Trang chủ Chuyên đề Mùa Xuân đạo lữ

Mùa Xuân đạo lữ

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

TT.Thích Thiện Hạnh
Phó Viện trưởng Phân viện NCPHVN tại Hà Nội
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 1/2023

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 1.2023 Mua Xuan Dao Lu 1

Xuân Quý Mão (2023) đến, mang ý nghĩa tâm linh nhân văn sâu sắc, mang đậm giá trị đạo lý truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ, tri ân công đức của các bậc tiền nhân những người có công với dân tộc và đạo pháp.

Mùa Xuân tràn đầy sức sống của vạn vật, muôn hoa đua nở, cành lá đâm chồi nẩy lộc, xua đi mùa đông hoang tàn, trơ cành trụi lá. Quy luật đó, đã hàm ý nghĩa cuộc sống và đời người là ngắn ngủi, từng ngày qua đi, sự thật bao trùm quanh chúng ta mỗi ngày vẫn là vô vàn những khổ đau.

Chúng ta không bi quan khi nhìn thẳng vào sự thật ấy, bởi vì ngay cả những ai may mắn nhất trong cuộc đời này cũng không thể tránh khỏi được khổ đau. Giàu sang, địa vị, quyền thế…tất cả đều không phải là cứu tinh khi chúng ta đối mặt với già nua, bệnh tật, chết chóc…

Người thân lần lượt ra đi trong sự tiếc nuối của người ở lại, bản thân chúng ta cũng phải lìa bỏ cuộc sống này bất cứ lúc nào. Tuổi thanh xuân và sức khỏe của mỗi chúng ta cũng dần ra đi theo thời gian, trong khi quanh ta là vô số bệnh tật luôn rình rập, sẵn sàng tấn công làm ta gục ngã… thêm vào đó, có biết bao hoàn cảnh, sự việc trái ý vẫn thường xuyên làm cho ta phải khổ đau, phiền não.

Vì thế, khi ta có sự tu dưỡng để vun bồi, gìn giữ một cội nguồn bản tâm chân thật, những lời dạy của đức Phật như nguồn nước cam lồ vô tận để cho chúng sinh đỡ đói khát, khổ ải trong cuộc đời.

Thân người là mong manh, phật pháp là điều khó được nghe biết đến, nếu đức Như Lai không xuất thế độ sinh, rộng truyền phật pháp, ắt hẳn cả cõi trời, người vẫn còn mãi chìm trong đêm dài vô minh tăm tối. Chẳng riêng gì những người thô thiển, kiến thức hẹp hòi, đến như các nhà Nho học rộng nghe nhiều, thì chỗ thấy biết cũng là giới hạn, không thể sánh với phật pháp được.

Như ngẩng đầu quan sát trời cao, người đời thường nghĩ chỉ có một thế giới này với mặt trời, mặt trăng, mà không biết rằng còn có vô số cõi thế giới khác nữa. Hoặc cho rằng con người đầu tiên được sinh ra từ thời Bàn Cổ, nhưng thật không biết là trong vô số kiếp từ trước đến nay, mỗi chúng ta đều đã trải qua không biết bao nhiêu đời sống. Hoặc cho rằng các vị Thiên đế, Thiên tiên là những bậc cao quý nhất, không ai sánh bằng, nhưng thật không biết rằng họ cũng chỉ là phàm phu chưa thoát khỏi luân hồi trong sáu nẻo.

Mùa xuân thế gian đến rồi đi, nở rồi tàn, còn mùa xuân tâm linh không dễ dàng chảy trôi theo định luật tự nhiên của vạn hữu. Người có được mùa xuân tâm linh này không còn bị chi phối bởi vô thường. Họ không còn than thở như cụ Tiên Điền: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Họ đã trở về tao ngộ với quê hương, với miền đất an bình muôn thuở. Mùa xuân vĩnh cửu ấy, cái “tâm hoa” của họ không còn bị sự vô thường chi phối nữa. Cái “thiền ý” ấy bây giờ đã hiện ra bằng cách phá bỏ ý niệm thông tục: “Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết”. Rồi kế đó là dẫn dắt chúng ta đến cánh cửa “huyền mật”, mở ra một không gian khác, thời gian khác – khác với không-thời gian mà mọi người đang sống, để đón nhận con đường tâm linh đưa con người vượt khỏi thế giới hiện tượng vô thường (hoa tàn hoa nở) để đến thực tại vô tận, bất sinh bất diệt (xuân vô tận). Như Thiền sư Chân Không nói:

Xuân đến Xuân đi nghi Xuân hết
Hoa tàn hoa nở chỉ là Xuân.
Xuân lai Xuân khứ nghi Xuân tận
Hoa lạc hoa khai chỉ thị Xuân.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 1.2023 Mua Xuan Dao Lu 2

Trảy hội mùa xuân Tam Cốc (Ninh Bình) – Ảnh: St

Trí tuệ sáng suốt, sức mạnh tinh thần được thể hiện trong sự chọn lựa, qua phương thức mà chúng ta chấp nhận và vượt qua khổ đau của đời sống. Điều tích cực nhất mà chúng ta có thể làm được, là cố gắng đạt đến đúng về bản chất của khổ đau, nhận biết những nguyên nhân sinh khởi cũng như phương thức diệt trừ đau khổ, để từ đó có thể thực hiện những phương thức này trong cuộc sống hằng ngày, nhằm đạt được sự thanh thản, an vui và hạnh phúc chân thật.

Mùa xuân không chỉ là những phút giây tươi đẹp thoáng qua ngắn ngủi, mà vẫn luôn đọng lại trong tình người nồng ấm chứa chan, biết san sẻ cho nhau mọi điều tốt đẹp về vật chất lẫn tinh thần. Con người cũng là một loài hoa, loài hoa đẹp nhất của cả đất trời, nên không thể không tỏa hương khoe sắc lúc xuân về.

Lời kệ số 54 trong kinh Pháp Cú:

Hương các loại hoa thơm,
Không ngược bay chiều gió.
Nhưng hương người đức hạnh,
Ngược gió khắp tung bay.

Những bông hoa quý giá và thực sự có ích là những bông hoa có thể tỏa hương thơm, phô bày vẻ đẹp, nhưng đồng thời cũng có thể kết quả, tạo hạt, nghĩa là mang đến cho chúng ta những lợi ích thiết thực và lớn lao.

Trong vườn hoa đức hạnh, chúng ta đã nghe biết nhiều đến những loài hoa quý như hoa từ bi, hoa trí tuệ… Thật ra, những phẩm chất cao quý ấy cũng có thể được nhận biết trong loài hoa nhẫn nhục. Vì thế, một khi ta chịu bỏ công vun xới, gieo trồng hoa quý, chúng ta, nâng niu những loài hoa quý ấy để có thể cảm nhận được phẩm chất tuyệt vời mà không một loài hoa thế gian nào có được.

Mùa xuân không chỉ là những phút giây tươi đẹp thoáng qua, con người sau những ngày dài vất vả cũng đã biết dừng lại, dành cho mình một khoảng thảnh thơi để ngắm nhìn đất trời, để thưởng ngoạn cái không khí dịu dàng khi mùa xuân đến.

Mùa xuân làm mới lại trời đất, thiên nhiên và cả con người, tất cả như được nạp vào sinh khí mới. Từ rất xưa, con người đã biết tự làm mới lại thân lẫn tâm của mình trong mỗi dịp Tết. Hầu như không ai lại không biết nương theo mùa Xuân để tự làm mới mình. Vua Trần Nhân Tông khi mở đầu một buổi giảng pháp đã nói:

“Quyên kêu từng chặp, trời trăng sáng
Chớ để tầm thường xuân luống qua”.

Tết là một lễ thiêng liêng để người ta mặc cho thân và cả tâm một bộ quần áo mới, tốt đẹp nhất cho mình và cho cuộc đời. Những người có trải nghiệm sâu sắc vào giờ giao thừa đều có thể nâng tâm thức mình lên một mức độ tốt đẹp nhất, xả bỏ những cảm xúc tiêu cực, để tìm thấy lại và phát huy những phẩm tính thuần hậu nhất của tâm. Nếu duy trì được một trạng thái tâm tươi mới trẻ trung như vậy, thì trong Phật giáo gọi là “sơ tâm”.

Chúng ta sẵn sàng xóa bỏ những tỵ hiềm, xích mích, giành giựt… và độ lượng, trân trọng với tất cả. Chúng ta sẵn sàng biến cuộc đời mình thành một tâm an định, trí tuệ do buông xả, ái ngữ, bố thí, lợi hành, đồng sự, tâm vô ngại, từ bi hỷ xả, thành tâm, thiện ý, nhẫn nhục, cầu nguyện, chúc phúc, hồi hướng… Chúng ta dễ dàng cảm nhận được sự tinh khiết thanh cao của tâm hồn.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 1.2023 Mua Xuan Dao Lu 3

Trảy hội mùa xuân động Hương Tích (Hà Nội) – Ảnh: Minh Khang

Mỗi năm luôn bắt đầu bằng mùa xuân, và mỗi đời người bắt đầu bằng những năm tháng tuổi xuân. Trong kinh Kim Cang đức Phật đã nêu rõ chân lý này:

Hết thảy pháp hữu vi,
Như mộng ảo, bọt nước,
Như sương sa, điện chớp.
Nên quán sát như vậy.

Nhưng thế giới vật chất, hay “các pháp hữu vi” không phải là toàn bộ thực tại. Nói đúng hơn, chúng chỉ là một phần của thực tại được phản chiếu, ảnh hiện trong thế giới nhận thức mà thôi. Vì thế, tuy những ảnh hiện đó có tồn tại và diệt mất trước mắt, nhưng thật ra đó chỉ là những sự biến đổi trong nhận thức của chúng ta. Cho nên, nếu quán xét toàn diện về thực tại thì sẽ thấy mọi hình tướng, vật thể đều không hề có sự sinh ra và mất đi. Trong tâm kinh Bát-nhã mô tả điều này là “bất sinh bất diệt”, và vị tổ sư khai sáng thiền phái Trúc Lâm Yên Tử ở nước ta, cũng chính là vua Trần Nhân Tông, một trong những vị vua anh minh nhất đời Trần, đã thể hiện chân lý này một cách cụ thể hơn như sau:

Hết thảy mọi pháp tướng,
Không sinh cũng không diệt.
Nếu hiểu được như vậy,
Thường được thấy chư Phật,
Làm sao có đến, đi?

Không sinh, không diệt. Không đến, không đi. Đó chính là ý nghĩa nền tảng về một tâm xuân miên viễn.

TT.Thích Thiện Hạnh
Phó Viện trưởng Phân viện NCPHVN tại Hà Nội
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 1/2023

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường