Tác giả: Lê Thị Hiệp - Trường CĐSP Trung ương
Địa chỉ: Đội 6, Thôn Bầu, Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội
Khi tôi cất tiếng khóc chào đời thì cha cũng vừa chia tay gia đình, quê hương để lên đường đi B vào chiến trường Miền Nam. Tuổi chập chững biết đi và học những câu, tiếng đầu tiên trong đời, mẹ đã dạy tôi kêu cha, gọi mẹ, gọi ông bà... Mẹ vẫn luôn nói với tôi, cha đi đánh giặc ở phương xa, khi giặc tan hết cha sẽ về.
Chiến tranh kết thúc, Miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi là một trong số ít những đứa trẻ cùng trang lứa may mắn khi có cha trong đoàn quân trở về, bởi nhiều lắm, những người đàn ông khác đã không thể trở về nhà, họ vĩnh viễn nằm lại nơi đất mẹ ở một miền xa xăm nào đó vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Khi cha trở về, tôi đã là một cô bé học cấp một. Không chỉ gia đình tôi, mà cả làng quê thôn xóm đều mừng vui cho cha tôi và những người con khác của quê hương đã trở về, dẫu một số người không còn lành lặn, khi phải bỏ lại chiến trường một phần cơ thể của mình. Cha tôi cũng vậy, khi ông bỏ lại hết phần bàn tay phải bởi trúng đạn trong một trận chiến ác liệt. Cha trở về, đã là niềm vui sướng vô bờ. Hành trang theo cha trở về, chỉ có vài bộ quần áo quân ngũ cùng kỷ vật sinh hoạt nơi chiến trường như: chiếc ba lô con cóc, chiếc ca uống nước, đôi dép cao su, bi đông đựng nước uống... những kỷ vật ấy được cha xếp ngay ngắn phía trước của chiếc tủ kính dưới bàn thờ tổ tiên.

Từ khi cha trở về, thi thoảng ông lại mang những kỷ vật từ chiến tranh ấy ra lau chùi sạch sẽ, sau đó xếp lại ngay ngắn. Anh chị em chúng tôi, cùng vài đứa trẻ hàng xóm thấy cái ca uống nước, cái bi đông nhìn lạ, đẹp mắt nên thi thoảng cha đi đâu là lén mở tủ lấy ra nâng niu, ngắm nghía. Có lần, khi bắt gặp chúng tôi lấy ca uống nước và bi đông ra chơi, cha tỏ vẻ không hài lòng vì sợ trầy xước. Mẹ tôi thấy vậy bảo: “Những thứ đó còn dùng được thì ông cứ bỏ ra để dùng, chứ để đó làm gì cho phí...”. Lúc đầu cha không đồng ý, bởi sợ hỏng, sợ mất, nhưng về sau do nhà thiếu ca đựng nước, thiếu bình chứa nước nên cha cũng cho dùng chiếc ca và chiếc bi đông.
Từ đó, chiếc ca trở thành vật dụng sinh hoạt thường xuyên của gia đình tôi, được dùng để mọi thành viên trong gia đình uống nước. Ngày đó, có chiếc ca uống nước tráng men mà cha tôi mang về dùng để uống nước rất hữu dụng, bền và quý, bởi hầu như nhà nào cũng chỉ dùng bát ăn cơm, hay gáo dừa để uống nước mà thôi. Chiếc bi đông bằng nhôm, hình dẹt to gần như tái dừa nhỏ không chỉ đựng nước đun sôi để nguội, mà còn rất tiện dụng cho mẹ mang nước đi làm đồng để uống trong những ngày nắng nóng.
Qua mấy chục năm, những chiếc cốc nhựa, ly thủy tinh dùng để uống nước, cũng như những chiếc bình đựng nước kiểu cách tiện lợi, có mặt trong hầu hết các gia đình. Vậy mà chưa thể thay thế chiếc ca và chiếc bi đông, một trong những kỷ vật của cha mang về từ chiến trường, vẫn gắn liền với đời sống sinh hoạt gia đình tôi. Nhiều chỗ trên chiếc ca uống nước, chiếc bi đông đã tróc men, mờ sơn vậy mà vẫn rất bền. Ngày cha trở về với tổ tiên do tuổi cao sức yếu, chiếc ca và chiếc bi đông đựng nước đã chính thức “chia tay” gia đình tôi, khi được mẹ tôi lau rửa sạch sẽ rồi đặt ngay ngắn vào ngăn tủ, nơi mà các kỷ vật khác như đôi dép cao su, chiếc ba lô, bộ quần áo lính màu xanh... đã hiện hữu từ mấy chục năm trước.
Xa quê, mỗi khi có dịp trở về căn nhà thời ấu thơ, tôi bùi ngùi mỗi khi nhìn thấy hình ảnh của những kỷ vật vô giá gắn liền với cuộc đời binh nghiệp của cha trong tủ kính dưới bàn thờ, nước mắt tôi lại rưng rưng vì thương, vì nhớ cha...
Những kỷ vật của cha không chỉ là đồ vật đơn thuần mà còn chứa đựng chặng đường đời đầy hy sinh, gian khổ. Theo quan điểm Phật giáo, mọi sự trên đời đều chịu sự chi phối của vô thường, không có gì trường tồn mãi mãi. Cha đã trở về với tổ tiên, nhưng những kỷ vật vẫn còn đó, như dấu ấn của quá khứ, gợi nhắc con cháu về lòng biết ơn đối với những thế hệ đi trước.
Trong Kinh Tăng Chi Bộ, đức Phật dạy rằng lòng tri ân và báo ân là phẩm hạnh cao quý của người con có hiếu. Việc mẹ lau rửa, cất giữ những kỷ vật của cha cũng chính là một biểu hiện của tâm tri ân, giữ gìn những giá trị tinh thần thiêng liêng.
Những kỷ vật ấy, dù đơn sơ, nhưng mang trong mình câu chuyện về đức hy sinh, về lòng tri ân và sự gắn kết của gia đình. Nhìn lại chúng, tôi thấm thía hơn về sự vô thường của cuộc đời.
Cha đã đi xa, nhưng tinh thần và phẩm hạnh của cha vẫn mãi sáng trong lòng tôi. Đúng như lời Phật dạy, không có gì tồn tại mãi mãi, nhưng giá trị của sự yêu thương, lòng hiếu thảo và biết ơn thì luôn còn đó, như ngọn lửa ấm áp soi sáng tâm hồn con.
Tác giả: Lê Thị Hiệp - Trường CĐSP Trung ương
Địa chỉ: Đội 6, Thôn Bầu, Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội
Bình luận (0)