1. Duyên khởi kinh

Một thời, đức Thế Tôn du hoá các nước, đến thành Quảng Nghiêm, nghỉ dưới cây Âm Nhạc, cùng với đại chúng tỳ kheo, cùng với các vị Bồ tát, hàng Quốc vương, quan đại thần, các Bà la môn, hàng cư sĩ,…

Lúc bấy giờ, Mạn Thù Thất Lợi Pháp vương tử, xin Thế Tôn dạy rõ về các danh hiệu cùng đại nguyện công đức thù thắng của chư Phật, khiến chúng sinh nghe pháp nghiệp chướng được tiêu trừ.

Đức Thế Tôn thuyết về phương Đông, cách cõi này rất xa (đi qua hơn 10 hằng hà sa số cõi Phật), có một thế giới tên là Tịnh Lưu Ly, vị giáo chủ cõi đó là Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, được xưng tụng các danh hiệu: Ứng Cúng, Chính Đẳng Giác, Minh Hạnh Viên Mạn, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Bạc Già Phạm (Bạc Già Phạm tương đương với Thế Tôn).

Ảnh vẽ minh hoạ Phật Dược Sư Lưu Ly Quang tại cõi Tịnh độ Phương Đông
Ảnh vẽ minh hoạ Phật Dược Sư Lưu Ly Quang tại cõi Tịnh độ Phương Đông

2. Phật Dược Sư phát hạnh nguyện khi hành Bồ tát đạo

Khi còn đang hành Bồ tát đạo, ngài Dược Sư đã phát vô số hạnh nguyện vì chúng sinh, những hạnh nguyện tiêu biểu gồm có:

(1). Khi giác ngộ thành Phật, thân thể sáng chói có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, nguyện cho chúng sinh thân cũng được như vậy không khác (không ai có thân hèn kém, không ai bị thiếu hụt các căn, không xấu xí, không khờ khạo, đui, mù, câm, điếc, lưng gù, điên cuồng,…)

(2). Khi giác ngộ thành Phật, thân thể không vết bẩn, trong ngoài sáng suốt, công đức cao vời, thân an trú nơi vật báu trang nghiêm sáng rực, chúng sinh nhờ ánh sáng đó, khỏi vô minh để xây dựng sự nghiệp.

(3). Khi giác ngộ thành Phật, đem vô lượng vô biên trí tuệ phương tiện, khiến chúng sinh hữu tình có vật dụng đủ đầy, không thiếu thốn, không vì cơm gạo mà làm điều bất thiện.

(4). Khi giác ngộ thành Phật, khiến các chúng sinh đang bị buộc vào lưới tà kiến, được thấy chính kiến.

(5). Khi giác ngộ thành Phật, nếu có các hữu tình thực hành tà đạo, Ngài sẽ khiến họ an trụ quay về Chính pháp, an trụ đạo Bồ đề.

(6). Khi giác ngộ thành Phật, nếu chúng sinh hữu tình nào ở trong đạo pháp tu hành, Ngài sẽ trợ lực để không thoái chuyển, tụ đủ thân – khẩu – ý thanh tịnh, không rơi vào nẻo ác.

(7). Khi giác ngộ thành Phật, nếu có chúng sinh nào bị bệnh khổ bức bách, không ai cứu chữa, không nơi nương nhờ, không thầy, không thuốc, không nhà cửa, không bạn bè thân thích, bần cùng khốn khổ. Một khi nghe danh hiệu Ngài, hết mọi thứ bệnh đều được dứt trừ, thân tâm an lạc, nhà cửa, quyến thuộc, của cải đều được sung túc.

(8). Khi giác ngộ thành Phật, nếu có chúng sinh hữu tình nào bị đánh đập, giam giữ, tra tấn, nguy cơ bị sát hại,… khi nghe danh hiệu Ngài sẽ được thoát khỏi đau đớn.

...

3. Cõi Tịnh Lưu Ly của Phật Dược Sư và tên gọi của Ngài

Cõi Tịnh Lưu Ly được lấy theo tên của Ngài: "Lưu Ly Quang", nằm ở phương Đông cõi Ta bà, cách rất xa, được mô tả những đặc điểm như sau: 

Hoàn toàn thanh tịnh, không một chút vẩn đục, mọi thứ đều trang hoàng bởi vật báu trang nghiêm do công đức sâu dày mà hội tụ.

Cõi nước này có hai vị Bồ tát là Nhật Quang Biến Chiếu và Nguyệt Quang Biến Chiếu tức 2 vị ví như ánh sáng của Mặt Trời (Nhật) và Mặt Trăng (Nguyệt) chiếu sáng khắp, “Biến Chiếu” là chiếu tới mọi nơi, không nơi nào không có, không nơi nào tối tăm.

Dược Sư có nghĩa là “thầy thuốc”. Trong thế gian, thầy thuốc là người khám bệnh, bắt bệnh, kê đơn dẫn dắt người bệnh mau chóng khoẻ mạnh trở lại.

Phật Dược Sư cũng vậy, là một  vị đại thầy thuốc, Ngài biết bệnh tam độc tham – sân – si, thấy con đường ác đạo của chúng sinh, Ngài dẫn dắt người bị bệnh vô minh mau chóng chữa lành những bệnh khổ trong tâm mà về con đường đạo pháp.

Ngài ra đời để chữa bệnh tâm cho chúng sinh, thoát khỏi nỗi sợ của sinh tử luân hồi, vì thế mà được xưng tụng là Đại y vương, Đại Dược Sư.

Lưu Ly là viên ngọc, viên ngọc này có năng lực gạn lọc tất cả cặn bã, "ly" là ly cấu, tức xa lìa cấu uế. Được ví như một ly nước đang đục, thả viên Lưu Ly vào, mọi bẩn đục sẽ được lắng xuống trả lại cốc nước trong sạch. Cũng vậy, chữ Lưu Ly trong tên của Phật Dược Sư thể hiện ánh sáng trí tuệ, giúp mọi phiền não được cắt bỏ, trả lại bản tâm thanh tịnh.

“Quang” là ánh sáng.

Lời kết

Các loại ác hạnh được kinh nêu ra là tới từ tâm tham, không chịu bố thí; lòng kiêu mạn, huỷ báng Tam bảo; tâm đố kỵ, ghen ghét; tâm sân hận, hơn thua.

Dược Sư Lưu Ly Quang Phật là vị đại thầy thuốc có ánh sáng như viên ngọc quý lưu ly, chữa lành mọi tâm bệnh, xây dựng một thế giới lý tưởng không bệnh tam độc tham, sân, si, chủ trương thực hành Bồ tát đạo.

Cư sĩ Phúc Quang tóm lược

TÀI LIỆU THAM KHẢO: Kinh Dược Sư và giảng giải kinh Dược Sư, Đại sư Ấn Thuận, Việt dịch: Thích Quảng Lâm, NXB Tôn giáo, 2021.