Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Quan niệm về đạo đức trong nhân sinh quan Phật giáo thời nhà Trần

Quan niệm về đạo đức trong nhân sinh quan Phật giáo thời nhà Trần

Quan niệm về đạo đức trong nhân sinh quan Phật giáo thời nhà Trần đã thể hiện hết sức phong phú. Đây là giai đoạn mà đạo đức của tôn giáo đã hoàn quyện với đạo lý dân tộc để xây dựng nên một nền tảng đạo đức xã hội. Trong nghiên cứu này tác giả sẽ tập trung làm rõ những vấn đề về mục đích, lý tưởng, đạo lý làm người, về bổn phận, trách nhiệm, phẩm chất đạo đức con người.

Đăng bởi: Nguyễn Thúy Anh
ISSN: 2734-9195

Quan niệm về đạo đức trong nhân sinh quan Phật giáo thời nhà Trần đã thể hiện hết sức phong phú. Đây là giai đoạn mà đạo đức của tôn giáo đã hoàn quyện với đạo lý dân tộc để xây dựng nên một nền tảng đạo đức xã hội. Trong nghiên cứu này tác giả sẽ tập trung làm rõ những vấn đề về mục đích, lý tưởng, đạo lý làm người, về bổn phận, trách nhiệm, phẩm chất đạo đức con người.

Tác giả: TS. Vũ Thị Kim Oanh, Trường Đại học Khánh Hòa
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 3/2024

1. Dẫn nhập

tapchinghiencuuphathoc.vn quan niem ve dao duc trong nhan sinh quan phat giao thoi nha tran 1

Tháp chùa Phổ Minh (Nam Định) – Ảnh: Minh Khang

Trong tư tưởng triết học Phật giáo, nhân sinh quan được xem là một trong những nội dung cốt lõi. Nhân sinh quan Phật giáo thời Trần đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành ý thức xã hội.

Phật giáo giai đoạn này đã trở thành quốc giáo, gắn liền với tinh thần dân tộc. Đạo đức con người không chỉ xoay quanh việc tuân thủ các quy tắc đạo đức truyền thống mà còn chứa đựng sự hiểu biết sâu sắc về bản chất của sự tồn tại và mối liên kết giữa con người và mọi sự vật. Trong tư tưởng Phật giáo, đạo đức không chỉ dành riêng cho con người mà còn lan tỏa ra mọi hình thái của cuộc sống và tất cả các loài.

Nhân sinh quan Phật giáo thời Trần không chỉ nhấn mạnh vào việc giáo dục và rèn luyện đạo đức cá nhân mà còn hướng đến việc giúp đỡ người khác thông qua lòng từ bi. Điều này không chỉ là một phương tiện để đạt được sự an lạc cá nhân mà còn là cách thức để thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội. Trong bài viết này, tác giả sẽ tập trung làm rõ quan niệm đạo đức trong nhân sinh quan Phật giáo thời Trần.

2. Nội dung

Cùng với việc đề cao đạo lý làm người, quan niệm về chuẩn mực đạo đức là một trong những vấn đề quan trọng trong tư tưởng triết học thời Trần nói chung, trong nhân sinh quan của Phật giáo thời Trần nói riêng.

Vấn đề đạo đức là một trong những truyền thống văn hóa của dân tộc và được triều Trần đặc biệt quan tâm hàng đầu, mục đích là hướng đến đào tạo nhân tài ra làm quan cho triều đình, nhằm duy trì trật tự xã hội, ổn định và xây dựng đất nước bền vững lâu dài.

2.1. Quan niệm về đạo đức theo quan điểm Tam giáo thời Trần

Đạo đức là vấn đề cơ bản nhất của đời sống con người về mặt tinh thần, nó không chỉ định hình hành vi và quyết định của con người trong xã hội mà còn phản ánh bản chất và giá trị đích thực của mỗi cá nhân. Đạo đức là bản sắc của con người, là tiêu chuẩn mà mỗi người dựa vào để đánh giá hành động và quyết định của mình. Nó không chỉ là việc làm theo quy luật hay tôn trọng luân lý xã hội mà còn bao gồm cả khía cạnh của lương tâm và trách nhiệm cá nhân.

Thông qua việc thực hiện đạo đức, con người tạo ra một cộng đồng dựa trên sự tôn trọng, lòng nhân ái và công bằng. Đạo đức không chỉ là một bộ luật lệ cụ thể mà còn là một triết lý sống, một hướng dẫn cho con người tìm kiếm ý nghĩa và hạnh phúc trong cuộc sống. Nó mở ra cánh cửa cho sự phát triển tinh thần và lòng nhân từ, giúp con người từ bỏ cái bất thiện, phát huy thiện tính. Tiếp thu quan niệm đạo đức của Nho giáo với quan điểm về “đạo”, “trung dung”, “trung hòa”, “Thiên lý” và quan niệm đạo đức của Đạo giáo với quan điểm “đạo” là cái gốc của đạo đức.

Đạo giáo cho rằng cần xây dựng một xã hội bao gồm những con người ít ham muốn, sống không danh lợi. Các nhà tư tưởng thời Trần rất quan tâm đến các quan hệ và các chuẩn mực đạo đức theo quan điểm của Nho giáo, Lão giáo, Phật giáo. Họ đã tiếp thu những khía cạnh tích cực của tam giáo trên cơ sở truyền thống đạo đức luân lý của dân tộc Việt Nam để tạo nên một nhân sinh quan đặc sắc.

Quan niệm về đạo đức của Phật giáo thời Trần bao hàm rất nhiều nội dung, tuy nhiên nó lại được nhấn mạnh trong một chữ tâm. Tâm được xem là phạm trù căn bản nhất của triết lý thiền tông Việt Nam nói chung, của thiền học Phật giáo thời Trần nói riêng.

Các nhà tư tưởng thiền học thời Trần xem tâm là nguồn gốc, chi phối xuyên suốt quá trình tu tập của con người. Tâm dẫn đầu các pháp và cũng do tâm tạo ra thiện ác, tâm có mặt rong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Trần Thái Tông cho rằng cái tâm ban đầu của chúng sinh là trong sáng, nguyên sơ nên ông đưa ra quan niệm là tâm hư không, từ tâm này mà thiện ác được sinh ra, phàm thánh được hiện tiền, Trần Thái Tông viết: “Niệm Phật là điều khởi dậy do tâm. Tâm khởi dậy điều thiện tức là ý nghĩ thiện… Tâm khởi dậy điều ác tức là nghĩ ác”(1).

Vì vậy, theo Trần Thái Tông quá trình tu đạo cũng chính là để trở về với bản tâm trong trắng, nguyên xưa của mỗi chúng sinh, xóa hết mọi vô minh, mọi ý nghĩ nảy sinh nghiệp ác, đạt đến trạng thái hư, không… Cho nên Quốc sư Trúc Lâm nói với Trần Thái Tông rằng: “Bản tâm tức là Phật”, Phật vốn là tâm ta: “Núi vốn không có Phật, Phật ở ngay trong tâm. Tâm lặng lẽ mà hiểu, đó chính là chân Phật”.(2)

Ngoài tâm không có Phật, ngoài Phật không có tâm, tâm là cội nguồn, là đầu mối của tất cả hiện tượng. Không thể dùng ngôn ngữ để diễn tả và ở chính nơi tâm mỗi người đều có bồ đề, tính giác tròn đầy.

Trần Thái Tông rất đề cao cái tâm, ông cho rằng cái tâm là cái cội nguồn, mọi thứ đều quy về tâm, chỉ do con người phân biệt, đối đãi, phân chia các pháp, nên mọi thứ sinh ra phiền não. Nếu hiểu rõ bản chất của tâm, thì tất cả đều từ tâm mà sinh từ tâm mà diệt, cho nên trong bài Rộng khuyên mọi người mở lòng bồ đề, Trần Thái Tông nói người học đạo lúc đầu chưa hiểu, chưa giác ngộ, nên phân biệt, chia tách Tam giáo. Một khi thấu “đạo” hay giác ngộ chân lý rồi thì trực nhận ra các giáo đều bắt nguồn từ “tâm” mà hiện bày, từ “tâm” mà sinh muôn pháp.

Trong khi đó, Tuệ Trung Thượng sĩ đưa ra quan niệm mới gọi là “tâm thể”. Ông cho rằng tâm thể luôn sẵn có trong bản tính của mỗi người, là nguồn gốc, bản thể của tất cả các pháp, chỉ vì chúng sinh do nhị kiến và vọng niệm làm lu mờ nên không thấy được “tâm thể” của chính mình.

Tuệ Trung Thượng sĩ cho rằng bản thể nơi mỗi chúng sinh vốn sáng suốt, không mê mờ; Phật và chúng sinh đều cùng một “tâm thể”, không có gì khác biệt. Nếu vọng kiến mê mờ thì là chúng sinh, còn khi giác ngộ bồ đề, giác tính thì là Phật.

Người bình thường cho rằng “thân” là có, sinh tử là thật, nhưng dưới cặp mắt của Tuệ Trung Thượng sĩ, thì xem “thân” này bản chất vốn “không”, không có “tướng thật”, là vô tướng; sinh tử cũng chẳng khác; vọng niệm – chân như đều là “không”. Cái mà nhà thiền gọi là “bản thể”, theo ông đó chỉ là “bản vô tâm vô đạo” hay là “tâm vô”. Không những Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng sĩ đều đề cập đến “tâm” con người, mà Trần Nhân Tông cũng quan tâm đến “tâm”, ông đưa ra quan niệm về tâm tĩnh lặng.

Rõ ràng, quan niệm về đạo đức của Tam giáo như là chuẩn mực đạo đức nhân, lễ, nghĩa, trung, hiếu của Nho giáo; quan niệm về chữ tâm, Phật trong Phật giáo và phương châm sống theo “đạo vô vi” trong Lão giáo, là những đức tính căn bản nhất có ảnh hưởng tích cực đến đời sống đạo đức nhân sinh của nhân dân Đại Việt lúc bấy giờ.

Thời Trần đạo đức của Tam giáo có vai trò rất lớn trong việc đào tạo nhân cách cho con người, nhằm hoàn thiện con người, hướng con người đến những giá trị tốt đẹp, để phục vụ triều đình, phục vụ đất nước. Muốn lãnh đạo nhân dân phải lấy đạo đức làm nền tảng, muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ thì phải thường xuyên tu dưỡng đạo đức, phải thống nhất giữa nói và làm, vì đó là sức mạnh để quy tụ và lãnh đạo quần chúng nhân dân.

2.2. Phương pháp thực hành đạo đức theo nhân sinh quan Phật giáo thời Trần

tapchinghiencuuphathoc.vn quan niem ve dao duc trong nhan sinh quan phat giao thoi nha tran 2

Bảo tháp Am Ngoạ Vân (Quảng Ninh) – Ảnh: Minh Khang

Trong cuộc sống đời thường việc học tập, rèn luyện tác phong và soi chiếu lại chính mình là hết sức cần thiết.

Khi con người có khả năng nhìn nhận mình một cách trung thực, họ có thể nhận biết được điểm mạnh, điểm yếu và những vấn đề cần cải thiện. Sự học tập không bao giờ kết thúc và là một phần quan trọng trong việc phát triển đạo đức. Tác phong của một người phản ánh bản chất và giá trị đạo đức của họ. Con người cần phải nỗ lực để phát triển bản thân, vượt qua những giới hạn và khó khăn để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.

Cái thiện là cái tốt đẹp, là thái độ, hành vi của cá nhân đem lại lợi ích cho tất cả mọi người, phù hợp với yêu cầu của đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Các nhà tư tưởng thời Trần luôn luôn đề cao, quan tâm đến vấn đề thiện và ác trong việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cho con người.

Trần Thái Tông cho rằng tâm ta chứa đựng “thiện tâm” và “ác tâm”, nếu nhưng ta luôn suy nghĩ hành động thiện, thì điều ác sẽ không có chỗ để trú ẩn. Cho nên Trần Thái Tông đưa ra phương pháp lấy giới luật, để ngăn ngừa sự phát triển của suy nghĩ ác, tích trữ những ý niệm thiện để hoàn thiện đạo đức.

Ông đã viết trong bài Bàn về giới rằng: “… Giới như mặt đất bằng, mọi điều thiện từ đó sinh ra. Giới như thầy thuốc giỏi chữa được các bệnh. Giới như hạt minh châu, phá vỡ mọi tối tăm. Giới như thuyền bè, vượt qua bể khổ…”.(3) Trần Thái Tông quan niệm giới chính là giai đoạn đầu của quá trình phát triển điều thiện, đó là việc giữ gìn năm giới cấm của nhà Phật.

Năm điều giới cấm cơ bản của nhà Phật, Trần Thái Tông xem trọng năm điều này và lấy đó làm phương pháp chính yếu trong quá trình truyền đạt giáo lý nhà Phật, nhằm mục đích giáo dục, khuyên răn người đời không nên sát sinh hại vật, tham lam của cải, sắc đẹp, công danh phú quý, rượu nồng thịt béo, dẫn dắt con người đến những sai phạm. Do đó, giới luật rất cần thiết cho mọi người, phấn đấu giữ gìn sự đúng đắn, trong sạch của thân tâm, đó cũng là thực hành đạo đức Phật giáo.

Trần Thái Tông còn khuyên mọi người nên sám hối hàng ngày, để tiêu trừ nghiệp chướng của mình, gọi là “Lục thì sám hối khoa nghi”. Đó là một trong những phương pháp sám hối nổi tiếng trong Phật giáo thời Trần lúc bấy giờ.

Bằng cơ sở tự tâm hòa hợp, thực hành hạnh không nói ly gián, để mỗi người đoàn kết, hòa hợp, xây dựng mối hòa hảo, trong gia đình, xã hội. Con người cần thận trọng với lời nói của mình, khi kiểm soát được lời nói thì sẽ giữ được sự hòa hợp, xã hội sẽ bình an.

Trần Thái Tông còn khuyên mỗi người đừng mê vào mùi sắc, vị ngon, mà bỏ quên chốn “cố hương” cũng vì do nghiệp của mũi căn: “Thường tham mùi lạ, trăm thứ ngạt ngào; chẳng thích chân hương, năm phần thanh tịnh. Xạ lan sực nức, mê mãi kiếm tìm; giới định xông thơm, chưa từng để mũi”. Chẳng những vậy, Trần Thái Tông còn khuyên con người không nên sát sinh để tăng trưởng tâm từ, tâm thiện của chính mình.

tapchinghiencuuphathoc.vn quan niem ve dao duc trong nhan sinh quan phat giao thoi nha tran 3

Gác chuông chùa Quỳnh Lâm (Quảng Ninh) – Ảnh: Minh Khang

Tất cả chúng sinh cũng vì không làm chủ được nghiệp sát sinh, giết hại lẫn nhau cho nên thế giới bất hòa, binh đao dấy khởi. Vì vậy Trần Thái Tông khuyên mỗi người, nên tích thiện tu tâm, để mọi nhà an ổn, thiên hạ thái bình.

Ông còn khuyên con người bất kể già trẻ, trai hay gái phải tu hành và mở lòng bồ đề để thoát những nỗi khổ trong cuộc đời: “Rồng kia nghe kinh mà ngộ đạo. Vật kia còn hay giác ngộ, sao người chẳng biết hồi tâm!”.(5) Đồng thời, mọi người phải nên tích cực làm việc thiện, từ bỏ việc ác, bố thí cho kẻ nghèo khó, thương yêu mọi người, tôn trọng phép nước, kính cha thờ chúa, mà cá nhân cần phải thực hành để trở thành người tốt trong xã hội, giúp ích cho đời.

Tuệ Trung Thượng sĩ nhấn mạnh vào việc tu dưỡng đạo đức và thực hành điều thiện như một phương tiện để đạt đến chân lý và hiểu biết sâu sắc về bản thân và vũ trụ. Theo quan niệm của Tuệ Trung Thượng sĩ, con đường đến với chân lý và sự giác ngộ không chỉ là việc hiểu biết về triết lý mà còn là việc thực hành trong đời sống hàng ngày. Việc tu dưỡng đạo đức và sống một cuộc sống bình dị, thanh đạm là cách để loại bỏ mê lầm và trở nên gần gũi với tâm bản nguyên của mình.

Bằng cách sống một cuộc sống bình dị và giản đơn, con người có thể tạo ra điều kiện thuận lợi để tiếp tục tu dưỡng tâm hồn và tìm kiếm sự thấu hiểu sâu sắc về bản chất của cuộc sống. Việc thực hành điều thiện và giúp đỡ người khác cũng được coi là một phương tiện quan trọng trong việc tiến tới giác ngộ. Việc tu luyện đạo đức của mỗi người theo quan niệm của Tuệ Trung là phải biết tự mình sống hòa hợp, điều gì thiện thì làm, điều gì ác thì tránh xa, không đi ngược lại quy luật, vận động của thế giới, của tự nhiên. Sống không tách mình ra khỏi cộng đồng, để đi tìm những điều viễn tưởng, xa xôi, phương pháp tu của ông là nhìn lại chính mình để rèn luyện, tu sửa nội tâm, diệt trừ dục vọng chính nơi bản thân của mình.

Theo ông, hãy nhìn thẳng vào tâm mình, diệt trừ tham, sân, si, dục vọng, tà kiến mà con người chưa thể từ bỏ được, cho nên niệm ác phát sinh, niệm thiện mờ tối, con người lên xuống trong luân hồi sinh tử, thật là uổng phí một kiếp con người. Đây chính là tư tưởng, triết lý hành động, rèn luyện, tu tập đạo đức theo quan niệm của ông, tránh sáo rỗng, gập khuôn, kinh viện, sống thực tế với những gì diễn ra trong cuộc sống hằng ngày.

Nếu như quan niệm về đạo đức của Trần Thái Tông là chú trọng giữ giới, Tuệ Trung Thượng sĩ chủ trương thiền phá chấp, hành động, thì Trần Nhân Tông quan niệm về đạo đức bằng sự kết hợp tu luyện, giới, định, tuệ của Phật giáo; đặc biệt là thực hành mười điều thiện, là nền tảng căn bản của Phật giáo.

Trần Nhân Tông đi khắp nơi để giảng thuyết về “Thập thiện”, giữ gìn năm giới cấm của nhà Phật. Lấy mười điều thiện làm căn bản để khuyên răn mọi người tu dưỡng đạo đức. Trong Hội thứ tư, “Cư trần lạc đạo phú”, ông viết: “Chuyển tam độc mới chứng tam thân; đoạn lục căn nên trừ lục tặc” và “cầm giới hạnh, đoạn ghen tham, chỉn thức ấy là Di Lặc”.(6) Có nghĩa là khi ta đoạn trừ được tham, sân, si, thì tâm ta thanh tịnh, trong sáng, thiện tâm hiển bày trước mắt, khi đó chính Phật Di Lặc là mình, không cần phải tìm cầu bên ngoài “ta” và “Phật” bản tính như nhau.

Con người si mê, chấp ngã, cho nên không thấy được chân tâm, ông viết: “Ắt đã quên thuở trước Tiêu hoàng; công đức toàn vô, tính chấp si càng thêm lỗi”.(7) Do đó, khi tính si mê, tà kiến diệt trừ thì chính con người nhận ra bản tính giác ngộ “buông lửa giác ngộ, đốt hoại thảy rừng tà ngày trước”.(8)

Trần Nhân Tông khuyên con người đừng lọt vào vòng tà đạo, bỏ quên chính đạo, cần phải tu tập sửa mình, trở về với chính đạo tổ tông “giữ tính sáng, mựa lạc tà đạo; sửa mình học, cho phải chính tông”.(9) Tà kiến, si mê, vô minh, phiền não bị tiêu diệt thì thân tâm trong sạch, đạo đức càng sáng “vô minh hết bồ đề thêm sáng; phiền não rồi đạo đức càng say”.(10)

Trần Nhân Tông sống cực kỳ đạo hạnh, giản dị, sống cuộc đời đạo đức trong sạch, giữ gìn thân tâm, luôn luôn thực hành mười điều thiện. Tu hành theo quan niệm Trần Nhân Tông là sống không màng vinh hoa, phú quý, cho nên Ông thường khuyên mọi người trong cuộc sống không nên xem trọng công danh, không màng phú quý, sống giản dị, thanh bần, chân chất, thanh đạm để xây dựng nếp sống đạo đức.

Ngoài vấn đề thực hành “mười điều thiện”, Trần Nhân Tông cho rằng cần phải có phương pháp tu luyện, lấy tu thiền làm nòng cốt, để đạt được trí tuệ, nhằm xoá bỏ mọi vô minh đạt tới giác ngộ và giải thoát, đó chính là đạo đức cao quý nhất. Muốn đạt được chân lý tối cao của thiện, chính là tu tập thiền để giác ngộ chân lý.

Tu thiền để đạt đến đạo đức, làm chủ được mọi hành động thiện ác của chính mình, đồng thời tu tâm dưỡng tánh, để trực nhận được bản lai diện mục của chính mình, thì mọi công đức trở thành cứu cánh.

Về xã hội, mười điều thiện sẽ xây dựng cho con người thuần lương, nhân hậu, đạo đức. Một xã hội sẽ đoàn kết mọi người với nhau, bảo vệ cuộc sống cho nhau, đùn bọc giúp đỡ nhau. Đó là vấn đề mà Trần Nhân Tông nói riêng, Phật giáo thời Trần nói chung, luôn luôn thể hiện sự đồng nhất tư tưởng lấy con người làm cơ sở, lấy tâm làm chủ thể, thông qua triết lý mười điều thiện của Phật giáo để xây dựng Phật giáo thời Trần trở thành hình mẫu của đạo đức và giác ngộ giải thoát.

Quan niệm về đạo đức trong nhân sinh quan Phật giáo thời Trần có sự tiếp thu và kế thừa tư tưởng của Nho giáo và Đạo giáo, đó là sự dung hợp, hòa đồng của Tam giáo, trong một thể thống nhất, đoàn kết và phát triển; song, triết lý đạo đức của Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng sĩ, Trần Nhân Tông đã ăn sâu vào tâm thức, đạo lý nhân sinh của vua – tôi thời Trần một cách sâu sắc; góp phần giáo dục những chuẩn mực đạo đức và những quan điểm về con đường, cách thức tu dưỡng đạo đức cá nhân trong xã hội.

Phật giáo thời Trần lấy việc thực hành “mười điều thiện” làm cơ sở để giáo dục con người. Những phẩm chất đạo đức này tạo nên một xã hội yên bình, mọi người sống hướng thiện, biết yêu thương giúp đỡ lẫn nhau.

3. Thay lời kết

Thời Nhà Trần, quan niệm về đạo đức trong nhân sinh quan Phật giáo đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển xã hội.

Được tác động bởi triết lý Phật giáo, con người trong thời kỳ này đã nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của việc tu dưỡng đạo đức và thực hành những nguyên tắc này trong cuộc sống hàng ngày.

Đạo đức trong nhân sinh quan Phật giáo thời Nhà Trần đã đóng góp vào việc xây dựng một xã hội với nền tảng lấy đạo đức làm cơ sở. Bằng việc tu dưỡng đạo đức và thực hành những nguyên tắc này, con người có thể tìm thấy sự hạnh phúc và ý nghĩa thực sự của cuộc sống và góp phần vào sự tiến bộ của xã hội.

Tác giả: TS. Vũ Thị Kim Oanh, Trường Đại học Khánh Hòa
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 3/2024

***

CHÚ THÍCH:
(1) Viện Văn học. (1988). Thơ văn Lý – Trần, tập 2. Hà Nội: Nxb Khoa học xã hôi, tr. 84
(2) Viện Văn học. (1988). Thơ văn Lý – Trần, tập 2. Hà Nội: Nxb Khoa học xã hôi, tr. 28
(3) Viện Văn học. (1988). Thơ văn Lý – Trần, tập 2. Hà Nội: Nxb Khoa học xã hôi, tr. 82
(4) Viện Văn học. (1988). Thơ văn Lý – Trần, tập 2. Hà Nội: Nxb Khoa học xã hôi, tr. 1888
(5) Viện Văn học. (1988). Thơ văn Lý – Trần, tập 2. Hà Nội: Nxb Khoa học xã hôi, tr. 65
(6) Viện Văn học. (1988). Thơ văn Lý – Trần, tập 2. Hà Nội: Nxb Khoa học xã hôi, tr. 506
(7) Viện Văn học. (1988). Thơ văn Lý – Trần, tập 2. Hà Nội: Nxb Khoa học xã hôi, tr. 509
(8) Viện Văn học. (1988). Thơ văn Lý – Trần, tập 2. Hà Nội: Nxb Khoa học xã hôi, tr. 508
(9) Viện Văn học. (1988). Thơ văn Lý – Trần, tập 2. Hà Nội: Nxb Khoa học xã hôi, tr. 506
(10) Viện Văn học. (1988). Thơ văn Lý – Trần, tập 2. Hà Nội: Nxb Khoa học xã hôi, tr. 508
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Viện Sử học. (2004b). Đại Việt sử ký toàn thư, toàn tập. Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà nội. 2.Viện Văn học. (1977). Thơ văn Lý – Trần, tập 1. Hà Nội: Nxb Khoa học xã hội.
3. Viện Văn học. (1978). Thơ văn Lý – Trần, tập 3. Hà Nội: Nxb Khoa học xã hội.
4. Viện Văn học. (1988). Thơ văn Lý – Trần, tập 2. Hà Nội: Nxb Khoa học xã hôi.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường