Thời sinh viên sống, học tập tại Sài Gòn, tôi thuê trọ tại một khu dân cư nghèo, kế bên trường đại học, thuộc địa bàn quận 12, Tp.HCM.

Khu trọ của tôi, ngoài sinh viên, công nhân thì còn có rất nhiều những người buôn bán, lao động tự do, trong đó số người làm nghề bán hủ tiếu là chiếm nhiều hơn cả, nhiều khi có tới hơn chục xe hủ tiếu.

Vì có nhiều người mưu sinh bằng nghề bán hủ tiếu, nên “cư dân” sống cảnh đời nhà trọ trong khu vẫn thường gọi khu mình ở là: xóm hủ tiếu! Cái tên “xóm hủ tiếu” cũng trở thành tên gọi thân thương vậy.

Hình ảnh được tạo bởi AI.
Hình ảnh được tạo bởi AI.

Nhớ lần đầu từ quê mới tới thành phố nhập trường, khi ghé một tiệm cơm tấm thịt nướng để ăn trưa, tôi có hỏi thăm bà chủ quán cơm tốt bụng xem quanh đây có khu nhà trọ nào cho thuê phòng với giá rẻ rẻ, thì bà chủ nhanh nhảu bảo: “Ôi, tưởng gì chứ quanh đây nhà trọ rẻ lắm, chỉ mấy trăm ngàn đồng một phòng thôi! Nếu muốn rẻ nữa thì quẹo phải chừng vài trăm mét là tới “xóm hủ tiếu”, nơi đó chỉ chưa tới 500 ngàn đồng một phòng...

Tôi chính thức “nhập cư” vào xóm hủ tiếu ấy khi cùng người bạn thuê một căn phòng chỉ có 450 ngàn đồng, chưa tính tiền điện, tiền nước. Ấy vậy mà phòng của chúng tôi còn bị xem là “đắt” nhất nhì trong xóm trọ, khi mà các phòng trọ của công nhân, những người đi bán hủ tiếu giá chỉ hơn 300 ngàn. Tôi và bạn cảm thấy hài lòng với phòng trọ, vừa gần trường, chỉ mấy chục bước chân là tới lớp học, giá thuê lại rẻ, hơn nữa gần chợ nên khá tiện cho việc nấu nướng, cơm nước hàng ngày.

Chấp nhận khó khăn để hiểu được giá trị của sự sẻ chia

Vài tháng đầu sống tại khu xóm trọ, tôi thấy khung cảnh khu sân vườn phía trước các dãy phòng trọ có vẻ rất nhếch nhác, khi mà xe cộ của những người bán hủ tiếu bày biện tràn lan, rồi đồ dùng lao động của những người chạy chợ, đi làm mướn cũng chất ngổn ngang, vì vậy nhiều khi cũng làm chúng tôi hơi nản và đôi lúc chúng tôi cũng có ý muốn chuyển sang khu trọ khác tươm tất, sạch sẽ hơn... Thế nhưng, sống một thời gian dài nữa, sự nhếch nhác chật trội của không gian “xóm hủ tiếu” không còn khiến tôi và bạn bận tâm nữa, mà thay vào đó là sự thích thú, không muốn chuyển chỗ trọ. Chúng tôi tự nhủ sẽ không chuyển trọ, mà ở tới khi nào học ra trường mới tính...

Trong Kinh Tăng Chi Bộ, đức Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo, có hai hạng người hiếm có trên đời: Một là người biết mở lòng giúp đỡ người khác. Hai là người biết trân quý và ghi nhớ ân tình đã nhận được”.

Vâng, sở dĩ chúng tôi không muốn chuyển trọ, không muốn chia tay khu xóm trọ là vì, thời gian đã khiến tôi, bạn tôi nhận thấy tình cảm trân quý của tình hàng xóm nghèo trao cho nhau, đối xử với nhau quá đáng trân trọng mà chúng tôi không thể chia xa được.

Những ân tình không thể quên

Tôi còn nhớ, gia đình tôi và hoàn cảnh của bạn mình rất nghèo, ba mẹ chỉ gửi gạo và một chút tiền nhỏ để chi tiêu hàng tháng, còn cả hai chúng tôi phải đi làm thêm bưng bê ở quán cà phê, tiệm ăn, mong muốn thêm tiền cho cuộc sống sinh hoạt đỡ vất vả. Biết được hoàn cảnh như vậy, mấy cô, mấy chú, mấy chị trong khu luôn hết lòng sẻ chia giúp đỡ bằng nhiều cách, nhiều hình thức, khiến chúng tôi vô cùng cảm động, biết ơn.

Có nhiều bữa, đôi vợ chồng anh chị tuổi trung niên, thuê phòng bên cạnh, làm nghề buôn rau, trái cây, cứ hôm nào hàng ế ẩm là lại mang về cho chúng tôi, cũng như vài căn phòng trọ kế bên, một ít rau quả, trái cây. Hay như, cặp vợ chồng một người bác đã lớn tuổi, quê Quảng Nam, hành nghề mua bán ve chai đồng nát, cứ lâu lâu lại mang sang phòng cho chúng tôi, khi thì cái bếp ga cũ nhưng còn tốt mà hai bác mua được với giá rẻ, để chúng tôi nấu cho tiện, thay vì nhóm than tổ ong, lúc thì vài cuốn tập còn nhiều trang giấy trắng, bảo chúng tôi lọc ra đóng lại để viết chứ bỏ đi thì phí quá... Rồi bác gái bảo: “Tận dụng được chút gì hay chút đó, chứ cứ mua hết thứ này tới thứ khác, tiền nhiều lắm, tiết kiệm đỡ đần cho cha mẹ bớt vất vả lo toan...”.

Những lời dạy chân chất ấy làm tôi nhớ đến lời đức Phật trong Kinh Pháp Cú (câu 224): “Hãy sống hiền thiện, giúp đỡ mọi người, chia sẻ những gì mình có. Khi cho đi, ta sẽ nhận lại nhiều hơn”.

Quả thật, sự cho đi của những con người nơi đây không chỉ là vật chất, mà còn là tình thương, là sự quan tâm lẫn nhau giữa những người lao động nghèo.

Những tô hủ tiếu nghĩa tình

Rồi, những năm tháng sống nơi xóm trọ nghèo, chúng tôi không thể nào quên rất nhiều người hành nghề bán hủ tiếu gõ, bởi chính họ là “cứu cánh” cho chúng tôi trong những lúc đói lòng, những khi cha mẹ chưa kịp gửi gạo, gửi tiền vào. Họ không phải cho ăn chịu, mà cho hẳn không lấy tiền luôn. Nhiều bữa chúng tôi ăn hủ tiếu tối thay cơm mà mấy cô chú có lấy tiền đâu. Thấy chúng tôi ngại không dám ăn những lần sau, các cô chú đều nói không phải ngại, cứ ra ăn, tô hủ tiếu có đáng là bao khi mà người nghèo chỉ giúp nhau được như vậy, chứ tiền bạc là không có...

Câu nói ấy làm tôi nhớ đến một lời dạy của đức Phật trong Kinh Tâm Địa Quán: “Bố thí không phải vì có nhiều mới cho, mà vì lòng thương xót, mong muốn người khác bớt khổ mà cho”.

Chính vì hết thảy những con người trong khu trọ “xóm hủ tiếu” nghèo tốt bụng, sống cực kỳ tình cảm, quý mến lẫn nhau, đối xử quá tốt với chúng tôi nên tôi luôn cảm thấy mình mang nợ những người lao động trong xóm trọ ấy. Nhiều bữa, cha mẹ gửi gạo nếp, đậu đỗ, đậu phộng... ở quê lên, tôi sẻ một ít mang sang chia cho mấy cô chú, anh chị..., hàng xóm thưởng thức cho vui, gọi là chút quà quê và mọi người có nhận nhưng đều nói lần sau không phải làm vậy, không phải khách sáo đâu...

Có lẽ, những người lao động nghèo ở xóm hủ tiếu không biết đến triết lý nhà Phật, nhưng họ đã thực hành hạnh bố thí ba-la-mật (Dāna Pāramitā) theo cách tự nhiên nhất, giúp đỡ mà không mong cầu đền đáp.

Thời gian qua đi thật nhanh, hết bốn năm học ra trường, nhiều bạn tôi về quê công tác, tôi thì chuyển lên tận Thủ Đức làm việc, vì vậy chúng tôi đã phải chia tay, rời xa khu xóm trọ. Biết bao kỷ niệm, tình thân ái, sự quý mến của con người với nhau trong khu “xóm hủ tiếu” nghèo ấy đã theo tôi, nhắc nhở tôi phải luôn sống tốt, bởi chính bản thân mình từng được đối xử rất tốt, được giúp đỡ nhiều bởi những con người xa lạ từ muôn phương hội tụ về Sài Gòn mưu sinh.

Không chỉ luôn nhắc nhớ về xóm trọ dấu yêu đã một thời gắn bó với mình, thi thoảng độ vài ba tháng, có thời gian rảnh là tôi lại chạy xe về thăm lại khu “xóm hủ tiếu” nơi có những người thuê trọ chân chất, mộc mạc, thật thà nhưng vô cùng dễ thương...

Tác giả: Nguyễn Gia Long

Địa chỉ: Số 58/24 đường Tân Lập 1, phường Hiệp Phú, Tp.Thủ Đức (Tp.HCM)