Trang chủ Giáo lý - Lịch sử - Triết học Luận giải Kinh Mi Tiên về yếu tố hình thành sự sống con người

Luận giải Kinh Mi Tiên về yếu tố hình thành sự sống con người

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Theo Kinh Mi Tiênvấn đáp (Milindapañhā) có ba yếu tố để hình thành sự sống: “Tất cả chúng sinh, ví dụ à người nữ, muốn thụ thai phải hội đủ ba yếu tố: cha mẹ giao hợp, đến kỳ bà mẹ có kinh nguyệt và chúng sinh đầu thai nương gá. Thiếu một trong ba yếu tố ấy thì không thể thụ thai.”Có phải vậy chăng? – Đúng vậy.”(1) Quan điểm này cũng được đức Phật xác nhận trong Đại Kinh Đoạn Tận Ái (Mahàtanhàsankhaya sutta):

“Này các Tỳ kheo, có ba sự hòa hợp mà một bào thai thành hình: Ở đây, cha mẹ có giao hợp và người mẹ không trong thời có thể thụ thai, và hương ấm (gandhabba) không hiện tiền, như vậy bào thai không thể thành hình. Ở đây, cha và mẹ có giao hợp, và người mẹ trong thời có thể thụ thai, nhưng hương ấm (gandhabba) không hiện tiền, như vậy bào thai không thể thành hình. Và này các Tỳ kheo, khi nào cha mẹ có giao hợp, và người mẹ trong thời có thể thụ thai, và hương ấm có hiện tiền; có ba sự hòa hợp như vậy, thì bào thai mới thành hình.”(2)

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 7.2021 Luan giai kinh Mi Tien 1

Từ những sự xác nhận phổ quát trên, theo Phật giáo điều kiện để hình thành một sự sống mới gồm có ba yếu tố:

1. Có sự giao hợp giữa cha và mẹ; 2. Người mẹ trong thời kỳ có thể thụ thai, và có buồng trứng khỏe mạnh; 3. Có chủng tử nghiệp thức hay có chúng sinh tương thích nghiệp cảm đầu thai nương gá. Hay chúng ta có thể hiểu đơn giản: 1. Tinh cha (Sambhavapitu, 精液), 2. Trứng mẹ (Mātā-andāsaya, 卵 巢), 3. Thần thức (Attaniya, 神識). Như vậy, về cơ bản khi hội đủ ba điều kiện trên thì sự sống mới đã được hình thành. Tuy nhiên, dưới góc nhìn thực tế hiện đại, dưới một số nhân duyên (Paticcasamuppāda, 因 縁) và nghiệp lực (Kammabala, 業力) đặc biệt, nếu không đáp ứng thì sự thụ thai (Sagabbha, 受生) có thể khó diễn ra đúng tiến trình, hoặc có thể sẽ được thụ thai bằng các con đường khác nhau, không nhất thiết phải có đầy đủ ba yếu tố trên. Điều này được hiểu mộtcách cụ thể qua yếu tố duyên (Paccaya, 縁), có nghĩa phải hội tụ đầy đủ các duyên bổ trợ như: Phải có sự ham muốn từ cha mẹ với nguyện vọng về một đứa con; Người nữ đang có nhu cầu với sự ham thích, với cảm xúc lớn và đúng vào thời kỳ rụng trứng; Rồi có thân trung ấm đang hiện hữu. Đồng thời, sức khỏe cha mẹ phải tốt: Cha không gặp vấn đề về tinh trùng như: Dị dạng, tinh trùng bị loãng, đứt gãy ADN. Mẹ không gặp vấn đề về tử cung như ung thư, tử cung lạnh, dị tật cổ tử cung,…hoặc có sử dụng các loại thuốc tránh thai và một số biện pháp phòng chóng khác như: Bao cao su, cho tinh dịch ra bên ngoài,…và khi giao hợp vì một số lý do mà tinh trùng và trứng không gặp nhau,… Đó là những yếu tố về sinh lý và sức khỏe mà nếu gặp trục trặc thì sẽ không thể dẫn đến sự thụ thai (Sagabbha, 受 生).

Còn về nghiệp (Kamma, 業), nếu nghiệp cảm giữa cha mẹ và trung ấm không có sự tương thích về phước đức và ngược lại, hoặc hoàn toàn không có nhân duyên và liên hệ với nhau, đặc biệt là hành nghiệp của đương sự không tương thích với điều kiện sống hiện tại nói chung, thì cũng khó để diễn ra sự thụ thai (Sagabbha, 受 生). Mối liên hệ nghiệp báo (Vipākakamma, 業 報) hay nhân duyên (Paticcasamuppāda, 因 縁) giữa con cái với cha mẹ, cha mẹ với con cái chúng ta có thể hiểu dưới bốn trường hợp sau: Vì trả nợ mà sinh làm con: Nếu kiếp quá khứ (Atīta, 過去) có sự liên hệ nợ nần về vật chất với cha mẹ nên đời này sinh (Jāti, 生) trở lại làm con để báo hiếu. Điều này được lý giải qua việc có nhiều đứa trẻ tuổi còn nhỏ nhưng có ý chí làm việc để giúp đỡ bố mẹ trang trải cuộc sống, sự nợ nần đó sẽ tương đương với khoảng thời gian ở bên bố mẹ, khi nợ hết có thể bỏ nhà đi hoặc chết (Marana, 死); Vì báo oán mà sinh (Jāti, 生) làm con: Quá khứ (Atīta, 過去) giữa cha mẹ với con cái có nhiều oan ức, hận thù tận xương tủy, nay trở lại làm con để giải đáp những oán hận xưa. Điều này được lý giải qua việc có nhiều người con từ tuổi nhỏ cho đến lớn mang nặng chủng tử bất hiếu, phá gia chi tử, thậm chí làm bố mẹ mất mạng hoặc phải mang tiếng đời; Vì trả ân nên sinh (Jāti, 生) làm con: Quá khứ (Atīta, 過去) đối với cha mẹ mang nặng ân nghĩa chưa được trả nên đời này sinh (Jāti, 生) làm con để trả nợ ân tình củ. Cho nên, tuy tuổi còn nhỏ nhưng có tâm kính hiếu, nỗ lực học tập, lớn lên cố gắng lập nghiệp, có thành tựu đóng góp cho xã hội, làm cho mẹ hạnh phúc (Sujha, 行福) và tự hào; Vì đòi nợ nên sinh (Jāti, 生) làm con: Quá khứ (Atīta, 過去) với mẹ cha mang nhiều nợ nần về tiền bạc, về tinh thần nên kiếp này làm con để đòi lại. Cho nên có nhiều người con sinh (Jāti, 生) ra không lành lặn về tứ chi, về não bộ, làm cho mẹ cha vất vã nuôi dưỡng, hoặc có nhiều người con được bố mẹ dày công nuôi dưỡng từ nhỏ, đến khi thành đạt lại mạng chung (Marana, 死).

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 7.2021 Luan giai kinh Mi Tien 2

Nói như vậy với mục đích thấyrằng, nếu không có mối liên hệ nhân duyên về nghiệp báo thiện (Kusala, 善), ác (Pāpaka, 惡), phước (ānisamsa, 福), tội (Agha, 辠), căn cơ, thì sẽ không thể có trung ấm phù hợp hình thành sự thụ thai (Sagabbha, 受生). Hay rõ hơn là nếu không có mối liên hệ nào giữa nghiệp quả với nghiệp nhân của đương sự đó, hoặc không tương thích về nghiệp nói chung thì rất khó có thể hình thành nên sự thụ thai (Sagabbha, 受生), trong khi đây là yếu tố quan trọng nhất. Mối nhân duyên (Paticcasamuppāda, 因 縁) này được mô tả qua ẩn dụ về sự xuất hiện của đức Phật trong cuộc đời: “Đức Thế Tôn tùy thời, tùy xứ, tùy căn, tùy cơ, tùy nhân, tùy duyên… mà đến và đi chứ không thể tùy ước muốn của chúng sinh được!.”(3) Có nghĩa sự xuất hiện của đức Phật trong thế gian cũng phải hội đủ nhân duyên (Paticcasamuppāda, 因 縁) chứ không có cái gì là tự nhiên, nhất là khi khái niệm duyên khởi (Paticca- samuppàda, 縁起) là một nền tảng trọng tâm của hệ thống giáo lý Phật giáo (Jinacakka, 教理佛教).

Thực chất nếu nhìn kỹ, những yếu tố duyên (Paccaya, 縁) này cũng đều đã được nằm trong ba điều kiện để sự sống được hình thành ở chiều ngược lại thôi. Có thể tại thời điểm đấy sự triển khai chưa thể đi vào chi tiết, vì cản trở bởi khoa học kỹ thuật, bởi góc nhìn hiện đại của thế giới phát triển, nhưng nội hàm và ý tứ của vấn đề đều đã được gói gọn trong ba yếu tố đó ở chiều ngược lại; Và cũng bởi trong bối cảnh xã hội hiện đại chúng ta cần có sự giải thích rõ ràng, khách quan để phù hợp với từng góc nhìn, giúp người đọc thấu hiểu một cách rõ ràng hơn về các duyên thuận, duyên nghịch cho việc hình thành nên sự sống của con người (Manussa, 人).

Trở lại vấn đề, chúng ta thấy về cơ bản có ba điều kiện chính để hình thành nên sự sống hay sự thụ thai (Sagabbha, 受生) của chúng sinh, tuy nhiên kinh Kinh Mi Tiên có đưa ra những trường hợp ngoại lệ nằm ngoài ba điều kiện nêu trên như:

+ Do ăn cỏ có dính tinh từ nước tiểu của vị đạo sĩ ẩn tu mà có thai rồi sinh ra: “Cũng trong kinh, có kể trường hợp thụ sinh của đạo sĩ Singa và đạo sĩ Sankicca. Mẹ của hai đạo sĩ ấy là một con nai cái, do vì ăn cỏ có dính tinh từ nước tiểu của một đạo sĩ ẩn tu mà có thai rồi sinh ra. Trường hợp này thì có hai yếu tố sau, thiếu yếu tố đầu tiên, thế sao việc thụ thai vẫn xảy ra?.”(4)

+ Làm cho tinh xuất, dính vào y áo. Người nữ lấy tinh đó nhét vào tử cung, và miệng nên đã thụ thai: “Tỳ kheo Udàyi vì thấy dung sắc của một vị Tỳ kheo ni, phát tâm luyến ái, thỏa thích làm cho tinh xuất, dính vào y ca sa. Tỳ kheo ni ấy lại lấy tinh nhét vào tử cung, nhét vào miệng vô cùng khoái lạc nên đã thụ thai, hạ sinh trẻ Kassapa mà sau này được tôn xưng là ngài Ca Diếp đồng tử…”(5)

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 7.2021 Luan giai kinh Mi Tien 3

+ Sờ vào bụng phụ nữ mà thụ thai: “Chuyện đạo sĩ Màtanga chỉ rờ rẫm nơi bụng một nữ Bà La Môn mà làm cho nữ Bà La Môn kia mang thai, sinh con.”(6) Cả ba trường hợp ngoại lệ nêu trên tuy không cụ thể đi theo công thức hình thành sự thụ thai (Sagabbha, 受生) như trên đã trình bày, nhưng vẫn có một trong các yếu tố chính yếu của công thức đó, nghĩa là vẫn có tinh trùng (Sambhavapitu, 精 液), trứng (Mātā-andāsaya, 卵 巢) và thần thức (Attaniya, 神 識), chỉ là hoàn cảnh có sự khác nhau, và đặc biệt là không có sự giao phối giữa người nam và người nữ mà thôi. Nhưng lưu ý rằng hoàn cảnh sẽ không là vấn đề nghiêm trọng lắm, bởi vốn dĩ con người tái sinh (Patisandhi, 再生) theo nghiệp: “Tất cả chúng sinh đều được sinh ra bởi nghiệp.”(7)

Cụ thể, quá trình tái sinh (Patisandhi, 再生) sẽ còn tùy thuộc vào sự cân đo đông đếm của nghiệp quá khứ (Pubbakamma, 業過去), chính yếu tố này mới là điều quyết định chứ không phải là cách thức tái sinh như thế nào, vì đây chỉ là duyên (Paccaya, 縁), vì sao là duyên? Vì còn tùy thuộc vào hành nghiệp nữa, điều này được đại đức Na Tiên khẳng định: “Dĩ nhiên, nghiệp quyết định tất cả các cảnh thú tái sinh trong sáu đường.”(8) Cho nên, như đã nói ở trên, do sự khác nhau của mẫu số nghiệp hay nghiệp cảm, vì thế sẽ có nhiều hình thức thọ thai khác nhau, với nhiều cách thức khác nhau chứ không nhất thiết phải áp dụng nguyên văn công thức với ba nhân tố đấy. Theo Thiện kiến luật (善見律) thì có bảy nguyên nhân khiến một người nữ có thể thụ thai (Sagabbha, 受 生): “Tiếp xúc thân thể (Luật ghi là thân tương xúc: 身相觸); 2. Tiếp xúc qua phương tiện, (Luật ghi là thủ y: 取衣); 3. Tận dụng tinh trùng còn sót lại (Luật ghi là hạ tinh: 下精); 4. Xoa tay vào bụng dưới ( Luật ghi là thủ ma tề hạ: 手摩 臍下); 5. Do trông thấy (Luật ghi là kiến: 見); 6. Do nghe âm thanh (Luật ghi là thanh: 聲); 7. Do ngửi mùi hương (Luật ghi là hương: 香).”(9) Điều này có thể chứng minh qua một số trường hợp thụ thai hiện nay như việc thụ tinh trong ống nghiệm(10) đối với con người, thì cũng đâu cần phải có quá trình giao hợp giữa cha và mẹ mà vẫn có thể hình thành sự sống. Hay phương pháp thụ tinh nhân tạo(11) cũng có thể thụ thai (Sagabbha, 受生) mà không phải thông qua sự quan hệ giữa cha và mẹ. Do đó, một cách phổ quát rằng muốn hình thành sự thụ thai cho chúng sinh phải đầy đủ cả ba điều kiện cơ bản nêu trên, dẫu vậy tùy vào năng lực và những đặc trưng của nghiệp nói chung, nên sẽ có những trường hợp, hoàn cảnh đặc thù không đi theo đường thẳng của công thức đó. Cho nên, đại đức Na Tiên đã đưa ra lời giải thích cho lý do khác biệt đó qua bốn nguyên nhân về sự đầu thai của chúng sinh như sau: “Tất cả chỉ có bốn nguyên nhân, tâu đại vương! Ấy là nguyên nhân do sức tác động của nghiệp, do cách sinh và chỗ sinh khác nhau, do chủng loại, dòng họ khác nhau, và thứ tư là do được thỉnh mời.”(12) Và đại đức đã giải thích rất rõ ràng từng nguyên nhân ấy như sau:

– Thế nào là do sự tác động của nghiệp, thưa đại đức?

Dĩ nhiên, nghiệp quyết định tất cả các cảnh thú tái sinh trong sáu đường, nhưng ở đây chỉ muốn nói đến hạng chúng sinh có thiện căn, tích trữ nhiều phước báu; họ có khả năng đến chỗ nào y như ước muốn, y như quyết tâm mong mỏi, tâu Đại vương! Ví dụ họ muốn hóa sinh lên các cõi trời, sinh vào dòng vua chúa uy quyền cao sang hay sinh vào các gia đình Bà La Môn danh vọng, giàu có… đều có thể được, không trở ngại gì!

– Cái gọi là cách sinh, chỗ sinh là như thế nào, thưa đại đức?

– Nguyên nhân này kỳ lạ lắm, tâu đại vương! Chỉ có bậc Toàn Giác mới thấy rõ, biết rõ. Ví như có chúng sinh được sinh ra từ bụng, từ âm xứ của người nữ, của giống cái; có chúng sinh – như chư thiên – thì hốt nhiên hóa sinh, kẻ thì từ vườn hoa, kẻ trong bảo điện, kẻ ở chỗ ngồi, kẻ thì ở xung quanh hoặc từ phòng riêng của vị thiên tử… Ví như con gà khi cấu sinh phải có sự hỗ trợ của gió. Ví như con cò, con vạc khi cấu sinh phải có sự hỗ trợ của sấm sét… Thật là thiên hình vạn trạng, khó biết hết, khó thấy hết. Đại vương cứ thử tưởng tượng loài người sinh sống trên mặt đất, màu da, sắc phục, hình tướng, cách trang điểm khác nhau, phong phú như thế nào thì chỗ sinh, cách sinh cũng phong phú và đa dạng như thế ấy.

– Thế chủng loại, dòng họ là thế nào, thưa ngài?

– Điều này thì đại vương biết rồi, đấy là noãn thai, thấp, hóa, tức là được sinh ra từ trứng, từ thai bào, chỗ ẩm thấp hoặc được sinh ra do hóa mà sinh tức là tự hiện ra. Noãn sinh là như gà, chim… Thai sinh như người và các loài thú bốn chân: hươu, nai, heo, bò… Thấp sinh như rệp, rận, quăn… Hóa sinh như chư thiên các cõi trời… Nếu chúng sinh ở chủng loại, dòng họ nào thì hành tướng, sinh nghiệp đều thuộc về chủng loại, dòng họ ấy. Ví dụ thuộc loài từ trứng sinh thì phải có nghiệp, có tướng tương đồng. Các chủng loại, dòng họ khác nhau cũng y như thế đó, tâu đại vương!

– Cuối cùng là do thỉnh mời, như trường hợp Bồ tát Sàma của chúng ta. Nhưng trẫm không rõ trường hợp nào được thỉnh mời, có điều kiện nào cho việc thỉnh mời ấy thành tựu? Và cuối cùng là lợi ích thù thắng của nó ra sao?

– Câu hỏi này rất hay, thưa đại vương! Trường hợp được thỉnh mời phải đầy đủ ba điều kiện mới thực sự thành tựu và thực sự đem đến lợi ích lớn. Thứ nhất là người thỉnh mời phải có nhiều oai lực, nhiều phước báu, nhiều tâm từ. Thứ hai, người được thỉnh mời phải là vì thiên tử đầy đủ công đức Ba la mật, nhiều trí tuệ và có nguyện lực tái sinh độ thế. Thứ ba là gia tộc được chọn lựa để đầu thai phải có giới đức thanh tịnh, đức tin tròn đủ, đã tu tạo nhiều thiện pháp. Nếu thiếu một trong ba điều kiện ấy thì việc thỉnh mời sẽ bất thành, tâu đại vương!.” (13)

Như vậy, dẫu có khác biệt nhưng nguyên nhân về sự đậu thai hay thọ thai của một chúng sinh không ngoài bốn lý do và ba điều kiện nêu trên. Do đó việc quan trọng của chúng ta không phải để tâm vào sự khác biệt trong hình thức tái sinh (Patisandhi, 再生), mà nỗ lực chuyển nghiệp (Vikāra kamma, 轉業) để có một hành nghiệp tốt phục vụ cho quá trình tái sinh, bởi: “Năng lực của thiện nghiệp bao giờ cũng mạnh hơn năng lực của ác nghiệp.”(14) Nhờ vậy không những chúng ta sẽ chọn được nơi mình sinh ra, mà còn được chọn cách mình sẽ sống như thế nào.

Từ những luận điểm trên mô tả cho chúng ta thấy về một nền tảng vô cùng quan trọng, có ý nghĩa then chốt trong việcquyết định sự thọ sinh của thai nhi đó là thức diễn tiến hay thức tái sinh (Patisandhicitta, 識再生), đức Phật đã xác định điều này qua lời dạy cho Ananda:

“Này Ananda, nếu thức không đi vào trong bụng của người mẹ, thời danh sắc có thể hình thành trong bụng bà mẹ không?

– Bạch Thế Tôn, không!

– Này Ananda, nếu thức đi vào trong bụng bà mẹ rồi bị tiêu diệt, thời danh sắc có thể hình thành trạng thái này, trạng thái khác không?

– Bạch Thế Tôn, không!

– Này Ananda, nếu thức bị đoạn trừ trong đứa con nít, hoặc là đồng nam hay đồng nữ, thời danh sắc có thể lớn hơn, trưởng thành và thành mãn được không?

– Bạch Thế Tôn, không!

– Do vậy, này Ananda, như vậy là nhân, như vậy là duyên, như vậy là tập khởi, như vậy là nhân duyên của danh sắc, tức là thức.”(15)

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 7.2021 Luan giai kinh Mi Tien 4

Qua nhận định và lời dạy của đức Phật, nếu nhìn kỹ vào những trường hợp thụ thai đặc biệt như trong Kinh Mi Tiên đề cập, có thể thấy đôi khi thiếu trứng hoặc tinh trùng, thậm chí không có sự kết hợp giữa một cặp nam nữ qua sự giao hợp, nhưng sự thụ thai vẫn được diễn ra. Điều này chứng tỏ yếu tố quan trọng nhất trong việc thụ thai là tâm tái tục hay thần thức (Attaniya, 神識): “Khi thọ mạng chấm dứt thì nghiệp lực tạo sức mạnh cho thức tái sinh đi tìm cảnh giới mới.”(16) Ví như nhân (Hetu, 因) như thế thì quả (Vipāka, 果) sẽ như thế, dù có trốn chạy nơi đâu thì quả báo (ānisamsa, 果報) vẫn sẽ diễn ra dưới hình thức này hay hình thức khác. Có nghĩa trong vấn đề tái sinh (Patisandhi, 再 生) dù có đầy đủ hay không đầy đủ hai yếu tố, nhưng chỉ cần nhân tố thứ ba có mặt dưới hình thức đủ duyên thì việc tái sinh vẫn sẽ được diễn ra, vẫn tái sinh dưới nhiều hình thức khác nhau, như hình thức hóa sinh (Opapātika, 化生) chẳng hạn: “Thì hốt nhiên hóa sinh, kẻ thì từ vườn hoa, kẻ trong bảo điện, kẻ ở chỗ ngồi, kẻ thì ở xung quanh hoặc từ phòng riêng của vị thiên tử…”(17) Cho nên về cơ bản quá trình thọ thai phải được khởi đầu từ sự giao phối giữa cha và mẹ hoặc qua các biện pháp và phương pháp sinh sản tương đương, tuy nhiên quá trình này sẽ thất bại (thai chết lưu) nếu không có sự hợp tác của thức tái sinh (Patisandhicitta, 識再生), bởi như trên đã trình bày con người luôn phải tái sinh theo nghiệp (Kamma, 業): “Tất cả những gì được sinh ra trong thế gian này đều do nhân, nghiệp hay thời tiết.”(18)

Tóm lại, yếu tố để hình thành sự sống của một chúng sinh là hợp thể của ba điều kiện chính: Tinh cha (Sambhavapitu, 精 液), trứng mẹ (Mātā-andāsaya, 卵巢) và trung ấm hay thần thức (Attaniya, 神識). Trong đó thần thức hay thức tái sinh (Patisandhicitta, 識再生) là yếu tố cốt lõi, trọng tâm nhất trong tiến trình thụ thai đó vì nó mang chức năng của nghiệp (Kamma, 業), và nghiệp thì luôn theo sát sự tái sinh (Patisandhi, 再生) như bóng không rời hình: “Nghiệp hằng đi theo chúng sinh từ cảnh giới này sang cảnh giới kia như bóng với hình vậy.”(19) Bởi chức năng của nghiệp là vận chuyển, giữ gìn và truyền trao lại những dữ liệu từ kiếp quá khứ (Atīta, 過去) cho đời sống hiện tại. Dẫu biết rằng sự thụ thai (Sagabbha, 受生) được hình thành với ba điều kiện, nhưng sẽ luôn có những trường hợp đặc biệt khiến cho việc hình thành sự sống có mặt dưới nhiều hình thức khác nhau, do còn tùy thuộc vào tần số nghiệp lực chi phối.

Khi hiểu được các điều kiện cho sự hình thành một mầm sống mới, chúng ta dễ dàng trang bị cho mình một lối sống đẹp qua thân thể lẫn tinh thần, biết sống chan hòa và chia sẻ với cộng đồng những giá trị thiết thực về hạnh phúc (Sujha,) nhằm trang bị các chủng tử nghiệp tốt phục vụ đời sống hiện tại và tiến trình tái sinh (Patisandhi, 再生) trong tương lai. Đồng thời, từ đó mỗi đương sự cũng biết bảo vệ sức khỏe bản thân để có một sinh lý tốt, hỗ trợ tích cực cho quá trình tạo ra các mầm sống mới, góp phần xây dựng gia đình và cộng đồng với bước chân đầu tiên là xây dựng và phát triển con người (Manussa, 人).

Ngoài ra, việc thấy được các nguyên nhân cản trở sự đậu hay thụ thai là điều kiện để cha mẹ chính niệm (Sammā-sati, 正 念) hơn trong lối sống, cũng là điều kiện để trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết trong việc bảo vệ bản thân, con cái, cũng như việc sinh sản và dạy dỗ con cái nói chung. Điều này thể hiện tinh thần yêu thương và bảo vệ sự sống của Phật giáo từ giai đoạn mới hình thành cho đến phát triển. Do đó việc cố tình phá thai hay chấm dứt thai kỳ là hành động hoàn toàn không được khuyến khích vì đây là hành động tước đi mạng sống của con người, mang nặng sát nghiệp, ảnh hưởng đến nghiệp tái sinh (Patisandhi, 再 生). Ý thức được điều này sẽ thúc đẩy các đôi nam nữ trang bị cho mình những kỹ năng tránh thai an toàn không gây hại cho bản thân. Mặt khác, điều này cũng góp phần tích cực trong việc giáo dục con cái mọi mặt sau này, từ việc ý thức sức khỏe, vun trồng các hạt giống phước đức và thanh lọc tâm hồn qua những hành động và suy nghĩ tích cực. Cuối cùng, đây là một phương pháp mang đến những nguồn năng lượng tích cực cho con cái, bởi bản thân bố mẹ là người sống có ý thức trách nhiệm với bản thân và cộng đồng ngay từ những cái nhìn đầu tiên.

Thích Ngộ Tánh – Thạc sĩ Phật học khóa II Học viện PGVN tại Tp.HCM
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 7/2021

—————–
CHÚ THÍCH:
(1) Kinh Mi-tiên vấn đáp, Giới Nghiêm dịch, NXB Phương Đông, Hồ Chí Minh, 2009, trang 301.
(2) Kinh Trung bộ – tập I, Thích Minh Châu dịch, NXB Tôn giáo, Hà Nội, 2012, trang 328.
(3) Kinh Mi-tiên vấn đáp, Giới Nghiêm dịch, NXB Phương Đông, Hồ Chí Minh, 2009, trang 329.
(4) Kinh đã dẫn, trang 301.
(5) Kinh Mi-tiên vấn đáp, Giới Nghiêm dịch, NXB Phương Đông, Hồ Chí Minh, 2009, trang 302.
(6) Kinh đã dẫn, trang 302.
(7) Kinh Mi-tiên vấn đáp, Giới Nghiêm dịch, NXB Phương Đông, Hồ Chí Minh, 2009, trang 173.
(8) Kinh Mi-tiên vấn đáp, Giới Nghiêm dịch, NXB Phương Đông, Hồ Chí Minh, 2009, trang 305. (9) 大正藏第 24 冊 No. 1462 善見律毘婆沙, 卷第六
(10) Là một phương pháp thụ tinh, theo đó trứng được thụ tinh bằng tinh trùng bên ngoài cơ thể trong ống nghiệm.
(11) Viết tắt của intrauterine insemination (IUI) là thụ tinh bằng phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung – Được tiến hành bằng cách chọn lọc tinh trùng khỏe nhất của người chồng, sau đó bơm vào buồng tử cung của người vợ ở thời điểm rụng trứng.
(12) Kinh Mi-tiên vấn đáp, Giới Nghiêm dịch, NXB Phương Đông, Hồ Chí Minh, 2009, trang 305.
(13) Kinh Mi-tiên vấn đáp, Giới Nghiêm dịch, NXB Phương Đông, Hồ Chí Minh, 2009, trang 305-307.
(14) Kinh Mi-tiên vấn đáp, Giới Nghiêm dịch, NXB Phương Đông, Hồ Chí Minh, 2009, trang 633.
(15) Kinh Trường bộ, Thích Minh Châu dịch, NXB Tôn giáo, Hà Nội, 2013, trang 269.
(16) Kinh Mi-tiên vấn đáp, Giới Nghiêm dịch, NXB Phương Đông, Hồ Chí Minh, 2009, trang 148.
(17) Kinh Mi-tiên vấn đáp, Giới Nghiêm dịch, NXB Phương Đông, Hồ Chí Minh, 2009, trang 306.
(18) Kinh Mi-tiên vấn đáp, Giới Nghiêm dịch, NXB Phương Đông, Hồ Chí Minh, 2009, trang 584.
(19) Kinh Mi-tiên vấn đáp, Giới Nghiêm dịch, NXB Phương Đông, Hồ Chí Minh, 2009, trang 196.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường