Trang chủ Đời sống Phật Đản hoan hỷ

Phật Đản hoan hỷ

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Một trong những cách kỷ niệm, tri ân, nhớ ơn đức Phật thiết thực nhất, hữu hiệu nhất, được chư Phật, Bồ Tát, chư Thiên hoan hỷ nhất là, hàng ngày chúng ta cùng nhau siêng năng học Phật, thực hành và chia sẻ với nhiều người nhất có thể.

Tác giả: TS Thích Hạnh Tuệ & TS Thích nữ Thanh Quế

Tám tháng Tư
Phật ra đời
Vén màn vô minh
Mở đường giác ngộ
Vui mừng thay

Trong trái tim của hàng triệu, hàng triệu tín đồ phật tử của Đạo Phật trên khắp hành tinh, thì ngày đức Phật ra đời chính là ngày hoan hỷ nhất, quan trọng nhất, có ý nghĩa nhất.

Trong tâm khảm của mỗi người đều có những kỷ niệm đẹp đẽ, đáng nhớ về những giây phút xúc động về ngày lễ Phật đản đã qua. Những kỷ niệm ấy như những hạt giống thiện lành đã và đang trổ hoa trong tâm trí họ. Ai cũng hiểu được rằng sở dĩ đức Phật xuất hiện trên thế gian này vì một mục đích duy nhất: là giải trừ tất cả những khổ đau, phiền não, vô minh của tất cả chúng sinh, đưa chúng sinh đến miền đất an lành, hạnh phúc, giải thoát chân thật và miên viễn.

Nếu mùa xuân là nguồn cảm hứng vô biên, nguồn thi liệu bất tận để các tao nhân mặc khách tha hồ tưởng tượng, lặn hụp, bay bổng: mùa thu lắng đọng, dịu êm với trăng thanh gió mát, tiết khí trong lành, làm cho tâm hồn người êm ả, yên bình và tĩnh lặng; thì mùa Phật Đản sẽ là lúc làm cho muôn triệu trái tim của người con Phật trên khắp năm châu bốn biển rung lên theo nhịp thở với mong ước tất cả mọi loài chúng sinh sớm được an vui giải thoát như tâm nguyện thiết tha của đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi còn tại thế.

Chúng ta ai cũng biết rõ, đức Phật xuất hiện trên thế gian này vì một mục đích duy nhất: Giải trừ tất cả những khổ đau, phiền não, vô minh của tất cả chúng sinh, đưa chúng sinh đến miền đất an lành, hạnh phúc, giải thoát chân thật và miên viễn.

Kể từ trước khi đức Phật Đản sinh đến thời điểm đức Phật Đản sinh, Ngài là người duy nhất thấy rõ nguồn gốc khổ đau của tất cả chúng sinh nói chung, con người nói riêng. Đức Phật cũng là người duy nhất biết được con đường dẫn chúng sinh thoát khỏi biển khổ trầm luân đến bến bờ an vui giải thoát. Trừ đức Phật ra, không một ai thấu rõ được những chân lý này một cách rốt ráo. Người có trí tuệ lớn nhất, thấu rõ bản chất thật của mọi sự vật, hiện tượng trên đời này, là đức Phật, người có phước đức lớn nhất trên đời.

V0046076 The Birth Of The Buddha: Scene With Queen Maya

Hoàng hậu Maya cầm một nhánh cây trong khi sinh ra Tất-đạt-đa Cồ-đàm, lúc đó đang trong tay thần Indra và các vị thần khác nhìn theo. Tranh cổ của Sri Lanka. Ảnh: wikipedia.org

Chúng ta cùng nên tự hào vì chúng ta là phật tử, là con Phật, chúng ta hãy luôn hãnh diện vì chúng ta là học trò của bậc Đại giác ngộ vĩ đại nhất của nhân loại. Không những thế, chúng ta còn phải giờ giờ khắc khắc nghĩ nhớ đến Phật, nghĩ đến công ơn cao dày của đức Phật và mong mỏi làm được một việc gì đó thiết thực để báo đáp thâm ân của bậc Thiện tri thức nhân mùa Phật đản sắp về.

Đức Phật, khi phát tâm Bồ Tát, đã vì chúng sinh, vì chúng ta trải qua không biết bao nhiêu thử thách chông gai, vượt không biết bao nhiêu chướng nạn hiểm nguy, chịu không biết bao nhiêu khó khăn gian khổ. Ân đức ấy trời cao khó sánh, biển rộng khôn lường, chúng ta dù trải qua trăm kiếp ngàn đời cũng không bao giờ đền đáp được trong muôn một.

Sự ra đời của đức Phật là một minh chứng vô cùng sinh động và hùng hồn cho một chân lý lớn: con người hoàn toàn có khả năng đoạn trừ hết mọi khổ đau, đạt được an vui hạnh phúc mãi mãi. Đức Phật vốn là một người bình thường, sinh ra trong bào thai nhờ tinh cha huyết mẹ hợp lại mà thành. Ngài cũng có cha có mẹ, có vợ có con, và cũng từng bị những khổ đau bức bách. Nhưng nhờ không ngừng nỗ lực học hỏi, rèn luyện và tu tập thiền định đạt đến đỉnh điểm của giá trị đạo đức, phát huy công năng trí tuệ tới mức tối đa, tức là nhờ khai mở và phát huy hết tiềm năng to lớn của bản thân, thấu rõ thật tính của vạn pháp, bản chất của mọi thứ, đức Phật đã đạt đến an vui và tự tại một cách trọn vẹn.

Có thể nói một cách đơn giản về những chân lý mà đức Phật đã giác ngộ và dành cả đời để đi giảng dạy, truyền bá như sau:

Mọi thứ trên đời đều là duyên khởi, do nhiều nhân duyên hợp lại mới thành, quan sát sâu sắc thì thấy chúng không có tư ngã, không có tự thể, không tồn tại vĩnh cửu mà bí quy luật vô thường chi phối.

Ví dụ con người sở dĩ được sinh ra và gáng chịu những nỗi khổ niềm đau là do Vô mình có hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu cho nên có Sinh, Lão tử dẫn đến sầu bi khổ ưu não.

Nhân mùa Phật đản: nghĩ về trí tuệ trong đạo Phật 

Ai thấy rõ như thật về Tứ thánh đế Khổ, Tập, Diệt, Đạo, quyết chí tu tập ba mươi bảy phẩm bồ đề, nhất là Bát Thánh đạo (Chính kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mạng, chính tinh tấn, chính niệm và chính định), phát triển giới định tuệ có thể đoạn trừ vô minh phiền não đạt đến trí tuệ giác ngộ, vượt thoát mọi ràng buộc khổ đau trong sáu nẻo luân hồi.

Ý nghĩa nhân văn, nhân bản cao nhất về giá trị chân thật của con người phải đợi đến khi đức Phật ra đời thì nhân loại mới có cái nhìn thật sự đúng đắn. Với trí tuệ sáng suốt, thấu rõ mọi sự thật, đức Phật chỉ ra, tất cả mọi người đều có đầy đủ đức tướng và trí tuệ của Như Lai, có khả năng phát huy trí tuệ và đạo đức của bản thân đến mức cao nhất, có thể phát huy tiềm năng to lớn của mình, hướng tới cuộc sống tốt đẹp nhất.

Tức là đức Phật đã cho chúng ta một niềm tin mạnh mẽ về một tương lai tốt đẹp. Niềm tin này không phải mơ hồ, mà đặt trên nền tảng vững chắc của trí tuệ. Niềm tin và hy vọng là những thứ quan trọng cần có của con người khi đối diện với nghịch cảnh, để tiếp tục sống và vươn lên. Lời xác quyết của đức Phật như tiếp thêm niềm tin và năng lượng giúp chúng ta thiết lập một cuộc sống tốt đẹp.

Thật sự đức Phật đã thổi một luồng sinh khí mạnh mẽ và tích cực vào trong đời sống con người, đem ánh sáng trí tuệ vào nơi vô minh tăm tối, mở ra con đường tươi sáng đến cõi nhân thiên, chỉ hướng vào Niết bàn tịch tĩnh. Khi Phật còn tại thế, tại Ấn Độ có nhiều tôn giáo, nhiều chủ thuyết khác nhau, nhưng chỉ có đức Phật mới lấy toàn thể nhân loại làm đối tượng truyền giáo. Niết bàn, giải thoát mà đức Phật đề cập, không phải đợi sau khi chết mới đạt được, mà có thể chứng nghiệm và cảm nhận ngay trong giây phút hiện tại.

Những bài học quý giá từ lời dạy của đức Phật, nếu được thực hành đúng đắn, sẽ giúp cho con người cắt đứt những sự trói buộc của tham lam, dục vọng, đạt được thanh thản, thoải mái và tự tại. Ngay đó chính là cảnh giới an vui hạnh phúc giải thoát chân thật. Cho nên, nếu nói đến giải thoát theo lời Phật dạy mà không có lợi ích gì cho cuộc sống nhân loại thực tế, không có giá trị gì đối với thế giới hiện thực thì sẽ trái ngược với chính pháp của Thế Tôn.

Xuyên qua lời dạy của đức Phật chúng ta mới thấy rõ, giá trị lớn nhất của đời người là trí tuệ và phước đức, không có gì giá trị chân thật, bền vững và miên viễn hơn phước đức và trí tuệ.

Các đức Phật đều được tôn xưng là lưỡng túc tôn vì đã đạt tới cảnh giới trí tuệ tròn đầy và từ bi viên mãn. Nếu diễn đạt bằng ngôn ngữ thông thường dễ hiểu thì đức Phật là người có phẩm chất đạo đức hoàn mỹ và có trí tuệ tròn đầy thông suốt mọi thứ.

Một trong những tiêu chí bền vững và xác đáng để nhìn nhận sự thăng hoa phẩm chất của muôn loài chúng sinh trong mười cõi giới, thấp nhất từ Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh, A tu la, Người, Trời, Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát và cao nhất là Phật Thế Tôn chính là trí tuệ và từ bi ( Trí tuệ và đạo đức). Nói đến cùng, sự thăng hoa, sự văn minh, sự phát triển của nhân loại, của con người cũng chính là trí tuệ và đạo đức.

Hiểu thấu được chân lý này, chúng ta mới thấy hết được ý nghĩa làm người của chúng ta. Từ đó, ta mới ngộ ra, sự nghiệp lớn nhất, cũng là chân thật nhất của đời người cũng chính là sự nghiệp tô bồi, vun đắp phước đức và trí tuệ của bản thân chúng ta. Chúng ta hiểu được điều này một cách sâu sắc và chắc chắn, chúng ta sẽ xác định được mục tiêu, lý tưởng sống của cả cuộc đời chúng ta.

Một trong những nguyên nhân gây nên bất ổn cho con người hiện nay là dù không nói rõ ra, nhưng vô hình chung xem tiền tài vật chất là thước đo của mọi giá trị, mà hệ quả của nó là phẩm chất con người ngày càng trượt dốc nghiêm trọng. Thế giới này sẽ thật sự văn minh hơn, nếu xem trí tuệ và đạo đức như đức Phật đã nói là tiêu chí xác định giá trị con người. Đã đến lúc, nhân loại cần xác định lại tiêu chí chân thật mà con người hướng đến để xây dựng một nền văn minh đúng nghĩa trong thời hiện đại, khi những bất ổn trong đời sống xã hội ngày càng bộc lộ rõ.

Đi tìm hình, tượng Phật Đản sinh…

Hiện nay con người hay bàn đến khái niệm văn minh, nền văn minh. Chúng tôi nghĩ rằng, nền văn minh mà nhân loại chúng ta cần xây dựng phải lấy trí tuệ và đạo đức làm giá trị nền tảng, hướng đến phát triển cả đời sống tinh thần lẫn đời sống vật chất cho toàn nhân loại. Chỉ với năm điều (ngũ giới), hay sáu phép hòa kính (lục hòa), mười điều lành (Thập thiện) do đức Phật dạy cho phật tử, nếu được áp dụng rộng rãi trong đời sống nhân loại trên toàn thế giới thì chắc chắn sẽ thiết lập được tịnh độ tại nhân gian, giải quyết được rất nhiều những vấn đề bất ổn, nan giải hiện nay, nhất là vấn đề chiến tranh, bạo động và tâm lý bất an.

Phương thức kỷ niệm, ghi nhớ ngày đản sinh của đức Phật một cách thiết thực và bổ ích nhất là mỗi người con Phật trên khắp hành tinh, không luận là xuất gia hay cư sĩ tại gia, phải cùng nhau cố gắng nỗ lực tu tập giới định tuệ, thực hành đúng lời dạy của Phật và hết lòng, hết sức đem những lời giáo huấn của đức Phật đến với nhiều người nhất, để có nhiều người nhất trên hành tinh của chúng ta hưởng được sự lợi ích từ lời dạy cao quý của đức Phật.

Như thế, rất mong, những ai mấy mắn đã được nghe lời dạy của Phật, thì hãy nhanh chóng thực hành, vận dụng vào trong đời sống của mình, để làm cho cuộc sống của bản thân và gia đình ngày càng tốt đẹp và thăng hoa. Những ai đang sống trong đêm trường khổ đau, mà chưa từng được nghe lời dạy của Phật thì hãy gấp rút tìm đến với Phật pháp, chắc chắn ta sẽ gặt hái được rất nhiều điều bổ ích, giúp chúng ta vượt qua khổ đau, đạt đến an lạc.

Mùa Phật Đản sẽ là mãi mãi trong tim chúng ta, khi chúng ta biết lấy Phật làm lòng, luôn luôn khắc ghi mấy lời Phật dạy, như là kim chỉ nam, ứng dụng vào đời sống thực tế:

“Không làm các điều ác, siêng làm các việc lành, giữ tâm ý trong sạch, là lời chư Phật dạy”.

Những điều này rất đơn giản, dễ hiểu nhưng giá trị của nó là không thể đo đếm được, trong hiện tại cũng như tương lai.

Nhân mùa Phật đản năm nay đang về trên khắp hành tinh, hàng triệu triệu người con Phật hân hoan làm lễ kỷ niệm ngày đức Thế Tôn ra đời, thị hiện trong cõi Ta bà vốn nhiều rắm rối phiền não khổ đau, thì bài viết nhỏ này của chúng tôi như là những bông hoa vô ưu nho nhỏ, thành kính dâng lên cúng dường Phật đản, nguyện cầu thế giới hoà bình, đất nước phồn vinh, người người phúc lạc, Phật pháp cữu trụ thế gian, lợi ích hữu tình.

Chúng tôi luôn tâm tâm niệm niệm rằng, một trong những cách kỷ niệm, tri ân, nhớ ơn đức Phật thiết thực nhất, hữu hiệu nhất, được chư Phật, Bồ Tát, chư Thiên hoan hỷ nhất là, hàng ngày chúng ta cùng nhau siêng năng học Phật, thực hành và chia sẻ với nhiều người nhất có thể.

Tác giả: TS Thích Hạnh Tuệ & TS Thích nữ Thanh Quế

Ý nghĩa mùa Phật Đản

Một số ý nghĩa biểu tượng ngày đức Phật Đản Sinh

Ánh sáng ngày Phật Đản sinh

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường