Thích Nữ Minh Đạt Học viên Thạc sĩ Khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM
DẪN NHẬP
Xã hội Ấn Độ trước và cùng thời đức Phật đều cho rằng vạn vật trên vũ trụ này được hình thành là do một đấng tạo chủ Brahma hay từ một nguyên nhân đầu tiên khác như: nước, lửa, không khí… Trong bối cảnh đó, thái tử Siddhattha – một con người có trí tuệ siêu việt, đã từ bỏ vinh hoa phú quý để đi tìm con đường giải thoát cho mình và chúng sinh. Sau khi tham học với hai vị thầy nổi tiếng và trải qua quá trình tu khổ hạnh, Thái tử vẫn chưa thỏa mãn vì cho rằng lối tu của họ không đưa đến giải thoát an lạc. Từ bỏ lối tu khổ hạnh, Ngài đến ngồi thiền dưới gốc bồ đề bên bờ sông Neranjarà (Ni-liên-thiền) suốt 49 ngày đêm. Qua thiền định đức Phật nhận ra được pháp duyên khởi là nguyên nhân hình thành vạn pháp; tâm Ngài bừng sáng, mọi gút thắt đều được cởi bỏ, Ngài chứng Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Từ đây, Ngài đem sự chứng ngộ của mình truyền dạy cho hàng đệ tử. Mặc dù, giáo lý đã được chư Tổ, chư vị luận sư… triển khai sâu rộng, nhưng giáo lý duyên khởi vẫn không hề mất đi giá trị vốn có của nó. Ngược lại, qua thời gian càng chứng minh giáo lý duyên khởi chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ giáo lý của Phật giáo.
Tag: duyên khởi,vũ trụ, giáo lý, đức Phật, nhân duyên, duyên hành, vạn pháp, Phật giáo,…
NỘI DUNG
1. Duyên khởi trong bài kinh số 296
Trong kho tàng mênh mông của kinh điển Phật giáo, nội dung pháp Duyên khởi hay học thuyết Duyên khởi được đề cập rất nhiều. Kinh tạng Bắc truyền ghi nhận học thuyết này trong các bài kinh 262 , 292 đến 299 , 348 đến 350 thuộc Tạp A-hàm[1]. Bài kinh số 296[2] là một trong những bài kinh thuyết pháp độ sinh buổi đầu của đức Phật. Nội dung kinh đề cập đến pháp duyên khởi được đức Phật khai triển dưới hai thuật từ pháp nhân duyên và pháp duyên sinh. Trong đó, pháp nhân duyên hay lý duyên khởi (P: paṭiccasamuppāda) được đức Phật định nghĩa: “云何為因緣法?謂此有故彼有,謂緣無明行,緣行識,乃至如是如是純大苦聚集.”[3] (Việt dịch: Thế nào là pháp nhân duyên? Là cái này có nên cái kia có, như duyên vô minh nên có hành, duyên hành nên có thức, cho đến, tụ tập thuần một khối khổ lớn như vậy.[4]) Pháp nhân duyên được xem là nguyên lý hình thành vạn pháp trên thế gian, cái này có mặt nên cái kia có mặt. Nghĩa là nương vào các duyên mà các pháp được hình thành, do quan hệ mà phát sinh. Do đó, một pháp không thể do một duyên tạo thành, nó do nhiều duyên hòa hợp, nên gọi là nhân duyên hội họp. Đây là điểm khác biệt giữa Phật giáo với các tôn giáo khác. Đức Thế Tôn giải thích như sau: duyên vô minh nên có hành, duyên hành nên có thức, như thế cho đến tụ tập thuần một khối khổ lớn như vậy, đây chỉ là một đối tượng của lý nhân duyên. Trong định nghĩa trên, câu quan trọng nhất chính là: Là cái này có nên cái kia có. Đây là mệnh đề chính, là nguyên lý hình thành của tất cả các pháp, phần sau chỉ giải thích thêm cho rõ. Duyên vô minh có hành, duyên hành có thức,… Như vậy, vô minh là năng duyên, hành là sở duyên của vô minh, hành lại là năng duyên, làm đối tượng cho thức duyên vào. Cứ như vậy, chúng tạo thành một vòng tròn tương quan tương duyên lẫn nhau. Vì vậy, do duyên vô minh hành có mặt, vô minh ở đây không phải là nguyên nhân đầu tiên mà là nguyên nhân chính. Vô minh cùng với những duyên khác tạo nên vòng tròn trong tiến trình hình thành một khối khổ về tâm. Khi cắt đứt bất kỳ điểm nào trong vòng tròn đó thì khối khổ chấm dứt. Trong định nghĩa này không nói đến chiều ngược lại nhưng nên hiểu như vậy mới diễn tả hết ý nghĩa của duyên khởi.
Pháp duyên sinh (P: paṭiccasamuppanna dhammā) được định nghĩa: “Thế nào là pháp duyên sinh[5]? Là vô minh, hành ... dù Phật có xuất hiện hay chưa xuất hiện ở thế gian thì pháp này vẫn thường trụ, pháp trụ, pháp giới. Pháp này Như Lai đã tự giác tri, thành Đẳng chánh giác, vì người diễn nói, chỉ dạy, hiển bày rằng: Duyên vô minh có hành, cho đến, duyên sinh nên có già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não.”[6] Ở đây, không phải chỉ có vô minh, hành là hết. Dấu ba chấm là do Hòa thượng Tịnh Hạnh thêm vào, đoạn cuối dịch giả cũng thêm vào “duyên sinh nên có già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não”. Cách dịch này dễ hiểu, chỉ thẳng ra do nhờ duyên vào sinh nên có già-chết-ưu-bi-khổ-não. Nguyên văn chữ hán[7] thì không như vậy. Có lẽ đức Phật đã lược bỏ khi giảng hay lúc biên tập đã bị bỏ qua. Bởi vì, sau đó nó xuất hiện ở cuối đoạn trong nguyên văn.[8] Để nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo lý này, đức Phật lặp lại điều Ngài muốn nói và để người nghe ghi nhớ một cách kỹ càng, không sai khác. Điều này thể hiện được tâm từ bi của Ngài, vì lòng thương tưởng cho đời mà rộng nói pháp duyên sinh này một cách tỉ mỉ, cẩn thận.
Ngay sau đó, đức Phật giải thích thêm: “此等諸法,法住、法空、法如、法爾,法不離如,法不異如,審諦真實、不顛倒。如是隨順緣起,是名緣生法。謂無明、行、識、名色、六入處、觸、受、愛、取、有、生、老、病、死、憂、悲、惱、苦,是名緣生法”[9] (Việt dịch: Các pháp này, pháp trụ[10], pháp không[11], pháp như, pháp nhĩ, pháp chẳng lìa như, pháp chẳng khác như, chân đế, chân thật, không điên đảo. Tùy thuận duyên khởi như vậy, đó gọi là pháp duyên sinh[12]. Tức là: vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sinh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não. Đó gọi là pháp duyên sinh.[13]). Các pháp trụ, pháp không, pháp như, pháp nhĩ; tùy thuận duyên khởi mà có, lìa duyên khởi mà có các pháp là điều không thể. Như trên đức Phật đã giảng, duyên vào sinh nên có già, chết, ưu, bi, khổ, não; nên pháp duyên sinh ở đây chính là mười hai chi phần duyên khởi. Nó chỉ là tập hợp con trong tập hợp mẹ là lý duyên khởi. Các thành phần trong tổng thể duyên khởi tác động đa chiều, nó chạy theo quy luật vô thường, chi phối quy luật của tất cả mọi hoạt động trong đời sống kinh tế, xã hội…
Theo từ điển Pali-Hán[14] do Tôn giả Pháp Minh bổ sung và hiệu đính thì paṭicca dịch ra tiếng Hán là因為 (nhân vì),由於 (do nơi); paṭiccasamuppāda dịch ra tiếng Hán là緣起 (duyên khởi) - một danh từ; paṭiccasamuppannā dịch ra tiếng Hán là因緣關系的 (quan hệ nhân duyên) - một hình dung từ. Paṭiccasamuppannā dhammā dịch ra tiếng Hán là 緣生法 (pháp duyên sinh hay duyên dĩ sinh), 因緣所生法 (nhân duyên sở sinh pháp). Trong đó 因緣所生法 dịch là: Các pháp nhân duyên sinh hay các pháp do duyên sinh, thực ra nó chỉ là sự có mặt của các duyên sinh ra pháp đó nên nó phụ thuộc vào duyên. Không cố định, không thống nhất nên bản chất của nó là vô ngã. Thật vậy, một pháp không thể từ một duyên sinh ra mà do nhiều duyên hợp lại. Nếu thiếu một duyên thì không thể hình thành. Nó tùy thuận duyên khởi nên gọi là pháp duyên sinh. Như hạt gạo mà chúng ta ăn hằng ngày, từ hạt giống ban đầu, được gieo trồng rồi cho hoa trái. Trong quá trình đó, nếu thiếu một duyên thì hạt gạo sẽ không thành tựu. Nếu hạt giống ban đầu không gieo xuống nơi đất thích hợp mà gieo trên nơi khô hạn hay vùng nước ngập lụt thì nó không thể lớn lên, đơm hoa và kết quả...
Pháp duyên khởi trong bài kinh này, theo cách nhận xét của từng người mà có phân biệt lý duyên khởi và duyên dĩ sinh, nhưng không phải là sự phân biệt của vật hay sự kiện. “Do vậy, có khi một sự kiện nào đó, nếu đứng ở một phương diện mà nói tuy là duyên khởi, nhưng, ở một phương diện khác mà nói, thì lại là duyên dĩ sinh. Cũng thế, duyên dĩ sinh, ở một phương diện khác mà nói, cũng thành duyên khởi.”[15] Trong nhiều chỗ các luận sư gộp chung nghĩa của hai từ này để chỉ chung cho duyên khởi: “Chỉ là pháp được hiển bày, chỉ là pháp là chủ thể làm thấm nhuần, chỉ là pháp đối tượng được thấm nhuần, thuộc về sự nối tiếp. Các tướng như thế gọi là pháp duyên sinh. Nên biết ở đây, nhân gọi là duyên khởi, quả gọi là duyên sinh”[16]. Hay “Duyên khởi là pháp làm duyên, duyên dĩ sinh là pháp do các duyên sinh”[17]. Bởi các pháp không có cố định, không do ai tạo ra, chúng dựa vào các duyên mà thành, từ không mà có, có rồi mất đi, bản chất của nó là duyên sinh nên không có tự ngã.
2. Bối cảnh lịch sử
2.1. Hoàn cảnh khi đức Phật thuyết bài kinh
Duyên khởi của bài kinh được ghi nhận như sau: “Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà nơi thành Vương xá. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ kheo: Nay Ta sẽ nói pháp nhân duyên và pháp duyên sinh”[18]. Tại vườn Trúc xinh đẹp, đức Phật đã chọn làm địa điểm dạy các Tỳ kheo giáo lý mà Ngài đã tự thân chứng ngộ. Ban đầu, đức Phật sau khi chứng ngộ được giáo lý duyên khởi, Ngài không vội đi giáo hóa mà dành thời gian chiêm nghiệm lại. Chư thiên nhiều lần xuổng thỉnh đức Phật thuyết pháp. Từ đó, Ngài bắt đầu tuyên thuyết diệu pháp cho thế gian. Sau khi độ năm anh em Kiều Trần Như, ngôi Tam Bảo đã được thành lập tại thế gian. Đức Phật tiếp tục độ Da Xá và những người bạn của Da Xá. Giáo đoàn đầu tiên này hàng ngày chia nhau đi giáo hóa các vùng lân cận.
Đức Phật là người rất trọng chữ tín. Ngài không hề quên, ngược lại còn nhớ rất rõ lời hẹn ước với vua Bimbisāra (Tần Bà Sa La) nhưng đức Phật không vội trở về. Trên đường du hóa, đức Phật nhận thấy giáo đoàn mới được thành lập, còn non trẻ, chưa có bề dày lịch sử và sự ảnh hưởng đến quần chúng như những tôn giáo truyền thống đương thời của Ấn Độ. Để có nền tảng cho Phật giáo phát triển, thì cần phải chứng minh cho mọi người thấy được giá trị của nó. Đức Phật quán sát thấy lúc này có ba anh em Ca Diếp đang được Vua Tần Ba Sa La và dân chúng thành Vương Xá sùng bái. Bởi vì họ là những người có uy tín lớn, có ảnh hưởng quần chúng rộng rãi trong thành, mà cả vua cũng để lòng kính nể đến các vị này. Đức Phật quyết định độ họ trước để có thể dễ dàng thu phục lòng người. Trong một thời gian ngắn, cả ba anh em Ca Diếp đều quy hướng theo đức Phật. Điều đó, đã vượt ra ngoài sức tưởng tượng của nhà vua[19]. Vì thế khi nghe đức Phật đến, vua đã thân hành đón tiếp, mời đức Phật và tăng chúng vào cung thọ trai. Sau khi ngọ trai xong, vua Tần Ba Sa La tuyên bố cúng dường vườn Trúc cho đức Phật làm nơi để tu hành. “Con có một vườn trúc cách thành không xa, nay xin dâng Phật để làm tinh xá. Phật nhận lời cùng Thánh chúng sẽ đến ngự ở đó, nên gọi là Vườn Trúc Ca Lăng”[20]. Đây cũng là ngôi tinh xá đầu tiên đặt nền móng cho lịch sử xây dựng và phát triển tự viện Phật giáo mãi đến ngày nay.
Hội chúng nghe pháp trong bài kinh này là: “Các Tỳ kheo”. Một con số không rõ ràng, chỉ nói chung chung. Trong nhiều bài kinh được giảng tại vườn Trúc đều ghi số lượng người tham dự là 500 người[21] hay 1250 người như: trong Kinh Bảo Như Lai Tam-Muội[22] và Kinh Vua Tần Tỳ Sa La Đến Cúng Dường Đức Phật [23]. Ở đây tại sao con số không rõ ràng mà chỉ nói các Tỳ kheo. Lại nữa, chính đức Phật giảng cho các Tỳ kheo mà không phải đợi đệ tử thưa thỉnh rồi mới giảng (Vô vấn tự thuyết). Thông thường, khi có nhân duyên gì hay hiện tượng gì đã phát sinh, hàng đệ tử không hiểu lý do vì sao như vậy, mới thưa thỉnh đức Thế Tôn chỉ dạy. Căn cứ vào lời Thế Tôn giảng về pháp nhân duyên và pháp duyên sinh, nơi giảng và hội chúng như đề cập ở trên; có thể nói bài kinh được thuyết giảng rất sớm, trước khi đức Phật độ Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên. Lý do người viết đưa ra ý kiến này, xuất phát từ câu: “Đức Thế Tôn hiện đang ngự tại vườn Trúc Ca Lăng. Xá Lợi Phất đem các đệ tử đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, bạch: Kính bạch đức Thế Tôn, bản thân con bị rơi vào chốn ngu tối, mê lầm triền miên, không được thưa thỉnh và lãnh thọ, nay muốn được theo đạo lớn vô cực của bậc Thánh. Xin Thế Tôn cho con được xuất gia làm Tỳ kheo thọ giới cụ túc.”[24] Như vậy, qua lời thỉnh cầu này của ngài Xá Lợi Phất, chúng ta có thể biết rằng đức Phật đã ngự ở vườn trúc trước khi độ hai thành viên ưu tú của tăng đoàn. Sau này trở thành hai cánh tay đắc lực của đức Phật trong việc hoằng dương chính pháp.
Tại sao đức Phật lại giảng “pháp nhân duyên và pháp duyên sinh” này. Bởi nó chính là giáo lý mà Ngài đã phát hiện ra, tư duy về nó theo chiều thuận cả chiều nghịch, từ đó đưa đến giải thoát. Chứng tỏ đây là giáo lý vô cùng quan trọng mà đức Phật mong muốn đệ tử hiểu để thực hành và đạt được an lạc giải thoát như Ngài. Bởi lẽ, đức Phật là một người: “Nói gì thời làm vậy, làm gì thời nói vậy nên được gọi là Như Lai.”[25] Ngài đã tu tập, đã quán chiếu thấy được các pháp là do nhân duyên hòa hợp mà thành, khi nhân duyên tan rã thì mất. Nhờ quán chiếu theo chiều thuận và chiều nghịch lý duyên khởi mà Ngài tỏ ngộ nguyên lý hình thành các pháp. Từ đó, Ngài đem tâm nguyện làm lợi ích cho chư thiên và loài người. Không chỉ một mình đức Phật Thích Ca mà ba đời chư Phật đều vì mục đích độ sinh mà xuất hiện nơi đời: “Các đức Phật Thế Tôn vì muốn cho chúng sinh khai tri kiến Phật để được thanh tịnh mà hiện ra nơi đời; vì muốn chỉ tri kiến Phật cho chúng sinh mà hiện ra nơi đời; vì muốn cho chúng sinh tỏ ngộ tri kiến Phật mà hiện ra nơi đời; vì muốn cho chúng sinh chứng vào đạo tri kiến Phật mà hiện ra nơi đời.”[26]
2.2. Duyên khởi là sự thật không thể phủ nhận
Trước thực trạng đó, đức Phật ra đời. Sự xuất hiện của Ngài giữa cuộc đời đã làm thay đổi giá trị đời sống theo chiều hướng tích cực: phá vỡ mọi rào cản phân biệt chủng tộc, kỳ thị giới tính, nâng tầm giá trị con người lên vị trí cao nhất. Trải qua quá trình nỗ lực tự thân đi tìm cứu cánh cho nhân loại, cuối cùng, Thế Tôn đã thành tựu mục đích xuất gia tìm cầu chân lý. Ngài chứng đạo dưới cội Bồ đề nhờ phát hiện lý “Duyên khởi”. Trong Kinh Phật Tự Thuyết thuộc Tiểu Bộ I, Thế Tôn đã tóm tắt nguyên lý duyên khởi như sau: “Do cái này có mặt, cái kia hiện hữu. Do cái này sinh, cái kia sinh. Do cái này không có mặt, cái kia không hiện hữu. Do cái này diệt, cái kia diệt.”[27] Trong định nghĩa trên, đức Phật chỉ ra nguyên lý vận hành của con người và vũ trụ, tất cả các pháp hình thành và hoại diệt không rời nguyên lý này. Sự tồn tại của thức nhờ nương vào danh sắc, cũng vậy sự tồn tại của danh sắc cũng chính là nương vào thức, có nghĩa là: “đề cập đến nguyên tắc hình thành các pháp, nói lên ý nghĩa mối tương quan giữa cái này và cái khác.”[28] Theo nghiên cứu của TT.TS.Thích Hạnh Bình, “khái niệm này không mang ý nghĩa mối quan hệ nhân quả, mà hàm chứa ý nghĩa tương sinh tương diệt.”[29] Theo đó, tất cả mọi hiện tượng của thế gian đều nương nhau mà tồn tại, tương liên tương quan, được hình thành do nhiều yếu tố nhân duyên kết hợp. Đó là tinh thần của nguyên lý duyên khởi mà đức Phật đã phát hiện và giảng dạy. Không một pháp nào sinh diệt mà ra ngoài ý nghĩa này. Đây là chân lý, đức Phật chỉ là người phát hiện: “若佛出世,若未出世,此法常住,法住法界,彼如來自覺知,成等正覺,為人演說,開示顯發” [30] (Việt dịch: “Dù Phật có xuất hiện hay chưa xuất hiện ở thế gian thì pháp này vẫn thường trụ, pháp trụ pháp giới. Pháp này Như Lai đã tự giác tri, thành Đẳng chánh giác, vì người diễn nói, chỉ dạy, hiển bày”[31]). Chân lý này không do ai tạo ra. Nó luôn trôi chảy trong cuộc sống, chi phối toàn bộ các hoạt động của con người và thế giới xung quanh. Ở đây không nên hiểu nó như một cái gì đó tồn tại mà ta không nắm bắt được. Nên hiểu nó theo tinh thần của bát nhã. Nếu tất cả các pháp có ngã, do một chủ thể tạo thành thì nó sẽ không bị hoại diệt, trên thực tế không có pháp nào như vậy. Bản chất của duyên khởi là vô thường - vô ngã, không thể khác được nên gọi là sự thật không thể phủ nhận.
Trong tư tưởng của xã hội Ấn Độ lúc đó, các tôn giáo khác không nhận ra được sự thật này. Họ giải thích sự hình thành của vũ trụ và con người theo những quan điểm chính: ngẫu nhiên luận (tất cả đều do ngẫu nhiên mà có, không có nhân duyên nào tạo ra), tất mệnh luận (do thượng đế tạo ra hay do nghiệp từ trước). Khi đức Phật thuyết giảng giáo lý này, đã phá tan màn đêm u tối đã tồn tại lâu đời trong tư duy của các triết gia bấy giờ. Họ nghe được lời Phật dạy, sinh tâm hoan hỷ: “Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, chính pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích.”[32] Đúng như những gì các Bà La Môn đã tán thán, đức Phật đã dùng nhiều cách để trình bày và giải thích. Từ định luật này, Ngài phát triển thành hệ thống giáo lý Phật giáo đồ sộ như Tứ Đế, nhân quả nghiệp báo, vô thường, vô ngã, trung đạo... trở thành kho tàng pháp bảo vô giá cho nhân loại.
3. Đối tượng mà đức Phật hướng đến trong bài kinh
Trong khi thuyết giảng, đức Phật thường vì hàng đệ tử mà tùy cơ giáo hóa. Bởi, có những người khi nghe xong, có người hiểu rồi thực hành theo, có người không hiểu được nên sinh lòng hoài nghi: “Ánh sáng của mười hai duyên khởi rất sâu xa, khó hiểu. Mười hai duyên khởi này khó thấy, khó biết. Chư Thiên, Ma, Phạm, Sa môn, Bà La Môn, những người chưa thấy duyên, nếu muốn tư lương, quán sát, phân biệt nghĩa lý của nó, đều bị hoang mê không thể thấy nổi.”[33] Giáo pháp duyên khởi tuy nó là chân lý của thế gian, nó hiện hữu trong tất cả các pháp, nhưng không phải ai cũng có thể thấy hiểu được. Người chưa hiểu mà tự mình suy tư, chiêm nghiệm hay đem nó ra để phân tích diễn giải sẽ khiến cho họ bị rối ren và hoang mang. Chính vì vậy, đối tượng đức Phật hướng đến trong bài kinh là: “Đa văn Thánh đệ tử đối với pháp nhân duyên và pháp duyên sinh này bằng chánh tri khéo thấy rõ như thật.”[34] Đa văn thánh đệ tử chính là những người có chánh kiến, có trí tuệ nhận chân được lời Phật dạy. Họ không bị nghi hoặc hay do dự đối với pháp mà đức Phật giảng. Bằng trí tuệ của mình, họ khéo thấy rõ như thật bản chất của các pháp là do duyên sinh, chúng vô thường nên vô ngã. Nhờ thấy như vậy họ nên không truy tìm đời trước, không tìm cầu tương lai để xem mình có hay không có, thuộc chủng loại nào, mình như thế nào? Nhờ quán chiếu như vậy, họ không do dự: “Đây là những thứ gì? Tại sao có cái này trước? Sau này chúng sẽ là cái gì? Chúng sinh này từ đâu đến? Ở đây mất thì sẽ đi về đâu?”[35] Sự khác biệt giữa hai hạng người trí tuệ và ngu si chính là điểm này. Trước mỗi vấn đề họ sẽ có cái nhìn và nhận thức khác nhau, từ đó đưa đến kết quả khác nhau. Vì thế, thật không khó để nhận thấy sự ưu tư và lo lắng khi đức Phật quyết định thuyết giảng chân lý thâm sâu này: “Pháp này do Ta chứng được, thật là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, cao thượng, siêu lý luận, vi diệu, chỉ người có trí mới cảm nhận! Còn quần chúng này ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục, thật khó thấy định lý này, tức là y duyên tính duyên khởi pháp. Thật khó thấy định lý này, tức là tất cả hành là tịch tịnh, tất cả sinh y được từ bỏ, ái tận, ly tham, đoạn diệt, Niết bàn. Nếu nay Ta thuyết pháp mà các người khác không hiểu Ta, như vậy thật mệt mỏi cho Ta, như vậy thật bực phiền cho Ta.”[36] Pháp đức Phật chứng được là pháp tối thượng, cao siêu, tịch tịnh, chỉ người trí mới có thể cảm nhận. Nếu ai cũng có thể chứng thì đức Phật đã không khổ công tìm đạo trong suốt sáu năm. Nếu nó dễ chứng thì những người trí thức trước và cùng thời đức Phật đã chứng được. Vì rằng, định lý này siêu lý luận, vi diệu còn phần nhiều con người thì ham thích ái dục, từ dục mà sinh ra nên tất cả các suy nghĩ và hành động của họ bị dục chi phối. Để thấy được các hành là tịch tịnh thì phải từ bỏ ái dục, ly tham. Đây là một điều rất khó để thực hiện. Nếu không có trí tuệ tu tập, thấy được các pháp là do duyên sinh mà chỉ nghe thì sẽ không hiểu. Một khi không hiểu thì sẽ thực hành sai, đem đến những hệ lụy khó lường. Đối với pháp thiển cận, người ngu si còn khó hiểu, huống nữa là đối với pháp sâu xa vi tế.
Trong đời sống hằng ngày cũng vậy, cha mẹ dạy con cách thức để sống sao cho tốt, sống sao cho được hạnh phúc an lạc. Nhưng người con vì không hiểu lời cha mẹ dạy, làm những việc sai quấy, khiến cho cha mẹ phiền muộn, bực bội. Đức Phật cũng là một con người, Ngài sống trong cõi đời này với mục đích đem lại an lạc cho quần sinh. Ngài thuyết giảng giáo lý cũng vì muốn chúng sinh thấy được chân lý, thấy được bản chất của các pháp để tu tập đúng, đem lại kết quả đúng. Vì vậy, khi những người không hiểu lời dạy, khiến cho đức Phật mệt mỏi, bực phiền là điều dễ hiểu. Ở đây, người viết đứng trên lập trường tư duy cảm xúc thông thường của con người mà nhận xét.
Trong kinh Ðại Duyên, khi Tôn giả A Nan ca ngợi giáo lý Duyên khởi thâm thúy, thì Thế Tôn lại nhấn mạnh hơn: “Này Ananda, giáo pháp Duyên khởi này thâm thúy, thật sự thâm thúy. Này Ananda, chính vì không giác ngộ, không thâm hiểu giáo pháp này mà chúng sinh hiện tại bị rối loạn như một ổ kén, rối ren như một ống chỉ, giống như cỏ munja và lau sậy babaja (ba-ba-la) không thể nào ra khỏi khổ xứ, ác thú, đọa xứ, sinh tử.”[37] Không phải ngẫu nhiên mà đức Phật đề cao giáo lý mình chứng ngộ, bởi con người cũng là một hiện tượng duyên sinh, do ngũ uẩn hoà hợp mà thành nên nó vô ngã. Do vì không thấy được duyên sinh vô ngã nên con người bị trói chặt trong kiến chấp. Khi đức Phật chỉ ra các pháp là duyên sinh, họ không còn chỗ nào bám víu nên bị rối loạn, rối ren. Bên nào họ cũng cho là đúng, không biết nghiên bên nào, ngã bên nào. Giống như cỏ lau, gió mạnh chiều nào thì ngã về hướng đó, họ không có chủ kiến, do dự nên không thể nào thoát khỏi khổ đau sinh tử.
Chính vì vậy, ngay trong bài thuyết pháp này, đức Phật đã chỉ rõ: “Nếu các Sa môn, Bà La Môn nào khởi các kết sử kiến phàm tục, tức là, kết sử của ngã kiến, kết sử của chúng sinh, kết sử của thọ mệnh, hoặc kết sử của kiến chấp cữ kiêng tốt xấu. Khi tất cả những điều đó được đoạn tận, được biến tri, cắt đứt gốc rễ, như chặt ngọn cây đa-la, ở đời vị lai thành pháp bất sinh. Đó gọi là đa văn Thánh đệ tử đối với pháp nhân duyên và pháp duyên sinh bằng chánh trí mà như thật khéo thấy, khéo tỉnh giác, khéo tu tập, khéo thể nhập.”[38] Người nào có khả năng đoạn tận, cắt đứt gốc rễ của các kiến chấp về chúng sinh, về thọ mạng hoặc các kết sử của kiến chấp kiêng cử tốt xấu, không làm cho chúng có khả năng sinh khởi, chặt đứt chúng như ngọn cây ta-la. Những người này đức Phật gọi họ là những người đa văn thánh đệ tử đối với pháp nhân duyên và pháp duyên sinh, dù họ có là Sa môn hay Bà La Môn đi nữa. Bởi vì, lộ trình đi ra khỏi sinh tử, luân hồi là cả quá trình tu tập lâu dài. Nhưng một khi đi ra khỏi sự trói buộc của kiến chấp, của chấp ngã, là đã đoạn trừ cái chấp ngã ấy. Ðoạn trừ cái chấp ngã là đoạn trừ hết thảy vọng tưởng. Pháp duyên khởi này đức Phật cho là sâu kín khó nhận thấy; mà họ bằng chánh trí đã khéo thấy, khéo ứng dụng tu tập, từ đó thể nhập được. Ngược lại, người không hiểu mà tán thán pháp này, cũng chẳng mang lại kết quả giải thoát.
KẾT LUẬN
Giáo lý duyên khởi tuy là đề tài được bàn luận khá nhiều, khai triển khá nhiều, nhưng nó là giáo lý nòng cốt trong hệ thống giáo lý Phật giáo. Không phải ai khi nghe một lần đều có thể hiểu. Ngay từ lúc ban sơ, đức Phật đã đặc biệt quan tâm: làm thế nào có thể chỉ rõ cho hàng đệ tử hiểu được, theo đó tu tập. Tầm quan trọng của nó không thể bàn luận. Vì thế, không cần người thưa hỏi, đức Phật đã tự mình giảng dạy.
Dù triển khai như thế nào, giáo lý duyên khởi vẫn không tách rời cuộc sống. Xã hội càng phát triển, khoa học kỹ thuật đang ở vào đỉnh cao càng chứng minh sự hình thành các pháp không rời nguyên lý duyên sinh. Điều đó đã nâng giáo lý Phật giáo lên tầm cao mới, trở thành điểm đích cho các khoa học gia hướng đến.
Càng sống trong thế giới như vậy, chúng ta càng kính ngưỡng đức Thế Tôn, chỉ có trí tuệ của bậc đại giác mới thấu rõ căn tính của chúng sinh, dẫn dắt họ theo con đường mà Ngài đã vạch sẵn để đạt được giải thoát. Khi hiểu được duyên sinh vô ngã thì mọi người sẽ không bị cái tôi trói buộc, an vui tự tại trong dòng sinh tử.
Thích Nữ Minh Đạt - Học viên Thạc sĩ Khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM ---------- CHÚ THÍCH: [1] Nghiên cứu của TT. TS. Thích Hạnh Bình. [2] Cbeta, T0099 雜阿含經12, no. 296, p84, b13-c10. [3] Cbeta, T0099 雜阿含經12, no. 296, p84, b13-15. [4] Kinh Tạp A-Hàm Quyển 12 - Kinh 296. Nhân duyên, Thích Tịnh Hạnh dịch, Hội Taiwan: Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, 2000, tr. 953. [5] Duyên sinh pháp hay duyên dĩ sinh. [6] Kinh Tạp A-Hàm Quyển 12 - Kinh 296. Nhân duyên, Thích Tịnh Hạnh dịch, Taiwan: Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, 2000, tr. 953. [7] Cbeta, T0099 雜阿含經12, no. 296, p.84 b16-19: “云何緣生法?謂無明、行。若佛出世,若未出世,此法常住,法住法界,彼如來自所覺知,成等正覺,為人演說,開示顯發,謂緣無明有行,乃至緣生有老死。” [8] Cbeta, T0099 雜阿含經12, no. 296, p.84 b20-21: “謂緣生故,有老、病、死、憂、悲、惱、苦。” [9] Cbeta, T0099 雜阿含經12, no. 296, p.84 b22-26. [10] pháp trụ tính [11] pháp vị tính, pháp định tính [12] Già chết là vô thường, hữu vi, do duyên mà khởi, chịu quy luật đào thải, tiêu vong, ly tham, diệt tận. [13] Kinh Tạp A-Hàm Quyển 12 - Kinh 296. Nhân duyên, Thích Tịnh Hạnh dịch, Taiwan: Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, 2000, tr. 954. [14]明法尊者增訂. 巴漢詞典. https://palidictionary.appspot.com. Truy cập ngày 20/10/2020. [15] Kimura Taiken, Nguyên thủy Phật giáo tư tưởng luận, Thích Quảng Độ dịch, Hà Nội: Tôn Giáo, 2012, tr. 711. [16] Đại Tập số 1579, Luận Du Già Sư Địa - Quyển 56, Thích Tịnh Hạnh dịch, Taiwan: Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, 2000, tr. 283. [16] Cbeta,T1579瑜伽師地論卷第五十六, no. 56, p.611 b15-19. [17] Kimura Taiken, Nguyên thủy Phật giáo tư tưởng luận, Thích Quảng Độ dịch, Hà Nội: Tôn Giáo, 2012, tr. 711. [18] Kinh Tạp A-Hàm Quyển 12 - Kinh 296. Nhân duyên, Thích Tịnh Hạnh dịch, Taiwan: Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, 2000, tr. 953. [19] Đại Tập 183, Bộ Sử Truyện V, Gia Phả Phật Thích Ca, Quyển 1, Thích Tịnh Hạnh dịch, Taiwan: Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, 2000, tr. 105- 109. [20] Nt, tr. 109. [21] Đại Tập 53- Bộ Đại Tập IV, Số 416 - Kinh Đại Phương Đẳng Đại Tập Hiền Hộ, Thích Tịnh Hạnh dịch, Taiwan: Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, 2000, tr. 435. [22] Đại Tập 60, Bộ Kinh Tập VII, Số 637 - Kinh Bảo Như Lai Tam-Muội, Thích Tịnh Hạnh dịch, Taiwan: Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, 2000, tr. 597. [23] Đại Tập 9, Bộ A- Hàm IX, Số 133. Kinh Vua Tần- Tỳ- Sa- La Đến Cúng Dường Đức Phật, Thích Tịnh Hạnh dịch, Taiwan: Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, 2000, tr. 638. [24] Đại Tập 12 - Bộ Bản Duyên III, Phật Nói Kinh Phổ Diệu, Thích Tịnh Hạnh dịch, Taiwan: Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, 2000, tr.219. [25] Kinh Trường Bộ 2, Kinh Thanh Tịnh, Thích Minh Châu dịch, TP. Hồ Chí Minh: Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1991, tr. 467. [26] Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Thích Trí Tịnh dịch, Hà Nội: Tôn Giáo, 2007, tr. 66. [27] Kinh Tiểu Bộ 1, Kinh Phật Tự Thuyết, Thích Minh Châu dịch, TP. Hồ Chí Minh: Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1999, Trang 118. [28] Thích Hạnh Bình, Triết học có và không của Phật giáo Ấn Độ, NXB. Phương Đông, 2009, [29] Thích Hạnh Bình, Nghiên cứu khái niệm A-la-hán trong lịch sử Phật giáo Ấn Độ, Thích Huệ Hải dịch, Hà Nội: Hồng Đức, 2019, tr. 124. [30] Cbeta, T0099 雜阿含經12, no. 296, p84, b. 16-18. [31] Kinh Tạp A-Hàm Quyển 12 - Kinh 296. Nhân duyên, Thích Tịnh Hạnh dịch, Taiwan: Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, 2000, tr. 953. [32] Kinh Trường Bộ 1, Kinh Đại Bát Niết Bàn, Thích Minh Châu dịch, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1991,tr. 660. [33] Kinh Trường A - Hàm Tập 1, 13. Kinh Duyên Phương Tiện, Hán Dịch: Phật Đà Da Xá Trúc Phật Niệm, Việt Dịch: Tuệ Sỹ, Hà Nội: Tôn Giáo, 2007, tr. 295. [34] Cbeta, T0099 雜阿含經12, no. 296, p84, b25-26: “多聞聖弟子於此因緣法、緣生法正知善見” [35] Cbeta, T0099 雜阿含經12, no. 296, p84, c1-3: “此是何等?云何有此為前?誰終當云何之?此眾生從何來?於此沒當何之?” [36] Kinh Tương Ưng 1, Thiên Có Kệ, Thích Minh Châu dịch, TP. Hồ Chí Minh: Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1991, tr. 302. [37] Kinh Trường Bộ 2, 15. Kinh Đại Duyên, Thích Minh Châu dịch, Hà Nội: Tôn Giáo, 2013, tr. 263. [38] Kinh Tạp A-Hàm Quyển 12 - Kinh 296. Nhân duyên, Thích Tịnh Hạnh dịch, Taiwan: Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, 2000, tr. 954-5.THƯ MỤC THAM KHẢO:
1. 《雜阿含經》卷12:( Cbeta, T0099, no. 296. ) 2. Đại Tập 12 - Bộ Bản Duyên III, , Thích Tịnh Hạnh dịch, (Taiwan: Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, 2000). 3. Đại Tập 183, Bộ Sử Truyện V, Quyển 1, Thích Tịnh Hạnh dịch, (Taiwan: Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, 2000). 4. Đại Tập 53- Bộ Đại Tập IV, Thích Tịnh Hạnh dịch, (Taiwan: Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, 2000). 5. Đại Tập 60, Bộ Kinh Tập VII, Thích Tịnh Hạnh dịch, (Taiwan: Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, 2000). 6. Đại Tập 9, Bộ A- Hàm IX, Thích Tịnh Hạnh dịch, (Taiwan: Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, 2000). 7. Đại Tập số 1579, Luận Du Già Sư Địa - Quyển 56, Thích Tịnh Hạnh dịch, (Taiwan: Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, 2000). 8. Kimura Taiken, Nguyên thủy Phật giáo tư tưởng luận, Thích Quảng Độ dịch, (Hà Nội: Tôn Giáo, 2012). 9. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Thích Trí Tịnh dịch, (Hà Nội: Tôn Giáo, 2007). 10. Kinh Tạp A-Hàm, quyển 12, Thích Tịnh Hạnh dịch, (Taiwan: Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, 2000). 11. Kinh Tiểu Bộ, tập 1, Thích Minh Châu dịch, (TP. Hồ Chí Minh: Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1999). 12. Kinh Trung Bộ, tập 1, Kinh Phạm Thiên Cầu Thỉnh, HT. Thích Minh Châu dịch, (Hà Nội: Tôn Giáo, 2012). 13.Kinh Trường A – Hàm, tập1, Hán Dịch: Phật Đà Da Xá Trúc Phật Niệm, Việt Dịch: Tuệ Sỹ, (Hà Nội: Tôn Giáo, 2007). 14. Kinh Trường Bộ, tập 1- 2, Thích Minh Châu dịch, (TP. Hồ Chí Minh: Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1991). 15. Kinh Tương Ưng, tập 1, Thích Minh Châu dịch, (TP. Hồ Chí Minh: Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1991). 16. Thích Hạnh Bình, Nghiên Cứu Khái Niệm A-la-hán Trong Lịch Sử Phật Giáo Ấn Độ, Thích Huệ Hải việt dịch, (Hà Nội: Hồng Đức, 2019). 17. Thích Hạnh Bình, Triết họccó và không của Phật giáo Ấn Độ, ( Phương Đông, 2009). 18. Vu Lăng Ba, Đức Phật Thích Ca Trong Phật Giáo Nguyên Thủy, Thích Hạnh Bình và Phương Anh dịch, (Hà Nội: Hồng Đức, 2019). 19. 明法尊者增訂. 巴漢詞典. https://palidictionary.appspot.com.
Bình luận (0)