MỞ ĐỀ

Trước tình hình thực dân Pháp chia cắt ba miền để cai trị dưới nhiều hình thức khác nhau; Phật giáo đứng trước nguy cơ suy vi. Niềm tin Phật giáo trong tín đồ dần bị lung lay, đa số tu sĩ yếu kém về trình độ cũng như giới hạnh, hàng tín đồ mê tín… buộc các vị tu sĩ Phật giáo phải đưa ra những giải pháp để chấn hưng Phật giáo. Đầu tiên ở miền Nam qua sự kêu gọi của tổ Khánh Hòa, phong trào lan ra miền Trung và cuối cùng là ở miền Bắc.

Bên cạnh những điểm tương đồng về mục đích phục vụ công cuộc chấn hưng Phật giáo, giữa các hội đoàn cũng có những điểm dị biệt vùng miền, quá trình thành lập, các thành phần hội viên, cơ cấu tổ chức, cách thức hoạt động… vì lý do đó người viết quyết định tìm hiểu đề tài Phân tích những điểm tương đồng và dị biệt giữa ba hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học, An Nam Phật học hội và hội Phật giáo Bắc kỳ trong giai đoạn nữa đầu thế kỷ XX (1920 -1945) để có cơ hội hiểu rõ hơn về quá trình phục hưng Phật giáo nước nhà.

Tag: Chấn hưng Phật giáo, Nam kỳ Nghiên cứu Phật học, An Nam Phật học, Hội Phật giáo Bắc kỳ, tương đồng, dị biệt, Nam kỳ, Bắc kỳ…

1. Điểm dị biệt giữa ba hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học hội, An Nam Phật học hội và hội Phật giáo Bắc kỳ

Đối với hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học (NKNCPH): Ngay từ năm 1920, Hòa thượng Khánh Hòa cùng các Hòa thượng Từ Phong, Như Nhãn, Huệ Quang, An Lạc, Long Triều lập Hội Lục hòa nhằm tạo điều kiện cho các tăng sĩ gặp nhau trong những ngày kỵ giỗ để bàn về nội bộ tăng đồ; đoàn kết lại và vận động phong trào chấn hưng Phật giáo, hằng năm cho ra đời tạp chí Pháp Âm [4, tr.143] Năm 1923, Hòa thượng khởi xướng thành lập tổ chức Lục Hòa Liên Hiệp nhằm tạo điều kiện cho các vị có tâm huyết với Phật pháp, lo lắng về sự suy đồi của Phật giáo Việt Nam có cơ hội gặp gỡ, bàn bạc việc chấn hưng. Tháng 12/1927, Hòa thượng Khánh Hòa đã xin phép lập hội NKNCPH nhưng thất bại, vì lý do trong bản dự thảo điều lệ có mục “những người không Phật giáo cũng có thể trở thành thường trợ hội viên” [1, tr.73]. Đến ngày 6/4/1928, Hòa thượng lại đệ đơn lên Thống đốc Nam kỳ xin phép lần nữa sau khi đã sữa chữa lại một số điều lệ nhưng cũng không thành công, lý do lần này tồn tại hai điểm bất hợp lý là một số vị trong Ban Trị sự tạm thời mặc dù đã qua đời nhưng vẫn có chữ ký trong bản điều lệ, thứ hai là do thái độ chính trị của một số vị trong Ban Trị sự, cũng như trong số hội viên có người thân thế không được “trong sạch”. Cuối cùng Hòa thượng hợp tác với ông Trần Nguyên Chấn đang làm việc tại sở Đốc lý Sài Gòn, rút kinh nghiệm sau hai lần thất bại, nên Hòa thượng thành lập “Ban Bảo tồn Phật giáo ở Nam kỳ” trong đó Hòa thượng làm Trưởng ban, ông Chấn làm Phó ban, rồi lần lượt xin thành lập thư viện Phật học với tên gọi Pháp Bảo Phường, sau đó xin xuất bản tạp chí Từ Bi Âm. Đến ngày 26/8/1931, HNKNCPH được phép hoạt động theo nghị định 2062 của Thống đốc Nam kỳ [1, tr.71-75]

Đối với An Nam Phật học hội: Đầu năm 1930, Hòa thượng Giác Tiên và cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám (con của Lê Đình Đỉnh - làm Đổng các Đại học sĩ Thượng thư Bộ hình triều Tự Đức) đã vận động thành lập hội nghiên cứu Phật học tại Huế. Đầu năm 1932, ông Thám cùng một số anh em đệ đơn lên Chính phủ Nam Triều và Khâm sứ Trung Kỳ về việc xin thành lập Hội. Ngày 16/8/1932, vua Bảo Đại đã ban hành Chỉ dụ chấp thuận việc thành lập một tổ chức nghiên cứu Phật giáo tại kinh đô Huế. Đến ngày 17/9/1932, Khâm sứ Trung Kỳ cho phép tổ chức này đi vào hoạt động với tên gọi là Hội Phật học, trụ sở ban đầu đặt tại chùa Trúc Lâm (Huế) [3, tr.53]. Ngày 30/6/1933, Hội đạt được giấy phép xuất bản tạp chí Viên Âm, số đầu tiên ra ngày 1/12/1933 [1, tr.76-77]. Nhưng phải đến ngày 10/8/1936, chính quyền thực dân Pháp chính thức công nhận tư cách pháp nhân của Hội thông qua Nghị định số 394-S, danh xưng An Nam Phật học hội có từ đây, tuy nhiên rất ít phổ biến, thậm chí tờ Viên Âm cũng ghi “Viên Âm Nguyệt san của Hội Phật học Huế ”. Đến ngày ngày 15/7/1938, Khâm sứ Graffeuil đã phê chuẩn Nghị định số 2159 về việc điều chỉnh tên Hội thành Hội Nghiên cứu và Thực hành giáo lí Phật giáo tại An Nam, gọi tắt là HPHAN (ANPHH). [3, tr.54] lấy chùa Từ Đàm làm trụ sở chính.

Hội Phật giáo Bắc kỳ (HBKPG): phong trào chấn hưng Phật giáo từ Nam kỳ lan tỏa ra Trung kỳ và đến tuyến cuối là Bắc kỳ. Năm 1932, những vị cư sĩ đã đệ 2 lá đơn lên chính quyền xin được thành lập hội, cụ thể là ngày 14/3/1932 ông Nguyễn Gia Huy (chủ tờ báo Thần Nông) và ông Trần Đức Tiến (chủ sự Bưu Điện) đệ trình đơn lên Thống sứ Bắc kỳ và toàn quyền Đông Dương xin thành lập Hội Nghiên cứu Phật học. Ngày 14/11/1932, những người chủ trương chấn hưng Phật giáo gồm sư Trí Hải, ông Vũ Đình Chung, Trần Văn Giác và Lê Toại, Nguyễn Hữu Kha muốn thành lập Bắc Kỳ Phật giáo Lục Hòa hội, nhưng khi đệ đơn xin lập Bắc Kỳ Phật giáo Lục Hòa hội (BKPGLHH) thì chỉ có tên của ba người là ông Giác, ông Toại và ông Chung. Đến ngày 3/2/1933, sở mật thám phản đối việc thành lập BKPGLHH lý do là người sáng lập hội không đủ tư cách đảm nhận mục đích của hội, cũng như một vài hội viên không đủ uy tín đối với chính phủ bảo hộ như ông Nguyễn Văn Ất, Nguyễn Tấn Khuê, Lê Đình Ngân. Biết rằng BKPGLHH dựa vào khuôn mẫu của Nam kỳ và Trung kỳ nhưng so sánh điều lệ thì Bắc kỳ có vài điểm “bất thường” ví như việc thống nhất Phật giáo, thành lập trường Pháp Việt, suy tôn trọn đời một vị cao tăng đã nêu ở mục đích thành lập hội, với lại BKPGLHH không có tác dụng hữu ích đối với việc chống lại ảnh hưởng của các tôn giáo khác. Vì không được phép thành lập BKPGLHH nên những thành viên của hội này chuyển sinh thành lập “Phật học tùng thư” mục đích phiên dịch kinh chữ Hán sang chữ Quốc ngữ. Một số người trong BKPGLHH quyết định tham gia sáng lập HBKPG và tìm người có tiếng nói với chính quyền để làm hội trưởng, chọn được ông Nguyễn Năng Quốc (là thành viên của phái đoàn thường trực của cơ quan Đông Dương ở Pháp). Ngày 26/ 8/1934, ông soạn thảo bản điều lệ 19 khoản, hai ngày sau đệ đơn lên Thống sứ Bắc kỳ, danh sách gồm 9 thành viên trong Ban Trị sự tạm thời. Ba tháng sau, ngày 6/11/1934, HPGBK được phép thành lập theo quyết định 4283 của Thống sứ Bắc kỳ [1, tr.79-103]

Qua tìm hiểu về quá trình thành lập hội của ba kỳ, thời gian thành lập hội ở ba kỳ dài ngắn khác nhau. Tại Nam kỳ phải mất tới 5 năm, từ lần đệ đơn thứ nhất vào năm 1927 đến lần hai vào năm 1928 và cuối cùng lần thứ ba năm 1931, với sự trợ giúp của cư sĩ, hội mới được thành lập. Ở Trung kỳ việc lập hội có vẻ dễ dàng hơn, đầu năm 1932 đệ đơn đến tháng 8 cùng năm đã được chấp nhận, tuy nhiên để phổ quát thì phải đợi tới năm 1938 tên của hội mới được phê chuẩn và phổ quát. Còn tại Bắc kỳ, quá trình này mất khoảng 2 năm, từ năm 1932 đến năm 1934. Năm 1932, những các vị đã chủ trương thành lập Bắc kỳ Phật giáo lục hòa hội, nhưng không nhận được sự cho phép của chính quyền. Mặc dù kế hoạch lập hội không thành nhưng đã để lại những kinh nghiệm quý báu cho việc thành lập Hội Phật giáo Bắc kỳ vào năm 1934.

Hội Phật giáo Bắc kỳ được thành lập muộn hơn so với hội Phật học An Nam và hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học

Thứ nữa, tại Nam kỳ do quá trình thành lập hội khó khăn, trải qua các bước đệm như thành lập ban Bảo tồn, thư viện, phòng đọc, rồi đến cho ra mắt các tạp chí, sau cùng mới thành lập HNKNCPH. Ngược lại, tại Trung và Bắc kỳ sau khi hoàn thành việc lập hội mới triển khai xin phép xuất bản tạp chí, lập thư viện. Việc làm này cho thấy có một sự uyển chuyển trong phương thức hành đạo, không cứng nhắc, của các nhà sư thời bấy giờ.

Tại Bắc kỳ sự có mặt của các nhà sư Trí Hải, Tố Liên, Thanh Hanh đều là những người có đạo hạnh về tu tập, nhưng đối với các kiến thức ngoại điển Tây học còn hạn chế nên việc lập hội chủ yếu dựa vào các vị cư sĩ.

1.2. Mục đích và hoạt động của hội

Đối với NKNCPHH: Dựa vào nguyên nhân để chấn hưng Phật giáo đã nêu ở phần trên Hòa thượngKhánh Hòa hội trưởng HNKNCPH đưa ra mục đích sau: Thờ phụng Phật, Chấn chỉnh Tăng già, thành lập tổ chức duy nhất, đoàn kết hòa hợp, chung lo Phật sự. Mở trường đào tạo tăng tài (ĐTTT) cho Phật giáo Việt Nam. Phiên dịch kinh điển ra chữ Quốc ngữ để truyền bá rộng rãi trong nước. Mở rộng mối bang giao Phật giáo với các nước lân cận [4, tr.143].

Các hoạt động chủ yếu của hội: Thành lập Phật học thư xã, gồm Pháp Bảo Phường (thư xã) và Duyệt kinh thất (phòng xuất bản kinh) Cổ tích viện (bảo tàng Phật giáo) Biên tập sở (trụ sở xuất bản tờ Từ Bi Âm và các loại kinh sách) Thính học đường (trường Phật học) [2, tr.99].

ANPHH ra đời với mục đích thực hành và truyền bá đạo Phật. Nghiên cứu và thực hành Phật giáo, tổ chức lễ Phật vào ngày mồng 1 và 15 Âm lịch hàng tháng cùng các buổi thuyết pháp của chư tăng làm cho phật tử hiểu giáo lý, nhưng trong hội không được luận bàn về chính trị và công kích các tôn giáo đã có chỗ đứng trong bản xứ, thực hiện đúng tôn chỉ “Hoằng dương Phật pháp, lợi lạc hữu tình”.

ANPHH tổ chức các buổi thuyết pháp, các lớp giảng dạy kinh điển để mỗi hội viên nắm bắt được chân lí của đạo Phật; đào tạo những bậc thầy đủ tư cách hoằng tuyên Phật pháp; lập những cảnh chùa theo đúng giới luật và quy tắc đạo Phật; xây dựng thư viện làm nơi nghiên cứu cho hội viên; diễn dịch, ấn hành kinh sách Phật giáo, xuất bản báo chí hoằng dương Phật pháp; hộ trì và khuyến khích các bậc chân tu tổ chức các hoạt động phật sự khác tuỳ theo lực lượng và tài chính của Hội [3, tr.55].

HPGBK ra đời với hai mục đích chính là chấn hưng Phật giáo trên hai phương diện hình thức và tinh thần. Về hình thức liên quan đến việc xây dựng và trùng tu các tự viện, đúc chuông và tô tượng. Về tinh thần, nghiên cứu giáo lý đạo Phật và phổ biến các tư tưởng, giá trị Phật giáo trong dân chúng [1, tr.367] Đào tạo tăng tài, thành lập trường Phật học để đào tạo thế hệ chư tăng mới, hữu học và chân tu, có khả năng gánh vác tiề đồ đạo Phật [1, tr.368] Đề xuất một cấu trúc thống nhất, có trật tự có kỷ cương cho các sơn môn, cùng hình thức đào tạo hiện đại và tập trung cho tăng, ni [1, tr.365].

Hoạt động của hội thành lập nhà in Đuốc Tuệ, thành lập thư viện trung ương, tổ chức các buổi thuyết pháp và diễn giảng giáo lý của chư tăng và cư sĩ, tiến hành các hoạt động từ thiện.

1.3. Hoạt động đào tạo tăng tài

Năm 1933, Hòa thượng Khánh Hòa với Hòa thượng Huệ Quang, Hòa thượng Khánh Anh, Hòa thượng Pháp Hải lập “Liên đoàn học xã” tại chùa Viên Giác, quy định mỗi chùa hỗ trợ chi phí trong 3 tháng cho các buổi thuyết pháp và dạy học, bắt đầu từ chùa Long Hòa (Vĩnh Long) tiếp theo chùa Thiên Phước (Trà Vinh) cuối cùng chùa Viên Giác (Bến Tre) nhưng hoạt động này sớm tan rã vì sự không đồng ý của ông Chấn. Sau thất bại này Hòa thượng Khánh Hòa lại vận động tăng ni phật tử cùng chí hướng thành lập một tổ chức Phật học tại Trà Vinh, kết quả ngày 1/8/1934 Hội “Lưỡng Xuyên Phật học” ra đời tại chùa Long Phước, ngày 5/7/1935 cho xuất bản tạp chí Duy Tâm. Hội này chú trọng việc đào tạo tăng tài, trong điều lệ và quy tắc thành lập hội có nói đến vấn đề này “Điều 1 là chỉ thu nhận những học trò từ 15 đến 25 tuổi; những người xuất gia hay tại gia muốn vào trường học phải biết chữ Quốc ngữ, chữ Hán và phải thông hiểu một chút kinh, luật, luận. Phải làm đơn trình cho Ban Quản lí Giáo dục và kể đủ lai lịch của mình, tên cha mẹ, nghề nghiệp của cha mẹ và chỗ ở hiện tại. Các học tăng sẽ chịu khảo thí theo chương trình của Hội. Học tăng nào tư cách tầm thường, không thể học nổi thì sẽ bị Hội đồng bắt ra. Các học tăng được thu nhận mà không giữ đúng thanh quy cũng sẽ bị tẩn xuất. Hội sẽ cung cấp cho các tăng ni sinh tài liệu học tập, chịu học phí mỗi khóa là 5 năm, đến khi thi đậu ra trường phải ở lại giúp Hội 5 năm, sau đó Hội sẽ phân bổ đi hoằng pháp hoặc làm giáo viên các nơi khác…” [2, tr.131]. Chương trình tuyển sinh chia làm hai buổi, buổi sáng thí sinh sẽ đọc một bài kinh chữ Hán viết một bài ám tả, đọc một bài Hán văn; buổi chiều viết một bài ám tả bằng chữ Quốc ngữ, làm luận với chủ đề bổn phận của một người học sinh đối với hội Lưỡng xuyên Phật học và đối với Phật pháp, nhưng vì chỉ tiêu cao nên chỉ đậu 8 người, trước tình thế đó ban tổ chức phải nới lỏng điều kiện cho đủ túc số, kết quả cũng đủ số tăng ni là 30 người chia ra hai lớp tăng ni, trong độ tuổi 9-29. Đến năm 1936, hội đã có Ban quản lý Phật học đường rõ ràng, chính Hòa thượng cũng đứng ra giảng dạy tăng ni, năm 1939 tuổi già nên Hòa thượng lui về chùa Vĩnh Bửu để giảng dạy và mở trường ni, rồi dời trường ni ở Lưỡng Xuyên về đây.

Ở Trung kỳ năm 1929, Hòa thượng Giác Tiên đã vận động đã vận động thành lập “sơn môn Phật học đường”, tại chùa Trúc Lâm và mời sư Phước Huệ (Bình Định) ra làm chủ giảng, các vị Mật Khế, Mật Nguyện, Mật Thể và cư sĩ Lê Đình Thám đã theo học từ những ngày đầu. Năm 1930, Hòa thượng Giác Tiên khuyến khích giúp đỡ các ni sư mở trường Ni tại chùa Từ Đàm Huế, năm 1932 hoạt động ĐTTT của ANPHH dần đi vào quy củ, năm 1933 Hòa thượng Giác Tiên cùng đệ tử Mật Khế mở tiếp lớp tiểu học tại chùa Vạn Phước, năm 1934 Hòa thượng lại mở lớp thứ hai tại chùa Trúc Lâm, ngày 16/10/1935 ANPHH cho thành lập và khai giảng Phật học viện Tây Thiên với 3 cấp học đó là tiểu học, trung học và đại học, sau này năm 1937 cấp trung học từ chùa Tường Vân dời về Tây Thiên, cấp đại học từ chùa Túc Lâm dời về chùa Báo Quốc [3, tr.67-68] Giảng viên ngoài các bậc trưởng lão Hòa thượng còn có cư sĩ dạy ngoại điển, mô hình ĐTTT của hội An Nam thu hút được các tăng sĩ từ trong Nam ra, từ ngoài Bắc vào, học hỏi giáo lý và kinh nghiệm như Thiện Hòa Thiện Hoa, Tố Liên…

Hoạt động ĐTTT của HPGBK bắt đầu từ “lớp học canh tân” tại chùa Bồ Đề theo hình thức thiền môn học hạ, lúc bấy giờ tại đây có 4 trung tâm giáo dục tại chùa Bà Đá, chùa Hòe Giai, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Đọi Sơn. Cấp học đầu tiên là lớp Sơ học tại chùa Quán Sứ, giáo sư Nguyễn Quang Oánh, Lê Dư dạy chữ Hán “trường dạy chư tăng tại chùa làng Bồ Đề, sư cụ Phù Lãng “vỡ lòng” cho 8 học sinh” [1, tr.200] được khai giảng ngày 10/3/1935, trường là một giang nhà cũ phía sau chùa, trong phòng có bảng đen, ghế gỗ, học ngày 2 buổi, học liên tục trong 3 năm, đối tượng là những sư ông (sư thầy lớn tuổi) buổi sáng bình kệ, buổi chiều học quốc văn, ngoài ra học thêm sử địa toán văn và tiếng Pháp. Lớp học này chỉ duy trì được một thời gian ngắn từ 10/3/1935 đến 14/12/1936 vì không đủ tài chính. Trước đó 3/1936, một đoàn đại biểu HPGBK có sư Trí Hải, ông Năng Quốc vào Huế nhận thấy “cách dạy học rất có quy mô trật tự, phương pháo dạy dễ hiểu, Khác hẳn với lối bình văn giảng nghĩa như xưa, học đủ cả khoa học, triết học…” [1, tr.202] tháng 9/1936 sư Tố Liên được hội gửi vào Huế để thăm và tham khảo cách giáo dục tại đây trong vòng nửa tháng. Đến 12/1936, đã khai giảng được một trường học hiện đại với 4 cấp học, lớp Tiểu học hệ 4 năm, học chữ Quốc ngữ và Toán; Lớp Trung học hệ 3 năm, học tứ thư của Nho gia Phật giáo Việt Nam và sử Việt Nam; Lớp Đại học hệ 3 năm, học Triết Đông, Tây, học Ngũ kinh và Lịch sử Phật giáo Việt Nam; Bác học và Cao đẳng hệ 5 năm, chú trọng về Phật học, một năm học 4 khóa Xuân, Hạ, Thu, Đông, một khóa học kéo dài 15 năm. Song song với trường học là các khóa an cư kiết hạ theo lối truyền thống được duy trì.

Qua ba chương trình ĐTTT của ba hội ở ba miền ta thấy ngoài điểm chung là các cụ điều chú trọng đến yếu tố con người, nâng cao trình độ nội điển cũng như ngoại điển cho tăng sĩ hầu phục vụ công tác phục hưng, còn có những điểm khác biệt giữa các hoạt động đó chính là thành phần đối tượng tham gia học. Nếu HNKNCPH chủ trương đào tạo những người trẻ tuổi từ 15 đến 25 (sau vì ít người nên cho phép từ 9 đến 29) và ít nhất cũng biết về kinh Luật luận cũng vậy tại Huế cũng đa phần là những học viên trẻ tuổi, đây là hình thức “đưa tuổi trẻ vào đạo Phật” [5, tr.643] đây là một trong những thành công của phong trào phục hưng Phật giáo thì tại Hà Nội HPGBK lại chủ trương đào tạo các sư cụ và hầu như không giới hạn về độ tuổi cũng như kiến thức nền cần có. Theo suy nghĩ của người viết có lẽ đối với miền Nam và miền Trung các cụ chủ trương đào tạo ra những tăng sĩ bậc 1, chính họ là người trực tiếp hoằng pháp, còn đối với miền Bắc đối tượng học là sư cụ thì những vị này lại dạy cho một lớp trẻ khác nữa mới có thể hoằng pháp. Tuy nhiên đó chỉ là thời gian đầu, sau khi cụ Tố Liên vào Huế tham khảo mô hình đào tạo tăng tài thì đã có sự thay đổi.

Điều thứ hai khác biệt giữa các hội đó là về thời gian học, ở Bắc kỳ để hoàn tất một chương trình học phải mất 15 năm, với 4 cấp học một khoảng thời gian dài cho những sư cụ. Chương trình học này ở Trung và Nam kỳ dường như có phần khác, trong phần trình bày các hoạt động ĐTTT của ANPHH không thấy đề cập đến cấp học thứ 4, chỉ thấy cấp tiểu học, trung học và đại học như vậy thời gian học sẽ được rút ngắn hơn, đẩy nhanh tiến độ hoằng hóa. Một nghi vấn trong chương trình đào tạo là, trong khi HPGBK cử ngươi vào Huế để tham cứu và mô hình đào tạo cũng như cấp bậc ở Bắc kỳ là mô phỏng lại từ Huế, vậy tại sao ở Bắc kỳ lại có 4 cấp học mà Trung và Nam kỳ lại có 3 cấp học?

Về các môn học, trước khi cử người vào Trung tham khảo, tại Bắc kỳ ban đầu chỉ dạy và học theo lối truyền thống là học hạ và chủ yếu là kinh điển, sau khi vào Trung ra thì chương trình học đã có sự đổi mới, chương trình giảng dạy đã có các môn học ngoại điển như Triết Đông, Triết Tây, tiếng Pháp được dạy tại Nam kỳ.

Về học phí, mỗi hội có những phương án khác nhau, như ở Bắc kỳ “chi phí cho các khóa học là do các chư tăng tự chuẩn bị, hoặc có thể do các sơn môn gửi chư tăng đi học lo liệu” [1, tr.199] nghĩa là do chùa cung cấp, tuy nhiên vấn đề lương bổng cho giáo thọ là hội lo. Ở Nam kỳ, mỗi chùa sẽ tài trợ kinh phí trong vòng 3 tháng nhưng hình thức này không duy trì được lâu (bởi nhiều lý do) sau này hoạt động ĐTTT của hội Lưỡng Xuyên cung cấp cho các tăng ni sinh tài liệu học tập, chịu học phí mỗi khóa là 5 năm, điều kiện là đến khi thi đậu ra trường phải ở lại giúp Hội 5 năm, sau đó Hội sẽ phân bổ đi hoằng pháp hoặc làm giáo viên các nơi khác [2, tr.131] tại Trung kỳ, hầu như không thấy đề cập đến học phí, có lẽ cũng do chùa tài trợ. Một khóa học được dời từ Báo Quốc về Tùng Lâm Kim Sơn cho hay “khóa học 1944 - 1945 là 60 người, trong đó 10 vị được HPHAN cấp học bổng còn lại là tự túc” [3, tr.70]

Về sự phát triển các cơ sở giáo dục tại Huế hoạt động giáo dục phát triển mạnh hơn ở Nam kỳ và Bắc kỳ, bằng chứng là nhiều cơ sở giáo dục ở Huế mọc lên nhanh và nhiều, chùa Vạn Phước, chùa Trúc Lâm, chùa Từ Đàm, chùa Tây Thiên, chùa Tường Vân, chùa Báo Quốc… đều là cơ sở phục vụ cho việc dạy học. Vai trò người cư sĩ trong ba hội cũng có sự khác biệt, Đối với ANPHH cư sĩ trực tiếp tham gia giảng dạy như ông Thám và một số nhân vật khác, còn ở Nam và Bắc kỳ cư sĩ đóng vai trò “bảo trợ và tổ chức” [6, tr.141] tuy nhiên nhận định về người cư sĩ trong hoạt động ĐTTT ở Bắc kỳ chưa được thỏa đán, bởi lẽ tại đây các vị cư sĩ cũng tham gia giảng dạy các môn học về xã hội, ngoại ngữ như ông Ngyễn Quang Oánh và Lê Dư…

Có thể nói mô hình ĐTTT của ANPHH ở Huế là mô hình chuẩn về hình thức cũng như nội dung, “riêng ở Huế, số tăng ni có trình độ cao về Phật học và Tây học khá đông…họ trở thành những thành viên đắc lực cho hội Phật học An Nam” [6, tr.86] là nơi thu hút nhiều người đến học hỏi “Hội An Nam Phật Học là hội đã tạo nên tiếng vang lớn nhất cho phong trào Chấn hưng Phật học.” [5, tr.637]

Ngoài những điểm dị biệt của ba hội, do vị trí địa lý và cách cai ba miền của thực dân Pháp khác nhau, nhưng mỗi hội cũng có những điểm tương đồng nhất định.

Còn nữa…

Thích Nữ Huệ Lộc - Thạc sĩ khóa III Học viện PGVN tại Tp.HCM Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 7/2021