truyền theo con đường Nam tiến. Phật giáo chính thức theo làng sóng di dân mà hình thành và phát triển. Tuy trong khoảng thời gian khai khẩn này Phật giáo không phát triển một cách rực rỡ nhưng lại âm thầm hun đúc cho người dân. Tạo một niềm tin để có thể tồn tại và phát triển.
Để biết nguồn gốc của Phật giáo Cà Mau, chúng ta sẽ xét từ luồn sóng di dân của công cuộc khai khẩn các vùng đất phương Nam. Từ sự kiện chúa Nguyễn Phúc Nguyên vào năm 1620 cho gả người công chúa Ngọc Vạn đã tạo một tiền đề không chỉ về nền kinh tế, chính trị, ngoại giao mà luồng di dân này được các nhà nghiên cứu cho rằng các tăng sĩ Phật giáo cũng từ đây có mặt tại các vùng đất mới. Đến 1679 nhóm người của Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên được chúa Nguyễn chấp nhận cho xuống vùng đất Đồng Nai, Gia Định, Sài gòn sinh sống.
Với hai dữ kiện trên HT.Thích Hiển Pháp đã cho rằng: “Cho dù Phật giáo truyền vào Nam Bộ bằng hai con đường trên, hay bằng con đường nào khác, thì sự thật vẫn là hình bóng vị tăng sĩ có mặt rất sớm ở đất Nam Bộ, sớm hơn cả cuộc kinh lược của Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào mùa xuân năm 1698”. Như vậy, Phật giáo đã ươm mầm từ những lần di cư mà hình thành trong lòng của mỗi người con xa xứ.
Như chúng ta thấy vị tổ được công nhận là đầu tiên của đất Nam bộ tại chùa Long Thiền được biết đến vào năm 1664. Sau đó là những chùa như Bửu Phong, Đại Giác. Dòng Lâm Tế còn truyền xuống tận Sông Bé như chùa Hội Khánh, Long Hưng. Sài Gòn Gia Định ngày xưa như chùa Phước Tường, Hội Sơn, Giác Lâm, Khải Tường, Từ Ân, Kim Chương. Phật giáo bước đầu cho chúng ta một cái nhìn tổng quan rằng, luôn đồng hành cùng người dân. Dù mới hay cũ, xa hay gần, con người đi tới đâu đều mang theo cái tâm cái hồn của người con Phật. Tận tụy, nhiệt huyết, không lấy cuộc sống sang hèn mà kỳ thị nhau giữa mảnh đất còn sơ khai.
Phật giáo tại Hà Tiên được Mạc Cửu đặt viên gạch đầu tiên cho sự hình thành và phát triển. Nếu Hà Tiên là cái nôi của Phật giáo tại vùng đất mang nhiều dấu ấn kỳ lạ thì Phật giáo Cà Mau cũng sẽ có sự kế thừa và đặc điểm riêng biệt.
Vậy chúng ta sẽ xét từ việc Mạc Cửu xây chùa Tam Bảo khi mẹ mình là Thái Bà Bà qua đời. Trong Mạc thị gia phả có viết đoạn: “Thái công nhân đó giữ Bà Bà ở lại để sớm hôm phụng dưỡng. Ít lâu sau, Thái Bà Bà vào điện Tam Bảo để hành lễ, đang ngồi lễ Phật thì tự nhiên qua đời. Thái công bèn cho đúc tượng Thái Bà Bà và xây dựng điện Tam Bảo ở thờ pho tượng ấy đến nay vẫn còn”[2]. Qua đoạn văn này cho chúng ta thấy điện Tam bảo ban đầu được dựng lên là để cho Bà Bà tu học và thực hành giáo lý. Theo Gia Định Thành thông chí: “Chùa Tam Bảo ở sau trấn thự, cảnh chùa rộng rãi, tượng Phật to lớn, chùa do Thống binh Mạc Cửu dựng lên từ buổi đầu”[3]. Chùa Tam Bảo được Mạc Cửu xây dựng và thỉnh Hòa thượng Huỳnh Long dòng Lâm Tế đời thứ 35 từ Bình Định vào Hà Tiên để trụ trì chùa. Như vậy, chùa Sắc Tứ Tam Bảo do Hòa thượng Huỳnh Long trụ trì đầu tiên cũng là người có công trong việc khai nguyên Phật giáo tại Hà Tiên lúc bấy giờ.
Trong tác phẩm Thiền sư Việt Nam của Hòa thượng Thích Thanh Từ biên soạn, khi nói đến tiểu sử của Hòa thượng Hoàng Long ghi rằng: “Hòa thượng Hoàng Long quê ở Bình Định vân du vào Hà Tiên, đến ở phía Bắc núi Vân Sơn 5 dặm lập chùa tu hành (sau gọi là núi Bạch Tháp). Cảnh chùa thanh tịnh, u tịch, thế núi quanh co, có cây cảnh đẹp”[4]. Như vậy, chùa núi Bạch Tháp cũng được xem là nơi phát tích thứ hai của Phật giáo Hà Tiên nhưng rất tiếc là di tích chùa núi Bạch Tháp hiện nay không còn.
Qua những dữ kiện này cho chúng ta thấy chùa Tam Bảo là nơi phát tích Phật giáo Bắc truyền đầu tiên. Mạc Cửu xây chùa cho mẹ không những thể hiện tấm lòng hiếu thảo mà còn thể hiện đời sống tín ngưỡng Phật giáo cho bản thân cũng như cư dân nơi đây. Ngoài xây chùa Mạc Cửu còn tạo tượng, đúc chuông để cho người dân chiêm bái, tu học. Khi Thái Bà Bà qua đời, Mạc Cửu cho đúc kim thân của mẹ để thờ, đúc một Đại hồng chung để cúng và nghe tiếng chuông tưởng niệm mẹ. Như vậy, bước đầu truyền bá Phật giáo của dòng Lâm Tế vào phương Nam dần đi vào phát triển ổn định. Mặc dù Cà Mau lúc này chỉ là một huyện của trấn Hà Tiên nhưng Phật giáo Cà Mau hiện tại đã có nhiều ngôi chùa thuộc dòng Lâm Tế.
Nhắc đến Hà Tiên, Phật giáo được Mạc Cửu truyền vào vùng đất Mang Khảm thì chúng ta không thể quên nghiên cứu về Phật giáo Nam tông tồn tại trước khi Mạc Cửu vào. Thế kỷ thứ VI trở về trước người Khmer có nguồn gốc từ người Phù Nam (Văh Năh). Nhưng sắc tộc này đã bị người Chân Lạp đồng hoá và cai trị gần 10 thế kỷ. Cho đến thế kỷ XVII vùng đất này được sự cai trị của chúa Nguyễn. Chính vì thế những người Khmer này vẫn sinh sống và hoà nhập với cư dân người Việt tử miền Thuận Quảng vào.
Người dân Khmer khi xưa chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi nền văn hoá, tôn giáo Ấn Độ. Những năm đầu công nguyên những tăng sĩ đã theo chân các đoàn thương buôn để mang theo sự bình an trong khi buôn bán. Những lúc như thế các vị tăng sĩ mang theo kinh sách, pháp khí để làm lễ. Cứ như thế mà tôn giáo của họ lại được đi vào lòng dân Khmer và bắt đầu có hình bóng trên mảnh đất phương Nam.
Tại Hà Tiên có chùa Phật Lớn tên chữ là Thiên Trúc tự, là một ngôi chùa cổ Việt Nam. Nơi đây còn lưu lại pho tượng Phật lớn theo mẫu tượng Thái Lan thuộc hệ phái Theravada (Phật giáo Nam tông) và một chiếc Đại Hồng Chung thuộc hệ phái Mahayana (Phật giáo Bắc tông). Thời điểm thành lập chùa chưa được xác định chính xác. Theo truyền khẩu dân gian thì chùa đã có từ rất lâu đời. Trước khi Mạc Cửu tổ chức khai phá đất Hà Tiên (tức từ trước thế kỷ 16). Bấy giờ, trong cộng đồng dân cư sinh sống, dân tộc Khmer chiếm đa số, hầu hết theo tín ngưỡng Phật giáo Nam tông (Theravada)[5]. Theo dữ kiện này, Phật giáo Nam tông đã có từ rất lâu. Người dân Khmer đã thực hành và sinh hoạt đời sống của mình cùng với những văn hoá vốn có. Chính vì thế Hà Tiên được mệnh danh là vùng đất “Huyền ca đất Phật người hiền, ngàn năm văn hiến Hà Tiên lưu đời”.
Phật giáo Nam tông đã có chỗ đứng rất quan trọng, là một bộ phận không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Khmer trong nhiều thế kỷ qua. Ngày nay, Phật giáo Nam tông có sức ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của đời sống người Khmer, người Khmer đều theo Phật giáo Nam tông và chịu sự chi phối của tôn giáo này một cách mạnh mẽ. Theo nhận định của Hòa Thượng Thích Dương Nhơn: “Phật giáo Nam tông chiếm vị trí độc tôn trên lĩnh vực tư tưởng, chính trị, kinh tế, văn hóa trong dân tộc Khmer trải qua nhiều thế kỷ”. Đặc điểm của dân tộc Khmer là gắn liền với Phật giáo không tách ra được, vì các vị sư đến chùa tu đều là con em của đồng bào dân tộc. Chùa Phật là nơi tu hành của các vị sư sãi, là nơi làm lễ của đồng bào, là nơi giáo dục của con em đồng bào dân tộc, là trung tâm văn hóa, đồng thời cũng là nơi thờ phượng những người thân của đồng bào dân tộc khi an nghỉ cuối cùng.
Như vậy, dù Phật giáo Hà Tiên được Mạc Cửu đặt viên gạch đầu là người đã có công lớn trong việc mở mang bờ cõi Đại Việt ở Hà Tiên. Phật giáo dưới dòng họ Mạc cũng phát triển rực rỡ, đóng góp tích cực trong việc hộ trì Phật pháp, xây dựng nhiều công trình thờ tự làm nơi sinh hoạt tâm linh cho các cư dân nơi này như chùa Tam Bảo, chùa Phù Dung, cung thỉnh nhiều chư Tăng đến đây truyền bá Phật pháp như Hòa thượng Hoàng Long và các Hòa thượng như Ấn Đàm, Bửu Châu, Minh Đường đến đây tu tập hành đạo. Từ nơi phát tích này, Phật giáo Hà Tiên đã có những ảnh hưởng nhất định đến khu vực xung quanh.
Những dấu ấn sâu đậm của Phật giáo Nam tông ở một địa bàn sông nước đặc trưng Tây Nam Bộ trong một thời kỳ dài gần một thiên niên kỷ đã hình thành tính cách văn hóa riêng của cộng đồng Khmer Tây Nam Bộ. Là một bộ phận dân tộc tuy không đông nhưng sinh sống trên một địa bàn rộng lớn với di sản văn hóa đặc sắc và cực kỳ bền vững đã chứng tỏ bản lĩnh không hề bị biến dạng do tác động của các yếu tố văn hóa khác xâm nhập vào. Cũng chính vì thế văn hóa cộng đồng Khmer Tây Nam Bộ còn có sức lan tỏa đến vùng đất mũi Cà Mau.
Tác giả: Thích nữ Huệ Hiếu (Dương An Tiên) Học viên khoá IV lớp Thạc sĩ Phật học tại HVPGVN cơ sở 1
*** Chú thích [1] Trần Thuận, (2021), Đàng Trong lịch sử và văn hoá, Nxb TP. HCM, tr.9. [2] Vũ Thế Dinh (2006), Mạc thị gia phả, Nxb Giáo dục Việt Nam, tr. 18. [3] Trịnh Hoài Đức (2010), Gia Định Thành thông chí, Quyển VI, Nxb Tổng hợp Đồng Nai, tr. 24. [4] Thích Thanh Từ biên soạn (2010), Thiền sư Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr. 606. [5] Wikipedia Tài liệu tham khảo 1. Trần Thuận, (2021), Đàng Trong lịch sử và văn hoá, Nxb TP. HCM. 2. Vũ Thế Dinh (2006), Mạc thị gia phả, Nxb Giáo dục Việt Nam. 3. Trịnh Hoài Đức (2010), Gia Định Thành thông chí, Quyển VI, Nxb Tổng hợp Đồng Nai. 4. Thích Thanh Từ biên soạn (2010), Thiền sư Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội. 5. Wikipedia. >> Xem thêm: Sự hội tụ của các thiền phái Phật giáo ở Đàng trong
Bình luận (0)