1. Các "pháp" có ở một vị toàn giác
Khi Phật thuyết pháp thì như tiếng hống của sư tử, chẳng sợ hãi, oai nghi, hùng dũng, lại có thêm 4 pháp vô sở uý
Bốn pháp vô sở uý
(1). Tổng trì
Tổng trì là thu nhiếp hết mọi pháp, nhớ rõ ràng mọi pháp và khéo thuyết giảng cho chúng sinh.
(2). Biết các pháp
Tổng trì là thu nhớ, “biết” các pháp là ẩn ý cho việc hiểu rõ chúng sinh bị bệnh gì, căn cơ ra sao để “lấy thuốc” cho phù hợp.
(3). Hỏi đáp vô sở uý
Có khả năng đối đáp về pháp rành mạch, không sợ hãi.
(4). Giải được sự nghi ngờ cho chúng sinh
Phật giảng giải không có sự e ngại khiến chúng sinh không còn nghi hoặc các pháp, dùng bốn pháp để nhiếp thọ chúng sinh gồm có: Bố thí, ái ngữ (lời yêu thương), lợi hành (thân, khẩu, ý làm lợi cho chúng sinh), đồng sự (đồng hành cùng chúng sinh trong sự chữa bệnh).
Phật hội đủ 18 pháp bất cộng
Thập bát pháp bất cộng là các pháp thiện lành chỉ trọn vẹn ở bậc toàn giác.
(1). Thân vô thất: Thân không có lỗi. Phật từ vô lượng kiếp đến nay, giữ giới thanh tịnh, vì công đức này đầy đủ, tất cả phiền não hết sạch nên thân không có lỗi.
(2). Khẩu vô thất: Miệng không có lỗi. Phật có vô lượng trí tuệ biện tài, pháp Phật nói ra tùy theo các cơ nghi khiến cho họ đều chứng ngộ.
(3). Niệm vô thất: Ý nghĩ không có lỗi. Phật tu các thiền định rất sâu xa, tâm không tán loạn, đối với các pháp tâm không dính chấp, được sự an ổn đệ nhất nghĩa.
(4). Vô dị tưởng: Không có ý tưởng khác. Phật đối với tất cả chúng sinh bình đẳng hóa độ, không có tâm lựa chọn, phân biệt.
(5). Vô bất định tâm: Tâm thường ở trong định. Phật đi đứng ngồi nằm thường không lìa thắng định sâu xa, thường nhiếp tâm trụ trong thiện pháp, đối với thực tướng các pháp không thoái thất.
(6). Vô bất tri kỉ xả tâm: Thường ý thức xả tâm của mình. Đối với các cảm thụ như khổ, vui... Phật biết rõ các tướng sinh trụ diệt của chúng trong từng niệm và an trú trong vắng lặng bình đẳng, tức thường ở trạng thái tâm không khổ, không vui (xả tâm).
(7). Dục vô giảm: Ý muốn không giảm. Phật đầy đủ các thiện pháp, luôn muốn hóa độ chúng sinh, tâm không chán bỏ.
(8). Tinh tấn vô giảm: Tinh tấn không giảm. Thân tâm của Phật đều tinh tấn, vì độ chúng sinh nên thường thực hành các phương tiện, không dừng nghỉ.
(9). Niệm vô giảm: Tâm niệm không giảm. Pháp và tất cả trí tuệ của chư Phật 3 đời tương ứng đầy đủ, không có thoái chuyển.
(10). Tuệ vô giảm: Tuệ không giảm. Phật có đầy đủ tất cả trí, vả lại, còn trí tuệ của 3 đời không bị chướng ngại, nên tuệ không khuyết giảm.
(11). Giải thoát vô giảm: Giải thoát không giảm. Phật xa lìa tất cả chấp trước, có đầy đủ 2 loại giải thoát hữu vi, vô vi, tất cả phiền não tập khí đều hết sạch, cho nên giải thoát không khuyết giảm.
(12). Giải thoát tri kiến vô giảm: Giải thoát tri kiến không giảm. Phật thấy biết các tướng giải thoát, rõ suốt không bị ngăn ngại.
(13). Nhất thiết thân nghiệp tùy trí tuệ hành: Tất cả hành động của thân đều được trí tuệ soi sáng, chỉ dẫn.
(14). Nhất thiết khẩu nghiệp tùy trí tuệ hành: Tất cả lời nói từ miệng Phật phát ra đều theo trí tuệ.
(15). Nhất thiết ý nghiệp tùy trí tuệ hành: Tất cả ý nghĩ đều được trí tuệ hướng dẫn. Ba pháp trên đây là khi Phật khởi động 3 nghiệp thân, khẩu, ý trước hết xem xét, cân nhắc đúng sai, lợi hại rồi sau mới thực hành theo trí tuệ, cho nên không sai lầm, đều mang lại lợi ích cho chúng sinh.
(16). Trí tuệ tri kiến quá khứ thế vô ngại vô chướng: Trí tuệ thấy biết đời quá khứ không bị chướng ngại.
(17). Trí tuệ tri kiến vị lai thế vô ngại vô chướng: Trí tuệ thấy biết đời vị lai không bị chướng ngại.
(18). Trí tuệ tri kiến hiện tại thế vô ngại vô chướng: Trí tuệ thấy biết đời hiện tại không bị ngăn ngại.
2. Phẩm khuyên trì
Khuyên là khuyên bảo, trì là phụng trì; khuyên trì là khuyên người khác phụng trì kinh điển, giáo pháp, chính xác hơn là khuyên người khác ngưng làm ác, năng làm việc thiện.
Khuyên người biết rằng cần phải tu tập để thoát khỏi cõi đời ngũ trược. Ngũ trược là 5 điều vẩn đục, gồm có:
(1). Kiếp trược: Tuổi thọ ngắn ngủi, phước đức mỏng.
(2). Kiến trược: Kiến giải của chúng sinh chẳng chân chính, tức cũng là 5 kiết sử (5 phiền não): thân biến (chấp thân), biên kiến (chấp thường hằng hoặc chấp đoạn diệt), tà kiến (cái thấy vẩn đục), kiến thủ (bảo thủ), giới cấm thủ (chấp giới nhưng hiểu sai).
(3). Phiền não trược: Sáu căn đối với sáu trần, sinh tham, sân, si, mạn, nghi mà đủ thứ phiền não sinh ra.
(4). Chúng sinh trược: Vì ảnh hưởng kiến trược, phiền não trược, phước báo chúng sinh càng giảm, khổ báo tăng dần, tai ương ngày một nhiều.
(5). Mạng trược: Thân thể ốm đau, tứ đại không hài hoà.
Một vị đại pháp sư phải đầy đủ 10 đức
(1). Khéo biết nghĩa của pháp.
(2). Hay rộng tuyên nói.
(3). Ở trong đại chúng nhiễm ô, chẳng sợ bị tạp nhiễm.
(4). Khéo sử dụng phương tiện.
(5). Vô đoạn biện tài (Tài hùng biện không gián đoạn).
(6). Pháp tuỳ đức hành (Tuỳ pháp mà hành).
(7). Đầy đủ oai nghi.
(8). Dũng mãnh tinh tấn.
(9). Thân tâm chẳng mệt.
(10). Thành tựu sức nhẫn nhục.
3. Mười pháp giới
Đại Bồ Tát tu hành Bồ Tát đạo, quán tất cả cảnh giới của mười pháp giới đều không, mười pháp giới chẳng lìa một tâm niệm, một tâm niệm sinh mười pháp giới. Mười pháp giới bao quát bốn pháp giới của bậc Thánh và sáu pháp giới của phàm phu.
(1). Pháp giới của Phật: Con người tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn thì thành Phật. Mình khai ngộ minh bạch tất cả các pháp là tự giác, lại độ kẻ khác giác ngộ là giác tha. Phật là toàn giác, biết những gì mà người chưa biết, ngộ những gì mà người chưa ngộ.
(2). Pháp giới của Bồ tát: Bồ tát phát nguyện tự lợi, lợi tha, tự giác, giác tha, song giác hạnh chưa viên mãn như Phật, tu hành sáu độ vạn hạnh.
(3). Pháp giới của Duyên giác:
Bậc Duyên giác tu mười hai nhân duyên mà ngộ đạo. Mười hai nhân duyên là:
Vô minh duyên hành -> Hành duyên thức -> Thức duyên danh sắc -> Danh sắc duyên lục nhập -> Lục nhập duyên xúc -> Xúc duyên thọ -> Thọ duyên ái -> Ái duyên thủ -> Thủ duyên hữu -> Hữu duyên sinh -> Sinh duyên lão tử.
Duyên giác có hai: Khi có Phật ra đời, tu mười hai nhân duyên mà ngộ đạo gọi là Duyên giác, khi không có Phật ra đời, tu trong rừng sâu núi thẳm, mùa xuân quán trăm hoa nở, mùa thu quán lá vàng rơi, cảm ngộ vạn vật vô thường mà chứng đạo quả, gọi là Độc giác (Độc là độc cư, tự thân một mình giác ngộ nên gọi Độc giác).
Vô minh tức là phiền não, cũng là ái tình giữa nam nữ. Có ái tình thì phát sinh hạnh bất tịnh, có hành thì sinh hạt giống, tức là thức. Có hạt giống thì thành thai, gọi là danh sắc. Có thai rồi sau sinh ra mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, tức là lục nhập. Có lục nhập rồi thì sinh cảm giác, tức là xúc. Có cảm giác tức có thọ dụng, tức là thọ. Có thọ dụng thì sinh tâm thương, tức là ái. Vì ái dục mà giữ làm của mình có, tức là hữu. Hữu rồi sau đó có sinh ra đời sau, có sinh thì có tử, đây là cửa lưu chuyển.
Bậc Duyên giác quán mười hai nhân duyên đạo lý đến chỗ cứu cánh, giác ngộ:
Vô minh diệt thì hành diệt -> Hành diệt thì thức diệt -> Thức diệt thì danh sắc diệt -> Danh sắc diệt thì lục nhập diệt -> Lục nhập diệt thì xúc diệt -> Xúc diệt thì thọ diệt -> Thọ diệt thì ái diệt -> Ái diệt thì thủ diệt -> Thủ diệt thì hữu diệt -> Hữu diệt thì sinh diệt -> Sinh diệt thì lão tử diệt.
Đây là cửa hoàn diệt.
(4). Pháp giới của Thanh văn: Thanh văn tu khổ, tập, diệt, đạo, bốn đế mà ngộ đạo. Khổ có ba thứ khổ, tám thứ khổ, vô lượng thứ khổ. Ba thứ khổ là: Khổ khổ, hoại khổ, hành khổ.
Khổ khổ là cái khổ đời thường, bị ngã thì đau, nghèo đói thì khổ, trời lạnh mà không có áo ấm, không nhà cửa là khổ,…. Hoại khổ là mọi thứ đều sẽ lụi tàn, hoại đi. Hành khổ là sự vận hành thế gian vô thường.
Tám thứ khổ là: Sinh, già, bệnh, chết, khổ về ái biệt ly, khổ về oán tắng hội, khổ về cầu bất đắc, khổ về năm ấm không hoà hợp. Ngoài ra còn có vô lượng thứ khổ.
Thanh văn tu pháp Bốn đế là biết khổ, biết nguyên nhân khổ, biết diệt khổ, biết tu đạo làm người thiện.
(5). Pháp giới của trời: Trong 6 pháp giới của phàm phu, thì trời là cao nhất, người không hiểu Phật pháp thì lầm rằng, sinh về trời là cảnh giới khoái lạc nhất, nhưng cõi trời vẫn chưa thể vượt ra khỏi sáu nẻo luân hồi.
(6). Pháp giới A tu la: A tu la là tiếng Phạn, dịch là "vô đoan chính", còn gọi là "vô tửu", nam A tu la thì xấu xí, còn nữ A tu la thì xinh đẹp. Phàm là A tu la đều thích đấu tranh. Trời, người, A tu la gọi là ba đường lành. Súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục, là ba đường ác.
(7). Pháp giới của loài người: Trong loài người có những tầng lớp khác nhau, trên có người lắm của quyền uy, dưới đến dân nghèo ăn mày, phân ra sự giàu sang, nghèo cùng, tốt xấu, đều là nhân quả luân hồi chiêu cảm. Do đó, nhân thế nào thì quả thế ấy, nhân quả báo ứng tơ hào chẳng sai.
(8). Pháp giới súc sinh: Vì ngu si, cho nên bị người chi phối.
(9). Pháp giới ngạ quỷ: Tâm sân quá nặng, thích nóng giận.
(10). Pháp giới địa ngục: Vì tâm tham, tham mà chẳng biết đủ.
Mười pháp giới chẳng lìa một tâm niệm. Nếu thường sinh tham, sân, si, thì sẽ đọa vào ba đường ác. Nếu tu Tứ diệu đế thì chuyển sinh Thanh văn. Tu mười hai pháp nhân duyên thì chuyển sinh Duyên giác. Phát bồ đề tâm tu sáu độ vạn hạnh, thì tương lai sẽ thành Phật.
Còn nữa...
Cư sĩ Phúc Quang tóm lược
Tài liệu tham khảo
1. Kinh Diệu pháp Liên Hoa, Hán dịch: Ngài Cưu Ma La Thập, Việt dịch: HT. Thích Trí Tịnh, NXB Tôn giáo, 2021.
2. Kinh Diệu pháp Liên Hoa giảng giải (Tập 3), Hán dịch: Ngài Cưu Ma La Thập, Hoà thượng Tuyên Hoá giảng giải, Việt dịch: Tỳ kheo Thích Minh Định, NXB Pagode Kim Quang.
Bình luận (0)