Cận kề xuân, tôi nghĩ nhiều về người cha nuôi đã đi xa... Đến độ, tháng trước, bên bờ biển Rạch Giá, khi dùng điện thoại quay video clip cảnh những cánh chim liệng và tàu cao tốc rời cảng, bất giác tôi thở dài và thốt lên: “Lúc này nhớ về cha, Ông cũng đi nhiều”, máy ở chế độ ghi âm và khoảng lặng ấy đọng lại...

Người đàn ông phong trần, sinh - tử đã từng, trải nghiệm đến tận cùng cuộc sống đến độ - với Ông - sự im lặng chính là giao tiếp sâu sắc nhất!

Cha nuôi, lại là bạn vong niên chia sẻ những quan tâm chung, mỗi lần được hầu chuyện Ông tôi rất hạnh phúc. Thậm chí tôi còn viết được về Ông trong một đoạn văn vụng lại in chung trong một tập sách! Nhìn ánh mắt ông lấp lánh khi nhận quà ấy, tôi vui... Chia sẻ nhiều, tôi không nghe ông nói về niềm tin tôn giáo cụ thể nào, chủ đề xoay quanh kinh nghiệm sống, đạo Thánh hiền, phép xử thế và kỷ niệm riêng tư... Ông thả mình trong không gian xanh đậm đà chất quê trong khoảng đất rộng giữa lòng thành phố, nơi ấy có phong lan, gà vườn, chim… và mọi thứ của một thời đã qua. Mọi thứ, nhưng không có thánh tượng tôn giáo, cho đến một ngày...

…Khi ấy tôi có khúc quanh và vào nương cửa Phật, tới 10 năm! Và, ở nơi ấy, trong khúc quanh ấy, tôi vẫn thường xuyên liên lạc với Ông qua điện thoại hay những chuyến đi nhanh. Ông cũng thăm tôi, đến chùa, trà nước ngoài hiên, tuyệt không thắp hương hay lạy Phật! Rồi, một thời điểm nào đấy trong mấy năm cuối tôi ở chùa, Ông nhờ tôi thỉnh một tượng Phật! Thực ra, đấy là đến mua một tượng Phật Thích Ca Mâu Ni sơn son thếp vàng rất đẹp ở cửa hàng ở trung tâm thành phố cuối đất Việt với một số tiền đáng kể.

Tượng ấy ông thờ trên một bệ đá san hô rêu phong cạnh bàn trà, có dây leo phủ và cảnh trí tự nhiên lạ... Thế là mỗi lần đến thăm Ông, tôi thêm “thủ tục” nghiêm cẩn xá trước Tam bảo tự nhiên ấy, nơi không hề có lư hương! Cách một người đàn ông chưa từng có niềm tin tôn giáo thể hiện sự tôn kính Phật là như thế.

Cũng có sự cố cho thấy vô thường không trừ cái chi, gà hay con gì đấy nhảy trúng mạnh quá, tượng rơi vỡ! Ông lại thỉnh một tượng khác không cùng kích thước, đặt ngay chỗ cũ, vẫn không có lư hương nào!

...Mỗi lần đến thăm, khi ông đã có thờ Phật, tôi mua thức chay ở hàng trong chợ, cho cả nhà, Ông khen ngon! Lại tặng kinh đĩa, ông nằm trong phòng nghe rất thường!

Tôi rời chùa về nhà cùng mẹ trong một nhân duyên khác và sự thăm viếng khó hơn vì xa. Tuổi tác đến nhanh hơn với Ông. Những cuộc điện thoại, nghe giọng Ông qua đường truyền, cũng dự cảm nhiều... Ông sai người phục hồi hình chân dung thời trẻ cách công phu và tặng tôi: “Hãy để trong bóp (ví)”, tôi hiểu…

Ông ra đi. Tin báo qua giọng người nhà nghe cứ ngỡ nhầm! Nó hợp lôgic, hợp luật sinh tử vô thường, nhưng không hợp với sự tiếp nhận của tôi. Tôi đã đạp xe gần trăm cây số đi về, đến bên tháp cổ 1.500 năm tuổi, như một cái cớ giảm nhẹ cú sốc, cố thích nghi. Lại đạp đến bên ban thờ cúi mình, di ảnh Ông nghi ngút khói hương, chiếc lư hương chi chít chân nhang...

Mọi thứ vẫn y nguyên, bàn trà và gốc san hô rêu cũ, tượng Phật hãy còn, ông vãng sinh... Trên chiếc giường ấm áp kín đáo cho người già, nơi đặt cạnh tivi màn hình lớn, Ông đã nghe bao nhiêu bài pháp của rất nhiều vị giảng sư tên tuổi, nhiều hơn nhiều những gì tôi nghe, dù ở trong chùa 10 năm!

...Tết này chính xuân đầu tiên vắng Ông. Người đã có niềm tin ở Phật và nương pháp ở giai đoạn cuối cùng cuộc đời, sự ra đi thanh thản, tôi tin vậy. Cha tôi thờ Phật như thế, như thế, ở Cà Mau...

Bạc Liêu, 11/02/2018

Tác giả: Công Nguyễn

Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 3/2018