Trang chủ Quốc tế Những tác phẩm Phật học nổi tiếng của Lương Khải Siêu

Những tác phẩm Phật học nổi tiếng của Lương Khải Siêu

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Thích Nữ Chơn Ngọc dịch
Học viên Cao học khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Nhung tac pham phat hoc noi tieng cua Luong Khai Sieu 1

Lương Khải Siêu (1873-1929), tự Trác Như, hiệu Nhiệm Công, ông còn được gọi là Ẩm Băng Thất Chủ Nhân. Là người huyện Tân Hội, tỉnh Quảng Đông. Là nhân vật chính trị và học giả nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc thời cận đại. Về chính trị, ông là người theo chủ nghĩa cải cách giai cấp tư sản dân tộc, ông cùng Khang Hữu Vi, Đàm Tự Đồng… là những người đề xướng duy tân và vận động công cuộc biến pháp năm Mậu Tuất, tạo ảnh hưởng to lớn trong lịch sử cận đại Trung Quốc. Về mặt học vấn, Lương Khải Siêu là một học giả có kiến thức uyên bác và có nhiều thành tựu to lớn. Ông xuất thân trong một gia đình gia giáo, từ nhỏ đã được tiếp thu nền giáo dục theo tinh thần của Nho giáo, năm 27 tuổi ông được học với danh sư của Công Dương, sau đó thì được sang Nhật Bản và đi khắp Âu Mỹ, hiểu rõ về Trung – Tây kim cổ. Chính vì vậy, phạm vi nghiên cứu học thuật của ông vô cùng rộng lớn, liên quan đến nhiều phương diện văn hóa Trung Quốc. Đặc biệt là sau năm 1920, ông từ bỏ các hoạt động chính trị và chuyên tâm vào nghiên cứu học thuật, ông có nhiều bài viết về nhiều lĩnh vực học thuật, nhiều bài nghiên cứu đã được xuất bản. Đạo Phật cũng là một trong những lĩnh vực mà ông nghiên cứu, và có rất nhiều kiến giải độc đáo về Phật học.

Các nghiên cứu Phật học của Lương Khải Siêu chủ yếu tập trung ở hai giai đoạn. Một là khoảng thời gian từ khi diễn ra biến pháp Mậu Tuất cho đến cách mạng Tân Hợi, còn một giai đoạn là sau khi từ Âu Mỹ trở về cho đến khi mất. Trong giai đoạn đầu, ông lần lượt cho xuất bản hơn 10 bài viết và bài diễn thuyết về Phật học, chủ yếu là xiển dương sự “dõng mãnh”, “vô úy”… của Phật giáo, hòng sử dụng đạo Phật như một sức mạnh tinh thần để thúc đẩy mọi người tích cực tham gia vào phong trào biến pháp Duy Tân. Các nghiên cứu Phật học của ông trong thời gian này chủ yếu nhằm phục vụ cho hoạt động chính trị. Năm 1919, sau khi Lương Khải Siêu từ Âu Mỹ trở về, ông bắt đầu cảm thấy thất vọng về nền văn minh phương Tây, và cho rằng tư tưởng chủ nghĩa xã hội và phong trào cách mạng dân chủ của Trung Quốc lúc bấy giờ không khả thi, chính trong lúc thất vọng về chính trị ông bắt đầu tập trung vào việc nghiên cứu Phật học, với mong muốn thông qua các nghiên cứu Phật học chấn hưng văn hóa Trung Quốc. Trong khoảng thời gian ông chuyên tâm vào việc nghiên cứu đã cho ra rất nhiều tác phẩm nổi tiếng về Phật học và có giá trị học thuật rất cao. Phần lớn các tác phẩm học thuật trong suốt cuộc đời của Lương Khải Siêu được đưa vào “Ẩm Băng Thất Hợp Tập”. Còn thành quả nghiên cứu Phật học chủ yếu của ông thì được gom trong tập luận tên “Phật Học Nghiên Cứu Thập Bát Thiên”, “Phật Học Nghiên Cứu Thập Bát Thiên” chính là tác phẩm được viết trong giai đoạn thứ hai.

Thành quả nghiên cứu Phật học của Lương Khải Siêu bao gồm những phương diện sau:

1. Nghiên cứu về lịch sử Phật giáo. Các nghiên cứu về lịch sử Phật giáo của ông liên quan đến hai phần chính là Phật giáo Ấn Độ và Trung Quốc. Trong các bài viết như “Ấn Độ Phật Giáo Khái Luận[1]”, “Trung Quốc Phật Giáo Hưng Suy Duyên Cách Thuyết Lược[2]”, “Phật Giáo chi Sơ Thâu Nhập[3]” ông đã tóm tắt một cách đầy đủ về quá trình hình thành và phát triển của Phật giáo tại Ấn Độ, cũng như các diễn biến của nó tại Trung Quốc, ông còn chỉ ra rằng sự ra đời và phát triển của Phật giáo Ấn Độ là do ảnh hưởng tư tưởng của Hy Lạp, và Phật giáo được du nhập vào Trung Quốc là nhờ sự ủng hộ quốc vương Kanishka thuộc tộc Nguyệt Chi, đầu tiên Phật giáo được truyền vào phía Nam Trung Quốc theo đường biển. Theo quan niệm của ông thì Phật giáo là một tôn giáo ngoại lai, sở dĩ được người Trung Quốc chấp nhận, trước hết là bởi vì nó phục vụ cho nhu cầu về mặt tâm linh của người Trung Quốc thời bấy giờ. Hơn nữa, sự phát triển của Phật giáo tại Trung Quốc, tùy theo sự khác biệt về thời đại lịch sử và hoàn cảnh địa lý mà Phật giáo cũng thể hiện những đặc trưng khác nhau, đặc biệt là sự khác biệt về hoàn cảnh địa lý giữa miền Nam và miền Bắc Trung Quốc, khiến Phật giáo giữa hai miền Nam Bắc mang hai sắc thái tôn giáo hoàn toàn khác nhau “miền Nam chú trọng về việc tìm hiểu giáo nghĩa, còn miền Bắc lại chú trọng về tín ngưỡng”. Những thành quả nghiên cứu này của ông có giá trị học thuật rất cao, bằng chứng là cho đến nay một số quan điểm của ông vẫn được giới học thuật vận dụng.

2. Giải thích Kinh Phật. Các bài viết nổi tiếng của Lương Khải Siêu gồm “Độc Dị Bộ Tông Luân Luận Thuật Ký”, “Thuyết Tứ A Hàm”, “Thuyết Lục Túc”, “Phát Trí”, “Thuyết Đại Tỳ Bà Sa”, “Độc Tu Hành Đạo Địa Kinh”, “Phật Gia Kinh Lục Tại Trung Quốc Mục Lục Học Chi Địa Vị”, “Kiến Vu Cao Tăng Truyện Trung Chi Na Trứ Thuật”… Trong những bài viết này, ông đã giới thiệu các kinh điển quan trọng của Phật giáo, một số còn được tiến hành khảo đính và khảo chứng, chỉ ra quá trình thay đổi của kinh Phật trong khi được lưu truyền tại Trung Quốc, ông nhấn mạnh tính tất yếu của kinh điển Phật giáo và phương pháp nghiên cứu. Ông cho rằng, việc nghiên cứu A Hàm, có thể biết được các giáo lý cơ bản và bối cảnh lịch sử của Phật giáo trong thời kỳ đầu, từ đó tìm ra nguyên nhân ra đời của Phật giáo. Phương pháp nghiên cứu được áp dụng gồm sắp xếp mục lục, phân loại, đánh dấu, lập bảng…, ông còn đưa ra quan điểm cá nhân đối với một số kinh điển gây tranh cãi trong lịch sử, như ông cho rằng “Tứ Thập Nhị Chương Kinh”, “Mâu Tử Lý Hoặc Luận”… đều là những chế tác của người đời sau, “Đại Thừa Khởi Tín Luận” không phải do Mã Minh biên soạn, mà là chế tác của người Trung Quốc mượn danh của Mã Minh. Quan điểm này nhận được sự đồng thuận của một số người trong giới Phật học, đến nay vẫn còn có người tiếp tục thảo luận về vấn đề này.

3. Khảo sát về lịch sử phiên dịch kinh Phật. Các bài viết nổi tiếng của Lương Khải Siêu gồm có “Phiên dịch văn học và kinh Phật”, “Phiên dịch kinh Phật” … Trong những bài viết này ông đã lập ra mục lục lịch sử phiên dịch kinh Phật Trung Quốc, giới thiệu sơ lược về các đặc điểm nổi bật khi dịch kinh Phật từ tiếng Phạn ra tiếng Hoa, song song đó ông còn giới thiệu về tình hình một số bản kinh gốc và dị bản, ông còn thuyết minh cho một số tác phẩm chế tác, từ đó chỉ ra trình tự cơ bản chung của lịch sử phiên dịch kinh Phật. Theo ông trong lịch sử phiên dịch của Phật giáo Trung Quốc, do có sự khác biệt về văn hóa giữa hai miền Nam Bắc, dẫn đến sự khác nhau trong phong cách dịch ý và trực dịch, đồng thời trong quá trình dịch kinh còn tồn tại tình trạng càng về sau càng dễ xảy ra hiện tượng khó đọc hiểu được quy luật, bên cạnh đó ông cũng chỉ ra rằng việc dịch kinh Phật ảnh hưởng khá lớn đến văn tự, ngữ pháp và văn học Trung Quốc.

4. Sự giao lưu văn hóa giữa Phật giáo Trung Quốc và Phật giáo Ấn Độ. Trong các bài viết “Phật giáo và Tây Vực”, “Du học sinh Trung Quốc trong 5000 năm”… ông lập bảng thống kê về số nhà sư từ Ấn Độ và Tây Vực sang Trung Quốc, cũng như những nhà sư sang phương Tây du học, giới thiệu tóm tắt về từng người, liệt kê mục lục kinh mà họ đã dịch, thời gian họ đến Trung Quốc và năm cầu pháp…, đồng thời còn giới thiệu các tuyến đường, con đường giao thông giữa Trung Quốc và Ấn Độ, bên cạnh đó ông còn chia thời gian mà các nhà sư đến Trung Quốc truyền giáo thành ba giai đoạn gồm thời kỳ Tây Vực, thời kỳ Kế Tân và thời kỳ Thiên Trúc, điều này có giá trị nhất định trong việc nghiên cứu lịch sử Phật giáo Trung Quốc và lịch sử giao lưu văn hóa giữa Trung Quốc và Ấn Độ.

5. Trình bày sự diệu dụng trong việc giải thích giáo lý Phật giáo. Trong các bài viết như “Cương yếu về thời đại Phật đà giáo lý Phật giáo nguyên thủy”, “Sự phát triển của giáo lý Phật giáo tại Trung Quốc”, “Sơ lược về Tâm Lý học Phật giáo” ông nêu rõ các giáo lý Phật giáo. Theo ông mọi giáo lý Phật giáo đến cuối cùng đều quy kết về hai chữ “vô ngã”, nếu muốn đạt được cảnh giới vô ngã, thì phải hành trì tu tập cái tâm, “vô sắc pháp” mà Phật giáo đề cập, chính là nội dung của tâm lý học phương Tây hiện nay, tuy nhiên tâm lý học phương Tây xuất hiện sau đạo Phật hơn 1000 năm. Ông còn chỉ ra sự khác biệt giữa tâm lý học phương Tây và đạo Phật, ông cho rằng tâm lý học phương Tây là kết quả có được sau khi chứng thực, còn đạo Phật có được qua sự thể ngộ của từng cá nhân sau khi hành trì, cả hai có rất nhiều điểm tương đồng, nhưng phương pháp xây dựng thì hoàn toàn khác nhau. Biện pháp vận dụng tâm lý học phương tây để so sánh và chứng minh phương pháp nghiên cứu đạo Phật này, có giá trị tham khảo hết sức to lớn trong việc nghiên cứu đạo Phật của chúng ta ngày nay.

Bằng nền tảng học thức uyên thâm của mình, Lương Khải Siêu còn trang bị thêm cho bản thân các kiến thức sâu rộng về Trung Quốc và phương Tây, từ đó nghiên cứu rộng về Phật giáo. Trong đó có rất nhiều điểm đáng học hỏi, các thế hệ sau đã đúc kết tư tưởng Phật học của ông thành 5 đặc điểm chính gồm “Giàu cảm hứng, mang tính khích lệ cao, sáng tạo, lịch sử, giàu cảm xúc” và đánh giá rất cao.

Tác giả: Tô Quân – Nguồn: TRÍCH TỪ PHẬT GIÁO TAM BÁCH ĐỀ
Biên dịch: Thích Nữ Chơn Ngọc

—————————

CHÚ THÍCH

[1] Giới thiệu về Phật giáo Ấn Độ
[2] Sơ lược về sự thịnh suy của Phật giáo Trung Quốc giai đoạn cách mạng
[3] Nhập môn về Phật giáo

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường