Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Mối tương tác giữa triết lý Phật giáo và chuẩn mực Khoa học

Mối tương tác giữa triết lý Phật giáo và chuẩn mực Khoa học

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Mục lục bài viết

Tác giả: NCS Đào Thị Mỹ Dung (Ni sư Thích Nữ Đồng Hòa)
Trụ trì chùa Tăng Phúc – Hà Nội.

LTS: 14h ngày 29/10/2021 tại Trường Đại học KHXH & NV Hà Nội, NCS Đào Thị Mỹ Dung (Ni sư Thích nữ Đồng Hòa) trụ trì chùa Tăng Phúc – Hà Nội bảo vệ Luận án Tiến sĩ “Nhận diện mối tương tác giữa triết lý Phật giáo và chuẩn mực của cộng đồng khoa học”. BBT Tạp chí NCPH đăng tải tóm tắt Luận án và chúc cho NCS Thích Nữ Đồng Hòa – Ủy viên Ban Thông tin Truyền thông T.Ư – GHPGVN bảo vệ thành công Luận án.

MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài

Phật giáo có nguồn gốc từ Ấn Độ cổ, ra đời cách nay hơn 26 thế kỷ. Với nhìn nhận của xã hội thì đó là một tôn giáo, bởi sự hình thành, phát triển và tồn tại của Phật giáo hội đủ các tiêu chí của một tôn giáo, gồm: giáo chủ (người sáng lập ra tôn giáo); giáo lý (triết lý của tôn giáo); giáo luật (luật của tôn giáo); giáo lễ (nghi lễ của tôn giáo); giáo hội (tổ chức của tôn giáo, chức sắc, tín đồ, các hoạt động tôn giáo,…).

Phật giáo được xem là một tôn giáo tuy nhiên hệ thống triết lý của Phật giáo không thừa nhận thế giới duy tâm, thần linh chi phối cuộc sống xã hội và con người. Đức Phật cho rằng con người được sinh ra và tự chịu trách nhiệm trước đời mình, theo “luật nhân quả”. Đối với cuộc sống cá nhân, Phật giáo khuyến khích và đề cao năng lực tự thân vận động của cá nhân để vươn tới hạnh phúc an vui, Đức Phật đã nói, “mỗi người hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Đối với xã hội, Phật giáo lên án xã hội đẳng cấp, Đức Phật đã từng nói, “Máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn không có đẳng cấp”,Phật giáo tin ở sự vận động cố gắng của cá nhân, nhờ cố gắng tu học và phấn đấu đúng đắn, con người sẽ tiến bộ và đạt được những thành quả trong cuộc đời, dần thoát khỏi ràng buộc, khổ đau, Đức Phật đã nói, “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”. Đối với xã hội, Phật giáo xây dựng xã hội hòa bình phát triển bền vững với cuộc sống “lục hòa” (sáu điều hòa hợp) trên nền tảng đạo đức “từ bi” (tình thương) và trí tuệ sáng suốt để “tri túc” (biết đủ).

Nhờ triết lý gắn với cuộc sống hạnh phúc của con người, Phật giáo đã trở thành một trong số các tôn giáo lớn và có ảnh hưởng tích cực trên thế giới hiện nay. Trong bối cảnh thế giới có rất nhiều tôn giáo, việc lựa chọn một tôn giáo phù hợp với xu hướng phát triển của nhân loại tiến bộ là rất cần thiết nhưng không đơn giản bởi thế giới có nhiều tôn giáo và nền tảng của các niềm tin tôn giáo không giống nhau. Theo tài liệu giới thiệu về Vesak Liên Hợp quốc 2008 của Ban Tôn giáo Chính phủ, ngày 15 tháng 12 năm 1999, Đại Hội đồng Liên Hợp quốc ban hành Nghị quyết số 54, với ba nội dung liên quan tới Phật giáo:(1) Lựa chọn Phật giáo là tôn giáo văn hóa điển hình của nhân loại; (2) Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là nhân vật điển hình của tôn giáo thế giới, hàng năm vào ngày trăng tròn tháng Veask, theo lịch cổ Ấn Độ (tương đương ngày trăng tròn tháng 5 dương lịch) tại Trung tâm Liên Hợp quốc ở New York (Mỹ) và các trung tâm Liên Hợp quốc ở các châu lục sẽ đồng tổ chức Đại lễ Vesak (kỷ niệm ngày sinh, ngày thành đạo và ngày nhập niết bàn của Đức Phật cùng vào ngày trăng tròn tháng Vesak); (3) Các nước thành viên của Liên Hợp quốc có quyền đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc tại nước mình và mời nước khác tham dự theo đúng quy định của Liên Hợp quốc.

Để đề cao giá trị của Phật giáo, ủng hộ chủ trương của Liên Hợp quốc, Chính phủ Việt Nam đã ba lần đăng cai phối hợp với Phật giáo Việt Nam, tổ chức thành công Đại lễ Vesak tại Việt Nam vào các năm 2008; 2014 và 2019.

Trong chiến lược phát triển đất nước ta, Đảng, Chính phủ quan tâm tới sự phát triển mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội,… Nghị quyết số 157 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa III đã chỉ rõ: “tiếp tục cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng về văn hóa tư tưởng và đẩy mạnh cách mạng kỹ thuật. Ba cuộc cách mạng ấy quan hệ chặt chẽ với nhau, phải được đồng thời tiến hành, không thể xem nhẹ mặt nào, song phải tập trung sức thực hiện cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt”.

Để thực hiện Nghị quyết của Đảng, khoa học và công nghệ là một trong những lĩnh vực được nhà nước quan tâm. Hàng năm, lĩnh vực này được đầu tư khoảng 2% tổng chi ngân sách nhà nước (tương đương 0,5% GDP). Khoa học kỹ thuật ở nước ta đã có những chuyển biến tích cực với những đóng góp thiết thực cho phát triển mọi mặt của đất nước. Song thực tiễn cuộc sống xã hội, đang đặt ra nhiều vấn đề, như: Lệch chuẩn về mặt đạo đức, lệch chuẩn xã hội, lệch chuẩn về nhận thức,… trong đó có lệch chuẩn đối với hoạt động khoa học, một lĩnh vực cần tính nghiêm túc, sự chuẩn mực. Nghiên cứu về lệch chuẩn trong khoa học hiện nay là một trong những vấn đề lớn được nhiều cá nhân và xã hội quan tâm. Nghiên cứu về sai lệch xã hội nói chung được quan tâm khá nhiều từ các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước tuy nhiên nghiên cứu về những lệch chuẩn trong cộng đồng khoa học ít có những nghiên cứu mang tính hệ thống, chuyên sâu. Đặc biệt là hướng nghiên cứu về mối quan hệ giữa tôn giáo và những lệch chuẩn trong cộng đồng khoa học còn khá mới.

Trong các tôn giáo ở Việt Nam, Phật giáo là một tôn giáo có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống xã hội. Những giá trị đạo đức, giáo lý của Phật giáo không chỉ ảnh hưởng đến tín đồ, Phật tử mà còn ảnh hưởng đến cộng đồng xã hội nói chung kể cả những người không theo tôn giáo. Với ưu thế là người gắn bó và thực hành theo những chuẩn mực của triết lý Phật giáo, Nghiên cứu sinh đã trăn trở về những vấn đề liên quan giữa Phật giáo với khoa học. Trước thực trạng của lệch chuẩn trong cộng đồng khoa học, Nghiên cứu sinh mạnh dạn lựa chọn đề tài nghiên cứu “Nhận diện mối tương tác giữa triết lý Phật giáo và chuẩn mực của cộng đồng khoa học”.Nhận diện tương tác của triết lý Phật giáo tới chuẩn mực cộng đồng khoa học là cơ sở cho đề xuất, khuyến nghị góp phần để khoa học kỹ thuật thật sự là khâu then chốt trong chiến lược phát triển đất nước.

2. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu.

2.1. Mục tiêu nghiên cứu:nghiên cứu nhận diện mối tương tác giữa triết lý Phật giáo và chuẩn mực của cộng đồng khoa học để tìm mối tương đồng. Xác định giá trị cốt lõi của chuẩn mực đạo đức Phật giáo, nhận rõ tính tích cực, thiết thực của triết lý Phật giáo, qua đó góp phần nâng cao hoàn thiện chuẩn mực khoa học, để hoạt động khoa học thực hiện tốt hơn.

2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu:để đạt được mục tiêu nghiên cứu trên, luận án thực hiện những nhiệm vụ cụ thể sau:

– Tổng quan các công trình khoa học đã công bố liên quan đến chủ đề luận án quan tâm.

– Chỉ ra các khái niệm liên quan đến nội dung nghiên cứu như: triết lý Phật giáo, sai lệch trong cộng đồng khoa học, chuẩn mực của cộng đồng khoa học,… và lựa chọn phương pháp nghiên cứu. Chỉ ra cơ sở cho mối tương tác giữa triết lý Phật giáo và chuẩn mực của cộng đồng khoa học.

– Chỉ ra những điểm chung và sự khác biệt giữa chuẩn mực đạo đức của cộng đồng khoa học và triết lý Phật giáo. Từ đó, nhậndiện, đanh giá tác động của triết lý Phật giáo đến nhận thức và hành vi đạo đức của cộng đồng khoa học.

– Đề xuất giải pháp, khuyến nghị nhằm tăng cường thực hành chuẩn mực đạo đức trong cộng đồng khoa học.

3. Ý nghĩa của luận án

3.1. Ý nghĩa khoa học:luận án góp phần hệ thống và phát triển một số cơ sở lí luận về nhận diện mối tương tác giữa triết lý Phật giáo và các chuẩn mực của cộng đồng khoa học. Góp phần hoàn thiện thêm về khái niệm chuẩn mực cộng đồng khoa học nhằm điều chỉnh sai lệch khoa học. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu của luận án góp phần làm giàu thêm nguồn tri thức về Phật giáo khi nghiên cứu về tương tác giữa triết lý Phật giáo và chuẩn mực đạo đức của cộng đồng khoa học,từ đó có thêm cơ sở để chứng minh và làm rõ hơn về những triết lý Phật giáo.

3.2. Ý nghĩa thực tiễn:kết quả nghiên cứu đóng góp cho việc nâng cao tri thức, hiểu biết về triết lý Phật giáo và chuẩn mực khoa học, thông qua đó góp phần điều chỉnh hành vi đạo đức của người làm khoa học tốt hơn và điều chỉnh đạo đức xã hội hướng tới điều trung thực tốt lành.Kết quả nghiên cứu của luận án có thể được dùng làm tài liệu tham khảo cho các cá nhân, tổ chức quan tâm khi nghiên cứu về Phật giáo và chuẩn mực khoa học.

4. Đối tượng, khách thể và phạm vi nghiên cứu.

4.1.Đối tượng nghiên cứu: nhận diện tác động của chuẩn mực đạo đức trong triết lý Phật giáo đến chuẩn mực đạo đức của cộng đồng khoa học.

4.2.Khách thể nghiên cứu:cộng đồng khoa học Phật giáo là những tăng, ni đang làm khoa học và các nhà khoa học là Phật tử.

4.3.Phạm vi nghiên cứu: phạm vi không gian: hai học viện Phật giáo ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, nơi đào tạo các tăng, ni ở bậc cử nhân và sau đại học, nơi các nhà khoa học giảng dạy có làm việc ở một số trường và viện nghiên cứu. Phạm vi thời gian: 2018 – 2019 – 2020. Phạm vi nội dung nghiên cứu:trong giới hạn nghiên cứu này, luận án chỉ tập trung làm sáng rõ một số nội dung sau: Niềm tin của đối tượng khảo sát đối với một số triết lý Phật giáo; Nhận thức về sai lệch chuẩn mực khoa học; Biểu hiện hành vi sai lệch trong khoa học; Tác động của triết lý Phật giáo đến chuẩn mực đạo đức khoa học.

5. Phương pháp nghiên cứu.

5.1.Luận án sử dụng các phương pháp nghiên cứu:chuyên ngành quản lý khoa học và các phương pháp nghiên cứu liên ngành như quản lý, đạo đức học, sử học… sử dụng các phương pháp cụ thể như khảo sát, phỏng vấn… thu thập phân tích tài liệu từ các công trình nghiên cứu, các tài liệu từ sách báo của các tác giả trong và ngoài nước về đạo đức, triết lý Phật giáo; chuẩn mực trong cộng đồng khoa học; mối quan hệ giữa các triết lý Phật giáo liên quan đến chuẩn mực đạo đức.

5.2. Phương pháp trưng cầu ý kiến bằng bảng hỏi và phỏng vấn sâu:nhằm thu được thông tin định lượng, đề tài sử dụng phiếu trưng cầu ý kiến. Nghiên cứu sinh đã thực hiện khảo sát đối với 150vị, bao gồm các nhà khoa học là Phật tử và các tăng, ni đang học tập và nghiên cứu ở bậc sau đại học (thạc sĩ và nghiên cứu sinh) trên địa bàn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Dữ liệu khảo sát thu được sẽ được xử lý bằng phần mềm SPSS for 20.0 với các phép thống kê, mô tả, trung bình, trung vị, tương quan, theo yêu cầu của nghiên cứu. Kiểm định Chi-Square (χ2) được dùng để tìm hiểu mối liên hệ giữa các nhóm khách thể và thực hành những sai lệch chuẩn mực khoa học. Bên cạnh đó, nghiên cứu sử dụng phép kiểm định Anova để so sánh sự khác biệt về giá trị trung bình trong nhận thức về những biểu hiện lệch chuẩn trong cộng đồng khoa học giữa các nhóm khách thể.

6. Những đóng góp mới của luận án.

– Luận án góp phần làm rõ chuẩn mực đạo đức Phật giáo.

– Luận án chỉ rõ mối tương tác giữa triết lý Phật giáo và chuẩn mực của cộng đồng khoa học.

– Luận án đề xuất một số giải pháp xây dựng chuẩn mực đạo đức của cộng đồng khoa học trên cơ sở đạo đức đúng đắn của triết lý Phật giáo

7. Kết cấu của luận án.

Ngoài phần mở đầu; kết luận; danh mục các bài viết của tác giả và danh mục tài liệu tham khảo; nội dung của luận án gồm 4 chương, được trình bày cụ thể:

CHƯƠNG 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN TỚI ĐỀ TÀI

Nghiên cứu về Phật giáo và hoạt động khoa học thường tập trung vào một số nhóm vấn đề như sau: (1) Những nghiên cứu về triết lý Phật giáo với đạo đức con người và xã hội. (2) Những nghiên cứu về chuẩn mực của cộng đồng khoa học. (3) Những nghiên cứu về mối tương tác giữa triết lý Phật giáo và chuẩn mực của cộng đồng khoa học. Tổng quan dưới đây sẽ làm rõ những hướng nghiên cứu đó.

1.1.Nghiên cứu về triết lý Phật giáo và chuẩn mực đạo đức Phật giáo.

1.1.1.Nghiên cứu về triết lý Phật giáo:

Từ các tác giả nước ngoài, có thể kể đến một số công trình như: “Cốt tủy của đạo Phật”của Daisetz Teitaro Suzuki do Trúc Thiên dịch; “Nền tảng của đạo Phật” của Peter D. Santina do Thích Tâm Quang dịch… Nghiên cứu “Hoàn thiện cuộc sống nhờ pháp Phật” của Sunil JVimalavansa, cuốn sách “Tư tưởng Phật học” của W.Rahula; “Nguyên thủy Phật giáo tư tưởng luận”,cuốn sách “Nhân quả triết lý trung tâm Phật giáo” của Kalupahana; “Tiểu thừa Phật giáo tư tưởng luận”, “Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận” của Kimura Taiken.Narada Thera về “Đức Phật và Phật pháp” đã cung cấp nền tảng căn bản cho ai muốn tìm hiểu Phật giáo nguyên thủy. O. Rozenberg về “Cuốn Phật giáo những vấn đề triết học” đã trình bày những vấn đề cơ bản thế giới quan Phật giáo. Charles A. Rarick về “Enlightened Management: An Analysis of Buddhist Precepts Applied to Managerial Activity” (tạm dịch: Quản lý giác ngộ: Phân tích giới luật Phật giáo được áp dụng cho hoạt động quản lý) đã phân tích mối quan hệ giữa niềm tin Phật giáo và thực hành.

Nghiên cứu về chủ đề sự tương đồng giữa Phật giáo và khoa học, có thể kể đến các công trình nghiên cứu của Trịnh Xuân Thuận như: “Khoa học và Phật giáo:Có nền tảng cho một đối thoại?”; “Khoa Học Và Đạo Phật”;“Tương Đồng Giữa Khoa Học Và Phật giáo”; “Duyên Khởi Và Tính Bất Khả Phân Của Hiện Tượng”;“Cái vô hạn trong lòng bàn tay”.

“Việt Nam Phật giáo sử luận” của tác giả Nguyễn Lang, đã đề cập đến các giai đoạn của Phật giáo vào Việt Nam, vai trò của các thiền sư trong công cuộc dựng nước và giữ nước của các triều đại phong kiến Việt Nam.“Lịch sử Phật giáo Việt Nam” của tác giả Nguyễn Tài Thư đã bàn về các tông phái Phật giáo và đã phân tích vai trò của Phật giáo đối với các lĩnh vực tư tưởng chính trị trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam.Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu về ảnh hưởng của Phật giáo đối với tư tưởng Việt Nam như các nhà nghiên cứu thuộc Viện Triết học,Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam Trần Hồng Liên, Nguyễn Tài Thư, Trần Văn Giàu, Nguyễn Đăng Duy…

Các công trình nghiên cứu của các tác giả trong nước và quốc tế dưới nhiều quan điểm và góc độ khác nhau đã tiếp cận Phật giáo và vai trò của Phật giáo. Đồng thời, khẳng định Phật giáo có giá trị và ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống của con người.

1.1.2.Nghiên cứu về chuẩn mực đạo đức của cộng đồng khoa học:

Theo Robert K. Merton (1910 – 2003), ông đã khái quát hoá thành bốn loại sau đó được phát triển thành năm loại như sau: (1) Tính cộng đồng (Communalism); (2) Tính phổ biến (Universalism); (3) Tính không vụ lợi (Dissinterestedness); (4) Tính độc đáo (Originality); (5)Tính hoài nghi (Organized Skepticism).

C. Neal Stewart, Jr. về “Research Ethics for Scientists: A Companion for Students” (tạm dịch: Đạo đức nghiên cứu dành cho nhà khoa học: Người bạn đồng hành cho sinh viên) trình bày về các phương pháp trong quản lý và thực hành nghiên cứu khoa học. Trong nghiên cứu “Chuẩn mực và kiểm soát xã hội đối với các chuẩn mực trong hoạt động khoa học” của Vũ Cao Đàm, tác giả đã nhận định chuẩn mực là tổng hợp các quy tắc, yêu cầu, đòi hỏi của xã hội đối với mỗi cá nhân hay nhóm xã hội. Ngoài những chuẩn mực chung mang tính toàn xã hội, mỗi nhóm xã hội, mỗi địa vị xã hội đều có chuẩn mực riêng biệt”.

Theo Nguyễn Tuấn trong “Đạo đức khoa học”được tóm lược qua 06 nguyên tắc cơ bản sau đây:Nguyên tắc thứ nhất là trung thực tri thức; Nguyên tắc thứ hai là cẩn thận; Nguyên tắc thứ ba là tự do tri thức; Nguyên tắc thứ tư là công khai; Nguyên tắc thứ năm là ghi nhận công trạng thích hợp; Nguyên tắc thứ sáu là trách nhiệm trước công chúng.

Theo Vũ Cao Đàm người làm khoa học có thể lệch chuẩn do vô tình hoặc cố ý, cũng có thể do trình độ của phương tiện và phương pháp nghiên cứu.Có bốn loại lệch chuẩn sau:(1) Lệch chuẩn nhận thức; (2) Lệch chuẩn kĩ thuật; (3) Lệch chuẩn xã hội; (4) Lệch chuẩn đạo đức.

Tóm lại, mỗi kết luận sai lệch về khoa học có thể do một dạng lệch chuẩn, hoặc là kết quả của một số dạng lệch chuẩn; chẳng hạn, vừa lệch chuẩn kĩ thuật, vừa lệch chuẩn nhận thức, có cả lệch chuẩn đạo đức và lệch chuẩn xã hội.

1.2.Nghiên cứu về mối tương tác giữa triết lý Phật giáo và chuẩn mực của cộng đồng khoa học

Nghiên cứu của Thích Phước Đạt về “Phật giáo và đạo đức”cho rằng, đạo đức Phật giáo dựa trên quy luật nhân quả nghiệp báo đề cao ý thức trách nhiệm của mỗi người đối với cá nhân, cộng đồng và xã hội. “Phật giáo nhập thế và phát triển” của Hòa thượng Thích Trí Quảng cho rằng mục đích tối cao của Phật giáo là cứu khổ để giải thoát đã thể hiện tinh thần nhân văn “vì con người và cho con người”. Vũ Văn Giàu và cộng sự trong nghiên cứu về “Trách nhiệm xã hội nhìn từ triết học đạo đức Phật giáo”nhận định rằng đạo đức tôn giáo đã đánh thức lòng yêu thương của con người, cơ sở nền tảng của tinh thần trách nhiệm xã hội ở cá nhân và xã hội.

1.3.Những nội dung các công trình khoa học đã đề cập và chưa nghiên cứu

Các công trình khoa học đã công bố cho thấy các nghiên cứu về triết lý Phật giáo và chuẩn mực đạo đức của cộng đồng khoa học được nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước quan tâm.

1.3.1.Những điểm trống trong nghiên cứu

Có nhiều nghiên cứu về chuẩn mực xã hội và chuẩn mực trong hoạt động khoa học. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào đề cập trực tiếp đến nhận diện mối tương tác giữa triết lý Phật giáo và chuẩn mực của cộng đồng khoa học.

1.3.2.Những nội dung luận án cần nghiên cứu.

– Về lý thuyết. Luận án có nhiệm vụ bổ sung nội hàm các khái niệm liên quan tới nhận diện mối tương tác giữa triết lý Phật giáo và chuẩn mực của cộng đồng khoa học.

– Về thực tiễn. Thông qua việc khảo sát và phân tích nhận diện những điểm chung và sự khác biệt giữa chuẩn mực đạo đức của cộng đồng khoa học và triết lý Phật giáo. Từ đó, đánh giá tác động của triết lý Phật giáo đến nhận thức và hành vi của cộng đồng khoa học.Đề xuất giải pháp nhằm tăng cường thực hành chuẩn mực đạo đức trong cộng đồng khoa học.

Tiểu kết chương 1

Phật giáo là một trong số các tôn giáo lớn hiện nay, triết lý Phật giáo được nhìn nhận có nhiều nét trùng với khoa học đã chi phối nhiều mặt đời sống tinh thần của các tầng lớp trong xã hội. Luận án đã tổng hợp các nghiên cứu tiêu biểu của các học giả trong nước và quốc tế về các chủ đề: Triết lý Phật giáo, chuẩn mực đạo đức của cộng đồng khoa học và các nghiên cứu về mối tương tác giữatriết lý Phật giáo và chuẩn mực trong hoạt động khoa học. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào đề cập trực tiếp đến việc nhận diện mối tương tác giữa triết lý Phật giáo và chuẩn mực của cộng đồng khoa học. Trên cơ sở kế thừa các nghiên cứu trong nước và quốc tế, nghiên cứu về nhận diện mối tương tác giữa triết lý Phật giáo và chuẩn mực cộng đồng khoa học sẽ góp phần hệ thống và phát triển một số cơ sở lí luận về nhận diện mối tương tác giữa triết lý Phật giáo và các chuẩn mực của cộng đồng khoa học góp phần hoàn thiện thêm về khái niệm chuẩn mực cộng đồng khoa học nhằm điều chỉnh sai lệch khoa học,nhận diện những đặc điểm chung, sự khác biệt giữa chuẩn mực đạo đức của cộng đồng khoa học và Triết lý Phật giáo. Từ đó, đánh giá tác động của triết lý Phật giáo đến nhận thức và hành vi của cộng đồng khoa học. Đề xuất giải pháp nhằm tăng cường thực hành chuẩn mực đạo đức trong cộng đồng khoa học.

CHƯƠNG 2
CƠ SỞ ĐỂ NHẬN DIỆN MỐI TƯƠNG TÁC GIỮA TRIẾT LÝ PHẬT GIÁO VÀ CHUẨN MỰC ĐẠO ĐỨC CỦA CỘNG ĐỒNG KHOA HỌC

2.1. Khái niệm

2.1.1. Đạo đức, được hiểu theo nhiều cách tiếp cận trên những phương diện khác nhau, có thể được hiểu là tổng thể các quan niệm về đúng- sai, thiện- ác, thật- giả, tốt- xấu,… cùng các quy tắc ứng xử được hình thành nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội. Đạo đức được thực hiện dựa trên lương tâm, tình cảm cá nhân và sức mạnh của dư luận xã hội.

Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam:Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, bao gồm một hệ thống những quy tắc, chuẩn mực và thang giá trị được xã hội thừa nhận, có tác dụng chi phối, điều chỉnh hành vi của con người trong quan hệ với người khác, với cộng đồng và toàn xã hội cho phù hợp với lợi ích của con người và sự tiến bộ của xã hội.

2.1.1.1. Giá trị đạo đức, là sự khẳng định ý nghĩa của đối tượng khách thể đối với chủ thể về khía cạnh đạo đức chứa đựng hệ thống các chuẩn mực, quy tắc, nguyên tắc, thang giá trị được xã hội thừa nhận, mang lại lợi ích cho con người và sự tiến bộ xã hội.Giá trị đạo đức được thể hiện thông qua việc thực hiện các chức năng cơ bản của đạo đức như chức năng điều chỉnh hành vi, chức năng giáo dục, chức năng nhận thức.

2.1.1.2. Chuẩn mực đạo đức, là hệ thống các quy phạm đạo đức được mọi người thừa nhận và trở thành khuôn thước, quy tắc, hệ quy chiếu để điều chỉnh và quy định hành vi của con người trong xã hội ở giai đoạn lịch sử nhất định.

Chuẩn mực đạo đức mang tính tương đối: Trong mỗi một thời đại khác nhau, những chuẩn mực về đạo đức cũng khác nhau, những chuẩn mực về đạo đức luôn có sự biến đổi để phù hợp với xã hội (có chuẩn mực đạo đức mới, có chuẩn mực đạo đức cũ, có chuẩn mực đạo đức tiên tiến, có chuẩn mực đạo đức lỗi thời).

2.1.1.3. Động lực đạo đức, là sự tự nguyện, sự cố gắng, sự thôi thúc có mục đích của mỗi cá nhân nhằm tuân theo, thực hiện hệ thống những quy tắc, chuẩn mực và thang giá trị được xã hội thừa nhận. Những quy tắc, chuẩn mực và thang giá trị này có tác dụng chi phối, điều chỉnh hành vi của con người trong quan hệ với người khác, với cộng đồng, toàn xã hội cho phù hợp với lợi ích của con người và sự tiến bộ của xã hội.

2.1.2. Triết lý Phật giáo, là hệ thống tư tưởng của Phật giáo nhằm mang lại hạnh phúc, an lạc cho con người và xã hội. Phật giáo không chỉ là một tôn giáo mà còn là một trào lưu triết học trên cơ sở kế thừa những nền tảng tư tưởng truyền thống của Ấn Độ cổ. Quan điểm và tư tưởng, giáo lý của đức Phật được thế tục hóa, hòa nhập với tín ngưỡng bản địa, khiến triết lý của Phật giáo trở nên gần gũi và dễ hiểu, dễ ứng dụng trong cuộc sống như “Phật giáo tại tâm”,…

2.1.2.1. Đạo đức trong Phật giáo. Theo Phật Quang đại từ điển thì “Đạo đức là nguyên lý thiện ác, chính tà có liên quan đến hành vi của nhân loại”. Theo Từ điển Phật học thì “Đạo là chính pháp, đức là đắc đạo, là không làm sai lệch nền chính pháp”. Nội dung cơ bản đạo đức Phật giáo được thể hiện chủ yếu ở quan điểm về: đức từ bi, hỷ xả, vô ngã, vị tha; tu tâm; hành thiện, giải thoát và xây dựng xã hội tốt đẹp.

2.1.2.2. Giá trị đạo đức Phật giáo.Từ bi – giá trị nền tảng của đạo đức Phật giáo. Từ bi có nghĩa là tình thương mang lại niềm vui, hạnh phúc cho mọi người, mọi loài, và cứu khổ, cứu nạn cho chúng sinh, quên những lợi ích của bản thân. Tu tâm – giá trị định hướng của đạo đức Phật giáo. Phật giáo quan niệm, mọi sự mọi việc đều do tâm tạo ra tất cả “nhất thiết duy tâm tạo”. Hành thiện – giá trị chủ đạo của đạo đức Phật giáo.“Không làm mọi điều ác, Thành tựu các hạnh lành, Tâm ý giữ trong sạch, Chính lời chư Phật dạy”.

2.1.2.3. Chuẩn mực đạo đức trong Phật giáo.Trong phạm vi của nghiên cứu, luận án phân tích 10 chuẩn mực đạo đức Phật giáo cơ bản gồm: khiêm hạ, tàm quý, trung thực, kiên định, không phóng dật, nhẫn nhục, biết ơn, buông xả, dấn thân và tiết tháo.

(1)Khiêm hạ, được hiểu ở ba khía cạnh:thứ nhất, dẹp hết kiêu ngạo. Thứ hai, kính trên nhường dưới. Thứ ba, tôn trọng tha nhân, yêu quý bản thân mình.

(2)Tàm quý, được hiểu là “tàm” tự hổ với mình,“quý” thẹn với người. Con người phải biết hổ thẹn với lương tâm của mình, xấu hổ với người khi suy nghĩ và làm những điều sai trái.

(3)Trung thực, được hiểu là trung thực với chính bản thân mình và trung thực với tha nhân. Với bản thân mình, muốn gì, khả năng của bản than. Trung thực với tha nhân là tiền đề xây dựng và duy trì mối quan hệ xã hội tốt đẹp.

(4)Kiên định, được hiểu là sự vững vàng trong quyết định, trong dự tính, trong mối quan hệ, trong lý tưởng hay con đường đã chọn.Kiên định quyết định tính cách, năng lực, giá trị… của con người.

(5)Không phóng dật, được hiểu là không để tâm lung lay trước những cám dỗ, không chạy theo dục vọng mà siêng năng, chăm chỉ tu tập các thiện pháp.

(6)Nhẫn nhục, được hiểu là tâm tư an tịnh mà chịu đựng, chấp nhận những khổ đau, bức bách, hủy nhục, khó chịu… do các điều kiện bên ngoài đem đến.

(7)Biết ơn, được hiểu là việc nhận ra mình được giúp đỡ và đáp trả việc giúp đỡ đó bằng tình cảm hoặc hành động chân thành.

(8)Buông xả, được hiểu là buông bỏ những phiền não trong cuộc sống để hướng đến cuộc sống bình an. Nghĩa khác là sự hy sinh bản thân, hy sinh nhu cầu, sở thích cá nhân để nhằm đạt mục tiêu cao hơn.

(9)Dấn than, được hiểu là sự tự khẳng định bản thân, vượt qua chính mình, là hành động đem lại lợi ích cho nhiều người mà không vụ lợi. Tuy nhiên, dấn thân không đồng nghĩa với sự liều mạng, xem thường thân thể.

(10)Tiết tháo, được hiểu là khí tiết, là danh dự và phẩm vị của con người. Theo thế giới quan của Phật giáo, tiết tháo là chuẩn mực quan trọng định hình phẩm chất của con người.

2.1.3. Cộng đồng khoa học, là một tập thể nghề nghiệp- xã hội đặc thù, bao gồm những người có trình độ chuyên môn nhất định, cùng chung loại hình hoạt động khoa học và hệ thống giá trị – chuẩn mực xã hội.

2.1.4. Chuẩn mực của cộng đồng khoa học, là tập hợp những mong đợi, yêu cầu, quy tắc đối với hành vi trong cộng đồng khoa học. Những chuẩn mực này được khái quát hóa thành năm loại: Tính cộng đồng;Tính phổ biến;Tính không thiên kiến;Tính độc đáo;Tính hoài nghi.

2.2. Một số tư tưởng trong triết lý Phật giáo.

2.2.1. Tứ diệu đế gồm: 1) Khổ đế. 2) Tập đế. 3) Diệt đế. 4) Đạo đế.

2.2.2. Bát chính đạo,là tám cánh cửa phải qua trên con đường để thoát khỏi khổ đau bao gồm: 1) Chính kiến. 2) Chính tư duy. 3) Chính ngữ. 4) Chính nghiệp. 5) Chính mạng. 6) Chính tinh tấn. 7) Chính niệm. 8) Chính định.

2.2.3. Thuyết luân hồi.Luân là bánh xe, hồi là lăn tròn,theo quan điểm của Phật giáo thì con người không chỉ có mặt ở kiếp sống này một lần, mà trở đi trở lại nhiều lần trong sự sống quanh ta có ở sáu cõi: trời, người, a-tu-la, ngạ quỷ, súc sinh và địa ngục. Tuy nhiên người phàm chỉ thấy được hai cõi là cõi người và cõi súc sinh. Bốn cõi khác người thường không thấy.

2.2.4. Luật nhân quả- nghiệp báo, theo Phật giáo, những hành động mà chúng ta thực hiện là việc “gieo nhân” và khi hội đủ “duyên” nó sẽ thành “quả” tương ứng. Nếu chúng ta hành động đúng, gieo nhân tốt thì quả chúng ta nhận lại sẽlà những điều tốt lành. Ngược lại nếu gieo nhân xấu thì sẽ gặt hái được những quả xấu.

2.3. Cơ sở lý luận về tương tác giữa triết lý Phật giáo và chuẩn mực của cộng đồng khoa học

(1) Khoa học biện chứng đã khẳng định mọi sự vật hiện tượng trong thế giới đều có sự vận động, tác động biến đổi và phát triển. Triết lý Phật giáo và chuẩn mực của cộng đồng khoa học là hai thành tố trong kiến trúc thượng tầng xã hội. (2) Tư tưởng Hồ Chủ tịch và quan điểm của Đảng Cộng Sản Việt Nam làm cơ sở cho tương tác đó. Hồ chủ tịch đã nói: “Chúng ta học ở Phật giáo về hạnh từ bi và đạo đức tàm quý, bởi hạnh lành và đạo đức đó phù hợp với đạo đức, cốt cách con người Việt Nam mà cha ông ta đã dạy”. Nghị quyết 25 của Đảng Cộng Sản Việt Nam đã đề cập: “Đạo đức tôn giáo có nhiều điểm phù hợp với đạo đức con người mới xã hội chủ nghĩa”. Những tư tưởng và quan điểm đó bổ sung vào cơ sở lý luận về tương tác giữa triết lý Phật giáo và chuẩn mực cộng đồng khoa học.

Tiểu kết chương 2

Chương 2 trình bày khái quát về cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu được sử dụng đồng thời chỉ ra các khái niệm được sử dụng trong nghiên cứu. Khái niệm về triết lý Phật giáo, chuẩn mực khoa học, sai lệch trong cộng đồng khoa học, tương tác giữa triết lý Phật giáo và chuẩn mực khoa học. Nội dung cơ bản của tư tưởng đạo đức Phật giáo được thể hiện chủ yếu ở quan điểm về: đức từ bi, hỷ xả, vô ngã, vị tha; tu tâm; hành thiện, giải thoát và xây dựng các mối quan hệ xã hội. Đó là những nội dung chung nhất và có giá trị phổ quát nhất.Các lý thuyết được sử dụng trong nghiên cứu bao gồm: lý thuyết kiểm soát xã hội cho việc giải thích, phân tích trong thực hành chuẩn mực đạo đức trong cộng đồng khoa học.

Trong cơ sở của tương tác giữa triết lý Phật giáo và chuẩn mực cộng đồng khoa học. Cùng với quan điểm của triết học duy vật biện chứng thì tư tưởng của Hồ Chủ tịch, quan điểm của Đản Cộng Sản Việt Nam và tư tưởng của đức Phật là cơ sở lý luận vững chắc cho tương tác giữa triết lý Phật giáo và chuẩn mực của cộng đồng khoa học.

Từ cơ sở đó để chúng ta tiếp tục nghiên cứu nhận diện về mối tương tác của hai thành tố trên ở chương sau.

CHƯƠNG 3
NHẬN DIỆN MỐI TƯƠNG TÁC GIỮA TRIẾT LÝ PHẬT GIÁO VÀ CHUẨN MỰC ĐẠO ĐỨC CỦA CỘNG ĐỒNG KHOA HỌC

3.1. Cộng đồng khoa học trong Phật giáo.

3.1.1. Niềm tin đối với đạo Phật của cộng đồng khoa học Phật giáo.

Chỉ thị số 18- CT/TW ngày 10/01/2018 của Bộ Chính trị Đảng Cộng Sản Việt Nam khẳng định “tôn giáo là một nguồn lực xã hội”, trường đào tạo Phật học góp phần đào tạo nhân lực cho xã hội ở các trình độ khác nhau. Tìm hiểu về niềm tin giáo lý đạo Phật, qua thang đo với 5 mức độ như sau: Không tin (1); Tin rất ít (2); Tin ít (3); Tin nhiều (4); Tin rất nhiều (5).Để thực hiện đánh giá này, Nghiên cứu sinh đã thực hiện khảo sát, đánh giá đối tượng là các nhà khoa học Phật giáo giảng dạy và tăng, ni đang học, nghiên cứu tại học viện Phật giáo Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. HV PG Hà Nội có 47 giáo viên: trong đó tiến sĩ 37 vị,thạc sĩ 05 vị. Dạy 4 lớp cử nhân, 2 lớp thạc sĩ, 1 lớp nghiên cứu sinh với gần 600 học viên. HV PG thành phố Hồ Chí Minh có 125 giáo viên trình độ tiến sĩ, 16 giáo viên trình độ thạc sĩ. Dạy 03 lớp thạc sĩ, 02 lớp nghiên cứu sinh tiến sĩ Phật học, 14 lớp cử nhân tập trung và học từ xa, tổng số trên 1.700 học viên.
Thực hiện điều tra khảo sát ở hai Học viện PG, số lượng 150 vị, đối tượng cụ thể như sau:

1) Nhà khoa học trình độ tiến sĩ: 100 vị/164 vị chiếm 61%;

2) Số học viên học nghiên cứu sinh: 26 NCS/ 45NCS chiếm 58%;

3) Số tăng, ni học cử nhân Phật học mỗi lớp 02 vị, tổng số 24 vị.

Với số lượng và thành phần khảo sát theo mẫu chọn trên, đủ cơ sở để đại diện cho cộng đồng khoa học Phật giáo như đã xác định. Thực hiện khảo sát từ 6/8/2019, thu về 144 phiếu đạt 96% dự kiến được thực hiện.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Moi tuong tac giua triet ly Phat giao va chuan muc khoa hoc 1

3.1.3. Nhận thức của cộng đồng khoa học Phật giáo về các lệch chuẩn trong cộng đồng khoa học

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Moi tuong tac giua triet ly Phat giao va chuan muc khoa hoc 2

3.1.4. Sự tác động của Phật giáo vào cộng đồng khoa học Phật giáo.

Sự tương đồng của giá trị đạo đức Phật giáo (triết lý Phật giáo) và chuẩn mực cộng đồng khoa học đó là đề cao tính khách quan.

Điểm tương đồng tiếp theo giữa chuẩn mực đạo đức Phật giáo và chuẩn mực khoa học chính là tính trung thực, thành thật.

3.2. Tương tác giữa triết lý Phật giáo và chuẩn mực của cộng đồng khoa học

3.2.1. Tương đồng và khác biệt giữa triết lý Phật giáo và chuẩn mực cộng đồng khoa học.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Moi tuong tac giua triet ly Phat giao va chuan muc khoa hoc 3 Tap chi Nghien cuu Phat hoc Moi tuong tac giua triet ly Phat giao va chuan muc khoa hoc 4

3.2.2.6. Nội dung tương tác giữa triết lý Phật giáo và chuẩn mực của cộng đồng khoa học: a. Tương tác tri thức khoa học; b. Tương tác chuẩn mực đạo đức;c. Tương tác ở thế giới quan.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Moi tuong tac giua triet ly Phat giao va chuan muc khoa hoc 5

3.2.2.7. Đánh giá về mối tương tác giữa triết lý Phật giáo và chuẩn mực của cộng đồng khoa học.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Moi tuong tac giua triet ly Phat giao va chuan muc khoa hoc 6 Tap chi Nghien cuu Phat hoc Moi tuong tac giua triet ly Phat giao va chuan muc khoa hoc 7
Tiểu kết chương 3

Qua những phân tích trên có thể thấy các nhà khoa học trong Phật giáo vừa có kiến thức khoa học, vừa có niềm tin vào tôn giáo họ tin theo, cụ thể ở đây là Phật giáo. Nghiên cứu về đức tin tôn giáo và hiểu biết chuẩn mực cộng đồng khoa học Phật giáo, cho ta kết quả, nhóm giảng viên, nghiên cứu sinh có trình độ khoa học cao nhưng chỉ số mức độ niềm tin thấp hơn tăng, ni sinh học cử nhân Phật học. Trong khi nhóm tăng, ni sinh có niềm tin tuyệt đối vào đạo Phật. Kết quả này cũng phản ánh đúng thực tế về niềm tin với các nhóm đối tượng, bởi kiến thức khoa học càng cao, niềm tin càng cần có cơ sở. Phật giáo được xem là một khoa học tổng hợp, tuy nhiên khá nhiều vấn đề trừu tượng cho tới nay khoa học chưa chứng minh được rốt ráo những hiện tượng, như luân hồi, tái sinh,…

Nhận diện mối tương tác giữa triết lý Phật giáo và chuẩn mực Cộng đồng khoa học thông qua nghiên cứu, khảo sát cộng đồng khoa học Phật giáo ở hai trung tâm đào tạo Phật học lớn nhất Việt Nam cho thấy. Triết lý Phật giáo và chuẩn mực cộng đồng khoa học có mối tương tác nhau, thông qua đời sống tôn giáo mà triết lý tôn giáo có ảnh hưởng tới đạo đức khoa học và ảnh hưởng tới tiêu chí xây dựng chuẩn mực cộng đồng khoa học. Với hai thực thể, tính tương thích có ở nhiều nội dung thì đạo đức là tiêu chí chính. Triết lí Phật giáo và chuẩn mực cộng đồng khoa học được tương tác qua nhiều hình thức khác nhau với những nội dung khác nhau theo hoàn cảnh và môi trường cụ thể cho phép. Tuy nhiên thực tế hiện nay ở xã hội Việt Nam môi trường cho tương tác của triết lý Phật giáo và chuẩn mực cộng đồng khoa học còn có không ít trở ngại.

CHƯƠNG 4
GIẢI PHÁP NÂNG CAO NHẬN DIỆN MỐI TƯƠNG TÁC GIỮA TRIẾT LÝ PHẬT GIÁO VÀ CHUẨN MỰC CỦA CỘNG ĐỒNG KHOA HỌC

4.1. Dự báo về đạo đức khoa học và chuẩn mực cộng đồng khoa học

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự biến động đa dạng của đời sống xã hội trên bình diện quốc tế đã có ảnh hưởng rất lớn tới đạo đức khoa học.

4.1.1. Xu hướng nâng cao các giá trị đạo đức khoa học, trung thực và minh bạch trong thực hiện các hoạt động khoa học.Đây là xu hướng chung của cộng đồng khoa học hướng tới phát triển xã hội từ xưa cho tới nay.

4.1.2. Xu hướng vi phạm đạo đức khoa học vì lợi ích cá nhân đi ngược lợi ích xã hội.Mặt trái trong đạo đức khoa học ngày càng bộc lộ tính đa dạng, tinh vi, cực đoan và khốc liệt với nhiều động lực của động cơ khác nhau

4.1.3. Xu hướng vi phạm đạo đức khoa học và chuẩn mực khoa học ở quy mô rộng với tính phức tạp tăng và tính liên kết cao.Trước đây, những vi phạm đạo đức khoa học thường diễn ra với động cơ và quy mô cá nhân, giờ đây vi phạm về đạo đức với quy mô vi phạm rộng và tính liên kết ngày tăng cao.

4.1.4. Xu hướng xã hội người bị trí tuệ nhân tạo chi phối bị kiểm soát bởi một bộ phận các nhà khoa học biến thái.Khoa học kỹ thuật ngày càng cao thì sự lệ thuộc của con người vào thiết bị máy móc và thông tin đa chiều ngày càng lớn.

4.2. Một số căn cứ xây dựng giải pháp.

4.2.1. Chuẩn mực chung của cộng đồng khoa học,(chương I)

4.2.2. Các hành vi lệch chuẩn trong hoạt động khoa học, (chương II)

4.2.3. Một số giá trị đạo đức trong triết lý của Phật giáo.Đạo đức Phật giáo xuất phát từ chính việc hướng con người tới giải thoát khỏi khổ đau.

4.2.4. Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng đạo đức của người làm công tác khoa học.

Hungary, tiêu cực trong KH&KT có nhiều điểm giống nước ta, quản lý ngân sách cho KH&KT trước đó do ba cơ quan phụ trách, chồng chéo, không hiệu quả. Sau khi điều chỉnh quản lý ngân sách cho KH&KT quy về một đầu mối, kiểm toán chặt chẽ, lấy kết quả KH&KT làm thước đo,…từ đó hoạt động KH&KT đã có chuyển biến rất tốt.

Trung Quốc, quản lý KH&KT nhiều điểm giống Việt Nam. Chính phủ Trung Quốc đã ban hành bộ nguyên tắc gồm 07 nội dung, quy định rất cụ thể, nhằm kiểm soát chặt chẽ và tăng hiệu lực quản lý KH&KT.Tách quản lý KH&KT ra khỏi quản lý chung, thực hiện kiểm tra giám sát chặt chẽ, quy trách nhiệm từ dưới lên trên. Sự nghiêm túc đã giúp cho KH&KT phát triển tích cực.

4.2.5. Luật khoa học Công nghệ,

4.2.6. Luật sở hữu trí tuệ,

4.2.7. Kết quả khảo sát đề tài

4.3. Một số giải pháp hình thành chuẩn mực của cộng đồng khoa học

4.3.1. Nhóm giải pháp khuyến khích, động viên, khen thưởng.

4.3.2. Nhóm giải pháp xử lý khi có vi phạm.

4.3.2.1. Giải pháp phát hiện, can thiệp, xử lý đối với những vi phạm trong cộng đồng khoa học

4.3.2.2. Giải pháp tổ chức và cung cấp thông tin khoa học và công nghệ.

4.3.3. Nhóm giải pháp giáo dục, tuyên truyền

4.3.3.1. Giải pháp về nâng cao nhận thức cho những người làm khoa học

4.3.3.2. Giải pháp về nâng cao năng lực cho người làm khoa học để tránh những biểu hiện sai lệch

4.3.3.3. Giải pháp giao lưu và sinh hoạt học thuật

4.3.4. Nhóm giải pháp liên quan tới tương tác giữa triết lý Phật giáo và chuẩn mực cộng đồng khoa học

4.3.4.1. Giải pháp tạo môi trường thuận lợi cho tương tác giữa triết lý Phật giáo và chuẩn mực cộng đồng khoa học.

4.3.4.2. Có chính sách phù hợp để thúc đẩy hình thức tương tác và nội dung tương tác hiệu quả.

Tiểu kết chương 4

Nâng cao nhận diện tương tác giữa triết lý Phật giáo và chuẩn mực cộng đồng khoa học, có nhiều giải pháp khác nhau, như: lựa chọn phương pháp nghiên cứu tối ưu qua điều kiện, kỹ thuật, phương tiện quan sát, kiểm tra, đánh giá… Qua nghiên cứu từ thực tiễn cho thấy giải pháp tốt nhất là làm cho hai yếu tố tương tác càng mạnh, càng rõ thì việc nhận diện càng thuận lợi. Luận án đã đưa ra các nhóm giải pháp và khuyến nghị để thực hiện điều đó.

KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ

1. Kết luận

Cộng đồng khoa học Phật giáo nhận thức khá rõ về những chuẩn mực khoa học được nghiên cứu đề cập đến. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận nhận thức chưa phù hợp về những chuẩn mực khoa học.

Từ những luận cứ khoa học đã phân tích, nghiên cứu sinh đề xuất giải pháp nhằm giúp cho chuẩn mực cộng đồng khoa học ngày một hoàn thiện và hiệu quả hơn.

2. Khuyến nghị

2.1. Khuyến nghị về mặt khoa học

Cần tập trung vào một số hướng nghiên cứu cứu mới:- Mở rộng phạm vi về mặt không gian nghiên cứu liên quan đến chủ đề chuẩn mực cộng đồng khoa học, triết lý Phật giáo để có kết quả sâu hơn trong vấn đề này.- Nghiên cứu sâu hơn về các yếu tố khách quan, chủ quan ảnh hưởng đến hành vi lệch chuẩn trong cộng đồng khoa học, chính sách pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo, yếu tố kinh tế, văn hóa,….

2.2. Khuyến nghị về mặt thực tiễn

Đối với các cơ sở đào tạo Phật giáo. Tuyên truyền nâng cao nhận thức chuẩn mực khoa học. Xử lý nghiêm đối với các biểu hiện hành vi sai trong quá trình học tập, thực hiện luận văn, luận án, bài tập.

Đối với cộng đồng khoa học Phật giáo. Cần nâng cao nhận thức cho người làm khoa họctrong Phật giáo về đạo đức nghề nghiệp, những chuẩn mực trong cộng đồng khoa học, những hành vi lệch chuẩn trong cộng đồng khoa học. Những lệch chuẩn trong cộng đồng Phật giáo nói chung, trong cộng đồng khoa học Phật giáo nói riêng rất cần được quan tâm điều chỉnh để chuẩn mực trong cộng đồng Phật giáo chuẩn mực, góp phần điều chỉnh đạo đức và hành vi xã hội hiệu quả.

DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN

1. Đào Thị Mỹ Dung (2019), “Nhận thức của giảng viên, nghiên cứu sinh và Tăng ni sinh về chuẩn mực của khoa học”, Tạp Chí Khoa học xã hội và nhân văn, T.V (2b), tr.339-349.
2. Đào Thị Mỹ Dung (2020), “Proposing solutions to prevent standard deviations in the scientific community on the basis of combined Buddhist philosophy and scientific standards”, International Journal of Science and Research (IJSR), ISSN: 2319-7064, Vol. 9 (12), pp.342-346.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường