Mỗi độ hè sang, khi những chùm nhãn chín ngọt bắt đầu trĩu quả trong vườn, tôi lại nhận được một thùng nhãn từ quê gửi lên. Món quà quen thuộc ấy, dù đơn sơ, luôn khiến tôi xúc động. Xa quê đã lâu vì việc học và làm thêm nơi phố thị, nhưng chỉ cần một hương nhãn thoảng qua cũng đủ khơi dậy trong tôi bao ký ức tuổi thơ đầy trong trẻo, gắn liền với vườn nhãn sau nhà.

Tôi sinh ra ở xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu, vùng đất được mệnh danh là “thủ phủ nhãn” của tỉnh Hưng Yên. Nhãn lồng Hưng Yên từ lâu đã nổi tiếng khắp cả nước bởi quả to, cùi dày, vị ngọt thanh, từng được xem là sản vật tiến vua.

Loại quả này được xếp hạng trong số 50 trái cây ngon nổi tiếng nhất Việt Nam, là niềm tự hào không chỉ của riêng quê tôi mà cả cộng đồng người Việt xa xứ.

Nhãn lồng quê tôi vốn nổi tiếng quả to, cùi dày và vị ngọt thanh...
Nhãn lồng quê tôi vốn nổi tiếng quả to, cùi dày và vị ngọt thanh...

Ở vùng đất ấy, nhãn không chỉ là cây trồng, mà là một phần của đời sống. Nhà nào cũng có vài ba cây, gia đình khá giả hơn thì trồng cả chục cây. Khi thấy được giá trị kinh tế của loại cây này, nhiều hộ đã chuyển cả ruộng lúa thành vườn nhãn.

Vườn nhãn của gia đình tôi có từ thời ông bà nội, với 20 gốc nhãn sum suê, là “gia sản” quý báu nhất được cha mẹ tôi gìn giữ và chăm sóc qua năm tháng.

Ông bà tôi không để lại tiền của, chỉ để lại vườn nhãn ấy. Nhưng chính những mùa nhãn ngọt lành ấy đã nuôi lớn bốn anh chị em tôi, từ gạo ăn tới sách vở đến trường.

Tôi nhớ mãi lời bà nội dặn bố tôi trước khi mất: “Không có vàng bạc để lại, bố mẹ chỉ có những cây nhãn này thôi, các con hãy chăm chúng cho tốt”. Lạ thay, ông tôi mất đúng mùa nhãn ra hoa, còn bà lại mất khi nhãn vào vụ chín rộ. Từ đó, mỗi mùa giỗ ông, giỗ bà, nhà tôi luôn dâng cúng nhãn như một cách tri ân gắn liền với đời sống quê nhà.

Ở Hưng Yên quê tôi, hầu như nhà nào cũng trồng nhãn lồng trong vườn lẫn ngoài ruộng...
Ở Hưng Yên quê tôi, hầu như nhà nào cũng trồng nhãn lồng trong vườn lẫn ngoài ruộng...

Tuổi thơ tôi trôi qua dưới những tán nhãn xanh mát. Chúng tôi chơi trốn tìm trong vườn, mắc võng ngủ trưa dưới bóng nhãn, cùng cha mẹ cắt cành, tưới cây, gánh nước mùa khô. Và háo hức nhất vẫn là lúc được trèo cây hái nhãn, phân loại, bó buộc để mang đi bán.

Khi còn nhỏ, việc hái nhãn là công việc của cả gia đình. Về sau, thương lái mua cả cây, cả vườn, người nhà bớt vất vả hơn. Dẫu vậy, không ít hộ vẫn phải bán “vo”, ước lượng số lượng quả cả vườn rồi định giá, chịu phần thiệt để tránh hao hụt vì chim muông phá hoại hay thiếu nhân lực thu hoạch.

Mới đây, mẹ tôi gọi điện báo mùa nhãn chín đã bắt đầu. Mẹ nói sẽ lại gửi cho tôi một thùng nhãn như mọi năm.

Tôi bỗng thấy lòng rộn ràng, không chỉ vì vị ngọt của quả, mà vì vị ngọt của tình thân, của quê nhà, của ký ức không bao giờ phai. Dưới bóng nhãn xưa, những năm tháng êm đềm vẫn hiện về như chưa từng rời xa.

Phúc lành từ một vườn nhãn

Trong ánh nhìn của người học Phật, những cây nhãn nơi quê nhà không chỉ là phương tiện sinh kế, mà còn là minh chứng sống động cho luật nhân quả và tinh thần tri ân. Ông bà tôi gieo trồng, cha mẹ tôi gìn giữ, để rồi từ đó chúng tôi được nuôi dưỡng trong đủ đầy và nghĩa tình. Mỗi quả nhãn ngọt hôm nay là kết tinh của bao công phu, yêu thương và bền bỉ, như những phước báu được gầy dựng từ đời trước.

Vườn nhãn quê hương, vì vậy, không chỉ là ký ức, mà còn là một bản kinh lặng lẽ về lòng biết ơn và những phúc lành đang tiếp nối…

Bài ảnh: Nguyễn Thị Hải - Trường Đại học Văn hóa