Trang chủ Chuyên đề Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội và Tạp chí Nghiên cứu Phật học: Đóng góp trên phương diện học thuật, hoằng pháp và đời sống Phật giáo

Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội và Tạp chí Nghiên cứu Phật học: Đóng góp trên phương diện học thuật, hoằng pháp và đời sống Phật giáo

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

1. Sự ra đời và đóng góp thiết thực của Báo chí Phật giáo Việt Nam và các Hội Nghiên cứu Phật học.

Có thể nói, bất cứ một sự hiện hữu nào trong cuộc sống nói chung, Phật giáo nói riêng đều có sự khởi đầu và nguyên do nào có sự ra đời của sự kiện đó. Cũng vậy, khi đề cập đến sự ra đời của báo chí Phật giáo, hầu như các nhà nghiên cứu lịch sử báo chí đều lấy mốc thời gian của những thập niên 30-45 làm khởi điểm, cụ thể là bắt nguồn từ phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam. Đây chính là điểm mấu chốt làm nền cho hoạt động của báo chí Phật giáo Việt Nam, trong giai đoạn mà các nhà nghiên cứu quan tâm tranh luận về giáo lý của Đức Phật trên diễn đàn ngôn luận của cả nước.

Với sự ra đời của phong trào Duy Tân do cụ Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh khởi xướng đã làm tiền đề cho báo chí Phật giáo xuất hiện, cũng là tiền đề góp phần thúc đẩy phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam thời bấy giờ.

Sau năm 1908, các phương tiện thông tin truyền thông được mở rộng hơn với những bài xã luận, diễn đàn tranh đấu đòi dân sinh, phản ánh nguyện vọng của quần chúng nhân dân, đã thu hút rất nhiều người quan tâm. Trong bối cảnh đó, các Hội Nghiên cứu Phật học cũng lần lượt ra đời nhằm tu chỉnh những sai lệch trong Phật giáo do hoàn cảnh lịch sử dưới chế độ thực dân Pháp tạo nên.

Những tờ tạp chí như Pháp Âm (1928) do Hòa thượng Khánh Hoà chủ biên, Từ Bi Âm (1932) của của Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học, Viên Âm (1933) của An Nam Phật học Trung kỳ ở Huế, Đuốc Tuệ (1934) của Phật giáo Bắc Kỳ do Tổng đốc Hoàng Trọng Phu và Nguyễn Năng Quốc đứng đầu, Tiếng Chuông Sớm (1935) của hai sơn môn Hồng Phúc và Bà Đá (Hà Nội)… là cơ quan ngôn luận tiêu biểu cho các Hội Phật học. Nội dung xoay quanh các vấn đề kêu gọi tăng, ni đoàn kết chấn hưng Phật giáo, học chữ quốc ngữ để giải quyết nạn thất học trong tăng già, chuyển tải nền giáo lý thiết thực của Phật đà từ thấp đến cao nhằm giúp quần chúng phật tử giải trừ mê tín, tin sâu chính pháp… Từ nền tảng đó, về sau ngày càng xuất hiện nhiều nhật báo, tuần báo và tạp chí Phật giáo rất sôi nổi, mang lại lợi ích thiết thực cho cuộc sống đời và đạo, tiêu biểu như Nguyễn Lang đã viết “Với tư cách đại biểu Quốc Hội, Mật Thể đã từng che chở và bênh vực cho các tăng sĩ và cư sĩ hoạt động quanh tờ Giải thoát vào những năm 1946-1947…”(1).

Phải nói rằng, báo chí Phật giáo thời kỳ chấn hưng Phật giáo góp phần không nhỏ trong công cuộc xây dựng và bảo tồn nền văn hóa dân tộc Việt Nam cũng như làm trong sáng tinh thần Phật học, đúng như Nguyễn Lang đã gọi thời kỳ nầy là “quang cảnh phục hưng tưng bừng như chưa bao giờ có”(2)

bao chi pg 1645

2. Báo chí Phật giáo Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển.

Trải qua những thập niên 30-40 của thời kỳ chấn hưng Phật giáo, báo chí Phật giáo ra đời trước đó có tờ tồn tại, có tờ bị đóng cửa với nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên sau đó vẫn có những tờ báo, tạp chí khác tiếp tục ra đời từ những thập niên 50-60 như: Tạp chí Hướng Thiện (1950) do Hòa thượng Thiện Minh làm chủ nhiệm ở Đà Lạt, Tạp chí Liên Hoa (1958) của Giáo hội Tăng già Trung Việt do Hòa thượng Đôn Hậu chủ nhiệm, tuần báo Hải Triều Âm (1963) do Viện Hóa đạo xuất bản, Tạp chí nghiên cứu Vạn Hạnh (1965) do Hòa thượng Thích Đức Nhuận làm chủ nhiệm kiêm chủ bút, Tạp chí Tư Tưởng (1967) của Viện Đại học Vạn Hạnh xuất bản… Nội dung chủ yếu của các tạp chí là xoay quanh vấn đề củng cố tổ chức hội, hệ phái, phục vụ công tác nghiên cứu Phật học, triết học, văn hoá, giáo dục…

Sau khi đất nước thống nhất, hầu như những báo và tạp chí đều đình bản do bởi các tổ chức Giáo hội của các hệ phái Phật giáo ngưng hoạt động. Mãi đến ngày 1-1-1976, Tờ báo đầu tiên của Phật giáo là Giác Ngộ – cơ quan ngôn luận của Ban Liên Lạc Phật giáo Yêu nước xuất bản nửa tháng l kỳ (bán nguyệt san) ra số đầu tiên, do Hòa thượng Thích Minh Nguyệt làm Chủ nhiệm, cư sĩ Võ Đình Cường làm Tổng Biên tập.

Ngày 20-10-1990, tờ báo Giác Ngộ trực thuộc Thành Hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh do Hòa thượng Thích Thiện Hào làm Chủ nhiệm và Hòa thượng Thích Trí Quảng làm Tổng Biên tập. Sau đó, từ tháng 4 năm 1996, báo Giác Ngộ trở thành tuần báo và còn xuất bản thêm tờ Nguyệt san, phụ trương chuyên đề về Phật học.

Tạp chí Nghiên cứu Phât học trực thuộc Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam cũng được xuất bản 2 tháng 1 số vào năm 1990 do Hòa thượng Kim Cương Tử làm Tổng Biên tập, ngay sau khi Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ra đời tại Hà Nội…

Nói chung, trong thời kỳ hội nhập, các tờ báo, tạp chí thậm chí cho đến các báo điện tử Phật giáo liên tục ra đời, từng bước thay đổi nội dung và hình thức phù hợp với tình hình xuất bản báo chí hiện đại, nhằm đáp ứng kịp nhu cầu tăng, ni, phật tử khắp nơi.

3. Những đóng góp trên phương diện học thuật, hoằng pháp và đời sống Phật giáo Việt Nam của Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội và Tạp chí Nghiên cứu Phật học

Sau gần 10 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, vào năm 1990, trước những nhu cầu thiết yếu cần phải có một đơn vị phục vụ công tác nghiên cứu, tìm hiểu đạo Phật cũng như đáp ứng như cầu tu học của tăng, ni, phật tử, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã quyết định thành lập Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội và đặt trụ sở tại chùa Quán Sứ. Song song đó, Giáo hội quyết định cho Phân viện xuất bản Nội san Nghiên cứu Phật học. Sau này chuyển thành Tạp chí Nghiên cứu Phật học vào năm 1997, hợp pháp bằng giấy phép xuất bản do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) cấp phép.

Được biết, Tạp chí Nghiên cứu Phật học là tạp chí chuyên sâu về Phật học do Hòa thượng, Tiến sĩ Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Thông tin Truyền thông Trung ương làm Tổng Biên tập.

Có thể nói, kể từ khi thành lập từ năm 1990 đến nay, Tạp chí đã nhiều lần nhận được Bằng khen, Bằng tuyên dương công đức của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, của Ban Tôn giáo Chính phủ. Đặc biệt năm 2017, Tạp chí được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính Phủ trao tặng. Đây là những thành quả thật xứng đáng với những đóng góp mà Phân viện và Tạp chí đã cống hiến cho Đạo pháp và Dân tộc.

Quả thật như vậy, từ cái nhìn thực tế cũng đã cho chúng thấy rằng các hoạt động Phật sự, truyền bá Phật pháp của Phân viện cũng như Tạp chí luôn theo phương châm “Đạo pháp – Dân tộc”, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao và đưa hình ảnh của Phật giáo nước nhà, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến được với rộng rãi bạn bè trên thế giới, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu Phật giáo của tín đồ trong và ngoài nước.

Cụ thể, năm 2018, Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội đã đăng cai tổ chức các buổi hội thảo trên quy mô rộng lớn, tức là hợp tác với các tổ chức khác như Ban Tôn giáo Chính phủ, Học viện Khoa học Xã hội và Nhân văn, Viện Trần Nhân Tông, Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo và các cơ quan nghiên cứu… để tổ chức hội thảo về các chuyên đề Phật học, Phật giáo, nhằm góp phần nâng cao giá trị đạo đức Phật giáo, cũng như đẩy mạnh các phong trào hoằng pháp hiện đại của Phật giáo nước nhà.

Hơn thế nữa, Phân viện cũng đề xuất các thành viên nhiệt tình đóng góp các tham luận, các bài nghiên cứu tại các hội thảo do các ban ngành khác tổ chức, đồng thời đăng bài nghiên cứu mở rộng trên các tạp chí nghiên cứu chuyên ngành như Tạp chí Tôn giáo, Tạp chí Xây dựng Đảng, Tạp chí Đối ngoại, Tạp chí Công tác Dân vận và các tạp chí nghiên cứu chuyên sâu khác.

Phân viện còn tổ chức, hướng dẫn các tín đồ, độc giả phát tâm ấn tống một số Kinh sách để phổ biến rộng rãi cho các đạo tràng, quần chúng phật tử, cũng như tổ chức các buổi sinh hoạt phật sự theo chuyên đề, giúp chuyển hóa lòng tin của tín đồ phật tử từ mê tín thành chính tín.

Đặc biệt, đã có nhiều đối tác liên kết gửi đến Phân viện một số Kinh sách, phim ảnh có chuyên đề Phật giáo và liên quan đến Phật giáo để nhờ Phân viện thẩm định tính chuyên môn về Phật học. Phân viện đã không ngừng đẩy mạnh công tác này và hoàn thành tốt trách nhiệm của mình.

Phân viện còn phối hợp đóng góp những kiến thức Phật học chuyên môn với Ban Thông tin Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Kênh Truyền hình An Viên, góp phần to lớn trong công cuộc hoằng truyền chính pháp và truyền thông các giá trị cao đẹp của đạo Phật đi vào cuộc sống. Đồng thời Phân viện còn nêu cao chủ trương hợp tác, trao đổi, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về dịch thuật, biên dịch để làm điểm đáng tin cậy cho các học giả, tín đồ muốn tìm đến nghiên cứu Phật học.

Để làm phong phú hơn Tạp chí Nghiên cứu Phật học, Phân viện đã mời một số nhà nghiên cứu thuộc các lĩnh vực sử học, triết học, tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo để đảm trách các nhiệm vụ chuyên môn và công tác biên tập xuất bản sách, tạp chí. Nhờ đó mà các thành viên đã phiên dịch, ấn tống và phát hành nhiều công trình nghiên cứu mang tính hệ thống và chuyên nghiệp, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, xuất bản tạp chí cũng như đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước và Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Phải nói rằng, kể từ năm 2018 trở đi, Tạp chí Nghiên cứu Phật học đã có nhiều cải tiến về nội dung và hình thức. Cụ thể là nhấn mạnh nội dung vừa “đúng” và phải “trúng” với giáo lý Phật đà. Phân viện thì tiếp tục đề xuất xuất bản các ấn phẩm về lịch sử Phật giáo của một số nước trên thế giới như Ấn Độ, Thái Lan, Lào, Myanmar, Campuchia… nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu Phật giáo các nước trên thế giới cho các trường Phật học, thúc đẩy mối quan hệ giữa Phật giáo Việt Nam và các nước có truyền thống Phật giáo.

4. Kết luận:

Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội và Tạp chí Nghiên cứu Phật học trải qua 30 năm xây dựng và phát triển với sự đóng góp công đức của chư Tôn đức, các nhà nghiên cứu, học giả, cộng tác viên… đã luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ thiết thực về thông tin báo chí, phụng sự Giáo hội và bạn đọc. Tạp chí thực hiện tốt vai trò truyền tải kịp thời những chủ trương, đường lối mới của Giáo hội và các hoạt động Phật sự quan trọng của các tự viện. Truyền tải phong phú nguồn giáo lý Phật đà tới đông đảo quần chúng Phật tử và nhiều hoạt động xã hội, gương người tốt việc tốt, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của toàn xã hội.

Việc thành lập Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội và cho ra đời Tạp chí Nghiên cứu Phật học, thật sự đã đem lại nhiều giá trị và lợi ích thiết thực không chỉ cho việc nghiên cứu Phật học mà còn cho việc nghiên cứu các giá trị văn hoá dân tộc. Có thể nói, đây là một cơ sở nghiên cứu đặc trưng, luôn đưa ra đường hướng mới trong việc mở rộng lĩnh vực nghiên cứu, nhằm đáp ứng nhu cầu chung của quần chúng Phật tử và xã hội. Chính những cống hiến đích đáng đó mà Phân viện đã nhận được Bằng khen, Bằng tuyên dương công đức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Dân vận Trung ương, Ban Tôn giáo Chính phủ…

Tin chắc rằng trong tương lai, nơi đây sẽ là nơi quy tụ mạnh mẽ hơn nữa chư tôn đức tăng, ni, phật tử và các nhà nghiên cứu, biên soạn kinh sách, dịch giả… nhằm kịp thời cập nhật hoá và truyền tải những thông tin, góp phần phát triển Giáo hội và xã hội, cùng chung tay hoằng pháp, làm đẹp cuộc đời, đồng thời bắt kịp với đà tiến bộ của nền báo chí nước ngoài.

HT.TS. Thích Bảo Nghiêm
Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN
HỘI THẢO KHOA HỌC: “30 năm Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội & Tạp chí Nghiên cứu Phật học – Thành tựu và Định hướng”

——————–

CHÚ THÍCH
1. Nguyễn Lang (1994), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 3, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
2. Sđd.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
– Nguyễn Lang (1994), Việt Nam Phật giáo sử luận tập II, III, Nxb Văn học, Hà Nội.
– Thích Thiện Hoa, 50 năm (1920-1970) Chấn hưng Phật giáo Việt Nam.
– Tô Huy Rứa (chủ biên) (1998), Thư tịch Báo Chí Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia.
– Tạ Bá Tòng, Lịch sử báo Việt Nam từ khởi thủy đến 1945, Nxb thành phố Hồ Chi Minh.
-https://dacsanhoadam.com/phan-vien-nghien-cuu-phat-hoc-viet-nam-tai-ha-noi-trien-khai-cong-tac-phat-su-nam-2019/

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường