Chúng ta tin hay biết được có thế giới Cực lạc là dựa trên luật Nhân quả và Nghiệp báo, và luật Nhân quả và Nghiệp báo là quy luật phổ biến mà tất cả chúng ta ai cũng có thể nhận thức và kinh nghiệm được trong đời sống, nhưng chúng ta lại không chịu sống hay thực tập nó bằng trái tim thì điều đó gọi là “khó tin”.
Tác giả: Thích nữ Hòa Thảo (Nguyễn Võ Ánh Tứ)
Thiền viện Chơn Không Ni Thành phố Vũng Tàu
Là đệ tử của đức Phật không ai là không biết và nhớ đến ngày lễ vía của Ngài: Như tôi từ thuở bé theo mẹ đến chùa lễ Phật tụng kinh, tôi hay thắc mắc hỏi mẹ:
- Mẹ ơi! Vì sao Ngài lại giơ cánh tay và nhìn xuống sân vậy mẹ.
Mẹ tôi mĩm cười đáp:
- Khi lớn con sẽ tự khắc hiểu mà thôi con ạ!
Qủa thật sau này, tôi đi tu và được Thầy tôi chỉ dạy cặn kẽ rõ ràng, tôi mới hiểu được ý nghĩa của hình ảnh đức Từ Phụ đưa cánh tay nguyện cứu vớt tất cả chúng sinh đang lầm than trong bể khổ. Vì thế, hầu hết chúng sinh gặp cảnh khổ nào cũng đều mở lời van xin đức Phật “A Di Đà”, khi ngủ trong mơ gặp cảnh dữ cũng niệm “ A Di Đà Phật”, gặp cảnh hốt hoảng con người ta lại càng nhớ đến “ A Di Đà Phật “ và thậm chí khi gặp nhau cũng đều chắp tay chào “ A Di Đà Phật” và cho đến lúc lâm chung dù người chưa am hiểu gì về đạo Phật nhưng câu niệm “ Nam Mô A Di Đà Phât” như là câu an ủi và gần gũi nhất cho người đang có thân quyến “mạng sống như sợi chỉ mành” sắp phải lìa xa trần thế, cảnh biệt ly tan thương của tử và sinh. Có lẻ câu niệm “ A Di Đà Phật” đều đi vào lòng người con Phật từ thuở nào.
Vì thế trong kinh nói:
"Niệm Phật là phương pháp có từ thời Đức Thế Tôn, là một trong các tùy niệm. Người niệm Phật được định tâm, nhờ lực của giới và định mà thẳng tiến đến tuệ giác.”
Thật đúng vậy! Đối với người có thiện căn sâu dày, trí tuệ lớn, nếu siêng năng tinh tấn niệm Phật, họ sẽ có những sở đắc tương ưng – như là người niệm Phật đạt được định tâm, nhờ lực của giới và định mà chúng ta đạt đến cảnh giới niệm Phật tam muội mà thẳng tiến đến tuệ giác, hoặc đối với những người bận rộn với công việc gia đình và những công việc sinh kế, nếu tinh tấn, nhất tâm niệm Phật, họ sẽ được “đới nghiệp vãng sinh”.Cho nên Phật giáo có nhiều pháp môn (1) tu để chuyển hóa khổ đau thành an lạc thật sự. Niệm Phật là một trong những pháp môn tu. Niệm Phật ở đây tức là niệm danh hiệu Phật A Di Đà, vị Giáo chủ cõi Cực lạc.
Đến thời Phật giáo phát triển, từ pháp niệm Phật đã chuyển hoá thêm một bước, thành pháp môn Tịnh độ với cõi Tây phương Cực lạc trang nghiêm, vi diệu. Cho nên thế giới Cực lạc là phương tiện tối thắng cho sự giác ngộ trước hết, được gọi là Cực lạc bởi vì môi trường sống ở đó hết sức tốt đẹp. Đất được làm bằng vàng ròng và tất cả mọi nơi đều được trang hoàng bằng bảy lớp lan can báu, bảy tầng lưới báu, và bảy hàng cây báu. Có vô lượng ao hồ được làm bằng những chất liệu quý giá như: vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, v.v…; và nước trong ao hồ tinh khiết, thơm tho. Trong mỗi ao hồ đều có hoa sen tỏa hương sắc vi diệu và rực rỡ. Bầu trời luôn luôn có hoa Mạn-đà-la (Mandarava) rơi xuống và ngày đêm sáu thời thường có nhạc trời hòa tấu. Trong không gian luôn luôn có các âm thanh hòa nhã từ các giống chim xinh đẹp, như Bạch hạc, Khổng tước, Anh võ và Xá lợi (do Phật A Di Đà hóa thân), diễn nói các pháp như Ngũ căn, Ngũ lực, Thất Bồ đề phần và Bát Thánh đạo (2). Ngoài môi trường sống như được mô tả một cách khái quát ở trong kinh A Di Đà như được nêu ở trên, phần chính yếu tạo thành thế giới Cực lạc là sự hiện diện Phật A Di Đà - vị Giáo chủ, cùng vô lượng Thánh chúng và dân chúng. A Di Đà dịch âm từ tiếng Sanskrit Amita, nghĩa là vô lượng - ánh sáng vô lượng (Amitabha) và thọ mạng vô lượng (Amitayus). Đức Phật A Di Đà có hào quang chiếu khắp mười phương và thọ mạng vô biên. Ánh sáng vô lượng biểu tượng cho trí tuệ rộng lớn và thọ mạng vô lượng biểu tượng cho lòng từ bi, vì Phật A Di Đà muốn trụ thế dài lâu để cứu độ chúng sinh. Thánh chúng là những vị được sự giáo hóa và nhiếp thọ của Phật A Di Đà, bao gồm các vị Bồ tát (3) và những vị đã chứng một trong bốn quả Thánh (4). Như trong kinh A Di Đà, cũng như nguyện thứ 18, một trong 48 lời nguyện của Phật A Di Đà:
“Đức Phật A Di Đà phát nguyện tiếp dẫn những chúng sinh tinh tấn chuyên trì danh hiệu của Ngài trong cuộc sống, vãng sinh nước Cực lạc” (Nguyện thứ 18- Kinh A Di Đà).
Cực lạc, như đối với nghĩa cực khổ, là thế giới cực kỳ hạnh phúc, trong đó mọi chúng sinh không còn bị những sự khổ não giầy vò mà chỉ hưởng trọn vẹn sự an vui. Mặc dù nói là hưởng sự an vui, nhưng mục tiêu của người cầu vãng sinh Cực lạc không phải để hưởng sự an vui đó. Mục tiêu của người cầu vãng sinh Cực lạc là để được giác ngộ trọn vẹn hay thành Phật. Nói cách khác, cảnh giới Cực lạc chỉ là môi trường hay phương tiện tối thắng giúp cho mọi người được vãng sinh “không còn thối chuyển” trên con đường giác ngộ, hay không còn thối chuyển trên con đường đạt đến hạnh phúc thật sự. Dân chúng là những người đang trên tiến trình tu tập, được sự giáo hóa và hướng dẫn của Phật A Di Đà và chư vị Bồ tát. Căn cứ trên 48 nguyện của Phật A Di Đà, mỗi người dân ở cảnh giới Cực lạc đều có 32 tướng tốt (nguyện 3), thân thể cường tráng, không bịnh tật (nguyện 32), thọ mạng vô lượng (nguyện 15), không còn phải lo lắng về đời sống vật chất như ẩm thực và y phục (nguyện 37), và quan trọng nhất là tâm trí của mỗi người dân đều hướng về mục tiêu đạt được giác ngộ (nguyện 12).
Nói tóm lại, thế giới Cực lạc là phương tiện tối thắng giúp cho hành giả “không còn thối chuyển” trên con đường giác ngộ. Phương tiện tối thắng đó là: môi trường tốt đẹp, kinh tế đầy đủ, thân thể khỏe mạnh, có trí tuệ và được thân cận học hỏi thực tập với các vị Thánh tức là Phật A Di Đà và Thánh chúng. Bất cứ ai với tâm trí nỗ lực hướng về một mục tiêu, được sống trong môi trường tốt đẹp, có sức khỏe điều kiện kinh tế ổn định, cùng với sự khích lệ khuyến tấn của bạn hiền, người đó không sớm thì muộn sẽ được hưởng đạt được mục tiêu như được đề ra. Và khi chúng ta niệm Phật đến “ nhât tâm bất loạn” thì cõi Cực Lạc ở ngay cảnh giới chúng ta đang sống chứ chẳng cần tìm kiếm đâu xa. Như Phật Hoàng Trần Nhân Tông, trong Cư trần lạc đạo phú, Hội thứ hai, Ngài có viết:
“Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương;
Di Đà là tính sáng soi, mựa phải nhọc tìm về Cực lạc”[1].
Ý Ngài muốn khẳng định rằng thế giới Tịnh độ chính là tự tâm thanh tịnh của mỗi người, không cần phải hỏi rằng có hay không có cõi Tịnh độ ở Tây phương. Phật A Di Đà chính là tự tánh sáng soi của chính lòng mình, không cần phải nhọc công tìm về cõi Cực lạc ở đâu đó nữa. Đây cũng chính là quan điểm của Thiền phái Trúc Lâm về tư tưởng Tịnh độ nhân gian được phổ biến rộng rãi trong tâm thức người dân Đại Việt vào thời Trần. Cho nên trong Thiền tông, chư vị Tổ Sư từng dạy:
“ Tịnh độ tức là duy tâm Tịnh độ - Tịnh độ ở trong tâm của mình”.
Khi mới thực tập, chúng ta cầu Tịnh độ ở cõi ngoài. Vì sao? Vì chúng ta nghĩ rằng thực có thế giới Cực lạc là phương tiện tối thắng cho sự giác ngộ. Như trong kinh A Di Đà, Đức Phật Thích Ca và mười phương chư Phật đã nhiều lần nhắc nhở thính chúng trong hội Liên Trì và tất cả chúng sinh nên “tin” có thế giới Cực lạc và những phương tiện tối thắng như đã được trình bày ở trên và để minh chứng có thế giới Cực lạc, chúng ta phải hiểu rõ ràng ý nghĩa chữ “Tín”. Chữ “Tín” theo nghĩa đích thật nhất trong Phật giáo là tin Phật, tin Pháp và tin Tăng.
Theo kinh Vīmamsaka, để xóa tan sự hoài nghi và để thiết lập niềm tin vững chãi trong việc tu tập, Đức Phật cho phép các vị Tỳ kheo nghi vấn và tìm hiểu một cách cẩn thận về sự giác ngộ trọn vẹn của Ngài. Sau đó, Đức Phật khuyên các vị Tỳ-kheo nên an trú niềm tin như sau:
“Tôi đặt niềm tin ở Đấng Đạo Sư: Ngài là bậc đã giác ngộ trọn vẹn, Giáo pháp được Ngài khéo thuyết giảng và chư Tăng là những vị đang thực tập hạnh giải thoát”(5).
Và đức Phật còn nhấn mạnh rằng niềm tin này phải dựa trên nhận thức và lý trí (6). Niềm tin như đã được Đức Phật dạy ở trên liên hệ như thế nào với niềm tin có thế giới Cực lạc? Tin có thế giới Cực lạc là dựa trên căn bản tin Pháp, tức là tin vào lời dạy của Phật và tin những lời Phật dạy tức là tin giáo lý Nhân quả, Nghiệp báo, Duyên sinh (hay Vô thường, Khổ và Vô ngã). Nói một cách khác, chúng ta tin vào giáo lý Tứ đế (7). Nhưng khi thực tập pháp niệm Phật sâu sắc thì chúng ta thấy muốn thực hiện cảnh giới Tịnh độ thanh tịnh, an vui giải thoát thì cốt yếu là chính mình phải được thanh tịnh như trong kinh nói:
“ Tùy kỳ tâm Tịnh, tắc Phật độ Tịnh” (Kinh Duy Ma Cật)
Sở dĩ thân Phật rực rỡ, cảnh Phật trang nghiêm cũng đều do công đức diệu dụng của bản tâm thanh tịnh lưu xuất. Bản tâm ấy, chúng sinh sẵn có, cũng như chư Phật không hai không khác, nhưng vì từ lâu chúng ta cứ mê chấp, đắm nhiễm theo trần duyên mà không hiển bày được đó thôi. Nếu chúng ta tạo nghiệp ác, năng lực của nghiệp ác dẫn dắt chúng ta vào thế giới ác và ngược lại. Nếu chúng ta tạo nghiệp nhân cực ác thì thế giới chúng ta đến là thế giới cực khổ như địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh; và ngược lại, nếu chúng ta tạo nhân cực thiện thì thế giới chúng ta đến là thế giới Cực lạc. Nhân cực thiện đây tức là tâm niệm danh hiệu Phật A Di Đà, cùng với hoạt động của thân và khẩu dựa trên căn bản chất lòng từ bi phù hợp với bản chất của Phật A Di Dà. Cho nên nói:
“Tâm Tịnh thì Quốc độ Tịnh” (Tư Tưởng Tịnh Độ Của Ngài Tuệ Viễn)
Như vậy, chúng ta tin hay biết được có thế giới Cực lạc là dựa trên luật Nhân quả và Nghiệp báo, và luật Nhân quả và Nghiệp báo là quy luật phổ biến mà tất cả chúng ta ai cũng có thể nhận thức và kinh nghiệm được trong đời sống, nhưng chúng ta lại không chịu sống hay thực tập nó bằng trái tim thì điều đó gọi là “khó tin”.
Phần lớn chúng ta thích tin và sống ở những gì? Phần lớn chúng ta thích tin vào hạnh phúc vĩnh cửu từ tiền bạc, danh vọng, tiện nghi vật chất đem đến, và sống với chúng bằng trái tim. Trong thực tế, những thứ như tiền bạc, danh vọng, tiện nghi vật chất là vô thường và không thể mang lại hạnh phúc vĩnh cửu cho con người. Một điều khác khá quan trọng cần phải được nêu lên ở đây là, phần đông Phật tử tu pháp môn Niệm Phật đã dựa vào một số lý luận và kinh nghiệm cá nhân để tin có sự hiện hữu của thế giới Cực lạc. Những lý luận và kinh nghiệm cá nhân này cần phải được giải thích và bổ túc (8) qua ánh sáng giáo lý Nhân quả và Nghiệp. Qua đây chúng ta thấy rằng: đức Phật bình đẳng với tất cả chúng sinh, chúng sinh nào cần đến Ngài, Ngài đều hiện diện một cách bình đẳng, không vụ lợi và vô phân biệt, chúng ta muốn đến thế giới Cực lạc phải có cái tâm như tâm của Phật A Di Đà, hoặc như tâm các vị Bồ-tát, các bậc thượng thiện nhơn, có chí nguyện như các vị ấy, đó là điều kiện để xây dựng thế giới Cực lạc cho chính bản thân mình rồi mới đem lợi lạc đó ban rải cho chúng sinh .
Hôm nay nhân dịp ngày lễ vía Ngài nhằm ngày 17/11 Qúy Mão trên khắp mọi miền đất nước, con cũng xin tỏ bày đôi nét về hạnh nguyện của đấng Từ Tôn và chúng con được ôn lại 48 lời nguyện của đấng Cha lành để chúng con luôn ý thức được trong cuộc sống hiện tại, pháp môn Niệm Phật đã giúp người hành trì thanh tịnh ba nghiệp thân, khẩu, ý; không tiếp tục tạo các nghiệp xấu, ác, bất thiện, từ đó hiện tại và tương lai không phải gánh chịu những nghiệp quả khổ đau, các nghiệp nhân bất thiện đã gieo trong quá khứ cũng không có điều kiện sinh khởi, hiện hành, chuyển hóa được phần nào nghiệp bất thiện khi chưa trổ quả, nhờ vậy cải thiện được đời sống hiện tại của mình và xây dựng được nền tảng tốt cho tương lai. Nhờ hành trì pháp môn Niệm Phật mà tâm định tĩnh, trí sáng suốt, ngoài không bị ngoại duyên tác động, trong không bị phiền não vọng tưởng chi phối, nhờ đó không còn lo lắng, sợ hãi, khổ đau, có thể giải quyết được những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong đời sống. Đó là kết quả của đời sống chơn chánh có tu tập, thực hành nếp sống đạo đức, tuyệt nhiên không phải là sự phò trợ, giúp đỡ bằng quyền năng hay phép màu của đức Phật. Đúng như Trong kinh Hoa nghiêm, đức Phật cho biết:
“Tất cả chỉ tâm tạo”,
“Tâm như họa sĩ khéo, vẽ nên các thế giới muôn màu”.
Thế giới Cực lạc do tâm từ bi và trí tuệ, công đức phước báo và nguyện lực của Đức Phật A Di Đà mà có. Hễ tâm ai tương ưng với cảnh giới Cực lạc thì sinh về Cực lạc. Cho nên chúng ta bây giờ niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” chính là mỗi người tự tạo thế giới Cực lạc cho chính mình, mỗi người tự trang nghiêm thế giới Cực lạc cho chính mình, mỗi người thành tựu thế giới Cực lạc cho chính mình. Thế giới Cực lạc này không cách xa mười vạn ức cõi Phật. Vì vậy cuộc đời mình bình an hay không là do chính chúng ta là chủ nhân quyết định cuộc đời mình, vì thế mỗi người con Phật cần nên cố gắng vậy./.
Tài liệu tham khảo:
1/ Thư Viện Hoa Sen https://thuvienhoasen.org ›
2/ giacngo.vn https://giacngo.vn ›
3/Thư Viện Hoa Sen https://thuvienhoasen.org › phẩm Phật quốc
Tác giả: Nguyễn Võ Ánh Tứ
Pháp danh: Thích Nữ Hòa Thảo
Đ/c: Thiền viện Chơn Không Ni - Thành phố Vũng Tàu
Bình luận (0)