Trang chủ Lịch sử - Triết học Lược sử hình thành và hình thành tổ chức của Tạng Luật hệ Hán

Lược sử hình thành và hình thành tổ chức của Tạng Luật hệ Hán

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tác giả: Thích Nguyên Sĩ
Tăng sinh Khoa Phật học Sanskrit Khóa XV Học viện PGVN tại Tp.HCM

Tóm lược

Toàn bộ nội dung bài viết, khảo sát về bốn bộ luật gồm: Ma-ha-tăng-kì của Đại chúng bộ, Ngũ phần của Hóa địa bộ, Tứ phần của Pháp tạng bộ, Thập tụng của Thuyết nhất thiết hữu bộ tỳ-nại-da; thông qua bốn (4) bộ quảng luật hiện hành trên tạng Đại Chánh Tân Tu. Chúng tôi y cứ trên bộ sách “Lịch Sử Biên Tập Thánh Điển Nguyên Thủy”,[1] làm khung sườn triển khai nội dung bằng sự suy nghiệm, tư duy, để làm cuộc tỷ giảo qua từng bộ luật.

Bài viết khó có thể tránh khỏi sai sót, nhưng hy vọng phần nào chỉ ra những nội dung giống và khác nhau của từng bộ luật, để không khởi lên và cho rằng, bộ luật này ăn cắp bộ luật kia để “án lệ” đó là lời Phật dạy chân chính.

Dẫn nhập

Luật tạng 律藏 (vinaya-piṭaka) là phần thứ hai của tam tạng Phật giáo, quy định về đời sống tập thể của Tăng và Ni. Nền tảng nghiên cứu luật theo hệ Hán ngữ cho đến thời hiện tại y cứ trên các thư tịch, và thường được gọi là “Tứ Luật, Ngũ luận”.[2] Trong đó tứ luật, nghĩa là quảng luật của bốn bộ phái được chính thức truyền thừa trong thư tịch của Hán hệ: 1. Đàm-vô-đức bộ (Dharma-guptaka, Pháp mật bộ), [luật Tứ phần 四分律]; 2. Tát-bà-đa bộ (Sarvāsti-vāda, Hữu bộ), [luật Thập tụng十誦律]; 3. Di-sa-tắc bộ (Mahīśāsaka, Hóa địa bộ) [luật Ngũ phần五分律]; 4. Ma Ha Tăng Kỳ bộ (Mahāsaṅghika, Đại chúng bộ) [luật Ma Ha Tăng Kỳ 摩訶僧祇律]. Ngoài ra còn một hệ Luật được coi là chính truyền nhưng chưa được truyền dịch trong Hán hệ, đó là Ca-diếp-di bộ (Kāśyapīya, Ẩm quang bộ) tuy chưa có quảng luật được truyền dịch, nhưng giới kinh tức là bộ Giải thoát giới kinh 解脫戒經cũng được phiên dịch trong Hán hệ.

Việc thọ nhận giới pháp từ Sa-di, Sa-di ni, Thức-xoa-ma-na (chính học ni) cho đến Tỳ kheo và Tỳ kheo ni; điểm quan trọng yếu chính là nhận lấy những học xứ,[3] hoặc giới pháp do Phật chế định rõ ràng để nâng cao phẩm cách, giá trị của người xuất gia. Giới戒 (Śīla) nghĩa là thiện giới hay trì giới. Không phải là ngăn cấm, răn đe tiêu cực như một số sách về giới luật đã ấn hành, mà giới ở đây nghĩa là xác định ý chí cương quyết hành thiện, sự quyết tâm có những hành động tốt đẹp nhằm tạo an lạc, hạnh phúc cho chính bản thân mình và người khác.

Hiện nay, hệ thống luật tạng của các bộ phái sử dụng từ “giới” và “học xứ” không đồng nhất với nhau. Từ “giới” và “học xứ” có nghĩa khác nhau hoàn toàn, như phạm giới có thể hiểu không thể sám hối; còn phạm học xứ thì có thể sám hối. Trong bộ phận quảng luật của các bộ phái đều có phần “lưu dữ học giới” cho các Tỳ kheo khi phạm “Bất tịnh hạnh”,[4] các bộ luật đề cập đến vấn đề này như sau: Thập tụng 1 (T23n1435, p.2a25) nói rằng: Tỳ kheo Nan Đề không kiềm chế được lửa dục, hành dâm với con ngựa cái đã chết ở rừng An-hoàn. Đức Phật tập Tăng, bảo các Tỳ kheo bạch tứ yết-ma trao cho Tỳ kheo Nan Đề “dữ học xứ”; Căn bản tì-nại-da tạp sự 10 (T24n1451, p.245a21); Tứ phần 34 (T22n1428, p.809a9-b8) cũng kể là Tỳ kheo Nan Đề; Ngũ phần 28 (T22n1421, p.182c10) nói về một Tỳ kheo tọa thiền, không nói tên; Tăng-kì 1 (T22n1425, p.232a13-b15) và 26 (p.441a28) ghi: Tỳ kheo Thiền Nan Đề, phân biệt với các Nan Đề cùng tên khác.

Để minh chứng cho quan điểm trên, chúng tôi xin được trích dẫn luận thư A Tì Đạt Ma Pháp uẩn túc luận 阿毘達磨法蘊足論 (Abhidharma-dharmaskandhaśāstra) do Tôn giả Mục Kiền Liên tạo, 12 quyển, Đại chánh tập 26, No.1537 của Hữu bộ định nghĩa về “Học xứ” như sau: “Thế nào gọi là học? Thế nào gọi là xứ? Và thế nào gọi là học xứ? Nói học là đối với năm điều (5 giới) chưa viên mãn làm cho viên mãn, thường xuyên chuyên cần chơn chính tu tập gia hành, nên gọi là học (śikṣā/sikkhā). Nói xứ tức là sở y của học, lìa bỏ sát sinh, v.v… nên gọi là xứ (pada). Lại nữa, lìa bỏ sát sinh v.v… tức gọi là học, cũng gọi là xứ, nên gọi là học xứ.”[5] Cho nên nghĩa “học xứ” là cần phải học, học nữa và học mãi, dành cho các Tỳ kheo và Tỳ kheo ni lầm lỡ, học để tiếp tục đứng lên và phát triển con đường tu học của chính mình. Luật Phật chế định không phải hình phạt theo hình thức “trả thù” như pháp luật của xã hội thế gian, mà yếu tính chủ yếu là cứu độ, nâng đỡ người sa ngã và sai phạm.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Luoc Su Hinh Thanh Tang Luat He Han 2

1. NHÂN DUYÊN PHẬT CHẾ ĐỊNH GIỚI (HỌC XỨ)

Ngoài 4 Ba la di, thì một số nơi còn cho 13 tăng tàn cũng là tính tội. Tính tội thì đương nhiên được đóng khung trong giới trọng, nếu đã nói tới tính thì nó là nguyên lý bất di bất dịch, hay nói xa hơn nó là bất biến như pháp trụ pháp vị. Trong khi đó mỗi bộ Luật thì nói một cách không thống nhất với nhau, do thế không thể trách tội ngài A Nan được. Cho nên càng khẳng định, một số trách tội ngài A Nan là việc làm nhằm hạ bệ uy tín của Ngài. Còn rất và rất nhiều những vấn đề mâu thuẫn trong hệ thống Luật tạng. Nhưng một điều chắc chắn rằng, đức Phật chế lập Giới (học xứ) vì hai lý do chính: Thứ nhất: Phạm hạnh tồn tại lâu dài 梵行佛法久住. Thứ hai: Vì 10 điều lợi ích.

Tứ phần quyển 57 (T22n1428, p. 990c9-11)

「爾時佛告諸比丘,「如來出世,見眾過失故,以一義為諸比丘結戒攝取於僧。以此一義故,如來為諸比丘結戒。」“Bấy giờ, Phật bảo các Tỳ Khưu, “Như Lai ra đời vì thấy những lỗi lầm nên bằng một ý nghĩa, vì các Tỳ Khưu kết giới, nhiếp thủ đối với Tăng. Do ý nghĩa này nên Như Lai vì các Tỳ Khưu mà kết giới.”

Mười điều lợi ích qua từng bộ Luật.

Tứ phần 1 (p. 570c1-c7).

Đức Phật quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Tu-đề-na là người ngu si…là kẻ phạm giới đầu tiên. Từ nay trở đi, Ta vì các Tỳ kheo kết giới, nhắm đến mười cú nghĩa:

Nhiếp thủ đối với Tăng.
Khiến cho Tăng hoan hỷ.
Khiến cho Tăng an lạc.
Khiến cho người chưa tín thì có tín.
Người đã có tín khiến tăng tưởng.
Để điều phục người chưa được điều phục.
Người có tàm quý được an lạc.
Đoạn hữu lậu hiện tại.
Đoạn hữu lậu đời vị lai.
Chính pháp được tồn tại lâu dài.”

Ngũ Phần luật 1 (T22n1421, p.3b12-c4).

“Đức Phật hỏi Tu-đề-na: Thật sự ông có như vậy không?

Thưa: Thật vậy, bạch Thế Tôn.

Đức Phật dạy: “Ông là người ngu si…Ta vì mười điều lợi nên vì các Tỳ kheo kết giới. Những gì là mười?

Tăng hòa hợp.
Nhiếp phục Tăng.
Điều phục người ác.
Người tàm quí được an lạc.
Đoạn lậu hoặc đời này.
Đoạn lậu hoặc đời sau.
Khiến người chưa tin khởi lòng tin.
Người đã tin, khiến tăng trưởng.
Chính pháp cửu trụ.
Phân biệt Tỳ-ni Phạm hạnh, lâu bền.”

Thập Tụng luật 1 (T23n1435, p.1c5-19).

“Đức Phật Thế Tôn biết việc đúng thời chính niệm an tuệ hỏi Tu-đề-na: Này Tu-đề-na! Ông có thật làm việc đó không?

– Có thật như vậy, bạch Thế Tôn.

Phật dùng nhiều phương tiện quở trách Tu-đề-na: Ông làm việc đó chẳng phải pháp sa-môn…Vì mười điều lợi Ta kết giới cho các Tỳ kheo:

Nhiếp thủ Tăng.
Nhiếp thủ (Tăng) hoàn hảo.
Giúp Tăng sống an lạc.
Chiết phục người tâm cao ngạo.
Người có tâm tàm quý được an lạc.
Khiến người bất tín được tịnh tín.
Người đã tin được tăng trưởng niềm tin.
Ngăn chặn phiền não hữu lậu đời này.
Đoạn ác nghiệp đời sau.
Giúp đời sống Phạm hạnh được cửu trụ.”

Luật Căn bản Tỳ-nại-da 1 (T23n1442, p.629b14-25).

“Phật hỏi Tô Trận Na: “Thầy thật đã làm việc không đoan nghiêm ấy phải không?”. Tô Trận Na đáp: “Thật vậy thưa Thế Tôn”…Do nhơn duyên này Ta quán thấy mười điều Lợi-ích, vì các đệ tử Thanh văn nơi Tỳ-nại-da chế định học xứ này. Mười điều đó là:

Nhiếp giữ nơi Tăng.
Khiến Tăng hoan hỉ.
Khiến Tăng an lạc.
Điều phục kẻ phá giới.
Khiến người biết hổ thẹn được an lạc.
Khiến người không tin được tin.
Khiến người đã tin được tăng trưởng.
Đoạn hữu lậu hiện tại.
Đoạn hữu lậu vị lai.
Khiến phạm hạnh được tồn tại lâu dài.”

Ma Ha Tăng Kỳ luật 1 (T22n1425, p. 229b19-c1).

“Phật hỏi Da Xá: Thật sự, ông có làm việc đó không?… không thể dùng nó để nuôi lớn thiện pháp.” Nhưng Luật Tăng-kỳ lại đưa 10 điều lợi ích lên phần đầu, không kể lại nhân duyên như các bộ luật khác. Văn Luật thuật lại rằng: “Phật bảo Xá Lợi Phất: Có 10 việc lợi ích nên chư Phật Như Lai vì đệ tử chế giới, quy định cách thức tụng Ba-la-đề-mộc-xoa. Mười việc lợi ích đó là:

Vì nhiếp phục Tăng chúng.
Vì nhằm triệt để nhiếp phục Tăng chúng.
Vì muốn cho Tăng chúng an lạc.
Vì để nhiếp phục những người không biết hổ thẹn.
Vì để cho những người biết hổ thẹn cư trú yên ổn.
Vì để cho những người không tin khiến họ tin tưởng.
Vì để cho những người đã tin tăng thêm lòng tin.
Vì muốn dứt hết pháp lậu hoặc ngay trong hiện tại.
Vì để cho những lậu hoặc chưa sinh không thể sinh khởi.
Vì muốn cho chính pháp được tồn tại lâu dài.

Chính vì muốn dùng 10 việc lợi ích này để mở cửa cam lồ cho chư Thiên và nhân loại, mà đức Như Lai, Ứng cúng, Chính biến tri chế giới cho các đệ tử, quy định cách thức tụng ba-la-đề-mộc-xoa.”

Luật Pāli, Vinayapiṭake (Pārājikapāḷi-Verañjakaṇḍaṃ).

“Atha kho bhagavā āyasmantaṃ sudinnaṃ… tena hi, bhikkhave, bhikkhūnaṃ sikkhāpadaṃ paññapessāmi [paññāpessāmi (sī. syā.)] dasa atthavase paṭicca – saṅghasuṭṭhutāya, saṅghaphāsutāya, dummaṅkūnaṃ puggalānaṃ niggahāya, pesalānaṃ bhikkhūnaṃ phāsuvihārāya, diṭṭhadhammikānaṃ āsavānaṃ saṃvarāya, samparāyikānaṃ āsavānaṃ paṭighātāya, appasannānaṃ pasādāya, pasannānaṃ bhiyyobhāvāya, saddhammaṭṭhitiyā, vinayānuggahāya.”

Sau đó, khi đã khiển trách đại đức Sudinna bằng nhiều phương thức… Nhằm sự tốt đẹp cho hội chúng, nhằm sự an lạc cho hội chúng, nhằm việc trấn áp những nhân vật ác xấu, nhằm sự lạc trú của các tỳ khưu hiền thiện, nhằm ngăn ngừa các lậu hoặc trong hiện tại, nhằm sự trừ diệt các lậu hoặc trong tương lai, nhằm đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, nhằm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin, nhằm sự tồn tại của Chính Pháp,và nhằm sự hỗ trợ.” (Phân tích giới Tỳ khưu, tập 1-Tỳ khưu Indacanda, Nxb Tôn Giáo; tr.39).

2. HỆ THỐNG KẾT CẤU CỦA LUẬT TẠNG

Luật tạng có một điểm chung nhất định, gồm ba bộ phận: Quảng luật, giới kinh và luận của luật. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn lại 5 bộ luận của luật, điều này sẽ được trình bày ở mục 3.

2.1. Quảng luật

Quảng luật 廣律 cũng gọi quảng giáo. Chỉ cho luật nghi có nội dung rõ ràng đầy đủ, là những khuôn phép sinh hoạt của Tỳ kheo và Tỳ kheo ni. Sau khi đức Phật thành đạo 12 năm đầu,[6] trong hàng đệ tử số người phạm lỗi dần dần thêm nhiều, nên Phật đã căn cứ vào những giới pháp cần phải giữ gìn mà nói rộng từng giới một. Tạng luật ghi chép nguyên nhân của mỗi giới và nói rõ các giới này một cách chi tiết, nên gọi đó là quảng luật.[7] Quảng luật thì bao gồm tất cả ba bộ phận:

Ngũ thiên thất tụ 五篇七聚: Nói rõ nguyên do hình thành các giới cấm.

Các chương về kiền-độ揵度 (Khandhaka): Những qui định cụ thể về những nguyên tắc sinh hoạt hằng ngày của Tăng đoàn và các quy tắc xử trị.

Những điều mục phụ tùy 附隨 (parivāra): Là phần phụ có liên quan đến bộ phận Quảng luật. Trong đó, những giới điều được nói trong phần 1, gọi là giới bổn Ba-la-đề-mộc-xoa 波羅提木叉(Prātimokṣa).

Tuy nhiên, theo cách giải thích của các luật sư Trung Hoa phân định rằng, Ba-la-đề-mộc-xoa và phần phân biệt của nó gọi là phần “Chỉ trì”, bộ phận kiền-độ gọi là “Tác trì”. Quan điểm “chỉ trì” và “tác trì” đại loại được nhìn nhận thế này; chỉ trì và tác trì là hai phần lớn của tỳ-nại-da (tỳ-ni), bộ phận “tác trì” trong quảng luật của các bộ phái khác nhau, không nhất định đều gọi là kiền-độ. Vì sự truyền thừa và cách giải thích của các bộ phái đều không giống nhau, nên trong đó không tránh khỏi có sự thêm bớt. Về phần phụ tùy (parivāra) phiên âm ba-lợi-bà-la 波利婆羅, là phần phụ của bộ phận quảng luật, Hán dịch các truyền bản tuy không có tên gọi tiêu đề của phần này, nhưng thật ra ngoài giới kinh phân biệt của Tỳ kheo và Tỳ kheo ni cùng với bộ phận kiền-độ, vẫn có bộ phận “phụ tùy” này. Phần “phụ tùy” của các bộ quảng luật đều không thống nhất với nhau, hoặc có hoặc không, hoặc ít hay nhiều, có đoạn ngắn và đoạn dài.

2.2. Giới kinh

Giới kinh 戒經 Phạn ngữ Prātimokṣasūtra, dịch âm Ba-la-đề-mộc-xoa kinh, Tăng đoàn thường dùng để tụng vào nửa tháng. Hán dịch thường gọi là “giới bổn” hay “giới tâm”. Giới kinh có loại được dịch trực tiếp từ bản Phạn, có loại được chép từ quảng luật. Tuy nhiên, phiên âm Ba-la-đề-mộc-xoa 波 羅 提 木 叉(S. Prātimokṣa, P. Pātimokkha) được dịch là biệt giải thoát 別 解 脫, tuỳ thuận giải thoát隨順 解 脫, cấm giới禁 戒. Trong Phạn ngữ từ Prātimokṣa, trong đó tiền tố prāti- có hai nghĩa: Cá biệt và hướng đến. Hệ thống Câu-xá cũng như Tì-bà-sa không định nghĩa trực tiếp về biệt giải thoát, mà chỉ gián tiếp nói, ngoại đạo cũng có giới nhưng không gọi là biệt giải thoát vì nó không dẫn tới cứu cánh giải thoát điều ác. Vì vậy, định nghĩa gián tiếp này chỉ rõ nghĩa thứ hai là hướng đến giải thoát, các sớ giải Trung Hoa đều khai thác triệt để chỗ này, cho nên họ đã luận giải rằng: “giữ được điều nào thì giải thoát riêng ác nghiệp đó hoặc nói ngắn gọn hơn là giữ giới nào giải thoát giới đó.” điều này có thể không chuẩn xác cho lắm. Giới kinh dành cho hai bộ Tăng và Ni khác nhau, gồm có Tỳ kheo giới bổn và Tỳ kheo ni giới bổn. Phật giáo phát triển trong thời kỳ đầu, giới kinh liên quan mật thiết với nguyên tắc bố-tát, lấy việc phân tích tìm hiểu giới kinh để lý giải về Bố-tát. Bố-tát phiên âm từ tiếng Phạn poṣadha. Đây là từ ngữ có hình thái của tiếng Phạn hỗn chủng của đạo Phật, Pāli đọc uposatha, tiếng Phạn cổ điển của nó là upavasatha với biến thái là upavāsa. Luận Câu-xá giải thích, nó xuất phát từ hai động từ Puṣ (poṣa): Nuôi lớn, và Dhā: Đặt để hay duy trì. Do ý nghĩa này, Hán dịch là “trưởng tịnh” hay “trưởng dưỡng”, tức nuôi lớn sự thanh tịnh hay thiện pháp.[8] Sau khi đức Phật thành đạo 12 năm đầu, trong hàng đệ tử số người phạm lỗi dần dần thêm nhiều, nên Phật đã căn cứ vào những hành vi phi pháp và chế lập các học xứ (dịch cũ gọi là chế giới, kết giới) một cách công khai cho đại chúng được biết và hành trì, từ đó về sau không còn vi phạm nữa. Kết tập các học xứ thành từng điều một để đọc tụng vào mỗi nửa tháng theo định kì, đó gọi là thuyết giới說戒 (deśana-prātimokṣa). Liên quan đến vấn đề thuyết giới ba-la-đề-mộc-xoa, các bộ luật có đề cập như sau:

Tứ phần luật của Pháp tạng bộ (Dharma-guptaka), kiền-độ thuyết giới, quyển 35: “Ba-la-đề-mộc-xoa là giới vậy. Đó là sự tự mình nhiếp trì oai nghi, trú xứ, hành vi; là gốc rễ, là mặt, là đầu, tập hợp các pháp lành, thành tựu tam muội”.[9] Ngũ phần luật của Hóa địa bộ (Mahīśāsaka): “Nói là Ba-la-đề-mộc-xoa, vì do giới này mà phòng hộ các căn, tăng trưởng thiện pháp. Đối với các thiện pháp, đây là cánh cửa đầu tiên vậy.”[10] Đồng Diệp bộ của Pāli: “Ba-la-đề-mộc-xoa, đây là khởi điểm (căn bản), là mặt là đầu của hết thảy pháp thiện.”[11] Tỳ-ni mẫu kinh: “Ba-la-đề-mộc-xoa nghĩa là tối thắng. Vì sao gọi là tối thắng? Vì nó là cội gốc của thiện pháp, lấy giới làm căn bản mà các việc thiện phát sinh, nên gọi là tối thắng”.[12] Xá Lợi Phất A-tỳ-đàm luận: “Nếu thực hành theo giới, sống không phóng dật, lấy giới làm cửa ngõ, làm đôi chân, làm nguyên nhân, thành tựu đầy đủ các thiện pháp. Do giới này, nên gọi là trì giới, do giới này thuận với không phóng dật, nên gọi là trì giới, giữ gìn oai nghi tế hạnh, đó là trân trọng giới giải thoát”.[13]

Vì vậy, thuyết Ba-la-đề-mộc-xoa trong điều kiện Tăng-già phải hòa hợp và thanh tịnh, cùng chung một lý tưởng mong muốn chính pháp của đức Thế Tôn được tồn tại lâu dài. Cho nên, trước khi thuyết Ba-la-đề-mộc-xoa, nếu có người phạm giới phải sám hối cho thanh tịnh. Quan điểm này tất cả các giới kinh được truyền thừa trong Hán hệ đều đồng nhất quan điểm với nhau. Tứ phần luật Tỳ kheo giới bản 四分律比丘戒本; Đại chánh 22, No.1429, 1 quyển do Hoài Tố 懷素 biên tập từ bộ Tứ phần luật của Phật Đà Da Xá, đề cập rằng: “Thưa các Đại đức, nay tôi sẽ tụng giới Ba-la đề-mộc-xoa. Các Tỳ kheo cùng tập họp tại một chỗ. Hãy lắng nghe, suy nghiệm kỹ. Nếu ai tự biết có phạm, hãy tự phát lộ. Ai không phạm thì im lặng, tôi biết các Đại đức thanh tịnh, như một người được kẻ khác hỏi riêng điều gì thì như thật mà trả lời. Cũng vậy, Tỳ kheo nào ở trong chúng, sau khi đã 3 lần hỏi, nhớ nghĩ mình có tội mà không phát lộ, vị ấy mắc tội cố ý vọng ngữ. Phật dạy, cố ý vọng ngữ là pháp chướng đạo. Tỳ kheo nào nhớ nghĩ mình có tội, muốn cầu thanh tịnh, hãy tự phát lộ. Do phát lộ mà được an lạc.”[14]

2.3. Luận của luật

Ra đời sau khi các bộ quảng luật hoàn thành, bộ phận này lưu hành bên ngoài hệ thống của quảng luật. Tuy nhiên, tính chất luận của luật từ hình thức tổ chức cho đến phần nội dung đều không thống nhất với nhau. Bởi vì bộ phái không phải chỉ có một. Căn cứ theo tình hình nghiên cứu luật của luận theo hệ Hán ngữ, như đã dẫn ở trên thì có “Tứ Luật, Ngũ Luận”. Ngũ luận tức là năm hệ luận giải của luật tạng. Luận thư của luật được lưu truyền ở Trung Quốc hiện nay có năm bộ luận giải. Năm bộ này gồm có:

Tì-ni mẫu kinh毘尼母經 (Vinayamātṛkā) gồm 8 quyển. Đại chánh 24, No. 1463. Luật giải, có thuyết cho là giải thích luật Thập tụng; có thuyết cho là giải thích luật Tứ phần. Tần (A.D. 350 – 431), dịch giả khuyết danh.

Tát-bà-đa-bộ tì-ni ma-đắc-lặc-già薩婆多部毘尼摩得勒伽, gồm 10 quyển. Đại chánh 23, No. 1441. Do Tăng-già-bạt-ma僧伽跋摩 (Samghavarman) dịch vào thời Lưu Tống (Nguyên Gia 3, A.D. 435). Còn gọi là Ma-đức-lặc-già tì-ni. Tát bà đa Tì-ni, Tát-bà-đa-ma-đắc-lặc-già tì-ni, Tì-ni ma-đắc-lặc-già. Luật giải (Mātṛkā) của bộ phái Tát-bà-đa hay Thuyết nhất thiết hữu bộ (Sarvāstivāda).

Thiện kiến luật Tỳ-bà-sa善見律毘婆沙(Samantapāsādikā), gồm 18 quyển. Đại chánh 24, No. 1462. Do Sa-môn ngoại quốc Tăng-già-bạt-đà-la僧伽跋陀羅譯(Saṃghabhadra) dịch tại Quảng Châu vào năm Vĩnh Minh [(6) 7, A.D (489)] đời Tiêu Tề 簫齊. Luật giải do Giác Âm, hay Phật Minh (Buddhaghosa) soạn vào thế kỷ V, giải thích Luật Pāli, thuộc Thượng tọa bộ Tích lan.

Tát-bà-đa Tỳ-ni Tỳ-bà-sa 薩婆多毘尼毘婆沙, gồm 9 quyển. Đại chánh 23, No. 1440. Dịch giả khuyết danh; phỏng định niên đại Tam Tần (A.D. 350 – 431). Luật sớ của bố pháp tát-bà-đa hay Thuyết nhất thiết hữu bộ (Sarvāstivāda).

Luật nhị thập nhị minh liễu luận律二十二明了論, có 1 quyển. Đại chánh 24, No. 1461. Do Pháp sư Phất-đà-đa-la hay Phật-đà-đa-la-đa (Buddhatrāta) soạn. Gồm 22 bài kệ tụng và giải thích Trần (Quang Đại 2, A.D. 568) Chân Đế dịch. Luật giải thuộc bộ phái Chính lượng bộ (Sammitīya).

Đấy là phần nội dung về hệ thống kết cấu của luật tạng. Bắt đầu từ các đề mục dưới trở đi là phần nội dung tổ chức của bộ phận quảng luật, giới kinh Ba-la-đề-mộc-xoa, luận của luật và các truyền bản yết-ma của các bộ.

3. NỘI DUNG HÌNH THỨC TỔ CHỨC CỦA BỘ PHẬN QUẢNG LUẬT

Trong phần nội dung hình thức tổ chức, chúng tôi sẽ đi theo thứ tự số quyển của từng bộ luật trên Đại chánh tạng, và trong đó sẽ khảo sát về lược sử hình thành và hình thức sắp xếp của mỗi bộ luật.

3.1. Ngũ phần luật-五分律 (Mahīśāsaka-vinaya)

Ngũ phần luật tên gọi đầy đủ là Di-sa-tắc bộ Hòa hê ngũ phần luật 彌沙塞部和醯五分律(Mahīśāsaka-vinaya) hay gọi lược “Di-sa-tắc bộ luật”, tức luật của bộ phái Di-sa-tắc (Hóa địa bộ). Xuất tam tạng ký,[15] đề cập đến bản tiếng Phạn của Di-sa-tắc được Pháp Hiển tìm thấy tại nước Sư Tử (Siṃhala), bèn sao chép rồi đem về Trung Quốc, nhưng chưa kịp phiên dịch thì tịch . Các nghiên cứu của André Bareau[16] và Ấn Thuận[17] đều đồng quan điểm như trên và cho biết thêm, năm 412 Pháp Hiển 法顯 du học Tây Vực tìm thấy tạng luật này tại nước Sư Tử (Siṃhala) nay là Tích-lan, đến năm Cảnh Bình (423Tl), luật sư Phật-đà-thập (Buddajīva) người Kế-tân, thuộc Hóa địa bộ đến Trung Quốc mới thỉnh ông tụng và sa-môn Trí Thắng 智勝 nước Vu-điền phiên dịch, còn có sự tham gia của Trúc Đạo Sinh 竺道生 ở chùa Long Quang và Huệ Nghiêm 慧嚴. Ấn Thuận phân tích thêm,[18] hai chữ Hòa-hê 和醯 trong tên gọi Di-sa-tắc bộ hòa-hê ngũ phần luật, có ý nghĩa không rõ; trong phần mục lục kinh đời xưa không có hai chữ này. Di-sa-tắc bộ, Hán dịch âm Di-hỉ-xả-sa-kha 彌嬉捨娑柯, hay Di-hỉ-xả-bà-đà彌嬉捨婆拖. Tuy ‘sa-kha’ (sakāḥ), hoặc ‘bà-đà’ (vādāḥ) viết nhầm nhưng hợp với âm ‘hòa-hê’. Cho nên, cứ như thế mà gọi Phạn âm của Hóa địa bộ (Mahīśāsaka) là ‘Di-sa-tắc-hòa-hê’, người xưa biết như thế. Đúng ra là Di-sa-tắc hòa-hê bộ ngũ phần luật, lại gọi nhầm Di-sa-tắc bộ hòa-hê ngũ phần luật, thành hai chữ ‘hòa-hê’ không thể giải thích được.

Bộ phận kiền-độ thì gồm 21 pháp, nhưng không gọi là kiền-độ mà gọi là Pháp法. Di-sa-tắc bộ Hòa hê ngũ phần luật đang lưu hành trên tạng Đại chánh, tập 22, No.1421, gồm 30 quyển,[19] Lưu Tống (Cảnh Bình 1-2, A.D. 423-424) do Phật-đà-thập (Buddajīva) và Trúc Đạo Sinh dịch. Nội dung Ngũ phần luật được chia ra làm 5 phần, kết cấu theo bản Hán như sau:

Phần 1 (第一分), từ quyển 1 đến quyển 10. Nói về 251 giới pháp của Tỳ kheo.

Phần 2 (第二分), từ quyển 11 đến quyển 14. Nói về 370 giới pháp của Tỳ kheo ni.

Phần 3 (第三分), từ quyển 15 đến quyển 22. Nói về pháp thức thọ giới, bố-tát, an cư, tự tứ, y, da thuộc, dược, thực, y ca-thi-na.

Phần 4 (第四分), từ quyển 23 đến quyển 24. Nói về pháp diệt tránh và pháp yết-ma.

Phần 5 (第五分), từ quyển 25 đến 30. Nói về pháp phá Tăng, ngọa cụ, pháp tạp, oai nghi, ngăn bố-tát, biệt trú, điều phục, Tỳ kheo ni, ngũ bách kết tập và thất bách kết tập.

Y cứ theo nội dung Ngũ phần luật mà bản Hán đã phân đoạn làm 5 phần, thì trong đó chúng ta thấy rằng: Chương 1-2: Giới kinh của Tỳ kheo và Tỳ kheo ni. Chương 3-4-5: Bộ phận 21 Pháp. Dưới đây là phần kết cấu nội dung của từng chương và số trang theo tạng Đại chánh như sau:

Chương Tỳ kheo phân biệt (Bhikṣuvibhaṅga): Trang 1a8-77b19 (quyển 1 đến quyển 10). Nói về 251 giới pháp của Tỳ kheo gồm: 4 pháp ba-la-di 波羅夷法 (pārājika), 13 pháp Tăng tàn僧殘法 (S.Saṅghāvaśeṣa, P.Saṅghādiesa), 2 pháp bất định 不定法(Anitya), 30 pháp xả đọa 捨墮法 (S.Naiḥsargika, P.Nissaggiya), 91 pháp đọa 墮法(S.Pāyattika,P.Pācittiya), 4 pháp hối quá悔過法 (S.Pratideśanīya, P.Pātidesaniya), 100 pháp chúng học眾學法 (S.Saṃbahulāḥśaikṣā dharmāḥ, P.Sekhiyādhammā), 7 pháp diệt tránh滅諍法(S.Sapta adhikaraṇaśāmathāḥ dharmāḥ, P.Satta adhikaraṇasāmathā dhammā).

Chương Tỳ kheo ni phân biệt (Bhikṣunīvibhaṅga): Trang 77b28-101a4 (quyển 11 đến quyển 14). Nói về 370 giới pháp của Tỳ kheo ni gồm: 8 pháp ba-la-di, 17 pháp Tăng tàn, 30 pháp xả đọa, 207 pháp đọa, 8 pháp hối quá, 100 pháp chúng học.

Chương Pháp: Trang 153c29-164a11 (quyển 23 đến 24) gồm: Thọ giới pháp 受戒法(Pabbajjakkhandhaka), bố-tát pháp布薩法 (Uposathakkhandhaka), an cư pháp 安居法 (Vassupanāyikakkhandhaka), tự tứ pháp自恣法 (Pavāraṇakkhandhaka), y pháp 衣法 (Cīvarakkhandhaka), bì cách pháp皮革法 (Cammakkhandhaka), dược pháp 藥法(Bhesajjakkhandhaka), thực pháp食法, ca-thi-na y pháp 迦絺那衣法(Kaṭhinakkhandhaka).

Chương Pháp: Trang 153c29-164a11 (quyển 23 đến 24) gồm: Diệt tránh pháp 滅諍法 (Samathakhandhaka) và yết-ma pháp 羯磨法 (Kammakkhandha).

Chương Pháp: Trang 164a20-194b20 (quyển 25 đến 30) gồm: Phá Tăng pháp 破僧法 (Saṃghabhedakkhandhaka), ngọa cụ pháp臥具法 (Senāsanakkhandhaka), tạp pháp 雜法 (Khuddakavatthukkhandhaka), oai nghi pháp 威儀法 (Vattakkhandhaka), già bố-tát pháp遮布薩法(Pātimokkaṭṭhapanakkhanda), biệt trú pháp別住法(Pārivāsikakkhandhaka), điều phục pháp調伏法, Tỳ kheo ni pháp比丘尼法(Bhikkhunīkkhandhaka), ngũ bách tập pháp 五百集法 (Pañcasatikakkhandaka), thất bách tập pháp七百集法 (Sattasatikakkhandhaka).

3.2. Ma Ha Tăng Kỳ luật-摩訶僧祇律 (Mahāsaṅghika)

Ma Ha Tăng Kỳ luật 摩訶僧祇律 (Mahāsaṅghika) từ “Mahāsaṅghi” có nghĩa là Đại chúng. Cho nên, Ma Ha Tăng Kỳ luật cũng gọi là Đại chúng luật, quảng luật của Đại chúng bộ大眾部 (Mahāsāṃghikas). Nhưng chính xác phải nói đây là nhóm Tỳ kheo Bạt-kỳ tử (Vṛjiputra/Vajjiputta) ở Tì-xá-li (Vaiśāli/Vesāli), là nhóm đã đề ra 10 điều châm chước từ luật, được gọi là mười phi pháp, dẫn đến cuộc kết tập lần thứ hai. Kết quả, Tăng đoàn nguyên thủy bị phân thành hai. Nhóm không chấp nhập mười phi pháp gồm các Thượng tọa, nên được gọi là Thượng tọa bộ. Nhóm chấp nhận mười điều này gồm số đông nên được gọi là Đại chúng bộ, tiếng Phạn là Mahāsaṅghika, phiên âm là Ma Ha Tăng Kỳ. Xuất tam tạng ký[20] đề cập “Bà-thô-phú-la nhận được rất nhiều phiếu, vì do nhiều người, nên đổi tên là Ma Ha Tăng Kỳ.” Ở phần Tân tập luật lai Hán địa tứ bộ tự lục 新集律來漢地四部序錄, Tăng Hựu nói “Bà-thô-phú-la, thọ trì kinh điển, bộ phái này chủ trương hữu ngã, chẳng khác nào trẻ con nên gọi là Bà-sa-phú-la. Đây là tên gọi của Tăng-kỳ luật.”[21] Tăng Hựu chỉ rõ, những vị Bà-thô-phú-la thọ trì kinh điển đều nói có “ngã” (pudgalavāda), nói như trẻ con nên gọi là Bà-thô-phú-la. Quan điểm hữu ngã cố nhiên là giáo nghĩa trọng yếu của Độc tử bộ, và do quan điểm ấu trỉ này nên có tên gọi như vậy. ‘Bà-thô’ phiên âm từ vatsa: bò con, hay tiểu nhi (Wogihara); có thể Tăng Hựu nhầm nó với Vṛji (Pāli: Vajjī) vốn là tên gọi những bộ tộc theo chế độ cộng hòa thị tộc, trong đó bộ tộc rất hùng mạnh là Licchavi, thủ phủ là Vaiśali/Vesali (Tì-xá-li). Sự hùng mạnh của bộ tộc này được Phật nhắc đến trong “Kinh Du hành”[22] thuộc Trường A-hàm 長阿含 (Dīrghāgama). Sau Phật Niết-bàn khoảng 100 năm, nhóm Tỳ kheo Bạt-kỳ đề xuất 10 điều luật châm chước bị quy kết là phi pháp, phi luật dẫn đến hội nghị biên tập lần thứ hai tại Tì-xá-li, kết quả Tăng-đoàn phân chia làm hai: Thượng tọa bộ (Sthavira) và Đại chúng bộ (Mahāsaṅghika). Không chỉ có ngài Tăng Hựu nhầm lẫn, đến nay học giả cận đại như Lâm Lê Quang林藜光 (1902-1945)[23] cũng cho rằng trong lịch sử Phật giáo, có hai học phái khác nhau được biết dưới cùng một tên Đại chúng bộ: 1. Đại chúng bộ, không cải cách, đại biểu cho khuynh hướng lập phái lúc đầu là tự do và Đại thừa… 2. Đại chúng bộ cải cách, của khuynh hướng bảo thủ và nghiêm ngặt Tiểu thừa, theo đuổi đường lối chính thống kiểu Trưởng lão bộ (Sthaviravāda) hoặc Độc tử bộ (Vātsīputrīya).

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Luoc Su Hinh Thanh Tang Luat He Han 3

Tuy nhiên, ý kiến này của ông đã vấp phải sự không đồng tình bởi André Bareau.[24] Lin Li-Kouang, dựa trên chứng ký đáng ngờ của Tăng sĩ Trung Hoa Seng-yeou (僧祐, 445-518) sống vào đầu thế kỷ 6 Tây lịch, dựng nên một giả thuyết khá tinh vi cho rằng các nhà Độc tử bộ chính là các nhà ‘Đại chúng bộ’ cải cách [muốn từ bỏ quan điểm nguyên thủy của Đại chúng bộ để quay về với quan điểm của Trưởng lão bộ (xem chương I, về Đại chúng bộ). Giả thuyết khá hấp dẫn, nhưng nền tảng thì quá mỏng manh chưa đủ tính thuyết phục để lưu ý. Lin Li-Kouang, rất thành thật, đã cho biết rằng, trong hậu văn của Luật tạng Đại chúng bộ mà ông căn cứ, không cho thấy sự tương đồng giữa giới luật Đại chúng bộ và giới luật của Độc tử bộ. Vậy, chứng ký nói trên chỉ là sáng tạo của Seng-yeou. Thật vậy, tất cả mọi tư liệu Ấn Độ cũng như mọi tư liệu được gợi ý trực tiếp từ các chứng liệu Ấn Độ đều thống nhất cho rằng Độc tử bộ khác biệt hoàn toàn với Đại chúng bộ.

Về Phạn bản, phần cuối của luật Ma Ha Tăng Kỳ với tên gọi Ma Ha Tăng Kỳ luật tư ký 摩訶僧祇律私記, Pháp Hiển nói: “Tôi chép được bản luật này bằng chữ Phạn tại tinh xá Thiên Vương, phía Nam tháp A-dục vương, ấp Ba-liên-phất (Ma-kiệt-đà), rồi đem về Dương Châu. Thế rồi, tôi cùng Thiền sư (Phật-bà-bạt-đà-la) dịch từ chữ Phạn sang chữ Tần (Hán), tại chùa Đấu Trường, từ tháng 11 năm Bính Thìn, niên hiệu Nghĩa Hi thứ 12 (416) đời Tấn đến cuối tháng 2 năm Nghĩa Hi thứ 14 (418) thì hoàn thành; do đó ghi lại đôi dòng để biết.”[25] Bộ phận kiền-độ trong quảng luật gồm 13 pháp, nhưng không gọi là kiền-độ mà gọi là bạt-cừ [26] pháp. Nội dung của luật Tăng-kỳ đầu tiên nói rõ luật Tỳ kheo (Bhikṣu-vinaya), từ phần làm rõ “4 pháp ba-la-di cho đến 7 pháp diệt tránh”, sau đó tổng kết rằng: “Hết phần ba-la-đề-mộc-xoa phân biệt”. Phần tiếp theo, phần “làm rõ tạp tụng bạt-cừ pháp” phần này gồm 11 bạt-cừ pháp, sau cùng là 2 bạt-cừ pháp “làm rõ oai nghi”. Hệ thống tổ chức luật Tỳ kheo ni cũng như vậy.

Bộ Ma Ha Tăng Kỳ luật đang lưu hành trên tạng Đại chánh, tập 22, No.1425, gồm 40 quyển,  Đông Tấn (Nghĩa Hi 3, A.D. 416) do Phật-đà-bạt-đà-la (Buddhabhadra) và Pháp Hiển dịch. Nội dung Ma Ha Tăng Kỳ luật được chia ra làm 2 phần, kết cấu theo bản Hán như sau:

Phần 1. Tỳ kheo Tăng giới pháp 比丘僧戒法, quyển 1 đến quyển 35. Trong đó, từ quyển 1 đến quyển 22 nói về 218 giới pháp của Tỳ kheo. Từ quyển 23 đến quyển 33, thuyết minh về tạp tụng bạt-cừ pháp 雜誦跋渠法. Từ quyển 34 đến quyển 35, nói về oai nghi pháp威儀法; tất cả sẽ được nói rõ ở phần kết cấu chương và số trang.

Phần 2. Tỳ kheo ni giới pháp 比丘尼戒法, quyển 36 đến 40. Nói về 290 giới pháp của Tỳ kheo ni. Tiếp theo giữa quyển 40 (p.544c11-548a19) giải thích về tạp bạt-cừ, gồm có 5 bạt-cừ pháp.

Đấy là hai phần chính của hệ thống quảng luật. Tuy nhiên, bộ phận của Tỳ kheo đã chiếm trọn từ 7 cho đến 8 phần, và trải dài tới 35 quyển. Điều này, cho thấy bộ phận giới pháp của Tỳ kheo ni chỉ là phần phụ thuộc toàn bộ hệ thống của quảng luật. Theo bản Hán, phần bạt-cừ pháp không phân chia thư mục như các bộ quảng luật khác, bản Hán tổng cộng có 13 pháp, chia ra làm hai: Thứ nhất: Minh tạp tụng Bạt-cừ pháp 明雜誦跋渠法, phần này gồm 11 bạt-cừ pháp. Thứ hai: Minh oai nghi pháp 明威儀法, phần này gồm 2 bạt-cừ pháp. Trong phần nội dung bạt-cừ pháp của quảng luật, mỗi khi đủ 10 pháp sẽ quy kết thành một kệ tụng, còn gọi là kệ tóm tắt. Phần “tạp tụng bạt-cừ pháp” có tất cả 14 phẩm, phần “oai nghi pháp” tất cả có 7 phẩm. Kết cấu từng phẩm và số trang như sau:

Chương 1. Tỳ kheo giới pháp 比丘僧戒法

Trang 227a8-412b16 (quyển 1 đến quyển 22). Nói về 218 giới pháp của Tỳ kheo gồm: 4 pháp ba-la-di波羅夷法 (Pārājika), 13 pháp tăng tàn 僧殘法 (S.Saṅghāvaśeṣa, P.Saṅghādiesa), 2 pháp bất định 不定法 (Anitya), 30 ni-tát-kỳ-ba-dật-đề 尼薩耆波夜提 [8] (S.Naiḥsargika, P.Nissaggiya), 92 đơn đề 單提 (S.Pāyattika, P.Pācittiya), 4 đề-xá-ni提舍尼 (S.Pratideśanīya, P.Pātidesaniya), 100 pháp chúng học眾學法(S.Saṃbahulāḥśaikṣā dharmāḥ, P. Sekhiyādhammā), 7 pháp diệt tránh 滅諍法(S.Sapta adhikaraṇaśāmathāḥ dharmāḥ, P.Satta adhikaraṇasāmathā dhammā).

Từ trang 412b23-499a17 (quyển 23 đến quyển 33), thuyết minh về tạp tụng bạt-cừ pháp, [2][3]gồm 14 phẩm. Chi tiết như sau.

Phẩm 1: Trang 412b23-426b12 (quyển 23 đến quyển 24) gồm:  1. Thể thức thọ cụ túc, 2. Không gọi là thọ cụ túc, 3. Các điều kiện thọ cụ túc, 4. Các già nạn,[27] 5. Yết-ma, 6. Việc yết-ma, 7. Yết-ma chiết phục, 8. Yết-ma không nói chuyện, 9. Yết-ma tẫn xuất, 10. Yết-ma phát hỷ.

Phẩm 2: Trang 426b13-422a14 (quyển 24 đến quyển 26) gồm: 1. Yết-ma cử tội, 2. Biệt trụ, 3. Ma-na-đỏa, 4. Xuất tội, 5. Yết-ma nên hay không nên làm, 6. Tùy thuận làm theo sẽ được xả Yết-ma, 7. Tha-la-tha, 8. Dị trụ, 9. Cho pháp học hối ba-la-di, 10. Tùy thuận hành mích tội tướng.

Phẩm 3: Trang 442a15-446c6 (quyển 24 đến quyển 27) gồm: 1. Cử tội, 22. Trị phạt, 3. Đuổi đi, 4. Dị trụ, 5. Người xử đoán việc Tăng,[28] 6. Vấn đề ruộng vườn, đất đai,[29] 7. Vấn đề Tăng-già lam, 8. Phép tắc về doanh sự, 9. Phép tắc về giường nệm, 10. Phép cung kính.

Phẩm 4. Trang 466c7-455a24 (quyển 27 đến quyển 28) gồm: 1. Phép Bố-tát, 2. Phép yết-ma, 3. Phép gởi dục, 4. Phép thuyết thanh tịnh,[30] 5. Phép an cư, 6. Phép tự tứ, 7. Vấn đề y Ca-hi-na, 8. Chẳng phải y Ca-hi-na, 9. Thể thức xả y Ca-hi-na, 10. Vấn đề y pháp.

Phẩm 5. Trang 455a25-464c6 (quyển 28 đến quyển 29) gồm: 1. Vấn đề Tỳ kheo bệnh, 2. Vấn đề thuốc men, 3. Trách nhiệm liên quan giữa thầy và trò, 4. Phép tắc của Sa-di, 5. Phép tắc của bát, 5. Phép dùng cháo, 6. Phép dùng bánh, 7. Phép dùng rau, 8. Phép dùng lương khô, 9. Phép dùng nước trái cây, 10. Phép dùng thức uống chế biến.

Phẩm 6. Trang 464c7-478b27 (quyển 29 đến quyển 31) gồm: 1. Phép tỳ-ni,[31] 2. Chướng ngại hay không chướng ngại, 3. Vấn đề Tỳ kheo ni, 4. Nấu ăn ở chỗ ngủ, 5. Tự nấu ăn, 6. Nhận thịt sống, 7. Nhận ngũ cốc, 8. Tự lấy rồi dùng, 9. Gọt vỏ, 10. Nấu chín.

Phẩm 7. Trang 478b28-483b2 (quyển 31) gồm: 1. Vật nặng, 2. Vật vô thường, 3. Yết-ma công nhận bệnh cuồng si, 4. Bày tỏ sự không đồng tình, 5. Phá lòng tin của thí chủ, 6. Phép dùng giày da, 7. Phép dùng guốc, 8. Phép tắm rửa, 9. Phép dùng  mạt hương, 10. Phép dùng gậy và túi bằng dây.

Phẩm 8. Trang 483b29-485c20 (quyển 31 đến quyển 32) gồm: 1. Phép dùng tỏi, 2. Phép phú bát, 3. Phép kết móc y, 4. Phép dùng đai lưng, 5. Phép dùng đai có dây cột,[32] 6. Phép cưỡi ngựa đi xe, 7. Phép nằm chung giường, 8. Phép ngồi chung, 9. Phép ăn chung, 10. Phép ăn trên bàn.

Phẩm 9. Trang 485c21-488b11 (quyển 32) gồm: 1. Vì mình mà giết súc vật, 2. Phép dùng thịt,[33] 3. Phép dùng da, 4. Vật lau chân, 5. Thuốc bôi mắt, 6. Lọ đựng thuốc bôi mắt, 7. Que bôi thuốc vào mắt, 8. Phép dùng ô dù, 9. Phép dùng quạt, 10. Phép dùng phất trần.

Phẩm 10. Trang 488b12-493c25 (quyển 32 đến quyển 33) gồm: 1. Dùng dao trị bệnh, 2. Túi chứa nước, 3. Phép cạo tóc, 4. Dụng cụ cạo tóc, 5. Phá Tăng, 6. Tăng hòa hợp, 7. Ngũ bách kết tập, 8. Thất bách kết tập, 9. Tóm tắt về tỳ-ni.

Phẩm 11. Trang 493c26-495b16 (quyển 33) gồm: 1. Hủy báng, 2. Kỹ nhạc, 3. Soi gương, 4. Gánh vác, 5. Xăn quần áo, 6. Leo cây, 7. Nhóm lửa, 8. Chén đồng, 9. Hoán đổi việc cúng dường.

Phẩm 12. Trang 495b17-496c14 (quyển 33) gồm: 1. Chúng sinh,  2. Cây, 3. Vấn đề đốt củi, 4. Vấn đề hoa, 5. Vấn đề trái, 6. Vấn đề trồng cây, 7. Quyền lợi người trồng cây,[34] 8. Hình thức phạm tội, 9. Trường hợp không phạm,[35] 10. Phép trị phạt.

Phẩm 13. Trang 496c15-497b17 (quyển 33) gồm: 1. Pháp diệt tránh, 2. Sự tranh cãi, 3. Điều phục, 4. Việc điều phục,[36] 5. Nghe pháp, 6. Dầu thoa mặt, 7. Phép dùng phấn, 8. Phép dùng bàn chải, 9. Phép dùng lược, 10. Phép dùng trâm.

Phẩm 14. Trang 497b18-499a12 (quyển 33) gồm: 1. Phép xây tháp, 2. Việc liên quan đến xây tháp, 3. Làm trang thờ nơi tháp, 4. Trồng vườn hoa xung quanh tháp, 5. Đào ao bên tháp, 6. Làm chi-đề[37] ở cạnh tháp, 7. Phẩm vật cúng dường, 8. Dùng kỹ nhạc cúng dường, 9. Thụ dụng cụ cúng dường, 10. Trường hợp gặp tai nạn.

Từ trang 499a24-514a18 (quyển 34 đến quyển 35), thuyết minh về oai nghi pháp, gồm 7 phẩm. Chi tiết như sau:

Phẩm 1. Trang 499a24-502b24 (quyển 34) gồm: 1. Phép bố-tát của Thượng tọa thứ nhất, 2. Phép bố-tát của Thượng tọa thứ hai, 3. Phép bố-tát của Tăng chúng,[38] 4. Cách ăn của Thượng tọa, 5. Cách ăn của Thượng tọa thứ hai, 6. Cách ăn của Tăng chúng, 7. Trách nhiệm Hòa thượng đối với đệ tử, 8. Bổn phận đệ tử đi cùng Hòa thượng, 9. Trách nhiệm Hòa thượng đối với đệ tử y chỉ, 10. Bổn phận của đệ tử y chỉ.

Phẩm 2. Trang 502b25-505b29 (quyển 34) gồm: 1. Vấn đề bảo quản giường nệm, 2. Phép chỉnh sửa phòng ốc trước khi an cư, 3. Phép chỉnh sửa phòng ốc khi an cư, 4. Trú xứ A-lan-nhã, 5. Bổn phận của Tỳ kheo khách, 6. Bổn phận của cựu Tỳ kheo, 7. Bổn phận sửa chữa vật dụng, 8. Vấn đề đại tiện, 9. Vấn đề tiểu tiện, 10. Vấn đề tăm xỉa răng.

Phẩm 3. Trang 505c1-507b3 (quyển 34 đến quyển 35) gồm: 1. Vấn đề vá y, 2. Vấn đề ngăn chỗ nằm, 3. Vấn đề lau phòng, 4. Vấn đề khạc nhổ, 5. Vấn đề sử dụng bát, 6. Vấn đề dung cháo, 7. Oai nghi khi đứng, 8. Cách thức đi kinh hành, 9. Cách thức ngồi, 10. Cách thức nằm.

Phẩm 4. Trang 507b4-509c25 (quyển 35) gồm: 1. Phép của Tỳ kheo khách, 2. Phép của cựu Tỳ kheo, 3. Phép rửa chân, 4. Phép lau chân, 5. Phép dùng nước, 6. Phép uống nước, 7. Phòng sưởi, 8. Phép tắm , 9. Phép dùng vật dụng, 10. Phép sử dụng y.

Phẩm 5. Trang 509c26-511b15 (quyển 35) gồm: 1. Phép của Tỳ kheo A-lan-nhã, 2. Phép của Tỳ kheo thôn xóm, 3. Phép đảnh lễ, 4. Phép thưa hỏi, 5. Phép tắc nói năng, 6. Phép vào trong chúng Sát-lợi, 7. Phép vào trong chúng Bà-la-môn, 8. Phép vào trong chúng cư sĩ, 9. Phép vào trong chúng ngoại đạo, 10. Phép tắc nhập chúng.

Phẩm 6. Trang 511b16-512c10 (quyển 35) gồm: 1. Phép mặc nội y, 2. Phép mặc trung y, 3. Phép mặc y đi vào thôn xóm, 4. Phép giữ y trong nhà cư sĩ, 5. Phép của Sa-môn đi trước, 6. Phép của Sa-môn đi sau, 7. Phép nhờ người lấy thức ăn, 8. Phép giúp người lấy thức ăn, 9. Phép đi khất thực, 10. Phép đợi nhau khi ăn.

Phẩm 7. Trang 512c11-514a13 (quyển 35) gồm: 1. Phép đốt và tắt đèn, 2. Phép vác thiền trượng đi tuần hành, 3. Phép mang vòng đi tuần hành, 4. Phép cởi giày trong phòng thiền, 5. Phép dùng tọa cụ trong phòng thiền, 6. Oai nghi khi ho, 7. Oai nghi khi nhảy mũi, 8. Oai nghi khi ngáp và thư giãn thân thể, 9. Oai nghi gãi ngứa, 10. Oai nghi hạ phong.

Chương 2. Tỳ kheo ni giới pháp 比丘尼戒法

Trang 514a25-544c10 (quyển 36 đến quyển 40). Nói về 290 giới pháp của Tỳ kheo ni gồm: 8 pháp ba-la-di, 19 pháp tăng tàn, 30 ni-tát-kỳ-ba-dật-đề, 141 ba-dạ-đề, 8 ba-la-đề-xá-ni, 77 pháp chúng học, 7 pháp diệt tránh.

Từ trang 544c11-548a19 (quyển 40) giải thích về “tạp bạt-cừ”, gồm có 5 bạt-cừ pháp. Có tất cả 44 mục, chi tiết như sau:

Phẩm 1. Trang 544c11-545b28 (quyển 40) gồm: 1. Phép ngồi, 2. Phép sử dụng chiếu đan, 3. Phép dùng đai lưng, 4. Áo che mưa, 5. Mặc trang phục phụ nữ, 6. Mặc đồ thế tục, 7. Nuôi người nữ giúp việc, 8. Nuôi người nữ làm vườn, 9. Mặc nội y,[39] 10. Mặc áo tắm.[40]

Phẩm 2. Trang 545b29-546b8 (quyển 40) gồm: 1. Vỗ âm đạo, 2. Lấy cao làm hình nam căn, 3. Vệ sinh chỗ kín, 4. Cách dùng vải khi nguyệt kỳ, 5. Giặt đồ dơ chỗ người nữ tắm, 6. Giặt đồ dơ chỗ người nam tắm, 7. Giặt đồ dơ chỗ thế tục giặt, 8. Đưa âm đạo hứng chỗ nước xối, 9. Tắm nơi dòng nước chảy, 10. Dùng củ làm nam căn.

Phẩm 3. Trang 546b9-547a26 (quyển 40) gồm: 1. Làm yết-ma cho Tăng, 2. Y kiều-xá-la,[41] 3. Mặc áo che vai, 4. Trang điểm cho người thế tục, 5. Trồng hoa Ưu-bát-la bán, 6. Trồng hoa Tu-mạn-na bán, 7. Kết tràng hoa bán, 8. Quay sợi bán, 9. Phá hoại oai nghi.

Phẩm 4. Trang 547a27-547c24 (quyển 40) gồm: 1. Để thai chết vào bát, 2. Đậy bát, 3. Đậy nắp cầu tiêu, 4. Tắm nhà tắm thế tục, 5. Ở nơi hoang vắng, 6. Thọ y Ca-hi-na, 7. Xả y Ca-hi-na.

Phẩm 5. Trang 547c25-548a19 (quyển 40) gồm: 1. Thức ăn Tỳ kheo thanh tịnh, Tỳ kheo ni không thanh tịnh, 2. Thức ăn Tỳ kheo ni thanh tịnh, Tỳ kheo không thanh tịnh, 3. Tỳ kheo được phép sai Tỳ kheo ni trao thức ăn, 4. Tỳ kheo ni được nhận thức ăn từ Tỳ kheo, 5. Có ba nguyên nhân làm mất bản chất Tỳ kheo, 6. Có ba nguyên nhân làm mất bản chất Tỳ kheo ni, 7. Tỳ kheo ni không có pháp tàn thực, 8. Dịp đại hội, xếp tám vị Thượng tọa Ni ngồi theo thứ tự, ngoài ra tùy nghi mà ngồi.

3.3. Tứ phần luật-四分律 (Dharma-guptaka)

Tứ phần luật 四分律 là hệ thống luật của Đàm-vô-đức bộ 曇無德部 (Dharma-guptaka) thuộc phái Pháp tạng bộ 法藏部, do tam tạng Phật Đà Da Xá (Buddhayaśas) người Kế-tân tụng xuất từ năm Hoằng Thỉ 12 đến năm 15 đời Diêu Tần (410-413 TL). Theo Xuất tam tạng ký đề cập,[42] Đàm-vô-đức cũng được phiên âm là Đàm-ma-cúc-đa (Dharmagupta), Hán dịch theo Tăng Hựu là Pháp Kính 法鏡, nghĩa là gương pháp. André Bareau,[43] giải thích từ Dharmaguptaka trong tác phẩm của mình là người giữ gìn Pháp. Về vị tổ sáng lập tông phái và thầy của vị tổ này đã tôn xưng, có nhiều thuyết không đồng nhất với nhau. Tam luận huyền nghĩa kiểm u tập,[44] cho rằng đó là vị tổ của bộ phái này, và là đệ tử của ngài Mục-liên (Maudgalyāyana) vào thời đức Phật. Xá Lợi Phất vấn kinh,[45] thì cho rằng là đệ tử của Mục Kiền Liên-tử Đế-tu (Moggaliputta-Tissa). Cho đến hiện nay, những vấn đề nêu trên vẫn là một uẩn khúc chưa được giải đáp cho thỏa đáng, vả lại lớp sương mù dày đặc của huyền thoại lịch sử đã phủ kín, dẫn đến tình trạng vô phương chứng thực. Thực trạng mà nói, nguyên nhân của vấn đề đều khởi nguồn từ mâu thuẫn giữa hai nền văn hiến: Nam phương Pāli và Hán tạng Bắc truyền.

Bản dịch Tứ phần luật 四分律do Phật Đà Da Xá (Buddhayaśas) thực hiện. Da Xá đến Trường An nhưng không mang theo Phạn bản của Tứ phần. Do đó, khi được Tư lệ hiệu úy là Dao Sảng đề nghị phiên dịch, Dao chúa cho rằng không có bản Phạn làm căn cứ thì không thể tin tưởng được. Vì vậy, công việc phiên dịch không được thực hiện ngay. Theo sự ghi chép của hai bộ Xuất tam tạng ký và Cao Tăng Truyện đều đề cập vấn đề như sau: “Tứ phần luật do Phật Đà Da Xá tụng xuất, Trúc Phật Niệm dịch sang Hán, Đạo Hàm bút thọ.”[46] Bộ phận kiền độ thì gồm có 22 phần, 20 phần trước gọi là kiền-độ, nhưng hai phần về sau không gọi là kiền độ mà gọi là tập pháp Tỳ kheo ngũ bách và thất bách tập pháp Tỳ ni.

Về sự truyền dịch của Tứ phần luật, có nhiều thuyết khác nhau, có thuyết cho rằng Phật Đà Da Xá và Trúc Phật Niệm cùng nhau phiên dịch, có thuyết lại cho rằng do Đạo Hàm và Trúc Phật Niệm bút thọ. Lại nữa, số quyển trong Tứ phần luật xưa nay thêm bớt không nhất định. Như Xuất tam tạng ký đề cập ở phần Đàm-vô-đức Tứ phần luật 曇無德四分律và chú giải “ có 40 quyển hoặc 45 quyển”[47] nhưng chính thức lưu hành hiện nay là 60 quyển. Bộ Tứ phần luật đang lưu hành trên tạng Đại chánh, tập 22, No.1428, gồm 60 quyển, do Phật Đà Da Xá (Buddhayaśas) và Trúc Phật Niệm 竺佛念 dịch, Diêu Tần (Hoằng Thỉ 10, A.D. 408). Nội dung của Tứ phần luật được chia ra làm 4 phần, kết cấu theo bản Hán như sau:

Phần 1 (第一分), từ quyển 1 đến quyển 21. Nói về 250 giới pháp của Tỳ kheo.

Phần 2 (第二分), từ quyển 22 đến quyển 37. Bắt đầu từ quyển 22 đến quyển 30, nói về 350 giới pháp của Tỳ kheo ni. Từ quyển 31 đến quyển 37 nói về 4 bộ phận kiền-độ gồm: Thọ giới, [5]thuyết giới, an cư, tự tứ (phần trên).[48]

Phần 3 (第三分), từ quyển 38 đến quyển 49. Tiếp theo phần kiền-độ gồm: Tự tứ (phần dưới), bì cách, y, dược, y ca-thi-na, câu-thiểm-di, chiêm-ba, ha trách, nhân, phú tàng, già, phá Tăng, diệt tránh, Tỳ kheo ni, pháp.

Phần 4 (第四分), từ quyển 50 đến quyển 60. Nói về phòng xá, tạp sự, tập pháp Tỳ kheo ngũ bách, thất bách tập pháp tỳ-ni, điều bộ, tỳ-ni tăng nhất.

Y cứ theo nội dung Tứ phần luật mà bản Hán đã phân đoạn làm 4 phần, thì trong đó chúng ta thấy rằng: Chương 1-2: Giới kinh của Tỳ kheo và Tỳ kheo ni. Chương 3-4: Bộ phận của 20 kiền-độ. Dưới đây là phần kết cấu nội dung của từng chương và số trang theo tạng Đại chánh như sau:

Chương Tỳ kheo phân biệt (Bhikṣuvibhaṅga). Trang 568c6-713c29 (quyển 1 đến quyển 21). Nói về 250 giới pháp của Tỳ kheo gồm: 4 pháp ba-la-di波羅夷法 (Pārājika), 13 pháp tăng tàn 僧殘法 (S. Saṅghāvaśeṣa, P. Saṅghādiesa), 2 pháp bất định 不定法 (Anitya), 30 pháp xả đọa 捨墮法 (S. Naiḥsargika, P. Nissaggiya), 90 pháp đơn đề 單提法 (S. Pāyattika, P. Pācittiya), 4 Đề-xá-ni 提舍尼 (S. Pratideśanīya, P. Pātidesaniya), 100 pháp chúng học 眾學法 ( S. Saṃbahulāḥśaikṣā dharmāḥ, P. Sekhiyādhammā), 7 pháp diệt tránh 滅諍法 (S. Sapta adhikaraṇaśāmathāḥ dharmāḥ, P. Satta adhikaraṇasāmathā dhammā).

Chương Tỳ kheo ni phân biệt (Bhikṣunīvibhaṅga). Trang 714a6 – 778b13 (quyển 22 đến quyển 30) gồm: 8 pháp ba-la-di, 17 pháp tăng tàn, 30 pháp xả đọa, 178 pháp đơn đề, 8 ba-la-đề-xá-ni,[49] 100 pháp chúng học, 7 pháp diệt tránh. Từ Trang 779a6-837c12 (quyển 31 đến quyển 37) thuộc về chương Kiền-độ 揵度 (Khandha) gồm: Thọ giới kiền-độ 受戒揵度(Pabbajjakhandhaka), thuyết giới kiền-độ 說戒揵度 ( Posathakhandhaka), an cư kiền-độ 安居揵度(Vassupanāyikakhandhaka), tự tứ kiền-độ [phần trên] 自恣揵度(Pavāraṇakhandhaka).

Chương Kiền-độ. Trang 837c19-936b17 (quyển 38 đến quyển 49) gồm: Tiếp theo phần tự tứ kiền-độ [Phần dưới]自恣揵度(Pavāraṇakhandhaka), bì cách kiền-độ皮革揵度(Cammakhandhaka), y kiền-độ衣揵度(Cīvarakhandhaka), dược kiền-độ藥揵度(Bhesajjakhandhaka), ca-thi-na y kiền-độ 迦絺那衣揵度 (Kaṭhinakhandhaka), câu-thiểm-di kiền-độ拘睒彌揵度(Kosambīkhandhaka), chiêm-ba kiền-độ瞻波揵度(Campākhandhaka), ha trách kiền-độ 呵責揵度 (Kammakhandhaka), nhân kiền-độ 人揵度 (Pudgalakhandhaka), phú tàng kiền-độ 覆藏揵度 (Pārivāsikakhandhaka), già kiền-độ 遮揵度(Pātimokkaṭṭhapanakkhandhaka), phá Tăng kiền-độ 破僧揵度 (Saṁghabhedakhandhaka), diệt tránh kiền-độ 滅諍揵度 (Samathakhandhaka), Tỳ kheo ni kiền-độ 比丘尼揵度 (Bhikkhunikhandhaka), pháp kiền-độ 法揵度 (Ācārākhandhaka).

Chương Kiền-độ. Trang 936b24-966a11 (quyển 50 đến quyển 53) gồm: Phòng xá kiền-độ 房舍揵度 (Senāsanakkhandhaka), tạp kiền-độ 雜揵度(Khuddakavatthukhandhaka). Bắt đầu từ quyển 54 (trang 966a18-971c3) tập pháp Tỳ kheo ngũ bách nhân 集法毘尼五百人(Pañcasatikakhandhaka), thất bách tập pháp tì-ni 七百集法毘尼 (Sattasatikakhandhaka) không thuộc về phần kiền-độ. Hai phần “phụ tùy” gồm điều bộ 調部, tì-ni tăng nhất 毘尼增一, từ quyển 55 đến quyển 60 (trang 971c10-1014b20).

3.4. Thập tụng luật-十誦律 (Sarvāstivāda-vinaya)

Thập tụng luật 十誦律 (Sarvāstivāda-vinaya, Daśa-bhāṇavāra-vinaya) bộ thư tịch này thuộc luật tạng Thanh văn hệ Hán, gọi chung là Thanh văn điều phục tạng, hay Thanh văn tỳ-ni, v..v. Tương truyền, sau khi đức Thích Tôn nhập diệt ba tháng, chúng đệ tử gồm 500 vị A-la-hán cử hành kết tập kinh, luật lần thứ nhất tại hang Thất diệp (Sapta-parṇa-guhā) ở vùng ngoại ô thành Vương xá (Rājagṛha), nước Ma-kiệt-đà (Magadha). Luận Đại Trí độ đề cập rằng, trong suốt mùa hạ đó, tôn giả Ưu-ba-li (Upāli) thăng tòa 80 lần, tụng đủ tạng Tỳ-ni, gọi là Bát thập tụng.[50] Về các đời lưu truyền thì các bộ như Cao Tăng truyện[51] và Xuất tam tạng ký[52] đều cho rằng, đầu tiên Đại Ca-diếp (Mahākāśyapa) gìn giữ rồi truyền cho A Nan (Ānanda) đời thứ hai, đời thứ ba Mạt-điền-địa (Madhyantika), đời thứ tư Thương-na-hòa-tu (Śāṇa-vāsin). Đến đời thứ năm là Ưu-ba-cúc-đa (Upagupta).

Nguyên thủy Thập tụng luật thì gồm 80 tụng, nhưng ngài Ưu-ba-cúc-đa sợ căn tính người đời sau chậm lụt không thể học thuộc hết 80 tụng nên mới san định lại thành 10 tụng. Từ đó truyền thừa tiếp nối đến hơn 50 vị. Bộ Thập tụng luật hiện đang lưu hành trên tạng Đại chánh 23, No.1435, gồm 61 quyển, do Phất-nhã-đa-la (Puṇyatāra) và Cưu-ma-la-thập (Kumārajīva) dịch vào thời Hậu Tần (Hoằng Thỉ 6, A.D.404) và được xem là bản dịch đầu tiên tại Trung Quốc, thuộc hệ luật Tát-bà-đa bộ 薩婆多部 (Sarvāstivāda) gọi là Thuyết nhất thiết hữu bộ, được lưu hành ở nước Kế-tân (Kaśmīra) thuộc vùng Bắc Ấn. Luận Đại Trí Độ chỉ dẫn: “Tổng quát, có 80 bộ, và cũng có hai phần: Một, Tì-ni của Ma-thâu-la, bao hàm a-ba-đà-na (avādana), bản sinh (jātaka), có 80 bộ. Hai, Tì-ni của Kế-tân, lược bỏ bản sinh, a-ba-đà-na, chỉ giữ những phần trọng yếu, lập thành 10 bộ”[53] Căn cứ theo chỉ dẫn của Đại trí độ, xuất phát từ Hữu bộ có hai hệ luật được lưu hành: Một là Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ tì-nại-da (根本說一切有部毘奈耶/Mūlasarvāstivāda) được lưu hành tại Mathurā. Và một hệ nữa theo Thập tụng luật (十誦律/Sarvāstivāda-vinaya) lưu hành tại Kashmir. Các nhà nghiên cứu hiện đại phần lớn thừa nhận hai hệ Luật khác nhau này, nhưng không thống nhất quan điểm là cả hai cùng chung một hay hai bộ phái khác nhau, chí thiểu là khác nhau bởi căn bản và chi mạt. Thật sự mà nói, chỉ một bộ phái duy nhất trên phương diện giáo nghĩa, nhưng sinh hoạt với hai phả hệ truyền thừa Luật khác nhau, đây thực sự là một vấn đề khá phức tạp.

Chính nhà học giả cận đại như Lữ Trừng[54] là người đầu tiên đặt nghi vấn về hai bộ Luật tạng của Hữu bộ gồm căn bản (gốc) và chi mạt (ngọn). Luật của Thuyết nhất thiết hữu bộ có hai bản lưu hành. Một là lược bản được lưu hành tại Kế-tân (Kashmir); và một bản khác là quảng bản được lưu hành tại Ma-thâu-la (Mathurā). Được nói là lược bản, vì trong đó lược bỏ các mẩu chuyện nhân duyên, thí dụ, bản sinh trong quảng bản. Lược bản này chính là bản dịch Diêu Tần. Về sau, đời Đường, Nghĩa Tịnh sang Ấn với mục đích suy tầm nghiên cứu Luật; trong các bộ luật mà ngài mang về có quảng bản và phiên dịch thành “Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ tì-nại-da. Lược bản mà Lữ Trừng nói ở đây chính là Quảng bản của Thập tụng luật. Tuy nhiên, ở đây chúng ta chỉ nói về hệ Thập tụng luật Tát-bà-đa bộ 薩婆多部 (Sarvāstivāda) gọi là Thuyết nhất thiết hữu bộ, được lưu hành ở nước Kế-tân (Kaśmīra) thuộc vùng Bắc Ấn.

Bộ luật này được 4 vị đại sư: 1. Phất-nhã-đa-la 弗若多羅 (Puṇyatara), 2. Cưu-ma-la-thập 鳩摩羅什(Kumārajīva), 3. Đàm-ma-lưu-chi曇摩流支 (Dharmaruci), 4. Tỳ-ma-la-xoa 卑摩羅叉 (Vimalākṣa) truyền dịch và chỉnh sửa để hoàn thành. Theo Xuất tam tạng ký và Cao Tăng truyện ghi chép lại rằng,[55] trong khoảng niên hiệu Hoằng thuỷ (ca AD. 400), có Sa-môn người Kế-tân (Kaśmīra) hiệu là Phất-nhã-đa-la chuyên học Thập tụng, mang luật này đến Quan Hữu, Trung Quốc. Lúc bấy giờ Cưu-ma-la-thập đang ở tại Trường An, trong vườn Tiêu dao, cùng với ba nghìn tăng sỹ, phiên dịch kinh điển. Phất-nhã-đa-la đọc Phạn bản. La-thập chuyển dịch sang Hán văn. Chỉ mới được hơn hai phần thì Phất-nhã-đa-la tịch, việc phiên dịch phải gián đoạn. Sau đó có sa-môn Đàm-ma-lưu-chi đến Trung Quốc, là vị chuyên tụng Thập tụng luật. Huệ Viễn ở Lô Sơn hay biết, bèn viết thư cho Đàm-ma-lưu-chi đề nghị tiếp tục sự phiên dịch Thập tụng. Đàm-ma-lưu-chi đến Trường An, hợp tác với La-thập dịch tiếp các phần còn lại. Bản dịch Hán Thập tụng luật được hoàn tất, gồm 58 quyển. Về sau có Luật sư Tỳ-ma-la-xoa, là vị đã từng dạy Luật cho La-thập khi còn ở Tây Vực, đến Trung Quốc, trú trong chùa Thạch Giạn. La-xoa hiệu chính lại bản dịch, cuối cùng bản dịch chính thức gồm 61 quyển được lưu truyền. Về truyền bản Phạn. Học giả người Nhật, ông Hadani Ryōtai (Vũ Khê Liễu Đế, 1883-1974 ) trong tác phẩm “Tây Vực Phật giáo nghiên cứu”[56] cho ta biết thêm thông tin. Hiện nay, bản Phạn luật Thập tụng đã thất lạc, chỉ tìm được phần Biệt giải thoát giới kinh giống với giới bổn Tỳ kheo trong Thập tụng (bản Hán). Và một mảnh rời 17 việc (thập thất sự) tương đồng với giới bổn ni trong Thập tụng, do những nhà khảo cổ học như Petrovski, Aurel Stein, Paul Pelliot, sư Ōtani Kōzui v.v… phát hiện ở Khố-xa (Kucha), từ những cuộc thám hiểm suốt một vùng Trung á (Tây Vực) từ năm 1900 đến năm 1916.

Bộ phận kiền-độ của Thập tụng luật sử dụng nhiều tên gọi không đồng nhất với nhau. Bộ phận “Pháp” như 7 pháp, 8 pháp. Trong bộ phận “tạp tụng” thì có “Tỳ kheo ni pháp và tạp pháp”. Chỉ có phần Điều-đạt sự 調達事 là ngoại lệ, không gọi là pháp mà gọi là “sự” 事 (vastu); ở đây Điều-đạt sự là từ dịch gọn của Đề-bà-đạt-đa 提婆達多 (Devadatta). Phần Điều-đạt sự tường thuật chi tiết về sự kiện phá Tăng của Đề-bà-đạt-đa. Nhưng 2 quyển sau cùng (quyển 60-61) gọi là Thiện tụng Tỳ-ni 善誦毘尼được gọi là phẩm 品 (varga). Nội dung Thập tụng luật được chia ra làm 10 tụng, kết cấu theo bản Hán như sau:

Sơ tụng (初誦), từ quyển 1 đến quyển 6.

Nhị tụng (二誦) , từ quyển 7 đến quyển 13.

Tam tụng (三誦) từ quyển 14 đến quyển 20.

Từ tụng đầu đến tụng thứ ba là nói về 257 giới pháp của Tỳ kheo.

Tứ tụng (四誦) từ quyển 21 đến quyển 28, gồm 7 pháp: Thọ cụ túc giới, bố-tát, Tự tứ, an cư, bì cách, y dược, và y.

Ngũ tụng (五誦) từ quyển 29 đến quyển 35, gồm 8 pháp: Ca-thi-na y, câu-xá-di, chiêm-ba, bàn-trà lộ-già, hối pháp, tăng tàn hối pháp, già, ngọa cụ, tránh sự.

Lục tụng (六誦) từ quyển 36 đến quyển 41. Chia thành điều-đạt sự và tạp pháp.

Thất tụng (七誦) từ quyển 42 đến quyển 47. Nói về 354 giới pháp của Tỳ kheo ni.

Bát tụng (八誦) từ quyển 48 đến quyển 51. Tăng nhất pháp, từ 1 pháp đến 10 pháp. Đây là phần chủ yếu của tụng thứ 8. Đến pháp thứ 11, nguyên ủy của nó là “Tăng thập nhất tướng sơ” tính chất không phù hợp với Tăng nhất pháp, vì thể tài của A-tỳ-đạt-ma là phân tích hỏi đáp các việc.

Cửu tụng (九誦) từ quyển 52 đến quyển 55. Trong đó quyển 52 đến quyển 53, nói về Tỳ kheo Ưu-ba-ly vấn về Ba-la-đề-mộc-xoa, bắt đầu từ câu hỏi về giới dâm cho đến 7 pháp diệt tránh là chấm dứt. Từ quyển 54 đến 55, nói về 2 phần “vấn thượng đệ tứ tụng thất pháp”và “vấn thượng đệ ngũ tụng trung bát pháp” đây chính là phần Ưu-ba-ly hỏi về 7 pháp và 8 pháp.

Thập tụng (十誦) từ quyển 56 đến 61. Nội dung tụng 10 này rất phức tạp, bộ phận ban đầu có tên là thiện tụng tỳ-ni 善誦毘尼. Luật sư Tỳ-ma-la-xoa sau khi hiệu đính và chỉnh sửa lại bản dịch gồm 58 quyển của ngài La-thập, thì luật sư chia lại thành 61 quyển, rồi đổi tên thiện tụng善誦thành tỳ-ni tụng 毘尼誦. Từ quyển 56 đến quyển 59, nội dung bao gồm: Tỳ-ni, tỳ-ni tụng hành pháp, hai loại tỳ-ni và tạp tụng. Trong phần hai loại tỳ-ni và tạp tụng này, gồm có ba-la-di và tăng-già-bà-thi-sa.

Phần cuối cùng (quyển 60 và 61): Thiện tụng tỳ-ni tự (thứ tự khéo tụng tỳ-ni) chia ra làm 4 phẩm.

Phẩm 1 (quyển thượng) tường thuật: Ngũ bách Tỳ kheo kết tập tam tạng pháp.

Phẩm 2 (quyển thượng- quyển trung) tường thuật: Thất bách Tỳ kheo kết tập diệt ác pháp.

Phẩm 3 (quyển trung): Tỳ-ni trung tạp.

Phẩm 4 (quyển hạ): Nhân duyên. Hai phẩm ký tải về yết-ma, thuyết giới, an cư, y thực, thuốc, phòng xá.

Y cứ theo nội dung Thập tụng luật mà bản Hán đã phân đoạn và chia ra 10 tụng, thì trong đó chúng ta thấy rằng: Chương 1-2-3: Giới kinh của Tỳ kheo. Chương 4-5: Pháp. Chương 6: Tạp tụng. Chương 7: Giới kinh của Tỳ kheo ni. Chương 8-9: Pháp. Chương 10: Thiện tụng tỳ-ni. Dưới đây là phần kết cấu nội dung của từng chương và số trang theo tạng Đại chánh như sau:

Chương Tỳ kheo phân biệt (Bhikṣuvibhaṅga), trang 1a8-47c3 (quyển 1 đến quyển 6). Nói về 257 giới pháp của Tỳ kheo gồm: 4 pháp ba-la-di波羅夷法(Pārājika), 13 pháp Tăng tàn 僧殘法 (S. Saṅghāvaśeṣa, P. Saṅghādiesa), 2 pháp bất định不定法 (Anitya), 30 pháp ni-tát-kỳ 尼薩耆法 (S. Naiḥsargika, P. Nissaggiya).

Trang 47c9-97a23 (quyển 7 đến quyển 13). Tiếp theo phần, 30 pháp ni-tát-kì, 90 pháp ba-dật-đề 波夜提法 (S. Pāyattika, P. Pācittiya).

Trang 97b5-147b16 (quyển 14 đến quyển 20). Nói về 4 pháp đề-xá-ni 提舍尼 (S. Pratideśanīya, P. Pātidesaniya), 107 pháp chúng học眾學法 (S. Saṃbahulāḥśaikṣā dharmāḥ, P. Sekhiyādhammā), 7 pháp diệt tránh 滅諍法 (S. Sapta adhikaraṇaśāmathāḥ dharmāḥ, P. Satta adhikaraṇasāmathā dhammā).
Chương Pháp, trang 148a5-206b26 (quyển 21 đến quyển 28). Nói về 7 pháp gồm: Thọ cụ túc giới pháp受具足戒法 (Pravrajyāvastu), bố-tát pháp 布薩法 (Poṣadhavastu), tự tứ pháp自恣法 (Pravāraṇāvastu), an cư pháp 安居法 (Varṣāvastu), bì cách pháp 皮革法 (Carmavastu), y dược pháp醫藥法 (Bhaiṣajyavastu), y pháp 衣法 (Cīvaravastu).

Chương Pháp, trang 206c5-256b23 (quyển 29 đến quyển 35). Nói về 8 pháp gồm: Ca-thi-na-y pháp迦絺那衣法 (Kaṭhinavastu), câu-xá-di pháp俱舍彌法(Kośāmbakavastu), chiêm-ba pháp 瞻波法 (Karmavastu), bàn-trà lộ-già pháp 般茶盧伽法 (Pāṇḍulohitakavastu), hối pháp 悔法 (Pudgalavastu), tăng tàn hối pháp僧殘悔法 (Pārivāsikavastu), già pháp遮法 (Poṣadhasthāpanavastu), ngọa cụ pháp 臥具法 (Śayanāsanavastu), tránh sự pháp 諍事法 (Saṃghabhedavastu).

Chương Tạp tụng 雜誦, trang 257a6-302c8 (quyển 36 đến quyển 41). Chia thành điều-đạt sự 調達事) và tạp pháp 雜法.

Chương Tỳ kheo ni phân biệt (Bhikṣunīvibhaṅga) trang 302c15-346a4 (quyển 42 đến quyển 47). Nói về 354 giới pháp của Tỳ kheo ni gồm: 8 pháp ba-la-di, 17 pháp tăng tàn, 30 pháp xả đọa, 178 pháp đơn đề , 8 pháp ba-la-đề-xá-ni, 100 pháp chúng học, 7 pháp diệt tránh.

Chương Tăng nhất pháp 增一法, trang 346a10-378c7 (quyển 48 đến 51). Nói từ 1 pháp 一法 tăng đến 11 pháp 增十一相初.

Chương Ưu-ba-ly vấn 優波離問, trang 379a5-409c19 (quyển 52 đến 55). Trong đó từ trang 379a5-397a12 (quyển 52 đến 53) nói về Tỳ kheo Ưu-ba-ly hỏi về Ba-la-đề-mộc-xoa. Từ trang 397a18-409c19 (quyển 54 đến quyển 55) phần vấn thượng đệ tứ tụng thất pháp 問上第四誦七法và vấn thượng đệ ngũ tụng trung bát pháp 問上第五誦中八法.

Tỳ-ni tụng 比尼誦, trang 410a5-445c7 (quyển 56 đến quyển 59). Thiện tụng tỳ-ni 善誦毘尼, trang 445c13-470b20 (quyển 60 đến quyển 61).

4. BỘ PHẬN GIỚI KINH VÀ GIỚI KINH BA-LA-ĐỀ-MỘC-XOA CỦA CÁC BỘ

4.1. Kết  cấu của bộ phận giới kinh

Giới kinh là một bộ phận vô cùng quan trọng nằm trong hệ thống luật tạng của mỗi bộ phái, giới kinh có loại được dịch trực tiếp từ bản Phạn, có loại được chép từ quảng luật. Trong sự phát triển của Phật giáo vào thời kì đầu, giới kinh có liên hệ mật thiết với nguyên tắc bố-tát 布薩(Poṣadha). Đầu tiên, đức Phật vì các chúng đệ tử Tỳ kheo chế lập bố-tát, có nghĩa là bố-tát dưới hình thức sơ lược thuyết giáo giới, tức là đọc kệ bố-tát. Về sau, chúng đệ tử xuất gia vi phạm nhiều, nên đức Phật tùy theo những vi phạm mà chế định các học xứ (sikkhāpada) và giảng rõ các điều khoản này cho các Tỳ kheo làm hay không làm, các đệ tử cần phải tu học trong đây. Đến khi học xứ đã chế lập nhiều, chế độ Bố-tát dần phát triển thành nhu cầu cho đại chúng hòa hợp và thanh tịnh, bằng cách tụng đọc Ba-la-đề-mộc xoa, lấy học xứ để làm nội dung căn bản. Theo thuật ngữ quen thuộc của các vị trì luật, thì luật được chia ra làm 5 thiên và 7 tụ. Trong đó 5 thiên tức là 5 nhóm tội hay 5 chúng tội, và 5 chúng tội này là cách dịch khác của 5 uẩn (skandha) hoặc 5 tụ (khandha) đó cũng chính là 5 tụ tội phạm (pañca-āpattikkhandhā). Tuy nhiên, cách giải thích 5 nhóm tội này trong hệ thống luật tạng của các bộ phái không hoàn toàn thống nhất quan điểm với nhau. Thứ tự nặng nhẹ của 5 nhóm tội này, gồm các thiên như sau:

Thiên 1: Ba-la-di 波羅夷 (Pārājika):[57] Hay ba-la-thị-ca 波羅市迦, Hán dịch là tha thắng xứ 他勝處 (Pārājayisthānīya) có nghĩa là bị người khác đánh bại, là hành vi phạm tội rất nghiêm trọng, đây giống như người thế gian phạm vào tội tử hình. Sau khi kết thúc về thiên ba-la-di thường có câu: “đây là tội ba-la-di, không được sống chung”, trong đó không được sống chung nguyên âm Hán gọi là bất cộng trụ 不共住 (Asaṃvāsa) tức là bị trục xuất ra khỏi Tăng đoàn, không được hưởng quyền lợi và nghĩa vụ trong Tăng đoàn.

Thiên 2: Tăng-già-bà-thi-sa 僧伽婆尸沙 (S. Saṅghāvaśeṣa; P. Saṅghādiesa): Dịch nghĩa là Tăng tàn cũng gọi là chúng dư, chúng quyết đoán và Tăng sơ tàn, giống như người bị trọng thương nhưng sinh mệnh chưa kết thúc, có thể còn cứu chữa được. Người phạm loại tội này được xử trị, tạm thời phải biệt trụ (parivāsa) sống xa Tăng đoàn, và hành ma-na-đỏa (mānāpya) trong 6 đêm, đến khi mãn hạn còn phải tiến hành pháp xuất tội (āvarhaṇa) trước 20 vị Tỳ kheo thanh tịnh. Khi phạm tội này, tư cách Tỳ kheo trong Tăng-già bị mất, nhưng mạng sống vẫn còn, có thể nhờ Tăng-già cứu vớt.

Thiên 3: Ba-dật-đề 波夜提 (S. Pāyattika, P. ācittiya): Gồm đơn ba-dật-đề và ni-tát-kì-ba-dật-đề. Trong đó ba-dật-đề dịch nghĩa là đọa, ni-tát-kì dịch là xả đọa. Nghĩa là rơi vào tội ác, thân tâm bị thiêu đốt, nóng bức không được yên ổn. Khi phạm tội này phải tác bạch giữa chư Tăng, và hướng đến một Tỳ kheo thanh tịnh để phát lồ sám hối.

Thiên 4: Ba-la-đề-xá-ni 波羅提提舍尼 (S.Pratideśanīya, P.Pātidesaniya): Dịch là đối thuyết. Loại tội này tương đối nhẹ, không nhất thiết ở giữa chư Tăng sám hối. Khi phạm tội này, chỉ cần đối trước một vị Tỳ kheo thừa nhận lỗi của mình là được.

Thiên 5: Đột-kiết-la 突吉羅 (S.Duṣkṛta, P.Dukkaṭa): Dịch là thất ý tội, ác tác (làm sai), tiểu quá (lỗi nhỏ), ưng đương học (những pháp cần phải học). Có hai loại đột-kiết-la: Nếu cố ý, phạm đột-kiết-la cần phải sám hối. Nếu không cố ý, phạm đột-kiết-la chỉ tự trách tâm.Thiên thứ 5 này, luật Ma-ha-tăng-kì gọi là việt-tỳ-ni 越 比尼 (vinayātikrama) nghĩa là sai trái vượt qua tỳ-ni.

Theo hình thức kết cấu của nguyên thủy, giới kinh Ba-la-đề-mộc-xoa được tổng hợp chia ra làm 8 pháp, tức là 8 thiên:

Pháp ba-la-di (波羅夷法/Pārājika).

Pháp tăng tàn (僧殘法/S.Saṅghāvaśeṣa, P.Saṅghādiesa).

Pháp bất định (不定法/S.P. Anitya).

Pháp ni-tát-kì Ba-dật đề (尼薩耆波夜提/S.Naiḥsargika, P.Nissaggiya).

Pháp ba-dật-đề (波夜提/S.Pāyattika,P.Pācittiya).

Pháp ba-la-đề-xá-ni (波羅提提舍尼/S.Pratideśanīya, P.Pātidesaniya).

Chúng học pháp (眾學法/S. Saṃbahulāḥśaikṣā dharmāḥ, P. Sekhiyādhammā).

Pháp diệt tránh (滅諍法/S. Sapta adhikaraṇaśāmathāḥ dharmāḥ, P.Satta adhikaraṇasāmathā dhammā).

Tuy nhiên, riêng phần giới kinh của Đại chúng bộ, phần cuối cùng lại thêm “pháp tùy thuận”[58] thành ra có 9 pháp. Sự biên tập giới kinh thành 8 thiên mà nay hiện có, kể từ khi Phật còn tại thế đến khi các bộ phái lần lượt phân hóa, phải trải qua rất nhiều giai đoạn để tập thành. Hiện nay, các bản giới kinh của mỗi bộ phái đều khác nhau. Nhưng điểm chung, giới kinh được chia ra làm ba bộ phận: 1. Lời tựa, 2. Phần chính văn, 3. Lời kết, và mỗi pháp của giới kinh được chia ra làm ba đoạn: 1. Nêu đề mục để thuyết minh, 2. Phân tích từng học xứ, 3. Hỏi về thanh tịnh.

4.2. Giới kinh Ba-la-đề-mộc-xoa của các bộ

Giới pháp của Tỳ kheo và Tỳ kheo ni là hai bộ phận hoàn toàn khác nhau. Hệ thống Giới pháp của Tỳ kheo và Tỳ kheo ni được gọi là Giới kinh phân biệt (Suttavibhaṅgha), tức là sự phân biệt quảng thuyết về Giới kinh của Tỳ kheo (Bhikkhu) và phân biệt quảng thuyết về Giới kinh của Tỳ kheo ni (Bhikkhunī). Luật tạng nguyên thủy lấy luật Tỳ kheo làm chính; còn luật Tỳ kheo ni chỉ là bộ phận phụ thuộc. Trong hệ thống luật tạng của Đồng Diệp bộ (Tāmra-śāṭīya), hai bộ phận này được gọi là ‘Đại phân biệt (Mahāvibhaṅga)’ và ‘Tỳ kheo ni phân biệt (Bhikkhunī-vibhaṅga)’. Giới kinh Ba-la-đề-mộc-xoa phân biệt có loại được dịch trực tiếp từ Phạn bản, có loại được biên chép từ bộ phận của quảng luật. Tuy nhiên đề mục của hai bộ phận này, hiện nay trong hệ thống quảng luật của mỗi bộ phái truyền thừa thuộc hệ Hán vẫn còn tồn tại, nhưng nó lại vô cùng phức tạp. Dưới đây sẽ là Ba-la-đề-mộc-xoa phân biệt của từng bộ:

4.2.1. Ngũ phần luật

Thứ nhất: Di-sa-tắc ngũ phần giới bản 彌沙塞五分戒本, 1 quyển, Đại chánh 22, No. 1422 hay Di-sa-tắc giới bản, Ngũ phần Tỳ kheo giới bản, Ngũ phần giới bản. Giới kinh hay Ba-la-đề-mộc-xoa của Tỳ kheo được trích biên từ bộ phận Quảng luật Ngũ phần do Phật-đà-thập (Buddhajīva) dịch. Hiện tồn tại 2 bản, A và B. Văn từ của hai bản có nhiều chỗ không đồng nhất, và so với bộ phận Quảng luật cũng có một số thay đổi. Akira Hirakawa và Ấn Thuận cho ta biết thông tin, giới kinh Ngũ phần giới bổn này được dịch trực tiếp từ bản Phạn.[59]

Thứ hai: Ngũ phần Tỳ kheo ni giới bản 五分比丘尼戒本, 1 quyển, Đại chánh 22, No. 1423. Giới kinh của Tỳ kheo ni được trích dẫn từ Quảng luật của Ngũ phần do Minh Huy 明徽 soạn vào đời Lương (Phổ Thông 3, A.D.522). Văn bản này, phần “pháp đọa [ba-dật-đề (pāyattika)]” có 210 giới, cộng tất cả lại có 373 giới. Một điều đáng lưu ý, truyền bản ở đây khác với bộ phận Quảng luật do Phật-đà-thập (Buddhajīva) đã dịch ở trên, phần “pháp đọa [ba-dật-đề (pāyattika)]” có 207 giới, cộng tất cả lại có 370 giới.

4.2.2. Ma Ha Tăng Kỳ luật

Thứ nhất: Ma-ha tăng-kỳ luật đại Tỳ kheo giới bản 摩訶僧祇律大比丘戒本, 1 quyển, Đại chánh 22, No. 1426. Còn gọi là Tăng-kỳ giới bản, Ba-la-đề-mộc-xoa Tăng-kỳ giới bản, Tăng-kỳ Tỳ kheo giới bản, Tăng-kỳ đại Tỳ kheo giới bản, Ma Ha Tăng Kỳ giới bản. Do tam tạng Phật-đà-bạt-đà-la người Thiên Trúc dịch vào đời Đông tấn (Long An 2 -Vĩnh Sơ 2, A.D. 398 – 421). Giới kinh Tăng-kỳ giới bản này được dịch trực tiếp từ bản Phạn.

Thứ hai: Ma-ha tăng-kỳ Tỳ kheo ni giới bản 摩訶僧祇比丘尼戒本. Đại chánh 22, No. 1427, 1 quyển. Còn gọi là Tỳ kheo ni ba-la-đề-mộc-xoa Tăng-kỳ giới bản, Tỳ kheo ni Tăng-kỳ luật ba-la-đề-mộc-xoa giới kinh, Tỳ kheo ni Tăng-kỳ luật giới kinh, Tăng-kỳ Tỳ kheo ni giới bản, Tăng-kỳ ni giới bản. Đông Tấn (Nghĩa Hi 1, A.D. 405 – ) Pháp Hiển và Giác Hiền (Phật-đà-bạt-đà-la, Buddhabhadra) dịch. Phần “Pháp chúng học” trong giới bổn của Tăng có 66 giới điều, giới của Ni có 77 giới điều. Nhưng tạng Đại chánh, giới điều “Bất tượng tỷ trước nội y” có chú thích rằng: “Chín giới trên trong bản đơn hành và trong giới của đại Tăng đều không có”.[60] Và giới điều “Bất Bà-tẩu thiên phi y ưng đương học” chú thích rằng: “Bốn giới trên, trong bản đơn hành và trong giới bổn của đại Tăng đều không có”.[61] Như vậy, cho chúng ta thấy rằng 13 giới này xưa nay không có, mà do người đời sau thêm thắt vào trong khi lưu truyền.

4.2.3. Tứ phần luật

Hiện nay tạng Đại chánh còn lưu hành 3 giới bản. Trong đó, Tỳ kheo có 2 truyền bản, Tỳ kheo ni chỉ có 1 truyền bản.

Tứ phần luật Tỳ kheo giới bản 四分律比丘戒本, 1 quyển, Đại chánh 22, No.1429. Hoài Tố 懷素biên tập từ Tứ phần quảng luật của Luật sư Phật Đà Da Xá dịch.
Tứ phần Tăng giới bản 四分僧戒本, 1 quyển, Đại chánh 22, No.1430. Giới kinh cũng được trích từ Tứ phần quảng luật do Luật sư Phật Đà Da Xá dịch. Nhưng nhiều từ luật được thay đổi với bộ phận Quảng luật. Trong “Xuất tam tạng ký” đề cập, Phật Đà Da Xá từng dịch Tỳ kheo giới bổn của Tứ phần luật.[62] Cho nên, bản này được Phật Đà Da Xá dịch trước bộ quảng luật.

Tỳ kheo ni giới bản 四分律比丘尼戒本, 1 quyển, Đại chánh 22, No.1431. Hoài Tố biên tập từ Tứ phần quảng luật của Phật Đà Da Xá dịch.

4.2.4. Thập tụng luật

Thứ nhất: Thập tụng Tỳ kheo Ba-la-đề-mộc-xoa giới bổn 十誦比丘波羅提木叉戒本,  Hán dịch vào đời Diêu Tần (Hoằng Thỉ 4-14, A.D. 402-412), tam tạng pháp sư Cưu-ma-la-thập dịch, 1 quyển, Đại chánh 23, No.1436. Nội dung giới kinh gồm: 4 pháp ba-la-di, 13 pháp Tăng tàn, 2 pháp bất định, 30 ni-tát-kỳ, 90 ba-dật-đề, 4 ba-la-đề-xá-ni, 113 pháp chúng học, 7 pháp diệt tránh. Văn bản này, phần “Chúng học pháp” có 113 giới, cộng tất cả lại có 263 giới. Một điều đáng lưu ý, truyền bản ở đây khác với “Thập tụng luật” mà ngài La-thập đã dịch ở trên, phần “pháp chúng học” của quảng luật có 107 giới, cộng lại thì có 257 giới. Tuy có khác nhưng lại hoàn toàn phù hợp với “Tỳ-nại-da’ của hệ thống Thuyết nhất thiết hữu bộ (Sarvāstivāda).

Thứ hai: Thập tụng Tỳ kheo ni Ba-la-đề-mộc-xoa giới bổn 十誦比丘尼波羅提木叉戒本, Hán dịch vào đời Lưu Tống (khoảng giữa Thái Thỉ, A.D. 465-471). Ở đây, bản đời Nguyên 元và đời Minh 明thì chép, do Sa-môn Pháp Dĩnh 法穎ở Trường Can 長干 biên tập, bản Đại chánh 大正 thì chép do Pháp Hiển (法顯) biên tập, gồm 1 quyển, số hiệu 23, No.1437. Nội dụng giới kinh gồm 8 pháp ba-la-di, 17 pháp Tăng tàn, 30 ni-tát-kỳ, 178 ba-dật-đề, 8 ba-la-đề đề-xá-ni, 106 pháp chúng học, 7 pháp diệt tránh, cộng lại tất cả có 354 giới.

Chung quy, nếu chúng ta đối chiếu so sánh giữa lược bản Thập tụng với quảng bản mà Nghĩa Tịnh dịch đều có sự giống nhau, như giới pháp Tỳ kheo và Tỳ kheo ni trong Thập tụng tương đương với giới điều trong Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ tỳ-nại-da (50 quyển), Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ bí-sô-ni tỳ-nại-da (20 quyển). Pháp trong kiền-độ: thọ giới cụ túc, tự tứ, an cư, da thuộc (bì cách), thuốc thang (y dược), y ca-hi-na v..v giống với Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ xuất gia sự  (4 quyển), Tùy ý sự (1 quyển), An cư sự (1 quyển), Bì cách sự (2 quyển), Dược sự (18 quyển), Ca-sỉ-na y sự (1 quyển). Và Điều-đạt sự, tạp pháp và nửa phần trước pháp tăng nhất trong Tạp tụng giống với Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ tỳ-nại-da phá Tăng sự (20 quyển), Tạp sự (40 quyển), Ni-đà-na (5 quyển).

5. LUẬN CỦA LUẬT VÀ CÁC BẢN YẾT MA PHÁP

5.1. Luận của luật

Bộ phận luận của Tứ luật hệ Hán hiện nay chỉ còn hệ thống của Thập tụng luật là được nhìn nhận rõ nhất. Hai bộ luận này gồm:

Thứ nhất: Tỳ-nại-da 鼻奈耶 (Vinayanidāna-sūtra) cũng gọi là Giới Nhân Duyên Kinh 戒因緣經,  hiện có 10 quyển, được Sa-môn Trúc Phật Niệm 竺佛念譯 dịch vào đời Diêu Tần, Đại chánh 24, No. 1464. Giải thích các học xứ của Tỳ kheo, gồm 263, tương đương với Thập tụng giới bản. Trong tỳ-nại-da, trước hết nêu ra ba giới, kế đến giải thích riêng ba-la-đề-mộc-xoa; trước thì nêu ra nhân duyên, kế đến phần kết giới và sau cùng giải thích. Đây là căn cứ từ Kinh Phân Biệt thuộc quảng luật tóm lược mà chép ra, do vậy được xem là bản lược thích giới kinh của Thuyết nhất thiết hữu bộ (Sarvāstivāda).

Thứ hai: Tát-bà-đa Tì-ni-tì-bà-sa 薩婆多毘尼毘婆沙 gồm 9 quyển, khuyết danh người dịch được phỏng định niên đại vào đời Tam Tần (A.D.350-431). Phần đầu của quyển 9 thì thêm chữ Tục 續, và chép Sa-môn Trí Thủ 智首chùa Đông Thiền 東禪 tại Tây Kinh 西京 soạn vào đời Tùy.[63] Bộ luận Tỳ-bà-sa này, lúc đầu khuyết danh người dịch, sau đó nhờ Trí Thủ sưu tập đến năm Đại Nghiệp thứ hai (606), mới từ phía Nam thành đô truyền đến một văn bản hoàn chỉnh. Trong bản luận, phần đầu đã giải thích: “Phật đà[12], Bà-khư-bà”, kế tiếp giải thích các vấn đề: “Như thị ngã văn, Phật, Tỳ-da-ly, Ca-lan-đà tụ lạc, quy y tam bảo, thọ ba pháp quy y và cạo bỏ râu tóc, khoác y ca-sa” v..v. Ngay quyển 1 đã giải thích nhân duyên vì sao đức Phật chế giới bất tịnh hạnh. Quyển 5 trình bày việc thứ 11 trong 30 ni-tát-kì của Tỳ kheo, thuộc tụng thứ 2 của luật Thập tụng.[64] Quyển 8 trình bày việc thứ 41 trong 90 ba-dật-đề, thuộc tụng thứ 3 của Thập tụng.[65] Thứ tự các điều này phù hợp với quảng luật, đó là giải thích giới văn của quảng luật, chỉ rõ sự khác nhau giữa bảy cách thọ giới,[66] và mười loại cụ túc giới của luật Thập tụng.[67]

Về hệ thống luận của Ngũ phần luật, Tứ phần luật, và Ma Ha Tăng Kỳ luật thật khó để nhận định được. Bởi vì tính chất luận của luật, từ hình thức tổ chức cho đến phần nội dung đều không thống nhất với nhau. Như các bậc cổ nhân ở Trung Quốc lại cho rằng bộ Thiện Kiến Luật Tỳ-bà-sa 善見律毘婆沙 (Samantapāsādikā), gồm 18 quyển, do Sa-môn ngoại quốc Tăng-già-bạt-đà-la 僧伽跋陀羅譯 (Saṃghabhadra) dịch tại Quảng Châu vào năm Vĩnh Minh thứ bảy (489) đời Tiêu Tề 簫齊 là bộ luận giải của Luật tứ phần. Bát tông cương yếu 八宗綱要 do Ngưng Nhiên 凝然 (Gyônen) ở chùa Đông đại Nhật bản biên soạn, cũng cho rằng bộ Thiện Kiến Luật Tỳ-bà-sa là bộ luận giải của Luật tứ phần. Vì trong bộ luận này đã đề cập: “Không ngủ lại và cất vật dụng trong tháp thờ Phật. Hai giới này trong bản Phạn không có. Tại vì khi Phật còn tại thế, chưa có tháp của Phật. Giới bổn này do Phật chế khi Ngài còn tại thế nên không thể có giới này. Do đó, đối với các giới: 1. Mang dép da đi vào tháp thờ Phật, 2. Tay cầm dép da vào tháp thờ Phật, 3. Mang giày ủng vào tháp thờ Phật, 4. Tay cầm giày ủng vào tháp thờ Phật, 5. Khiêng thây chết dưới tháp thờ Phật, 6- Thiêu thây chết dưới tháp thờ Phật, 7. Thiêu thây chết hướng về tháp thờ Phật, 8.Thiêu thây chết ở bốn cạnh tháp thờ Phật, 9. Mang y phục và giường của người chết đi qua tháp thờ Phật, 10. Ðại tiểu tiện dưới tháp thờ Phật, 11. Ðại tiểu tiện hướng về tháp thờ Phật, 12. Ðại tiểu tiện quanh tháp thờ Phật, 13. Mang tượng Phật đến nơi đại tiểu tiện, 14. Xỉa chà răng dưới tháp thờ Phật, 15. Xỉa chà răng hướng về tháp thờ Phật, 16. Xỉa chà răng chung quanh tháp thờ Phật, 17. Khạc nhổ dưới tháp Phật, 18. Khạc nhổ hướng về tháp Phật, 19. Khạc nhổ chung quanh tháp Phật, 20. Duỗi chân hướng về tháp Phật. An trí tượng Phật ở phòng dưới. Hai mươi giới ở trên, trong nguyên bản chữ Phạn không có vì khi đức Thế Tôn còn tại thế, không có tháp thờ Phật.”[68]

Trong các bộ Giới bổn thì duy chỉ có bộ Tứ phần luật, phần “Chúng học pháp” là đề cập đến các vấn đề liên quan đến tháp Phật. Cho nên, các bậc cổ đức đã dựa vào đó để mà luận đoán như vậy. Theo các nghiên cứu của các học giả cận đại, thì bộ Giới bổn này là bản lược dịch Nhất thiết Thiện kiến luật (Samantapāsādikā)[69] của Giác Âm, chính vì dịch giả đã từng chịu sự ảnh hưởng của Tứ phần luật.”[70] Hoặc có người còn cho rằng bản Tì-ni mẫu kinh 毘尼母經 (Vinayamātṛkā) thuộc hệ thống của Đàm-vô-đức bộ, vì bộ này nói về Luật tạng: “Các kiền-độ mẫu kinh, Tăng nhất Tỳ kheo kinh, Tỳ kheo ni kinh tổng hợp lại gọi là tạng Tỳ-ni.”[71]. Đứng trên lập trường thẩm định thì không hợp với tổ chức của Tứ phần luật, vì chỉ có “mẫu” mà không có phần “phụ tùy” tức là điều bộ. Nơi khác, Tỳ-ni mẫu chép trường hợp của Sổ-lỗ-nô[72] 12 năm mới thọ cụ túc,[73] còn Tứ phần luật thì chép ba năm mới được thọ đại giới.[74]

Trong bốn bộ luật đang thịnh hành của tứ luật hệ Hán, thì có bộ Ma Ha Tăng Kỳ là còn hình thức thuần túy nhất, còn các bộ khác giống như được thêm thắt về sau. Bộ Xá Lợi Phất vấn kinh 舍利弗問經 (Śāriputraparipṛcchā-sūtra), 1 quyển, Đại chánh 24, No. 1465, Đông Tấn ( A.D. 317 – 420), dịch giả khuyết danh. Những câu hỏi của Xá Lợi Phất liên hệ các vấn đề thuộc Luật. Phật ký thuyết sẽ có nhiều bộ phái xuất hiện sau này, và bàn thêm về tình hình Phật pháp bị vua Phất-sa-mật-đa-la 弗沙蜜多羅王 (Puṣyamitra) hủy hoại và phục hưng sau đó. Trong kinh đề cập đến Văn-thù Sư-lợi 文殊師利 (Mañjuśrī),[75] mà Văn-thù là Thánh giả được bộ phái Đại chúng bộ sùng tín. Nơi khác của kinh đề cập: “luật mới thuộc Thượng tọa bộ, luật cũ thuộc Đại chúng bộ.”[76]

5.2. Các truyền bản Yết ma pháp

Các truyền bản pháp Yết-ma của Tứ Luật, tạng Đại chánh chỉ còn lưu hành một số bộ như sau:

Về Ngũ phần luật hiện lưu hành chỉ có 1 truyền bản:

Di sa tắc yết-ma bản 彌沙塞羯磨本, 1 quyển. Đại chánh 22, No. 1424. Đường (Thần Long, A.D. 705 – 706) do Ái Đồng 愛同 soạn. Các pháp thức yết-ma, trích soạn từ quảng luật của Ngũ phần luật. Cũng gọi là Ngũ phần yết-ma.

Về Tứ phần luật, có 3 truyền bản:

Đàm-vô-đức luật bộ tạp yết-ma 曇無德律部雜羯磨, 1 quyển. Đại chánh 22, No.1432. Tào Ngụy (Gia Bình 4, A.D. 252) do Khương Tăng Khải 康僧鎧 dịch. Cũng gọi Đàm-vô-đức-tạp yết-ma, Tứ phần tạp yết-ma.

Yết-ma 羯磨, 1 quyển. Đại chánh, 22 No.1433. Tào Ngụy (Chánh Nguyên 1, A.D. 254) do sa-môn Đàm Đế 曇諦dịch. Cũng gọi là Đàm-vô-đức yết-ma.

Tứ phần Tỳ kheo ni yết-ma pháp 四分比丘尼羯磨法, 1 quyển. Đại chánh 22, No.1434. Lưu Tống (Nguyên Gia 8, A.D. 431) do Cầu-na-bạt-ma求那跋摩dịch. Cũng gọi là Tứ phần yết-ma, Tứ phần ni yết-ma, Đàm-vô-đức yết-ma, Tạp yết-ma.

Về Thập tụng luật, có 2 truyền bản:

Đại Sa-môn bách nhất yết-ma pháp 大沙門百一羯磨法, 1 quyển. Đại chánh 23, 1438, Bách nhất yết-ma pháp, Đại sa môn yết-ma pháp thập tụng luật. Gồm 21 pháp thức yết-ma của Tỳ kheo theo luật Thập tụng.

Thập tụng yết-ma Tỳ kheo yếu dụng 十誦羯磨比丘要用, 1 quyển. Đại chánh 23, No. 1439. Lưu Tống (Đại Minh 7, A.D. 463) Tăng Cứ 僧璩 soạn. Các pháp thức yết-ma thường hành theo luật Thập tụng. Cũng gọi là Thập tụng tăng ni yếu sự yết-ma, Thập tụng Tỳ kheo yếu dụng, Lược yếu yết-ma pháp.

6. KẾT LUẬN

Trên đây là tổng quan về hình thức tổ chức Luật tạng của Tứ luật hệ Hán mà ta thấy được trên Đại chánh tạng. Ở đây, chúng tôi xin đưa ra một số nhận định như sau:

Thứ nhất: Phần hình thức tổ chức của bộ phận Quảng luật.

Bộ phận Kinh phân biệt (Sūtravibhaṅga/Suttavibhaṅga): Tức là giới pháp của Tỳ kheo và Tỳ kheo ni.

Ngũ phần luật: Bộ phận giới pháp Tỳ kheo bắt đầu biên tập từ quyển 1 đến quyển 10, không có phần tổng đề mục chỉ có tiêu đề Ba-la-di pháp. Bộ phận của Tỳ kheo ni được biên tập từ quyển 11 đến quyển 14, có tiêu đề tổng mục gọi là Ni luật 尼律[29].

Ma Ha Tăng Kỳ luật: Hai bộ phận giới pháp của Tỳ kheo và Tỳ kheo ni biên tập trước sau không liên tục. Bộ phận giới pháp của Tỳ kheo được biên tập từ quyển 1 đến quyển 22, không có phần tổng đề mục, và cuối cùng nói rằng: “hết phần Ba-la-đề-mộc-xoa”.[77] Nhưng ở phần mở đầu của quyển 1 có chú thích “sơ Tỳ kheo tăng giới pháp học”.[78] Bộ phận của Tỳ kheo ni được biên tập từ quyển 36 đến quyển 40, có tiêu đề tổng mục ở phần cuối ghi là: “hết phần Tỳ kheo ni Tỳ-ni”.[79]

Tứ phần luật: Cả hai bộ phận giới pháp của Tỳ kheo và Tỳ kheo ni đều không có phần tổng đề mục. Bộ phận giới pháp của Tỳ kheo được biên tập từ quyển 1 đến quyển 21. Bộ phận giới pháp của Tỳ kheo ni biên tập từ quyển 22 đến quyển 30.

Thập tụng luật: Hai bộ phận giới pháp của Tỳ kheo và Tỳ kheo ni biên tập trước sau không liên tục. Bộ phận giới pháp của Tỳ kheo gồm 3 tụng đầu không có phần tổng đề mục, biên tập từ quyển 1 đến quyển 20. Bộ phận giới pháp của Tỳ kheo ni (tụng 7) có phần tổng đề mục Ni luật[29], biên tập từ quyển 42 đến quyển 47.

Bộ phận của Kiền-độ: Hiện còn danh xưng kiền-độ trong các bộ Quảng luật nhưng sử dụng không thống nhất với nhau. Tứ phần luật gọi là Kiền-độ, nhưng 2 phần sau lại gọi là “tập pháp Tỳ kheo ngũ bách” và “thất bách tập pháp tỳ-ni”. Ngũ phần luật gọi bộ phận kiền-độ là pháp cũng như Thập tụng luật gọi 7 pháp và 8 pháp; tạp tụng thì có Tỳ kheo ni pháp và tạp pháp. Riêng Thập tụng luật sử dụng tới ba loại tên như pháp (dhrama), sự (vastu), phẩm (varga). Ma Ha Tăng Kỳ thì gọi bộ phận kiền-độ là bạt-cừ pháp.

Thứ hai: Phần giới kinh Ba-la-đề-mộc-xoa hầu hết được các Luật sư biên chép lại từ bộ phận quảng luật. Tuy nhiên nhiều từ luật đã được thay đổi so với bộ phận quảng luật. Nếu xét theo nội dung và các điều khoản trong các giới kinh chúng ta có thể thấy rõ sự khác biệt chỉ là những tiểu tiết. Trong tất cả các giới kinh hiện lưu truyền, các thiên tụ quan trọng như ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa, ni-tát-kỳ, thảy đều giống nhau giữa các bộ, về số điều cũng như nội dung. Riêng các điều khoản thuộc ba-dật-đề có một ít sai biệt. Nhưng xét về nội dung, đây chỉ là sai biệt về số.

Thứ ba: Các truyền bản yết-ma pháp và luận của luật.Về phần luận của luật thì chỉ còn thấy rõ nội dung của bộ phận thuộc về Thập tụng luật, các truyền bản của bộ Thập tụng, như trên chúng tôi đã đề cập. Về yết-ma pháp thì còn lưu hành bộ phận yết-ma của Ngũ phần luật, Tứ phần luật và Thập tụng luật.

Thứ tư: Trong hệ thống Luật tạng của Tứ luật hệ Hán hiện còn, thì Ma Ha Tăng Kỳ luật và Ngũ phần luật đều không có phần “phụ tùy”. Tứ phần luật thì có hai mục thuộc bộ phận này, đó là mục Điều bộ và Tì-ni tăng nhất. Thập tụng luật, ba tụng 8, 9, 10 gồm: Tăng nhất pháp, Ưu-ba-li vấn, và Tỳ-ni tụng đều thuộc phần “phụ tùy” này.

Để kết thúc cho tựa đề tham khảo này, chúng tôi xin dẫn phần “duyên khởi” trong dịch phẩm Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ tỳ-nại-da sự: “Nếu căn cứ vào cơ cấu của Luật với các điều khoản quy định, như 4 ba-la-di, 13 tăng-già-bà-thi-sa, 30 ni-tát-kỳ ba-dật đề, 90 hoặc 92 ba-dật-đề, 4 ba-la-đề đề-xá-ni, 7 diệt tránh, tương đồng trong tất cả các bộ luật mà chúng ta có thể đọc hiện tại, trong văn hệ Pāli, Hán và Tây Tạng, có thể nói tất cả xuất phát từ một Vinaya, Luật tạng chính gốc; chứ không thể nói tương đồng vì bộ này “ăn cắp” Luật bộ kia để giả danh “đệ tử Phật”. Nó cho thấy, dù các bộ có bất đồng quan điểm khi giải thích một số điểm giáo lý, nhưng về Luật, không bộ nào dám tự tiện thay đổi. Chỉ những thay đổi nhỏ, đó là sự khác nhau giữa các bộ về các pháp chúng học. Đây là những “lễ tiết” trong các sinh hoạt thường nhật, như khoác y, ôm bát, khi ăn, khi uống, đi đường, vào thôn xóm v.v… Như là phép “lịch sự” để tạo một dáng vẻ “cao quý” bề ngoài, cho nên có những khác nhau bởi phong tục ứng xử trong các địa phương và thời đại.

Trên cơ sở nhận thức này, chúng ta có thể khẳng định Vinaya đã xuất hiện rất sớm, ngay trong thời Phật, và chính Phật đã quy định những điều luật cơ bản. Trong các điều khoản lập thành giới bổn Tỳ kheo và Tỳ kheo ni, mệnh danh là “Biệt giải thoát giới kinh” (Prātimokṣa-sūtra/ Pāṭimokkha-sutta), khó mà biết điều nào do chính đức Phật quy định, và những điều nào được thêm vào sau, ít nhất là bởi các Đại Đệ tử trực tiếp từ Phật. Chỉ có thể căn cứ vào trình độ tu dưỡng và sinh hoạt trong các cộng đồng xuất gia mới có thể biết một cách cụ thể. Điều này tất không thể nằm trong tầm nhận thức của các học giả hàn lâm, dù họ có thể chế nhạo điều này cho rằng “mê tín siêu hình”.[80]

Tác giả: Thích Nguyên Sĩ
Tăng sinh Khoa Phật học Sanskrit Khóa XV Học viện PGVN tại Tp.HCM

***

[1] Nguyên tác-原始佛教聖典之集成, Ấn Thuận-印順. Việt dịch: Thích Phước Sơn-Thích Hạnh Bình (2005).
[2] Tứ phần hành sự sao,T40no.1804, p.3b23.
[3] 學處, Skt: śikṣāpada, Pāli: sikkhāpada, điều khoản học tập. Những điều điều khoản Phật đã chế và quy định làm hay không làm, các đệ tử cần phải tu học trong đây.
[4] Theo Tứ phần thì có 35 pháp lưu giữ học giới cho Tỳ kheo.
[5] Pháp uẩn 1, T26no1537, p.458a18. Dịch Việt Tuệ Sỹ-Nguyên An. Nxb Hồng Đức (2018).
[6] Nhân duyên Phật chế giới đầu tiên theo Tứ phần: Sau 12 năm thành đạo;  Luật nhiếp 2 (p531c09): Năm thứ mười ba, sau ngày thành đạo; Thiện kiến 6 (p.713a23): Sau hai mươi năm thành đạo. Tăng-kì 1 (p.238a23) sau thành đạo vào năm thứ 5 của mùa đông, nửa tháng thứ năm, ngày 12, sau bữa ăn trưa, bóng ngả về phía đông cỡ nửa người đang ngồi.
[7] 佛光大辭典/佛光出版社印行; p.5994.
[8] HT. Thích Trí Thủ “Yết-ma yếu chỉ”, Nxb Phương đông, 2011;  tr. 213.
[9] Tứ phần 35, T22n1428, p.817c11.
[10] Ngũ phần 18 , T22n1421, p.122a15.
[11] Vin. i. 103: Pātimokkhan’ti ādimetam mukhametam pamukhametam kusalānam dhammānam.
[12] Tỳ-ni mẫu kinh 3, T24n1463, p.814b2-4.
[13] Xá Lợi Phất A-tỳ-đàm luận 14, T28n1548, p.620a6-9.
[14] Tứ phần luật Tỳ kheo giới bản, T22n1429, p.1015b22-29.
[15] Xuất tam tạng ký 3, T55n2145, p.21a12-b2.
[16] Nguyên tác “Les sectes bouddhiques du Petit Véhicule” (1956). Xem André Bareau, Các bộ phái Phật giáo Tiểu Thừa, Pháp Hiền dịch, nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2003.
[17] Tham khảo ấn bản điện tử Taisho (2018) 印順/原始佛教聖典之集成, p.71.
[18] 印順. Ibid.
[19] Xuất tam tạng ký 3, p.21a11. Khi viết về bộ Di-sa-tắc, Tăng Hựu chú giải, gồm có 34 quyển.
[20] Xuất tam tạng ký 3, p.21a5.
[21] Xuất tam tạng ký 3, p. 20c23-24.
[22] T1no1, 遊行經. Pāli: D. 16. Mahāparinibbānasuttanta.
[23] Chú thích bởi Bareau. Lin-li-Kowang (林藜光), Introduction an Copendium de la Loi, Paris, 1949 (190,194, 295 và 302).
[24] André Bareau, Các bộ phái Phật giáo Tiểu Thừa, Pháp Hiền dịch, Hà Nội (2003). Xem phần Đại chúng bộ.
[25] Tăng-kỳ 40, T22n1425, p.548b5-25.
[26] 跋渠, Skt: Varga. Phiên Phạn ngữ 1, T54n2130, p.984c6, 譯曰品亦云聚亦云體 ‘Dịch là phẩm, cũng gọi là tụ hay thể.’
[27] Trường hàng giải thích 4 loại thọ cụ túc “tự cụ túc, thiện lai cụ túc, thập chúng cụ túc, ngũ chúng cụ túc”. Tăng-kỳ 24, p. 422a8, phần kết lại nói: “đó gọi là không được thọ Cụ túc. Trong đây, người thanh tịnh như pháp gọi là thọ cụ túc.”
[28] Trường hàng nói “phép Yết-ma” nhưng kệ tụng lại kết “người xử đoán việc Tăng”.
[29] Trường hàng trình bày chi tiết “vấn đề ruộng vườn” và “nhà đất”. Tăng-kỳ 27, p. 444a25, tổng kết cả hai và nói “đây gọi là nguyên tắc về nhà, đất”.
[30] Trường hàng nói “phép Bố-tát” phần kết lại nói rằng: “đây gọi phép Bố-tát, phép gởi dục và phép nhận dục.” Kệ tụng quy kết thì đề cập: “bố-tát cập yết-ma (p.455a21)”.
[31] Trường hàng nói “Phi Yết-ma” phần kết lại nói rằng: “đây là phép tỳ-ni”. Ở kệ tụng quy kết thì nói: “tỳ-ni xử đoán việc (p.478b24)”.
[32] Văn trường hàng thì có, nhưng kệ tụng quy kết lại thiếu phần này. Xem Tăng-kỳ 31, p.484c15-22.
[33] Trường hàng giải thích 3 loại thịt gồm người, rồng và voi, kệ tụng quy kết chỉ có “thịt người”. Xem Tăng-kỳ 32, p.486a24-487a28.
[34] Chia làm 2 loại theo kệ tụng. Xem Tăng-kỳ 33, p.496c13, ‘người trồng hưởng một năm’.
[35] Chia làm 2 loại theo kệ tụng. Tăng-kỳ 33, Ibid, ‘phép trị phạt các tội’.
[36] Chia làm 2 loại theo kệ tụng. Tăng-kỳ 33, p.497b15-17, ‘điều phục và việc điều phục’.
[37] 枝提, Skt. caitya, Pāli. cetiya. Đền thờ, ngôi tháp. Phiên phạn ngữ 8, p.1035a15, 譯曰憶也 ‘dịch là ức’.
[38] Theo kệ tụng nói “phép Bố-tát”. Tăng-kỳ 34, p.502b20.
[39] 僧祇支. Pāli: saṃkacchika, yếm để che ngực.
[40] 浴衣. Pāli: udakasāṭikā, khăn tắm của Tỳ kheo ni quấn người khi tắm sông.
[41] 憍舍耶. Skt: kauśeka, Pāli: koseyya, loại y được làm từ tơ tằm.
[42] Xuất tam tạng ký 3, p.20b23.
[43] Xem phần Pháp tạng bộ.
[44] Tam luận huyền nghĩa kiểm u tập 6, T70n2300, p.465b10.
[45] Xá Lợi Phất vấn kinh, T24n1465, p.900c3.
[46] Xuất tam tạng ký 3, p.20c7-10. Cao Tăng truyện 2, p.334b19-21.
[47] Xuất tam tạng ký 3, p.20b22 ‘曇無德四分律(四十卷或分四十五卷)’.
[48] Tuy nhiên, giữa quyển 37 (trang 835c12) các bản Tống (宋), Nguyên (元), Minh (明) chú thích phần kiền-độ tự tứ (自恣揵度) thuộc “Đệ tam phần tự”.
[49] Bản Hán không ghi chương. Chỉ ghi chú nhỏ ở cuối thiên Ba-dật-đề: “Đã nói xong 178 pháp ba-dật-đề.”
[50] Đại trí độ 2, T25n1509, p.69c13.
[51] Cao Tăng truyện 11, T50n2059, p.403a8-9
[52] Xuất tam tạng ký tập 3, T55n2145, p.19c10.
[53] Đại trí độ 100, T25n1509, p.756c2-5.
[54] 呂澂/印度佛学源流略讲/上海出版, 2005, p.85.
[55] Xuất tam tạng ký 3, p.20a28-b21. Cao Tăng truyện 2, p.333a13-c14.
[56] Hadani Ryōtai, “西域之佛敎研究”, Đại thừa văn hóa xuất bản xã 1976; p.17 (Hiện đại Phật giáo học thuật tùng san, 80). Xem bản Việt, cư sĩ Tuệ Khai dịch-phụ chú Thích Tâm Nhãn.
[57] Từ ngữ này phần lớn được nhận định đều không có nguồn gốc rõ ràng. Các bộ luật định nghĩa như sau: Ngũ phần 1, p. 4c21: “Ba-la-di, gọi là đọa pháp, là ác pháp, là đoạn đầu pháp.”; Tứ phần 1, p. 571c6: “Ba-la-di ví như cái đầu của con người đã bị chặt thì không thể mọc trở lại.”; Thập tụng 1, p. 4b13: “Ba-la-di, là đọa lạc, không bằng; là tội cực ác, sâu nặng.”; Căn bản 1, p. 630c6: “Ba-la-thị-ca, là tội cực trọng, rất đáng ghê tởm, rất đáng bị ruồng bỏ… mất thể tính Bí-sô, trái ngược với thể tính Niết-bàn; là sự đọa lạc, sụp đổ, bị kẻ khác đánh bại không còn cứu được nữa.”; Pāli, Vin.iii.28: “pārājiko hotī ti seyyathāpi nāma puriso sīrascchinno abhobbo tena sarīrabandhanena jīvituṃ/ Pārājika, người phạm ba-la-di, như một người mà cái đầu đã bị chặt không thể sống với thân được ráp nối lại”.
[58] Tăng-kỳ luật đại Tỳ kheo giới bản, T22n1426, p.555b10-556a19.
[59] 平川彰 (Akira Hirakawa) ,律藏之研究, tr.226-229. Cf. 印順/原始佛教聖典之集成, (1991); p.120.
[60] Ma-ha tăng-kỳ Tỳ kheo ni giới bản, T22n1427, p. 563b23.
[61] Ibid, p.563b28.
[62] Xuất tam tạng ký 2, p.11b1-7.
[63] Tát-bà-đa 9, T23no1440, p.558c18.
[64] Tát-bà-đa 5, p.533a19.
[65] Tát-bà-đa 8, p.552b18.
[66] Tát-bà-đa 2, p.511a26-29.
[67] Thập tụng 56, T23no1435, p.906b19.
[68] Thiện kiến 16, T1462, p.787a27-b12.
[69] Bản chú thích luật của Thượng tọa bộ do tam tạng Phật Âm (Buddhaghosa) biên soạn vào đầu thế kỷ V tây lịch.
[70] 平川彰 (Akira Hirakawa). Ibid, p. 621.
[71] Tỳ-ni mẫu kinh 3, T24n1463, p.818a19-20.
[72] 數虜奴. Skt. Śroṇa-koṭikarṇa, P. Soṇa Kuṭikaṇṇa. Tên gọi khác Ức Nhĩ ưu-bà-tắc (億耳優婆塞).
[73] Tỳ-ni mẫu kinh 4, p.818a17-20.
[74] Tứ phần 39, p. 845b15-17.
[75] Xá Lợi Phất vấn kinh, p.902c24-26.
[76] Xá Lợi Phất vấn kinh, p.900b20-28.
[77] Tăng-kỳ 22, p.412b15.
[78] Tăng-kỳ 1, p.227a3.
[79] Tăng-kỳ 40, p.548a28.
[80] Tuệ Sỹ, Căn bản nhất thiết hữu bộ tỳ-nại-da-sự, Hồng Đức (2016); tr.48.

THƯ MỤC THAM KHẢO
Tài liệu tiếng Pāli, Hán và tiếng Anh.
Dīghanikāya (D. 16). Mahāparinibbānasuttanta. Luật Pāli, Vinayapiṭake (Pārājikapāḷi-Verañjakaṇḍaṃ). Truy cập Web. https://tipitaka.org/chattha.
彌沙塞部和醯五分律. T22. No. 1421.
摩訶僧祇律. T22. No.1425.
四分律. T22. No. 1428.
十誦律. T23. No. 1435.
André Bareau “Les Sectes Bouddhiques Du Petit Véshicule”. English: The Buddhist Sects of the Lesseer Vehicle, bởi Gelongma Migme Chodron (2005).
Tài liệu nghiên cứu Tiếng Việt
Dịch Việt Tuệ Sỹ-Nguyên An (2018), Pháp uẩn túc luận. Nhà xuất bản Hồng Đức.
Thích Trí Thủ, Yết-ma yếu chỉ. Nhà xuất bản Phương đông, 2011.
Pháp Hiền dịch (2003), Các bộ phái Phật giáo Tiểu Thừa. Nhà xuất bản Tôn Giáo, Hà Nội.
Thích Phước Sơn-Thích Hạnh Bình (2005), Lịch sử biên tập Thánh điển nguyên thủy. Nhà xuất bản Phương Đông.
Dịch Việt Tuệ Sỹ (2016), Căn bản nhất thiết hữu bộ tỳ-nại-da-sự. Nhà xuất bản Hồng Đức.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường