Trang chủ Chuyên đề Kiến trúc chùa Liên Phái

Kiến trúc chùa Liên Phái

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Ths.KTS.Nguyễn Thị Hương Mai
Viện Bảo tồn Di tích – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Chùa Liên Phái nằm trong lòng Hà Nội, bao bọc xung quanh là khu dân cư đông đúc, ở sát vào tận các công trình kiến trúc chính của chùa. Ngôi chùa được khởi dựng năm 1726, ban đầu có tên là chùa Liên Hoa, đến năm 1733 đổi tên thành chùa Liên Tông và đến năm 1840 thì đổi tên thành chùa Liên Phái như ngày nay. Chùa được tọa lạc trên khu đất khoảng 22.000m2, tại ngõ Liên Phái, phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Chùa Liên Phái đã được Bộ Văn hóa Thông tin đã công nhận là di tích lịch sử văn hóa trong quyết định số 313VH/VP ngày 28/04/1962, ngay trong đợt xếp hạng đầu tiên.

Chùa Liên Phái là một di tích lớn của Hà Nội, có niên đại khá sớm, có giá trị về nhiều mặt lịch sử và kiến trúc nghệ thuật. Đây là một di tích còn lưu được nhiều tác phẩm kiến trúc, nghệ thuật đẹp từ thời Hậu Lê đến thời Nguyễn, đó là ngôi tháp đá của Tổ Cứu Sinh, các pho tượng sơn son thếp vàng, hệ thống bia đá, mộc bản,… Quy mô của chùa từ sau lần tu sửa lớn nhất vào những năm 1855 đến 1869 vẫn còn giữ được tương đối nguyên vẹn, là một tài liệu quý tiêu biểu về kiến trúc Phật Giáo thời Nguyễn ở nước ta.

1. Tổng thể chùa Liên Phái

Từ đường lớn phố Bạch Mai đi vào ngõ chùa Liên Phái, tới cuối ngõ là cổng chùa. Cổng chùa không nằm trên trục chính của chùa mà quay mặt ra ngõ theo hướng Nam, kiến trúc cổng được xây theo kiểu một hàng chân và chia thành ba lối vào, lối ở giữa rộng nhất, 2 bên nhỏ hơn, mới được xây trong thời gian gần đây. Từ cổng đi vào sân trước bên trái theo hướng cổng là Nhà soạn lễ, đi thẳng bên tay phải giáp tường khu đất là giảng đường Phật pháp, cũng mới được xây gần đây. Giảng đường có mặt bằng chữ nhất, gồm hai tầng, quay mặt vào sân trước chùa, lưng áp sát tường rào phía sau. Cách một khoảng sân trước, trên trục chính, mở đầu là Bảo tháp Diệu Quang hình Lục giác, tòa tháp có 10 tầng (kể cả tầng đế tháp là 11 tầng). Tiếp theo là Lầu Quan Âm hình chữ Nhất, được bao kín xung quanh bởi vách đố lụa, rồi đến Tam Bảo có mặt bằng mái kiểu “Tiền nhị – hậu đinh” gồm hai tòa chùa Hạ có mặt bằng mái kiểu chữ Nhất và chùa Thượng có mặt bằng kiểu chữ Đinh được nối với nhau bởi một Nhà Cầu kiểu mái chữ Nhất. Hồi sau chuôi vồ của chùa Thượng (Tam bảo) có mái che bia áp tường hồi, rồi đến nhà Tổ. Phía sau nhà Tổ có một nền đất cao khoảng 2,4m là vườn tháp và có lối đi lên từ bên hồi trái qua nhà Tổ. Ở phía trước, nằm sát tường hồi chùa Hạ còn có hai cổng phụ dẫn vào khu nội tự. Bên phải là cổng Từ Bi, bên trái là cổng Phương Tiện.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Son Mon Lien Phai To Nhu Trung Lan Giac Kien Truc Chua Lien Phai 1

Bản vẽ 01: Mặt bằng tổng thể chùa Liên Phái

Chạy song song với Thượng điện (chùa Thượng) và nối hai đầu phía sau với hai hồi nhà Tổ, phía trước với hai cổng vào sân trong liền mái với hai hồi Tiền đường (chùa Thượng) là hai dãy nhà Tăng. Bên phải Tam bảo và ở phía trước nhà Tăng hữu là Thư viện kinh Phật. Đối diện Thư viện qua Tam bảo là nhà Mẫu có mặt bằng mái kiểu chữ Đinh với Tiền tế 05 gian và Hậu cung 02 gian nối mái với nhau. Điện Mẫu mở cửa cùng hướng với Tam Bảo. Phía sau nhà Mẫu là Nhà Địa tạng quay mặt hướng vào Tam bảo, một đầu hồi giáp với nhà Tăng bên trái, một đầu hồi giáp với Hậu cung nhà Mẫu. Lối vào nhà Địa Tạng là qua cổng Phương Tiện nằm.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Son Mon Lien Phai To Nhu Trung Lan Giac Kien Truc Chua Lien Phai 2

Ảnh 01: Tổng thể chùa Liên phái phía trước Tam bảo

Sau lưng nhà Tăng bên trái và nhà Địa Tạng là khu phòng Bếp và ăn của chùa. Phía trước nhà Mẫu bên trái còn có một tháp mộ sư bằng gạch, kiến trúc hình lục giác; giữa sân trước có một Am thờ, bên trái sát tường góc là Am hóa vàng. Xung quanh là khu dân cư bao kín nên hướng chính của chùa lại không thể có lối đi, vì vậy chùa không có Tam quan mà phải đi qua ra hướng cổng chính. Ngoài ra, còn thấy trong tổng thể phía sau nhà Tăng hữu giáp với hồi bên phải của nhà Tổ là khu ở của sư trụ trì. Có thể thấy, chùa Liên Phái với mặt bằng tổng thể khép kín kiểu “nội Đinh – ngoại Quốc” tuy không bao bọc hết các hạng mục phụ trợ bên trong, song trên trục nhất chính đạo vẫn còn những hạng mục có nhiều giá trị.

2. Các kiến trúc chính của chùa Liên Phái

2.1. Bảo tháp Cửu phẩm liên hoa

Bảo tháp Cửu phẩm Diệu Quang nằm sau trên sân trước của chùa, thẳng hướng nhìn từ Tam Bảo ra, qua Lầu Quan Âm. Tháp hình lục giác theo kiểu Tháp cửu phẩm liên hoa hiện còn ở một số ngôi chùa lớn như chùa Bút Tháp ở Thuận Thành (Bắc Ninh), chùa Động Ngọ ở Tứ Kỳ (Hải Dương) nhưng khác là các Cửu phẩm liên hoa ở các ngôi chùa kia bằng gỗ còn ở đây được xây gạch. Tháp cao khoảng 10 mét gồm có một tầng đế đặc chắc chắn, bên trên là 10 tầng tháp chồng lên nhau và thu nhỏ dần theo tỉ lệ. Tầng 1 cao hơn tầng đế, bắt đầu từ tầng này có 6 cửa đi sâu vào lòng tháp. Từ tầng 2 đến tầng 6 kiến trúc giống nhau theo hướng đi lên, vẫn kiểu cửa cuốn vòm.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Son Mon Lien Phai To Nhu Trung Lan Giac Kien Truc Chua Lien Phai 3

Ảnh 02: Bảo tháp Diệu Quang chùa Liên Phái

Tầng 7 có cửa sổ hình vuông. Tầng 8 lại có kiểu cuốn vòm. Tầng 9 có cửa sổ hình vuông. Phía trong tháp đặt pho tượng Adida thếp vàng cao 40 cm. Tháp của chùa Liên Phái gồm là một ngọn tháp tương đối lớn, đường nét khá mạnh mẽ, một kiến trúc đáng chú ý vào bậc nhất trong các ngôi chùa ở Hà Nội. Về thời điểm xây dựng ngọn tháp này chưa có tài liệu cụ thể, có thể làm sau thời kỳ trùng tu 1855 – 1859.

2.2. Tam bảo

Tam Bảo gồm hai tòa chùa Hạ và chùa Thượng được nối với nhau bởi một Nhà Cầu, do nền chùa Hạ, Nhà Cầu và Tiền đường của chùa Thượng có cùng cốt nền và bằng nhau, cộng thêm phần chuôi vồ của Thượng điện (chùa Thượng) nên tạo thành mặt bằng nền kiểu “chữ Đinh” và mặt bằng mái kiểu “Tiền Nhị – hậu Đinh”. Sự xuất hiện của kiến trúc nhà Cầu nối hai nếp nhà khiến ngôi chùa mang nét kiến trúc kiểu “Trùng thiềm điệp ốc”, vốn phổ biến ở kiến trúc xứ Huế và đã góp phần tạo nên giá trị đặc sắc về kiến trúc của chùa Liên Phái.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Son Mon Lien Phai To Nhu Trung Lan Giac Kien Truc Chua Lien Phai 4

Bản vẽ 02: Mặt bằng nền Tam bảo chùa Liên Phái

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Son Mon Lien Phai To Nhu Trung Lan Giac Kien Truc Chua Lien Phai 5

Bản vẽ 03: Mặt cắt 3-3 chính giữa Tam bảo chùa Liên phái

Từ sân bước lên nền Tam bảo qua 5 bậc đá, toàn bộ nền lát gạch đỏ kích thước lớn 0,5mx0,5m. Trừ mặt trước Tiền đường lắp cửa ra vào, còn toàn bộ tường xung quanh Tam bảo được xây bằng gạch, trát vữa, lăn sơn trắng. Các mặt mái đều được lợp ngói mũi hài mới.

2.2.1. Chùa Hạ

Chùa Hạ có mặt bằng mái kiểu chữ Nhất, mặt bằng nền trùng cốt, liền với nền nhà Cầu và nền Tiền đường chùa Thượng, gồm: 5 gian, 2 mái, kiểu đầu hồi bít đốc, phía trước hai hồi có tường đua ra và chặn bởi hai trụ biểu. Toàn bộ mặt trước được bao che bởi 5 bộ cửa đi kiểu Bức bàn, phía trên là các ván gió kiểu con tiện.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Son Mon Lien Phai To Nhu Trung Lan Giac Kien Truc Chua Lien Phai 6

Bản vẽ 04: Mặt đứng chính Tam Bảo (chùa Hạ) chùa Liên phái

Kết cấu bộ khung gỗ được dựng trên bốn hàng chân cột, với toàn bộ hàng cột quân phía trước bằng đá có tiết diện vuông (0,21×0,21)m, hai hàng cột cái và một hàng cột quân sau bằng gỗ đều có đường kính 0,3m, tất cả các cột đều được đặt trên các chân tảng đá. Có 6 bộ vì mái đều có kết cấu giống nhau, 6 bộ vì nóc làm theo kiểu giá chiêng – chồng rường. Kết cấu này gồm một con rường suốt trên cùng đỡ cặp hoành trên cùng và Thượng lương (có khoảng cách từ nền lên là 4,95m), dạ rường kê trên hai rường cụt phía dưới qua đấu kê nhỏ. Rường cụt một đầu đỡ hoành mái thứ hai, đầu kia kê lên một rường suốt phía dưới qua các đấu vuông thót đáy; rường suốt này được tạo ăn mộng qua hai đầu trụ trốn lớn. Trụ trốn đươc tạo một đầu đỡ cặp hoành mái thứ ba, đầu kia kê trên cật câu đầu qua các đấu vuông thót đáy. Đỡ các hoành mái thứ 4 và thứ 5 là hai rường cụt có một đầu ăn mộng và thân trụ trốn. Cặp hoành mái thứ 6 cũng được đỡ bởi một rường cụt kê trên câu đầu qua đấu vuông thót đáy, đầu kia đỡ rường cụt phía trên. Ở vì nóc này, câu đầu ăn mộng qua hai đầu cột cái và chiều cao cách nền là 3,5m, khoảng cách giữa hai cột cái lên tới 4,15m.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Son Mon Lien Phai To Nhu Trung Lan Giac Kien Truc Chua Lien Phai 7

Ảnh 03: Bộ Vì nóc chùa Hạ (Tam bảo)

Các vì nách trước kiểu kẻ, một đầu sập mộng qua cột cái nằm dưới câu đầu, đầu còn lại kê lên đỉnh hàng cột quân và vươn ra đỡ tàu mái trước. Các vì nách sau cũng kiểu kẻ nhưng đầu kẻ bị cắt cụt, chỉ có thân kẻ ăn mộng vào cột quân sau và dừng lại. Tại vị trí hồi bên trái có mở một cửa ngách nhỏ bằng gỗ để đi ra phía sau.

Trang trí ở các bộ vì nóc của chùa Hạ là đề tài lá hóa được chạm nổi đơn giản, ở các vì nách, phần đầu kẻ trước được trang trí lá hóa rồng và đuôi kẻ trang trí như bên trong vì nóc.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Son Mon Lien Phai To Nhu Trung Lan Giac Kien Truc Chua Lien Phai 8

Bản vẽ 05: Mặt cắt 3-3 không qua Thượng điện Tam bảo chùa Liên Phái

Ở chùa Hạ, chỗ giao mái với nhà Cầu có một hàng gạch được xây để úp liền mái trước và mái sau, trên bờ nóc trang trí bằng gạch hoa chanh, hai đầu mái là hai con Kìm nóc đầu rồng.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Son Mon Lien Phai To Nhu Trung Lan Giac Kien Truc Chua Lien Phai 9

Ảnh 04: Lần lượt từ trái sang là không gian bên trong chùa Hạ-Tiền đường chùa Thượng

2.2.2. Nhà Cầu

Nhà Cầu là nối mái giữa hai tòa chùa Hạ và chùa Thượng, cùng với mặt bằng nền của ba tòa đều bằng nhau và có cốt bằng nhau, các bộ vì nóc kết cấu kiểu vì vỏ Cua đỡ các hoành mái và thượng lương (có khoảng cách từ nền đến dạ Thương lương là 4,99m. Kết cấu bộ khung gỗ dựng trên hai hàng chân, nhưng thực chất Nhà Cầu không có hàng chân cột nào mà đứng trên hàng cột quân sau của chùa Hạ và hàng cột hiên trước của Tiền đường (chùa Thượng). Tất cả các bộ Vì nóc của Nhà Cầu đều là Vì vỏ Cua. Trên các bộ vì ở các gian giữa đều có trang trí đề tài “Lưỡng long chầu nhật’’ được chạm nổi. Hai bộ vì ở hai hồi trang trí đề tài “Tứ quý”. Ngoài ra, hình ảnh rồng còn được sử dụng để trang trí các đầu dư dưới câu đầu (khoảng cách từ nền đến dạ Câu đầu là 3,7m).

2.2.3. Chùa Thượng

Chùa Thượng có mặt bằng mái hình chữ Đinh, gồm Tiền đường 5 gian bằng chùa Hạ và Nhà Cầu và Thượng điện là kiểu Chuôi vồ 3 gian, 1 dĩ.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Son Mon Lien Phai To Nhu Trung Lan Giac Kien Truc Chua Lien Phai 10

Ảnh 05: Vì nóc Thượng điện chùa Thượng

Kết cấu bộ khung gỗ của Tiền đường chùa Thượng dựng trên 5 hàng chân cột, trong đó hàng cột hiên trước chính là cột cái sau của Nhà Cầu và hàng chân sau cùng chính là tường sau. Tất cả các vì nóc làm theo kiểu giá chiêng chồng rường con nhị, gồm hai con rường suốt xếp chồng lên nhau qua đấu vuông thót đáy, đỡ Thượng lương (có chiều cao từ nền tới dạ Thượng lương là 5,5m) và các hoành thứ nhất và thứ hai từ trên xuống; hai con rường ngồi trên hai trụ trốn qua các đấu vuông thót đáy. Con rường thứ 3 và thứ 4 là rường cụt, con rường thứ 3 một đầu ăn mộng vào trụ trốn, đầu còn lại vươn ra đỡ hoành mái. Con rường thứ 4 một đầu đỡ con rường thứ 3, một đầu đỡ hoành mái thứ 4. Tất cả kê trên câu đầu, chiều cao từ nền tới dạ câu đầu là 4,26m. Vì nách và hiên trước kiểu Kẻ chuyền, vì nách sau kiểu kẻ ngồi.

Trang trí trên các cấu kiện vì nóc kiểu là hóa phượng, vì nách kiểu lá lật, hiên trước ở hai hồi kiểu ván mê, trang trí đề tài “Tứ quý”, các gian giữa dùng kẻ trơn không chạm khắc.

Thượng điện của chùa Thượng gồm 3 gian, 1 dĩ được nối với Tiền đường tạo thành hình chữ Đinh. Các bộ vì ở Thượng điện cũng tương tự Tiền đường, Vì nóc kiểu Giá chiêng, chồng rường, vì nách kiểu kẻ ngồi. Bao che xung quanh là tường xây gạch.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Son Mon Lien Phai To Nhu Trung Lan Giac Kien Truc Chua Lien Phai 11

Bản vẽ 05: Mặt cắt 5-5 Tam bảo chùa Liên Phái

2.3. Khu nhà Tổ

Khu nhà Tổ ở ngay sau Tam bảo, đặc biệt lớn, gồm 11 gian, với 8 cửa lớn, hệ thống cửa bức bàn liên kết với các cột quân. Ba gian giữa nhà Tổ được kéo sâu vào trong hình chuôi vồ, nền cao hơn ngoài chừng 45cm bởi ba bậc thềm. Toàn bộ nền lát gạch đỏ (0,4×0,4)m, bộ khung kết cấu của khu nhà Tổ dựng trên 4 hàng chân cột, các cột có đường kính khoảng 0,3m và đều được đặt trên các chân tảng đá. Hai đầu hồi nhà Tổ xây kiểu Bít đốc, toàn bộ mái lợp ngói mũi hài, trên bờ nóc có gắn gạch hoa chanh.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Son Mon Lien Phai To Nhu Trung Lan Giac Kien Truc Chua Lien Phai 12

Ảnh 06: Nhà Tổ chùa Liên Phái

2.4. Tháp mộ

Ngoài tòa Bảo tháp Diệu Quang phía trước, sau khu vực nhà Tổ, chùa Liên Phái còn có khu vườn tháp mộ của các vị sư, gồm: 07 ngôi tháp, xây thành 02 hàng trên một gò đất cao, lần lượt có 02 ngôi hàng thứ nhất đều là tháp gạch cổ; hàng thứ hai có 05 ngôi, trong đó có 1 tháp đá, 4 ngôi tháp gạch, trong 4 ngôi tháp gạch có 1 ngôi tháp trong cùng được trát xi măng. Tất cả các ngôi tháp cổ này đều quay theo hướng Đông Đông Nam. Ngọn tháp đá nằm chính giữa ở hàng thứ hai là tháp Cứu Sinh, có niên đại xây dựng năm 1733 khi tổ Cứu Sinh viên tịch, đây là ngôi tháp cổ nhất trong hệ thống tháp của chùa Liên Phái. Tháp Cứu Sinh hình vuông gồm 3 tầng thu nhỏ dần ở các tầng trên, cao hơn 4 mét, đế tháp rộng 2,1 mét.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Son Mon Lien Phai To Nhu Trung Lan Giac Kien Truc Chua Lien Phai 13

Ảnh 06: Vườn tháp mộ sau nhà Tổ chùa Liên Phái

2.5. Các công trình kiến trúc phụ trợ

Chùa Liên Phái ngoài những hạng mục nói kỹ ở trên, còn có một số kiến trúc phụ trợ như: Cổng chùa, Điện thờ Mẫu, nhà Khách, nhà Tăng, Thư viện, nhà Địa tạng, Giảng đường Phật pháp, nhà sư Trụ trì, Lầu Quan Âm, Am thờ, Lầu hóa vàng, nhà Bếp, vệ sinh.

Điện thờ Mẫu có mặt bằng kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm Tiền tế 5 gian và Hậu cung gian. Toàn bộ vì mái kiểu Giá chiêng – Chồng rường, bào soi để mộc, có hệ thống cửa đi phía trước kiểu Bức bàn. Điện Mẫu cũng được xây theo kiểu tường hồi bít đốc, 1 tầng hai mái, toàn bộ mái được lợp ngói mũi hài.

Chạy dọc hai bên tả hữu Thượng điện là hai dãy nhà kế tiếp, mỗi dãy 7 gian xây gạch được làm nhà Tăng có mặt bằng chữ Nhất, hai mái, đầu hồi bít đốc.

3. Kết luận

Các giá trị mà bản thân di tích chùa Liên Phái còn lưu giữ được là các giá trị về mặt kiến trúc, lịch sử và nghệ thuật. Về mặt kiến trúc còn giữ được nhiều ngôi tháp cổ có giá trị lớn về kiến trúc, tiêu biểu như: Bảo tháp Diệu Quang, tháp Cứu Sinh và nhiều ngôi tháp gạch… Ngoài ra, chùa Liên Phái còn có nét độc đáo khi có sự xuất hiện của kiến trúc nhà Cầu nối hai nếp nhà của Tam Bảo, mang nét kiến trúc kiểu Trùng thiềm điệp ốc, vốn phổ biến ở kiến trúc xứ Huế, đã góp phần tạo nên giá trị đặc sắc cho kiến trúc của ngôi chùa. Về mặt lịch sử, di tích chùa Liên Phái nằm ở cửa ngõ phía Nam của thành Thăng Long xưa, là vùng đất mang nhiều dấu ấn lịch sử. Bên cạnh đó, chùa Liên Phái còn là một chứng tích của một dòng phái Phật giáo ở nước ta thế kỷ 18, đó là dòng phái  Liên Tông. Về giá trị nghệ thuật, dưới bàn tay khéo léo, tài hoa của các nghệ nhân xưa đã để lại cho chúng ta những pho tượng Phật đẹp, những mảng trang trí cầu kỳ, lộng lẫy trên kiến trúc, y môn và cửa võng. Các hình tượng rồng, phượng, mặt trời và những hoa văn thực vật là những đề tài trang trí chủ yếu với lối chạm nổi, chạm bong kênh… tất cả như tạo nên một bức tranh sinh động, thể hiện được những yếu tố tâm linh của nhà Phật.

Với những giá trị to lớn như vậy, di tích chùa Liên Phái cần được bảo vệ để trường tồn với thời gian. Mỗi chúng ta cần nâng cao nhận thức về bảo tồn di tích bằng những hành động cụ thể nhằm giữ gìn di tích và giới thiệu những giá trị của di tích với người dân Thủ đô và cho cả nước.

Ths.KTS.Nguyễn Thị Hương Mai
Viện Bảo tồn Di tích – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường