Tác giả: Thượng tọa Thích Lệ Quang
Trưởng ban Ban Giáo dục Phật giáo Q. Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh.
Tóm tắt: Sự xuất hiện của pháp môn Tịnh độ đã giúp cho hàng triệu con người có cơ hội tu tập để đạt được mục tiêu về cảnh giới của đức Phật A Di Đà.
Pháp môn niệm Phật đã trở thành điểm tựa tinh thần hết sức quan trọng cho những hành giả tu hành hướng về sự giác ngộ và những con người trong “thời khắc sinh tử” được tiếp dẫn bằng những “tia sáng nhiệm màu” của đức Phật.
Vì vậy, nhiều người cho rằng một khi không thể đạt đến đỉnh cao của sự “chiếu kiến ngũ uẩn giai không”, thì pháp môn niệm Phật là một lựa chọn thay thế tuyệt vời nhất, dễ tu nhất; đồng thời chỉ cần nương nhờ vào tha lực của đức Phật, mà mục tiêu hướng đến “cảnh giới Tây phương” không còn là vấn đề khó khăn, không cần đến khổ luyện để tăng nội lực giác ngộ của chính mình.
Song, quan niệm này có thật sự đúng chăng? Bài viết tập trung trình bày khái niệm về Tịnh độ; tu pháp môn niệm Phật chỉ nương nhờ vào tha lực của Phật A di đà? Bài viết góp phần hiểu đúng về vấn đề niệm Phật, từ đó lan toả những giá trị của phương pháp tu niệm Phật cho tất cả mọi người.
Từ khóa: Pháp môn niệm Phật, tha lực, Phật A Di Đà, niệm Phật, cảnh giới Tây phương, nội lực, Tịnh độ.
Ngay từ buổi bình minh của Phật giáo, thiền đã trở thành nền tảng cốt lõi của những con người tu theo đức giáo chủ Gautama Buddha nói riêng, Phật giáo nói chung; nó đã giúp cho giới tu hành một phương thức tu tập hết sức hiệu quả và đạt được những mục tiêu như kỳ vọng trên lộ trình giác ngộ giải thoát của chính mình. Tuy nhiên, sự “đơn điệu” của nó trong một thế giới ngày càng “đa cực” với sự phát triển không đồng đều của những “tâm thức chúng sinh” luôn luôn biến đổi khó lường, phức tạp, đã làm cho thực thể “thiền” không còn giữ nguyên thế “độc tôn” trên con đường hướng về mục tiêu giải thoát giác ngộ trong thế giới đa chiều của Phật giáo Đại thừa.
Để cân bằng và tạo ra nhiều sự lựa chọn cho giới tu hành, nhiều phương thức tu tập xuất hiện, nhiều pháp môn, tông phái được hình thành như Hoa Nghiêm tông, Duy thức tông, Mật tông, Pháp Hoa tông, Tịnh Độ tông…đã làm thay đổi hệ thống cấu trúc các phương thức tu tập trong Phật giáo, tạo nên sự cân bằng, bình đẳng trong lối tiếp cận giáo lý Phật giáo mang tính đa dạng, phong phú, hết sức sâu sắc.
Đặc biệt, trong thời đại ngày nay sự xuất hiện của pháp môn Tịnh độ đã giúp cho hàng triệu con người có cơ hội tu tập để đạt được mục tiêu về cảnh giới của đức Phật A di đà một cách rốt ráo. Do đó, pháp môn niệm Phật đã trở thành điểm tựa tinh thần hết sức quan trọng cho những hành giả tu hành hướng về sự giác ngộ và những con người trong “thời khắc sinh tử” được tiếp dẫn bằng những “tia sáng nhiệm màu” của đức Phật A Di Đà.
Có người cho rằng một khi không thể đạt đến đỉnh cao của sự “chiếu kiến ngũ uẩn giai không”, thì pháp môn niệm Phật là một lựa chọn tốt nhất, một “phương án B” thay thế tuyệt vời nhất, vì dễ tu nhất; đồng thời chỉ cần nương vào tha lực của đức Phật, mà mục tiêu hướng đến “cảnh giới Tây phương” không còn là vấn đề khó khăn, không cần đến khổ luyện để tăng nội lực giác ngộ của chính mình trong tu tập. Song, quan niệm này có thật sự đúng chăng?
Khái niệm về Tịnh độ
Pháp môn Tịnh độ là một trong những phương pháp tu tập lấy đối tượng cõi Tây phương Cực lạc làm mục tiêu hướng đến, lấy câu niệm Phật làm trọng tâm. Tuy nhiên, Tịnh độ là gì? Chúng ta hiểu về Tịnh độ như thế nào cho đúng là một vấn đề cần làm rõ khái niệm cũng như tông chỉ của nó. Theo Từ điển Phật học Hán - Việt khái niệm Tịnh độ được giải thích là: “Cõi trời của các bậc thánh ở, không bị ngũ trọc nhiễm bẩn, nên gọi là Tịnh độ. Nhiếp luận, bản dịch đời Lương, q.8 nói: “Cõi ở này không bị ngũ trọc nhiễm bẩn, trong suốt như pha lê, nên gọi là Thanh tịnh độ” [1]. Do đó, có một phái mới xuất hiện, xiển dương đường lối tu tập để hướng về cảnh giới an lành, mà ở đây chắc có lẽ sẽ không tìm thấy được sự đau khổ về tinh thần hay thể xác; một tông phái chuyên lấy câu niệm Phật làm cốt lõi trong quá trình tu luyện, đó là Tịnh độ tông.
Tịnh độ tông là: “Tông phái Phật giáo, lấy ngài Phổ Hiền làm vị sơ tổ. Lấy việc niệm Phật cầu vãng sinh làm trọng tâm. Tịnh độ được sáng lập ở Trung Quốc sau truyền qua Nhật và Việt Nam. Giáo tổ dịch giả có 3 ngài: 1. Khang Tăng Khải thế kỷ thứ 2 là nhà sư Thiên Trúc, dịch Vô lượng thọ kinh; 2. Cưu Ma La Thập cuối thế kỷ 4 cũng người Thiên Trúc, dịch A Di Đà kinh; 3. Cương Lương Da Xá đầu thế kỷ thứ 5 cũng người Thiên Trúc, dịch Quán Vô lượng thọ kinh, 3 quyển. Ấy là chính kinh của Tịnh Độ tông…”[2]. Trên cơ sở đó, Tịnh độ tông là một trong những tông phái của Phật giáo Đại thừa, có nguồn gốc từ Trung Quốc, sơ tổ của tông này là Ngài Phổ Hiền, đường lối tu tập lấy danh hiệu đức Phật A Di Đà làm trọng tâm; đồng thời trên cơ sở các bộ kinh như Vô lượng thọ kinh, A Di Đà kinh, Quán Vô lượng thọ kinh là những kinh điển nền tảng, là căn cứ vững chắc cho sự phát triển tông phái Tịnh độ.
Trong đường lối tu tập của pháp môn Tịnh độ không chỉ có trì danh (đức A Di Đà) làm chính, mà còn sử dụng phương pháp quán tưởng Phật A di dà, một phương thức tu tập hết sức hiệu quả, được các tổ sư Tịnh độ thực hành và xiển dương rộng rãi. Trong lịch sử truyền thừa, Tuệ Viễn Đại sư (334 -416) đời Tấn chuyên tâm tu tập về môn Tịnh độ và là tổ sư đầu tiên lập nên hội liên xã để nguyện cầu vãng sinh về cảnh giới Tây phương Cực lạc; Ngài Đàm Loan đời Nguỵ, ngài Đạo Xước đời Đường… lấy việc chuyên tu quán tưởng đức Phật A Di Đà làm yếu chỉ trong pháp môn Tịnh độ. Vào thế kỷ 12, tại Nhật Bản Ngài Pháp Nhiên (ja. Hònen,1133 – 1212) đã chính thức thành lập Tịnh độ tông, xiển dương pháp môn niệm Phật cầu vãng sinh Cực lạc.
Chủ trương lập thuyết dựa trên sự phát triển lòng tin tuyệt đối vào đức Phật A Di Đà, đó là con đường duy nhất đưa tất cả chúng sinh đến sự giải thoát, là mục tiêu chính yếu hướng đến cõi Tây phương Cực lạc. Ngài Pháp Nhiên cho rằng trong thế giới ngày nay, khi sự khủng hoảng của niềm tin con người còn đứng giữa “ngã ba giòng” và sự tự lực của chính mình còn là một thách thức lớn, thì cơ hội duy nhất của họ là tin vào sự hỗ trợ của Phật A Di Đà, tin vào tha lực là giải pháp tốt nhất để mọi người tu tập hướng về cảnh giới Cực lạc. Cùng với đó, sự phát triển của pháp môn Tịnh độ tại Việt Nam cũng bắt đầu manh nha, phát triển lớn mạnh. Thời Lý – Trần các Thiền sư Việt Nam cũng có xu hướng đề cao pháp môn niệm Phật nhưng là một phương thức kết hợp giữa Thiền và Tịnh độ, nhằm tạo cơ hội cho mọi người có nhiều lựa chọn trong tu luyện. Trong bài Bàn về niệm Phật, Thiền sư Trần Thái Tông viết: “…Nay kẻ tu hành muốn khơi dậy ý nghĩ chân chính để dập tắt ba nghiệp cũng là nhờ công niệm Phật vậy. Niệm Phật dập tắt được ba nghiệp…”[3]. Ngày nay pháp môn niệm Phật cũng phát triển sâu rộng cho giới Tăng, Ni, Phật tử trong cả nước, đặc biệt là Trí Tịnh Đại sư đã thành lập Hội Cực Lạc Liên Hữu tại chùa Vạn Đức vào năm 1955, để xiển dương pháp môn Tịnh độ. Ngài được tôn xưng là Tổ sư Tịnh độ tông của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại.
Mặt khác, tu tập pháp môn Tịnh độ để hướng về cõi Tịnh độ, hướng về Cực lạc thế giới (Shukhàvati), mà tất cả những người tu theo pháp môn Tịnh độ đều tin tưởng rằng, đó là cảnh giới của đức Phật A di đà; một cảnh giới an lành, hoan hỷ, xa lìa mọi cấu bẩn, nhiễm ô của thế gian, thanh tịnh, an lạc. Cực lạc thế giới (Shukhàvati) là:
“Quốc độ của đức Phật A Di Đà, còn gọi là An dưỡng, An lạc, Vô lượng thanh tịnh độ, vô lượng quang minh độ, vô lượng thọ Phật độ, Liên hoa tạng thế giới, Mật nghiêm quốc, Thanh thái quốc v.v… Tiếng phạn là Tu ma đề, dịch là Diệu lạc. Mọi việc đều đầy đủ viên mãn, chỉ có vui mà không có khổ” [4].
Mặc dù vậy, người ta không thể biết chính xác “địa giới hành chính” của thế giới Cực lạc ở đâu để có thể nhờ google maps “định vị” một cách chính xác. Tuy nhiên, thông qua lời dạy của đức Phật trong bản kinh A Di Đà, thì thế giới Cực lạc đã được định hướng: “Từ đó đi về Tây phương qua 10 vạn ức Phật độ, có một thế giới tên là Cực lạc. Ở cõi này có đức Phật gọi là A Di Đà, nay vẫn thuyết pháp chúng sinh ở nước này không có khổ sở, chỉ có hưởng vui sướng, nên gọi là Cực lạc” [5]. Nhưng, sự nghi ngờ của con người về một thế giới xa xôi không có khả năng tìm thấy, vượt ngoài giới hạn của con người, không phải là không có cơ sở. Dù vậy, chúng ta nên xem xét lại năng lực của chính mình, khi nguồn tài nguyên, nguồn năng lượng của chính con người còn giới hạn thì làm sao hiểu sâu hơn về một thế giới mà chúng ta tưởng chừng như không có?
Trong vũ trụ bao la, vô số các tiểu hành tinh, sao hoả, sao kim, sao Diêm Vương, mặt trời…con người còn chưa khám phá và thống trị hết, bởi năng lực hữu hạn của con người. Ngay cả thế giới ngày nay, con người còn không có niềm tin với nhau, còn nghi kỵ, đấu đá, tranh giành quyền lực, lợi ích cá nhân, nhóm, tổ chức, quốc gia, dân tộc, thì việc thống nhất nhau về một “niềm tin nhân loại” để giải quyết những vấn đề nan giải của thế giới là một điều cực kỳ khó, huống chi tin về một “thế giới Cực lạc” lại là một câu chuyện thuộc về đời sống tâm linh, đòi hỏi con người phải thể nhập được năng lực nội tại của con người để vượt qua giới hạn của thế giới hữu hạn, tìm kiếm một đời sống mới khác với đời sống của chúng ta ngày nay.
Tuy nhiên, trong thế giới hữu hạn con người cần phải hiểu một cách sâu sắc hơn vào “thế giới Tịnh độ” bằng một nhận thức phù hợp với tri thức của con người, mang tính triết lý và thực tế hơn trong cuộc sống nhân sinh. Theo tư tưởng Tịnh độ của Phật hoàng Trần Nhân Tông, Tịnh độ không phải tìm kiếm đâu xa, mà cõi Phật hay cõi Tịnh độ chính là lòng mình, tâm mình, ở ngay trong xã hội, cộng đồng nhân sinh là chỗ hiện thân của đức Phật A Di Đà, Trần Nhân Tông viết:
“Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương
Di Đà là tính sáng soi, mựa phải nhọc tìm về Cực lạc”[6].
Trong phẩm Phật Quốc, kinh Duy Ma Cật sở thuyết, đức Phật nói “tâm tịnh thì độ tịnh”; nghĩa là nếu tâm ta thanh tịnh, không vọng tưởng, không sinh khởi lay động thì quốc độ ta sẽ thanh tịnh, đó chính là cảnh giới Tịnh độ hay cảnh giới Cực lạc, mà con người mong muốn được diện kiến đức Phật A Di Đà. Song, con người thường có quan niệm tìm kiếm những vấn đề thuộc ngoài thực tại, tìm kiếm một cảnh giới thanh tịnh, Cực lạc xa xôi, trong khi tâm mình còn chứa đầy những vô minh, phiền não nhiễm ô, thì liệu rằng sự tìm kiếm đó có mang đến những kết quả tốt đẹp như kỳ vọng chăng? Con người lúc nào cũng muốn cái gì phải cụ thể, minh chứng rõ ràng, trong khi năng lực nội tại không vượt qua được giới hạn của đời sống vật chất? Sự hành trì pháp môn niệm Phật là giúp cho tâm định tĩnh, trí sáng suốt, ngăn chặn sự tác động của ngoại duyên, lìa xa vọng tưởng, nhằm đạt đến cảnh giới “tự tinh Di Đà”. Tịnh độ là lòng (tâm) phải trong sạch, còn Di Đà là tính sáng soi “vô lượng quang”, đó mới là cảnh giới Tịnh độ. Nếu chúng ta không sống được với Tịnh độ nhân gian, thì liệu rằng chúng ta có được cấp “visa” để trở về với “thế giới Cực lạc”?
Do đó, vấn đề là chúng ta cần phải tu pháp môn niệm Phật như thế nào? Trong khi một số ít người cho rằng tu pháp môn niệm Phật chỉ nhờ vào tha lực của đức Phật, không cần đến tự lực, dụng công, cũng được vãng sinh như ý nguyện, điều này có đúng chăng? Có phải pháp môn niệm Phật dễ tu và chứng quả một cách đơn giản như con người thường suy nghĩ?
Tu pháp môn niệm Phật chỉ nương nhờ vào tha lực của Phật A Di Đà?
Nếu thiền đòi hỏi hành giả quán chiếu tâm trong sự tĩnh lặng thì pháp môn niệm Phật giúp hành giả an trú trong câu A mi đà Phật và có thể đạt được kết quả như kỳ vọng về thế giới Cực lạc. Thật vậy, so với các pháp môn khác, pháp môn niệm Phật có thể dễ tu hơn, đơn giản hơn và áp dụng được cho mọi thành phần trong xã hội, bậc thượng căn, trung căn, hạ căn đều có thể tu được. Trí Tịnh Đại sư dạy rằng: “Pháp môn niệm Phật rất đơn giản, dễ thực hành, chắc chắn thành công. Một câu A mi đà Phật, mọi tầng lớp trong xã hội đều có thể niệm, không trở ngại mọi ngành nghề, ai nấy đều có thể tu được” [7].
Cho nên, pháp môn niệm Phật rất dễ thực hành, nương nhờ tha lực của đức Phật A Di Đà mà có thể tu tập và đạt được thành tựu so với sự tu tập đi từ hướng giới định tuệ, như ngài Ấn Quang Đại sư nói “Như Lai thương xót chúng ta chẳng thể tu nổi giới định tuệ, nên Ngài đặc biệt dạy pháp môn Tịnh độ” [8]. Mặc dù vậy, pháp môn niệm Phật cũng có những quy tắc nhất định, đòi hỏi con người phải hội đủ các yếu tố cơ bản “tín – hạnh – nguyện” là nền tảng ban đầu của một lộ trình tu tập theo đường lối tông Tịnh độ. Niềm tin là mẹ đẻ của mọi công đức, phải tin thật sâu, vững chắc vào y báo, chính báo của thế giới Cực lạc, tin vào pháp môn niệm Phật, một lòng nguyện cầu về thế giới của đức Phật A Di Đà. Tuy nhiên, mọi thành tựu trong cuộc đời là thước đo của quá trình lao động, sản xuất, sự rèn luyện ý chí, tinh thần kiên nhẫn của con người, đôi khi còn trả giá cho những suy nghĩ, tính toan sai lầm. Cũng vậy, nếu chỉ có “tín – nguyện” thì chưa đủ, cần phải có “hạnh” tức là thực hành, tu tập, rèn luyện hằng ngày thì mới mong đạt kết quả như mong đợi. Song, một số ít quan điểm cho rằng chỉ cần nương nhờ vào tha lực của đức Phật, không cần dụng công, tu tập, rèn luyện của tự thân, cũng có thể được đức Phật tiếp đón ở cảnh giới Tây phương Cực lạc. Mặc dù vậy, pháp môn Tịnh độ cũng có những tầng bậc cao thấp nhất định áp dụng cho các đối tượng tu tập khác nhau và trình độ giác ngộ khác nhau, tuỳ vào tâm lực, nguyện lực của mỗi con người khi hướng về đức Phật. Trong Niệm Phật luận, Trần Thái Tông đã phân biệt rõ ba hạng trí tu tập pháp môn Tịnh độ:
Thứ nhất, “bậc thượng trí thì tâm tức Phật, không phải nhờ thêm sự tu hành. Ý nghĩ bụi trần không vướng một mảy. Ý nghĩ bụi trần vốn tịnh, cho nên nói “như như không động tức là Phật…”
Thứ hai, “bậc trung trí ắt nhờ vào niệm Phật. Chú ý tinh cần, luôn luôn niệm mà không quên thì tâm mình ắt tự thuần thiện. Ý nghĩ thiện đã hiện ra thì ý nghĩ ác sẽ bị tiêu tan; ý nghĩ ác đã bị tiêu tan thì chỉ còn ít nghĩ thiện. Dùng ý nghĩ mà ý thức về ý nghĩ thì mọi ý nghĩ đều bị diệt hết. Khi ý nghĩ đã bị tiêu diệt ắt trở về chính đạo; lúc mệnh hết qua đời sẽ được niềm vui cõi niết – bàn…”
Thứ ba, “kẻ hạ trí miệng chuyên cần niệm lời Phật, lòng mong thấy hình tướng Phật, thân nguyền sinh ở nước Phật, ngày đêm tu hành chăm chỉ, không thoái chí thay đổi, như vậy đến khi mệnh hết qua đời sẽ theo ý nghĩ thiện mà được sinh ở nước Phật; sau đó lĩnh hội được chính pháp mà chư Phật nêu ra và chứng được bồ đề cũng được Phật quả…”[9].
Do đó, sự tu trì pháp môn niệm Phật đòi hỏi một sự nỗ lực không ngừng, tu hành chăm chỉ, vận động tự thân trong quá trình tu luyện, không phải chỉ có nương nhờ tha lực của đức Phật là mọi vấn đề được giải quyết. Con người không thể ỷ lại vào một năng lực che chở của đức Phật mà không cần đến sự tinh tấn trong công phu để phát triển nội lực của chính mình. Việc khuyến khích mọi người niệm Phật cầu vãng sinh, bỏ qua sự chuyên cần, tinh tấn trong niệm Phật chỉ là ban đầu “dụ dẫn người mê” trở về chính đạo của Tịnh độ. Mặc dù, Trần Thái Tông là một thiền sư đã đạt đến đỉnh cao của thiền, nhưng Ngài vẫn luôn luôn khuyến cáo mọi người tinh tấn, chuyên cần niệm Phật để cầu sinh về cõi giới của Phật A Di Đà. Trần Thái Tông viết: “Kẻ hạ trí lấy ý nghĩ làm bậc, lấy sự tinh tiến làm thang, chú ý đến thiện duyên, nguyện sinh vào nước Phật. Nếu chuyên cần không mỏi, tâm tính thuần thục thì sau khi chết đi sẽ tuỳ theo điều ước mà được sinh vào nước Phật. Đã sinh ở nước Phật thì tâm mình có mất đi đâu” [10]. Cho nên, tu theo Tịnh độ không chỉ là nương nhờ vào tha lực của Phật tiếp độ, mà sự nỗ lực tự thân, chuyên cần, tinh tấn niệm Phật là yếu tố quan trọng, mới mong đạt được đỉnh cao của pháp môn Tịnh độ, là chứng đắc Phật quả.
Mặt khác, pháp môn niệm Phật không chỉ dừng lại ở chỗ “được vãng sinh Cực lạc”, mà nó còn tiến xa hơn nữa để đạt đến đỉnh cao của chính định thì mới chứng ngộ được “tự tính Di Đà duy sinh Tịnh độ”. Cho nên trong Quán kinh sớ, ngài Thiện Đạo nói: “Nhất tâm chuyên niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà, đi đứng, ngồi nằm chẳng luận thời gian lâu hay mau, đều đều không quên, đây là chính định nghiệp, vì thuận với nguyện của đức Phật A Di Đà” [11]. Một khi đạt được chính định, gọi là “nhất tâm bất loạn” thì “thiền” và “tịnh” có khác gì? Tâm đã thanh tịnh thì Phật sẽ hiện tiền, “tâm thanh tịnh” và “Phật tính” không sai khác, đó là chỗ Trần Thái Tông gọi là “bậc thượng trí thì tâm tức Phật, không phải nhờ thêm sự tu hành”.
Mục tiêu cuối cùng của pháp môn Tịnh độ là hướng đến sự chứng ngộ Phật quả, còn câu niệm Phật là phương tiện làm cho con người tĩnh lặng tâm thức, sống trở về với chân tâm của chính mình. Trăm sông đều đổ về biển cả, các pháp môn đều hướng về một mục tiêu là chứng đắc Phật quả. Câu chuyện ở đây là chúng ta cần phải có nhận thức sâu hơn về đường lối tu hành của pháp môn Tịnh độ, hiểu rõ hơn về “thế giới Cực lạc”, một thế giới hoàn toàn thanh tịnh, an lạc, trang nghiêm, không cấu bẩn, thì đòi hỏi thân tâm con người phải hoàn toàn thanh tịnh mới tương ứng với cảnh giới Cực lạc.
Tâm chúng ta còn vọng động mà niệm Phật, nếu có vãng sinh, được đón tiếp về cảnh giới Tây phương, thì có lẽ chúng ta ở ngoài “vùng đệm” của thế giới Tây phương để trải qua quá trình tu tập và nghe đức Phật thuyết pháp một thời gian dài khai ngộ chân tâm.
Sự nỗ lực của bản thân trong quá trình tu tập, khổ luyện, công phu để phát triển nội lực là cốt lõi giúp cho chúng ta thành tựu tốt hơn trên con đường giác ngộ, giải thoát, còn tha lực thông qua 48 lời nguyện của đức Phật nhằm trợ duyên để cho chúng ta có nghị lực, có niềm tin vững chắc, được đảm bảo chắc chắn rằng sau khi thân mạng mệnh chung, một “tấm vé” về cảnh giới Tây phương Cực lạc là không thay đổi.
Tóm lại, từ khi Phật giáo Đại thừa manh nha và phát triển rộng rãi ở Trung Quốc, nhiều pháp môn, trường phái Phật giáo ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu nguyện vọng tu tập của giới tăng lữ, tín đồ Phật tử tu theo Phật giáo. Sự ra đời của các pháp môn Phật giáo Đại thừa, đánh dấu bước nhảy vọt của tiến trình phát triển đa dạng hoá đường lối tu tập; nó đã phá vỡ thế độc tôn của thiền học trong hệ thống cấu trúc tu tập, trong lối tiếp cận giáo lý của Phật giáo Đại thừa bằng lối tiếp cận đa chiều với nhiều phương thức tu luyện, có thể lựa chọn.
Pháp môn Tịnh độ là một trong những pháp môn quyền khai của Phật giáo phát triển thịnh hành ở Trung Quốc, Nhật bản và Việt Nam.
Mục tiêu của nó nhằm hướng con người tu tập để được tái sinh về Tây phương Cực lạc. Do sự thay đổi của điều kiện lịch sử xã hội, cũng như nhằm đáp ứng nhu cầu tu tập của giới tăng lữ, tín đồ Phật tử tu theo Phật giáo, pháp môn niệm Phật đã được lựa chọn xiển dương rộng rãi, bởi đường lối tiếp cận mang tính đơn giản, dễ tu, nhưng đạt kết quả tốt như mong đợi, có thể áp dụng cho tất cả mọi thành phần trong xã hội. Nhất là, chỉ niệm danh hiệu Phật thì được đức Phật tiếp đón, vãng sinh về thế giới Cực lạc.
Tuy nhiên “cuộc sống không phải là mơ”, đòi hỏi chúng ta sống phải thực tế hơn, phải nỗ lực trong tu tập, chuyên nhất, tinh tấn niệm Phật, nỗ lực phát triển nội lực của bản thân thì mới mong đạt kết quả tốt, được đức Phật phóng quang tiếp dẫn.
Vãng sinh Cực lạc không phải là sự ngẫu nhiên, mà là cả một quá trình tu tập, rèn luyện thân tâm. Tuy niệm Phật dễ tu, nhưng không có nghĩa là chúng ta không cần sự tu tập của bản thân. Giá trị cao cả của pháp môn niệm Phật không chỉ dừng lại ở chỗ “vãng sinh trong chờ đợi”, mà là con đường đưa đến sự chứng ngộ, thể nhập “tự tính Di Đà”.
Chú thích:
[1]. Phân viện Nghiên cứu Phật học (2012), Từ điển Phật học Hán -Việt, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr 1353.
[2]. Phân viện Nghiên cứu Phật học (2012), Từ điển Phật học Hán -Việt, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr 1353.
[3]. Nguyễn Huệ Chi (chủ biên) (1988), Thơ văn Lý – Trần, tập 2, NXB. KHXH, HN, tr. 85.
[4]. Phân viện Nghiên cứu Phật học (2012), Từ điển Phật học Hán -Việt, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr 271.
[5]. Phân viện Nghiên cứu Phật học (2012), Từ điển Phật học Hán -Việt, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr 271.
[6] Nguyễn Huệ Chi (chủ biên) (1988), Thơ văn Lý – Trần, tập 2, NXB. KHXH, HN, tr. 505.
[7] Tổ đình chùa Vạn Đức (2014), Tưởng niệm Đại lão Hoà thượng Thích Trí Tịnh, NXB. Hồng Đức, tr. 20.
[8] Liên Mãn (dịch) (2017), Tư tưởng Tịnh độ của Đại sư Thiện Đạo, NXB. Hồng Đức, tr. 237.
[9] Nguyễn Huệ Chi (chủ biên) (1988), Thơ văn Lý – Trần, tập 2, NXB. KHXH, HN, tr. 85.
[10] Nguyễn Huệ Chi (chủ biên) (1988), Thơ văn Lý – Trần, tập 2, NXB. KHXH, HN, tr. 85.
[11] Liên Mãn (dịch) (2017), Tư tưởng Tịnh độ của Đại sư Thiện Đạo, NXB. Hồng Đức, tr. 688.
Tài liệu tham khảo:
1.Liên Mãn (dịch), Tư tưởng Tịnh độ của Đại sư Thiện Đạo, NXB. Hồng Đức, 2017.
2.Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, 3 tập, NXB. Văn học, Hà Nội, 2000.
3.PGS, TS. Doãn Chính (chủ biên), Lịch sử tư tưởng Triết học Việt Nam, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013.
4.Phân viện Nghiên cứu Phật học, Từ điển Phật học Hán - Việt, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2012.
5.Tổ đình chùa Vạn Đức, Tưởng niệm Đại lão Hoà thượng Thích Trí Tịnh, NXB. Hồng Đức, 2014.
6.Viện Văn học, Thơ văn Lý – Trần, tập 2, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1988.
Tác giả: Thượng tọa Thích Lệ Quang
Trưởng ban Ban Giáo dục Phật giáo Q. Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh.
Bình luận (0)