Kiến trúc Phật giáo truyền thống Việt Nam còn lại không nhiều và cũng không phải là những công trình tiêu biểu nhất. Trong lịch sử, tinh hoa của kiến trúc cổ truyền thống Việt Nam bị chôn vùi sau vài lần hủy hoại văn hóa Đại Việt của Trung Quốc và quy luật thời gian.
ThS. KTS. Nguyễn Minh Quang Giám đốc Công ty cổ phần văn hóa truyền thống Kim Liên Tham luận Hội thảo khoa học: Kiến trúc Phật giáo Việt Nam – thống nhất trong đa dạng, ngày 15/4/2023 tại hội trường Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội)
1. Dẫn nhập
Cách đây trên 2000 năm, Phật giáo đã du nhập vào Việt Nam bằng nhiều hình thức, qua nhiều hệ phái, tông phái và đã ăn sâu – bén rễ trong đời sống văn hóa xã hội. Sau khi tiếp nhận, Phật giáo hình thành các cơ sở vật chất như hệ thống chùa, tháp, tự viện….. Ngôi chùa vừa là trung tâm tôn giáo, tâm linh – tín ngưỡng, vừa là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, tùy từng vùng miền, hệ phái, đối tượng thờ phụng khác nhau dẫn đến bố cục mặt bằng các công trình thờ tự chính cũng như tổng mặt bằng cũng có sự đa dạng và phụ thuộc vào từng công năng sử dụng của từng hạng mục công trình. Qua sự thăng trầm của lịch sử, biến thiên của thời cuộc, kiến trúc chùa cũng như Phật điện đã có những sự thay đổi. Tùy theo sự phát triển văn hóa, kinh tế ,xã hội, kết hợp với địa hình, khí hậu vùng miền mà kiến trúc các ngôi chùa có sự biến đổi khác nhau. Do nhiều thiện duyên, Phật giáo Việt Nam đang được phát triển mạnh mẽ trở lại. Các nghi lễ Phật giáo không chỉ bó hẹp trong cộng đồng tu sỹ, Phật tử thiện tín mà đã lan rộng đến mọi tầng lớp nhân dân. Việc tu bổ và xây dựng mở rộng quy mô chùa trở nên cấp thiết, nhằm đáp ứng cho việc tu tập cũng như nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Ngôi chùa giờ đây không còn là điểm tín ngưỡng – tâm linh thuần túy mà còn là địa điểm du lịch lý tưởng; là điểm nhấn cho du khách trong và ngoài nước đến chiêm bái và thưởng ngoạn những nét đặc trưng, tinh túy của kiến trúc truyền thống của dân tộc và Phật giáo Việt Nam.
Để có thể nhận thấy sự chuyển hóa rõ rệt trong việc thiết kế, tu bổ và tôn tạo các ngôi chùa ở đồng bằng Bắc Bộ, chúng ta nên lược qua những ưu điểm, hạn chế và xu hướng của việc xây dựng tu bổ và tôn tạo hiện nay, hướng tới cái nhìn toàn cảnh, đề xuất các giải pháp, kiến nghị phù hợp với xu thế chung hiện nay, đáp ứng nhu cầu thực tại và tương lai.
2. Những ưu điểm của kiến trúc Phật giáo đồng bằng Bắc Bộ
Với từng giai đoạn lịch sử khác nhau, với mỗi khu vực, vùng miền thì ngôi chùa lại có những sắc thái riêng, hình thức kiến trúc và thẩm mỹ khác nhau, cùng với đó là cách bài trí và các nghi lễ thờ cúng khác nhau, góp phần tạo nên đa sắc thái, đa dạng và độc đáo cho kiến trúc Phật giáo đồng bằng Bắc Bộ.
Một ngôi chùa thuần Việt bao giờ cũng là một quần thể kiến trúc, bao gồm các hạng mục công trình khác nhau với nhiều tổ hợp, giải pháp bố cục khác nhau. Tổ hợp không gian chùa bao giờ cũng luôn tuân theo nguyên tắc khép kín mang tính hệ thống, luôn có xu hướng gần dân nhưng vẫn tạo sự cách biệt để thuận tiện cho việc sinh hoạt tu tập của tăng – ni cũng như nhu cầu lễ bái của nhân dân địa phương. Ngoài một số chùa được dựng tại những điểm thắng cảnh tự nhiên, thì còn lại hầu như đều gắn liền với làng xóm, là trung tâm văn hóa của làng, mang đậm nét tư duy nông nghiệp.
2.1. Sự đa dạng trong kiến trúc Phật giáo đồng bằng Bắc Bộ
Đa phần chùa Việt chủ yếu thờ Phật kết hợp thờ các vị tổ sư, thờ mẫu. Song một số chùa kết hợp cả vừa thờ Phật vừa thờ Thánh với khu thờ Thánh ở phía sau theo lối tiền Phật – hậu Thánh như chùa Thầy (Hà Nội), chùa Keo (Thái Bình); kết hợp thờ Phật – thờ thần (mây, mưa, sấm, chớp) với khu thờ Thần ở phía trước theo lối tiền Thần – hậu Phật như chùa Dâu (Bắc Ninh), chùa Đậu (Hà Nội); đặc biệt còn có chùa phối hợp thờ Tam giáo (Phật – Lão – Khổng) như chùa Bổ Đà (Bắc Giang).
Tùy theo các bố trí thờ tự của các ngôi chùa mà tạo thành những dạng mặt bằng tổng thể khác nhau. Kiến trúc chùa xưa không có xu hướng vươn theo chiều cao mà dàn trải theo mặt bằng với nhiều gian, nhiều đơn nguyên. Các ngôi chùa bao giờ cũng được dựng ở những mảnh đất thu được khí thiêng của trời đất, hội tụ đủ các yếu tố phong thủy, có dòng chảy hoặc ao hồ trước mặt; được đặt trên các thế đất cao, mặt bằng sử dụng được tôn cao hơn so với mặt sân, mặt trước thường quay theo hướng Nam. Về cơ bản, các ngôi chùa Việt ở đồng bằng Bắc Bộ có những dạng mặt bằng được đặt theo các chữ Hán có dạng gần với bình diện kiến trúc chùa, cụ thể như sau:
- Kiểu chùa chữ Đinh (丁): có chính điện hay thượng điện (nơi đặt bàn thờ Phật) nối thẳng góc với nhà bái đường (hoặc tiền đường) ở phía trước. Một số chùa tiêu biểu cho kiểu kiến trúc này như chùa Bộc, chùa Trăm Gian (Hà Nội), Bích Động (Ninh Bình), Dư Hàng (Hải Phòng), Bổ Đà (Bắc Giang),….
- Kiểu chùa chữ Công (工): phổ biến hơn với nhà chính điện và nhà bái đường song song nhau, được nối với nhau bằng tòa thiêu hương, tiêu biểu như chùa Keo (Thái Bình), chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang),...
- Kiểu chùa chữ Tam (三): là kiểu chùa có 3 nếp nhà song song với nhau, thường được gọi là chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng, tiêu biểu như chùa Tây Phương, chùa Kim Liên (Hà Nội),…
- Kiểu chùa Nội công ngoại quốc: đây là dạng khá phổ biến đối với kiến trúc Phật giáo đồng bằng Bắc Bộ, có hai hành lang dài nối liền nhà tiền đường (bái đường) ở phía trước với nhà hậu đường (nhà tổ, nhà tăng) ở phía sau làm thành một khung hình chữ nhật bao quanh lấy nhà thiêu hương, nhà thượng điện hay các công trình kiến trúc khác ở giữa. Bố cục mặt bằng chùa có dạng phía trong hình chữ Công (工), còn phía ngoài có khung bao quanh hình chữ Khẩu (口) hay như ở chữ Quốc (國); điển hình như là chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), chùa Thầy, chùa Bối Khê (Hà Nội),…
2.2. Những nét đặc trưng của kiến trúc cổ truyền thống
Kiến trúc Phật giáo truyền thống Việt Nam còn lại không nhiều và cũng không phải là những công trình tiêu biểu nhất. Trong lịch sử, tinh hoa của kiến trúc cổ truyền thống Việt Nam bị chôn vùi sau vài lần hủy hoại văn hóa Đại Việt của Trung Quốc và quy luật thời gian. Đa số các công trình còn hiện hữu thuộc về thời Lê Trung Hưng và thời Nguyễn. Người ta hiện biết ít về kiến trúc thời đại Lý – Trần, được coi là thời kỳ văn minh nhất của các triều đại phong kiến Đại Việt. May chăng còn xót lại qua các nền đất của chùa Phật Tích, chùa Dâu,… Tuy vậy với những gì còn lại cũng để chúng ta biết được cách thức xây dựng trong dân gian và những quy định trong cấu tạo kiến trúc thời xưa, được gọi là “Kiến trúc cổ Việt Nam”. Cũng giống như các nền phong kiến châu Á khác như Trung Quốc, Nhật, Hàn,… thì gỗ vẫn là vật liệu chủ đạo và cơ bản, tạo đặc trưng riêng cho nền kiến trúc của mình, khác xa với kiến trúc gạch đá của các nền văn minh khác. Có ba nét đặc trưng riêng của nền Kiến trúc cổ Việt Nam, đó là: 1. Dốc mái thẳng; 2. Dùng bẩy, kẻ đỡ mái hiên; 3. Cột to, mập và có phình ở phần giữa thân dưới.
Ngoài ra, kiến trúc cổ truyền thống Việt Nam còn thể hiện ở những đặc trưng sau: 1. Tính chỉnh thể toàn vẹn và thống nhất; 2. Sự hài hòa giữa các yếu tố âm – dương; 3. Tính đăng đối; 4. Sự cân bằng ổn định và linh hoạt; 5. Tính tầm thước và giản dị; 6. Sự hòa hợp với thiên nhiên.
Cùng với đó là sự đa dạng về các loại hình kết cấu hệ khung chịu lực với các kiểu thức: vì giá chiêng, vì chồng rường, vì kèo, vì ván mê,… sự đa dạng và các loại hình điêu khắc, trang trí, bài trí tượng thờ; là nơi tập trung tinh hoa nghệ thuật của dân tộc; thể hiện những đường nét khéo léo tạo hình của các nghệ nhân, là sự thống nhất trong việc sử dụng vật liệu xây dựng với vật liệu chủ yếu là gỗ kết hợp với gạch, ngói nung, đá hộc,… là màu sắc trang trí với những gam màu trầm, đơn sắc.
3. Những hạn chế và khó khăn trong việc gìn giữ và phát huy kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện nay
Trong quá trình tồn tại và phát triển, Phật giáo Việt Nam đã để lại khối di sản đồ sộ, đặc biệt là di sản trong kiến trúc. Đây chính là cơ sở cho việc tu bổ, phục hồi và tôn tạo các di tích; góp phần gìn giữ, phát triển văn hóa Phật giáo Việt Nam, đồng thời là những giá trị cốt lõi để phát triển, mở rộng và ứng dụng vào các công trình tôn tạo mới.
3.1. Những hạn chế
Trong bối cảnh hiện đại hóa, công nghiệp hóa và nhất là việc đô thị hóa, xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hầu hết các ngôi chùa đã và đang thay đổi về kiến trúc, công năng các hạng mục công trình trong quá trình tu bổ, tôn tạo; nhất là các chùa chưa được xếp hạng di tích cấp tỉnh hoặc cấp quốc gia. Trong quá trình hội nhập, bản thân các Tăng, ni đã đi đào tạo, du học nhiều nơi trên thế giới, mang những tinh hoa của Phật giáo các nước về Việt Nam, nhưng không chắt lọc và đã kiến tạo những công trình mới chưa phù hợp với văn hóa bản địa, làm méo mó các di tích, các cơ sở thờ tự Phật giáo.
Người thợ xưa kiến tạo nên các công trình luôn có thái độ ứng xử với các vật liệu một cách chân thực. Người thợ ngày nay xây dựng nên công trình với đầy đủ chất liệu, màu sắc, các kỹ thuật và kiểu cách, lại thêm vô số các nhân tố giả: giả đá, giả gỗ, giả trụ, giả cột, giả mái,… rồi đến những vay mượn, chắp vá của các hình thức kiến trúc khác khiến cho các công trình kiến trúc bị bội thực, thiếu thống nhất trong kiến trúc tổng thể.
Có thể rõ ràng nhận thấy việc xây dựng và sử dụng các ngôi chùa hiện nay khác xa so với ngày xưa. Các ngôi chùa hiện nay đa phần đều được tu bổ, tôn tạo bằng nguồn vốn xã hội hóa, làm loãng giá trị truyền thống nhie kiến trúc tổng thể, chi tiết trang trí hay việc tiếp nhận, bài trí hiện vật không phù hợp với không gian di tích, đối tượng thờ tự.
Ngoài các ngôi tự viện, đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia, những ngôi đại danh lam vẫn còn giữ được những nét truyền thống xưa, cả trong bố cục tổng thể không gian và bài trí thờ tự thì đại đa số các ngôi chùa còn lại, nhất là các ngôi chùa chưa được xếp hạng đã mai một nhiều. Việc cải tạo tu bổ chắp vá, không tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của tu bổ di tích, xây dựng một số hạng mới đã chen lấn các hạng mục cũ; còn to cao, bề thế hơn cả các hạng mục cũ, hơn cả ngôi Phật điện khiến cho tổng thể công trình trở nên lộn xộn, thiếu tính tổng thể và thống nhất. Những thiền viện đang được xây dựng mới một cách ồ ạt tại nhiều nơi, không tôn trọng ngôn ngữ kiến trúc vùng miền; các chi tiết, thiết kế khá vụn vặt, thô kệch; thể hiện sự phô trương, vụng về trong tạo hình, gia công trang trí. Giá trị nghệ thuật, kiến trúc, điêu khắc đều rất hạn chế. Các công trình Phật giáo mới này có hiện tượng sa đà vào nghĩa hình thức, chạy theo các kỷ lục phù phiếm, sao chép vốn cổ hoặc giả cổ, trang trí lòe loẹt khoa trương xem nhẹ nội dung bố cục bên trong. Các công trình này được sao chép mẫu mã với các hình thức na ná giống nhau, từ việc tô son đắp vẽ đến việc sử dụng các loạt vật liệu mới không phù hợp như gạch men bóng lộn, hệ thống đèn điện nhấp nháy, đủ màu sắc. Thêm vào đó là việc xây dựng các chùa hiện nay chưa phù hợp, không tuân thủ quy định của Pháp luật về đất đai và xây dựng công trình. Hiện tượng xây dựng không phép, không có hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, hoặc có thì sai lệch với hồ sơ xin phép, nhà thầu thi công không có tư cách pháp nhân, không có đơn vị giám sát thi công,… là khá phổ biến.
3.2. Xu hướng xây dựng mới hiện nay
Chùa “to”, đó là nhu cầu khách quan của sự phát triển Phật giáo Việt Nam. Chùa to không phải là để thỏa mãn tâm lý xây dựng chùa chiền, chạy theo kỷ lục, mà để tạo không gian đủ lớn để đón nhận Phật tử trong các sự kiện, các khóa tu, để mở những lớp học giáo lý có đông người tham gia, cũng là tăng thêm không gian hành lễ, đón nhận tăng ni, Phật tử cư trú. Chùa to ở đây không nên chỉ hiểu mỗi Phật điện to, mà các hạng mục khác như: nhà tăng, nhà tổ, giảng đường, lớp học, nhà ăn, nhà bếp… đều to, như vậy mới đón nhận được số lớn tăng ni và tín đồ Phật giáo. Có chùa to, chùa lớn thì mới có cơ hội tổ chức những khóa tu có hàng nghìn, hàng vạn người tham gia, tổ chức các hội thảo về Phật pháp, tổ chức các Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc,….
3.2.1. Xu hướng “hồi cố giả cổ”
Xu hướng nhại cổ, giả cổ này khó rõ và khá phổ biến ở khắp các vùng miền, không riêng gì vùng đồng bằng Bắc Bộ. Xu hướng này là chưa có nghiên cứu cụ thể đã sao chép y nguyên hoặc sai lệch kiến trúc cổ, chi tiết kiến trúc một cách không chọn lọc, hoặc gắn ghép lai tạp các loại hình kiến trúc cổ. Đặc trưng của xu hướng này là phù hợp với tính chất công trình, phù hợp với trình độ phát triển của khoa học công nghệ, xu hướng phát triển của công nghệ xây dựng, vật liệu xây dựng hiện nay và công năng được chú trọng, phù hợp với nhu cầu sử dụng.
Nhưng nếu nhìn nhận ở khía cạnh tích cực, thì kiến trúc dạng này thể hiện ở sự đáp ứng các yêu cầu sử dụng, ở các bố cục không gian mạch lạc, khai thác các không gian kiến trúc truyền thống, sử dụng những giải pháp kiến trúc thích ứng với điều kiện khí hậu nhiệt đới, những kết cấu mái – kết cấu che nắng, chịu lực công trình, là sự vận dụng hợp lý các loại vật liệu mới. Về mặt hình thức là khai khác nghiêm túc một cách có ý thức những nét đẹp của kiến trúc cổ được thể hiện bằng những đường nét mới. Trong xu hướng này việc khai thác ở mức độ hợp lý những thủ pháp tạo hình, trang trí của kiến trúc cổ trong khi vẫn đạt được hiệu quả về tính hiện đại trong thủ pháp. Việc khai thác này đem lại hiệu quả tích cực, hình thức kiến trúc đã được đơn giản hóa, mang hơi thở của cuộc sống hiện đại với những hình thức sáng tạo, tạo nên sự hài hòa với tính chất sử dụng của công trình và không gian cảnh quan xung quanh.
3.2.2. Xu hướng chùa cao tầng
Xu hướng xây dựng chùa cao tầng phụ thuộc nhiều vào sự tác động của việc đô thị hóa, khiến cho các không gian của các chùa cũ – di tích trở nên chật chội, bị thu hẹp lại, nhất là các ngôi chùa trong phố, tại các đô thị lớn. Trong khi nhu cầu sử dụng lại tăng cao, dẫn đến các không gian, khoảng cách các hạng mục công trình bị bó hẹp lại, mất tính cân bằng và đăng đối, mật độ xây dựng quá dày đặc. Các sự kiện của chùa ngày một nhiều, số lượng người tham dự ngày một đông, không gian sử dụng mặt bằng ngày càng phải rộng, phải nhiều, phải cao để đáp ứng sức chứa. Do đó, tính tỷ lệ của công trình mất đi, các nét đặc trưng của kiến trúc truyền thống bị phá vỡ; vật liệu xây dựng chuyển hóa từ các vật liệu có nguồn gốc tự nhiên sang các loại vật liệu nhân tạo, hoa văn – vật liệu trang trí nhiều lúc không phù hợp cả về ý nghĩa, mẫu mã, màu sắc, vay mượn các hình thức kiến trúc ngoại lai,... Khi không gian bị bó hẹp, mật độ xây dựng tăng cao, dẫn đến cảnh quan xung quanh bị hạn chế khá nhiều, thậm chí là không còn. Có khá nhiều ngôi chùa trong nội thị được xây dựng với mật độ gần như không còn khoảng cây xanh nào, chồng nhiều tầng, phòng ốc bố trí dầy đặc với hành lang giữa, thậm trí còn có cả 1 -2 tầng hầm, sử dụng thang máy là chủ yếu; khiến cho cảm giác như bước vào một tòa cao ốc vậy.
Khi mặt bằng sử dụng được mở rộng đồng nghĩa với việc công trình phải cao hơn, nhiều tầng hơn để đáp ứng cho nhu cầu sử dụng và sức chứa lớn. Các không gian phía dưới được dành cho các chức năng sử dụng thông thường, không gian thờ tự chính như tam bảo – chính điện được đưa lên phía trên cùng, thu hẹp diện tích so với các tầng phía dưới, hệ thống tượng pháp cũng thay đổi theo, chuyển dần sang hình thức đơn tượng hoặc tam tượng, với tượng cao to và bế thế, phù hợp hơn với quy mô của công trình.
3.2.3. Xu hướng vươn cao – mở rộng
Song hành cùng với xu hướng xây dựng chùa cao tầng là xu hướng vươn cao – mở rộng. Có nhiều ngôi chùa khi được tôn tạo, mặc dù không gian đất xung quanh rất hạn chế, nhưng muốn mở rộng tối đa để đáp ứng các nhu cầu sử dụng nên có xu hướng chồng tầng. Các hạng mục được chồng tầng lên nhau, và co cụm lại, liên hoàn với nhau. Điển hình cơ cấu mặt bằng của xu hướng này là : tầng 1 (hoặc tầng bán hầm) được sử dụng làm không gian đa năng, có thể dùng cho nhiều mục đích, tầng 2 bố trí thành các không gian giảng đường – thiền đường – tổ đường,… lên đến tầng 3 mới là không gian chính điện; khu vực nhà tăng, và các phòng chức năng khác được bố trí ở hai bên hoặc phía sau. Với xu hướng này thì chỉ cần xây dựng một hạng mục công trình là có thể đáp ứng được tương đối các nhu cầu sử dụng của chùa. Do sự phát triển của công nghệ xây dựng, các không gian xây dựng của từng tầng được mở rộng, không còn sự bó hẹp của khoảng cách lưới cột như công nghệ xây dựng truyền thống khiến cho không gian trở nên rộng rãi hơn, đáp ứng được nhu cầu sử dụng nhiều hơn – đa năng hơn. Khi không gian xử dụng được mở rộng, chiều cao công trình được đẩy cao, do đó hầu hết các ngôi chùa dạng này đều thờ tự theo dạng mới tam tượng với một số một số dạng: tam thế, nhất phật nhị bồ tát, Tây phương tam thánh,… Hình thức kiến trúc của các ngôi chùa dạng này đều cách tân, cải tiến những nét đẹp của kiến trúc cổ bằng những đường nét mới, đơn giản hóa. Hình thức này phù hợp với nhu cầu sử dụng, thuận tiện trong quá trình sử dụng, mang hơi thở thời đại nhưng vẫn có nét truyền thống. Đây có thể là dạng xu hướng mới cần được phát huy trong công cuộc tu bổ - tôn tạo các ngôi chùa trong nội thị tại các thành phố lớn.
3.2.4. Xu hướng “công viên hóa” di tích
Không gian sống của người Việt nói chung và không gian chùa Việt nói riêng mang nét dân dã, mộc mạc, thôn quê, gần gũi với thiên nhiên. Vị trí xây dựng chùa cũng được ưu tiên đặc biệt, gần các bờ sông, ven suối,... mặt tiền là sông suối, mặt hậu sau lưng thì tựa núi. Với lối kiến trúc nào thì mô hình sân vườn như hòa quyện cho nhau làm nổi bật cảnh quan nhà Phật, thể hiện tinh thần lạc quan, yêu thiên nhiên, biết đủ và khiêm tốn trong tổng thể kiến trúc có nét đẹp hài hòa và điềm tĩnh, nhẹ nhàng mà thoát tục.
Mục đích đi chùa của các tầng lớp người dân giờ đã khác, đi kèm với thời đại không gian số, cách mạng công nghệ, bùng nổ mạng xã hội như hiện nay là trào lưu chụp ảnh “check in”, bám “trend”,… Mục đích lễ Phật cầu bình an lại là phụ, còn đến là để chụp ảnh, quay video trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội thì là chính. Cứ mỗi khi vào các dịp lễ tết, để thu hút thập phương tham bái, một số các ngôi chùa tổ chức bố trí cảnh quan sân vườn rộng rãi, dầy đặc các chi tiết trang trí, các tiểu cảnh nhưng không hề phù hợp với không gian chùa chiền, mà như là một khu vui chơi giải trí, với đa phần là các yếu tố nhân tạo, tràn ngập cây giả, trang trí màu sắc, ánh sáng lòe loẹt gây bắt mắt người xem. Các chòi, điểm tiểu cảnh, tượng, vật trang trí,… được bố trí dày đặc, mục đích để phục vụ được nhiều người nhất có thể, khiến cho không gian sân vườn nơi đây trở nên chật chội, nhộn nhịp và huyên náo, mất đi tính trầm mặc linh thiêng vốn có của ngôi chùa.
Cũng có những ngôi chùa vay mượn các yếu tố tạo hình sân vườn của các nước trên thế giới, điển hình là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan,… khiến cho không gian cảnh quan nơi đây dù có đẹp đến mấy cũng trở nên xấu xí, méo mó và biến dạng. Sự kết hợp của công trình kiến trúc truyền thống Việt Nam với cảnh quan sân vườn của ngoại quốc,… trở nên kệch cỡm, dị dạng; hoàn toàn không phù hợp với truyền thống văn hóa, cảm quan thẩm mỹ của người Việt. Hầu hết các tượng, vật trang trí đều được sao chép vụng về từ nước ngoài hay tạo ra các sản phẩm “kém duyên”, thậm trí còn phản cảm. Có thể thấy, những tiểu cảnh trang trí đa số là tự phát, do tăng ni quản lý chùa hay ban quản lý chùa thích mô hình nào thì làm mô hình đó để tạo sự tò mò cho du khách đến thăm quan. Đây không chỉ là sự xấu xí, chưa thẩm mỹ mà còn là sự cảnh báo về sự tùy tiện trong thẩm mỹ cũng như trong quản lý xây dựng và sử dụng di tích.
Không những thế, giới trẻ ngày nay còn mặc quốc phục của các nước khách chụp tại các điểm tâm linh thuần Việt cũng khiến nhiều người e ngại mất đi bản sắc văn hóa Việt. Có không ít người bày tỏ ngao ngán: “Khách đến chùa ngoài lễ Phật còn là đi du lịch - thích sống ảo; nhưng người làm du lịch thì lại thiếu sáng tạo. Họ chỉ đơn giản là đi cóp nhặt mỗi nơi một tí về ghép thành một mớ hỗn độn, để rồi văn hóa bản địa bị nhạt nhòa, méo mó, dị hợm bởi những thứ ngoại lai. Riết chẳng biết đang ở Việt Nam hay ở một phương trời xa lạ nào?
3.2.5. Xu hướng du lịch tâm linh
Những năm gần đây, có một khái niệm mới trong nền kinh tế thị trường Việt nam nói chung và nghành du lịch nói riêng ra đời; đó là: du lịch tâm linh. Đây là loại hình vừa đáp ứng được nhu cầu thờ tự - tin ngưỡng lại vừa giúp người dân có cơ hội đi tham quan, ngắm cảnh. Khác với các khu đền – chùa, di tích truyền thống, đặc điểm chung của các quần thể này là quy mô lớn, gây ấn tượng mạnh bỏi các thiết kế công phu và bề thế - hoành tráng, với vô vàn các kỷ lục nối tiếp kỷ lục được ra đời. Các ngôi chùa này thường chiếm lĩnh những vị trí đắc địa, diện tích trải rộng cả trăm, cả nghìn hecta, kiến trúc công trình thật to – thật cao để có thể nhìn thấy các nơi và các nơi cũng có thể nhìn thấy. Nó khác xa với tính chất một ngôi chùa truyền thống trong văn hóa của người Việt, không phù hợp với hệ thống chùa chiền miếu mạo của vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Với quỹ đất rộng rãi, các doanh nghiệp đầu tư vào loại hình du lịch tâm linh hoàn toàn có đủ điều kiện để phát triển các loại hình dịch vụ đi kèm, từ ăn uống nghỉ ngơi đến thư giãn, giải trí. Một ngôi chùa to có thể là điểm kích cầu du lịch của cả một vùng, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm, hàng ngàn người; người dân tại các điểm heo hút mà trước đây chẳng mấy ai quan tâm có thể không cần nhiều kỹ năng, không cần học nghề như chạy xe ôm, bán hàng nước, bán hàng rong,… lại có việc làm suốt đời.
Một yếu tố nữa là là bản thân nghành du lịch cũng đang tập trung vào mảng đền – chùa, tâm linh, du khách đến đây thường không cầu ngắm cảnh mà là để thắp hương cúng bái. Như một lẽ tất nhiên, dù khung cảnh chẳng có gì mới lạ, nhưng họ vẫn sẽ đến và sẵn sàng chi tiền cho “niềm tin” của họ.
3.2.6. Xu hướng “ngoại quốc”
Nên nhìn nhận một cách khách quan rằng, một ngôi chùa được trụ trì bởi một người Việt Nam, được xây dựng trên đất nước Việt Nam, bởi sự đóng góp của người dân Việt Nam, phục vụ cho chính các Phật tử người Việt nhưng hoàn toàn lạ lẫm với văn hóa Việt. Chúng ta xây dựng bằng tiền của chúng ta, phục vụ cho chúng ta nhưng lại cổ súy cho văn hóa của một nước khác, điều này thật không nên.
Trong quá trình hội nhập, bản thân các tăng ni cũng đã đi đào tạo, du học nhiều nơi trên thế giới, mang những tinh hoa của Phật giáo các nước về Việt Nam, nhưng không chắt lọc, kiến tạo nên những công trình mới không phù hợp với văn hóa bản địa. Một ngôi chùa có hàng trăm năm tuổi, bỗng dưng được kiến tạo theo một hình thức mới, mang màu sắc của kiến trúc nước ngoài, hoàn toàn lạ lẫm văn hóa bản địa. Ngôi chùa là văn hóa dân tộc, do đó phải làm đúng truyền thống, như vậy mới giữ được phần hồn của dân tộc. Thực tế là những công trình đó đang làm mờ nhạt đi tính đặc thù của văn hóa truyền thống, xóa đi những nét đặc trưng văn hóa và làm giảm đi sức hấp dẫn mà mọi du khác có nhu cầu tiếp cận văn hóa hằng mong đợi.
Nhiều người cho rằng xu hướng này dần dần khiến cho người Việt mất đi bản sắc dân tộc vốn có. Tại sao cần du nhập văn hóa nước ngoài về? Nhìn vào không gian các ngôi chùa đó, người xem sẽ liên tưởng đến Nhật Bản, Myanma, Thái Lan, Campuchia, Tây Tạng,… chứ đâu liên tưởng đến một địa điểm tại Việt Nam, vậy thì đang quảng bá cho nền văn hóa của nước nào?
Sao bao nhiêu năm, việc trưng bày, sản xuất, cúng tiến các linh vật ngoại lai tại các đền chùa, di tích lịch sử tại khu vực đồng bằng Bắc Bộ đã được đẩy lui, dã được mọi người nhìn nhận lại một cách cẩn trọng, nghiêm túc và khoa học. Thế nhưng việc tồn tại một ngôi chùa mang phong cách Nhật Bản, Myanma, Tây Tạng,…. trên mảnh đất đồng bằng Bắc Bộ, thậm trí là ngay giữa thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến; đó có thể coi là một cuộc “xâm lăng văn hóa” không?. Trào lưu xây dựng các công trình kiến trúc tâm linh sao chép mẫu hình của nước ngoài,… đáng lo ngại hơn là cả sự phá vỡ cảnh quan, hủy hoại các di sản văn hóa truyền thống, sử dụng tùy tiện các sản phẩm biểu tượng xa lạ với văn hóa người Việt, tạo nên hình ảnh văn hóa Việt Nam méo mó sai lệch. Bản sắc văn hóa Việt Nam có nguy cơ bị mờ nhạt, hòa tan vào dòng chảy hội nhập. Ngôi chùa không chỉ giữ vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh người Việt mà còn góp phần tôn vinh bản sắc văn hóa, phong cách nghệ thuật đặc trưng của dân tộc qua từng thời kỳ. Để văn hóa Việt phai mờ, mất dấu trong chính “cái nôi” của của mình là trách nhiệm của các ban, ngành liên quan và của cộng đồng sở hữu di tích.
4. Kiến trúc Phật giáo nên hướng tới thống nhất trong đa dạng
Kiến trúc Phật giáo ngày nay đặt nặng vấn đề sử dụng, thiên về công năng, với kết cấu chùa hầu hết bằng bê tông cốt thép. Chúng ta không thể đòi hỏi mỗi ngôi chùa phải là công trình văn hóa để đời, phải xây dựng bằng gỗ với những chi tiết trang trí điêu khắc hoa văn họa tiết dầy đặc. Không thể và cũng không nên xây chùa với vật liệu và phương thức thi công như mấy trăm năm về trước. Cùng với việc phát triển mạnh mẽ về kinh tế, văn hóa, xã hội trong đó không thể không đề cập tới các vấn đề công năng, kiến trúc, thẩm mỹ trong đa dạng phong cách theo từng hệ phái, tông phái; văn hóa - xã hội biến động dẫn đến những thay đổi nhất định trong bộ mặt kiến trúc. Hiện tượng phát triển quá nhanh làm nên phong phú, đa dạng hơn nhưng cũng lại tạo ra sự lộn xộn, thiếu thống nhất và kiểm soát về phong cách kiến trúc tổng thể. Những ngôi chùa mới xây dựng từ những năm 2000 trở lại đây đều có kích thước to lớn, tọa lạc trên những diện tích rộng, nhưng lại có giá trị nghệ thuật kiến trúc - điêu khắc rất hạn chế. Việc vận dụng một cách máy móc, thiếu sáng tạo nhằm tạo ra một công trình đáp ứng yếu tố công năng và đạt được cái đẹp trong mắt các nhà đầu tư vô tình hạn chế khả năng sáng tạo, bóp nghẹt tư duy của các kiến trúc sư thiết kế. Bên cạnh một số ít công trình đạt được những giá trị thẩm mỹ nhất định thì còn lại đa số công trình mắc lỗi trong thiết kế, xây dựng và thẩm mỹ. Bên cạnh những người làm nghề, thì các nhà quản lý cũng chưa đưa ra được các định hướng cụ thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự lai căng, những lệch lạc, vay mượn, chắp vá thiếu thống nhất trong kiến trúc tổng thể cũng như bài trí tượng pháp, đồ thờ, pháp khí như hiện nay.
4.1. Đề xuất xây dựng bộ nguyên tắc – tiêu chí chung
Đối với Phật giáo Việt Nam khu vực đồng bằng Bắc Bộ thì phần lớn đều theo hệ phái Bắc tông, nhưng với sự đa dạng về tạo hình, kết hợp với các yếu tố thẩm mỹ, không gian, địa hình,... cũng không thể đưa ra được một mô hình thiết kế chung để áp dụng phổ biến. Ngay cả các chùa xây mới cũng không nên nhất nhất tuân theo thiết kế điển hình bởi điều đó hạn chế sự sáng tạo, nhưng phải kìm nén để không tạo nên sự khác biệt – dị biệt mà phải kế thừa truyền thống, tạo sự hài hòa với không gian cảnh quan, phù hợp với nhu cầu sử dụng, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng cư dân. Vậy nên việc cần phải làm là xây dựng và đưa ra bộ nguyên tắc – tiêu chí chung, mang tính định hướng để các công trình được tu bổ, tôn tạo hay xây mới đều đúng với tinh thần Phật giáo, tạo nên cái “vỏ” thực sự phù hợp với phần “hồn”; góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, nâng cao vai trò của văn hóa Phật giáo trong công cuộc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo nền tảng vững chắc cho Phật giáo Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển, hòa chung với tiếng nói với Phật giáo quốc tế.
Đưa ra bộ nguyên tắc - tiêu chí xây dựng chung là để tạo dòng chủ đạo, phù hợp với từng vùng miền, địa phương hay từng hệ phái. Bộ nguyên tắc hay tiêu chí này có thể trở thành văn bản quy phạm để có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Từ đó xây dựng nên những mẫu kiến trúc đặc trưng cho các hệ phái và theo đặc trưng của các vùng, miền. Cụ thể là:
1. Xác định rõ nhu cầu, quá trình hình thành và phát triển của ngôi chùa, nghiên cứu và phân tích đầy đủ các yếu tố địa hình, không gian, cảnh quan,… cũng như quy mô hiện hữu của ngôi chùa để xác định tầm vóc của ngôi chùa đó;
2. Xác định, phân loại quy mô của từng ngôi chùa, xây dựng các mục tiêu tôn tạo, tu bổ, xây mới cho từng cấp:
- Chùa danh thắng: bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống;
- Chùa làng: đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng cho cộng đồng địa phương;
- Chùa phố/ đô thị: đáp ứng nhu cầu công năng sử dụng, tập trung đông người;
- Chùa du lịch: đáp ứng cho nhu cầu du lịch tâm linh, thăm quan thưởng ngoạn.
3. Kế thừa những giá trị kiến trúc truyền thống, tiếp thu những giá trị phù hợp với thời đại, xen kẽ các chùa truyền thống trong thôn xóm với các chùa lớn phù hợp với từng khu vực, từng địa bàn cụ thể theo nhu cầu của Phật tử đồng thời vẫn giữ được vẻ đẹp thẩm mỹ, không gian cảnh quan và môi trường.
4. Xác định những công trình chính yếu trong kiến trúc Phật giáo của từng hệ phái, để từ đó khái quát các loại hình kiến trúc của các hệ phái, nêu ra các đặc trưng cơ bản và tiêu biểu của kiến trúc Phật giáo của từng hệ phái, ý nghĩa, giá trị phi vật thể, những biểu tượng đặc trưng, cách thức sử dụng biểu tượng có ý nghĩa tâm linh.
5. Tính thống nhất chung trong kiến trúc Phật giáo sao cho vừa có bản sắc, phong cách của chùa Việt truyền thống nhưng vẫn mở rộng tiếp thu nghệ thuật kiến trúc thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa: Bố cục, số lượng các hạng mục công trình, kết cấu các hạng mục công trình, phân chia công năng sử dụng, bài trí nội thất, trang trí kiến trúc, đề tài, biểu tượng, không gian cảnh quan,... thống nhất về hệ thống tượng, đồ thờ, pháp khí,… cho từng hệ phái.
6. Đề xuất quy phạm thiết kế cho từng hệ phái: số lượng các hạng mục, quy mô các hạng mục, khoảng cách – cao độ của các hạng mục, vật liệu ứng dụng, chi tiết hoa văn ứng dụng, màu sắc ứng dụng, tượng pháp, nội thất, ngôn ngữ, đồ thờ; chiếu sáng, PCCC, cảnh quan,…
7. Đề xuất biểu tượng chung của kiến trúc Phật giáo Việt Nam.
4.2. Định hướng giải pháp quy hoạch và thiết kế kiến trúc công trình
4.2.1. Mục tiêu
Chúng ta có thể nhận thấy rằng, để bảo tồn, tu bổ và tôn tạo các công trình Phật giáo hiện nay, chúng ta cần xác định rõ mục tiêu và yêu cầu xây dựng, đáp ứng nhu cầu công năng sử dụng và thẩm mỹ với các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc xen lẫn với hiện đại:
- Về chất lượng: công trình phải đảm bảo sử dụng lâu dài, không chỉ đáp ứng nhu cầu trước mắt mà còn phải đáp ứng nhu cầu cho các thế hệ sau;
- Về công năng sử dụng: công trình không chỉ đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh mà còn đáp ứng nhu cầu hoằng truyền chánh pháp, là nơi lý tưởng cho tăng ni tu tập;
- Về mỹ quan: công trình không chỉ kế thừa truyền thống kiến trúc mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc mà hơn thế nữa, còn phải thể hiện được đấu ấn của thời đại, mang phong cách riêng biệt về hoa văn, hình tượng, truyền tải được thông điệp của Phật giáo, phản ánh chân thực nhu cầu đời sống hiện hữu;
- Về quản lý và sử dụng: là cơ sở để thiết kế bản vẽ thi công, thi công xây dựng, quản lý xây dựng theo định hướng quy hoạch bảo tồn và phát triển; là cơ sở cho việc thờ tự, bài trí tượng pháp và nội thất; là cơ sở pháp lý để nhà nước xếp hạng di tích về sau.
4.2.2. Định hướng thiết kế quy hoạch
Muốn đáp ứng được các nhu cầu trên, thì việc cần phải làm là phải có định hướng quy hoạch cụ thể, thông qua các nhiệm vụ sau:
1. Nghiên cứu mối liên hệ với các khu vực chức năng, xác định tính chất và đặc thù của các khu vực chức năng, xác định gianh giới của di tích, chùa với các vùng phụ cận. Xác lập vị trí và khoanh vùng bảo vệ di tích đối với công trình đã được xếp hạng;
2. Đánh giá tình hình hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng xây dựng, điều kiện tự nhiên của khu vực nghiên cứu.
3. Phối hợp với các Quy hoạch chuyên nghành để xem xét và cân đối các nhu cầu phát triển trong khu vực cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế bền vững trên cơ sở rà soát các quy hoạch, dự án đã, đang và sẽ thực hiện trong khu vực nghiên cứu để điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu bảo tồn di tích với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và định hướng quy hoạch mới. Nghiên cứu, phát hiện, làm rõ thêm những tiềm năng của khu vực, phục vụ cho việc phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội.
4. Tổ chức định hướng phát triển không gian, sử dụng đất và hạ tầng kỹ thuật của khu vực trên cơ sở lấy di tích – danh thắng làm động lực, là trung tâm phát triển. Phát triển không gian bền vững theo xu thế cân bằng với bảo tồn di sản văn hóa. Phát triển không gian và sử dụng đất tạo điều kiện cho việc xã hội hóa đầu tư vào khu vực.
5. Đánh giá tổng hợp những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường cảnh quan của khu vực, đưa ra kiến nghị với cơ quan hữu quan để có giải pháp hợp lý kịp thời.
6. Đề xuất các chính sách hợp lý cho việc bảo vệ, khai thác giá trị di tích – di sản và các chính sách, biện pháp thực hiện quy hoạch xây dựng cho khu vực quy hoạch.
4.3. Định hướng thiết kế kiến trúc công trình
4.3.1. Đối với các công trình di tích cần tu bổ, cải tạo
- Bảo tồn, trùng tu, nâng cấp các thành phần gốc của di tích làm tăng giá trị và kéo dài sử dụng cho di tích. Tôn tạo cảnh quan trong khu vực bảo vệ lõi của di tích, cải tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật tương xứng với di tích, phù hợp với yêu cầu sử dụng và phát huy giá trị cho di tích;
- Loại bỏ các thành phần chắp vá, làm sai lệch và phá vỡ bố cục kiến trúc tổng thể của di tích. Xem xét bổ sung thay thế bằng các hạng mục công trình phù hợp và có quy hoạch đồng bộ hơn nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng và phát huy giá trị;
- Ngoài việc tu bổ, phục hồi các thành phần vốn có của di tích, cần bổ sung các hạng mục làm phong phú thêm giá trị và các hoạt động trong di tích, nâng cao quy mô, tầm vóc của di tích nhưng không được trái nội dung và tính chất của di tích. Tôn tạo cảnh quan, sân vườn, đường dạo, chiếu sáng,… Phù hợp với hình thức các hạng mục di tích gốc và hòa nhập với cảnh quan chung, tránh hiện tượng công viên hóa di tích;
- Các chùa vẫn còn dấu tích của các công trình kiến trúc cũ, trước khi tôn tạo cần phải tiến hành việc khai quật khảo cổ theo hướng dẫn của Quy chế tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích;
- Việc tôn tạo lại chùa cần dựa trên cơ sở khoa học, có sự kế tục phong cách kiến trúc cũ và chọn lọc, tiếp thu một số nét trúc của các ngôi chùa có cùng niên đại xây dựng để bổ sung, hoàn thiện và phù hợp với nhịp điệu, nhu cầu đời sống tâm linh hiện nay, thể hiện dấu ấn riêng của thời đại;
- Song song với các hoạt động khai thác sử dụng, cần có biện pháp quản lý, bảo vệ, bảo dưỡng thường xuyên và định kỳ thông qua ban quản lý di tích nhằm giữ gìn bảo tồn lâu dài và có hiệu quả cho di tích.
4.3.2. Đối với các công trình xây dựng mới
- Lấy giá trị văn hóa lịch sử làm động lực để phát triển kinh tế - xã hội và ngược lại phát triển kinh tế - xã hội mà nguồn lực để bảo tồn, tôn tạo các di sản văn hóa. Các công trình xây dựng mới phải hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, giữa hiện đại và truyền thống, khai thác có chọn lọc và hợp lý để đảm bảo sự phát triển bền vững với môi trường; đảm bảo khả năng chịu lực, tính bền vững của công trình, đảm bảo an toàn cho người sử dụng và du khách thăm quan;
- Hình thức kiến trúc hiện đại thể hiện ở hình khối và vật liệu chính, kết hợp với tính truyền thống trong một số thành phần trang trí và tỷ lệ công trình để đảm bảo hài hòa với không gian cảnh quan xung quanh cả về hình thức lẫn công năng;
- Phải đáp ứng được các yêu cầu về công năng sử dụng: cơ cấu, diện tích các không gian, các phòng chức năng phải được bố trí khoa học theo tiêu chuẩn phù hợp với nhu cầu sử dụng thực tế, đáp ứng các yêu cầu về thông gió, chiếu sáng, PCCC…; tổ chức giao thông khoa học, đủ rộng, thông thoáng, nằm ở vị trí thuận lợi cho sử dụng, đảm bảo thoát hiểm thuận lợi, an toàn và nhanh chóng khi xảy ra sự cố;
- Phải đáp ứng các yêu cầu về khả năng chịu lực cho công trình; về cấp điện và chiếu sáng, về cấp thoát nước cho công trình; về hệ thống thông tin liên lạc, cảnh báo; về phòng chống mối và PCCC. Tất cả các hệ thống kỹ thuật của công trình phải đảm bảo đầu tư đồng bộ, đảm bảo sử dụng lâu dài;
- Là một công trình công cộng được xây dựng kiên cố, khi thi công nhà thầu phải tổ chức các biện pháp thi công tối ưu và có đầy đủ máy móc, trang thiết bị hiện đại để phục vụ thi công được hiệu quả cao nhất và an toàn nhất; bám sát hồ sơ xin phép xây dựng, hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và nhất là phải có đơn vị giám sát thi công chuyên nghiệp.
ThS. KTS. Nguyễn Minh Quang Giám đốc Công ty cổ phần văn hóa truyền thống Kim Liên Tham luận Hội thảo khoa học: Kiến trúc Phật giáo Việt Nam – thống nhất trong đa dạng, ngày 15/4/2023 tại hội trường Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội)
Bình luận (0)