Trang chủ Lịch sử - Triết học Luận giải “Tâm” và “Đạo” qua hai bài thơ thiền của Thiền sư Phạm Thường Chiếu

Luận giải “Tâm” và “Đạo” qua hai bài thơ thiền của Thiền sư Phạm Thường Chiếu

Tâm và Đạo trong hai thi phẩm của Thiền sư Phạm Thường Chiếu như một bản thể của giác ngộ, chỉ khác nhau ở góc nhìn: hướng vào trong thì đó là Tâm, mà hướng ra ngoài thì là Đạo. Trên bình diện khác - quan hệ nhân quả, Tâm là nhân, còn Đạo là quả.

Đăng bởi: Lê Đình Trưởng
ISSN: 2734-9195

Tâm và Đạo trong hai thi phẩm của Thiền sư Phạm Thường Chiếu như một bản thể của giác ngộ, chỉ khác nhau ở góc nhìn: hướng vào trong thì đó là Tâm, mà hướng ra ngoài thì là Đạo. Trên bình diện khác – quan hệ nhân quả, Tâm là nhân, còn Đạo là quả.

Tác giả: Giảng viên Nguyễn Thanh Huy

Trường Đại học Khánh Hòa

I. Dẫn nhập

“Tâm” và “Đạo” là hai khái niệm được nhắc đến nhiều trong các tôn giáo. Mỗi một tôn giáo có những quan niệm và cách luận giải riêng của mình. Trong đời sống thế tục chúng cũng được để cập theo cách hiểu của mỗi cá nhân. Đối với Phật giáo, đây không chỉ là những khái niệm thuần tuý để giải thích ngữ nghĩa, mà nó còn là đối tượng đòi hỏi hành giả phải cảm thọ sâu sắc để có thể khai mở trí huệ đạt đến trạng thái viên mãn rốt ráo. Thông qua hai tác phẩm (cùng tên) của thiền sư Phạm Thường Chiếu chúng ta có thể nhận biết về quan niệm Phật pháp cũng như những tri kiến trong cuộc đời tu tập của ông.

II. Nội dung

1.  Vài nét về thiền sư Phạm Thường Chiếu

Trong “Thiền uyển tập anh” (Kim Sơn – Thiền phái Trúc Lâm 1337) có ghi chép về ông như sau:
“Thiền sư Thường Chiếu (? – 1203). Chùa Lục tổ, làng Dịch bảng, phủ Thiên đức. Người làng Phù ninh, họ Phạm. Triều Lý Cao Tôn, Sư làm quan Lệnh đô tào ở cung Quảng từ. Sau từ quan, đi học pháp xuất thế với Quảng Nghiêm chùa Tịnh quả, bèn chính thân được tâm ấn. Sư hầu thầy nhiều năm, rồi đến ở ngôi chùa xưa tại làng Ông mạc để giảng diễn giáo chỉ. Sau đó dời sang chùa Lục tổ. Môn đồ Sư càng ngày càng đông. Có vị Tăng hỏi: “Khi vật và ta duyên nhau thì làm thế nào?”
Sư đáp:

“Ta vật (38a1) đều quên,

Tâm tính vô thường

Dễ sinh dễ diệt

Giây phút không ngừng,

Ai kẻ vin bắt?

Sinh thì vật sinh

Diệt thì vật diệt

Pháp kia có được

Thường không sinh diệt”.

Vị Tăng thưa: “Người học chưa hiểu, xin thầy dạy lại”. Sư bảo: “Rõ tâm tình mà tu đạo, thì ít sức mà dễ thành; không rõ tâm mình mà tu đạo, thì chỉ phí công vô ích mà thôi”.

Lại hỏi: “Pháp thân biến khắp mọi nơi là thế nào?”

Sư đáp: “Như một lỗ chân lông, biến khắp cả pháp giới, tất cả lỗ chân lông thảy đều như thế. Nên biết không có một chút nào mà không có thân Phật. Vì cớ sao? Vì pháp thân ứng hóa thành Đẳng chính giác, không chỗ nào không đến. Phải biết như vầy: Đức Như Lai dùng sức tự tại của tâm, không khởi, không chuyển mà chuyển pháp luân, vì biết tất cả pháp thường không khởi. Dùng ba thứ pháp nói đoạn nên không đoạn, mà chuyển pháp luân, vì biết tất cả pháp đều lìa biên kiến. Lìa cõi Dục và cõi Phi Dục mà chuyển pháp luân, vì vào cõi hư không của tất cả các pháp (38b1). Không có ngôn thuyết mà chuyển pháp luân, vì biết tất cả các pháp đều không thể nói. Rốt ráo tịch diệt mà chuyển pháp luân, vì biết rõ tất cả các pháp là tính Niết bàn. Ấy gọi là không có tính tướng, không có tính tận, không có tính sinh, không có tính diệt, không có tính ngã, không có tính phi ngã, không có tính chúng sinh, không có tính phi chúng sinh, không có tính Bồ tát, không có tính pháp giới, không có tính hư không cũng không có tính thành Đẳng chính giác.

Bèn nói tiếp bài kệ sau:

“Tại thế làm thân người

Tâm là tạng Như Lai

Chiếu ngời khắp mọi cõi

Vắng bóng lúc tìm tòi”.

Đến ngày 24 tháng 9 năm Thiên Gia Bảo Hựu thứ 2 (1203), Sư tỏ ra đau tim, nhóm chúng nói kệ rằng:

“Đạo vốn không nhan sắc

Ngày ngày mới mới khoe

Ngoài đại thiên sa giới

Nơi đâu chẳng phải nhà”.

Nói kệ xong, Sư ngồi kiết già mà mất. Đệ tử Thần Nghi làm lễ trà tỳ, thu thập xá lợi, dựng tháp phụng thờ. Sư thường soạn “Nam tôn tự pháp đồ” 1 quyển, còn lưu hành ở đời.” [4, tr.84-86]

Trong sách “Thơ văn Lý – Trần” (Nguyễn Huệ Chi chủ biên (1977), Tập I) thì ghi vắn tắt rằng:

Thiền sư Phạm Thường Chiếu范常照 (?-1203), không rõ năm sinh, người hương Phù-ninh枎寧. Đời Lý Cao Tông李高宗 (1176 – 2110) đã làm đến chức Lệnh đô tào ở cung Quảng-từ廣慈. Sau bỏ quan đi tu, theo học Thiền sư Quảng Nghiêm廣嚴 chùa Tịnh-quả淨果. Khi đã hiểu được tôn chỉ của đạo Phật, ông đến trụ trì ở chùa Lục-tổ六祖, hương Dịch-bảng驛膀, phủ Thiên-đức天德, lập thành thế hệ thứ mười hai, dòng thiền Quan bích.

Mất năm Quý hợi, niên hiệu Thiên Bảo Gia Hựu thứ hai (1203).

Tác phẩm: có cuốn “Nam tông tự pháp đồ”南宗嗣法圖, nay đã mất, và 2 bài thơ.”[1, tr.531]
Như vậy, về cơ bản, giữa hai tài liệu trên không có sự mâu thuẫn về tiểu sử của thiền sư Thường Chiếu, có một vài chi tiết mà bên này có bên kia không cũng chỉ mang lại giá trị bổ sung về cuộc đời và nghiêp tu của ông.

Tapchinghiencuuphathoc.vn Tâm Và đạo 1

Nếu như Tâm trong quan niệm của thế tục là tấm lòng, là lòng nhân ái hay những suy nghĩ bên trong thì trong nhà Phật Tâm lại được hiểu khác, nó không phải là cái tâm của tự ngã, mà là Chân tâm vô ngã.

2. Thi phẩm

Hai bài thơ “Tâm” và “Đạo” này là hai tác phẩm hiếm hoi còn sót lại của thiền sư, được ghi chép và đã chuyển ngữ trong “Thơ văn Lý – Trần” (Nguyễn Huệ Chi chủ biên (1977), Tập I). Cả hai tiêu đề đều do nhà biên soạn sách đặt. Dựa vào tinh thần chủ đạo của hai bài thơ, nhóm tác giả đặt tên như vậy, theo tôi, là cần thiết và thoả đáng.

Phiên âm:

Tâm

Tại thế vi nhân thân

Tâm vi Như Lai tạng

Chiếu diệu thả vô phương

Tầm chi cánh tuyệt khoáng. Hán văn:

在世爲人身

心爲如來藏

照曜且無方

尋之更絕曠。

Dịch nghĩa1:

“Tồn tại giữa cõi đời chính là thân thể người ta,

[Còn] tâm là kho báu của Như Lai;

Chiếu sáng khắp mọi nơi,

Nhưng tìm nó thì mênh mông mờ mịt”. [1, tr.531]

Phiên âm:

Đạo

Đạo bản vô nhan sắc

Tân tiên nhật nhật khoa

Đại thiên sa giới ngoại

Hà xứ bất vi gia.

Hán văn:

道本無顏色

新鮮日日夸

大千沙界外

何處不爲家。

Dịch nghĩa2:

“Đạo vốn không có nhan sắc,

[Nhưng] ngày ngày vẫn phô bày vẻ mới lạ, tươi trẻ.

Dù ở ngoài thế giới bà sa, tức ba nghìn đại thiên thế giới,

Chốn nào mà chẳng là nhà của nó”. [1, tr.532]

Hai thi phẩm được viết theo thể ngũ ngôn tứ tuyệt cổ phong. Âm điệu không quá trau chuốt, ngọt ngào. Ngôn từ gần gũi,

quen thuộc mà nội hàm lại cao thâm.

2.1. Tâm là gì?

Mở đầu ông viết “Tại thế vi nhân thân” (在世爲人身) – Tồn tại giữa cõi đời chính là thân thể người – tức ông muốn nhấn mạnh đến cái thân tứ đại của mỗi chúng sinh trong cõi trần. Nó là cái hiện hữu trước nhãn thức và nó trói buộc chúng sinh vào những phiền não. Cho dù vốn là sự giả hợp do duyên nghiệp mà thành, nhưng cũng nhờ cái thân mạng làm điều kiện thuận lợi để có thể hành trì, tu tập giải thoát. Vì lẽ, ngoài tư chất trí tuệ của con người thì chính cái thân kham nhẫn đó mới thôi thúc con người đi tìm chân lí đặng giã từ bờ mê trở về bến giác.

Trong quan niệm tính Không của đạo Phật thì rõ ràng thân xác con người chỉ là mộng huyễn, bọt nước, nó không thường hằng mà biến dịch theo lẽ vô thường. Nhưng ở đây thiền sư nhắc đến “nhân thân” không chỉ với dụng ý tái hiện đối với đời sống thế gian mà là đòn bẩy để ông đề cập đến một đối tượng quan yếu hơn trong hành trình của các bậc hành giả, đó là Tâm. Ông viết tiếp: “Tâm vi Như Lai tạng” (心爲如來藏).

Trước hết, cần làm sáng rõ ngữ nghĩa của câu thơ này. Theo cách giải thích trong sách “Thơ văn Lý – Trần”: “Tâm là kho báu của Như Lai” [1, tr.531-532]. Cách giải nghĩa này, nếu xét theo văn tự thì không có gì sai, nhưng như vậy lại chưa minh xác trên tinh thần Phật giáo, hơn thế nó còn dễ khiến người ta mê lạc vào những tà kiến.
“Như Lại tạng” phải được giải thích bằng những pháp ngữ tương đồng, như Chân như, hay Pháp thân, hay Phật tính; tức cái tính Phật sẵn có trong mỗi chúng sinh. Ngoài ra, còn có Tự tính trong Thiền tông và một số tông phái khác của Đại thừa cũng mang nghĩa tương đồng với khái niệm này.

Nếu như Tâm trong quan niệm của thế tục là tấm lòng, là lòng nhân ái hay những suy nghĩ bên trong thì trong nhà Phật Tâm lại được hiểu khác, nó không phải là cái tâm của tự ngã, mà là Chân tâm vô ngã. Chân tâm tức là cái tâm chân thực, cái tâm rộng lớn, vi diệu vô cùng khi đã thoát khỏi những vọng tưởng, phiền não, khi đã tìm lại được bản tính thanh tịnh vốn có của nó. Đấy mới chính là cái tâm mà hành giả muốn tìm thấy.

Vì thế, ngay trong tôn chỉ của Thiền tông Trung Hoa cũng nêu bật lên pháp truyền để đạt được đốn ngộ:

Phiên âm:

“Giáo ngoại biệt truyền

Bất lập văn tự

Trực chỉ Chân tâm

Kiến tính thành Phật.” Hán văn:

教外別傳

不立文字

直指眞心

見性成佛。

Rõ ràng cách trao truyền này đòi hỏi minh sư phải biết cách chỉ thẳng vào Chân tâm của môn đồ để họ có thể nhận ra được cái tâm chân thực ấy, rồi từ đó thấy được tính (tính) – Tự tính / Chân như / Pháp thân – tức giác ngộ, thành Phật.
Như vậy, khi nhận diện được Chân tâm cũng chính là lúc Phật tính / Pháp thân / Như Lai tạng hiển lộ. Cảnh giới này không phải nghĩ bàn, nhưng chỉ có người đắc pháp mới cảm thọ được.

Từ đây chúng ta sẽ hiểu rõ câu “Tâm vi Như Lai tạng” với ý của thiền sư Thường Chiếu muốn nhấn mạnh đến phần Tự tính/ Phật tính đã luôn sẵn có trong mỗi chúng sinh, nó vốn thanh tịnh, sáng suốt, vô thuỷ vô chung, bất sinh bất diệt; nó có thể bị che lấp bởi vô minh, như nhật nguyệt vẫn sáng mà tạm thời bị mây đen che phủ vậy.

Cũng nói thêm, trong Duy thức luận, Tâm còn được đẩy lên cao hơn, khi chủ trương: “Nhất thiết duy tâm tạo” (一切惟心造) hay “Vạn pháp duy tâm tạo” (萬法惟心造). Tức tất cả đều do tâm mà sinh ra.

Hai câu kết “Chiếu diệu thả vô phương / Tầm chi cánh tuyệt khoáng” (照曜且無方 / 尋之更絕曠), thiền sư đã nêu bật lên bản chất của Tâm, đó là tính thanh tịnh, vô nhiễm, thuần khiết, sáng suốt, và nó toả ra một thứ ánh sáng kì diệu vô lượng, vô biên, vô ngại của từ bi và trí huệ.

Cái hay, cái tinh tế ở đây chính là cách chọn lựa từ “diệu” trong câu thơ. “Diệu”, với nghĩa danh từ, là mặt trời, mặt trăng, sao; với nghĩa động từ, là: 1- chiếu sáng, rọi sáng, 2- hiển thị, huyễn diệu. Xét theo quan hệ ngữ pháp thì câu thơ trên “diệu” được sử dụng với tư cách từ loại danh từ hay động từ đều thoả mãn, có thể đây là một dụng ý của tác giả. Tuy nhiên, lựa chọn “diệu” với nghĩa (động từ) – huyễn diệu, có lẽ là lựa chọn ưu tiên, vì điều này tương ứng với ngữ cảnh và tinh thần Phật pháp.

Thêm nữa, cách sử dụng từ “vô phương” cũng rất đặc biệt, nó không chỉ để diễn đạt cho phạm vi chiếu sáng bao phủ rộng khắp mà còn biểu đạt ý biến hoá vô cùng hay tính chất thù thắng vi diệu của Chân tâm.

Ở đây, hai câu kết còn biểu hiện một sự đối ý để làm nổi bật việc tìm thấy Chân tâm đối với hành giả là vô cùng khó khăn, tựa mò kim đáy bể. Trong khi ở câu 3 cho rằng tâm chiếu sáng muôn nơi thì câu 4 lại nói tìm nó càng mênh mông mờ mịt. Nói như vậy liệu có gì mâu thuẫn? Không, bản chất của Chân tâm là vậy. Nếu dễ thì có lẽ tất cả hành giả đều đắc pháp, thành Phật. Ngay như Từ Đạo Hạnh – một danh sư, một bậc Thánh Tổ3, trên con đường tu tập, ngài cũng phải thốt lên:

“Cửu hỗn phàm trần vị thức kim,

Bất tri hà xứ thị chân tâm”.

Hán văn:

久混凡塵未識金,

不知何處是真心。

(trích “Vấn Kiều Trí Huyền”) [1, tr.346]

Dịch nghĩa4:

Lâu ngày pha lẫn với phàm trần, chưa biết vàng thực sự,

Không biết nơi đâu mới là chân tâm.

Như vậy, muốn hiểu được Tâm và tìm thấy được bản tính chân thật của nó đòi hỏi hành giả phải đủ căn cơ, phải có một đời sống thanh tịnh, tinh tấn hành trì và quán chiếu.

2.2. Đạo là gì?

Hai câu đầu – “Đạo bản vô nhan sắc / Tân tiên nhật nhật khoa” (道本無顏色 / 新鮮日日夸), thiền sư muốn nói tính Không của Đạo. Tức Đạo không có hình tướng, sắc tướng, nói cách khác tướng của nó chính là “thực tướng vô tướng”. Theo đó, Đạo là một đối tượng không thể định danh, nhưng người ta vẫn phải tạm gọi tên “Đạo” để có chỗ nương tựa trong tâm lí, nhận thức.

Cách nhìn này của đạo Phật là điểm gặp nhau với đạo Lão. Lão Tử viết: “Đạo khả đạo phi thường đạo” (道可道非常道), tức Đạo mà thấy được, nhận diện được, nói ra được thì không phải là chính nó.

Trong tiếng Hán từ “Đạo” (道) thường được biết đến nghĩa gốc là: con đường. Nhưng nó còn một nghĩa tối quan trọng nữa, đó là: chân lí. Ở đây không phải là sự tình cờ, nói cho đúng hơn nghĩa của ngôn ngữ được phản ánh lại do sự tri nhận về thế giới. Chính cái nghĩa “chân lí” này mới là Đạo trong quan niệm của Phật giáo và Lão giáo. Rộng ra, có thể hiểu nó là những nguyên lí, qui luật, hay chân lí tuyệt đối của vũ trụ; tức vốn sẵn có, bất sinh bất diệt, bất tăng bất giảm. Trong ngữ cảnh này Đạo được hiểu là Chính pháp Như Lai.

Như vậy, Đạo không chỉ là con đường dẫn dắt người ta đi đến đích, mà chính nó đã là đích.

Đạo vốn không nhan sắc, vậy sao ngày ngày vẫn phô bày ra nhiều vẻ mới lạ ? Liệu ở đây có gì mâu thuẫn?

Giải mã cho điều này cần quán sát trên tinh thần căn cốt của Bát Nhã Ba-la-mật-đa Tâm kinh: “Sắc bất dị không, không bất dị sắc; sắc tức thị không, không tức thị sắc”. Như vậy “sắc” và “không” tuy hai mà một, nó như biểu hiện của sự chuyển hoá từ “sắc” thành “không” hoặc từ “không” ra“sắc” mà thôi. Song chân tính của nó vẫn là Không. Cái Không ở đây lại không đồng nghĩa với không có gì theo cách nghĩ thông thường, mà nó chính là cái vô tướng. Ngay cả khi “sắc” đang hiện hữu trước mắt cũng chỉ do duyên giả hợp mà thành nên nó vẫn vô tướng, còn cái tướng mà mắt thấy thực chất cũng chỉ do tưởng tạo ra (tướng do tưởng sinh). Thế nên, bằng quán chiếu chư Phật thấy rõ “Vạn pháp giai không” (vạn pháp đều không).

Bên cạnh đó, câu thơ “Tân tiên nhật nhật khoa” (新鮮日日夸) có thể hiểu rằng cái biểu hiện của Đạo (ngày ngày vẫn phô bày vẻ mới lạ) như sự truyền thừa, phát triển, thực hành của đạo Phật trong thực tế đời sống. Chính pháp qua thời gian, dù nhập thế hay xuất thế thì cũng có nhiều sự sai biệt so với cội nguồn nguyên thuỷ ban đầu, điều này cũng như từ một thân cây mà sinh sôi nảy nở ra nhiều nhánh nhiều cành.

Tapchinghiencuuphathoc.vn Tam Va đạo 2

Tâm và Đạo trong hai thi phẩm của Thiền sư Phạm Thường Chiếu như một bản thể của giác ngộ

Hai câu kết “Đại thiên sa giới ngoại / Hà xứ bất vi gia” (大千沙界外 / 何處不爲家), trước hết cần bàn về tự dạng được ghi trong sách “Thơ văn Lý – Trần”: chữ “sa” 沙 trong cụm từ “sa giới” 沙界 [1, tr.532] có lẽ là một sự ghi chép nhầm lẫn. Vì chỉ có chữ “sa” với tự dạng này – 娑 (gồm âm sa 沙 có bộ nữ 女) – trong danh ngữ “Sa bà thế giới” 娑婆世界 để chỉ cõi trần tục, cõi đời ta ở mới đúng ngữ nghĩa của câu thơ này. “Sa bà” là phiên từ âm tiếng Phạn /sahālokadhātu/, ngoài ra còn được gọi là “Sa ha”, “Sách ha” hay “Ta bà”. Theo kinh Phật, đây là thế giới mà chúng sinh phải chịu nhiều phiền não, khổ đau, và Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là bậc giáo chủ cõi này. Vì thế, trong tiếng Hán dịch “Sa bà” là nhẫn, kham nhẫn, năng nhẫn và còn gọi “Sa bà thế giới” 娑婆世界 là “Kham nhẫn thế giới” 堪忍世界.

Ngoài ra, cách dịch (mà lẽ ra phải là “sa bà”) thành “bà sa” như trong sách (Dù ở ngoài thế giới bà sa, tức ba nghìn đại thiên thế giới) [1, tr.532] cũng là một chỗ chưa chính xác, vì “bà sa” lại mang một ý nghĩa khác…
Như vậy, ở đây hai câu kết cần được viết lại cho đúng với tự dạng và nghĩa của nó cũng như ý nghĩa của toàn bài thơ5, đó là:

大    千    娑   界    外

Đại thiên  sa  giới  ngoại

何    處    不   爲    家

Hà    xứ    bất   vi    gia.

Trở lại hai câu thơ trên, một lần nữa ta thấy tác giả sử dụng phép đối – đối ý giữa một cái lớn lao vô cùng (đại thiên) với một cái nhỏ bé gần gũi (gia). Ở đây là sự nhấn mạnh tính chất và phạm vi của Đạo, Đạo bao trùm tất thảy, phủ khắp nhân gian, vượt ra khỏi thế giới Sa bà đến toàn cõi Tam thiên Đại thiên thế giới6. Tuy nó rất xa nhưng cũng thật gần, vì đâu đâu cũng là nhà của nó (Hà xứ bất vi gia).

Đến đây lại thấy sự gặp gỡ giữa Tâm vơi Đạo ở tính chất, phạm vi bao phủ. Nếu như Tâm – “Chiếu diệu thả vô phương”, thì Đạo lại “Đại thiên sa giới ngoại”, đều nói đến sự bao trùm rộng lớn vô biên, vô hạn… Sự gặp nhau này gợi lên cho ta ý nghĩa gì ?

Nhắc lại trên, khi tìm thấy Chân tâm là lúc thấy được Tự tính, tức giác ngộ; trong khi Đạo chính là chân lí giải thoát, vậy nên khi đạt đến chân lí ấy còn được gọi là “đắc đạo”. Rõ ràng, như thế Tâm và Đạo vừa tương đồng vừa dị biệt, và giữa chúng có mối liên hệ khăng khít chặt chẽ, khó phân tách.

Cũng cần minh định lại khái niệm Đạo trong bài thơ được hiểu là pháp Như Lai. Và trong một cách nói tương đồng, “đắc đạo” và “đắc pháp” có cùng nghĩa, điều đó càng làm sáng rõ hơn những kiến giải về Đạo cũng như mối tương quan giữa Đạo và Pháp (tất nhiên, chưa bàn đến “pháp” với những ý nghĩa khác trong Phật giáo).

III. Kết luận

Tựu trung, đứng trên tinh thần Phật giáo, Tâm và Đạo trong hai thi phẩm của Thiền sư Phạm Thường Chiếu như một bản thể của giác ngộ, chỉ khác nhau ở góc nhìn: hướng vào trong thì đó là Tâm, mà hướng ra ngoài thì là Đạo. Trên bình diện khác – quan hệ nhân quả, Tâm là nhân, còn Đạo là quả. Và cuối cùng, xét trên căn nguyên cội rễ thì Tâm quyết định cho tất thảy, đó là điều cốt yếu trong tinh thần “Vạn pháp duy tâm tạo” (萬法惟心造) mà Đức Phật nói đến.

Tác giả: Nguyễn Thanh Huy

Trường Đại học Khánh Hòa

Chú thích:
(1), (2) Dịch nghĩa: ghi lại nguyên văn từ sách Thơ văn Lý – Trần, Tập I (Nguyễn Huệ Chi chủ biên (1977), Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội).
(3) Thánh Tổ: là các vị sư có nhiều công hạnh kì bí, linh thiêng; sau khi viên tịch được nhân dân dựng đền thờ phụng hoặc lập nơi thờ ngay sau điện thờ Phật.
(4) Dịch nghĩa: Tác giả bài viết – Nguyễn Thanh Huy dịch
(5) Toàn bài thơ: Nguyên văn chữ Hán bài “Đạo” 道của thiền sư Thường Chiếu, theo tác giả bài viết này, phải được ghi lại như sau:
道本無顏色
新鮮日日夸
大千娑界外
何處不爲家。
(6) Tam thiên Đại thiên thế giới: gọi tắt là Tam thiên thế giới三千世界 hoặc Đại thiên大千. Theo vũ trụ quan Ấn Độ cổ, lấy núi Tu Di須彌 làm trung tâm, vây khắp xung quanh, khoảng không có một mặt trời, một mặt trăng chiếu sáng gọi là Tiểu thế giới小世界. Một ngàn Tiểu thế giới gọi là Tiểu thiên thế giới小千世界; một ngàn Tiểu thiên thế giới gọi là Trung thiên thế giới中千世界, một ngàn Trung thiên thế giới gọi là Đại thiên thế giới大千世界. Cũng vì một Đại thiên thế giới bao gồm cả 3 thứ cấp Tiểu thiên – Trung thiên – Đại thiên (mỗi cấp tương ứng với 1000) nên được gọi đầy đủ là Tam thiên Đại thiên thế giới三千大千世界. Đạo Phật kế thừa theo vũ trụ quan này.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Huệ Chi (chủ biên) (1977), Thơ văn Lý – Trần, Tập I, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
2. Nguyễn Thanh Huy (2022), “Hoa cúc trong thơ của thiền sư Huyền Quang”, Tạp chí Văn hóa Phật giáo, số 391, ngày 23 tháng 06.
3. Nguyễn Thanh Huy (2023), “Hoa mai qua góc nhìn của thiền sư Trần Nhân Tông”, Tạp chí Văn hóa Phật giáo, số 404, ngày 01 tháng 01.
4. Kim Sơn – Thiền phái Trúc Lâm 1337, (1976), Lê Mạnh Thát dịch, Thiền uyển tập anh – Quyển thượng, Nxb Đại học Vạn Hạnh, Saigon.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường