Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Nhân quyền và Nhân đạo trong lịch sử Việt Nam

Nhân quyền và Nhân đạo trong lịch sử Việt Nam

Ngày nay nhân quyền và nhân đạo Việt Nam biểu hiện tập trung ở khẩu hiệu: “Tất cả do con người, tất cả vì con người”, để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, văn minh. Nhân quyền, nhân đạo ở Việt Nam còn được bảo đảm trong cả pháp luật và cuộc sống đời thường.

Đăng bởi: Lê Đình Trưởng
ISSN: 2734-9195

Ngày nay nhân quyền và nhân đạo Việt Nam biểu hiện tập trung ở khẩu hiệu: “Tất cả do con người, tất cả vì con người”, để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, văn minh. Nhân quyền, nhân đạo ở Việt Nam còn được bảo đảm trong cả pháp luật và cuộc sống đời thường.

Tác giả: ThS. Lê Đình Trưởng – Tạp chí Nghiên cứu Phật học
CN. Lê Đình Đài – Viện Triết học

Tóm tắt

Bài viết tập trung vào việc thảo luận về nhân quyền và nhân đạo trong lịch sử của Việt Nam. Bắt đầu bằng việc định nghĩa nhân quyền như là quyền sống, quyền tự do, quyền hạnh phúc của con người và nêu rõ rằng nhân quyền là một giá trị cần được bảo vệ ở mọi dân tộc. Đồng thời tiếp tục nói về quan niệm về nhân quyền và cách mà Việt Nam đã phát triển nó dựa trên nền tảng lịch sử và văn hóa riêng của mình. Nhân quyền trong ngữ cảnh của dân tộc Việt Nam thường được hiểu là quyền sống độc lập và tự do trên đất nước yêu thương. Bài viết cũng đề cập đến sự đấu tranh của dân tộc Việt Nam trong việc bảo vệ nhân quyền và độc lập tự do của họ, với lời kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do.” Ngoài việc bảo vệ nhân quyền, nhóm tác giả cũng nêu bật tầm quan trọng của nhân đạo trong lịch sử và văn hóa Việt Nam. Chủ nghĩa nhân đạo được định nghĩa là tôn trọng quyền và giá trị của con người, chăm sóc cho hạnh phúc và phát triển toàn diện của họ. Bài viết thể hiện rằng cuộc sống của người Việt Nam luôn mang một bản sắc nhân đạo cao cả thông qua lòng yêu thương, đùm bọc, và giúp đỡ lẫn nhau và nhấn mạnh mối quan hệ tương quan giữa nhân quyền và nhân đạo trong lịch sử Việt Nam. Nhân quyền thường đi kèm với nhân đạo và ngược lại. Bài viết cho thấy sự gắn liền giữa việc đấu tranh để bảo vệ nhân quyền và thực thi chủ nghĩa nhân đạo trong lịch sử và hiện tại của Việt Nam.

Từ khóa: Nhân quyền, Nhân đạo, Lịch sử Việt Nam, Quyền của con người

Đặt vấn đề

Nhân quyền là quyền sống, quyền được hưởng độc lập tự do, ấm no, hạnh phúc của con người. Quyền đó dân tộc nào cũng có và cần được bảo vệ. Nhưng quan niệm về nhân quyền và bảo vệ nhân quyền ở mỗi dân tộc, do những nét đặc thù lịch sử của mình, lại có nội dung ít nhiều khác nhau. Những dân tộc luôn phải đấu tranh chống ngoại xâm, bảo vệ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ độc lập tự do của mình như dân tộc Việt Nam thì nhân quyền trước hết là quyền được sống độc lập, tự do trên mảnh đất yêu thương nơi mình sinh ra và trưởng thành.

Vì vậy, đấu tranh để bảo vệ nhân quyền là phẩm chất cao đẹp đã từng tồn tại hàng nghìn năm trong cuộc sống của con Lạc cháu Hồng trên đất nước Việt Nam. Từ khi lập quốc đến nay, dân tộc ta luôn phải đâu tranh để bảo vệ nhân quyền – điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết thành một chân lý được mọi người thừa nhận: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Để đạt được mục tiêu trên, dân tộc Việt Nam phải xây dựng cho mình một cuộc sống tình nghĩa, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau giữa người với người, chăm lo đến hạnh phúc của con người, một cuộc sống đậm tính nhân đạo.

Nếu: “chủ nghĩa nhân đạo là tổng hợp những quan điểm thể hiện sự tôn trọng phẩm giá và quyền của con người, sự chăm lo đến hạnh phúc, đến sự phát triển toàn diện của con người”[1] thì cuộc sống kể trên của dân tộc ta đã mang một bản sắc nhân đạo cao cả.

Nội dung

Trong lịch sử Việt Nam, hai phạm trù nhân quyền và nhân đạo luôn gắn bó một cách hữu cơ và biện chứng. Trong nhân quyền có nhân đạo và ngược lại. Cũng như khi hành động thì cái này là nhân, cái kia là quả, cái này là là hiện tượng, cái kia là bản chất và ngược lại. Trong lời khái quát truyền thống của dân tộc Việt Nam, Nguyễn Trãi đã viết:

“Trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược

Có nhân, có trí, có anh hùng”[2].

Thực tế cuộc sống đòi hỏi phải: “Trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược” để bảo vệ quyền sống con người mới có được nhân, được trí, được anh hùng. Như vậy là từ cái nhân mà có cái quả dưới. Và ngược lại, người có nhân, có trí, có anh hùng thì tất yếu không thể đấu tranh để: “Trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược”.

Luận đề triết học này có thể giúp chúng ta làm rõ hai phẩm chất: đấu tranh để bảo vệ nhân quyền và thực thi chủ nghĩa nhân đạo của dân tộc Việt Nam trong quá khứ trường tồn cũng như hiện tại và tương lai phát triển.

Về nhân quyền, từ khi lập quốc, nhân dân Việt Nam đã quyết hy sinh xương máu, giành cho bằng được quyền sống trên giải đất Giao Chỉ, Cửu Chân xưa, mà sau là Đại Việt, nay là Việt Nam. Lập quốc trên lưu vực sông Hồng, sông Mã, nhân dân Việt Nam có nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp không ít những khó khăn. Hiểm hoạ bị thôn tính và đồng hoá luôn hiện ra trước mắt. Vậy mà hai tộc Lạc Việt và Âu Việt đã hợp nhất thành Đại Việt vẫn tồn tại và phát triển cho đến ngày nay. Đó là nhờ đấu tranh bất khuất cho quyền được sống trong độc lập tự do trên dải đất mà ông cha đã lựa chọn.

Cuộc đấu tranh bảo vệ nhân quyền đó luôn đi đôi với truyền thống đối xử nhân đạo giữa con người với con người.

Nếu trên thế giới, tư tưởng của chủ nghĩa nhân đạo là do quần chúng đề ra một cách tự phát trong cuộc đấu tranh chống bóc lột và những tệ hại về đạo đức, nó đã trở thành chủ nghĩa nhân đạo tư sản trong thời kỳ Phục Hưng thế kỷ XV – XVI thì chủ nghĩa nhân đạo Việt Nam lại hình thành sớm hơn trong cuộc đấu tranh cho nhân quyền Việt Nam:

Nhiễu điều phủ lấy giá gương,

Người trong một nước phải thương nhau cùng.

Châm ngôn ngày nghi nhận tình thương yêu, nhân đạo giữa người với người đã xuất hiện từ những năm đầu công nguyên, thời Bà Trưng, Bà Triệu. Còn đoàn kết, yêu thương giữa các tộc người thì:

Bầu ơi thương lấy bí cùng,

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.

Tình thương yêu giữa các bộ tộc cộng cư này cũng xuất hiện rất sớm ở nước ta. Khi có giặc ngoại xâm thì giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh. Cả đến thiếu niên, nhi đồng cũng đánh – đánh để gìn giữ chủ quyền quốc gia, bảo vệ nhân quyền dân tộc. thực tế này đã được ghi lại thành huyền thoại về: “Phù Đổng Thiên Vương”.

Còn trong cuộc sống đời thường thì người Việt Nam nêu cao phẩm chất: Thương người như thể thương thân. Chính vì biết thương thân mình mà mới biết thương thân người khác. Bà Triệu, một nữ anh hùng đã biết thương thân mình, tự hào với vai trò người con gái đất Việt anh hùng, đã nói lên lời bất hủ: “Tôi muốn cưỡi gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển khơi, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi sách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp cho người”[3]. Đâu cùng là sự khẳng định sớm nhất quyền con người của phụ nữ Việt Nam và chủ nghĩa nhân đạo Việt Nam.

Thời đại độc lập, tự chủ, từ thế kỷ X, quyền sống của con người Việt Nam luôn được chăm lo, bảo vệ trên hai phương diện: độc lập dân tộc và cải thiện dân sinh.

Trong đấu tranh giành độc lập tự do, từ lòng nhân đạo, nhân dân Việt Nam xưa cũng như nay đều cố tránh đổ máu, thực hành nhân đạo khoan dung để tránh nạn binh đao. Họ Khúc khởi nghiệp vào thế kỷ X giành được chính quyền nhờ không khéo, không dùng binh mà dùng cải ách để chiếm lấy chính quyền. Trước đó, chính quyền Tuỳ – Đường chỉ nắm được chính quyền từ trên xuống, tức là từ Thái Thú – Thứ sử đến quân lệnh, huyện lệnh thì nay họ Khúc nắm chính quyền từ thôn, xã trở lên. Đối lập với chính sách hà khắc của Tuỳ – Đường, họ Khúc đã thi hành chính sách: Khoan, giản, an, lạc. Tức là khoan sức dân, giản chính sự, dân được sống an cư, lạc nghiệp.

Nhờ có cuộc sống cộng đồng làng xã, đùm bọc lẫn nhau trong chống thiên tai địch hoạ nên chế độ chiếm hữu nô lệ – chế độ người đối với người bạo tàn như đối với vật – đã không tồn tại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Những gia nô, nô tỳ tuy tồn tại đến tận thời Lý, Trần nhưng họ vẫn có thân phận con người, có quyền sống và cơ hội để thành đạt như Dã Tượng, Yết Kiêu. Họ từng là gia nô mà trở thành danh tướng, được sung vào hàng ngũ quan lại.

Những anh hùng dân tộc chỉ có thể làm nên sự nghiệp lớn khi biết cố kết với cộng đồng, yêu nước, thương dân, chăm lo đến hạnh phúc của nhân dân. Các triều đại phong kiến Lý, Trần đều lấy Phật giáo làm quốc đạo với tinh thần nhân văn nhân đạo cao cả: “Từ bi hỷ xả, tế độ chúng sinh”. Lý Thánh Tông đã tỏ lòng thương tới các tù nhân: “Mùa đông rét lắm, vua bảo các quan tả hữu rằng: Trẫm ở trong cung, nào lò sưởi ngự, nào áo lót cầu còn rét như thế này, nghĩ đến người tù trong ngục, khổ sở về gông cùm, chưa biết rõ ngay gian mà ăn không no bụng, mặc không kín thân, khốn khổ vì gió rét, hoặc có kẻ chết không đáng tội, trẫm rất thương xót. Vậy lệnh cho hữu ty phát chăn chiếu và cấp cơm ăn ngày hai bữa”.[4]

Mùa hạ, vua ngự ở điện Thiên Khánh sử kiện, khi ấy công chúa Động Thiên đứng hầu bên cạnh, vua chỉ vào công chúa bảo ngục lại rằng: “Ta yêu con ta cũng như lòng ta làm cha mẹ dân. Dân không hiểu biết mà mắc vào hình pháp, trẫm rất thuơng sót. Từ nay về sau, không cứ gì tội nặng hay nhẹ đều nhất luật khoan giảm”.[5]

Sau khi nhà Trần toàn thắng quân xâm lược Nguyên – Mông, với lòng mong muốn tránh cho muôn dân phải lầm than khổ sở vì nạn binh đao, đã sai sứ thần là Đỗ Thiện Thứ sang Nguyên giảng hoà, rồi đối xử nhân đạo với hàng tù binh, trải thảm đỏ cho họ về nước. Còn đối nội thì khoan hồng, độ lượng, như sử đã ghi lại: “Trước kia, người Nguyên vào cướp, vương hầu, quan lại nhiều người đến doanh trại xin hàng. Đến khi giặc thua, bắt được cả một hòm biểu xin hàng. Thượng hoàng sai đốt hết đi để yên lòng những kẻ phản trắc”[6]. Tinh thần khoan duyng nhằm yên dân, thêm bạn, bớt thù. Đặc biệt, Trần Hưng Đạo đã chăm lo đến đời sống nhân dân, khuyên vua Trần Anh Tông giảm nhẹ tô thuế, Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc.

Đến thời Lê Lợi, Nguyễn Trãi nói:

“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”.

Nhân quyền Việt Nam đã được bảo đảm với phương châm hành động:

“Vì đại nghĩa mà thắng hung tàn,

Lấy chí nhân mà thay cường bạo”.

Việc bảo vệ nhân quyền đi đôi với lòng nhân đạo và đức hiếu sinh. Nguyễn Trãi nhân danh Lê Lợi gửi thu dụ hàng tới quan quân nhà Minh với lời lẽ đầy tính nhân đạo: “Ta từ khi dấy nghĩa tới giờ, vè việc thuận đức, trái đức,… nghiệt hay khoan, cho hay lấy, không bao giờ là không theo đức hiếu sinh của trời đất và lòng đại lượng của thánh nhân”. “Nếu các ông theo lời bàn trước, lấy việc giảng hoà làm quý… thì người Trung Quốc được khỏi khổ về đánh dẹp mà nhân dân của nước tôi cũng mau mà thoát được nước sôi lửa bỏng. Có thể Nam Bắc từ đây không việc gì cả, há chẳng hay làm sao”[7].

Thời cận đại, Phan Châu Trinh đi tiên phong để bảo vệ nhân quyền, được Hội nhân quyền Pháp ủng hộ. Cụ chủ trương: “Khai dân trí. Chấn dân khí. Hậu dân khí”.

Phan Bội Châu thì quyết hy sinh và xả thân cho quyền độc lập tự do của dân tộc. Trong Ái quốc ca, Phan Bội Châu đã gắn lòng yêu nước, thương nòi với tình yêu non sông đất nước:

“Nay ta hát một thiên ái quốc

Yêu gì hơn yêu nước nhà ta

Trang nghiêm bốn mặt sơn hà

Ông cha ta để cho ta lo vàng…”

Phan Bội Châu lên án thực dân xâm lược:

“Nó coi mình như trâu như chó

Nó coi mình như cỏ như rơm

Trâu nuôi béo cỏ còi rơm

Cỏ moi rễ cỏi, trâu làm thịt trâu…”

Để nêu cao đoàn kết, cổ vũ mọi người đứng lên lấy nhân nghĩa mà chống bạo tàn, cứu dân, cứu nước:

“Hợp muôn sức ra tay quang phục

Quyết có phen rửa nhục báo thù…”

Việt Nam Quốc dân đảng của Nguyễn Thái Học, vì lòng yêu nước và tinh thần bất khuất đã đứng lên đấu tranh để bảo vệ nhân quyền. Khi tình thế buộc phải nổi dậy, biết chưa giành được thắng lợi nhưng cũng tin rằng: “Không thành công cũng thành nhân”. Cái  “nhân” ở đây chính là về nhân quyền, nhân sinh, nhân đạo, nhân ái, nhân nghĩa… mà các nhà yêu nước đã lựa chọn và mong đạt tới.

Đến phong trào cách mạng dân tộc do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo thì phong trào đấu tranh cho nhân quyền phát triển đến một đỉnh cao mới.

Trong cuộc đấu tranh cho độc lập tự do, cái nhân luôn đi đôi với cái dũng:

“Ngước mắt coi khinh nghìn lực sĩ

Cúi đầu làm ngựa các nhi đồng”.

Đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc mình luôn gắn liền với việc đấu tranh giành quyền sống cho mọi người trên trái đất, đưa cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc ta thành lá cờ đầu trong phong trào giải phóng các dân tộc thuộc địa trên thế giới.

“Ta vì ta ba chục triệu người

Cũng vì còn ba ngàn triệu trên đời” – Tố Hữu.

Đồng thời gắn việc giữ quyền tự quyết của dân tộc mình, với việc tôn trọng quyền tự quyết của các dân tộc khác. Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 5 năm 1941 đã nhấn mạnh: “Sau khi đánh đuổi Pháp – Nhật, ta phải thi hành đúng chính sách dân tộc tự quyết cho dân tộc Đông Dương”[8]. Chương trình cứu nước của Việt Minh lại nêu rõ: “Việt Minh hết sức giúp đỡ cho nhân dân Miên và dân Lào thành lập “Cao Miên độc lập đồng minh” và “Ai Lao độc lập đồng minh”. Từ đó, tuy ba nước Việt, Miên, Lào do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo, nhưng đã có ba mặt trận để tiến tới có thể lập ra ba chính phủ của ba dân tộc.

Đồng thời trong chiến đấu giành độc lập tự do, các chiến sỹ Việt Minh luôn coi trọng binh vận, địch vận để bớt đổ máu, hy sinh. Đảng Cộng sản Đông Dương đã ra lời kêu gọi binh lính Việt Nam trong quân đội viễn chinh PháP: “Hỡi đồng bào, quản, đội, cai, binh lính! Anh em hãy dùng ít khí giới của giặc Pháp. Chỉ có anh em nổi lên mới làm cho giặc Pháp, giặc Nhật hoảng vía…” Đảng nêu rõ chủ trương: “Bổn phận ta là phải vận động thống nhất với hạ tầng quân đội kháng chiến của Pháp, kéo những phần tử kiên quyết chống phát xít, có xu hướng quốc tế, thống nhất hành động với ta đánh Nhật hoặc mang võ khí của đế quốc Pháp chạy sang phe ta…” Thực tế đã chứng minh rõ một số lính lê dương trong quân đội Pháp cũng như một số sĩ quan, binh lính Nhật chạy sang hàng ngũ Việt Minh.

Còn đối với binh lính Pháp, Nhật đang làm bia đỡ đạn cho bọn thực dân phátxít, Việt Minh đã có chủ trương đầy lòng nhân đạo. Mặc dù Pháp, Nhật đã tù đày, bắn giết bao chiến sỹ cách mạng Việt Nam, nhưng nhân dân Việt Nam không trả thù, báo oán- điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định trong tuyên ngôn độc lập: “Đối với người Pháp, đồng bào ta vẫn giữ một thái độ khoan hồng và nhân đạo. Sau cuộc biến động ngày 9 tháng 3 , Việt Minh đã giúp nhiều người Pháp chạy qua biên thuỳ, lại cứu cho nghiều người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật và bảo vệ tính mạng và tài sản cho họ”. [9]Việt Minh cũng không quên đảm bảo sinh mệnh cho những người ngoại quốc đang sinh sống ở Đông Dương: “Chính phủ cách mạng Đông Dương bảo đảm sinh mệnh tài sản cho những người ngoại quốc chống phátxít Nhật ở Đông Dương và cho họ những quyền tự do cư trú, buôn bán”.

Cách mạng Tháng Tám thành công, ít phải đổ máu, một phần là nhờ chủ trương bảo vệ nhân quyền và tinh thần nhân đạo kể trên của Đảng và nhân dân Việt Nam. Chính vì vậy mà trong tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lấy tinh thần cao cả của Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền nước Pháp để biểu dương ý nghĩa lớn lao của cách mạng Việt Nam trong cuộc đấu tranh chung của loài người tiến bộ cho nhân quyền và dân quyền. Trong tuyên ngôn độc lập của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”, và trích dẫn trong Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của nước Pháp năm 1791: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”[10].

Trong kháng chiến chông Pháp, chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam, mục tiêu đấu tranh bảo vệ nhân quyền và thực hành chủ nghĩa nhân đạo luôn vẫn là những nhân tố quyết định của thắng lợi.

Kết luận

Ngày nay nhân quyền và nhân đạo Việt Nam biểu hiện tập trung ở khẩu hiệu: “Tất cả do con người, tất cả vì con người”, để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, văn minh. Nhân quyền, nhân đạo ở Việt Nam còn được bảo đảm trong cả pháp luật và cuộc sống đời thường. Hiến pháp Việt Nam qua các thời kỳ đều nhằm bảo vệ nhân quyền và thực hành chủ nghĩa nhân đạo. Còn trong cuộc sống đời thường, nhân dân Việt Nam luôn phát huy truyền thống “thương người, trừ bạo”. Có trừ được bạo nghịch như bọn phá hoại, bọn phản động dưới chiêu dân tộc, tôn giáo, bọn sâu mọt xã hội như Việt Tân hiện nay… mới đảm bảo được nhân quyền.

Đại đoàn kết toàn dân, phát huy truyền thống và đấu tranh bảo vệ nhân quyền và thực hành chủ nghĩa nhân đạo mãi mãi vẫn là ngọn cờ chiến thắng của nhân dân Việt Nam. Trong bối cảnh đấu tranh cho quyền con người hiện nay không phải là vũ khí tối tân sẽ thắng mà cuối cùng vẫn là ý chí đấu tranh cho nhân quyền trên tinh thần nhân đạo là kim chỉ nam của cuộc sống nhân sinh.

Tác giả: ThS. Lê Đình Trưởng – Tạp chí Nghiên cứu Phật học
CN. Lê Đình Đài – Viện Triết học

***

Chú thích:
[1] Từ điển triết học, Nxb, Tiến bộ, Mátxơva, 1975, tr. 402.
[2] Nguyễn Trãi, Toàn tập, Nxb. Khoa học xã hội 1976, tr. 440.
[3] Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, Nxb. Trung Bắc Tân Văn, 1920, tr. 50.
[4] Đại Việt sử ký toàn thư, t.1. Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 2006, tr.294.
[5] Đại Việt sử ký toàn thư, t.1. Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 2006, tr.282.
[6] Đại Việt sử ký toàn thư, t.1. Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 2006, tr.36.
[7] Nguyễn Trãi, Toàn tập, Nxb. Khoa học xã hội 1976, tr.153, 154.
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr. 113.
[9] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.4, tr. 3.
[10] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.4, tr. 1.

Tài liệu tham khảo
1. Từ điển triết học, Nxb, Tiến bộ, Mátxơva, 1975.
2. Nguyễn Trãi, Toàn tập, Nxb. Khoa học xã hội 1976
3. Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, Trung Bắc Tân Văn, 1920.
4. Đại Việt sử ký toàn thư, t.1. Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 2006.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7.
6. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.4.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường