Tác giả: Vũ Văn Đại (Thích Minh Hạnh) - NCS khóa VII – HVPGVN tại Hà Nội.

Tóm tắt: Phật giáo ra đời với mục đích “khai thị chúng sinh, ngộ nhập Phật tri kiến”. Tư tưởng nhân sinh Phật giáo với những giá trị nhân văn sâu sắc, hướng con người trở về Chân – Thiện – Mỹ. Những tư tưởng nhân sinh Phật giáo được thể hiện trong Tam Tạng kinh điển.

Kinh Pháp Cú là một trong 15 kinh thuộc Tiểu Bộ kinh nằm trong Tam Tạng kinh điển Phật giáo. Kinh Pháp Cú đem lại nguồn cảm hứng, an ủi, nâng đỡ, hộ trì và cải thiện tâm linh của con người trên những bước thăng trầm trong cuộc sống.

Lời kinh khơi nguồn cảm hứng cao đẹp và mở ra một lối đi đầy hương hoa, tạo ra một sức mạnh cảm hóa kỳ diệu, giúp cho người đọc có một niềm tin vững chắc hơn trên con đường tu học để tiến đến bến bờ giác ngộ và nhờ đó mà được giải thoát.

Từ khóa: nhân sinh quan, nhân sinh quan Phật giáo, kinh Pháp Cú.

A. Đặt vấn đề

Phật giáo ra đời cách đây hơn 2500 năm và du nhập vào Việt Nam những thế kỷ đầu Công nguyên. Cũng như các tôn giáo khác, Phật giáo không chỉ là những quan niệm triết học, mà chính thông qua kinh điển, nghi lễ, chùa chiền, các hình tượng thờ cúng, chế độ tổ chức đã tạo thành một lối sống đa dạng, phong phú để lại những ảnh hưởng sâu sắc trong đạo đức, tư tưởng, văn học, nghệ thuật.

Cùng với thăng trầm của lịch sử nhân loại, đạo Phật đem những giá trị nhân sinh hòa nhập với cuộc sống nhân loại nhằm hướng đến mục đích “Tốt đời đẹp đạo”. Triết lý nhân sinh Phật giáo đã thấm sâu vào đời sống, nếp nghĩ của con người Việt Nam và trở thành những giá trị tinh thần vô giá. Nội dung cốt lõi của triết lý nhân sinh Phật giáo là chỉ ra con đường, cách thức để chúng sinh thoát khỏi vòng trầm luân khổ ải, hướng con người tới Chân – Thiện – Mỹ.

Kinh điển Phật Giáo vô cùng phong phú, tùy theo căn cơ nghiệp lực, trình độ phẩm hạnh, môi trường điều kiện của mỗi hạng chúng sinh mà mỗi bộ Kinh Phật có nội dung, phương pháp giáo hóa khác nhau nhằm tới mục tiêu cứu cánh của mình.

Trong Phật giáo, Kinh Pháp Cú là một trong 15 kinh thuộc Tiểu Bộ kinh nằm trong Tam Tạng kinh điển Phật giáo. Bằng lời văn giản dị, với những câu ngắn gọn và ẩn dụ sâu sắc, kinh Pháp Cú dễ đi vào lòng người, có thể phù hợp với mọi căn cơ, trình độ, hoàn cảnh của mọi đối tượng khi tiếp cận để tìm hiểu những giá trị triết học sâu sắc của Phật giáo. Những lời dạy giản dị mà thâm thúy trong kinh làm cho con người cảm thấy an lạc và hạnh phúc bởi những đức tính từ bi, hỷ xả, bình tĩnh... giúp con người lạc quan vươn lên giữa những ngang trái, hẹp hòi, khổ đau, điên đảo của cuộc thế vô thường.

Trong quá trình triển khai đề tài này, chúng tôi đã tiếp thu và kế thừa phương pháp và cách tiếp cận các vấn đề nhân sinh quan nói chung và nhân sinh quan Phật giáo nói riêng của các tác giả đi trước để khảo cứu và hệ thống một cách cơ bản nội dung của nhân sinh quan Phật giáo trong kinh Pháp Cú.

Ảnh sưu tầm.
Ảnh sưu tầm.

B. Nội dung

1. Một số vấn đề lý luận về nhân sinh quan Phật giáo trong kinh Pháp Cú

1.1. Khái quát về nhân sinh quan Phật giáo

Nhân sinh quan là quan niệm về đời người, cách nhìn nhận về cuộc đời, là đạo làm người: “Nhân sinh quan nói vắn tắt thì đó là cách người ta nhìn cuộc đời hay là cái Đạo làm người của người ta”. “Nhân sinh quan là sự xem xét, suy nghĩ về sự sống của con người, là quan niệm về những định luật diễn hóa trong đời sống nhân loại và sự sống của con người”[1].

Từ những định nghĩa khác nhau về nhân sinh quan có thể rút ra khái niệm về nhân sinh quan chính là hệ thống các quan niệm, quan điểm về con người và cuộc sống con người. Nếu thế giới quan trình bày suy nghĩ tư tưởng của con người về thế giới, vũ trụ, thì nhân sinh quan nói về cuộc sống con người một cách nhân văn. Nhân sinh quan luôn thay đổi theo các thời kỳ lịch sử khác nhau tương ứng với mỗi giai đoạn thì có nhân sinh quan khác nhau.

Trong hệ thống giáo lý của Phật giáo, nhân sinh quan là nội dung cốt lõi, chủ yếu, bởi vì xuất phát từ mục đích của Phật giáo là thoát khổ, giải phóng con người chứ không phải quan niệm về thế giới. Như vậy, có thể nói: Nhân sinh quan Phật giáo là toàn bộ những quan điểm chung nhất của Phật giáo về con người và cuộc đời con người; mục đích, ý nghĩa và sự giải thoát của con người.

Phật giáo cho rằng tất cả mọi sự vật, hiện tượng xung quanh ta, cũng như ta là không có thực, chỉ là ảo giả, do vô minh đem lại. Thế giới, nhất là thế giới hữu tình – con người, được cấu tạo do sự hợp lại của các yếu tố vật chất (Sắc) và tinh thần (Danh). Danh và Sắc được chia làm 5 yếu tố gọi là Ngũ uẩn: Sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn.

Với thuyết nhân quả và nghiệp báo, Phật giáo cho rằng không có một hành vi nào dù thiện, ác, to, nhỏ của con người dù được bưng bít che đậy mà tránh khỏi quả báo. Theo Phật giáo cuộc đời con người là một mắt xích trong chuỗi dài vô tận, chỉ là một gợn sóng trên mặt biển bao la.

Tư tưởng cốt lõi trong nhân sinh quan Phật giáo là giải thoát, nó được thể hiện chủ yếu trong Tứ diệu đế - bốn chân lý vi diệu. Từ chỗ cho rằng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự khổ đau của con người, nhân sinh quan Phật giáo đã đưa ra những biện pháp, con đường để diệt trừ sự khổ và giải thoát cho con người. Chính vì thế, nhân sinh quan Phật giáo chủ yếu là học thuyết đạo đức, chứa đựng nhiều giá trị, yếu tố tích cực đối với con người và xã hội.

1.2. Khái quát sự ra đời và nội dung của kinh Pháp Cú

Kinh Pháp Cú là một tập hợp những câu dạy ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa của đức Phật Thích Ca trong ba trăm trường hợp giáo hóa khác nhau. Những câu này do chính đức Phật khi còn tại thế nói ra trong suốt gần nửa thế kỷ thuyết pháp của Ngài. Ngài giảng dạy bằng lời nói chứ không viết sách. Ba tháng sau khi đức Phật nhập Niết Bàn, các vị đại đệ tử của đức Phật mới nhóm họp để đọc lại và ghi chép, kết tập những giáo pháp của Ngài. Các câu Pháp Cú được các vị đại đệ tử sắp xếp thành 423 bài “kệ”, chia ra làm 26 “phẩm” theo như hình thức hiện nay để cho thích hợp với giới độc giả và người nghe. Kinh Pháp Cú cũng được tụng đọc trong Đại Hội Kết Tập Kinh Điển lần đầu tiên này. 

Trong hệ thống Tam tạng kinh điển Phật giáo thì Pháp Cú (Dhammapada) là một trong 15 kinh thuộc Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka Nikaya) trong Kinh tạng Pali (Sutra Pitaka). Kinh Pháp Cú được đánh giá là một quyển kinh phổ thông nhất, được truyền bá rộng nhất của Phật giáo và đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng trên thế giới.

Kinh Pháp Cú thâu tóm tinh hoa giáo lý của đức Phật. Mỗi bài kệ có thể xem là chứa đựng một cách súc tích và trung thành nhất những lời dạy, những giáo lý căn bản nguyên thủy của đức Phật. Mỗi phẩm trong Kinh Pháp Cú đặt trọng tâm vào một đề tài chính, thí dụ “Phẩm Tâm”, “Phẩm Đức Phật”, “Phẩm Địa Ngục” v.v…

Mỗi bài kệ trong từng phẩm đều chứa đựng một nội dung tu học rất sâu sắc và phong phú. Nhiều bài tương đối đơn giản và dễ hiểu nhưng nhiều bài không thể nào chỉ đọc một lần mà hiểu ngay hết được. Cần phải đọc đi đọc lại nhiều lần, đọc thêm các tích truyện đi kèm và tra cứu thêm các bản chú giải. 

Trong Kinh Pháp Cú người đọc sẽ thấy những lời dạy về triết lý và luân lý cho cả hai giới xuất gia và tại gia. Những lời dạy cho hàng xuất gia tất nhiên không bao hàm hàng tại gia, nhưng những lời dạy cho hàng tại gia đương nhiên có thể áp dụng cho cả hàng xuất gia. Do đó dù ở cương vị nào người đọc cuốn kinh này cũng thu nhập được nhiều lợi ích thanh cao.

2. Một số nội dung cơ bản của nhân sinh quan Phật giáo trong kinh Pháp Cú và giá trị của nó

2.1. Quan niệm về con người và bản chất con người trong kinh Pháp Cú

2.1.1. Quan niệm về vô thường và vô ngã trong kinh Pháp Cú

Kinh Pháp Cú đã đề cập đến sự vô thường trong kiếp sống nhân sinh của con người. Con người bị chi phối bởi quy luật sinh, lão, bệnh, tử. Thế nhưng con người không nhận ra quy luật vô thường của cuộc sống, vì thế chúng ta mãi trôi lăn trong dòng chảy vô thường, không thoát ra được vòng sinh, tử, luân hồi:

"Sắc này bị suy già,

Ổ tật bệnh, mỏng manh,

Nhóm bất tịnh, đổ vỡ,

Chết chấm dứt mạng sống."(Pháp Cú 148)[2]

Bên cạnh Thân vô thường, kinh Pháp Cú đề cập đến Tâm vô thường. Tâm thuộc phạm trù ý thức của con người. Tâm con người luôn luôn thay đổi theo từng phút từng giây như sự biến đổi không thường hằng của ngoại cảnh. Đức Phật dạy rằng: “Tâm viên, ý mã” tức là tâm của con người như vượn chuyền cây, ý của con người như ngựa rông nơi đồng nội. Chính vì tâm người luôn dao động, biến đổi nhanh chóng, cho nên con người không biết được sự biến đổi của nó, cứ bám víu vào nó, nhân danh nó để làm biết bao điều bất thiện.

"Tâm hoảng hốt dao động,

Khó hộ trì, khó nhiếp,

Người trí làm tâm thẳng,

Như thợ tên, làm tên."(Pháp Cú 33)[3]

Để hiểu rõ hơn về luật vô thường, Phật giáo đưa ra khái niệm vô ngã. Vô ngã là không có cái ta. Từ sự chấp vào cái bản ngã, chấp vào cái “ta” hiện hữu đó dẫn đến hình thành sự ích kỷ, hẹp hòi của con người. Nếu như con người nhận ra bản chất vô ngã của mình, nhận ra sự tồn tại của cái “ta” chỉ là giả tạm thì sự ích kỷ, hẹp hòi sẽ bị phá vỡ, chủ nghĩa cá nhân bị xóa nhòa, tranh chấp sẽ không còn, thế chỗ cho lòng bao dung vị tha, nhân loại sống trong hòa bình.

Kinh Pháp Cú đã phân tích quan niệm vô ngã một cách khái quát sâu sắc. Ngay bản thân chính cái “ta” còn không có thực, cho nên tài sản, con cái hay những thứ sở hữu của chúng ta cũng chỉ là ảo.

"Con tôi, tài sản tôi,

Người ngu sinh ưu não.

Tự ta, ta không có,

Con đâu, tài sản đâu?" (Pháp Cú 62)[4]

Phật giáo đã sớm biết rõ cuộc đời là hư vọng, không có tự tính. Nghĩa là chúng không có sự vĩnh hằng – không tồn tại mãi mãi. Chúng ta cần hiểu rõ điều này, đồng thời cần phải loại bỏ những ý kiến chủ quan của bản thân. Phải biết lắng nghe ý kiến của người khác, thì mới có khả năng hiểu rõ được cuộc sống một cách đích thực.

2.1.2. Quan niệm về khổ đau và nguyên nhân của khổ đau trong kinh Pháp Cú

Ái dục là nguồn gốc của đau khổ, là nguyên nhân, là Tập đế trong Tứ Diệu Đế. Tham dục làm cho tâm ô nhiễm, không sáng suốt. Đối tượng của ái dục thường được gọi là tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ hoặc là sắc, tiếng, hương thơm, mùi vị, cảm giác, xúc chạm. Thực ra, điều quan trọng vẫn là lòng ái dục chứ không phải do các đối tượng của giác quan, là chủ nhân gây họa.

Do không có trí tuệ, không thấy rõ bản chất của lạc thú, của đối tượng nên con người có nhận thức sai lầm, lệch lạc về ái dục. Do ái dục khuấy động nên tâm tư mờ tối, giống như chậu nước trong lặng, lấy tay quấy lên thì không thể soi bóng mình được.

"Người đắm say ái dục,

Tự lao mình xuống dòng,

Như nhện sa lưới dệt;

Người trí cắt trừ nó,

Bỏ mọi khổ không màng." (Pháp Cú 347)[5]

Trong Kinh Pháp Cú, bên cạnh ái dục thì tam độc “tham, sân, si” cũng là nguyên nhân gây ra khổ đau cho con người. Tham, sân, si là biểu hiện ra từ thân, khẩu, ý của con người, tức là xuất phát từ hành động, lời nói, và ý nghĩ. Sở dĩ tham, sân, si được gọi là tam độc, bởi vì tham, sân, si chính là căn nguyên làm hư hại cuộc sống loài người.

"Lửa nào bằng lửa tham!

Chấp nào bằng sân hận!

Lưới nào bằng lưới si!

Sông nào bằng sông ái!"(Pháp Cú 251)[6]

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy: “Học đi đôi với hành”. Phật giáo cũng có quan niệm tương tự, việc học hỏi giáo lý sẽ trở nên vô ích nếu như không có sự hành đạo, thực hiện giáo pháp. Như vậy, Phật Giáo không phải là một triết học suông mà là con đường giác ngộ duy nhất.

"Dầu nói ít kinh điển,

Nhưng hành pháp, tùy pháp,

Từ bỏ tham, sân, si,

Tỉnh giác, tâm giải thoát,

Không chấp thủ hai đời,

Dự phần Sa môn hạnh." (Pháp Cú 20)[7]

Phật giáo cho rằng, tất cả khổ đau của con người không phải là di truyền của “tội tổ tông”, cũng không phải ai giáng xuống chúng ta, mà là tự mình không rõ phải trái, mê muội, tham luyến, tự mình tạo tác nghiệp báo rồi nhận lấy quả Khổ. Đức Phật luôn quan tâm và khuyến khích các đệ tử của mình học tập và thực hành giáo pháp của Ngài, từ đó mà tam độc, ái dục được diệt trừ, khổ đau tan biến.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa (sưu tầm).
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa (sưu tầm).

2.2. Quan niệm về giải thoát và đạo đức của Phật giáo trong kinh Pháp Cú

2.2.1. Tư tưởng giải thoát trong kinh Pháp Cú

Niết Bàn trong kinh Pháp Cú – mục đích giải thoát tối thượng

Trong cuộc sống, chúng ta thường nghe nói “cuộc đời là bể khổ”, Phật giáo cũng cho rằng cuộc đời con người đầy dẫy những khổ đau. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở quan niệm về sự khổ thì mọi người sẽ cho rằng đạo Phật là đạo bi quan, yếm thế. Cho nên, bên cạnh cái khổ, Phật giáo cho rằng cuộc đời con người còn tồn tại sự an lạc và hạnh phúc. Chính vì thế, để đạt được hạnh phúc, con người cần phải nỗ lực tu tập để giải thoát khỏi sự khổ. Phật giáo cho rằng hạnh phúc bao gồm hai mức độ: hạnh phúc tương đối và hạnh phúc tuyệt đối.

Hạnh phúc tương đối là hạnh phúc nhân sinh nói chung của con người, đó là tất cả những ham muốn về vật chất và tinh thần. Tuy nhiên hạnh phúc đó bị chi phối bởi quy luật vô thường, nó chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định.

Hạnh phúc tuyệt đối đòi hỏi con người cần phải đoạn trừ toàn bộ phiền não khổ đau, thoát khỏi sinh tử luân hồi. Đích đến hạnh phúc tuyệt đối chính là Niết Bàn. Chỉ khi con người chứng ngộ quả vị Niết Bàn thì sự khổ đau, sinh tử luân hồi mới chấm dứt. Niết Bàn chính là đích giải thoát của Phật giáo, là hạnh phúc tối thượng, vĩnh viễn. Trong kinh Pháp Cú, đức Phật dạy:

"Không bệnh, lợi tối thượng,

Biết đủ, tiền tối thượng;

Thành tín đối với nhau,

Là bà con tối thượng,

Niết bàn, lạc tối thượng." (Pháp Cú 204)[8]

Nếu cuộc đời chúng ta cứ sống trong sự ngu si chấp trước, ích kỷ giả dối, thì mãi mãi chúng ta không thể giải thoát luân hồi. Chân lý đích thực của đạo Phật là dạy cho con người biết cách chuyển mê thành ngộ, đưa con người ra khỏi màn vô minh u tối, đầy dẫy những khổ đau đến nơi an lành, thanh tịnh của Niết Bàn.

"Những người thường giác tỉnh,

Ngày đêm siêng tu học,

Chuyên tâm hướng Niết bàn,

Mọi lậu hoặc được tiêu." (Pháp Cú 226)[9]

Như vậy, Niết Bàn chính là mục đích giải thoát tối thượng. Muốn đạt đến giải thoát tối thượng ấy, đòi hỏi con người cần tu tập, rèn luyện đạo đức ngay trong cõi đời này. Trên tinh thần Phật giáo, sự giác ngộ ở chính sự nỗ lực của bản thân mỗi người trong cuộc sống. Khi đến với Phật giáo, con người không chỉ nhận thức được bản chất của khổ đau mà còn biết cách giải thoát khỏi những khổ đau ấy ngay tại cuộc sống hiện hữu. Đó chính là tính nhân văn mà Phật giáo đem lại cho cuộc sống nhân loại.

Bát chính đạo trong kinh Pháp Cú

Bát chính đạo là con đường trung đạo mà đức Phật đã tìm ra để đạt được quả vị Niết Bàn. Bát chính đạo thuộc Đạo đế trong Tứ diệu đế, đó là con đường giác ngộ duy nhất để con người có thể thoát khỏi nỗi khổ đau, sinh tử luân hồi:

"Ai quy y đức Phật,

Chính pháp và chư Tăng,

Ai dùng chính tri kiến,

Thấy được bốn Thánh đế." (Pháp Cú 190)[10]

Bát chính đạo -  con đường trung đạo đi đến giải thoát của Phật giáo, hướng con người tới cuộc sống dung hòa giữa hưởng thụ khoái lạc và cuộc sống khổ hạnh. Điều này cũng đã được rất nhiều các học giả đề cập đến như Lão Tử với luật quân bình tức là giữ cho vận động được thăng bằng không để cho cái gì thái quá, thiên lệch hoặc bất cập. Như vậy, có thể thấy, con đường trung đạo của Phật giáo là con đường giải thoát tối thượng, luôn phù hợp với mọi thời đại lịch sử. Con đường trung đạo còn có giá trị đối với con người trong việc nhận thức và giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.

2.2.2. Tư tưởng đạo đức Phật giáo trong kinh Pháp Cú

Giá trị nền tảng đạo đức Phật giáo – “Tứ vô lượng tâm” trong kinh Pháp Cú

Đạo Phật luôn được coi là đạo từ bi, bác ái; ở đâu có đạo Phật, ở đó có tình thương. Ðức Phật khuyên dạy con người tu tập theo “Tứ Vô Lượng Tâm”, đó là các tâm “Từ, Bi, Hỷ, Xả”. “Tứ vô lượng tâm” là những đặc tính giúp con người trở nên tốt đẹp, hoàn thiện hơn.

Tâm “Từ” là khả năng hiến tặng niềm vui cho người khác. Tâm “Từ” giúp cho con người diệt bỏ sân hận, thù oán. Chỉ có tình thương mới có thể xóa tan ranh giới hận thù, đưa con người xích lại gần nhau hơn. Khi chủ động cho đi niềm vui, hạnh phúc thì ta sẽ nhận lại tình yêu thương. Nếu như thế giới không còn hận thù thì sự tranh chấp đấu tranh giữa các quốc gia sẽ không còn nữa, đức Phật dạy:

"Vui thay, chúng ta sống,

Không hận, giữa hận thù;

Giữa những người thù hận,

Ta sống, không hận thù!" (Pháp Cú 197)[11]

Tuy nhiên, con người không nên chỉ vì mục tiêu, niềm vui của người khác mà quên đi mục tiêu và sự an lành của chính bản thân mình. Chỉ khi bản thân mỗi cá nhân đạt được an lành, hạnh phúc thì mới có thể trao tặng niềm vui cho người khác:

"Dầu lợi người bao nhiêu,

Chớ quên phần tư lợi,

Nhờ thắng trí tư lợi,

Hãy chuyên tâm lợi mình." (Pháp Cú 166)[12]

Tâm “Bi” là ý muốn giúp người khác thoát khỏi sự khổ. Tâm “Bi” làm cho con người vị tha và bao dung hơn khi giúp đỡ, phục vụ người khác. Họ sẽ không bao giờ mong cầu đền ơn đáp nghĩa, vụ lợi cho bản thân mình, mà chỉ mong muốn mọi người đều vui vẻ và an lạc:

"Keo kiết không sinh thiên,

Kẻ ngu ghét bố thí,

Người trí thích bố thí,

Đời sau, được hưởng lạc." (Pháp Cú 177)[13]

Tâm “Từ” và tâm “Bi” thường đi chung với nhau. Người sống có tâm từ bi, có tình thương thì mọi hận thù trên thế gian này sẽ tiêu tan.

Tâm “Hỷ” là lòng vui vẻ với mình kể cả thành công hay thất bại, không dừng lại ở đó, tâm “Hỷ” còn là lòng vui thích với người khác khi họ có hạnh phúc, thành công, nhất là khi sự thành công ấy tiến về con đường thiện, hướng đến mục đích giải thoát. Người có tâm “Hỷ” là người không có sự ganh ghét trước sự thành công hay thỏa mãn trước sự thất bại của người khác. Chính vì thế cho nên, tâm “Hỷ” rất khó thực hiện, bởi lòng người vẫn còn chất chứa tam độc: tham – sân -si:

"Pháp hỷ đem an lạc,

Với tâm tư thuần tịnh;

Người trí thường hoan hỷ,

Với pháp bậc Thánh thuyết." (Pháp Cú 79)[14]

Tâm “Xả” là buông xả, bỏ qua tất cả mọi ngoại cảnh tác động, không giữ trong lòng. Trong kinh Pháp Cú, đức Phật đã phân tích rất rõ về tâm “Xả”. Trước những lỗi lầm của người khác, chúng ta không nên cười chê và chỉ trích. Dân gian có câu “cười người hôm trước, hôm sau người cười”. Nếu như nhận thức được nhân quả, con người sẽ có suy nghĩ tích cực hơn, không chấp vào những lỗi lầm của người khác:

"Ai thấy lỗi của người,

Thường sinh lòng chỉ trích,

Người ấy lậu hoặc tăng,

Rất xa lậu hoặc diệt." (Pháp Cú 253)[15]

Tâm “Hỷ” và tâm “Xả” có mối liên hệ mật thiết với nhau. Tâm “Xả” là nhân, “Hỷ” là quả. Nghĩa là muốn vui theo với người, muốn làm cho người vui, thì trước tiên mình phải xả bỏ những điều ngang trái, những điều thiệt thòi sỉ nhục mà người khác đã làm cho ta.

Từ - Bi – Hỷ - Xả” là bốn mỹ đức của con người. Nó được coi là nền tảng đạo đức của những tín đồ phật tử nói riêng và toàn thể nhân loại nói chung. Nếu mỗi người tự cố gắng thực hành “tứ vô lượng tâm”, không phân biệt tôn giáo, chủng tộc,… thì mỗi người sẽ trở thành một công dân lý tưởng trong một thế giới hòa bình, an lạc.

Biểu hiện đạo đức Phật giáo qua thuyết nhân quả – nghiệp báo trong kinh Pháp Cú

Quy luật nhân quả là quy luật cốt yếu chi phối mọi sự vật trên thế giới trong đó có con người. Chúng ta bắt gặp rất nhiều câu ca dao tục ngữ thể hiện quy luật nhân quả như: “Ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ”, “gieo gió gặt bão”,... Điều đó thể hiện giá trị giáo dục con người  phải biết sống theo nhân quả, gây dựng đời sống tốt đẹp hơn. Trong kinh Pháp Cú, đức Phật có dạy:

"Đêm dài cho kẻ thức,

Đường dài cho kẻ mệt,

Luân hồi dài, kẻ ngu,

Không biết chân diệu pháp."(Pháp Cú 60)[16]

Thuyết nghiệp báo xây dựng trên thuyết nhân quả, là một chủ thuyết rất quan trọng của Phật giáo. Chính con người tạo nghiệp thiện hay nghiệp ác cũng chính con người phải chịu hậu quả của nghiệp báo:

"Nay sầu, đời sau sầu,

Kẻ ác, hai đời sầu;

Nó sầu, nó ưu não,

Thấy nghiệp uế mình làm." (Pháp Cú 15)[17]

Trong cuộc sống hiện nay, nếu chúng ta phát triển, tiếp thu tư tưởng nhân quả - nghiệp báo của Phật giáo thì sẽ có tác dụng tích cực đến thực tiễn xã hội như: củng cố đạo đức văn hóa truyền thống của dân tộc, khơi dậy tinh thần đoàn kết tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, là những cái vốn có trong bản sắc dân tộc.

2.3. Giá trị và hạn chế của nhân sinh quan Phật giáo trong kinh Pháp Cú

2.3.1. Những giá trị của nhân sinh quan Phật giáo trong kinh Pháp Cú

Thứ nhất, nhân sinh quan Phật giáo trong kinh Pháp Cú cho rằng con người không do một thượng đế hay đấng siêu nhiên nào sản sinh ra. Con người hình thành do “duyên khởi”“ngũ uẩn”. Trong đó, yếu tố chi phối và quyết định con người chính là “nghiệp”. Chính điều đó đã khẳng định giá trị nhân bản của con người, phủ nhận sự tồn tại và chi phối của các thế lực siêu nhiên.

Thứ hai, nhân sinh quan Phật giáo trong kinh Pháp Cú có giá trị giáo dục đạo đức lối sống cho con người, xây dựng con người hướng thượng.

Thứ ba, kinh Pháp Cú chứa đựng một cách khái quát, đầy đủ giáo lý nguyên thủy của Đạo Phật, được trình bày dưới hình thức các bài kệ đơn giản, súc tích. Hơn nữa, kinh Pháp Cú sử dụng phương pháp định nghĩa và các ví dụ sâu sắc để trình bày giáo lý; có một số bài kệ có tính cách ngôn diễn tả một số nhận xét chung về cuộc đời, về con người, không mang màu sắc tôn giáo, không phân biệt quốc gia, chủng tộc.

2.3.2. Những hạn chế của nhân sinh quan Phật giáo trong kinh Pháp Cú

Bên cạnh những giá trị tích cực, nhân sinh quan Phật giáo trong kinh Pháp Cú cũng tồn tại những hạn chế nhất định. Những hạn chế đó chủ yếu xuất phát từ những hạn chế của nhân sinh quan Phật giáo nói chung.

Thứ nhất, Phật giáo tiếp cận con người, xã hội với cái nhìn bi quan, yếm thế, thương cảm.

Thứ hai, Phật giáo đề cao cái khổ về mặt tinh thần, ít chú ý đến cái khổ về mặt vật chất.

Thứ ba, Phật giáo không xem con người của xã hội trong quan hệ sản xuất, quan hệ kinh tế, chính trị.

Thứ tư, Phật giáo chỉ thấy con người cá thể, tách khỏi xã hội, không xem xét trên góc độ con người xã hội.

Ngoài ra, những tư tưởng nhân sinh được thể hiện trong kinh Pháp Cú nằm rải rác ở 26 phẩm, được trình bày đan xen lẫn nhau và được nhắc đi nhắc lại nhiều lần nên ít nhiều giảm bớt tính logic và làm người đọc khó theo dõi theo một mạch nhất quán. Bên cạnh đó, kinh Pháp Cú không được đưa vào tụng niệm chính trong hệ thống kinh điển Đại thừa.

Cũng giống như các trường phái triết học – tôn giáo khác, nhân sinh quan Phật giáo nói chung, nhân sinh quan Phật giáo trong kinh Pháp Cú nói riêng vừa có những giá trị tích cực, vừa có những hạn chế mang tính lịch sử, song những giá trị tích cực vẫn là cơ bản.

Kết luận

Trong thời đại mới, cùng với sự phát triển xã hội, nhân cách đạo đức con người cũng dần suy thoái. Nhân sinh quan Phật giáo nói chung và nhân sinh quan Phật giáo trong kinh Pháp Cú nói riêng mang sứ mệnh đưa đạo vào đời bằng những giá trị giáo dục đạo đức sâu sắc. Những giá trị của nhân sinh quan Phật giáo đã có những đóng góp to lớn cho nền văn hoá, văn minh của nhân loại, đã góp phần làm nên bản sắc văn hoá độc đáo của không ít các quốc gia dân tộc trên thế giới.

Cũng vậy, từ khi du nhập vào Việt Nam, những giá trị của nhân sinh quan Phật giáo đã góp phần tạo ra những trang sử đẹp trong suốt chiều dài lịch sử, góp phần xây dựng đời sống tinh thần và làm nên bản sắc văn hoá của dân tộc Việt.

Trong xã hội ngày nay, đối với thế giới cũng như Việt Nam, những tư tưởng nhân sinh quan Phật giáo nói chung và kinh Pháp Cú nói riêng vẫn còn nguyên giá trị và những vai trò tích cực của nó.

Chú thích

[1] Phạm Thị Oanh (2013), “Triết lý nhân sinh Phật giáo trong Văn học dân gian Việt Nam”, Luận văn Thạc sĩ Triết học, Trường ĐHSPHN, tr.7.

[2] Kinh Pháp Cú – Dhammapada, HT. Thích Minh Châu dịch (2006), Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr.74-75.

[3] Sđd, tr.26.

[4] Sđd, tr.36.

[5] Sđd, tr.149.

[6] Sđd, tr.112.

[7] Sđd, tr.20.

[8] Sđd, tr.94.

[9] Sđd, tr.103.

[10] Sđd, tr.89.

[11] Sđd, tr.92.

[12] Sđd, tr.79.

[13] Sđd, tr.83.

[14] Sđd, tr.43.

[15] Sđd, tr.113.

[16] Sđd, tr.36.

[17] Sđd, tr.18.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bhadantàcàriya Buddhaghosa (1998), Thiền sư Pháp Minh dịch, Chú giải kinh Pháp Cú, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.

Thích Minh Châu (2006), Kinh Pháp Cú – Dhammapada, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.

Đào Đức Doãn, Trần Đăng Sinh (2014), Giáo trình Tôn giáo học, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

Tâm minh Ngô Tằng Giao (2006), Tìm hiểu kinh Pháp Cú, Nxb Phương Đông.

Nguyễn Thị Toan (2015), Lịch sử Triết học Ấn Độ cổ đại, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

Thích Tâm Thiện (1998), Tìm hiểu nhân sinh quan Phật giáo, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.

Phạm Thị Oanh (2013), “Triết lý nhân sinh Phật giáo trong Văn học dân gian Việt Nam”, Luận văn Thạc sĩ Triết học, Trường ĐHSPHN.

Tác giả: Vũ Văn Đại (Thích Minh Hạnh) - NCS khóa VII – HVPGVN tại Hà Nội.