Không gian văn hoá Phật giáo Bắc Giang còn được gọi là không gian văn hoá Phật giáo Tây Yên Tử. Nói đến Yên Tử thực ra là nói đến một hệ thống, ngoài Yên Tử, không thể thiếu được Quỳnh Lâm, Thanh Mai (Chí Linh, Hải Dương), Vĩnh Nghiêm, (Bắc Giang)
GS.TS Nguyễn Hùng Hậu Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 9/2023
Tóm tắt. Bài viết chỉ ra bốn đặc trưng tiêu biểu của không gian văn hoá Phật giáo Tây Yên Tử (Bắc Giang), một mặt, nó mang những nét đặc trưng tiêu biểu của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, như yêu nước, nhập thế và những tư tưởng thâm sâu mang nặng bản sắc Việt Nam; mặt khác, chùa Bắc Giang còn là trung tâm, trụ sở Trung ương của Giáo hội Trúc Lâm, chứa đầy đủ hồ sơ, quản lý một cách thống nhất chư tăng, ni cả nước; là trường đại học Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam, nên hiện lưu giữ 3.050 mộc bản có giá trị trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt liên quan đến thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Không gian văn hoá Phật giáo Tây Yên Tử (Bắc Giang), còn có những nét đặc trưng riêng, thể hiện ở chùa Bổ Đà, tổ đình Lâm Tế, nơi dung hòa Nho - Lão - Phật và thờ cúng tổ tiên, dung hoà giữa Thiền, Tịnh, Mật; và dung hoà với thiền phái Trúc Lâm Tây Yên Tử. Từ khoá: Văn hoá Phật giáo, Tây Yên Tử, Nét đặc trưng tiêu biểu
1. Không gian văn hoá Phật giáo Bắc Giang còn được gọi là không gian văn hoá Phật giáo Tây Yên Tử. Nói đến Yên Tử thực ra là nói đến một hệ thống, ngoài Yên Tử, không thể thiếu được Quỳnh Lâm, Thanh Mai (Chí Linh, Hải Dương), Vĩnh Nghiêm, (Bắc Giang); bởi vậy, nét đặc trưng tiêu biểu của thiền Trúc Lâm Yên Tử, như Phật giáo nhập thế, yêu nước, những tư tương thâm sâu mang đậm bản sắc Việt Nam, đặc biệt là con đường đi đến giác ngộ của Phật giáo Việt Nam thời Trần, con đường “Vạn pháp chi tâm tức Phật tâm”, … theo một nghĩa nào đó không chỉ có ở Yên Tử, mà còn bao hàm cả bốn trung tâm trên, trong đó có Tây Yên Tử, tức văn hoá Phật giáo Bắc Giang. Chẳng hạn, tư tưởng của Trần Nhân Tông có những nét vô cùng độc đáo, đặc sắc, mà không mấy các vị thiền sư trên thế giới có được, như miễn cốc một lòng, thì rồi mọi hoặc; bản tính lặng im trong trẻo, không thiện không ác; lương do liệu giản, hoành xuất đa kỳ; thân như hô hấp tỵ trung khí; Bụt ở trong nhà, chẳng phải tìm xa; nhân khuây bản nên ta tìm Bụt; đến cốc hay chỉn Bụt là ta; Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi Tây phương; cư trần lạc đạo thả tuỳ duyên; cơ tắc xan hề khốn tắc miên; gia trung hữu bảo hưu tầm mịch; đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền;… đều thấy trong những buổi thuyết pháp của ông hiện còn lưu giữ trên các mộc bản ở chùa Vĩnh Nghiêm. Cũng qua những bài giảng của Pháp Loa ở chùa Vĩnh Nghiêm mà mộc bản hiện nay còn ghi lại, ta thấy, nhìn chung, ông ít đề cập đến những vấn đề triết học siêu hình trừu tượng một cách có hệ thống như Trần Thái Tông, ít đưa ra những vấn đề thiền học uyên thâm sâu sắc như Tuệ Trung Thượng Sĩ, ít đề cập đến những vấn đề lý luận như Trần Nhân Tông; ông chỉ nêu ra một cách vắn tắt ngắn gọn những vấn đề thiết thực cụ thể của việc tu đạo. Tuy nhiên, đối với một số vấn đề, ông có những lý giải cao siêu thâm thuý. Theo Pháp Loa ''Người học Phật phải chú trọng trước hết đến vấn đề kiến tính”. Kiến tính là giác ngộ, còn nếu chưa giác ngộ thì phải tịnh giới, thiền định. Thiền định là phải định được cái tâm của mình. Thiền rồ phải đi đến tuệ. Định mà không đẫn đến tuệ là thiền si; tuệ mà không dẫn đến định cao hơn là tuệ cằn. Trong thiền, Pháp Loa chia ra làm 5 bậc: Phàm phu, Ngoại đạo, Tiểu thừa, Đại thừa, Thượng thừa.Và thiền của Pháp Loa là thiền Thượng thừa, tức thiền phải dẫn đến tuệ ngày càng cao, qua quán các thoại đầu; lúc đó đi đứng, nằm, ngồ đều là thiền. Nhiều tư tưởng của ông cũng như các tổ của thiền Trúc Lâm được ghi trên các mộc bản ở Vĩnh Nghiêm, Bắc Giang cho đến hiện nay vẫn còn nguyên giá trị.
2. Bắc Giang là vùng đất cổ, có nhiều di tích lịch sử văn hoá gắn liền với vùng đất và con người xứ Kinh Bắc; nơi đang lưu giữ nhiều dấu tích của các ngôi chùa Phật giáo Trúc Lâm thời Trần bên phía Tây dãy Yên Tử, phản ánh thời kỳ phát triển hưng thịnh của Phật giáo Việt Nam thế kỷ XIII. Đó là sự phân bố của hệ thống chùa Phật giáo Trúc Lâm ở Bắc Giang như: chùa Sơn Tháp, chùa Bát Nhã, chùa Hồ Bấc, chùa Bình Long, chùa Am Vãi, v.v...; đặc biệt, chùa Vĩnh Nghiêm đã trở thành trung tâm đào tạo tăng đồ Phật giáo cả nước khi đó. Cuối thế kỷ XIII đầu thế kỷ XIV, miền đất sườn Tây Yên Tử thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang được xem như kinh đô Phật giáo thời Trần. Qua thời gian, hệ thống di tích Phật giáo Trúc Lâm và chùa Vĩnh Nghiêm trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã đóng một vai trò cực kỳ quan trọng, là một phần không thể tách rời trong quần thể di sản văn hóa và danh thắng Yên Tử gắn với Phật giáo Trúc Lâm.
Chùa Vĩnh Nghiêm, Bắc Giang, từ thế kỷ XIII đã là trung tâm nổi tiếng nhất về truyền bá Phật giáo của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Vậy tại sao khi sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, Trần Nhân Tông lại chọn chùa Vĩnh Nghiêm, tỉnh Bắc Giang làm nơi đào tạo tăng, ni trong cả nước? Theo một số nhà nghiên cứu, có nhiều lý do, thứ nhất, do vị trí lợi thế của ngôi chùa tọa lạc nơi hợp lưu của sông Lục Nam và sông Thương (gọi là ngã ba Phượng Nhãn) nhìn ra ngã ba sông, phía Lục Đầu Giang - Kiếp Bạc, vùng Cẩm Lý cửa ngõ ra vào núi Yên Tử; bao quanh chùa là núi non, trong đó có núi Cô Tiên; bên kia sông là vương phủ của Trần Hưng Đạo, đền Kiếp Bạc. Thứ nữa phải kể đến cái duyên của chùa Vĩnh Nghiêm với Trần Nhân Tông khi Ngài còn tại vị: tương truyền, khi vua Trần Nhân Tông cùng đoàn tùy tùng đi xem xét, kiểm tra các vị thế trọng yếu của đất nước, đi đến vùng Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, ngựa của vua dừng chân, không đi tiếp, Ngài cho đây là một điềm lạ, hỏi những người dân xung quanh mới biết, gần đây có một ngôi chùa cổ rất thiêng, vua cùng đoàn tùy tùng đã đến tham quan ngôi chùa và cho rằng đây là cái duyên tiền định giữa Ngài và ngôi chùa, nên Trần Nhân Tông cho sửa sang, trùng tu, tôn tạo lại, lấy tên là chùa Vĩnh Nghiêm (có nghĩa là tôn nghiêm mãi mãi). Cũng xuất phát từ đó, khi sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, Trần Nhân Tông đã chọn chùa Vĩnh Nghiêm, tỉnh Bắc Giang làm nơi đào tạo tăng, ni lớn nhất cả nước. Có thể nói, kể từ khi Giác Hoàng Điều Ngự Trần Nhân Tông và các đệ tử chọn chùa Vĩnh Nghiêm làm cơ sở hoằng Pháp, Vĩnh Nghiêm mới đi vào lịch sử gắn liền với Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Mô hình tổ chức Giáo hội của Trúc lâm cũng là mô hình cho các tổ chức Giáo hội sau này. Sau khi từ bỏ ngai vàng đi tu, vua Trần Nhân Tông đã biến ngôi chùa Vĩnh Nghiêm (còn gọi là chùa Đức La) thành trụ sở Trung ương của Giáo hội Trúc Lâm, nơi chứa đầy đủ hồ sơ của tăng, ni cả nước. Điều đáng nói là cả ba vị Tổ (Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang) đều lấy chùa Vĩnh Nghiêm làm trung tâm truyền bá Phật pháp của dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Điều này vẫn còn được lưu trên các mộc bản của chùa. Cụ thể, tháng 4/1308, Tổ Trần Nhân Tông đích thân tới chùa Vĩnh Nghiêm chủ trì giảng Truyền Ðăng Lục, sai quốc sư Ðạo Nhất giảng kinh Pháp Hoa cho chư tăng kiết hạ và thống nhất Giáo hội Phật giáo thời Trần. Tháng 9/1313, Tổ Pháp Loa phụng chiếu đến cư trú tại chùa Vĩnh Nghiêm, đứng ra thành lập trụ sở của Trung ương Giáo hội Phật giáo Đại Việt. Ông đã tiến hành tuyển chọn tăng tài, phân định chức vụ tăng sĩ trong cả nước; kiểm tra tự viện và lập sổ bộ tăng tịch để quản lý số lượng hàng ngũ xuất gia, tiếp tăng độ chúng ba năm một lần. Lần đầu tiên trong cả nước có một Giáo hội Phật giáo thống nhất. Lần đầu tiên ở Việt Nam có trường đại học Phật giáo. Lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, tăng, ni có hồ sơ tại Giáo hội. So với những nước mà Phật giáo du nhập ở thế kỷ XIII, không biết đây có phải là hiện tượng độc nhất vô nhị? Huyền Quang đã ngộ đạo và xin xuất gia tại đây vào năm 1305, nhân chuyến theo vua Trần Anh Tông đến chùa Vĩnh Nghiêm nghe Thiền sư Pháp Loa thuyết pháp.
Hơn 700 năm qua, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã trải qua nhiều biến cố, gắn liền với những biến đổi thăng trầm của lịch sử Việt Nam, nhưng vẫn được duy trì và phát triển. Ngày nay, tinh thần, tư tưởng Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử thời Trần vẫn được tăng, ni, phật tử ở Việt Nam tu học.
3. Với vai trò là trường đại học Phật giáo đầu tiên trong cả nước, chùa Vĩnh Nghiêm hiện lưu giữ 3.050 mộc bản có giá trị trên nhiều lĩnh vực. Đây là bộ mộc bản gốc, duy nhất của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử hiện còn lưu giữ được tại chùa để truyền bá tư tưởng cốt lõi của đạo Phật cho hàng trăm ngôi chùa với hàng triệu tăng, ni, phật tử từ xưa tới nay. Đặc biệt, mẫu chữ Nôm trong tác phẩm Thiền tông bản hạnh (một trong các đầu sách thuộc kho mộc bản ở chùa Vĩnh Nghiêm) được Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm (The Vietnamese Nom Preservation Foundation, USA) lấy làm mẫu cho font chữ Nôm trên mã Unicode (ký hiệu NomNaTongLight,ttf ) và được sử dụng như một ngôn ngữ quốc tế trên máy tính. Năm 2012, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Với tư cách là nơi đào tạo tăng đồ Phật giáo của nước Đại Việt, nên chùa là nơi tàng trữ để các bộ ván kinh xưa rộng tới 10 gian nhà. Đó là những bộ ván kinh có từ 700 năm nay, là kho sách cổ vô cùng quý giá, như: Sa di tăng, Sa di tỳ khưu ni (348 giới luật), bộ Yên Tử nhật trình từ thế kỷ 15 (quá trình hình thành phái Trúc Lâm), Hoa nghiêm sớ, Di đà sớ sao, Đại thừa chỉ quán, Giới kinh ni,... Ngày nay, còn nhiều kệ ván in kinh sử vẫn còn tại chùa. Người xưa gọi đây là khắc in, minh chứng chùa Vĩnh Nghiêm từng thống lĩnh 72 chốn tùng lâm. Hiện nay, kho mộc thư vẫn lưu giữ được 34 đầu sách với gần 3000 bản khắc, mỗi bản có hai mặt, mỗi mặt 2 trang sách khắc ngược (âm bản) khoảng 2000 chữ Nôm, chữ Hán. Những bản khắc đó vẫn được lưu truyền tại nước ta với từng nét chữ sắc xảo, tinh tế. Ngày nay, những giá trị đó vẫn còn giữ nguyên bản, không bị hao mòn. Ngoài ra, chùa còn bao gồm hệ thống tượng thờ gồm trên 100 pho, hệ thống văn bia (7 bia) cơ bản được soạn khắc ở giai đoạn thời Lê - Nguyễn, ghi lại toàn bộ lịch sử phát triển của trung tâm Phật giáo Vĩnh Nghiêm, hệ thống hoành phi - câu đối, đồ thờ, ... Di sản này không chỉ là báu vật của đất nước Việt Nam mà còn là tài sản văn hoá chung của cộng đồng các dân tộc ở khu vực Đông Nam Á, châu Á và trên toàn thế giới, tiêu biểu cho tư tưởng triết học, nhân văn của người phương Đông suốt từ những năm đầu thế kỷ XIII đến nay. Với những giá trị vốn có, chùa Vĩnh Nghiêm đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt ngày 23/12/2015.
Tổng tập “mộc bản kinh, sách Hán Nôm” chùa Vĩnh Nghiêm chính là những tác phẩm lớn chứa đựng nội dung cốt lõi tư tưởng nhân văn Việt Nam. Đây cũng là nguồn di sản tư liệu phong phú, đa lĩnh vực giúp các nhà nghiên cứu hiểu được cơ sở phát triển của Thiền học Trúc Lâm Yên Tử, lịch sử Phật giáo Việt Nam, văn hoá giáo dục, văn học, ngôn ngữ học, sinh thái môi trường, tâm linh học, lịch sử nghề khắc in mộc bản, nghệ thuật điêu khắc gỗ cổ truyền, xã hội học, y học, cùng các lĩnh vực khác thuộc về khoa học xã hội của Việt Nam từ giai đoạn đầu thế kỷ XIII đến những năm đầu thế kỷ XX. Đan xen giữa các mộc bản kinh Phật là các bản khắc về giới luật, sách thuốc, qua đó răn dạy các tăng, ni, phật tử, giáo dục người đời sống khoan dung độ lượng, nhân ái vị tha theo giáo lý nhà Phật, cùng những phương thuốc quý giá để bảo vệ sức khoẻ cho bản thân và giúp đời. Ngoài ra các bài phú, kệ, nhật ký trong kho bảo vật này còn là trước tác của vị minh quân, anh hùng dân tộc Trần Nhân Tông và các danh nhân lịch sử văn hoá của đất nước mà người dân nước Việt đời đời tôn vinh. Điều này khẳng định thêm rằng Phật giáo là một tôn giáo có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống của dân tộc Việt Nam. Những tư liệu trong kho mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm giúp các nhà nghiên cứu có thêm nguồn sử liệu quý giá về sự phát triển của ngôn ngữ Việt. Cụ thể là sự phát triển của chữ Nôm trong lịch sử; quá trình phát triển của hệ thống văn tự Việt Nam chuyển từ chỗ chủ yếu sử dụng chữ Hán sang coi trọng và chủ động sử dụng chữ Nôm; từ chỗ chỉ được sử dụng số ít thời kỳ trước đó, chữ Nôm bắt đầu hình thành có hệ thống và phát triển mạnh trong dòng văn học Việt Nam. Điển hình là trong trước tác của các cao tăng Thiền phái Trúc Lâm thường sử dụng văn Nôm khi viết lời thuyết pháp dưới dạng văn vần, thơ hoặc các bài diễn giải tư tưởng Phật học như: “Thiền Tông bản hạnh”, “Yên Tử nhật trình”, phú “Cư trần lạc đạo”, phú “Giáo tử”, phú “Thiền tịch” và các thể loại văn Nôm Việt Nam.
4. Không gian văn hoá Phật giáo Tây Yên Tử (Bác Giang), so với thiền Trúc Lâm Yên Tử còn có những nét đặc trưng riêng, thể hiện ở chùa Bổ Đà (có lẽ từ chữ Buddha mà ra). Chùa Bổ Đà, còn được gọi là chùa Bổ, chùa Tam Giáo, còn có tên chữ là Tứ Ân tự (四恩寺) là một ngôi chùa toạ lạc trên ngọn núi Phượng Hoàng (Bổ Đà sơn), bờ tả dòng sông Cầu, thuộc địa phận thôn Thượng Lát, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Chùa nằm cách trung tâm thị trấn Bích Động khoảng 10 km về phía Tây, Chùa Bổ Đà là một trong những ngôi chùa độc đáo nhất vùng đất Kinh Bắc. Chùa đã được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt năm 2016 và bộ kinh Phật khắc trên gỗ thị lưu giữ trong chùa được đánh giá là cổ nhất của dòng thiền Lâm Tế,...Chùa Bổ là một trong những nơi còn giữ nguyên bản nét kiến trúc truyền thống Việt cổ. Chùa có kiến trúc độc đáo và khác biệt so với các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc Việt Nam, vườn tháp đẹp và lớn nhất Việt Nam, nhiều cổ vật có giá trị và kho tàng di sản Hán - Nôm phong phú. Đây cũng là nơi sơn thủy giao hòa, nhìn sông tựa núi, cảnh sắc, không gian nhuốm màu huyền thoại, xung quanh là đồi núi xóm làng bao bọc.
Qua lịch sử, ta thấy, thời Đường, Thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền tham học với Thiền sư Hoàng Bá Hi Vận rồi ngộ đạo và được ngài ấn chứng. Vào năm Đại trung thứ 8 (854) đời vua Tuyên Tông sư đến trụ trì ở viện Lâm Tế tại Trấn Châu, đặt ra các cơ phong Thiền lý như Tam huyền tam yếu, Tứ liệu giản,..., đặc biệt là phương pháp khai ngộ bằng quát, hét để tiếp dẫn đồ chúng, tông phong hưng thịnh và đến thời Trung Đường về sau đã phát triển thành một tông phái lớn, gọi là tông Lâm Tế. Vô Ngôn Thông cùng với Huỳnh Bá-thầy của Lâm Tế, đều là học trò của Bách Trượng. Mà Bách Trượng lại là học trò của Mã Tổ thuộc nhánh Nam Nhạc. Qua đó ta thấy giữa Trúc Lâm Yên Tử- thoát thai từ Vô Ngôn Thông- và Lâm Tế có quan hệ khá gần gũi. Thiền phái Lâm Tế truyền vào Việt Nam từ Trung Hoa qua hai giai đoạn chính là vào thời nhà Trần và đời Lê Trung Hưng (vua Lê chúa Trịnh, chúa Nguyễn). Sau khi truyền vào Việt Nam, Thiền phái Lâm Tế có những thay đổi cơ bản để thích nghi với văn hóa, phong tục tập quán bản địa. Ngoài việc thừa hưởng những phương pháp đặc thù mang đậm phong cách Trung Hoa như quát hét, Thiền phái Lâm Tế ở Việt Nam còn mang một số nét rất riêng của văn hóa dân tộc, tạo nên một sắc thái Thiền mới cho Phật giáo Việt Nam. Điều này cho thấy tính phương tiện tùy cơ tiếp vật của Phật giáo, “Tuỳ duyên bất biến, bất biến tùy duyên”. Phong tục, văn hóa Việt Nam vẫn mang truyền thống thờ cúng tổ tiên. Ở đây, chúng ta thấy có các điểm dung hòa trong Thiền phái Lâm Tế với văn hóa truyền thống bản địa đó là sự dung hòa giữa Nho, Lão, Phật và thờ cúng tổ tiên cùng sự song tu giữa Thiền, Tịnh, Mật. Chùa Bổ Đà cũng thờ Tam giáo, trong đó có Quán Thế Âm Bồ Tát, Trúc Lâm Tam tổ (gồm Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang), Khổng Tử... Các cuốn sách bằng tre, đá để lại vẫn lưu truyền đào tạo những người gia nhập phái Lâm Tế (Sơn Môn Bồ Đà) theo phong tục cũ. Quần thể chùa Bổ Đà là một tập hợp di tích gồm: chùa cổ có tên là Bổ Đà sơn (gọi tắt là chùa Bổ Đà, chùa Bổ; còn gọi là chùa Quán Âm), chùa chính Tứ Ân, Am Tam Đức (xây dựng sau, vào thời Hậu Lê). Ngoài ra trên núi Bổ Đà còn có đền thờ Thạch tướng quân (tức Thạch Tướng Đại Vương - có công giúp vua Hùng thứ 16 chống giặc ngoại xâm). Đặc điểm của chùa Bổ Đà khiến cho không gian văn hoá Phật giáo Tây Yên Tử (Bắc Giang) càng thêm phong phú, đa dạng. Nhưng với việc thờ Trúc Lâm Tam tổ đã phần nào nói lên sơn môn Lâm Tế Bắc Giang đã dung hoà với thiền Trúc Lâm Yên Tử.
GS.TS Nguyễn Hùng Hậu Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 9/2023 ***TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Nguyễn Hùng Hậu. Góp phần tìm hiểu tư tưởng triết học Phật giáo Trần Thái Tông. Nxb. Khoa học xã hội; H. 1996 2. Nguyễn Hùng Hậu. Lược khảo tư tưởng Thiền Trúc Lâm Việt Nam. Nxb. Khoa học xã hội; H. 1997 3. Nguyễn Hùng Hậu. Đại cương triết học Phật giáo Việt Nam. Nxb. Khoa học xã hội; H. 2002 4. Nguyễn Hùng Hậu. Triết lý trong văn hóa phương Đông. Nxb. Đại học Sư phạm. Hà Nội 2004.
Bình luận (0)