1. Giới thiệu Bồ tát Quán Âm và Bồ tát Đại Thế Chí

Chúng Bồ tát tại cõi Phật A Di Đà nghe thấy hết khắp cả không gian và thời gian, biết hết tâm ý thiện ác, lời nguyện cầu được thoát ly lục đạo, sự mong muốn được khai ngộ, được vãng sinh của chư Thiên, nhân loại cho đến các loại ngạ quỷ. 

Chúng Thanh văn ở cõi Cực Lạc có thân sáng, có hai vị Bồ tát tôn quý bậc nhất, oai thần và ánh sáng chiếu khắp cả ngàn thế giới. 

Ảnh vẽ minh hoạ Tây phương Tam thánh với đức Phật A Di Đà ở giữa, bên trái là Bồ tát Đại Thế Chí, bên phải là Bồ tát Quán Thế Âm
Ảnh vẽ minh hoạ Tây phương Tam thánh với đức Phật A Di Đà ở giữa, bên trái là Bồ tát Đại Thế Chí, bên phải là Bồ tát Quán Thế Âm

Một vị tên là Quán Thế Âm, vị thứ hai tên là Đại Thế Chí, hai vị Bồ tát này khi còn ở cõi Ta-bà tu hạnh Bồ tát được sinh về cõi Cực Lạc, thường ở hai bên tả hữu Phật A Di Đà. Hai vị hiện ở thế giới này làm nhiều sự lợi lạc cho chúng sinh. Những trai lành gái tín ở thế gian nếu có tai nạn ngặt nghèo hoảng sợ, chỉ cần hướng tâm về Bồ tát Quán Thế Âm thì không có nạn gì mà không được cứu thoát.

Thiền định, trí tuệ, thần thông, oai đức các vị Bồ tát trong cõi Phật đó đều viên mãn. Mật tạng chư Bồ tát rất sâu xa rốt ráo sáng tỏ, điều phục các căn, thân tâm nhu nhuyến, thâm nhập chính huệ, không còn dư tập, thực hành theo lời Phật dạy, hành thất giác chi, rõ biết chân đế, đạt cả tục đế (Chân đế là chân lý, đạt thấu lý của cả đời sống thế tục, gọi là tục đế).

Nhục nhãn thì so đo, thiên nhãn thấy thông suốt, pháp nhãn thấy biết thanh tịnh, huệ nhãn biết rõ chân không, Phật nhãn đầy đủ công năng, biết rõ pháp tính, biện tài tổng trì tự tại vô ngại, biết rõ vô biên phương tiện ở thế gian, nói đúng chân đế, hiểu sâu nghĩa lý, cứu độ các hữu tình, diễn nói chính pháp, vô tướng vô vi, vô phược vô thoát, vô phân biệt, xa lìa điên đảo, đối với vật thọ dụng không có tư tưởng chiếm giữ, đi khắp cõi Phật không ưa không chán, không mong cầu cũng không chấp trước, cũng không có tưởng oán hận đây kia. 

Các vị Bồ tát đối với chúng sinh mà nói, có tâm đại từ bi, đại lợi ích, thành tựu vô lượng công đức, dùng chân thật trí thấu rõ các pháp là như như, biết rõ phương tiện giảng giải về tứ đế, không thích học thuyết thế gian, thích luận chính pháp, biết tất cả pháp đều không tịch, tập khí phiền não chướng và sở tri chướng đều dứt sạch, ở trong ba cõi bình đẳng siêng tu cứu cánh Nhất Thừa (Phật thừa, không phân biệt giáo môn) đến bờ giải thoát, quyết dứt lưới nghi chứng vô sở đắc, dùng phương tiện trí tăng trưởng hiểu biết, an trụ thần thông được Nhất Thừa Phật quả, không nhờ vào người khác.

2. Công đức chân thật của hai vị Bồ tát

Trí tuệ quán chiếu uyên thâm như biển cả, lòng Bồ đề cao rộng như núi Tu Di, thân sáng chói như nhật nguyệt, tâm trong trắng như tuyết sơn, nhẫn nhục như đất bằng, bình đẳng tất cả, thanh tịnh như nước rửa sạch trần cấu, hừng hực như lửa đốt hết phiền não, không chấp trước như gió không gì chướng ngại, pháp âm như sấm vang thức tỉnh kẻ chưa giác, mưa pháp cam lồ thấm nhuần chúng sinh.

Sống thênh thang như hư không bao dung tất cả, thanh tịnh như hoa sen lìa xa ô nhiễm, như cây đại thụ che khắp rộng rãi, như chùy kim cang phá tan tà chấp, như núi Thiết Vi tà ma ngoại đạo không lay chuyển được, tâm chính trực khéo giỏi quyết định, luận pháp không chán, cầu pháp không mỏi mệt, giới như lưu ly trong ngoài sáng sạch, phàm nói điều gì đều làm cho người vui tín phục.

Đánh trống pháp, lập pháp tràng, sáng huệ nhật, phá si ám, thuần tịnh ôn hòa, tịch định an nhiên, làm đại đạo sư, điều phục tự tha, dắt dẫn quần sinh, xả bỏ ái trước, xa hẳn ba độc, thung dung tự tại, nhân duyên nguyện lực phát sinh thiện căn, phá dẹp ma quân, tôn trọng cúng dường chư Phật.

Kham thọ cúng dường, hiển hách hoan hỷ, mạnh bạo không sợ sệt, thân tướng đẹp đẽ, công đức biện tài đầy đủ trang nghiêm không ai sánh được, rốt ráo các Ba la mật, an trụ vào đại định bất sinh bất diệt, giáo hóa khắp nơi.

Quán kinh tu đạo, pháp hỷ vẹn toàn, trí huệ sáng suốt, tâm không thối chuyển, ý không giải đãi, ngoài hiện an nhàn, trong lại tinh tấn, dung cách trùm cả thái hư, đạt đến trung đạo, trong ngoài tương ưng, tự nhiên nghiêm chỉnh, hành động chính trực, thân tâm khiết tịnh, không tham nhiễm ái, chí nguyện cương định, không tăng chẳng giảm, cầu đạo hòa chính, không bị tà tâm khuynh đảo, tuân lời Phật dạy quyết không trái phạm.

Nếu đã quyết tâm thì phải kiên trì không nghĩ gì khác, không lo nghĩ ưu buồn, an nhiên vô vi, tâm rỗng như hư không không lập một pháp, bình thản không tham dục, trọn thành thiện nguyện, dốc lòng cầu tiến, từ bi ai mẫn, lễ nghĩa gồm đủ, sự lý viên dung, đạt đến giải thoát, tự tính bản nhiên hoàn toàn thanh tịnh, chí nguyện vô thượng, thân tâm tịch định an lạc.

3. Khuyên dụ chúng sinh tinh tấn

Người đời vì sự tranh đua nên sống trong cảnh thô bạo, khổ cực, nhọc thân làm lụng để tự cung cấp, lao tâm khổ trí, suy nghĩ lo toan. Không nhà lo nhà, quyến thuộc tài vật, có hoặc không cũng lo, có rồi còn thiếu, muốn sao cho bằng người. Nên ít muốn vừa đủ. Lại còn lo sợ vô thường, nước lửa trộm cướp, oan gia trái chủ, lửa thiêu nước chìm, tiêu tan sạch sẽ, tâm ý khư khư không chịu buông xả, mạng chung hết thở, không ai tránh khỏi, nghèo giàu như nhau, sầu khổ trăm mối. 

Thế nên ở đời cha con anh em, vợ chồng thân thuộc nên thương kính nhau, không nên ghét giận nhau, nên thông cảm nhau, không nên tham tiếc, nói năng hòa nhã đừng chống đối nhau. 

Con người vì ái dục nên phải sống chết qua lại sáu nẻo tự chịu khổ vui không ai thay thế được, lành dữ biến hóa theo đó đi thọ sinh không đồng, tụ họp không hạn kỳ, chẳng tin kinh pháp, không biết lo xa, say mê giận hờn, tham đắm tài sắc.

Kẻ mê thì nhiều, người ngộ đạo rất ít, phần nhiều ôm lòng giết hại, ác khí tràn đầy làm điều hư dối, trái ngược trời đất mặc tình tạo tội, khi mạng sống hết, đọa vào ác đạo không biết ngày ra. Chúng sinh phải xa lìa điều ác siêng làm việc lành, ái dục vinh hoa không thể giữ mãi, đều phải ly biệt chẳng có vui gì. Nên phải siêng năng tinh tấn cầu sinh về cõi Cực Lạc được trí huệ sáng suốt công đức thù thắng, đừng theo tâm tham dục, uổng phí đời sau.

Còn tiếp...

Cư sĩ Phúc Quang tóm lược

Tài liệu tham khảo: Phật thuyết Đại thừa Vô lượng thọ trang nghiêm thanh tịnh bình đẳng giác kinh, Nguyên Hán: Hạ Liên Cư (Hội tập), Việt dịch: HT. Thích Đức Niệm, NXB Tôn giáo, 2019.