Tác giả: Dipen Barua
Việt dịch: Thích Vân Phong
Nguồn: Buddhistdoor Global

Bảo tháp Maha ở Thotlakonda. Từ wikipedia.org
Bảo tháp Maha ở Thotlakonda. Từ wikipedia.org

Các nhà bảo vệ môi trường ở Ấn Độ đang kêu gọi khôi phục khu phức hợp Bảo tháp Phật giáo Thotlakonda, trải rộng trên diện tích đồi 48ha, hướng ra biển và cách thành phố Visakhapatnam 15km - là nơi chứa đựng nhiều bằng chứng khảo cổ quan trọng về sự phát triển đỉnh cao của Phật giáo trong khoảng thời gian thế kỷ II trước và sau Tây lịch.

Các nhà hoạt động đang kêu gọi bảo tồn khu vực xung quanh, rộng khoảng 1.200 ha, đồng thời kêu gọi Cơ quan  Khảo cổ học Ấn Độ (ASI) điều tra sự hiện diện tiềm năng của các di tích Phật giáo khác trong khu vực. 

Nhà bảo vệ môi trường nổi tiếng đến từ Visakhapatnam, thành phố lớn nhất và trung tâm tài chính của bang Andhra Pradesh, Ấn Độ, Sohan Hattangadi cho biết: “Toàn bộ khu vực di tích Phật giáo này cần được bảo vệ và điều tra, vì có khả năng các tàn tích cổ nằm rải rác trên một số khu vực của ngọn đồi Thotlakonda, ngoại trừ nơi diễn ra cuộc khai quật đầu tiên” (Hindustan Times).

Nhà bảo vệ môi trường Sohan Hattangadi nhấn mạnh tầm quan trọng khảo cổ của địa điểm Đại bảo tháp Phật giáo Thotlakonda, được cho là một trong những trung tâm tu học Phật giáo cổ nhất ở Ấn Độ. 

Các cuộc khai quật tại Đại bảo tháp Phật giáo Thotlakonda đã phát hiện ra các bảo tháp được phụng thờ, những con đường lát đá, các gian thờ hình tròn, một phòng ăn và một nhà bếp. Các hiện vật bao gồm những đồ tạo tác vào thời Sātavāhana (thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên-thế kỷ thứ hai CN).

Khu phức hợp Đại bảo tháp Phật giáo Thotlakonda lần đầu tiên được xác định trong một cuộc khảo sát trên không của Hải quân Ấn Độ, được tiến hành để thành lập căn cứ. Hiện nay nó được công nhận là di tích được bảo vệ theo Đạo luật Di sản và Di tích Lịch sử và Cổ đại Andhra Pradesh năm 1960.

Từ atlasobscura.com
Từ atlasobscura.com

Nhà bảo vệ môi trường Sohan Hattangadi giải thích: “Địa điểm di tích Phật giáo cổ đại này được phát hiện tình cờ vào những thập niên 1870, trong một cuộc khảo sát trên không nhằm tìm kiếm địa điểm thích hợp cho việc thành lập INS Kalinga của Hải quân Ấn Độ. Các nghiên cứu sâu hơn của các nhà khảo cổ học cho thấy khoảng hơn hai nghìn năm về trước Phật giáo đã phát triển hưng thịnh ở vùng Visakhapatnam”. (Hindustan Times)

Theo nhà hoạt động môi trường nổi tiếng và sĩ quan IAS đã nghỉ hưu EAS Sarma: “Vào ngày 2 tháng 5 năm 1978, chính quyền bang Andhra Pradesh khi đó đã thông báo tổng diện tích đất là 3.143 mẫu Anh (1.272 ha) ở Thotlakonda là địa điểm khảo cổ Phật giáo và giữ nó dưới sự bảo vệ của nhà nước, khoa khảo cổ học. Bởi lúc đó nguồn ngân sách ít ỏi vì thế chính quyền chỉ có thể khai quật một phần hạn chế của địa điểm trên đỉnh đồi Thotlakonda, để lại khoảng 3.000 mẫu Anh (1.214 ha) diện tích còn lại được thông báo để thăm dò trong tương lai”. (Hindustan Times)

Vào tháng 7 năm 2021, chính quyền bang Andhra Pradesh đã hủy thông báo cho khu phức hợp Đại bảo tháp Phật giáo Thotlakonda, chỉ giữ lại 49 ha trên đỉnh đồi, có thể do áp lực về giá cả của bất động sản.  

Nhà hoạt động môi trường EAS Sarma cảnh báo rằng điều này có thể dẫn đến việc mất bằng chứng khảo cổ học, trong khi cựu giám đốc Khảo cổ học Nhà nước P. Chenna Reddy xác nhận rằng tình trạng thiếu nhân sự đã cản trở nỗ lực bảo vệ trong bối cảnh hoạt động bất động sản đã gia tăng đáng kể.

Cựu giám đốc Khảo cổ học Nhà nước P.Chenna Reddy cho biết: “Bộ máy điều hành đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân viên và không có cách nào chúng tôi có thể bảo vệ khu vực với sức mạnh hạn chế”. (Hindustan Times)

Nhà hoạt động môi trường EAS Sarma đã đề nghị chuyển địa điểm này sang Cơ quan  Khảo cổ học Ấn Độ (ASI) để nghiên cứu không xâm lấn, sử dụng hình ảnh vệ tinh và các phương pháp địa vật lý để khám phá bằng chứng khảo cổ học về nền văn minh Phật giáo hưng thịnh tồn tại ở đó khoảng  hơn 2.000 năm trước.

Khu phức hợp Phật giáo Thotlakonda Từ wikipedia.org
Khu phức hợp Phật giáo Thotlakonda Từ wikipedia.org

Ông nhấn mạnh rằng các kỹ thuật tương tự đã được áp dụng thành công ở Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya), địa điểm nổi tiếng do là nơi đức Phật đã giác ngộ dưới cây bồ đề, và chỉ ra rằng các cơ quan chuyên môn của Ấn Độ, chẳng hạn như Viện Nghiên cứu Cao cấp Quốc gia, có thể hỗ trợ Cơ quan  Khảo cổ học Ấn Độ (ASI) trong nỗ lực này.

Nhà hoạt động môi trường EAS Sarma chỉ ra rằng, từ năm 2000-2003, học giả nghiên cứu từ Đại học Michigan đã tiến hành một cuộc khảo sát kỹ lưỡng bề mặt của Đại bảo tháp Phật giáo Thotlakonda dưới sự hướng dẫn của Bộ Khảo cổ học bang Andhra Pradesh.

Tác giả: Dipen Barua
Việt dịch: Thích Vân Phong
Nguồn: Buddhistdoor Global