Trải qua các thời kỳ thịnh suy của dân tộc, Phật giáo ở Đàng Trong hội tụ nhiều thiền phái và các bậc tổ sư, các ngài sáng chế ra các pháp môn tu tập, các nghi lễ Phật giáo, các thể loai văn chương thi phú,.. đã tạo nên sự lan tỏa giúp cho người dân ổn định tư tưởng, an định tinh thần, sống trong an bình và thịnh vượng.
Tác giả: Thích Đạt Ma Hồng Đăng Học viên lớp Thạc sĩ Phật học K.V - Học viện Phật giáo cơ sở I, đường Nguyễn Kiệm, TP.HCM
DẪN NHẬP
Trong suốt ngàn năm văn hiến, lịch sử Phật giáo Việt Nam luôn gắn liền với lịch sử dân tộc, khi Phật giáo du nhập vào Đại Việt bởi các thiền sư nổi tiếng người Ấn Độ, Trung Hoa luôn là những người dấn thân vì đạo pháp truyền bá. Các pháp môn tu thuộc nhiều phương tiện khác nhau do chính các vị thiền sư du nhập vào Đại Việt đã hình thành nên một quốc giáo trong lòng người dân. Mặc dù đất nước trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, các thiền sư Trung Hoa từ rất lâu đã tạo tiền đề vững chắc cho việc hoằng pháp lợi sinh và xây dựng được lòng tin sâu rộng trong lòng người dân vùng đất Đàng Trong và Đàng Ngoài. Riêng vùng đất Đàng Trong, trải qua nhiều thế hệ vua chúa nhưng các dòng thiền như Trúc Lâm, Lâm Tế, Tào Động,.. vẫn tồn tại, hòa hợp như nước với sữa, tạo nên sự ổn định trong đời sống tu tập cho hàng cư sĩ cũng như đời sống chính trị của một thể chế do chúa Nguyễn dày công xây dựng, góp phần tạo sự yên bình và thịnh trị cho một quốc gia dân tộc.
NỘI DUNG
1. Giá trị của thiền Trúc Lâm đối với Phật giáo thời chúa Nguyễn
Trước khi thiền phái Trúc Lâm ra đời, vua Trần Thái Tông là người đặt nền tảng cho việc hình thành nên một Phật giáo Nhất Tông, dấu ấn cho việc hình thành một tông phái mới hoàn toàn do người Việt sáng lập đó là vua Trần Nhân Tông, ngài là người kế thừa những di sản của Thái tổ, hình thành một nền Phật giáo vững mạnh, độc lập, tự chủ về mọi mặt như quốc gia Đại Việt. Đây là một thành tựu lịch sử văn hóa tôn giáo, được hình thành trong hoàn cảnh đất nước vừa lập lại hòa bình, thống nhất tổ quốc. Ngài đã tổng hợp ba thiền phái Tỳ Ni Đa Luu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường thành một Phật giáo Nhất tông, dựa trên nền tảng của tín ngưỡng dân gian của người dân Đại Việt.
Khi đất nước trải qua nhiều cuộc thịnh suy, tâm điểm chính là nội chiến xảy ra giữa hai dòng họ Trịnh – Nguyễn, tạo cho sự hình thành hai vùng đất Đàng Trong và Đàng Ngoài. Sự có mặt của thiền phái Trúc Lâm ở Đàng Trong với tinh thần “Hòa quang đồng trần” lại có ý nghĩa thiết thực đối với đời sống tinh thần của người dân vùng đất mới, tạo tiền đề cho sự có mặt của nhiều thiền phái đã phát huy sức mạnh của mình trong việc hoằng pháp lợi sinh. Vì thế, tư tưởng của “Thiền” giúp phá bỏ tính vị kỷ, độc tôn, giúp con người gần nhau hơn, không còn phân biệt màu da hay quốc độ, chỉ cần có trái tim nhân ái, đồng cảm về sự vô thường của thế gian, sẻ chia nỗi khổ niềm đau của nhân loại là đã trở về với đức Phật trong từng phút giây trong đời sống hàng ngày. Trần Nhân Tông khi viết bài phú “Cư trần lạc đạo” Ngài đã ví:
“Di Đà là lòng trong sạch
Chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương
Di Đà là tính sáng soi
Mựa phải nhọc tìm về cực lạc”
Chính cái tinh thần này, nhiều thế kỷ trước người dân Đại Việt đã vận dụng tính tùy duyên của pháp môn tạo cho mình một phương pháp hành trì, tùy hoàn cảnh mà vận dụng tu tập, tạo nên sự an lạc ngay trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, giúp họ vượt qua nhiều khó khăn và thử thách trong suốt cuộc sống mưu sinh. Tư tưởng Thiền học với chủ trương nhập thế tích cực hơn bao giờ hết để mọi người Phật tử vừa thực hiện nhiệm vụ xây dựng một đời sống theo đạo lý Thiền nhưng đồng thời họ cũng tham gia làm tròn trách nhiệm của một công dân có đạo đối với việc xây dựng và phát triển đất nước.
“ Sống ở đời mà vui với đạo theo vua Trần Thái Tông là cuộc sống thiền. Đã là thiền, nghĩa là tùy duyên, tùy căn, tùy thời mà sống với đạo. Đó là tìm sự giác ngộ ngay giữa đời thường mà tích cực đóng góp cho đời, cho đạo: “Tượng chúng ấy, Cốc một chân không, Dùng đòi căn khí, Nhân lòng ta vướng lấp khôn thông: Há cơ tổ nay còn thửa bí, Chúng Tiểu thừa Cốc hay chửa đến, Bụt xá ngăn Bảo sở hóa thành, Đấng thượng sĩ chứng thực mà nên, ai ghẽ có sơn lâm thành thị” [6. Tr 213]
Sự dịch chuyển của các thiền sư Trung Hoa sang Đàng Trong lại phù hợp với hoàn cảnh vùng đất mới chuyển mình theo tiến trinh phát triển của lịch sử dân tộc. Tư tưởng tùy duyên của chúa Nguyễn cũng theo đó mà định hình cho việc sử dụng các loại hình tôn giáo một cách viên dung nhằm dể dàng xây dựng nền quân chủ theo chiều hướng kinh tế mở để thu nhận người tài, vỗ về quân dân, thâu nhận hào kiệt giúp cho vùng đất Đàng Trong ngày càng phát triển hưng thịnh. Khẳng định sức mạnh nội lực của chúa Nguyễn là một nhà chính trị quân sự, kinh tế và tôn giáo trong việc cạnh tranh với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài nhằm xây dựng vùng đất Đàng Trong giàu có và phồn thịnh.
Từ rất lâu, Nho và Lão chi phối hệ thống chính quyền phong kiến, nên đời sống văn hóa của người Việt bị định hướng theo hoàn cảnh của thể chế chính trị đương quyền. Nên khi chúa Nguyễn nhận thức rõ hoàn cảnh văn hóa chính trị của vùng đất Đàng Trong, chúa Nguyễn đã sử dụng “Tam giáo đồng nguyên” nhưng Phật giáo là nhịp cầu quan trọng cho việc trấn an dân chúng, giúp cho đất nước được yên bình, ai nấy đều có chức phận của mình đóng góp vào quốc gia dân tộc
2. Tính viên dung giữa các thiền phái
Khi Tổ sư Nguyên Thiều kế thừa ngôi tổ thứ 32 từ nơi ngài Bổn Khao Khoáng Viên, ngài cùng với hàng đệ tử của mình dong thuyền vào vùng đất Đàng Trong xây dựng một thiền phái Lâm Tế hoàn toàn mới về phương pháp tu tập cũng như đào tạo đội ngũ tăng sĩ người
Hoa cùng với người bản địa, tạo nên một thiền phái có tính hoằng pháp chặt chẽ và có hệ thống phù hợp với người dân tứ xứ khắp nơi đổ về vùng đất Đàng Trong. Thiền phái Lâm Tế đã áp dụng những kỹ năng hoằng pháp phù hợp với nền văn hóa của nước sở tại, đó là sự thay đổi một cách linh hoạt và uyển chuyển nhưng đầy đủ tính “Lý sự viên dung” của Thiền - Tịnh độ một cách bài bản, tạo nên một đội ngũ tín đồ của thiền phái rất đông đảo và có sức lan tỏa, chi phối đời sống xã hội thời bấy giờ.
“Như vậy thâm ý của chúa Nguyễn, đạo Phật có thể làm nơi nương tựa tinh thần cho công trinh lập quốc của dòng họ Nguyễn. Cũng vì vậy cho nên sau này, các chúa Nguyễn đều tỏ vẻ sùng thượng đạo Phật và nhân dân Đàng Trong cũng nghênh đón các vị du tăng Trung Quốc với một tấm lòng chân thật, mặn nồng. Trong thời đại chuyển tiếp của hai triều Minh Thanh, nhiều du tăng Trung Hoa đã tới Đàng Trong hành hóa. Một phần quan trọng của tổ đình hiện nay là do các thiền sư Trung Hoa sáng lập” [1. Tr 479]
Sự nghiệp hoằng pháp của Tổ sư Nguyên Thiều nói riêng và thiền phái Lâm Tế nói chung cũng chịu sự chi phối của vô thường, điển hình qua sự có mặt của thiền sư Thạch Liêm của phái Tào Động dược chúa Nguyễn Phúc Chu thỉnh mời sang Đàng Trong hoằng pháp, đã tạo điều kiện cho Phật giáo Đàng Trong có thêm pháp khí để thuận tiện cho việc hoằng pháp, làm cho tình hình Phật giáo lúc bấy giờ trở nên sinh động và bền vững, giúp cho người dân cũng như tín đồ gắn bó với Phật giáo ngày càng chặt chẽ hơn.
3. Vai trò của Tổ sư Nguyên Thiều ở Đàng Trong
Uy tín và đức độ của Tổ sư Nguyên Thiều trong việc hoằng pháp ở Bình Định đã lan tỏa đến tận Phú Xuân, làm cho chúa Nguyễn thỉnh cầu Tổ sư về kinh thành phụ giúp chúa đem lại sự hưng thịnh cho Phật giáo vùng Thuận Hóa. Phật giáo chính là nguồn năng lượng quan trọng để sưởi ấm lòng dân với nhiều mảnh đời cơ cực, khi nhiều mảnh đời vừa trải qua hoàn cảnh di cư khắc nghiệt để mong cầu dời sống mưu sinh được tốt hơn. Nên sự có mặt của thiền phái Lâm Tế do Tổ sư Nguyên Thiều lãnh đạo đã tạo niềm tin rất lớn đến mọi người dân vùng Thuận Hóa, họ dễ dàng tiếp cận với pháp môn Thiền -Tịnh song tu, đem lại cho họ niềm tin về một cuộc sống tươi đẹp do Chánh pháp đem lại.
Sau khi chúa Nguyễn Phúc Tần đã có niềm tin rất lớn nơi Tổ sư Nguyên Thiều, Chúa cậy nhờ Tổ sư về lại Trung Hoa thỉnh pháp khí và các bậc danh tăng, nhằm làm cho Phật giáo dược hưng thịnh lâu dài. Trong số các vị thiền sư sang Đàng Trong: Thiền sư Viên Cảnh - Viên Khoan, thiền sư Giác Phong, thiền sư Từ Lâm, thiền sư Khắc Huyền, thiền sư Huyền Khuê, ,… Các thiền sư Trung Hoa đã xây dựng nên nhiều ngôi chùa ở Thuận Hóa trên nền tảng thiền phái Lâm Tế mang tầm ảnh hưởng sâu rộng trong mọi tầng lớp xã hội thời bấy giờ như: chùa Báo Quốc, chùa Từ Lâm, chùa Thiền Lâm, chùa Thiên Phúc,… Từ nơi các vị thiền sư này là sự hỗ trợ, tiếp nối tạo nên sự lớn mạnh có hệ thống cho thiền phái Lâm Tế còn có hàng huynh đệ, đệ tử của Tổ sư Nguyên Thiều mở rộng thiền phái Lâm Tế đến tận vùng đất Nam bộ, thể hiện bằng hình ảnh nhiều ngôi chùa có sức ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng xã hội ở khắp vùng đất mới Đàng Trong.
Trong bia tháp của tổ sư, có những câu tán thán đạo hạnh như sau “Ánh sáng nội tâm của ngài tỏa chiếu mênh mông. Ngài chú giải và phân tích luật điều. Trong những cuộc luận đạo, ngài đã chạm đến chỗ tận cùng vi diệu. Ngài đã ghi lại tất cả những gì được nghe các tôn sư của ngài dạy bảo. Ngài đã ngăn chặn những thuyết sai lầm về giáo lý, và tiếp nối truyền thống chân thật. Ngài là người mở đầu cho hậu thế noi theo. Ngài đã đào tạo trọn vẹn cho tứ chúng đệ tử”. [7. Tr 287]
4. Thiền sư Thạch Liêm xiển dương tông phái Tào Động
Khi chúa Nguyễn Phúc Chu biết được thiền sư Thạch Liêm thuộc phái Tào Động đang hoạt động hoằng pháp ở Trung Hoa, Chúa cho người thỉnh thiền sư Thạch Liêm và cùng với hàng đệ tử của ngài sang Đàng Trong hoằng pháp. Để đáp lại sự trọng thị của chúa Nguyễn. Thiền sư Thạch Liêm cùng với hàng đệ tử của mình đem theo nhiều kinh sách và pháp khí sang Đàng Trong nhằm đáp lại lời thỉnh cầu của chúa. Nhân cơ hội, thiền sư Thạch Liêm đã đề xuất với chúa Nguyễn Phúc Chu tổ chức Giới đàn nhằm khích lệ tinh thần tu học của tăng sĩ ở Đàng Trong, nhân Giới đàn tìm ra những vị tăng tài để nâng cao uy đức trong việc “Hành Như Lai xứ tác Như Lai sự” để hoàn thành tâm nguyện của người đệ tử Phật trong việc hoằng pháp lợi sinh.
“Đã làm nên kiên tâm tự nguyện mở giác lộ cho người đời; phá ám khai mê, phản tà quy chánh, há việc nhỏ mọn hay sao. Nên nghĩ vườn Phật xuân tàn, sân chùa thu muộn, trong buổi pháp môn liêu lạc nên lấy ngoa truyền ngoa; khiến khắp nước tăng nhơn, chẳng biết ra đời học đạo là cái gì, cạc cạc ù ù trong làng túy mộng. Lão tăng chẳng nỡ làm thinh ngồi ngó, nên chẳng tránh nghiệp miệng, nói thẳng vài lời” [1. Tr 49]
Những lời nói của thiền sư Thạch Liêm mang tính khích lệ và xây dựng, mong Phật giáo Đàng Trong ngày càng được xương minh, tăng đoàn ngày càng hưng thịnh. Đối với tông phái Tào Động trước khi du nhập vào Việt Nam là Thiền – Tịnh song tu nhưng chủ trương đường lối tu tập của thiền phái là tọa thiền và tham công án nhằm giải nghi những dính mắc trần tục do chấp ngã, chấp nhân làm cho con người bị trói buộc nên sinh tử luân hồi. Khi tông phái Tào Động được thiền sư Thạch Liêm truyền sang, chỉ được giới thiệu cho chúa Nguyễn Phúc Chu tham khảo qua tác phẩm “Hộ pháp kim cang thư”. Những ngày ở Đàng Trong, thiền sư chú trọng vào công việc hoằng pháp bằng pháp môn Thiền - Tịnh song tu như thiền phái Lâm Tế do Tổ sư Nguyên Thiều đang xiển dương. Ngoài ra còn có các chương trình nghi lễ Phật giáo chính là liều thuốc quý cho Phật giáo lúc bấy giờ trở nên sinh động và gần gũi với mọi tầng lớp người dân cũng như tín đồ Phật giáo.
5. Dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh
Thiền sư Minh Hải Pháp Bảo khai sáng dòng Lâm Tế Chúc Thánh ở Quảng Nam sau đó lan rộng khắp các tỉnh lân cận như Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên,…Đặc điểm nổi bật của thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh mặc dù thực hành thời khóa tu tập như Lâm Tế Chánh Tông, Lâm Tế Gia Phổ, các tăng sĩ sinh sống vào nghề nông nghiệp để giữ gìn đời sống thanh bần, tự mình tạo lập cuộc sống tu hành cho riêng mình, không tham gia vào hoạt động xã hội để mưu cầu danh lợi, thể hiện tinh thần “Thiểu dục tri túc”, nhưng lại sẵn sàng chia sẻ những khó khăn vất vả với những người nghèo khó.
Với chủ trương “Bất tác bất thực” và chuyên tinh giới luật để giữ gìn “Giới thân huệ mạng”, các tăng sĩ Lâm Tế Chúc Thánh đã đưa pháp môn “Nông thiền” vào đời sống thường nhật, xứng đáng với tinh thần mà Tổ sư Minh Hải Pháp Bảo đã truyền trong bài kệ “Chúc Thánh thọ thiên cữu, Kỳ quốc tộ địa chưởng” nghĩa là chủ trương“Nông thiền” không đi ngược lại với chủ trương nhập thế của Phật giáo
6. Thiền sư Liễu Quán đối với Phật giáo dân tộc
Thiền phái Liễu Quán là một thiền phái ở Đàng Trong do ngài Liễu Quán là một thiền sinh người Việt sáng lập, là đệ tử của một thiền sư của thiền phái Lâm Tế, là một vị Giới tử thọ Giới Đàn năm Ất Hợi 1695. Trước khi ngài Liễu Quán trở thành một thiền gia kiệt xuất của Phật giáo Đàng Trọng, ngài trải qua gần 10 năm tham cứu tổ Minh Hoằng Tử Dung, cuối cùng được tổ sư ấn chứng, Phật giáo Việt Nam lại có thêm một thiền sư người Việt đóng góp vào sự hưng thịnh đạo pháp và dân tộc. Thiền sư Liễu Quán chính là người dùng nhã nhạc cung đình Huế kết hợp với kinh điển, chế tác ra một thể loại nhạc lễ dành cho các nghi thức, nghi lễ trong chùa hoặc các lễ cúng tế mang đậm sắc thái của người Việt, đã tạo nên sự tươi mới và đa dạng hóa cách tiếp cận của người dân đối với Phật giáo, làm cho Phật giáo xứ Đàng Trong trở nên sinh động dễ gần gũi với cộng đồng xã hội.
“Có thể nói, Phật giáo đàng Trong dưới triều dại chúa Nguyễn vào thế kỷ XV -XVII, tuy không rực rỡ huy hoàng như Phật giáo thời Lý – Trần, cũng không Phật hóa giai cấp quý tộc cầm quyền mạnh mẽ, nhưng Phật giáo Đàng Trong vẫn tỏ sáng nét đặc thù riêng, nổi bật Việt hóa của thiền sư Liễu Quán, từ dòng Lâm Tế Trung Hoa trở thành dòng Liễu Quán mang sắc thái dân tộc. Ngay cả ngài Minh Hải – Pháp Bảo khai sơn chùa Chúc Thánh (Hội An- Quảng nam), xuất kệ truyền thừa phái Chúc Thánh, các đệ tử cũng từng bước Việt hóa phái thiền Lâm Tế,…” [3. Tr 578]
7. Tính kế thừa truyền thống Phật giáo của các nhân sĩ
Vào khoảng cuối thế kỷ XVIII, khi Đàng Trong và Đàng Ngoài bước vào giai doạn khốc liệt của sự đấu tranh với các thế lực chính trị trong và ngoài nước. Các cư sĩ thuộc Nho gia ở Đàng Ngoài như: Lê Quý Đôn, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Gia Phan,... đã mở ra hướng đi mới cho truyền thống Nho học, họ vẫn thừa hiểu rằng “Tam giáo đồng nguyên” đã ăn sâu vào đời sống tư tưởng của người Việt từ rất lâu, nên không thể nào tách rời khỏi đời sống của họ.
Khi cuộc khởi nghĩa Tây Sơn thắng lợi, thiền sư Toàn Nhật thuộc dòng Lâm Tế Chúc Thánh được nổi lên như một nhà thơ, nhà văn xuất chúng, những tác phẩm của ông đều mang đến một cách mạng phê bình thực trạng của đời sống xã hội thời bấy giờ. Trong tác phẩm “Hứa Sử Truyện Vãn”, người dân chính là biểu tượng của sự đấu tranh chống lại những định kiến hẹp hòi và quá khuôn phép của chế độ phong kiến, và ca ngợi thành quả lao động của những người dân nghèo khổ. Thiền sư Toàn Nhật cho rằng, Phật giáo chính là phương pháp chính yếu để giải quyết những mâu thuẫn mà các chế độ phong kiến chưa làm được cho sự an bình và hạnh phúc của người dân. Những tác phẩm của thiền sư Toàn Nhật mang tính chiến đấu cho chủ nghĩa nhân đạo, minh chứng cho tinh thần yêu nước của một nhân sĩ trong ngôi nhà Phật giáo Đàng Trong thời bấy giờ.
“Nhìn vào toàn bộ tác phẩm của Toàn Nhật, rõ rệt nhất tác phẩm Tam nguyên lưu ký, thế giới quan của Toàn Nhật vẫn còn trong vòng lẩn quẩn của tư tưởng tam giáo đồng nguyên. Đó là tấm chắn khổng lồ cho giới học thuật và tư tưởng nước ta suốt từ thời kỳ chịu ảnh hưởng Hán học. Người ta không thể đòi hỏi ở Toàn Nhật nhiều , khi mà điều kiện khách quan về phương thức sản xuất, về quan hệ sản xuất của một của một xã hội phong kiến nông nghiệp không đủ yếu tố tạo cho Toàn Nhật những bước tiến xa hơn nữa về mặt tư tưởng” [4, tr 312]
KẾT LUẬN
Phật giáo Việt Nam ngày nay được định hình và phát triển là nhờ vào tinh thần “Phật giáo khương minh là do Tăng già hòa hợp, Thiền môn hưng thịnh là do tứ chúng đồng tu”. Trải qua các thời kỳ thịnh suy của dân tộc, Phật giáo ở Đàng Trong hội tụ nhiều thiền phái và các bậc tổ sư, các ngài sáng chế ra các pháp môn tu tập, các nghi lễ Phật giáo, các thể loai văn chương thi phú,.. đã tạo nên sự lan tỏa giúp cho người dân ổn định tư tưởng, an định tinh thần, sống trong an bình và thịnh vượng. Nên sự dung hợp giữa các dòng thiền vào Đàng Trong đã tạo nên một bầu không khí rất tích cực về mặt chính trị, kinh tế, văn hóa và tâm linh. Đã góp phần cho chính quyền chúa Nguyễn gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp trong việc quản lý và điều hành đất nước được thuận lợi về mọi mặt. Bên cạnh đó, những lợi ích to lớn của các tông phái Phật giáo thời bấy giờ, góp phần vào sự đa dạng phong phú nền văn hóa tinh thần của người dân Đàng Trong nói riêng và Đại Việt nói chung, đóng góp vào tiến trình Phật giáo luôn dồng hành cùng với lịch sử dân tộc.
Tác giả: Thích Đạt Ma Hồng Đăng Học viên lớp Thạc sĩ Phật học K.V - Học viện Phật giáo cơ sở I, đường Nguyễn Kiệm, TP.HCM *** Tài liệu tham khảo 1. Thích Nhất Hạnh. Việt Nam Phật giáo sử luận. Nxb Phương Đông 2012 2. Thích Đại Sán. Hải ngoại kỷ sự. Viện Đại học Huế 1963 3. Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam – Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Phật giáo thời Hậu Lê. Nxb Tôn giáo 2014 4. Nguyễn Tài Thư ( chủ biên) -Minh Chi-Lý Kim Hoa- Hà Trúc Minh-Hà Văn Tấn. Lịch sử Phật giáo Việt Nxb Đại học sư phạm 2022 5. Thích Phước Đạt -TS. Thích Hạnh Tuệ – TS. Thích Nữ Thanh Quế – TS. Đinh Văn Viên. Lịch sử Phật giáo Việt Nam. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội 2022. 6. Thích Phước Đạt -TS. Thích Hạnh Tuệ – TS. Thích Nữ Thanh Quế – Đại cương tư tưởng Phật giáo Việt Nam. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội 2021 7. TS. Trần Thuận. Đàng Trong lịch sử và văn hóa. Nxb TP. Hồ Chí Minh 2021.
Bình luận (0)