Mở đầu: Nhà Lý trong lịch sử của dân tộc Việt Nam được xem như một mốc son đánh dấu bước ngoặt căn bản trong sự phát triển hệ tư tưởng văn hóa tâm linh của dân tộc và có ảnh hưởng lớn cho đến ngày nay.

Được thiết lập vào năm 1009, khi vừa bắt tay xây dựng một thiết chế chính trị và hệ tư tưởng độc lập, nước ta dưới thời Lý đã có một quá trình tiếp biến văn hóa độc đáo. Đặc điểm nổi bật của hệ tư tưởng tín ngưỡng thời kỳ này chính là, vương triều Lý đã chú trọng phát triển đạo Phật với sự tiếp nhận từ luồng tư tưởng mới từ nước ngoài kết hợp cùng các yếu tố nội sinh.

Nhà Lý đã chọn đạo Phật làm diện mạo để xây dựng con đường tâm linh cho dân tộc. Tinh thần Phật giáo trở thành nền tảng làm chuyển hóa dần dần tâm thức cộng đồng và văn hóa dân tộc. Hệ thống cộng đồng làng xã dưới thời Lý giữ vai trò là nền tảng cơ sở cho cấu trúc xã hội. Các nhà sư đồng thời giữ vai trò như thầy thuốc, thầy đồ, thầy dạy đạo cho dân. Do đó, bắt đầu từ thời Lý trở đi, những mái chùa Việt không chỉ là biểu tượng cho tín ngưỡng mà còn là nơi hội tụ tinh hoa và lưu giữ nhiều giá trị văn hóa dân tộc. Ý thức hệ của giai cấp quý tộc và toàn xã hội từ đây dần có bước chuyển mình làm tiền đề quan trọng cho các giai đoạn phát triển kế tiếp.

Các thiền sư có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân và giữ vai trò là cố vấn chính trị cho triều đình. Thiền sư Vạn Hạnh, Khuông Việt, Thông Biện,… là những đại diện tiêu biểu đã “chống gậy thiền để giữ yên xã tắc”.

Tuy nhiên, bài viết này sẽ đề cập đến một góc nhìn tổng quan để làm sáng tỏ vai trò dung hợp điển hình cho hệ tư tưởng và tín ngưỡng thời kỳ này từ một vị thiền sư – quốc sư duy nhất được nhắc đến với cả cụm danh từ tiêu biểu cho một triều đại: Lý triều quốc sư Nguyễn Minh Không.

Điều dẫn đến một thiền sư Minh Không khác biệt, chính là ở vai trò dấn thân. Tinh thần nhập thế và sự dung hợp những luồng tư tưởng tín ngưỡng trong xã hội trở thành một yếu tố quan trọng cho việc xây dựng một con đường tâm linh chung của dân tộc từ giai đoạn này trở về sau.

Từ khóa: Nguyễn Minh Không, Phật giáo thời Lý, tư tưởng, tín ngưỡng, lịch sử Việt Nam…

Bối cảnh xã hội thời Lý - tư tưởng dung hợp giữa các hệ phái đương thời

Bối cảnh xã hội thời Lý – Sự hỗn dung của các luồng tư tưởng và tín ngưỡng

Vai trò dung hợp các luồng tín ngưỡng và tạo dấu ấn riêng cho Phật giáo bản địa của Quốc sư Minh Không

Trước hết, căn cứ vào quá trình khảo cứu và những thư tịch, tư liệu có được, bài viết này dựa trên quan điểm: Không Lộ không chỉ là đạo hiệu mà còn là danh tính một pháp tu. Thiền sư Nguyễn Minh Không là người nối pháp và cũng từng có đạo hiệu Không Lộ. Dựa vào tư liệu và quan điểm khảo cứu, chúng tôi ủng hộ hướng đề xuất cho rằng Lý triều quốc sư Nguyễn Minh Không chính là thiền sư Giác Hải (tức Định Giác(1)). Cuộc đời và hành trạng cũng như quá trình tu đạo của ba vị Nam thiên thánh tổ: Không Lộ, Minh Không (Giác Hải) và Từ Đạo Hạnh có những mối tương quan chặt chẽ (đồng môn – bạn đạo – thầy trò,...). Do vậy, vai trò của quốc sư Minh Không được đặt trong mối quan hệ tổng hòa từ sự dung hợp tư tưởng của các dòng thiền và những hệ phái mà thiền sư Không Lộ, Minh Không, Giác Hải, Từ Đạo Hạnh đã tiếp nhận.

1. Quốc sư Minh Không với tín ngưỡng thờ Đế Thích của Hinđu giáo

Theo chiều dài lịch sử, các hệ phái tín ngưỡng đa dạng ở nước ta đã được định hình và phát triển. Đặc biệt đến thời Lý, khi nước nhà độc lập và văn hóa xã hội phát triển, đời sống tâm linh của dân tộc cũng được đánh dấu bằng những bước ngoặt quan trọng. Trong quá trình ấy, cuộc đời hành đạo của các vị thiền sư đã dẫn đến sự tương tác, giao thoa giữa các hệ tư tưởng. Con đường mới cho Phật giáo Việt Nam đa sắc, hỗn dung và độc đáo được hình thành.

Hindu giáo đã du nhập vào miền Bắc ngay từ những thế kỷ đầu Công nguyên. Phật giáo được các nhà sư Ấn Độ truyền vào Việt Nam và hình thành trung tâm Phật giáo Luy Lâu. Thời kỳ này, Phật giáo Giao Châu đã trưởng thành vượt bậc với các danh sư Khâu Đà La, Mâu Bác, Khương Tăng Hội, và Ma Ha Kỳ Vực... Đạo Phật được bản địa hóa với các vị Phật bản địa như: Phật Mẫu Man Nương, Phật Mẫu Tây Thiên, Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện, được thờ không chỉ ở chùa Dâu mà trong khắp các vùng miền của đồng bằng Bắc bộ. Các chùa thời Lý thờ Phật Thích Ca và Đế Thiên Đế Thích, tứ pháp, tương truyền rất linh thiêng được vua chúa, dân chúng sùng bái, cầu đảo.

Điển hình có thể thấy ảnh hưởng đậm nét của Hindu giáo trong đạo Phật từ những ghi chép của Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) thời kỳ này:

- “Làm chùa Sùng Khánh Báo Thiên, phát 1 vạn 2 nghìn cân đồng để đúc chuông lớn. Vua thân làm bài minh” (Bính Thân, [Long Thụy Thái Bình] năm thứ 3 [1056], (Tống Gia Hựu năm thứ 1). Mùa Hạ, Tháng 4.)

- “Mùa đông, tháng 12, làm hai chùa Thiên Phúc và Thiên Thọ. Đúc hai pho tượng Phạn Vương và Đế Thích bằng vàng để phụng thờ.” (Đinh Dậu, [Long Thụy Thái Bình] năm thứ 4 [1057], (Tống Gia Hựu năm thứ 2). – Quyển III, tờ 2a

- “Dựng hai chùa Thiên Ninh, Thiên Thành và tô tượng Đế Thích. Vua ngự đến xem.” ([38a] Giáp Dần, Thiên Chương Bảo Tự năm thứ 2 [1134], (Tống Thiệu Hưng năm thứ 4) – Quyển III

- “Tháng 5, hạn, cầu đảo được mưa to. Chủ đô Nhiễm hoành là Hà Nhi dâng chim sẻ trắng. Dựng nhà cho đại sư Minh Không.” (Tân Hợi, [Thiên Thuận] năm thứ 4 [1131], (Tống Thiệu Hưng năm thứ 1). – Quyển III/bản kỷ tờ 36b(2)

Trên hai phương diện thờ tự, thực hành tín ngưỡng ta có thể thấy được những ảnh hưởng rõ nét và sâu đậm của Ấn Độ và Bà La Môn giáo trong đời sống tín ngưỡng thời Lý. Trong các ngôi chùa còn lại cho đến ngày nay(3), hình thức thờ bên cạnh Phật Thích Ca sơ sinh là hai vị thần Phạn Vương và Đế Thích mặc y phục Hoàng Đế, đầu đội mũ bình thiên có vai trò bảo hộ. Đế Thích còn được kết hợp với Đạo giáo và trở thành Ngọc Hoàng thượng đế, được thờ trong các quán hoặc các chùa. Như vậy, tư tưởng của tôn giáo này không tách rời mà cộng hưởng với Phật giáo một cách hài hòa.

Bên cạnh đó, Phật giáo Việt Nam còn là sự dung hòa trong nội hàm. Tịnh độ và Mật giáo không hình thành những tông phái độc lập. Thiền, Tịnh, Mật cùng với những ảnh hưởng của Bà La Môn và những yếu tố tín ngưỡng bản địa của dân tộc như thờ cúng tổ tiên xuất phát từ đạo Lão, tất cả hợp thành một sự tổng hòa trong đời sống tâm linh dân tộc. Có thể nói, đạo Phật tại Việt Nam đã diễn ra một quá trình tiếp biến và bản địa hóa để trở nên gần gũi với đời sống xã hội của nền nông nghiệp lúa nước và nền văn hóa Việt tộc lâu đời.

Trở lại với vai trò của quốc sư Nguyễn Minh Không, theo ngọc phả tại đền Nguyễn, quốc sư có cha họ Nguyễn, tên Sùng ở hương Đàm Xá, huyện Gia Viễn (Gia Viễn trước thuộc Hoa Lư- chú trong nguyên bản) phủ Trường An, Ái Châu.

Lý triều quốc sư ngọc phả lục chép(4):

“Một ngày thiên khí ôn hòa, gió xuân trong sáng, vợ chồng nằm nghỉ ở hiên tây. mắt nhìn mung lung. Bỗng mộng thấy một ông lão đầu bạc, cưỡi con trâu vàng từ trên trời mà xuống, tự xưng là Thái Thượng Lão Quân, nói rằng: vợ chồng ngươi có muốn (nhận) được con Phật không?". Sùng công chưa kịp đáp thì vợ ông là Dương Thị đã ứng khẩu nói: "Muốn! Nhưng không biết làm như thế nào mà được". Thái Thượng nói: "Ngươi dám nuốt con trâu này thì tất sẽ được".

Dương Thị trong mộng hai tay ôm con trâu vàng, hết sức mở to miệng nuốt con trâu xuống.

Thế rồi, vợ chồng đều rất đỗi bàng hoàng tỉnh dậy. Dương Thị từ đó tự nhiên thấy tâm thần chuyển động rồi có thai. Khi thai được 13 tháng, vào ngày 15 tháng 10 trời Đông năm Quý Sửu (1073) sinh hạ được một con trai thần phong tuấn chỉnh, khí vũ khôi kỳ. Bên tay trái có một dấu ấn vuông, trên trán có chữ son Phật tử. Trong khi sinh, trên trời có tán mây vàng, trong nhà có thụy khí, hương thơm ngào ngạt bay khắp nhà.”

Đoạn trích có những chi tiết cụ thể về vai trò của quốc sư trong mối tương quan giữa ảnh hưởng và tiếp biến của tam giáo lên bối cảnh xã hội thời kỳ này. Hình ảnh Thái Thượng Lão Quân dắt con trâu vàng trao cho mẹ của Minh Không là Dương Thị và bà nuốt sao Bắc Đẩu rồi hạ sinh con trai có ủ dấu son Phật tử là một bức họa tam giáo rất cụ thể. Sinh ra với dấu son phật tử biểu trưng cho việc quốc sư Minh Không đích thị là một người con của Phật. Thái Thượng Lão Quân, đại diện cho đạo Lão. Con Trâu vàng hay còn gọi là Kim Ngưu, là vật cưỡi của thần Shiva hay hiện thân của thần Indra trong đạo Bà La Môn. Hai vị thần này được người Việt gọi chung là Đế Thích. Hiện tượng ra đời của ngài được kể lại trong ngọc phả biểu hiện cho mối dung hợp giữa đạo Phật đã được bản địa hóa mang đậm hình thái Hinđu giáo và đạo Lão.

Hình ảnh Trâu Vàng trong sự tích thánh Nguyễn Minh Không còn gặp sau đó khi thánh đi khuyến đồng Bắc quốc về đúc chuông, chuông đánh lên làm con Trâu Vàng chạy tới, vết chạy tạo ra sông Kim Ngưu và hồ Tây. Vị "Phật" mà có hình tượng Kim Ngưu chính là thần Shiva, cưỡi con bò thần Nandin. Ngôn ngữ dân gian gọi là Đế Thích, chúng ta có thể tìm thấy các sự tích về Đế Thích qua thần phả ở Hưng Yên.

Vị thánh trong Tứ bất tử Nguyễn Minh Không là hóa thân của Đế Thích, một trong Tam vị nhất thể của Hindu giáo. Đế Thích là thần bất tử. Nguyễn Minh Không được chép là đã tu được "lục trí thần thông". Đế Thích cũng vậy, cũng có "lục trí" để trừ diệt quỷ.

Khi trưởng thành, Nguyễn Minh Không cùng Từ Đạo Hạnh đi Thiên Trúc học đạo. Theo các nguồn sử liệu, khi ghi chép về cuộc đời Nguyễn Minh Không, chúng ta thường thấy có một sự gắn kết chặt chẽ với hành trạng Từ Đạo Hạnh từ khi tu tập đến lúc lên ngôi vua và chuyển kiếp được Minh Không chữa khỏi bệnh.

Thiền Uyển Tập Anh ghi về Đạo Hạnh tiếp theo như sau:

“Lúc nhỏ, Sư ham chơi, tính tình hào hiệp, có chí lớn, lại có hành động nói năng người đời không thể lường được. Sư thường kết bạn với nhà nho Phí Sinh, đạo sĩ Lê Toàn Nghĩa và nghệ sĩ phường chèoVi Ất. Đêm, Sư khổ công đọc sách, ngày thì thổi sáo, đánh cầu, đánh bạc làm vui. Thân phụ thường trách Sư biếng nhác. Một hôm, ông lén vào phòng ngủ của Sư để rình xem, thấy ngọn đèn đã tàn, sách vở chất đống, Sư đang dựa án mà ngủ, tay chưa rời quyển sách, tàn đèn rơi đầy mặt bàn. Từ đấy ông cụ không lo nữa. Sau đó ứng thi điện thí tăng quan đỗ khoa Bạch liên” (…)

“Sư muốn sang Ấn độ, tìm học phép linh dị để chống lại Đại Điên. Đi đến xứ Mọi răng vàng, đường xá hiểm trở, Sư bèn trở về ẩn tại núi ấy, hằng ngày chuyên tụng chú Đại bi tâm đà la ni đủ 10 vạn 8 ngàn biến. Một hôm Sư thấy thần nhân đến trước mặt mình nói: "Đệ tử là Tứ trấn Thiên vương, cảm công đức trì xứ của Sư, nên đến đây xin hầu để Sư sai bảo".(5)

Tứ trấn thiên vương hay Tứ đại thiên vương là 4 vị thần của Bà La Môn, theo hầu Đế Thích. Chi tiết này cho thấy Từ Đạo Hạnh đã tu theo Bà La Môn hay Hindu giáo. Đà La Ni là một mật chú của mật tông, gọi cho đầy đủ là: Thiên thủ thiên nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát quảng đại viên mãn vô ngại đại bi tâm đà la ni(6). Đây cũng là giáo phái chịu ảnh hưởng sâu sắc của đạo Bà La Môn. Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không cùng học đạo, cùng có khả năng hàng long phục hổ: Truyền Tiên pháp lũ thủy đằng không, hàng long phục hổ, vạn quái thiên kỳ hoàn quy cựu lý, tuyển đắc long xà chi địa, dựng làm đê viên, sáng lập chùa, đặt làm Nghiêm Quang tự, thiêu hương chúc thành, ngày đêm thường giữ pháp môn Đà La Ni thần thông linh nghiệm(7).

Sự dung hợp giữa các hệ phái trong cuộc đời và hành trạng của quốc sư Minh Không được thể hiện một cách cụ thể và xuyên suốt.

Đại Việt sử ký toàn thư, bản nội các quan bản chép: “Vua ngự đến chùa Báo Thiên, làm lễ Phật Pháp Vân để cầu mưa. Đêm ấy mưa to.” (Đinh Tỵ, [Thiên Chương Bảo Tự] năm thứ 5 [1137], (Tống Thiệu Hưng năm thứ 7) – Quyển III tờ 40b).

“Tháng 5, hạn, cầu đảo được mưa to. Chủ đô Nhiễm hoành là Hà Nhi dâng chim sẻ trắng.

Dựng nhà cho đại sư Minh Không.” (Tân Hợi, [Thiên Thuận] năm thứ 4 [1131], (Tống Thiệu Hưng năm thứ 1). – Quyển III/bản kỷ tờ 36b(8)

Trong sách Tang thương ngẫu lục, tác giả Tùng Niên nói: "Năm giáp dần 1791, khi dỡ ra để lấy gạch đá xây thành người ta còn thấy 8 pho tượng Kim Cương, chia đứng trấn bốn cửa.” Như vậy, chùa Báo Thiên hay tháp Báo Thiên thờ Phật Pháp Vân và bát bộ kim cương, chùa nằm trong hệ thống thờ tứ pháp và các đại sư thường lập đàn cầu mưa.

Quốc sư Minh Không với pháp tu tịnh độ

Sẽ là thiếu sót nếu nhắc đến vai trò của quốc sư Minh Không với những ảnh hưởng lên hệ tư tưởng, tín ngưỡng của xã hội thời lý mà không nhắc tới vai trò của ngài với sự phát triển của pháp tu tịnh độ.

Trước thế kỷ thứ III, Theo Cựu tạp thí dụ kinh, danh hiệu của đức Phật A Di Đà được nhắc đến sớm nhất trong lịch sử Phật giáo VN, truyện 60. Pháp môn niệm Phật cũng đã được đề cập trong Lục độ tập kinh do Khương Tăng Hội (?-280) dịch sang chữ Hán. Đến thế kỷ thứ V, thiền sư Đàm Hoằng (mất năm 455) đã sang Việt Nam. Thiền sư ở tại chùa Tiêu Sơn truyền đạo và phổ biến bản kinh Vô Lượng Thọ. Đàm Hoằng là nhà sư Trung Quốc chuyên hành trì pháp môn Tịnh độ với ước nguyện vãng sinh Cực Lạc. Vô Lượng Thọ là bản kinh căn bản khuyên tu tịnh độ. Từ đây, pháp tu Tịnh độ đã trở thành một trào lưu phổ biến ở nước ta. Tuy nhiên, lịch sử phát triển của pháp tu này bị ngắt quãng cho đến năm 826(11). Tất nhiên, dù không có những sự kiện nổi bật và những vị tăng xuất chúng, nhưng giai đoạn này cũng chính là khoảng thời gian pháp môn tịnh độ âm thầm thấm sâu vào lòng đời sống dân tộc.

Điều thú vị là tất cả các văn bia còn lại của thời lý nói chung đều có chữ mở đầu: A Di Đà Phật. Đây là danh hiệu của Phật A Di Đà, giáo chủ cõi Tịnh độ. Việc thờ cúng Phật A Di Đà và Bồ Tát Quan Âm (hay còn gọi Phật Bà Quan Âm, ngài cùng với Bồ tát Đại Thế Chí tiếp dẫn chúng sinh mệnh chung vãng sinh về cõi tịnh độ của đức Phật Di Đà) đã trở nên phổ biến ngay từ thời kỳ này. Một điều thú vị nữa, trong An Nam tứ đại khí tương truyền do quốc sư Minh Không tạo nên có bức tượng Phật chùa Quỳnh Lâm cũng chính là tượng Phật A Di Đà. Đây được coi là 1 bảo vật trấn quốc trong An Nam Tứ đại khí của người Việt.

Các pho tượng thời Lý nổi tiếng như: Tượng chùa Phật Tích (1057), tượng chùa Ngô Xá thuộc Hà Nam, tượng chùa Một mái thuộc Quốc Oai (1099) đều là tượng đức Phật A Di Đà.

Bia chùa Viên Quang, Xuân Trường, Nam Định(12) ghi:

彌 陀 中 坐 、祖 師 後 張 Di Đà trung toạ, tổ sư hậu đường Nghĩa là: Di Đà tòa giữa, Sư tổ hậu đường.

Tôn tượng A Di Đà luôn có vị trí trung tâm và quan trọng trong ngôi chùa thờ Giác Hải thiền sư được xây dựng vào thời kỳ này. Riêng pho tượng A Di Đà chùa Hoàng Kim (chùa Một Mái) ở Quốc Oai hiện còn bài minh văn trên bia cho biết, thiền sư Trì Bát (1049 – 1117) cùng thời với thiền sư Minh Không và cũng thuộc thế hệ thứ 12 của thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi tạc. Bên cạnh đó còn có tượng A Di Đà trong hội đèn Quảng Chiếu trước Đoan Môn, được tạo lập để cầu nguyện cho hoàng hậu Linh Nhân siêu sinh Tịnh độ. Từ đây, có thể thấy pháp môn Tịnh độ đã chiếm một vị trí quan trọng và phổ biến trong lòng đời sống tín ngưỡng của dân tộc ta. Các vị thiền sư nối pháp của Không Lộ và Giác Hải sẽ được phân tích ở mục tiếp theo của bài viết này là Tịnh Không, Tịnh Lực và Tịnh Giới thuộc thế hệ thứ 10 phái Vô Ngôn Thông và thế hệ thứ 4 của thiền phái Thảo Đường là những người đã có công lớn trong việc phổ biến và lan tỏa pháp môn tịnh độ. Trong đó, thiền sư Tịnh Giới, theo TUTA, được cho là đệ tử nối pháp của thiền sư Giác Hải, từng tu tại chùa Quốc Thanh, ngôi chùa mà thiền sư Nguyễn Minh Không trụ trì.

Khi nghiên cứu về hệ phái đầu tiên có ảnh hưởng đến tư tưởng và con đường hành đạo của quốc sư Minh Không, phải kể đến hệ phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Chúng ta biết, đây là một hệ phái có ảnh hưởng của tư tưởng Bà La Môn và mật giáo. Trong các hệ phái Thảo Đường và Vô Ngôn Thông sau này có ảnh hưởng đến tư tưởng của thiền sư Minh Không, khó có thể tìm ra mối liên hệ nổi bật nào của pháp tu tịnh độ. Vậy vì sao tịnh độ tông lại phát triển rộng rãi trong đời sống dân gian và có những thành tựu căn bản vào giai đoạn này?

Đi sâu vào bộ kinh mà tổ Tỳ Ni đã dịch là Kinh Đại Thừa Phương Quảng Tổng Trì, ta sẽ có một số kiến giải thú vị. Đây là bộ kinh căn bản của mật giáo(13), nhưng ngay trong phần đầu, lại là những câu chuyện ca ngợi Tỳ Kheo Tịnh Mạng, một tiền kiếp của Phật A Di Đà. Tỳ Kheo Đạt Mạ do chỉ trích tỳ kheo Tịnh Mạng mà sau phải thành Phật ở cõi ta bà với đầy những uế trược. Còn tỳ kheo Tịnh Mạng thì đã thành Phật sớm hơn, không phải đọa vào địa ngục, bàng sinh hay làm thân người hạ tiện như tỳ kheo Đạt Mạ. Tỳ kheo Tịnh Mạng đã thành Phật ở một cõi nước hoàn toàn thanh sạch. Đó chính là cõi nước Tịnh Độ và ngài có tên gọi là Phật A Di Đà.

Đặt bộ kinh này trong bối cảnh ra đời, (được tổ Tỳ Ni dịch tại chùa Pháp Vân; là bộ kinh căn bản khuyên hành Mật giáo), chúng ta có thể hiểu vì sao, bên cạnh sự tiếp nối từ lịch sử, với sự truyền thừa của trào lưu tịnh độ từ thế kỷ thứ V, các vị thiền sư của hệ phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi dù thực hành đạo Phật với ảnh hưởng lớn của Mật Pháp lại xưng tán Phật A Di Đà để làm biểu trưng và đưa pháp môn Tịnh độ vào trong lòng đời sống xã hội. Bên cạnh đó, chi tiết Thiền sư Pháp Hiền, người truyền thừa tiếp nối tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã dựng nên trung tâm của thiền phái là chùa Chúng Thiện thuộc vùng núi Tiên Du, Bắc Ninh cũng là một lưu ý cần xem xét(14). Vùng núi này có chùa Tiêu Sơn, thiền sư Đàm Hoằng hơn một thế kỷ trước đã truyền bá và phát triển pháp tu tịnh độ với bản kinh Vô lượng thọ. Như vậy, Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã được khơi nguồn và tiếp nhận từ bản kinh căn bản, Kinh Đại Thừa Phương Quảng Tổng Trì với sự xưng tán ngợi ca đức Phật A Di Đà, giáo chủ cõi tịnh độ ngay từ buổi đầu.

Trung tâm đầu tiên của thiền phái này cũng được lập tại vùng đất có lịch sử phát triển mạnh mẽ của phái tịnh độ. Để truyền bá hệ tư tưởng mới của thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, thiền sư Pháp Hiền đã phải khéo léo vận dụng những thiện xảo để kế thừa và phát triển những thành quả và của hệ phái cũ do tổ Đàm Hoằng tạo dựng, vừa xiển dương và truyền bá một đường hướng và hình thức tu tập mới mẻ hơn. Đây cũng có thể coi là một trong những nguyên nhân dẫn đến những ảnh hưởng và biểu hiện rõ rệt và sự phát triển của yếu tố Tịnh độ trong tư tưởng của các thiền sư truyền thừa hệ phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi sau này. Chi tiết tạo dựng bảo vật trấn quốc của quốc sư Minh Không, những pho tượng Phật Di Đà tiêu biểu cùng với pháp môn niệm phật và lời chào cửa miệng mở đầu bằng Phật hiệu A Di Đà được hình thành và lan truyền trong dân gian vẫn còn duy trì đến ngày nay chính là bằng chứng cụ thể cho sự phát triển của hệ phái tịnh độ một cách mạnh mẽ từ thời kỳ này.

Trong Hoa Đàm Thiền sư đức thánh tụng lưu tại đền Nguyễn mà chúng tôi đã dẫn có câu:

“Sãi tôi làm tượng Di Đà Thiếu ít đồng vụn phải qua nước người”“Vào chùa lễ Phật thượng tòa Đà La tụng bẩy Di Đà niệm ba”

Đây là đôi câu tụng súc tích và rất hay về tư tưởng dung hợp và phong cách hành trì pháp tu của quốc sư Minh Không(15).

Tịnh độ tông có tính chất dung hòa và phổ cập. Chính vì vậy, pháp môn này trở nên phù hợp với quần chúng lao động và đi vào dân gian. Chư vị thiền sư thời kỳ này đã dùng các phương tiện thiện xảo để khéo léo đưa Đạo Phật lan tỏa và thấm sâu vào lòng dân tộc. Một mặt tiếp nối từ lịch sử truyền thừa, vừa niệm mật chú và hành trì mật giáo để đáp ứng những nhu yếu của đời sống xã hội, mong mưa thuận gió hòa, tiêu tai giáng kiết, một mặt tham thiền liễu ngộ; lại dùng pháp môn tịnh độ với Phật hiệu A Di Đà phổ quát như một cánh cửa chung giúp mọi căn cơ đều thể nhập được Phật đạo. Có thể nói, đạo Phật thời Lý nói riêng và qua hành trạng của một vị thiền sư tiêu biểu đương thời là quốc sư Minh Không với An Nam tứ đại khí và sự có mặt của tượng Phật A Di Đà chùa Quỳnh Lâm, chúng ta có thể thấy sự phát triển tín ngưỡng và các yếu tố tâm linh của dân tộc được đặt trong mối quan hệ tổng hòa, đan xen chặt chẽ.

Quốc sư Nguyễn Minh không có thể xem là con người thời đại, một con người tiêu biểu cho giai đoạn lịch sử mang tính bước ngoặt trong tiến trình phát triển hệ tư tưởng tín ngưỡng của dân tộc. Đây chính là nền tảng quan trọng cho sự hình thành những ý thức về một hướng đi mới cho con đường tâm linh của dân tộc sau này.

Tác giả: Phương Bối Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 1/2021 --------------------

CHÚ THÍCH: (1) Theo Thiền uyển tập anh (2) Trời hạn và cầu mưa được ứng nghiệm, rất có khả năng việc dựng nhà cho đại sư Minh Không là xuất phát từ ngyên nhân này. Nơi vua dựng nhà cho đại sư Minh Không tương truyền trước kia gọi là làng Tiên Thị, nay là nơi có chùa Lý Quốc Sư. (3) Chùa báo thiên (HN), chùa Ngọc Hoàng (Hưng Yên, HCM), chùa Đế Thích (Nghệ An),... (4) Tư liệu khảo cứu đã dịch và phiên chú do Thầy Nguyên Khánh cung cấp (5) Nghiên cứu về Thiền Uyển Tập Anh (Lê Manh Thát) – tr 118,119, NXB TP HCM (6) Theo: Lịch sử Phật giáo Việt Nam – Tập 2, tr 83/ Tác giả Lê Mạnh Thát, NXB TPHCM (7) Nam Việt Phật tổ huyền cơ diệu tập – trích theo bản dịch tư liệu gốc, chữ Hán lưu tại chùa Keo Hành Thiện, Nam Định (8) Như vậy, ta có thể hiểu, đại sư Minh Không đã cầu mưa có ứng nghiệm và được Vua Lý Thần Tông cho dựng nhà, trước kia gọi là làng Tiên Thị, nay là nơi có chùa Lý Quốc Sư. (9) Tư liệu trích dẫn của Thiền sư Lê Mạnh Thát (10) Lịch triều hiến chương loại chí 3 tờ 2a5-6 viết: "Tiêu sơn ở xã Tiêu sơn, huyện Yên Phong, trên có chùa Trường liêu. (11) Năm 826, ta thấy xuất hiện cụm từ “Tây Thiên”, vừa mang nghĩa là quê hương của đức Thích Ca, vừa mang nghĩa là cõi nước tịnh độ trong bài kệ của thiền sư Vô Ngôn Thông truyền lại cho đệ tử là Cảm Thành: “Rằng Thủy Tổ ta Gốc từ Tây Thiên. Truyền pháp Nhãn tạng Gọi đó là Thiền” .. và “Tây Thiên cõi này Cõi này Tây Thiên” (12) Tấm bia “Viên Quang tự bi minh tính tự”, hiện còn lưu ở chùa Viên Quang, thôn Nghĩa Xá, Xuân Trường, Nam Định. (13) Trong kinh dẫn lời đức Phật Thích Ca dạy A Dật Đa: “Này A Dật Đa! Ông nên thọ trì mật giáo của Như Lai, dùng thiện phương tiện mà rộng thuyết pháp cho mọi người. (14) Theo thiền sư Lê Mạnh Thát – nghiên cứu về thiền uyển tập anh (15) Khi khảo văn bia chùa Viên Quang tại xã Xuân Trường Nam Định (chùa thờ thiền sư Giác Hải), bia khắc bài minh có câu: “Di đà trung tọa – sư tổ hậu trường”. Như Vậy, thiền sư Giác Hải (vừa thuộc thiền phái Vô Ngôn Thông, vừa thuộc Thảo Đường) cũng đồng thời thực hành mật pháp (trừ Mộc tinh, cầu mưa, v.v..) và xưng tán Phật A di đà như một truyền thừa của pháp tu tịnh độ.