Việt dịch: Diệu Thường
Nguồn: Tân Tỉnh Thạch Thiền của Pháp Sư Như Ngộ
Ý nghĩa cốt lõi của Phật giáo
Hai chữ “Cát tường” xuất phát từ Kinh Hoa Nghiêm. Cát tường mang nghĩa là hạnh phúc. Trong "Thuyết Văn Giải Tự", có nói: “Đắc lý bất thất vị chi cát”. Câu này có thể giải thích chi tiết rằng “Cát tường” chính là sự thiện lành và hạnh phúc dựa trên nền tảng của đạo lý. Tóm lại, cát tường mang ý nghĩa là trong tâm hồn của mình và của người, cả trong lẫn ngoài, đều không gặp họa, không lo âu, được tự do tự tại, cực kỳ hạnh phúc, cực kỳ vui vẻ, cực kỳ bình an.
Mục đích của cuộc đời là gì? Không ngoài việc đạt được cát tường. Tại sao quốc gia cần phải thực hiện chính trị? Tại sao cần phải tổ chức giáo dục? Tại sao cần phát triển kinh tế? Tại sao cần khuyến khích sự phát triển học thuật? Tất cả đều nhằm mục đích mang lại hạnh phúc, sự hài lòng, niềm vui và tự do cho nhân dân.
Nếu chỉ mưu cầu hạnh phúc cho riêng mình, chỉ tìm kiếm niềm vui cho bản thân mà không quan tâm đến sự sống còn, khó khăn của người khác, không tuân theo các nguyên tắc của nhân tình đạo lý, thì không bao giờ đạt được sự cát tường thực sự.
Năm đại cát tường gồm có: Tâm cát tường, thân cát tường, gia đình cát tường, xã hội cát tường và quốc gia cát tường. Yếu tố cấu thành của một quốc gia nằm ở các gia đình, còn thành phần của xã hội chính là từng cá nhân. Mà thiện ác của mỗi cá nhân đều lấy tâm làm gốc.
Năm yếu tố này có mối quan hệ không thể tách rời nhau và Phật giáo cũng nhấn mạnh đến việc làm cho cả năm yếu tố này đều được cát tường. Đạo đức, giáo dục, chính trị và kinh tế cũng không thể tách rời khỏi lý tưởng này.
1. Tâm Cát tường
Trước tiên, nói về sự cát tường của tâm, chúng ta nên làm gì để đạt được điều đó? Đầu tiên, cần phải xua tan những kẻ thù lớn trong tâm, để tâm có thể an vị ở một nơi bình yên. Hơn nữa, cần phải tu dưỡng tâm như vẻ đẹp của hoa, sự tinh khiết của ngọc, sự mềm mại của liễu và sự vững chắc của đá. Không được để tâm buông lỏng, để tránh bị tổn hại bởi sừng quỷ và gai góc, cũng như giữ mình thanh sạch, không vấy bẩn bởi bùn lầy và cát bụi trần gian. Ngạn ngữ có câu: “Bị ma quỷ dẫn lối vào con đường tăm tối, xiềng xích tâm hồn khiến trở nên bất an mà không thể cởi bỏ”. Từ đó có thể thấy, cõi Tịnh Độ của Phật hay địa ngục của ngạ quỷ đều do tâm tạo ra.
Bản thể của tâm gọi là Phật tính, cũng gọi là Chân Như, tương tự như cái mà thế gian gọi là lương tâm. Nếu tâm tối tăm, thì ma quỷ sinh ra, trong tâm sẽ xuất hiện những kẻ thù lớn là phiền não. Gốc rễ của phiền não là tham, sân, si. Những nỗi khổ trong ba cõi, sáu đường và mọi tội ác trong nhân gian, đều do ba độc này gây ra. Dựa vào sự tu dưỡng, chúng ta có thể xua đuổi những con quỷ phiền não, và bằng sức mạnh của Chính tín, chúng ta có thể thanh lọc tâm hồn. Khi những yêu ma phiền não bị diệt trừ, hạnh phúc và hòa bình sẽ đến.
Thiền sư Bạch Ẩn ở Nhật Bản trong tác phẩm "Mông Lung Chi Ngộ" đã từng nói: “Trời là tâm của ta, Tịnh Độ cũng là tâm của ta, nơi thanh tịnh có chư thần và Phật, vì thế tâm ta không thể chứa điều ác. Đố kỵ, sân hận là gốc rễ của địa ngục; năm dục vọng và những vọng tưởng là hạt giống ô uế. Khi vọng tưởng che phủ tâm, tâm sẽ trở nên tối tăm, không hiểu đạo lý và vì vô minh mà tâm khởi lên mê muội và cố chấp. Mê chấp sẽ gây tổn hại, thần Phật không gần, thánh hiền xa lánh".
Hiểu rõ sự đáng sợ của những con yêu ma trong tâm, tự nhiên sẽ khởi lên ý niệm sám hối, quy y Tam Bảo và theo đuổi con đường chân chính. Ngược lại, nếu gần gũi với yêu ma, đắm chìm trong vui thú, kết quả cuối cùng sẽ là “vui quá hóa buồn”. Vì vậy, không thể lơ là dù chỉ trong chốc lát, bởi "lúc vui lúc buồn, khi chính khi tà, tâm chính là chìa khóa của sự tự tại”. Câu ca dao nói rằng con đường dứt bỏ mê muội nằm ở việc tâm không bị phiền não trói buộc, siêng năng vun đắp ruộng phước công đức, tinh thần sẽ khởi sự an lạc và hạnh phúc viên mãn.
2. Thân Cát tường
Sự cát tường của thân có hai loại: một là cát tường trong việc sinh tồn, hai là cát tường về mặt đạo đức. Thế nào là cát tường trong việc sinh tồn? Thân thể con người sinh ra nhờ ân đức của trời đất, lớn lên nhờ sự chăm sóc của cha mẹ, vì vậy cần phải chú ý đến sức khỏe của thân thể. Hằng ngày nên chú trọng đến việc ăn uống và rèn luyện, không được tùy tiện làm tổn hại cơ thể duy trì một thân thể mạnh mẽ lâu dài và sử dụng thân này một cách tốt đẹp để hoàn thành sứ mệnh của trời đất, đó chính là sự cát tường và hạnh phúc của thân thể.
Thứ hai là cát tường về mặt đạo đức, tức là sự đúng đắn trong hành vi và tu dưỡng nhân cách. Con người là loài linh thiêng nhất trong muôn vật, Bồ đề tâm chính là con đường Phật đạo. Chư Phật ba đời cũng đều nhờ có thân người mà mới có thể phát Bồ đề tâm, thực hiện tu hành mà thành Phật. Có được thân người quý giá này, nguyện sinh vào thế giới Ta bà, nếu không phải do đại nguyện lớn từ kiếp trước thì không thể đến đây thọ sinh. May mắn thay, chúng ta được thừa hưởng giáo pháp của đức Thế Tôn, gặp được nhân duyên tốt để nghe pháp, đây chính là nhân duyên thù thắng, có thể nói đó là cát tường.
Có được thân người quý giá này, không nên coi nhẹ. Cổ ngữ có câu: “Giữ mình khiêm nhường và giản dị, rộng lòng yêu thương chúng sinh, trau dồi học vấn, khai mở trí tuệ, thành tựu đức hạnh”. Đạo không nằm ngoài thân, giữ thân mà hành đạo, dùng thân người để thành tựu đức hạnh, đó mới là cát tường thực sự.
3. Gia đình Cát tường
Thứ ba là sự cát tường trong gia đình. Khi thân và tâm đã đạt được cát tường, thì mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, vợ chồng, anh em, chủ tớ đều có thể tuân theo chính đạo. Sống hòa hợp, trung thực phục vụ nhau, sống tiết kiệm và biết nhường nhịn lẫn nhau, tự nhiên gia đạo sẽ hưng thịnh, đó chính là sự cát tường và hạnh phúc của gia đình. Câu ca xưa có nói: “Đời như biển cả, thân như con thuyền, giữ vững ý chí là cách chèo lái, tránh cho thuyền lật”. Lại có câu: “Gia đình như con thuyền báu, hòa thuận thì thân tâm được yên bình”.
Vào thời Đường, có người tên là Trương Công Nghệ, gia đình ông trải qua chín thế hệ vẫn sống chung dưới một mái nhà. Khi Đường Cao Tông thực hiện nghi lễ phong thần tại núi Thái Sơn, trên đường trở về, vua đã đặc biệt ghé thăm nhà ông và hỏi về bí quyết giúp gia tộc có thể sống chung hòa thuận qua chín thế hệ như vậy. Trương Công Nghệ đã viết "Bách Nhẫn Đồ" dâng lên cho vua Cao Tông. Vua cảm động đến rơi lệ, ban thưởng nhiều lụa là, vàng bạc rồi ra về. Chỉ có nhẫn nhịn lẫn nhau mới có thể làm cho gia đình hạnh phúc và cát tường.
4. Xã hội Cát tường
Tổng thể mà nói, thế gian tồn tại là để thực hiện hạnh phúc chân thật. Và để đạt được mục đích này, cần phải vượt qua những khó khăn lớn nhất. Ngày nay, thế gian đang trong cơn sóng gió của cuộc cạnh tranh sinh tồn, lòng người đa phần như chiếc thuyền con lênh đênh, trôi dạt không định hướng. Sự yếu kém của nền giáo dục và những tổn hại do sự suy đồi đạo đức đã khiến con người mất đi nền tảng vững chắc, một số người trở nên chán nản, bi quan trước cuộc đời, một số khác buông thả theo dục vọng và có những người chỉ sống qua ngày, chẳng màng đến tương lai.
Cha con cãi vã, vợ chồng ly dị, giết người, phóng hỏa, lừa đảo, trộm cắp xảy ra hàng ngày. Cảnh sát phải thường xuyên chạy đôn chạy đáo, thẩm phán thì toát mồ hôi mà vẫn không xử lý hết được. Và trong đám đông, bạn phải cẩn thận kẻo bị kẻ gian móc túi. Nói một cách nghiêm túc, hơn một nửa số người đều nói những lời giả dối. Cuộc sống trở nên suy đồi, phong tục bị băng hoại, tình người nhạt nhòa và mối quan hệ nam nữ trở nên lẫn lộn. Trong một xã hội như vậy, làm sao có thể có sự cát tường và hạnh phúc?
Văn minh vật chất càng phát triển, thì văn minh tinh thần càng suy yếu. Xã hội ngày nay đã thay đổi rất nhiều so với trước kia, tâm lý con người bị tác động mạnh mẽ, ngày càng trở nên phức tạp. Điều này dẫn đến tình trạng rối loạn trong xã hội, khiến thế giới trở nên bất ổn. Các tôn giáo, luật pháp, đạo đức và văn hóa đều không thể ngăn chặn được sự lan tràn của lòng tham, khiến người ta không khỏi ngậm ngùi than thở, không biết phải làm sao. Vì vậy, chúng ta, những người Phật tử, cần phải kịp thời đứng lên, tiên phong trong việc cải thiện phong tục và tìm kiếm con đường giáo hóa.
Cuộc sống thanh bần của Phật giáo chính là cội nguồn để thanh lọc tâm hồn con người, khiến mọi người tin tưởng sâu sắc vào sự đáng sợ của nhân quả, từ đó tránh ác làm lành, từ bỏ ích kỷ và giúp đỡ người khác. Hãy tương trợ lẫn nhau, làm việc thiện, giúp đỡ người già yếu và nghèo khó, để chân lý Phật giáo lan tỏa khắp nơi, mọi người đều sống đúng pháp, tuân thủ luật lệ và có được cuộc sống an hòa. Khi đó, sự cát tường và hạnh phúc của xã hội sẽ không còn xa nữa.
5. Đất nước cát tường
Trong xã hội có nhiều tầng lớp, mỗi tầng lớp hợp lại thành một khối, tạo nên một tập thể. Tập thể này lấy người đứng đầu làm trung tâm, lãnh đạo toàn thể để hình thành nên quốc gia. Con đường mang lại sự hưng thịnh cho quốc gia nằm ở chỗ khi một quy tắc đã được đề ra cho toàn thể cộng đồng, thì cần phải giữ vững như núi, không thể lay chuyển. Toàn dân từ trên xuống dưới đều phải đồng lòng bảo vệ đất nước, hiến dâng lòng trung thành và tận tâm vì Tổ quốc, dù có phải hy sinh cả tài sản và sinh mạng cũng không tiếc. Hiến pháp của quốc gia giống như mặt trời trên không, tỏa sáng khắp nơi, giúp muôn dân an cư lạc nghiệp, quan lại tận tụy với công việc, vận nước thịnh vượng, quốc gia giàu mạnh và hạnh phúc. Đó chính là sự cát tường và hạnh phúc của quốc gia.
Năm điều cát tường kể trên đều bắt nguồn từ tâm của chúng ta. Trong bài "Bàn Minh" của Vua Thang có câu: “Nếu hôm nay mới, thì mỗi ngày đều mới và ngày mai lại càng mới hơn". Khi ánh sáng luôn hiện hữu trong tâm ta, tâm thanh tịnh và không vướng bụi bẩn, thì dù trải qua nghìn năm, vạn kiếp, vẫn mãi mãi trường tồn không phai mờ.
Việt dịch: Diệu Thường
Nguồn: Tân Tỉnh Thạch Thiền của Pháp Sư Như Ngộ
Bình luận (0)